Tạp chí Sông Hương - Số 220 (tháng 6)
Chuyện của ngày xa
08:51 | 17/10/2008
XUÂN TUYNHĐầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, tên tuổi của Lê Thị K. xuất hiện trên báo chí được nhiều người biết tới. K. nhanh chóng trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Với các bài thơ: “Cỏ”, “Gần lắm Trường Sa” v.v... Nhiều nhà phê bình, nhà thơ không tiếc lời ngợi khen K.

Ngày ấy đọc tên Lê Thị K. trên báo chí tôi bỗng có linh cảm đây là K. -cô gái tôi quen biết ở Vũng Tầu sau ngày giải phóng miền . Tôi khao khát được gặp K. lấy một lần để chứng minh cho điều linh cảm của mình. Nhưng cuộc sống bận bịu với bao công việc tôi chẳng có thời gian vô thành phố Hồ Chí Minh để gặp K. - Nghĩ đi rồi cũng phải nghĩ lại: vượt qua ngót ngàn cây số vô tìm kiếm một người mà mình chưa xác định rõ có phải đó là người thân không kể cũng kỳ. Không khéo người ta lại bảo mình là kẻ khùng. “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.

Được tin đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ra Nha Trang dự trại sáng tác; trong số mười lăm người có tên nhà thơ Lê Thị K., tôi liền phóng xe máy sang ngay. Người đầu tiên tôi gặp là nhà văn Trần Thanh Giang, trưởng đoàn. Nhà văn Trần Thanh Giang lúc này đang có mặt ở hội trường nhà sáng tác làm công việc chuẩn bị cho buổi lễ khai mạc trại. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, tôi vô đề ngay:
- Xin anh cho biết: Hiện giờ K. ở phòng nào?
Nhà văn Trần Thanh Giang suy nghĩ giây lát rồi vui vẻ nói:
- Ở phòng nào thì mình không rõ, muốn biết cụ thể phải hỏi lễ tân. Nhưng hiện giờ K. cùng với đoàn đang đi tham quan chiều mới về.

Chiến dịch tổng tiến công nổi năm một ngàn chín trăm bảy lăm, Sư đoàn ba Sao Vàng của tôi đang đóng quân ở Bình Định, được Bộ Tư lệnh Mặt trận điều vô giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận và phối hợp với Binh đoàn Hương Giang tiến vô giải phóng Sài Gòn, dinh luỹ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Sư đoàn tiến quân vô tới Long Khánh thì vấp phải sức kháng cự điên cuồng của địch. Chúng có trọng pháo, có máy bay yểm trợ. Quân ta hy sinh khá nhiều ở đây. Bên cạnh quân chủ lực, địch còn có cả một lực lượng dân vệ dày đặc, tuyệt đối trung thành với Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà; bọn họ toàn dân Bắc di cư vô năm 1954. Bộ đội của Sư đoàn phải chiến đấu cam go, tổn nhiều sinh lực mới chiếm giữ được từng tấc đất ở trong tầm kiểm soát của địch. Ngày ấy tôi đang trực ban tác chiến ở Sở chỉ huy Sư đoàn, đóng ở một làng trong bìa rừng của huyện Long Khánh.  Hàng giờ lại được nghe báo cáo của các Tiểu đoàn, Trung đoàn ngoài mặt trận điện về: “Dân Bắc 54 ở đây chống đối dữ lắm. Xin Bộ tư lệnh cho nã pháo lớn vô làng, giải vây cho bộ đội xông lên!”. Sau mỗi bức điện như vậy, Bộ Tư lệnh lại có điện chỉ thị  xuống: “Không được giết dân. Phải khôn khéo kéo dân về phía mình để lộ mặt địch ra mà đánh”.

Sau hai ngày, hai đêm chiến đấu quyết liệt với địch; sáng ngày 28-4 quân ta mới giải phóng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trưa ngày 30-4 xe tăng của ta tiến vô Dinh Độc Lập. Miền hoàn toàn giải phóng. Sư đoàn về đóng quân ở thành phố Vũng Tàu, củng cố lực lượng, giúp địa phương xây dựng chính quyền.
Sau chiến tranh hầu hết quân trang bộ đội đều bị rách bởi đạn bom. Quân nhu chưa kịp cấp phát. Có những chiến sĩ áo quần cũ lại rách không dám ra phố. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi một mình vô một xóm dân ở ngoại thành xem có gia đình làm nghề may, nhờ may giúp đồ cho bộ đội. Vừa ra khỏi thành phố chừng một cây số về phía , tôi nghe có tiếng máy may kêu lách cách từ trong một ngôi nhà nhỏ nằm nép mình dưới hàng dương xanh. Tôi mạnh dạn vô nhà. Trong nhà lúc này có một thiếu nữ chừng ngoài 20 tuổi đang mải mê ngồi đạp máy. Thoạt nhìn thấy tôi bận đồ bộ đội cô gái khẽ rùng mình, gương mặt tròn xinh bỗng nhiên biến sắc, ngước nhìn tôi vẻ sợ sệt. Tôi cúi đầu chào:
- Chào cô! Tôi là bộ đội, đơn vị đóng quân ở gần đây. Tôi muốn nhờ cô sửa một số bộ quân trang?
Cô gái rời khỏi bàn may ra ngoài cửa, giọng nhỏ nhẹ lễ phép:
- Mời... anh vô nhà...
Nghe giọng nói tôi biết cô gái người Bắc. Tôi lân la làm quen:
- Cô quê tỉnh nào ngoài Bắc?
- Ba má em ở Thanh Hoá. Nhưng ở huyện, xã mô em không biết. Năm năm tư ba má vô đây mới sinh em.

Hai chúng tôi ngồi nói chuyện một hồi lâu. Cô gái trở lại bình tĩnh, không còn vẻ sợ sệt như lúc đầu. Tôi nhờ cô may lại chiếc mùng bị lủng vài lỗ và một chiếc áo xuân hè bị rách ở cổ tay. Cô may rất cẩn thận, miếng vá rất đẹp đủ biết cô may có nghề. May xong cô gấp đồ cẩn thận, cho vô một chiếc túi giấy làm sẵn trao cho tôi. Tôi gửi tiền công nhưng cô từ chối: “Em may giúp anh thôi. Đáng bao nhiêu mà lấy công?” Tiễn tôi ra về, cô đưa ra tận đầu ngõ vẻ thẹn thùng: “Anh về nói với các anh trong đơn vị, có đồ cần sửa chữa gì mang ra đây em làm giúp cho. Đừng ngại. Em tên là Tỉnh”. Về đơn vị, anh em trong trung đội thấy tôi kiếm ra chỗ may máy, liền gom tất cả những quân trang bị lủng của cả Trung đội nhờ tôi mang đi vá lại.

Ngày hôm sau, ăn sáng xong, tôi được Trung đội trưởng miễn cho đi lao động ngoài đường phố giúp dân làm vệ sinh, mang quân trang của anh em ra tiệm may. Tôi gói cả thảy hơn 10 bộ quân trang vào trong một bao nilon lớn, vác ra nhà Tỉnh. Nhà Tỉnh lúc này có thêm một cô gái cũng trạc tuổi Tỉnh. Cô này khác Tỉnh ở chỗ gương mặt trái xoan, nước da trắng, đẹp như nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích. Bị hút hồn bởi sắc đẹp của cô gái, tôi chưa kịp lên tiếng thì Tỉnh đã nhỏ nhẹ nói:
- Giới thiệu với anh bộ đội, đây là K., bạn thân của Tỉnh. K. đang học dở dang Đại học Văn Khoa. K. họ tên đầy đủ là Lê Thị K., còn anh tên là gì bữa hôm chưa cho em hay?
- Tôi tên Nguyễn Văn Thành, anh em trong đơn vị gọi tôi là Thành Thơ. Chẳng là trong đơn vị mỗi lần sinh hoạt văn nghệ anh em thường giới thiệu tôi lên ngâm thơ.
- Vậy anh Thành làm thơ hay lắm phải không? - K. hỏi.
- Hay ho gì đâu, võ vẽ làm cho vui ấy mà. Dân tộc mình ai chẳng biết làm thơ, con cháu cụ Nguyễn Du mà.

Từ phút đó câu chuyện của ba chúng tôi được tập trung chủ yếu vô đề tài văn thơ. Tỉnh và K. yêu cầu tôi đọc thơ của các nhà thơ Tản Đà, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... K. đọc cho nghe thơ của Hàn Mạc Tử, Nguyên Sa... và cả thơ của Tago. K. có giọng đọc thơ rất hấp dẫn. Giọng Bắc pha chút giọng nghe ngồ ngộ, dễ thương. Nghe tôi đọc thơ, nói chuyện văn học, K. và Tỉnh rất chăm chú. K. nói: “Trước đây chưa biết gì Bộ đội Bắc Việt, bọn này cứ nghĩ: Bộ đội Bắc Việt chỉ biết súng đạn với đánh nhau. Không ngờ các anh lại giỏi văn  thơ nhường vậy”.
Sau buổi đó, tiếp theo tuần nào tôi cũng ra nhà Tỉnh, Tỉnh lại kêu K. đến, ba chúng tôi có dịp ngồi tâm sự, bàn luận văn chương. Nhiều bữa chúng tôi ngồi với nhau cả ngày. Những buổi trò chuyện như vậy đã gỡ bỏ cái hàng rào ngăn cách giữa sự phân biệt Bắc với , giữa hai từ “Việt Cộng”. Chúng tôi  xưng hô với nhau bằng cách xưng hô quen thuộc của miền Bắc “cậu với tớ”. Tình bạn của ba chúng tôi được se kết từ đó.

Chuyện tôi có quan hệ thân thiết với các cô gái vùng ngoại ô không hiểu sao đến tai Ban chỉ huy Đại đội. Đại đội trưởng Quang cho liên lạc gọi tôi lên gặp Ban chỉ huy đại đội. Tôi hiểu ngay thế nào cũng có chuyện chẳng lành. Bởi từ lâu Quang không ưa cánh lính trong đơn vị lại có chút máu văn nghệ. Cho họ là những kẻ lãng mạn, quan điểm lập trường không vững vàng.
Tôi vừa bước vô cửa Ban chỉ huy Đại đội đã thấy Quang ngồi sẵn ở bàn làm việc chờ tôi, mặt đằng đằng:
- Nghe anh em nói đồng chí có quan hệ với những phần tử xấu bên ngoài phải không?
- Xin anh cho biết ai nói tôi có quan hệ với những “phần tử xấu bên ngoài”?
- Ai nói đồng chí không cần biết, đồng chí chỉ cần trả lời tôi có hay không thôi.
- Quan hệ với dân thì có, những phần tử xấu thì không. Bởi những người tôi quan hệ họ là học sinh, sinh viên, có tư tưởng tiến bộ, yêu văn thơ. Họ không phải là người xấu.

Tôi trả lời dứt khoát. Mặt Quang đỏ phừng phừng, đứng dậy, dang tay đập mạnh xuống mặt bàn làm cho bộ ấm trà tung lên, rớt xuống sàn nhà. Quang nghiêng người về phía tôi, hai hàm răng nghiến lại, tiếng nói rít trong cổ họng:
- Quan điểm giai cấp của đồng chí để ở đâu mà đi quan hệ với dân vùng địch. Đồng chí có biết dân vùng này ở đâu vô không? Nói cho đồng chí rõ: dân ở đây đều là dân Bùi Chu - Phát Diệm, ở Ba Làng, Thanh Hoá vô cả đây. Những kẻ đã chống đối chế độ ta đến cùng. Mấy ngày trước đây có bao nhiêu bộ đội ta chết dưới họng súng của bọn chúng? Những lão già bảy, tám mươi tuổi, râu tóc bạc trắng, khi quân ta tiến vô nhà, hắn chết rồi mà trong tay vẫn còn ôm chặt khẩu AR15 chĩa ra ngoài đường. Trên vách còn hằn lên dòng chữ: “Không đội trời chung với Cộng sản”.

Cuộc tranh luận giữa tôi và Đại đội trưởng Quang diễn ra khá gay gắt. Tôi thấy cần phải nói rõ cho Quang hiểu về quan điểm của mình:
- Miền đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất - Bắc một nhà mà đồng chí còn phân biệt Bắc với , địch với ta. Chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc đã học, đồng chí quên rồi sao? Vẫn nét mặt giận dữ, Quang nói:
- Đồng chí có biết đang nói chuyện với ai không? Tôi là Đại đội trưởng, cấp trên của đồng chí, là Phó Bí thư Chi bộ; tôi nói với đồng chí, đồng chí phải hiểu đó là mệnh lệnh, là tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Đồng chí không được cãi lại.
Mặc cho Quang giận dữ, tôi vẫn bình tĩnh nói:
- Đồng chí là cấp trên của tôi, nhưng nói phải tôi nghe, nói sai tôi có quyền không nghe.
Thấy đuối lý, Quang dùng quyền lực của mình ra áp dụng với tôi. Quang cho gọi Trung đội trưởng và Trung đội phó tôi lên, bắt tôi tống giam vô một cô-nét, một kiểu nhà giam cơ động của địch để lại. Tôi bị giam ở trong đó ròng rã hai ngày, hai đêm, mỗi ngày chỉ cho ăn một bữa. Quang lệnh cho Trung đội phải giam tôi ở trong đó cho đến khi nào nhận thấy khuyết điểm của mình mới được tha.

Ở trong chiếc cô-nét, rộng một mét vuông, cao hai mét làm bằng thép, tối như bưng, chỉ hở có một khe cửa nhỏ để hít thở không khí bên ngoài, nóng như lò thiêu. Tôi chỉ biết nằm co chân mà thở, mồ hôi tuôn ra như tắm. Những giây phút này tôi mới hiểu thế nào là bị giam cầm. Tôi thầm cảm phục những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm trong chuồng cọp hàng chục năm ngoài Côn Đảo, Phú Quốc...

Hai ngày ở trong cô-nét tôi ngỡ thời gian dài vô tận. Tôi thèm khát cuộc sống tự do bên ngoài, tôi tự trách mình hẩm hiu. Đất nước được giải phóng, cả nước, mọi người sống trong cảnh thanh bình, hít thở bầu không khí tự do còn mình thì... Trời ơi! Chỉ vì yêu văn thơ, có quan hệ với bạn văn mà phải chịu tội giam cầm sao? Thật vô lý. Tôi căm giận Quang, một gã học ngắn, chỉ biết lấy quyền lực ra dọa nạt cấp dưới. Từ lâu nay tôi đã nghe nhiều người nói về Quách Văn Quang, một Đại đội trưởng không có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không có mà lãnh đạo cả một Đại đội Thông tin vô tuyến điện, một binh chủng khoa học kỹ thuật trọng  yếu của quân đội. Quang chỉ biết chỉ huy Đại đội bằng cảm tính, bằng mệnh lệnh, không tin tưởng vào cấp dưới. Ai làm trái ý bị Quang trù úm. Tất cả những điều đó tôi chỉ mới nghe, chưa thấy biểu hiện một cách cụ thể. Riêng chuyện không thích những người có máu văn thơ thì tôi biết khá rõ. Bởi ngày tôi về nhận công tác ở Đại đội một năm trước đây đã đôi lần đụng chạm với Quang trong việc tôi đề xuất xin kinh phí làm báo tường. Quang chẳng những không chi tiền mà còn không cho làm. Giờ đây bị Quang trừng phạt, tôi mới nhận ra những điều đồn đại về Quang là đúng.

Đêm đầu tiên nằm trong cô-nét, một người bạn của tôi được giao nhiệm vụ canh gác đến ngồi bên ngoài cô-nét, ghé vô cửa tâm sự nhỏ to với tôi:
- Ông mới về Đại đội này một năm, ông không biết nhiều về Quang đâu. Tôi là người cùng xã với Quang, tôi biết rõ từng chân tơ kẽ tóc của hắn. Hắn, ngày ở nhà là trung đội trưởng dân quân, ngoài bốn mươi tuổi mới vô bộ đội. Vô bộ đội nhờ có ông chú là Trung Đoàn trưởng nên hắn không hề làm lính một ngày nào. Nhập ngũ hôm trước, hôm sau được phong cấp hàm Thượng sĩ và làm Trung đội phó ngay. Khi đi Nam hắn được điều về đại đội Thông tin của mình làm Đại đội phó, sau mấy tháng Đại đội trưởng hy sinh trong  một trận càn hắn nghiễm nhiên lên chức Đại đội trưởng. “Hắn có biết chi về nghiệp vụ thông tin mà làm Đại đội trưởng - tôi ghé miệng vô khe cửa hỏi. Bạn tôi thở dài một tiếng nói tiếp:
- Ông ngây thơ quá, làm lãnh đạo thì cần chi phải biết chuyên môn; chỉ cần hai chữ: “Đảng viên” là làm gì cũng được. Chẳng những ở binh chủng ta mà ở binh chủng khác cũng vậy. Nghe nói ở ngoài dân chính cũng thế - Nhiều viện, ngành có lãnh đạo ít người có chuyên môn nghiệp cao rất phổ biến. Cứ tình trạng này kéo dài thì tai hại vô cùng.
Câu chuyện của bạn tôi còn dài thì phải ngưng bởi nhẽ có người ra đổi gác.

Chuyện tôi bị Đại đội trưởng Quang bắt giam không hiểu sao Tỉnh và K. hay được, liền nói với tổ trưởng dân phố vào đơn vị xin tha cho tôi. Bà tổ trưởng dân phố là một chiến sĩ Biệt động thành vô gặp Ban chỉ huy đại đội giải thích: Tỉnh và K. là hai nữ sinh tốt, trước đây có tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống lại chế độ Mỹ nguỵ. Quang vẫn không tin, nhất quyết không chịu tha cho tôi. Cuối cùng bà phải lên gặp Sư trưởng Nguyễn Khắc Lân. Sư trưởng Lân người vốn yêu văn thơ, quý trọng những cán bộ chiến sĩ có tri thức. Từ lâu Sư trưởng Lân rất quý tôi. Những lần đi tác chiến, ông đều chỉ thị xuống Đại đội điều tôi lên làm liên lạc riêng cho ông. Sau khi nghe bà tổ trưởng dân phố trình bày, Sư trưởng trực tiếp xuống Đại đội ra lệnh thả tôi ra. Chỉ thị cho Đại đội trưởng Quang làm kiểm điểm về việc bắt người giam trái phép.

Tôi được thả, Tỉnh, K. mừng lắm. Tỉnh tổ chức một buổi liên hoan ở tại nhà, mời tôi và khá đông bạn bè của Tỉnh, K. đến dự. Chúng tôi trò chuyện, đọc thơ, ca hát cho nhau nghe mãi tới khuya, trăng hạ tuần lên cao mới tàn cuộc. Sáng hôm sau Sư đoàn rời Vũng Tàu nhận nhiệm vụ ra biên giới phía Bắc chiến đấu. Tôi phải xa Tỉnh và K. từ đó. Do hoàn cảnh công tác chúng tôi không có điều kiện liên lạc với nhau.

Ngay hôm khai mạc trại, theo giấy mời, lễ khai mạc bắt đầu vào hồi 10 giờ. Nhưng nóng lòng được gặp K. nên tôi đến sớm hơn một tiếng. Vừa tới Nhà sáng tác đã thấy anh chị em trại viên có mặt đông đủ ở tiền sảnh đón khách. Đứng ở xa tôi thấy một phụ nữ bận bộ đồ trắng, nét mặt tươi cười đang đi đi lại lại ngoài hành lang với chiếc máy ảnh nhỏ trên tay. Có lẽ chị đang chọn góc độ để chụp hình. Tôi đứng ở phía sau cửa ra vô quan sát. Đúng là K. rồi, gương mặt trái xoan ngày nào, làn da trắng này, chỉ có khác là gương mặt già đi đôi chút. Dĩ nhiên là phải già rồi, sao còn trẻ được - Ba mươi năm rồi cơ mà!
Đợi cho người phụ nữ bấm máy xong mấy kiểu hình, tôi đi đến bên, lựa cách gợi chuyện:
- Xin lỗi... chị có phải...
Tôi chưa dứt câu người phụ nữ đã nhanh nhẹn nói:
- Tôi là K. - Lê Thị K.
- Chị K. có quen ai tên Tỉnh ở Vũng Tàu không?
- Tỉnh là bạn rất thân của K.?
Nghe nhắc đến tên Tỉnh, bỗng dưng K. sững người, nhìn thẳng vào mặt tôi, im lặng giây lát, trầm tư suy nghĩ. Đột nhiên K. reo lên:
- Anh là... Thành phải không?
- Đúng, tôi là Thành – “Thành Thơ” đây.
K. nắm lấy tay tôi, mắt rớm lệ:
- Trời ơi! Chúng mình xa nhau ba mươi năm rồi còn chi. K. và Tỉnh mỗi lần gặp nhau vẫn không quên nhắc về Thành.
Hai chúng tôi cùng nhau ra ngồi ngoài bãi biển tâm sự. Từng đợt gió ngoài khơi xa thổi vô mát rượi. Biển Nha Trang sáng thu nay dường như đẹp hơn lên...
                                        Nha Trang, thu 2006
       X.T

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 

Các bài mới
Vọng thời gian (17/10/2008)
Các bài đã đăng