Tạp chí Sông Hương - Số 223 (tháng 9)
Mười lăm phút tiếp chuyện công dân Vĩnh Thụy sau ngày thoái vị ngôi vua (31-8-1945)
10:42 | 09/10/2008
LÂM QUANG MINHSau bao nhiêu sự kiện và bộn bề công việc cuốn hút anh em Thanh niên tiền tuyến chúng tôi trong những ngày lịch sử sôi sục khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế, có một câu chuyện mà suốt 60 năm qua tôi chưa có dịp nào chia sẻ và kể lại cho anh em bè bạn nghe. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ và câu chuyện trao đổi ngắn ngủi giữa hai công dân - một bên là tôi, một bên là công dân Vĩnh Thuỵ - ngay sau ngày lễ thoái vị ngôi vua hôm trước.
Mười lăm phút tiếp chuyện công dân Vĩnh Thụy sau ngày thoái vị ngôi vua (31-8-1945)

Số là sau cuộc mít tinh chào mừng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, chứng kiến lễ thoái vị và trao ấn kiếm của vua Bảo Đại cho đại diện Chính phủ vào ngày 30 - 8 - 1945, một số anh em TNTT, trong đó có tôi, được phân công vào canh gác trong Đại nội. Đây là một dịp hiếm có, không dễ gì ai cũng được vào tận Hoàng cung, nên mọi người đều náo nức, chọn bộ quân phục mới nhất, nai nịt chỉnh tề, chân đi ghệt, giày láng bóng, calô đội lệch trên đầu, thay khẩu mút-cơ-tông cổ lỗ sĩ bằng khẩu cacbin hay khẩu Brâuning Canada mới toanh vừa mới tước của 6 tên sỹ quan Pháp mấy hôm trước, trông ai nấy oai vệ như những chàng  ngự lâm pháo thủ trong sách truyện Pháp (mà nào đã ai biết ngự lâm pháo thủ họ ăn mặc ra sao?).

Tôi được phân công gác ở một Điện, nếu tôi không nhớ nhầm thì đó là Điện Kiến Trung. Còn đang đi lại nhìn cảnh vật xung quanh thì thấy một bóng người từ trong Điện đi ra, mặc bộ pigiama kẻ sọc, chân đi dép lê, từ từ tiến lại gần tôi. Tôi nhận ra ngay là người đã đọc bức thư thoái vị ngôi vua hôm qua, Hoàng đế Bảo Đại, nay chỉ còn là công dân Vĩnh Thụy. Thoáng một cái trong đầu tôi tự hỏi: xưng hô như thế nào đây: bẩm hay thưa? Ngài hay ông? Tôi chọn ngay: thưa ông.
Thấy tôi trong tư thế đứng nghiêm, ông Vĩnh Thuỵ chủ động hỏi bằng tiếng Pháp: - Pardon, qu’ est ce que vous faites ici? (xin lỗi, anh làm gì đấy?). Một thoáng phân vân, nên trả lời bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt? Tôi chọn ngay tiếng Việt: - Thưa ông, chúng tôi được phân công vào canh gác để đảm bảo trật tự an toàn trong Hoàng cung.
Thấy tôi hiểu và trả lời rành rọt, Vĩnh Thuỵ chuyển sang nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Pháp, lơ lớ giọng Huế: - Merci - Très bon (cảm ơn - tốt lắm). Anh ăn mặc đẹp lắm - Très élégant (phong độ lắm). De quelle unité? (thuộc đơn vị nào?).
Tôi trả lời: - Xin cảm ơn lời khen của ông. Chúng tôi là những sinh viên trường TNTTdo hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu trong chính phủ Trần Trọng Kim đứng ra thành lập - nay là lực lượng vũ trang cách mạng của Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế (sợ Vĩnh Thuỵ không hiểu rõ tôi dịch đoạn cuối ra tiếng Pháp: Maintenant nous sommes des forces armées révolution naires à la disposition du Comité révolutionnaire temporaire de Thừa Thiên - Huế).
Nghe nhắc đến trường TNTT, Vĩnh Thuỵ gật đầu: - Tôi có được ông Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hoè bẩm báo lên về ngôi trường này.
Bỗng như sực nhớ ra việc hạ cờ quẻ ly xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ trước cửa Ngọ môn ngày 21-8, Vĩnh Thuỵ vặn hỏi:
- Có phải hai người ra lệnh kéo cờ Cách mạng trước đây ở Ngọ môn là bạn TNTT của các ông không?
Đúng là cách đây mươi hôm, ngày 21-8, hai anh TNTT Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương được đồng  chí Trần Hữu Dực trong Uỷ ban lâm thời Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế giao nhiệm vụ tìm mọi cách hạ cờ quẻ ly của Nam Triều xuống, kéo cờ đỏ Cách mạng lên đỉnh cột cờ trước Ngọ môn. Hai anh đã khôn khéo thuyết phục và trực tiếp chỉ huy tiểu đội lính bảo vệ Kỳ đài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và tôi đã trả lời:
- Thưa ông, đúng là có hai anh bạn TNTT chúng tôi, theo lệnh cấp trên đã làm việc đó?
Và như để thăm dò phản ứng của Bảo Đại hôm ấy ra sao, tôi đặt câu hỏi:
- Thưa ông, hôm đó cấp dưới có bẩm báo lên ông sự việc ấy không? Và ý kiến ông như thế nào?
Ông ta không trả lời ngay mà đắn đo một lát mới nói:
- Hôm đó ông lãnh binh có bẩm với tôi, tôi có nói với ông ta rằng: Họ là người của Việt Minh đấy. Cứ để cho họ làm. Ta không cản trở được họ đâu.
Đúng là trong những ngày ấy, khí thế cách mạng sôi sục, uy tín Việt Minh mạnh mẽ khiến Hoàng đế cũng phải chịu bó tay.
Về sự kiện này, về sau trong bút ký của Đặng Văn Việt có một chi tiết lý thú, bộc lộ tâm trạng hoang mang bối rối của Bảo Đại trong thời khắc ấy: Trong buổi lễ thoái vị 30-8, tình cờ Đặng Văn Việt gặp viên lãnh binh chỉ huy đội cận vệ Hoàng gia (đội lính khố vàng). Ông ta bộc bạch: “Hôm nọ hai ông ra lệnh hạ cờ vua treo cờ Cách mạng lên cột cờ lớn. Thi hành nhiệm vụ bảo vệ Hoàng cung, tôi đã cho đại đội nằm rạp dọc thành cửa Ngọ môn, chĩa súng vào hai ông. Xin ý kiến Hoàng đế, ngài thét lên và bảo: Chớ, chớ, Việt Minh đấy, các người mà nổ súng thì Trẫm chết trước đó”...).
Trở lại câu chuyện giữa tôi và Vĩnh Thuỵ: Nhân nhớ đến buổi lễ thoái vị hôm trước, tôi nói:
- Hôm qua tôi rất thích bức thư Ngài đọc (lại là Ngài, tôi vẫn chưa quen với từ “ông”) bài văn ngắn gọn, ý tứ sâu sắc (ý tôi muốn nhắc đến câu: Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ). Có phải do Ngài tự mình viết hay qua một người khác dự thảo (thâm tâm tôi vẫn không tin là Bảo Đại có thể một mình nghĩ và viết nổi).
Lần nay ông ta thành khẩn bộc lộ, vẫn giọng cả Tây lẫn Ta:
- Jusqu’ ici, tous papiers (từ trước đến nay mọi văn bản giấy tờ) đều do ông Hoè viết rất tốt. Tôi rất phục ông ta. Lần này cũng vậy, tous est conforme à mes réflexions (tất cả đều phù hợp với suy nghĩ của tôi)...
... Tôi còn muốn hỏi ông nhiều chuyện nữa, nhưng không tiện kéo dài thời gian, vi phạm điều lệnh canh gác của quân nhân (như thế này cũng đã vi phạm rồi còn gì). Đang tìm cách rút khỏi câu chuyện, thì Vĩnh Thụy chủ động hỏi:
- Pardon, attendez moi une minute (xin lỗi, chờ  tôi một phút)
Ông ta vội vã vào nhà, đem ra tặng tôi một hộp nhỏ gọi là kỷ niệm cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi hôm nay.
Tôi đứng nghiêm, nhận quà, nói lời cảm ơn và lời từ biệt xã giao, hẹn ngày gặp lại, mà không tiện bắt tay.
Giở ra mới biết là trong hộp xinh xắn đó có bản đồ thành phố Hà Nội thu nhỏ, có in chi tiết cụ thể từng đường phố, từng vật thể rất sắc nét. Sau này, năm 1952, từ Liên khu 5 lặn lội ra dự chỉnh huấn chính trị và bổ túc quân sự ở chiến khu Việt Bắc, mừng rỡ gặp lại Nguyễn Thế Lương (Cao Pha) tôi tặng lại anh ta tập bản đồ đó, để ngày về tiếp quản Thủ đô có mà dùng đỡ lớ ngớ. Cho đến bây giờ không biết Cao  Pha có còn giữ nó không?

... Thú thật, qua tiếp xúc bề ngoài ban đầu ngắn ngủi với Vĩnh Thuỵ, tôi có một chút cảm tình với ông ta, cho là trong ông ta còn có một chút lương tri đang thức tỉnh, còn chút tinh thần dân tộc đang được khơi dậy, với sức mạnh giác ngộ cải tạo to lớn của Cách mạng, lại được may mắn gần gũi Bác Hồ mà ông ta kính phục coi như cha (theo thư ông ta gửi về Huế cho mẹ và vợ là bà Từ Cung và bà Nam Phương), hy vọng ông ta sẽ từng bước cải tạo thành người công dân lương thiện có ích cho xã hội xứng đáng là hậu duệ của Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Nhưng, như chúng ta đã biết, ông ta đã phản bội lại lời thề thiêng liêng trước Tổ quốc, cam tâm trở lại làm tay sai cho Pháp lần nữa (1949-1956) để rồi cuối cùng bị Mỹ Diệm hất cẳng, thất cơ lỡ vận, sống lưu vong vất vưởng trên đất Pháp, bạn bè xa lánh, vợ con ruồng bỏ, cho đến khi chết (1997).
Suy cho cùng, lời thề ta cho là thiêng liêng mà Bảo Đại trịnh trọng đọc trong buổi lễ thoái vị đâu có phải xuất phát từ trong tâm khảm của ông ta đâu, mà chỉ là sản phẩm “lời hay ý đẹp” của  ông Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hoè mớm cho ông ta đọc mà thôi.
Đà Nẵng, 2007
L.Q.M

(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cô bé mù (09/10/2008)