Tạp chí Sông Hương - Số 221 (tháng 7)
Nỗi buồn từ một ấn bản khoa học
14:49 | 16/10/2008
HÀ VĂN THỊNH Nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm Đại học Huế (ĐHH) Xây dựng và Phát triển”, ĐHH xuất bản Tạp chí Khoa học, số đặc biệt – 36, 4.2007.

Về mặt nguyên tắc, ai cũng có quyền hy vọng ở chất lượng cao - phản ánh, kết tinh những tinh hoa trí tuệ của nửa thế kỷ cống hiến của một đại học danh tiếng. Thế nhưng, điều đáng buồn, là cuốn Tạp chí còn có nhiều sai sót. Do khuôn khổ một bài báo có hạn nên chúng tôi xin dẫn một vài cái sai trong một bài được xếp thứ ba (trong tổng số 19 bài nghiên cứu “tinh hoa”), đó là bài: Huế, quá trình hình thành đô thị cấp quốc gia, đặc trưng, giải pháp bảo tồn và phát triển, in từ trang 25 đến trang 30.
Đọc qua tiêu đề, những nhà nghiên cứu tất nhiên phải rùng mình vì cái nội dung ghê gớm của những nào là “quá trình”, “đặc trưng”, “giải pháp” lại có thể được gói gọn trong hơn 4 trang giấy (!). Sự bỡn cợt với khoa học là thực chất của công trình này.
Thứ nhất, tác giả của “công trình”(chúng tôi buộc phải dùng chữ công trình - CT, dù không muốn) không biết dùng từ, không hiểu nghĩa của từ, không biết cách đặt câu. Chẳng hạn: “Phú Xuân trở thành kinh đô của vương triều Tây Sơn; một trung tâm chính trị cấp Quốc gia đầu tiên ra đời tại Huế”. Tác giả của CT không hiểu sự khác nhau giữa “cấp quốc gia đầu tiên ra đời tại Huế” với “cấp quốc gia ra đời tại Huế lần đầu tiên”. Nói như thế có khác gì sổ toẹt giá trị của Thăng Long để tung hô Huế lên ngất trời?

Thứ hai, một CT khoa học nhưng lại luôn luôn “hô khẩu hiệu” là “đặc trưng” của dạng “khoa học đặc biệt” này. Ví dụ, để ca ngợi Chúa Nguyễn, CT viết: “Chúa Nguyễn là triều đại mở đầu cho một tư duy chính trị hướng ngoại và tư duy về biển trong phát triển kinh tế và quốc phòng của nước ta”. Ở đây không cần bàn đến lẽ thế nào là “tư duy”, chỉ cần hỏi: Nếu không biết đối nhân, xử thế với nước người, làm sao có thể đánh thắng quân Nguyên, làm sao có thể đuổi được giặc Minh? Vậy thì Chúa Nguyễn mở đầu cái nỗi gì? Hay tác giả CT muốn đẩy WTO đến tận thời của Chúa Nguyễn? CT còn đưa các nhà nghiên cứu theo cùng với Huế lên... cung trăng (!) khi viết: “Huế là nơi đóng tàu viễn dương... để những chiếc tàu này đưa người Việt sang tận châu Âu để thăm dò tình hình thế giới...” Một chiếc tàu viễn dương được đóng ở Đập Đá hay Kim Long thì không đủ mớn nước để hạ thủy đâu! Huế thời ấy, trên sông, chỉ rộng đến chừng đó. Tác giả CT căn cứ vào đâu để khẳng định Huế từng đóng rất nhiều tàu viễn dương? Nếu đóng thì đóng ở chỗ nào, lúc nào? Có nước nào đóng tàu viễn dương chỉ để đi sang châu Âu làm gián điệp hay không?...

Thứ ba, CT khoa học nhưng lại bị ám ảnh bởi những bóng đen của cái sự... “chạy”. CT viết: “... việc Huế được công nhận là đô thị cấp Quốc gia là một cố gắng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình chuyển mình thoát khỏi danh sách các tỉnh lẻ và là một nỗ lực không ngừng của bản thân thành phố Huế để được xếp vào cấp đô thị loại cao nhất nhưng chưa trực thuộc trung ương”. Xin thưa với tác giả của CT là, tỉnh lẻ có gì là xấu mà phải “thoát”? Tiếp đó, cũng xin thưa rằng, do chưa là “của trung ương” nên đến nay, Huế vẫn thuộc về... tỉnh lẻ! Đọc đoạn văn trên, có cảm tưởng như là Huế đã và đang “chạy” để thoát khỏi một tai ách nào đó chứ không phải là một thành phố được thừa nhận bởi tính khách quan, biện chứng của thực tiễn, khoa học. Nếu thành phố Huế “nỗ lực”; tỉnh Thừa Thiên Huế “cố gắng” thực chất, tại sao lại có đoạn văn này: “Sự tùy tiện, đóng cửa và dốt nát của nhà quản lý và quy hoạch Huế hiện nay là đồng nghĩa với tội phạm cần phải lên án” (?).

Câu trên có rất nhiều những điều nghiêm trọng. Đã là nhà khoa học, nhất thiết phải chỉ rõ sự dốt nát hay đóng cửa, cụ thể là những cái gì? Một khi đã là “hiện nay” tức là đã và đang xảy ra; vậy, nguồn để quy kết “tội phạm” là ở đâu? Coi việc quản lý và quy hoạch (tức UBND tỉnh TTH, UBND thành phố Huế) là tội phạm thì phần “thoát” ở trên có phải là phản đề hay không? (Xin nhấn mạnh rằng ấn phẩm mà chúng tôi có trong tay đã được chính tác giả của CT đọc kỹ, dự Hội thảo khoa học trước đó, tức sai lầm và kém cỏi trước hết thuộc về tác giả, người phản biện; chứ không hoàn toàn thuộc về Ban biên tập Chuyên san của ĐHH).

Thứ tư, có những câu văn tối nghĩa kiểu hội hè: “Ngày xưa vua chúa tập trung trí tuệ, nghệ nhân trong nước và mời chuyên gia nước ngoài về Huế để xây dựng thủ phủ, kinh đô. Thì ngày nay việc bảo tồn, tôn tạo di tích Huế cũng phải huy động sự đóng góp trí tuệ, tay nghề giỏi trong nước và thế giới”; hoặc “...phù hợp với một thành phố di sản giàu nhân văn”. Thì ra ngày nay cũng giống như ngày xưa trong chuyện “giải pháp”? Chẳng lẽ ngày nay cũng có vua, có chúa hay sao? “Giải pháp” mà giống y chang với ngày xưa thì “giải pháp” cái kiểu gì? Viết như thế, người đọc có cảm giác chỉ có riêng Huế mới “giàu nhân văn” còn các thành phó khác là bụi, là rác, là không có nhân văn? Nếu cộng thêm lẽ mù mờ, chính tả sai của câu văn trên, sự hiểu thật giống với cõi mịt mịt...

Thứ năm, phàm luận, sàm ngôn, giả chứng là điều tối kỵ của khoa học, nhưng CT không hề muốn biết đến nguyên tắc đó. Trang 25 viết: “Quá trình hình thành trung tâm chính trị Phú Xuân - Huế là quá trình xác lập trung tâm chính trị cấp Quốc gia và mang tầm vóc quốc tế” (viết hoa chữ “Quốc” trong nguyên bản). Người đọc không hiểu nổi tác giả CT muốn đưa Huế lên sao Kim hay sao Thổ? Nếu nói một Di sản văn hóa lại có “tầm vóc trung tâm chính trị quốc tế” thì chỉ có trời mới hiểu; vì Huế, từ năm 1885, chỉ là một trung tâm chính trị “đã từng là...” Chính xác, Huế là trung tâm chính trị quốc gia từ 1802 đến 1885. 83 năm với một nền chính trị lầm lạc, bảo thủ; là thời gian không đủ để “mang tầm vóc quốc tế”. Chưa nói đến chuyện, tiêu chuẩn của một thành phố có “tầm vóc quốc tế” là những gì? Thậm chí, CT còn làm cho người đọc ngỡ ngàng khi phán chắc hơn cua gạch rằng “Sông Hương cũng là một kiệt tác của thiên nhiên, là con sông đầu tiên của thế giới được UNESCO gợi ý lập hồ sơ công nhận di sản của thế giới” và, kinh thành Huế là “tuyệt tác của kiến trúc quân sự Việt Nam”(?). “Tuyệt tác” thì để cho các nhà mỹ học bàn, nhưng về quân sự, theo chúng tôi, kinh thành Huế là một trong những thành quách dễ đánh chiếm nhất trên thế giới này. Còn nói sông Hương là “con sông đầu tiên của thế giới được gợi ý” thì sai hết biết! Tác giả CT chắc chắn không biết rằng trong 830 Di sản thế giới ở 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 162 Di sản thiên nhiên với rất nhiều dòng sông được xếp hạng từ lâu như sông Seine (1991); sông Amazon (2000); nguồn của 3 dòng sông lớn ở Vân Nam (2003)...

Khoa học, dù bất kỳ ở đâu, lúc nào; cũng phải tôn trọng những giá trị nguyên khởi, bất biến của nó. Cách hành xử của “khoa học” trong trường hợp này là coi thường, xúc phạm đến hàng ngàn nhà khoa học chân chính của ĐHH. Sự vô trách nhiệm là không thể biện minh. Sự coi thường những người khác là không thể khỏa lấp.
Câu kết của CT viết: “Di sản văn hóa Huế tồn tại trong khi nhiều thế hệ đã đi qua. Chúng ta nhận di sản Huế từ ông cha trong quá khứ thì chúng ta phải biết làm cho di sản Huế ngày càng đẹp hơn, sang trọng hơn; đó là lương tâm, là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm công dân, là thước đo để đánh giá văn minh của thời đại; để chúng ta trao cho tương lai một tài sản vô giá mà không hổ thẹn vì sự đóng góp xứng đáng của thế hệ hôm nay”. Nếu “sang trọng” là “thước đo của văn minh” thì những người lao động vất vả, lam lũ chẳng bao giờ có phần (!) Thực tình, đọc một CT có “đóng góp hô khẩu hiệu” kiểu đó, không ai là không khỏi cảm thấy hổ thẹn!
Cái vỏ của khoa học đã sai, cái ruột còn tắc trách hơn. Một khi bền chắc như cái mai rùa, bảo thủ như lớp da dày khó xuyên thủng của thiển cận, mà còn hư; thì, ruột đã nát mất rồi...
                               Huế, tháng 5, 2007
H.V.T

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ EILEEN HEANEY (16/10/2008)
Chùm thơ Mai Linh (16/10/2008)