Cùng đến sân ga, có cả gia đình dì Lam. Cũng như mẹ, dì Lam hồi hộp không kém. Còn tôi, được gặp anh Tý, chị Ghi con dì, là hạnh phúc lắm rồi. Khi nào cũng vậy, suốt ngày ở trường, về nhà hết ăn cơm, uống sữa... tối lại phải ngồi bên mẹ gần 2 tiếng đồng hồ với sách vở. Tôi chỉ mong mau đến cuối tuần, để được gặp anh Tý và chị Ghi của tôi. Nên cả tuần chúng tôi luôn bị mẹ doạ nếu con không ngoan, nếu không được điểm tốt, chủ nhật phải ở nhà... Năm ngày trong tuần, tôi chỉ còn biết răm rắp nghe lời mẹ và cố gắng đừng có sơ suất nào xảy ra, để được thực hiện những kế hoạch mà tôi và Tý đã lén hẹn nhau qua điện thoại. Bốn giờ ba mươi phút, con tàu tiến vào sân ga, chậm dần, rồi dừng hẳn. Mẹ và dì đảo mắt khắp nơi, dì Lam kêu lên: - Đây rồi,! Bọn em ở đây mà... Dì chạy vội đến với người đàn ông trạc tuổi 40, cùng một đứa con trai và một đứa con gái chẳng lớn hơn chúng tôi là bao. Còn mẹ thì luống cuống, vừa muốn được vội đến với họ, vừa sợ chúng tôi bị lạc giữa chốn đông người. Mẹ vây gọn chúng tôi vào đôi tay mình, cùng đi về hướng mọi người. Vừa đến nơi mẹ đã vội vàng: - Trời ơi, tụi nó lớn phổng rồi. Cháu cô ngoan quá, nghe nói là học sinh giỏi phải không? Các em ở ngoài này cũng vậy... Này, này... anh Zét và chị Nhi đây mấy con... Các con chào cậu đi...
Tay
mẹ hết ôm đứa con gái, lại xoa đầu đứa con trai. Cả chúng tôi và hai đứa lạ mặt được người lớn giới thiệu nhưng cứ ngơ ngác nhìn nhau. Thì ra người đàn ông lạ hoắc kia là cậu và hai đứa kia tôi phải gọi là anh với chị. Chẳng hứng thú tý nào, tôi vẫn phải làm em chứ không được làm anh của ai... Tôi miễn cưỡng cùng anh Tý và chị Ghi làm theo lời mẹ và dì. Hôm đó, nhà ngoại như có liên hoan. Trước bữa cơm, chúng tôi đã bắt đầu quen nhau. Tý và tôi ngang tuổi, lại thân nhau từ nhỏ, như một phe, cứ nháy mắt cười khi nghe cái giọng léo nhéo chẳng giống giọng nói của người Huế. Chị Ghi lớn hơn, ra vẻ có ý thức, chỉ cười tủm tỉm. Mới đầu, tôi và Tý cũng tỏ vẻ khó chịu khi anh chị ấy cứ làm như có quyền trong nhà ngoại hơn chúng tôi. Nhưng họ không có ý ganh ghét, mà còn ôm một túi kẹo đầy đưa cho chúng tôi, họ gọi tôi và Tý là cưng. Cậu Trường ngồi nói chuyện với người lớn, thỉnh thoảng chạy lại nựng chúng tôi và bảo: - Nhi, Zét coi bóc kẹo cho em ăn đi. Suốt dọc đường mong mãi giờ mới gặp được mấy em, phải chăm sóc các em chứ, làm anh làm chị khó lắm đó.
Chị Nhi thì làm ngay theo lời cậu Trường, còn anh Zét, xem như không phải việc của mình. Anh tới mở ba lô, lôi ra một con robot hình Asimô, đặt xuống đất, vặn nút “on” phía sau lưng nó, con robot chuyển động cùng một điệu nhạc quen thuộc. Tôi và Tý trố mắt ngạc nhiên, cả hai đều nhận thấy sự đồng tình của anh Zét, chạy ào đến cùng chơi. Ngay tối đó, chúng tôi đã bịn rịn khi phải chia tay. Bà ngoại như hiểu ý, quay qua mẹ và dì: - Thôi, tối nay để mẹ chăm cả mấy đứa, tụi bay cứ về đi. Thiệt… anh em mới gặp nhau được một lúc đã bám nhau như đỉa. Tối hôm đó, bà ngoại phải dùng biện pháp quân sự, mà hơn 10 giờ mới ép được cả bọn đi ngủ. Không ai chịu ngủ riêng, ngoại đành trải chiếu cho cả năm chị em ở dưới đất. Trước khi ngủ, chúng tôi còn huyên thuyên đủ thứ chuyện. Anh Zét kể chuyện trường anh ấy ở trong Sài Gòn thật hấp dẫn. Còn chị Nhi thì cuốn chúng tôi bằng cái giọng miền
dễ thương, chị kể về sở thú, công viên, đầm sen... gì gì đó. Nhưng cả hai cũng thật... dám cả gan nhại giọng Huế khi đến lượt chúng tôi kể chuyện. Chúng tôi giận, không nói chuyện nữa, thì chị Nhi liền đổi giọng nịnh: - Thôi cưng kể tiếp đi, chị giỡn chút xíu mà, xin lỗi nghen...
Suốt mùa hè ấy, tôi sống hẳn ở nhà ngoại cùng mọi người. Cuộc sống như được bước vào một thế giới thần tiên. Cứ cách vài ngày lại được người lớn đưa đi hết nước nóng Thanh Tân, biển Lăng Cô, lại đến rừng Bạch Mã... Bà ngoại làm đủ các món ăn miền Bắc như nem rán, bánh cuốn nóng, bún riêu cua... Ba mẹ, cậu dì thì đưa đi ăn nhà hàng, ăn kem... Thời gian còn lại anh em chúng tôi có đủ các trò chơi khác nhau. Những robot, búp bê ở nhà tôi và Tý đã được chuyển xuống nhà bà ngoại. Anh Zét còn bày cho tôi và Tý chơi điện tử. Mẹ mà biết được chắc phải ngạc nhiên lắm.
Nhưng tất cả những trò chơi ấy không còn thú vị từ khi cậu Trường của tôi nhập cuộc. Nhà ngoại có một khu vườn rộng thênh thang. Trước nhà có một cây hoa ngọc lan to. Từ gốc cây, chĩa ra hai nhánh, tạo thành một chiếc ghế khổng lồ, hình lưỡi liềm. Hàng rào chè tàu bao phủ quanh vườn. Trong vườn ngoài những cây ăn quả như ổi, mít, đào, măng cụt, mãng cầu... ngoại còn trồng nhiều loài hoa, loài cây có mùi hương dịu dàng, tốt cho sức khỏe như hoa mộc, hoa nhài, thiết mộc lan... Khu vườn rộng giữa thành phố của ngoại trở nên quý giá vô ngần. Và mùa hè ấy cậu tôi đã giúp chúng tôi khai thác hết sự tuyệt vời của khu vườn. Cậu dạy chúng tôi chơi các trò chơi dân gian như nhảy lò cò, đuổi bắt, lên bậc xuống bậc... Có những buổi trưa nóng bức, chờ mẹ và dì ra khỏi nhà, cậu nháy mắt, rủ cả bọn ra vườn. Cậu trèo lên mấy cây nhãn, bắt một nắm bọ xít hôi rình, thêm mấy cục nhựa đường, mấy miếng nhôm cắt từ lon sữa, vài khuy áo cũ, không biết cậu kiếm từ khi nào mà chỉ sau vài phút, cậu cho mỗi đứa một chiếc xe bọ xít. Chúng tôi không thể tưởng tượng được sự tuyệt vời trước món đồ chơi mới, lại từ tay cậu làm. Cậu bảo, ngày xưa thời thơ ấu của cậu không có những đồ chơi đắt tiền như bây giờ, tất cả những trò chơi trong thời của cậu đều phải tự sáng tạo, mày mò mà làm ra.
Trong tất cả, tôi là người may mắn nhất. Tôi sinh ngày 12 tháng 7, sinh nhật năm nay đặc biệt hơn hết. Mẹ chuẩn bị thật đầy đủ, một chiếc bánh kem ba tầng với những màu sắc trang nhã, sang trọng, điểm những bông hoa rực rỡ và những cây nến xinh xắn. Những đĩa thức ăn được sắp đặt xung quanh chiếc bánh như tạo nên một nền ngũ sắc với màu đỏ của những con cua, con tôm, màu xanh của món gỏi, màu trắng đốm của súp, với rất nhiều nem chả, cùng thật nhiều thức ăn lạ mắt. Sinh nhật chỉ có những người trong gia đình, vậy mà ai cũng bận rộn. Bác Lợi và cậu Trường, người thì loay hoay với cái máy ảnh, người thì quan tâm đến một chai rượu to. Bà, dì và mẹ bận rộn với mấy đĩa thức ăn. Chúng tôi thì chỉ thích mấy chai nước ngọt trên bàn, thường ngày mẹ ít cho tôi uống những thứ đó, mẹ cho rằng nó không tốt, vì có hoá chất. Hai bà chị của tôi cũng ra vẻ như người lớn, cứ ngắm nghía bình hoa, còn đưa tay sửa đi sửa lại, suýt nữa thì làm hư bình hoa mẹ cắm suốt buổi chiều. Giờ phút hấp dẫn với tôi là được mở gói quà. Cả nhà im lặng, thực ra các anh chị tôi cũng bị giữ bí mật giống tôi, vì đây là sáng kiến của người lớn. Biết chúng tôi đã quá mong đợi, cậu Trường lên tiếng: Nào Hải Đăng, con mở quà đi, xem có thích không?
...Một chiếc ô tô làm bằng những lon bia, trên xe không phải là năm anh em đi bộ đội, mà là năm chị em, hai gái, ba trai được nặn bằng đất sét. Thoạt nhìn tôi đã nhận ra ngay, chị Ghi lớn tuổi nhất, mặc chiếc váy màu xanh đậm; anh Zét là chú cao bồi mặc áo vàng quần đen; còn chị Nhi là cô công chúa nhõng nhẽo nên được nặn bằng đất màu trắng trong bộ váy đầm xoè; tôi và Tý xưa nay vẫn được mệnh danh “Anh em nhà bác sỹ” nên chính xác là hai chú đất sét mặc áo bờ lu trắng. Đây chắc chắc là sản phẩm của cậu Trường, thật tuyệt vời. Tôi chưa hết vui mừng thì có thêm một bất ngờ nữa khi chị Ghi lôi từ dưới bàn lên một gói nhỏ, rồi lên tiếng: - Truyện cổ Anđecxen. Đúng ý cưng rồi nhé! Ngay lúc đó, chị Ghi và chị Nhi xoá bầu không khí ngỡ ngàng của cả nhà bằng bài hát Happy birthday to you...
Thế rồi, những ngày hè sôi động ấy cũng phải kết thúc. Lần này tôi đến sân ga với cảm giác thật buồn. Tất cả chúng tôi phải chuẩn bị cho năm học mới. Hơn một tháng qua, tôi mới biết được thêm nhiều người thân, mới biết được thật nhiều điều tuyệt diệu xung quanh mình... Có lẽ, chưa bao giờ tôi vui như vậy, nhưng cũng bắt đầu từ đây tôi mới biết buồn. Tôi buồn vì không muốn có cuộc chia tay này. H.L
(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)
|