Tạp chí Sông Hương - Số 220 (tháng 6)
Gặp gỡ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những ngày đầu năm tại Huế: “văn chương đòi hỏi cái gì... hơn cả máu!”
10:03 | 17/10/2008
Sức sống của Hoàng Phủ Ngọc Tường sau cơn bạo bệnh là một niềm vui cho làng văn học Việt . Trong những ngày tháng điều trị, những trang viết của ông không vì thế “đóng cửa” mà nhiều khi lại thăng hoa vì đây là khoảng thời gian đúc kết của một chuỗi dài “ham chơi”, một thời đã từng lên rừng xuống bể, vào Nam ra Bắc với biết bao “Miền gái đẹp”... Không bao giờ dừng bước -  Đó cũng là cốt cách của nhà văn gốc Bích Khê, Quảng Trị này.
Gặp gỡ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những ngày đầu năm tại Huế: “văn chương đòi hỏi cái gì... hơn cả máu!”


Ký là một loại... “khoai”!
+ Có người nói ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ sau Nguyễn Tuân, ông tự hào về điều so sánh đó?
- Không có gì làm mình khổ tâm bằng bắt mình tự so sánh với Nguyễn Tuân. Vì từ trước đến nay tôi vẫn coi ông là một bậc tiền bối. Nhưng chính như Nguyễn Tuân nói trong một buổi lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt tại Hà Nội, đại ý: Họ nói vậy nhưng chúng ta hy vọng viết khác thôi, khác hoàn toàn không giống gì hết. Tôi cho rằng điều đó là đúng và tôi có cảm tưởng rằng không thể nào viết được những cái như “Vang bóng một thời”... Nhà văn Nguyễn Tuân có tài hoa về cái đó. Nếu đưa so sánh về tính đặc tính của văn học. Tôi cho rằng đó là một so sánh khập khiễng.

+ Bút ký là thể loại gần với báo chí. Vậy yếu tố nào để bút ký có được sức sống bền lâu trong lòng độc giả?
- Theo tôi, để ký sống mãi rất khó. Trước hết, phải có văn, yếu tố văn phong là yếu tố cần nhất của văn chương nói chung, ký nói riêng. Nếu ý tưởng hay mà thể hiện trong bài viết không rành mạch, rõ ràng thì không thể đi vào lòng độc giả được. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Ký là thật, không hư cấu, hoặc phải có cách viết mà độc giả đọc không cho đó là hư cấu. Điều tiếp theo phải nói là tính lạ. Dân gian có nói “khoai đất lạ, mạ đất quen”, thì yếu tố “đất lạ” phù hợp với một loại “khoai” là ký.

“Chơi” là một văn hoá
+ Là một “Người ham chơi”, yếu tố “ham chơi” giúp gì cho nhà văn?
- Tôi cho rằng “chơi” cũng là một đặc tính của con người. Người ta không phải chỉ có làm mà phải có cả chơi. Chơi cũng là văn hoá của con người – “văn hoá chơi”. Ham chơi là hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật, triết lý nhân sinh... Nghề viết thì rất cần điều đó.

+ Nghĩa là nhờ cái “ham chơi” mà ông có những trang văn đặc sắc?
- Cái đó thuộc về độc giả đánh giá. Nhưng tôi thấy “ham chơi” cũng là một lối sống của nhà văn. Cái may nhất là tránh để không phải ham làm giàu. Nhà văn không nên thiết tha chuyện đó. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Kim Thánh Thán của Trung Hoa đã viết: “Tất cả chỉ là chơi thôi, làm người say cũng là một cách chơi”.

+ Có phải vì coi cuộc đời chỉ là một cách chơi mà trong văn của ông mang nặng yếu tố “Phù du”?
- Phù du chỉ cái mong manh, mỏng mảnh, không nắm bắt được, chóng qua... Vì vậy hoa thì gọi là hoa Phù Dung, con vật thì gọi Phù Du. Mọi cái có thể là Phù Du. Vì vậy yếu tố Phù Du hay ám ảnh tôi chứ không phải là chủ đề trong sáng tác.

+ Huế là cái nôi của văn chương. Ông đã nhiều năm ở Huế, phải chăng vì thế trong văn ông thường nặng tình xứ Huế?
- Đúng vậy. Thứ nhất là môi trường ảnh hưởng tư tưởng. Thứ hai,  Huế có một kho văn học dân gian, kho văn hoá phi vật thể khá phong phú. Ngoài ra, Huế có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên rất đặc trưng. Ví dụ như con sông Hương thì trên thế giới không thể có một con sông nào thơ mộng như thế! Rồi núi Ngự, cầu Trường Tiền...

+ Trong tập thơ “Người hái phù dung” bài “Vẽ tôi” rất hay. Nếu bây giờ được “vẽ mình”, ông sẽ vẽ...?
- Tôi sẽ vẽ như bài thơ đó. Tức là cốt cách thì giống hoa hồng, đẹp nhưng mong manh lắm, nó không có gì cả, chỉ có hạt sương thôi.

Không phải viết về phụ nữ thì mặc váy. Nhưng...
+ Là người “có tuổi”, hơn nữa là một trong những “cây đại thụ” của nền văn hoá Việt Nam, từng theo dõi bước đường của giới trẻ, ông có nhận xét gì về họ?
- Tôi cho rằng, thế hệ trẻ hôm nay không được như ta kỳ vọng. Văn chương ngày xưa viết kỹ lưỡng hơn. Ngày nay có nhiều cái làm người ta bị quyến rũ, nên có ý coi thường văn chương. Tuy nhiên, điểm mạnh là được tiếp thu một gia tài lớn từ kho tàng văn học thế giới, biết ngoại ngữ... nên phần nào qua cách viết, lớp trẻ thể hiện được “sức trẻ”, sự sáng tạo “bạo” hơn.

+ Sự khuyên bảo thường làm cho người ta khó chịu nhưng nó lại rất cần thiết, nhất là trong việc cảnh báo. Ông muốn nói với những người cầm bút trẻ điều gì?
- Để thành công, cần nhất là sự làm việc nhiệt thành. Phải đọc nhiều sách và chịu khó ngồi vào bàn viết. Luôn biết nuôi dưỡng vốn kiến thức của mình. Không thể mặc váy để viết về người phụ nữ nhưng phải biết, am hiểu những đặc điểm của phụ nữ thì mới viết được. Thế thì phải đọc sách, bởi trong sách thì có cả những điều đó. Phải làm việc cật lực, sáng tác thường xuyên. Không nên rong chơi nhiều quá. Phải biết “ham chơi” - nghĩa là nói đến hưởng thụ một nền văn hoá, chứ không phải chơi ngang, như một đứa trẻ. Đối với thế hệ trẻ, phải biết tiếp thu những gì đã sống cộng với những gì chưa sống để tiếp thu gia tài lớn hơn. Tất nhiên, không phải ai cũng biết cách tiếp thu.

Trước khi là nhà văn phải là một Con Người
+ Trong lời tựa của tập thơ “Người hái phù dung”, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có viết: “Những con chim yến không phải làm tổ bằng nước bọt mà làm bằng chính máu mình; người ta gọi là yến huyết, còn anh Văn Cao thì gọi là yến - thi - sĩ. Nó làm thơ để mà chết vì bài thơ nó làm ra”. Phải chăng, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã làm thơ bằng máu của mình?” Ông nghĩ thế nào?
- Quả thật, văn chương đòi hỏi cái gì hơn cả máu. Kiến thức vươn đến chân trời khác lạ lắm. Cuộc sống ở đâu, văn chương đến đó. Gọi là văn học không biên giới. Có một thời người ta cho văn chương là phải có mấy chức năng. Tôi cho là không phải. Chức năng của nó là sống.

+ Tính cách của tác giả quyết định gì trong cách viết, thưa ông?
- Tôi cho rằng tính cách của tác giả thể hiện ngay trong từng trang văn. Phong cách và tư tưởng tạo nên nét riêng. Tính cách tuỳ người nhưng đối với nhà văn, tính trung thực cần thiết nhất. Trước khi là nhà văn, anh là một Con Người. Như vậy, một Con Người phải có nhân cách.
Làm gì có chuyện “đấu khẩu” nhiều “Nhà” trong một nhà

+ Trong gia đình mình có nhiều “Nhà” như vậy (vợ Hoàng Phủ Ngọc Tường là Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, con gái - Nhà thơ Hoàng Dạ Thi) có giúp gì nhiều trong văn chương không thưa ông?
- Tôi nghĩ nó có tương tác qua lại với nhau. Nhất là trong thơ. Ví dụ như nói về loài hoa hồng nói chung, cũng có rất nhiều màu, như: hồng phấn, hồng nhạt... Nó tạo cho loài hoa hồng trở nên sang trọng, xinh đẹp, phong phú.

+ Thế có khi nào “đấu khẩu” nhau về vấn đề văn chương?
- Sống trong cuộc sống bình thường chúng tôi ít nói chuyện về văn chương, thường nói đến chuyện “tương cà mắm muối”. Nhưng đôi lúc cả nhà cùng bàn luận một số vấn đề về văn chương để cùng tương trợ cho nhau thì hoà hợp chứ không có vấn đề gì xảy ra.

+ Với nhà văn, “mỗi nhân vật là một đứa con tinh thần”, cũng là một người mình yêu, thương. Có bao giờ Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ “ghen” với nhân vật trong...sách không? Nhất là ở thể ký vốn có tính chân thật rất cao?
- Về đời thực, với quá khứ, vợ tôi không bao giờ “phát biểu” vì hiểu rằng, quá khứ của mỗi người đều đáng được tôn trọng. Nghĩa là không giờ ghen với những người đã qua nhưng vô cùng ghen với những người đang có, nếu... Trong văn chương, vợ tôi không ghen bởi bà cũng là nhà văn nên hiểu rằng văn chương nó có thế giới riêng và nhân vật phần nhiều là hư cấu.

+ Làm nhà thơ đã khó, làm chồng (hoặc vợ) nhà thơ còn khó hơn. Ông nghĩ gì về bà xã Lâm Thị Mỹ Dạ?
- Một nhà văn rất mong một gia đình yên ổn, hạnh phúc. Nhất là đối với tôi. Yên một mặt đời mới lo được những mặt khác. Về gia đình thì Dạ rất chu đáo. Những lời khen đó xin dành cho Mỹ Dạ bởi bao năm nay, Dạ gánh vác công việc gia đình và chăm sóc tôi rất tường tận.

+ Lúc bạo bệnh, sự sống - chết “đấu tranh” như thế nào trong ông?
- Khi đó thì tôi không phân biệt được sống hay chết. Chỉ dửng dưng thôi. Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi mình không đứng bên bờ vực của sự chết. Thế mới quý sự sống đến nhường nào.

+ Có một số thông tin cho rằng, ông bà có ý định bán căn nhà ở Huế vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống, điều đó có đúng không?
- Tôi như một cái cây già cắm rể ở đất này. Không thể bứng tôi đi nơi nào được. Đến một miền đất lạ tôi sẽ khó sáng tác. Từ trước đến nay tôi có nhiều dịp để đi khỏi Huế nhưng tôi không nghĩ đến điều đó.
+ Xin cảm ơn ông!
HỮU QUYẾT - XUÂN HOÀI thực hiện

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vọng thời gian (17/10/2008)
Thơ Thiếu Nhi (17/10/2008)