Tạp chí Sông Hương - Số 220 (tháng 6)
Hệ thống thủy đạo kinh thành Huế: trước đây, bây giờ và mấy điều kiến nghị
10:09 | 17/10/2008
TRẦN ĐỨC ANH SƠN Hệ thống thủy đạo Kinh Thành Huế là một mạng lưới gồm 3 lớp:
Hệ thống thủy đạo kinh thành Huế: trước đây, bây giờ và mấy điều kiến nghị
Sơ đồ hệ thống thuỷ đạo trong Kinh thành Huế

- Lớp ngoài là 4 con sông bao bọc 4 mặt đông, tây, nam, bắc của Kinh Thành, gồm: sông Hương, sông Kẻ Vạn, sông An Hòa và sông Đông Ba, được sử sách gọi chung là Hộ Thành Hà của Kinh Thành.
- Lớp giữa là hệ thống hào nước chảy ziczac quanh các mặt Kinh Thành, cùng với lớp tường thành tạo thành một hệ thống phòng thủ, bảo vệ Kinh Thành.
- Lớp trong với dòng Ngự Hà làm chủ đạo, chảy ngang giữa lòng Kinh Thành và liên kết với hơn 40 hồ lớn nhỏ, phân bố hầu khắp mặt bằng Kinh Thành, tạo thành một hệ thống thủy đạo liên hoàn, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái và tiêu thoát nước thải từ nội thành ra ngoại thành.
Ngoài ra, còn có một hệ thống cống (lộ thiên và ngầm) giữ vai trò liên kết các lớp ngoài, giữa và trong, tạo thành một hệ thống thủy đạo liên hoàn phủ khắp Kinh Thành Huế.
Để giải quyết bài toán tiêu thoát nước thải bề mặt trong Kinh Thành Huế, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ, tác động đến cả 3 lớp thủy đạo này, chứ không đơn thuần chỉ là việc nạo vét Ngự Hà, như chính quyền đã từng thực hiện trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong đó, việc thông thương giữa các hồ trong Kinh Thành Huế và giữa các hồ với Ngự Hà và hệ thống Hộ Thành Hà bên ngoài là vấn đề mấu chốt.

1. VAI TRÒ CỦA CÁC HỒ VỚI HỆ THỐNG THỦY ĐẠO KINH THÀNH HUẾ:
Trong một bài viết (chung với cố tác giả Vũ Hữu Minh) về hệ thống hồ ao trong Kinh Thành Huế, in trên Thông tin Khoa học và Công nghệ 1, chúng tôi đã sơ lược giới thiệu về lịch sử hình thành và tồn tại của 41 hồ ao lớn nhỏ từng tồn tại bên trong Kinh Thành Huế cho đến năm 1993. Theo đó, có 3 nguồn gốc chính dẫn đến sự ra đời của hệ thống hồ ao này, gồm:

1.1. Hồ tự nhiên:

Đó là các ao hồ của 8 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại trước đây, được vua Gia Long (và sau đó là vua Minh Mạng) cải tạo và quy hoạch trực thuộc các phường nội thành, sau khi triều Nguyễn hoàn tất công cuộc xây dựng và chỉnh trang Kinh Thành Huế (1805 - 1832). Đáng chú ý là các hồ như: hồ Thành Hoàng, hồ Hộ Vệ, hồ Lấp, hồ Mộc Đức, hồ Sen (hồ Cây Mưng), hồ Hùng Nhuệ...

1.2. Hồ là vết tích của những con sông cũ:
Dựa theo bài viết “La Citadelle de Hué - Onomastique” của L. Cadière 2 về nguồn gốc hình thành của hơn 20 hồ, vốn là vết tích của các con sông Kim Long và Bạch Yến, từng chảy ngang qua vùng đất về sau được quy hoạch là Kinh Thành Huế, chúng tôi đã phân thành 2 nhóm:
1.2.1. Hồ là vết tích cũ của sông Bạch Yến: Đó là chuỗi các hồ nằm kế tiếp nhau ở góc thành phía tây, phía đông và chạy dọc mép trong mặt bắc Kinh Thành sau như hồ Tây, hồ Khám, hồ Đoài, hồ Vòm, hồ Vuông, hồ Chùa, hồ Hữu Bảo, hồ Tiền Bảo, hồ Tả Bảo, hồ Hậu Bảo, hồ Kỳ Võ…
1.2.2. Hồ là vết tích cũ của sông Kim Long: Đoạn sông Kim Long chảy qua Kinh Thành đã được vua Gia Long, vào năm 1805, và vua Minh Mạng vào năm 1825, cho đào đắp, nắn dòng chảy thành Ngự Hà, chảy ngang qua Kinh Thành, thông với Hộ Thành Hà phía tây (sông Kẻ Vạn) ở Tây Thành Thủy Quan và với Hộ Thành Hà phía đông (sông Đông Ba) ở Đông Thành Thủy Quan. Trong quá trình chỉnh lý sông Kim Long thành Ngự Hà có nhiều đoạn sông đã được lấp, tạo thành nhiều hồ nhỏ nằm ở ven bờ nam Ngự Hà như: hồ Tân Miếu, hồ Võ Sanh, hồ Phú Văn, hồ Nhơn Hậu, hồ Hỏa Pháo, hồ Công Chúa và nổi tiếng nhất là hồ Học Hải và hồ Tịnh Tâm, đã được triều đình tôn tạo, chỉnh trang thành những thắng cảnh danh tiếng của kinh đô Huế 3.

1.3. Hồ đào dưới thời Nguyễn:
Đó là những hồ do triều đình nhà Nguyễn cho đào nhằm nhiều mục đích: tôn tạo cảnh quan, phục vụ những nhu cầu sinh hoạt khác của triều đình và quân đội như: hồ Xã Tắc, hồ Sấu, hồ Thanh Ninh, hồ Phong Trạch, hồ Trấn Bình Đài. Đặc biệt là một loạt các hồ nhỏ chạy dọc theo bờ tường phía đông nam Kinh thành, vốn là những nơi triều đình cho lấy đất để xây đắp tường thành, về sau thành hồ nối tiếp nhau như hồ Ba Viên, hồ Dực Hùng, hồ Đông Thái, hồ Thể, hồ Long Võ...
Ngoài ra, ở khu vực Hoàng Thành, triều Nguyễn còn cho đào hồ Thái Dịch, hồ Ngọc Dịch, hồ Kim Thủy (trong) và hồ Kim Thủy (ngoài), vừa để tôn tạo và cân bằng cảnh quan, vừa giải quyết vấn đề tiêu thông thoát nước từ trong Đại Nội ra Ngự Hà, tránh tình trạng úng ngập trong hoàng cung.

1.4. Việc điều tiết nước giữa các hồ với nhau và giữa các hồ với Ngự Hà:
Tùy vào vị trí và từng thời điểm khác nhau, các hồ trong Kinh Thành Huế có những vai trò và chức năng riêng. Có những hồ được xem là di tích lịch sử, cảnh quan văn hóa như: hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, hồ Xã Tắc, hồ Thanh Ninh, hồ Sấu… Có hồ là nơi cung cấp nguồn nước cho sản xuất, trở thành ao cá, ruộng rau như hồ Thể, hồ Ba Viên, hồ Cây Mưng, hồ Hộ Vệ… Có khi, chức năng hồ thay đổi theo tiến trình lịch sử để phục vụ cho những yêu cầu mới trong cuộc sống như hồ Tân Miếu, hồ Phú Văn, hồ Vuông… vốn là di tích cũ, nay đã trở thành địa điểm kinh doanh, giải trí. Tuy nhiên, có 2 chức năng cơ bản nhất mà tất cả các hồ đều đảm nhiệm, đó là: cân bằng môi trường sinh thái và điều tiết tiêu thoát nước bên trong Kinh Thành. Trong đó, chức năng điều tiết việc lưu thông nước thải là quan trọng hơn cả.
Từ kết quả các chuyến điều tra khảo sát hiện trạng của các hồ vào năm 1993, tôi và cố tác giả Vũ Hữu Minh đã phác họa sơ lược về việc điều tiết nước giữa các hồ với nhau và giữa các hồ với Ngự Hà:

1.4.1. Về sự điều tiết nước giữa các hồ với nhau:
Tất cả các hồ thông qua hệ thống cống ngầm, cống nổi và mạch ngầm để nhận nước của vùng dân cư phụ cận. Nước mưa, nước thải chảy theo hệ thống cống hoặc ngấm vào đất rồi theo mặt bằng địa hình dồn về các hồ. Hồ sẽ trở thành “rốn nước” của cả khu vực. Hầu hết các hồ đều có hệ thống cống thông với nhau. Vì thế mực nước trong các hồ sẽ được điều tiết tự nhiên dựa trên một điều kiện cơ bản là địa hình dòng chảy. Nước từ các hồ nhỏ hoặc cao hơn, sau khi cân bằng với mặt nước chuẩn vốn có, sẽ theo hệ thống cống chảy về các hồ lớn và thấp trước khi chảy ra Ngự Hà, hoặc đổ thẳng ra Hộ Thành Hà. Theo chúng tôi, trong Kinh Thành ngày trước có đến 5 hệ thống tiêu thoát nước theo phương thức nói trên:
- Hệ thống 1: Nước mưa (và nước thải) trong khu vực Hoàng Thành sẽ theo cống ngầm đổ về hồ Ngọc Dịch hoặc hồ Kim Thủy (trong). Từ đấy, nước lưu thông với hồ Kim Thủy (ngoài) rồi theo một cống lớn xuyên ngầm qua đường Đặng Thái Thân hiện nay, chảy dọc theo đường Phùng Hưng để ra Ngự Hà; hoặc theo cống ngầm dọc đường Đoàn Thị Điểm đổ ra hồ Tịnh Tâm trước khi ra Ngự Hà.
- Hệ thống 2: Nước thải ở khu vực phía nam phường Thuận Lộc sẽ theo cống ngầm chảy về hai phía: ra hồ Phú Văn, qua hồ Nhơn Hậu, cắt ngang đường Tịnh Tâm và đổ vào hồ Tịnh Tâm, hoặc đổ vào hồ Cây Mưng trực tiếp rồi theo cống ngầm (băng qua đường Lê Văn Hưu hiện nay) đổ vào hồ Học Hải. Nước trong hồ Tịnh Tâm cũng sẽ lưu thông với hồ Học Hải (qua cống ngầm cắt ngang đường Đinh Tiên Hoàng), rồi chảy ra Ngự Hà qua một cống lớn ở góc đông bắc hồ Học Hải.
- Hệ thống 3: Nước thải ở khu vực phía tây nam Kinh Thành sẽ đổ vào hồ Thành Hoàng, hồ Xã Tắc, hồ Võ Sanh, hồ Công Chúa, hồ Tân Miếu… rồi theo cống ngầm dọc đường Thạch Hãn dồn vào hồ Sấu, đổ ra Ngự Hà qua hai cống lớn ở đường Triệu Quang Phục.
- Hệ thống 4: Nước thải ở khu vực tây bắc Kinh Thành sẽ đổ vào các hồ Mộc Đức, hồ Khám, hồ Đoài, hồ Vòm, hồ Tây… chảy qua các hồ Vuông, hồ Hữu Bảo, hồ Tiền Bảo để theo cống ngầm thoát ra hào phía bắc Kinh Thành hoặc dồn nước vào hồ Chùa trước khi ra Ngự Hà.
- Hệ thống 5: Nước thải trong khu vực Mang Cá theo các cống ngầm đổ ra hồ Hậu Bảo, hồ Kỳ Võ, hồ Trấn Bình Đài rồi mới thoát ra Ngự Hà và con hào phía đông bắc Kinh Thành.

1.4.2. Về sự điều tiết nước giữa các hồ với Ngự Hà:
Ngự Hà là con sông đào chảy giữa lòng Kinh Thành Huế trên cơ sở nắn dòng và chỉnh trang sông Kim Long cũ 4. Con sông này đóng vai trò rất lớn trong việc tiêu thoát nước bên trong Kinh Thành. Lượng nước thải trong toàn bộ Kinh Thành sẽ tập trung về các hồ như: hồ Tân Miếu, hồ Sấu, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, hồ Chùa, hồ Thanh Ninh… rồi mới qua hệ thống cống lớn (ngầm hoặc lộ thiên) để đổ vào Ngự Hà. Lượng nước này cùng với lượng nước Ngự Hà nhận từ sông Hương và sông Kẻ Vạn chảy qua Tây Thành Thủy Quan, theo độ nghiêng địa hình đổ ra sông Đông Ba qua Đông Thành Thủy Quan và cống Thanh Long.
Với cơ chế hoạt động này, Ngự Hà vừa có vai trò lớn đối với việc tiêu thủy trong Kinh Thành, vừa có vai trò “rửa sạch” nguồn nước trong Kinh Thành bằng nước sông Hương, đồng thời là tuyến giao thông từ sông Hương vào trong Kinh Thành bằng đường thủy và ngược lại.

2. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THỦY ĐẠO KINH THÀNH HUẾ HIỆN NAY:
Ngự Hà đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nhanh chóng nước mưa, nước lũ bên trong Kinh Thành Huế. Tuy nhiên, để Ngự Hà hoàn thành tốt vai trò này thì sự tồn tại của các hồ trong Kinh Thành Huế cùng với hệ thống các cống ngầm và cống nổi nối các hồ với nhau và với Ngự Hà là rất quan trọng. Nếu hệ thống cống này bị tắc nghẽn thì sẽ gây úng lụt nhiều nơi trong Kinh Thành và Ngự Hà sẽ không hoàn thành được chức năng tiêu thủy của nó.
Năm 1993, khi đi khảo sát thực địa để viết bài khảo cứu “Hồ trong Kinh Thành Huế” nói trên, chúng tôi vẫn nhận diện đủ 41 cái hồ tồn tại bên trong Kinh Thành như mô tả của học giả L.Cadière trong bài viết “La Citadelle de Hué - Onomastique”, in trên BAVH năm 1933.

Tuy nhiên, trong Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ Kinh Thành Huế do bộ phận Khoanh vùng - Bảo vệ của Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện vào năm 2005, đã đưa ra con số 33 cái hồ hiện còn tồn tại trong Kinh Thành Huế. Như vậy, con số thống kê này đã giảm 8 hồ so với thống kê của chúng tôi vào năm 1993. Không rõ vì nguyên nhân gì?
Tháng 4/2007, khi đi chụp ảnh hiện trạng hệ thống thủy đạo Kinh Thành Huế để dẫn chứng cho bài viết này, tôi đã nhận thấy hệ thống thủy đạo này đang đối mặt với thực trạng sau:
- Nhiều hồ bị cắt xén, san lấp để mở đường và tạo mặt bằng cho việc cơi nới công sở và công trình dân sinh.
- Nhiều miệng cống đã bị rào kín để phục vụ việc nuôi trồng thủy sản hay làm các khu câu cá thư giản, thậm chí, một vài cống ngầm đã bị bít kín và bị các công trình dân sinh xây đè lên trên. Hệ thống cống lưu thông giữa các hồ gần như tê liệt hoàn toàn.
- Diện tích mặt nước của các hồ và của Ngự Hà được sử dụng để canh tác các loại thực vật thủy sinh nên bị thu hẹp dần, thậm chí khô kiệt từng phần hoặc toàn phần vào mùa khô.
- Nhiều hồ vốn là di tích, danh thắng nổi tiếng trước đây đã biến thành phế tích, không được chăm sóc, tôn tạo.
- Hai đoạn Ngự Hà ở cả hai phía trong và ngoài của cả Tây Thành Thủy Quan lẫn Đông Thành Thủy Quan đều bị bồi lấp nghiêm trọng, chỉ còn là những lạch nước nhỏ, khiến dòng chảy của Ngự Hà bị tắc nghẽn. Một phần quan trọng của Ngự Hà ở hai vị trí này trở thành những mảnh vườn, mảnh ruộng canh tác của cư dân địa phương.
- Nhiều đoạn hào phía tây Kinh Thành đã bị lấp cạn, đặc biệt, đoạn hào bên ngoài Tây Thành Thủy Quan đã bị lấp gần như toàn bộ, chỉ còn là một con lạch rộng khoảng 4m, khiến nước từ sông Kẻ Vạn không thể lưu thông với Ngự Hà.
Thực trạng trên là nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước mặt bên trong Kinh Thành Huế và gây nên tình trạng ngập úng dài ngày trong nội thành vào mùa mưa lũ, vừa gây khó khăn cho đời sống dân sinh, vừa xâm hại nghiêm trọng các di tích lịch sử và cảnh quan văn hóa hiện diện bên trong Kinh Thành Huế. Vấn đề quy hoạch đô thị gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Sự cân bằng cảnh quan và môi trường sinh thái bị hủy hoại. Ý tưởng về tổ chức một tour du lịch đường thủy trên toàn tuyến Ngự Hà do ngành du lịch đưa ra dường như không có cơ hội thực hiện.

3. CÁC KIẾN NGHỊ:
3.1. Các giải pháp để cải tạo hệ thống thủy đạo Kinh Thành Huế:
Để cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy đạo trong Kinh Thành Huế cần phải có những biện pháp đồng bộ sau:
- Tái nạo vét Ngự Hà, đi kèm với chỉnh trang tu bổ các bờ kè của Ngự Hà.
- Khẩn thiết nạo vét các hồ hiện còn trong Kinh Thành, đảm bảo các hồ này thực sự là nơi tích nước ban đầu trong mùa mưa lũ. Đồng thời, tôn tạo các hồ, biến các hồ thành những cảnh quan văn hóa. Đồng thời, đảm bảo cho các hồ chức năng cân bằng môi trường sinh thái cho khu vực Kinh Thành như vốn có.
- Tái lập nguyên trạng các cống lộ thiên và khơi thông các cống ngầm nối các hồ với nhau và nối các hồ với Ngự Hà.
- Mở các hố “ga” để ngăn chặn rác và có biện pháp xử lý sơ bộ nguồn nước thải ở những hồ, vốn là địa điểm nhận nước cuối cùng trước khi đổ ra Ngự Hà. Nếu không, Ngự Hà vẫn tiếp tục bị nhiễm bẩn bởi chất thải dân sinh đổ trực tiếp vào hồ.
- Khơi thông toàn bộ hệ thống hào bao quanh Kinh Thành, đặc biệt là đoạn hào phía tây Kinh Thành.
- Mở rộng và nạo vét hai đoạn Ngự Hà ở trong và ngoài Tây Thành Thủy Quan và Đông Thành Thủy Quan nhằm làm cho nguồn nước được thực sự lưu thông từ Hộ Thành Hà phía tây (sông Kẻ Vạn), qua Ngự Hà, ra đến Hộ Thành Hà phía đông (sông Đông Ba).

3.2. Cải thiện chính sách quản lý hệ thống thủy đạo Kinh Thành Huế:
- Chấm dứt việc san lấp và lấn chiếm lòng hồ để lấy mặt bằng xây dựng các công trình công cộng và công trình dân sinh.
- Chấm dứt việc giao diện tích mặt nước cho các hộ dân canh tác và mở các dịch vụ kinh doanh nhà hàng và câu các giải trí.
- Mở các cuộc vận động, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau trong cộng đồng dân cư (và trong bộ máy chính quyền các phường nội thành) để giúp họ hiểu rõ tác dụng của hệ thống thủy đạo trong Kinh Thành Huế đối với đời sống kinh tế, xã hội trong các phường nội thành.
                                                             T.Đ.A.S

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 



--------------------
1 Trần Đức Anh Sơn - Vũ Hữu Minh, “Hồ trong Kinh Thành Huế”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 2/ 1993, tr. 11 - 20.
2 L.Cadière, “La Citadelle de Hué, Onomastique”,
BAVH, 1933, p.112.
3 L.Cadière, “La Citadelle de Hué, Onomastique”,
BAVH, 1933, p.112 và Phan Thuận An, “Ngự Hà và dự án công trình tiêu thông thoát nước Ngự Hà hiện nay”, Thông tin Khoa học và Công nghệ. Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế xuất bản, số 2/1992, tr. 60-69.
4 Phan Thuận An, “Ngự Hà và dự án công trình tiêu thông thoát nước Ngự Hà hiện nay”,
Thông tin Khoa học và Công nghệ. Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế xuất bản, số 2/1992, tr. 60-69.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vọng thời gian (17/10/2008)
Thơ Thiếu Nhi (17/10/2008)