Tạp chí Sông Hương - Số 221 (tháng 7)
Chiếc bài ngà phiêu lãng (1)
15:32 | 16/10/2008
TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)


1/ Tiếng động một vật rơi xuống chân khiến Ngạn trở về thực tại.
Anh giật mình, vẫn không nhướn mắt lên nổi. Âm thanh rù rì của quạt máy trộn lẫn tiếng người, tiếng thiết bị từ giàn loa hội trường chát chúa váng óc. Cơn sốt bất chợt từ trận giông hôm trước, nay dường như đã bắt đầu thuyên giảm. Ngạn thấy thèm một bãi cỏ xanh lộng gió nào đó, một bờ sông quạnh hiu, mênh mông... thật nhiều mây trắng.
Người bên cạnh Ngạn ngừng ghi chép một chút, tỏ ra hơi phiền hà.
Sau cùng không thấy động tĩnh gì, gã ta đành lịch sự cúi xuống nhặt giùm vật rơi. Tập tài liệu và cuốn sách. Mỗi thứ nằm một nơi loà xoà ngay dưới chân Ngạn. Gã liếc mắt qua trước khi đặt lại vào tay khổ chủ. Ngạn uể oải cảm ơn trong khi gã ta nghiêng người thân thiện:
- Ra là có tham luận mà quên luôn hà. Hình như tới thứ tự tên ông đăng ký, ban tổ chức tưởng không có mặt sau mấy lần nhắc lại. Ấy, đến bây giờ thì đã tổng kết. Mục tham luận qua rồi!
- Đầu tôi xoay chong chóng. Khi vào đến đây thì... Xin lỗi. Thôi thế, vẫn có thể đóng góp qua văn bản hoặc dưới một hình thức khác...

Mặc cho gã ngạc nhiên nhìn từ trên xuống dưới, Ngạn cố ngồi dậy và ngó quanh hội trường. Cuộc hội thảo không riêng cho ngành nào, đúng tầm mức một danh nhân đa tài dưới triều nhà Nguyễn. Người vào dự thính nhiều nhất vẫn là sinh viên. Nhà hát lớn thành phố chật cứng. Anh rời ghế bước ra ngoài hội trường. Lững thững dừng lại trước sảnh đường nhà hát, Ngạn sảng khoái hít thở không khí trong lành. Cơn ngầy ngật biến đi đâu mất. Trước mắt anh là tấm “băng rôn” chói nắng với hàng chữ chân phương trang trọng:
Hội thảo về danh nhân Nguyễn Công Trứ - Tài hoa và sáng tạo - Người phiêu bồng giữa quyền uy và nghệ thuật”.

2/ Đạp chiếc xe lọc cọc về hướng bờ sông, Ngạn không biết đi đâu.
Mặt nước xanh trong như ngọc bích dưới nắng chiều hè. Gió đem theo hơi nước mát rượi vào tận linh hồn. Một mình men theo dòng sông. Không rõ khi nào Ngạn chợt thấy mình đang tiến gần một bãi cát sạn, bờ lô và mấy chiếc đò cập bến. Mây trắng đầy trời, gió lộng và cỏ xanh. Mặt nước đang dạt dào lung linh loé nắng. Một tay quần đùi vạm vỡ, mình trần trùng trục đen bóng mồ hôi nhảy huỵch từ trên đò xuống. Hắn khệnh khạng đi lên.
- Ê, chủ bãi đây. Cần chi có nấy. Toàn loại một không hà.
Hắn nói rôm rả mà mắt chẳng thèm nhìn người. Có lẽ chiếc xe đạp chẳng khiến ai hào hứng. Đợi đến khi Ngạn quay sang chăm chú và tỏ vẻ ngờ ngợ... Hắn bỗng la lớn và chụp vội lấy tay anh:
- Hê, thầy Ngạn chớ ai. Thằng vạn đò thầy nhớ không? Em... Vầm đây.
Ngạn gật đầu bông lơn, chỉ tay về phía chiếc đò:
- Ừ, mà nhớ làm gì. Có chiếc đò chạm mắt thuồng luồng tổ bố quên sao được. Ra là mày đã lên chủ bãi, tao được mày… nhớ vớt gọi là quý.

Gã chủ bãi nổ ra cười sằng sặc. Hắn chụp chiếc xe đạp đẩy bừa đi như kẻ cướp, miệng la lớn ra lệnh, vừa mời khách:
- Nghe đây, ông thầy tao tới. Chiều ni đặc biệt. Dẹp... Dẹp hết lập tức để tao mời khách. Vào nhà đi thầy. Không mấy thuở.
“Nhà” của hắn tròng trành trên sóng nước. Một đám thanh niên chờ việc đang nằm ngồi, vui chơi gì đó. Tất cả đều đen đúa, vẻ dữ dằn nhưng Ngạn biết chúng chất phác, vất vả suốt ngày dưới nước. Đại đa số cư dân trên các vạn đò đều thất học trầm trọng. Vầm từng ở trong số đó.

Trước đây, Ngạn có tham gia phong trào xoá mù nên không xa lạ gì. Kể từ khi thành phố quy hoạch lại cảnh quan du lịch, các vạn đò giải tán lên đất liền định cư đây đó... họ lại càng ngơ ngác, lúng túng trong việc mưu sinh. Những kẻ vốn quen nghề hạ bạc nhiều đời từ tổ tiên lưu lại. Vì thế, hoán cư nhưng bất hoán nghệ. Dẫu chỗ ở đã phải đổi thay song chẳng dễ có nghề mới trong một sớm một chiều. Lặn... cát sạn. Nghiệp dĩ truyền đời, riết chỉ giúp cho đám chủ bãi trên bờ nên nhà cao cửa lớn. Cái nghèo của dân vạn đò không kém vùng sâu, xa hẻo lánh. Oái oăm thay có khác chăng ngay giữa lòng đô thị, trên một dòng sông đã quá nổi tiếng từ thơ, nhạc. Với dòng sông này, họ gần gũi biết bao nhiêu? Lạ lùng thay, có thể vẫn cách xa hơn ai hết. Bao mái trường ẩn hiện trong tầm mắt từ con đò chỉ vài ba bước nhảy. Thế, khi cái nghèo đã “đội đá” lên đầu thì “Còn nói chi được thầy ơi. Suốt đời ông tới đời cha, đời con cháu chỉ lặn hụp, đội rổ sạn trên đầu mà… lên”. Hồi ấy Vầm quá nản lòng trước mấy cuốn tập vần, học chung với đứa con. Những người như Ngạn chỉ còn biết thở dài không biết nói sao. Hắn thật thà “Chữ nghĩa ra ngoài da như các thầy đã giàu có chi mô? Còn thằng em đội cát sạn xong, chỉ một việc say oắt… cần câu mai lặn tiếp. Trời đã cho gạo chợ nước sông. Là rứa đó rồi không sướng chi, cũng chẳng lận đận… đường đời”. Thế mà bất ngờ thật, thằng này đã “lên bờ” thành chủ bãi. Nhà cửa nghiêm chỉnh, hắn mua mấy chiếc đò làm công cụ sản xuất. Tự trong đáy lòng, con đò mới đích thực là ngôi “nhà” của hắn.

Vầm sai đàn em trải chiếu, phân phó nhỏ to với nhau một hồi và lật đật mời Ngạn ngồi vào khoang. Hắn mím môi… tư duy chút đỉnh, gật gù ra vẻ sắp nói điều đắc ý, trang nghiêm:
- Thằng em nói nghe được không? Là hồi nớ ông thầy ước chi đêm sáng trăng ngồi lơ lửng trên đò. Câu mấy con cá dưới sông, uống vài ba chung rượu làng Chuồn. Cho... là không thú chi bằng. Chừ gặp trăng rằm đêm ni còn đợi khi mô? Cứ để thằng em mời thầy lai rai chuyện đời tới sáng “trợt độn” thì về. Không mấy thuở. Thầy ở lại dứt khoát đi thầy.
Ngạn bất ngờ hào hứng:
- Kia à… Mày vẫn nhớ. Tao đã muốn nằm khoèo xuống đây cho khoẻ cuộc đời. “Đạt” quá. Mày hơn tao xa... Xa lắm... Vầm ơi.
Gió lồng lộng tuyệt vời, ru ngủ. Không nghe tiếng chủ đò đáp trả.

Hình như hắn vui mừng, cảm động lại chạy đi loay hoay sắp đặt. Mặc kệ hắn, Ngạn vớ ngay chiếc gối kê đầu lên mạn đò lắng nghe sóng nước vỗ óc ách ngay dưới thân mình. Anh lim dim mắt mơ màng, dần dần mất cả ý niệm thời gian. Cảm giác lơ mơ đò đang trôi giữa một xứ miền hết sức thân quen, vừa vô cùng xa lạ. Ngạn chợt thấy mình thênh thang như đang trong một cơn mộng huyễn hoang đường… Cõi lòng khinh linh như khói toả sương lan... vật vờ trên sóng nước?

3/ Trăng sáng như gương. Phía trước là một con đò lớn bồng bềnh treo đèn lồng ngũ sắc. Tiếng cầm ca dập dìu mỗi lúc một rõ hơn. Con đò ấy không tới gần. Nó đang neo. Rõ ra, đò thằng Vầm đang dần dần trôi về phía ấy... Ngạn thấy đủ bốn người trang phục nón dấu áo nẹp, quấn xà cạp chân như lính lệ ngày xưa. Họ đều mang gươm, đang chia nhau đứng đối diện hai bên ngay trước khoang đò. Tiếng cầm ca dập dìu từ bên trong vọng ra, liên miên như nước chảy…
Ồ, “Tương Tư khúc”. Ngạn bồi hồi tự nhủ. Một giọng nữ trong veo, nhẹ hơn gió đang vút lên như cánh hạc bên trời. Tiếng thập lục đưa theo cứ ngỡ ngọc châu chạm vào nhau thánh thót. Ai thổn thức ai? Ngạn chồm dậy để nhìn rõ hơn, tự nhiên lòng nhói theo tâm sự ca nhân. Gần mà như xa? Anh cố nhoài người ra ngoài mạn, nhưng vẫn không thấy được trong khoang con đò kia còn có những ai... Đột ngột, một giọng nói hào hùng vang lên và sau đó là tràng cười làm lung lay bóng nguyệt:
- “Giai nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Tâm sự giai nhân xưa nay… Cũng là tâm sự của những bậc tài hoa anh kiệt. Nàng khóc bằng lời ca ư? Ta cười ư? Cười và khóc có khác gì chăng, với những người cùng lắm nỗi truân chuyên? Ha ha...

- Đa tạ Tướng công. Với thiếp khóc để còn lại bài ca, khác thế nhân ca… mà y như tiếng nấc não nùng. Với Tướng công khóc mà rồi nên giọng cười hào hùng, khác thế nhân cười… trên đã nhiều tiếng khóc bi ai.
Tao ngộ tri âm, thiếp xin đầy một chung tiến tửu. Cung thỉnh...

Bất chợt, một vệt như sao băng liệng vút khỏi khoang đò, chiếc chung bạch ngọc chao nghiêng trên sóng nước, mất tăm.
- Rượu mời, ta uống cạn những chung bạch ngọc kia. Hãy để cùng dòng đời... trôi đi, đừng lưu luyến. Nàng thứ lỗi cho ta. Sau một thoáng ngập ngừng im lặng, giọng ngọc đã vang lên:
- Thiếp hiểu. Chung chỉ là bên ngoài, rượu mới ở bên trong. Ồ, hãy để cho chức danh Tướng công ấy trôi đi. Vâng, bây giờ thì không còn ai Tướng công, cũng chẳng còn người hầu hạ. Chỉ có thiếp và... chàng là hội ngộ tri âm. Đời người dẫu dài như sông kia ư? Lắm khi vẫn chỉ là bất hạnh. Sông có biển đợi chờ. Người bất hạnh tìm tri âm không dễ.
- Ha ha. Ta là... biển của nàng. Phải rồi, ta không phải... Tướng công. Là tri âm của nàng, ta phải quên quyền uy đi để trân trọng tiếng tơ lòng. Là tri kỷ của ta, nàng không làm người hầu kẻ hạ. Ồ, quyền uy ư?
Run sợ chứ đâu phải là rung cảm. Nghệ thuật ư? Rung cảm chứ không cần run sợ. Nàng nhìn đi! Hai bên ta, vẫn là hai bờ hiện thực. Nghệ thuật với quyền uy. Nhưng có những khoảnh khắc... để đi vào tuyệt đối. Ta...
- Vâng, giữa hai hiện thực kia, trong đêm nay, chàng được một mà thôi. Thiếp hiểu. Tất nhiên, không thể ở hai bờ cùng một lúc. Nào, chất men này chỉ dành riêng cho những người biết uống? Đó là men của thứ rượu… chẳng cần chung. Ôi, danh chàng và phận thiếp. Những đa đoan do đời người trói buộc. Dù chỉ một đêm nay. Hãy cùng nhau buông bỏ…
- Quyền uy ư? Tủi nhục ư? Là cười, khóc của ba vạn sáu ngàn ngày trên nhân thế. Đâu đơn giản chỉ bay bổng tuyệt vời hay còn đó nỗi trầm luân đoạ lạc. Ha ha... Ta tự hào từng, và sẽ đi qua hết thảy. Song sau rốt để làm gì? Hay là kẻ ở lại… một trong hai điều quanh quẩn ấy. Vị đại quan ngồi hoách lác lọng điều chăng? Hoặc cúi xuống co ro trong tấm thân tốt đen dầm sương gió. Nhưng, rồi sẽ phù phiếm biết bao nhiêu?
Sau... ba vạn sáu ngàn ngày kia, chẳng công ích gì đem lưu truyền nhân thế cả. Dẫu tủi nhục hoặc quyền uy, đều phải trở về... cát bụi. Ha... ha... Nàng và ta đều có một hạnh phúc mà phàm nhân không bao giờ ngờ nổi. Là tri kỷ, tự nhiên nàng chẳng cần ai cắt nghĩa...
- Vâng, tất cả đều trở về cát bụi, song đã mấy ai... không lảng tránh điều này. Trốn chạy ấy, hiện thân là đau khổ. Chàng và thiếp hạnh phúc bởi đâu cần đợi đến lúc trở về kia... Cũng đã quá thân quen cùng cát bụi. Bởi cát bụi đường đời là vốn liếng để hành trang... Trở về cát bụi ư?
Ồ, chưa hẳn ở khoảnh khắc sau cùng như thế nhân từng hiểu. Có khác, đây là cuộc trở về bên những nỗi truân chuyên... Những đớn đau tủi nhục âm thầm còn vùi sâu dưới mấy tầng nhân thế. Cát bụi phận người đang sống.
- Ôi, không sai. Quả là tri kỷ giữa muôn ngàn dâu bể. Suốt đời ta... Rút cục chỉ điều này ân hận. Sao không phải sớm hơn... Để bây giờ mới cùng nàng tri ngộ...? Người như nàng mới hiểu hết lòng ta...
- Hạnh phúc đâu để nói muộn màng. Hai cõi lòng đồng điệu đủ để người như chàng tiếp tục ruổi dong vào dâu bể. Người như thiếp còn biết ngẩng đầu lên khi nghẹn ngào lưu lạc chốn trần ai. Mới hay rằng, dù lấy cát bụi để hành trang, đừng quên ươm hạnh phúc. Để cảm kích tri âm, thiếp trân trọng xin học chàng... quăng chén. Nhìn kìa... Cùng trôi đi bên danh chàng là… phận thiếp. Rượu đã uống xong. Xin đành cam thất lễ...

Lại một vệt sáng như sao băng liệng vút khỏi khoang đò. Chiếc chung bạch ngọc thứ hai biệt tích. Ngạn bàng hoàng tiếc rẻ. Hai chiếc chung kia không phải tầm thường. Anh đoán, chắc chắn chúng đều chìm ở một nơi không thể cách xa nhau. Thằng Vầm... Thằng chuyên nghề lặn sông đâu rồi? Sao hắn lắc đầu cười chế giễu phía sau anh? Ngạn thấy nổi nóng, nói câu gì lầm bầm trong cửa miệng “Cát sạn mà làm gì? Chỉ tài cỡ mày thôi, thằng khác sẽ giàu to. Lặn tới bùn được không”. Vầm cứ xuỵt xuỵt, chỉ tay ra đằng trước “A, thằng xấc. Mày cóc cần thời cơ”. Ngạn vội vã quay lại hướng có đèn lồng ngũ sắc. Kia rồi...

Một người đàn ông cao lớn, uy nghi vừa bước ra trước khoang đò.
Bộ râu đẹp, không dài không ngắn càng khiến ông tăng thêm phần khôi vĩ ngang tàng. Khăn xếp trên chiếc trán cao ngất ngưởng, áo the và bài ngà trước ngực, ông chắc là vị đại quan với giọng cười sang sảng… Người mà cá nhân vừa xưng tụng Tướng công. “Oai thật”, Ngạn trầm trồ. Con mắt ông quả là bất phàm, vừa nghiêm nghị vừa như ẩn chứa nụ cười tươi.
Bốn người lính đứng yên như tượng. Vị đại quan không hề ngắm trăng. Ông ngưng cười, nhìn đăm đăm người thuộc hạ gần nhất. Chiếc nón dấu quá nhỏ không đủ che hơi sương đang đẫm ướt hai vai.
- “Bất biện phong trần sắc. An tri thiên địa tâm” Không nhuốm vẻ gió bụi cuộc đời… Sao thấu hiểu lòng trời đất? Lúc hiểm nguy, bộ tốt đã cùng ta sinh tử. Ngay khi vui, các ngươi cứ lam lũ thế này ư?

Im lặng. Bốn người lính vẫn không dám ngửng đầu. Sau cùng, vị đại quan… cởi chiếc áo the, lột khăn xếp trên đầu xuống. Ông từ tốn gấp tất cả - những nghi biểu đại quan - đặt hết thảy vào tay người lính. Bây giờ trông ông còn trẻ trung hơn với bộ đồ chẽn mặc trong rất tuấn nhã.
- Hãy đem đặt ngay ngắn lên án thư ở công đường Phủ Doãn.
Còn đêm nay nơi đây sẽ không có mệnh quan nào. Vậy thì chẳng ai hầu hạ ai... Các ngươi cứ lui về Phủ Doãn. Ta cho phép... Đi đi.
Người lính khom lưng xuống, ngạc nhiên nói như khóc:
- Không dám. Bọn thuộc hạ của đại nhân xưa nay vẫn một dạ trung thành. Nếu sơ suất e tội lớn khó dung tha. Người... Người nỡ nào vất bỏ các tay chân...
- Ồ, sáng mai đại nhân các ngươi vẫn có mặt ở công đường.
Khi ấy chẳng ai ngăn các ngươi làm nhiệm vụ. Ta không dùng quyền uy trước mắt người tri kỷ. Ta chỉ hết lòng vì tao ngộ đêm nay. Đừng khiến ta phải ra oai trong những khoảnh khắc hiếm hoi này. Đi đi. Hà tất...

Có tiếng cười hinh hích, tinh nghịch đâu đó của thằng Vầm làm ngạn bực mình vung tay, muốn bảo hắn im đi. “Biết thế quái gì mà cười”.
Bốn người lính lần lượt bước xuống chiếc ghe nhỏ một bên con đò lớn. Gió lồng lộng trên mặt sông. Người lính ôm y phục trên tay lóng cóng vì việc làm mà nằm mơ, y cũng không thể nào ngờ đến. Vốn sinh ra để phục tùng và hầu hạ, nay bọn họ như đang hụt hẫng một phần hồn. Y cảm thấy bất an… “Tri kỷ là thế ư? Mới chỉ phút giây tao ngộ, họ đâu đã từng vào sinh ra tử với nhau”. Y dừng lại, nghĩ không dám nhiều hơn. Thưa bẩm và phục tùng, đó mới là nhân cách và giá trị đích thực suốt đời y. Đột ngột, gió xoay ngược đầu ghe. Y hụt tay, chao đảo làm xổ tung y phục trên tay. Một vật cứng, nhỏ vừa rơi xuống dòng sông. Chiếc bài ngà đính trên ngực áo thâm mất dạng. Run người, y chết điếng. Vị đại nhân nhìn thấy. Ông ngạc nhiên vì luồng gió mạnh ào qua song giọng nói vẫn như thường:
- Đó là vô tình, không phải lỗi các ngươi. Chiếc áo ấy cũ rồi nhưng đã theo ta trong nhiều bước truân chuyên. Đôi khi... không nỡ nào thay bỏ dẫu đã sờn phai theo tuế nguyệt. Còn bài ngà kia ư? Hãy để dòng sông này lưu giữ mãi giùm ta. Chức Phủ Doãn bao lâu? Vẫn chỉ là khoảnh khắc trong giới hạn một đời người. Song, kỷ niệm đẹp cùng với tuổi tên ta sẽ còn lại ở đất này. Ha… Ha... Kỳ diệu. Đấy mới thật chứng tri từ... sông núi. Thợ điêu khắc sẽ làm ra cái khác. Nhưng ở đây... Ha... Ha... Là chiếc bài ngà vĩnh cửu của đời ta. Ta phiêu bồng trên dòng đời. “Ngươi” phiêu lãng dưới dòng... sông.

Ông cả cười đầy cao hứng, ngón tay vẫn chỉ thẳng xuống dòng sông. Bốn người lính ngơ ngác nhìn nhau, cởi dây ghe rời đi. Phút chốc bóng họ nhạt nhoà trong màu trăng dát bạc. Tiếng cầm ca lại dập dìu. Giờ đây giọng ngọc man mác như thu phong hiu hắt:
-“Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi” Chẳng là bao rồi đầu bạc như vôi… Chàng có biết liễu xanh bên tường gọi… Nẻo phong trần từ độ rẽ đường ngôi… Ai chăng tá? Khúc cầm ca mấy nỗi… Thôi thì thôi Phượng Cầu Hoàng lạc lối…Đàn Bá Nha lưu lạc chốn mua cười… Chung rượu ố rưới xuống lò hương nguội… Người tri âm biền biệt bóng chiều trôi… Bao lần nuốt lệ đầu môi…
- Nàng khiến ta đau lòng... Hoàng Hà xa diệu vợi. Xin thay bằng hai tiếng Hương giang. Ồ, nàng cứ khóc cho vơi. Những giọt châu kia không dễ gì để thế nhân nhìn thấy. Đã bao nhiêu lần nàng nuốt lệ vào trong... Hãy để ta được hôn vào hai dòng châu lệ ấy. Ôi, tài hoa phận bạc.

Ngạn bàng hoàng. Anh như thấy được hai bàn tay búp măng trên phiếm đàn đẫm nước mắt sau lời ca quặn thắt. Gió lồng lộng mặt sông như nổi sóng. Con đò ngũ sắc xoay chiều. Vẫn che đi tầm mắt. Hai bóng người in lên khung, tựa vào lòng nhau mà bài ca dường như bất tận, cứ tuôn trào.
Tiếng thập lục không ngừng, như gió như mưa. Bóng cao lớn đang nhẹ nhàng cúi hôn lên chỗ tối... Ngạn xúc động, quay mặt đi. Trăng lộng lẫy.
Tất cả chìm ngập giữa lời ca. Không Thời gian ngưng đọng.
Hai nỗi lòng như một. Kẻ đại quan, người ca kỹ. Ôi, sá gì giai cấp cách biệt cuộc đời? Điều kỳ diệu nào ở đây đã xoá đi biên giới ấy?
Mấy bản cầm xoang rung động cõi lòng... Một đôi khúc thi ca lưu truyền nhân thế... Vài ba chung rượu nhạt nhưng đủ cả cay đắng mặn nồng. Và, cần nhất - đâu thể thiếu - đôi con tim nhiều nhân ái, cảm thông. Vâng, với chừng ấy thì giữa nhân gian nầy vẫn không hề diệu vợi quá tầm tay.

(xem tiếp trang 2)

Các bài đã đăng