Tạp chí Sông Hương - Số 220 (tháng 6)
Những cổ vật bằng đồng của Huế trước thời kỳ Phú Xuân
10:14 | 17/10/2008
PHAN THANH HẢIVới chủ đề “320 năm Phú Xuân - Huế, nghề truyền thống – bản sắc và phát triển”, Festival nghề truyền thống Huế 2007 sẽ diễn ra từ ngày 8-6 đến 10-6-2007, tập trung vào các nghề chạm khắc, đúc đồng và kim hoàn ở Huế và khắp đất nước.Sông Hương góp thêm một tiếng nói để tôn vinh nghề đúc đồng của Huế thông qua việc trình bày và đánh giá một số cổ vật đồng tiêu biểu của thời kỳ trước Phú Xuân hiện còn được lưu giữ để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử phát triển và những thành tựu của nghề đúc đồng xứ Huế.
Những cổ vật bằng đồng của Huế trước thời kỳ Phú Xuân


1. Năm 1626, chuẩn bị cho cuộc đương đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phước Nguyên đã cho dời lỵ sở của mình từ Dinh Cát bên bờ sông Ái Tử vào làng Phước Yên, xây dựng nơi đây thành thủ phủ đầu tiên của các chúa trên đất Thừa Thiên Huế ngày nay. Năm 1627, cuộc đại chiến đầu tiên đã xy ra giữa quân đội Lê-Trịnh và quân đội chúa Nguyễn. Sau đó, cả hai bên càng ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh. Năm 1631, cùng với việc đắp lũy Nhật Lệ, chúa Nguyễn “cho lập ty Nội Pháo tượng và hai đội Tả Hữu pháo tượng. Lấy dân hai xã Phan Xá, Hoàng Giang (thuộc huyện Phong Lộc) lành nghề đúc súng sung bổ vào (Ty Nội Pháo tượng 1 thủ hợp, 1 ty quan, 38 người thợ; hai đội Tả Hữu pháo tượng thì 12 ty quan, 48 người thợ”(1). Đây là cơ sở đúc vũ khí đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn tại Đàng Trong, cũng là cái nôi của nghề đúc đồng của Huế sau này.

Tư liệu không nói rõ khi ấy Ty Nội Pháo tượng và hai đội Tả Hữu pháo tượng được đặt ở đâu, nhưng chúng tôi cho rằng, chúng không phải đặt tại Phước Yên, mà có thể đã đặt ngay tại Phường Đúc ngày nay.
Năm 1636, chúa Nguyễn Phước Lan cho dời thủ phủ vào làng Kim Long. Phường Đúc ở bờ sông đối diện chắc chắn đã xuất hiện và phát triển rất phồn thịnh. Sự phát triển này kéo dài liên tục đến hết thời các chúa, vì trong bộ bản đồ cổ nổi tiếng Giáp Ngọ niên Bình nam đồ vẽ năm 1774, Bùi Thế Đạt vẫn ghi rõ vị trí của Chú Súng Trường (trường đúc súng) tại vị trí của Phường Đúc.

2. Nghề đúc đồng trong thời kỳ Kim Long (1636-1687) đã để lại nhiều sản phẩm tuyệt vời. Chắc chắn là những biến động lịch sử đã làm Huế mất đi không ít cổ vật quý báu của thời kỳ này, trong đó có nhiều đồ đồng, nhưng những sản phẩm còn lưu giữ lại đến nay cũng đủ để chứng tỏ điều đó.
Tiêu biểu nhất phải kể đến là 11 chiếc vạc đồng hiện còn ở Huế, mà 10 trong số đó đã thuộc về thời kỳ Kim Long.
Đây là 11 chiếc vạc được đúc trong thế kỷ XVII, từ năm 1631-1684, thời chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635)
, Nguyễn Phước Lan (1635-1648) và Nguyễn Phước Tần (1648-1687). Nghĩa là khi ấy, Thủ phủ của họ Nguyễn còn đặt tại Phước Yên (1626-1636) và Kim Long (1636-1687) chứ chưa chuyển về Phú Xuân.

Không rõ, nguyên xưa những chiếc vạc trên được đặt trong phủ chúa hay chỗ nào khác, nhưng hiện nay cả 11 chiếc vạc này đều đang được đặt tại các di tích của triều Nguyễn: 7 chiếc bên trong hoàng cung, 3 chiếc trước Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế và 1 chiếc tại lăng Đồng Khánh.
Tất cả các chiếc vạc trên đều có kích thước rất lớn, trọng lượng từ vài trăm cân đến vài ngàn cân
(2).
Chiếc vạc đầu tiên được đúc năm 1631, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hiện đang được đặt ngay trước hiên điện Long An (hiện là tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế). Đây là một chiếc vạc có hình dáng rất lạ-tương tự một chiếc nồi cổ của người Việt, kích thước lớn, cổ thắt bụng phình to, trên cổ có 4 quai được tạo dáng khá đẹp. Quanh thân vạc, gần trên cổ có trang trí. Điều đáng nói là từ trước đến nay chưa thấy ai đề cập đến chiếc vạc độc đáo này. Trên thân vạc có đề niên đại “Tuế thứ Tân Mùi nhuận trọng xuân
, tức năm 1631(3). Trọng lượng vạc là 560cân. Theo chúng tôi, chiếc vạc này có lẽ do người Việt Nam đúc, và dấu ấn văn hóa Bắc Bộ vẫn còn rất rõ thể hiện trên cả kiểu dáng và hình thức trang trí. Còn vạc được đúc tại đâu thì vẫn chưa xác định được.
Mười chiếc vạc còn lại được đúc từ năm 1659-1683, nghĩa là thời kỳ chúa Nguyễn Phước Tần đóng tại Kim Long.

Chiếc vạc thứ hai được đúc năm 1659, hiện được đặt phía trước điện Kiến Trung, bên trong Tử Cấm Thành Huế. Theo khảo cứu của L.Sogny, chiếc vạc này cho đến năm 1921 vẫn còn được đặt phía trước đồn binh Pháp tại khu Mang Cá Lớn, về sau qua thương thảo, người Pháp mới chịu cho triều Nguyễn chuyển nó vào bên trong Đại Nội(4). Trên miệng vạc có ghi rõ năm đúc là năm Thịnh Đức thứ 7 và trọng lượng chiếc vạc là 2154cân (khoảng 1.378kg). Tuy nhiên, Sogny có thắc mắc là, tại sao trên miệng đỉnh có khắc dòng chữ “nhất song” (nghĩa là một đôi) nhưng hiện còn chỉ 1 chiếc? Sogny cũng cho biết, hoàng tử Phụng Hóa (tức Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo) sau này trở thành vua Khải Định thì cho rằng, chiếc vạc cùng cặp với chiếc thứ nhất hiện được đặt tại lăng vua Đồng Khánh, nhưng ông không nhất trí với quan điểm này. Lí do là chiếc vạc tại lăng Đồng Khánh được đúc sau đó đến 14 năm (năm 1673) và trọng lượng cũng chỉ bằng phân nửa chiếc vạc trên (1.013 cân)

Theo chúng tôi, chiếc vạc cùng cặp với chiếc vạc trước điện Kiến Trung hiện nay chính là chiếc hiện được đặt phía trước, bên phải điện Long An dù trọng lượng chiếc vạc này còn nhỏ hơn chiếc vạc tại lăng Đồng Khánh.
Chiếc vạc thứ ba này cũng được đúc vào năm 1659 nhưng không đề niên hiệu vua Lê mà đề niên đại theo Can Chi (Kỷ Hợi niên tứ nguyệt tạo đỉnh), trọng lượng của vạc chỉ là 560 cân, nhưng nó lại có cùng kiểu dáng và hình thức trang trí với chiếc vạc đặt trước điện Kiến Trung. Cùng niên đại và cùng hình dáng, kiểu thức trang trí là nguyên nhân khiến chúng tôi khẳng định, hai chiếc vạc trên là một cặp được đúc cùng thời. Ngoài ra, có một chi tiết cũng rất đáng chú ý: trên miệng chiếc vạc thứ 2 này còn khắc 3 chữ Nội phủ tướng. Có lẽ là thời chúa Nguyễn Phúc Tần, chiếc vạc này vốn được đặt bên trong phủ chúa (?).

Chiếc vạc thứ tư và thứ năm có lẽ là một cặp được dự định đúc cùng thời nhưng thực tế lại cách nhau đến 2 năm hiện đang được đặt trước sân điện Cần Chánh, bên trong Tử Cấm Thành. Đây là 2 chiếc vạc có kích thước và trọng lượng lớn nhất trong các vạc thời chúa Nguyễn. Chiếc thứ nhất đúc năm 1660 (năm Thịnh Đức thứ 8), trọng lượng 2482 cân; chiếc thứ 2 đúc năm 1662 (Thịnh Đức thứ 10), trọng lượng 2425 cân; cả hai đều có đường kính miệng trên 2,2m, cao trên 1m. Hai chiếc vạc này có hình dáng và kiểu thức trang trí rất giống nhau, trên miệng vạc đều khắc 2 chữ Hán nhất song (một đôi)(5).
Chiếc vạc thứ sáu đúc vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), hiện đặt tại ở phía trước, bên phải Duyệt Thị Đường, nặng 938 cân. Chiếc cùng đôi với nó được đúc sau đó 1 năm (1671), hiện được đặt ở góc sân phía đông điện Thái Hòa. Chiếc vạc thứ bảy này nặng 896 cân, hình thức trang trí gần giống như chiếc thứ sáu.

Đôi vạc thứ tám và thứ chín cũng rất dễ nhận biết vì từ hình dáng đến kích thước đều tương tự nhau, tuy nhiên, niên đại đúc của chúng lại lệch nhau đến 13 năm. Đó là hai chiếc vạc đặt trước sân điện Càn Thành. Chiếc bên trái (nhìn từ trong ra) đúc năm Chính Hòa thứ 5 (1684), nặng 1395 cân; chiếc bên phải đúc năm Cảnh Trị thứ 10 (1671), nặng 1390 cân. Cũng như hai chiếc vạc đặt trước sân điện Cần Chánh, hai chiếc vạc này có lẽ đã được đặt tại đây từ rất sớm. Năm 1921, Sogny đã mô tả hai đôi vạc này khá kỹ.

Chiếc vạc thứ mười hiện được đặt trong khuôn viên phần tẩm điện lăng Đồng Khánh, phía đầu hồi nhà Hữu Vu (của điện Ngưng Hy). Vạc loại 4 quai, đúc năm Dương Đức thứ 2 (1673), nặng 1.013 cân. Tuy trên miệng vạc có đề 2 chữ Hán nhị song (tức 2 đôi) nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được chiếc vạc nào cùng cặp với chiếc vạc này.
Chiếc vạc thứ mười một hiện đặt phía trước hiên, bên trái điện Long An, được đúc vào năm Đinh Tỵ (1667). Chiếc vạc này nặng 560 cân, trên miệng có đề
nhất song nhưng chúng tôi cũng chưa tìm ra chiếc cùng đôi với nó. Điểm đáng chú ý ở chiếc vạc này là trên miệng vạc có khắc 3 chữ Tiền chính cung, tức nguyên xưa nó được đặt trước cung điện chính của phủ chúa (?).

Mười một chiếc vạc thời chúa Nguyễn, trừ chiếc đầu tiên đúc năm 1631 thì 10 chiếc còn lại có thể chia làm 2 loại chính, dựa vào kiểu dáng và cách thức trang trí, là loại vạc 8 quai và vạc 4 quai.
- Loại vạc 4 quai gồm có 6 chiếc, trong đó có 2 chiếc đúc vào năm 1659, các chiếc còn lại vào các năm 1660, 1662, 1667 và 1673 (tức các chiếc số 2,3, 4,5, 10 và 11 theo thứ tự liệt kê trên). Đặc điểm chung của loại vạc này là 4 quai được đặt gần trên miệng và cao vượt quá miệng vạc, được tạo hình vặn xoắn kiểu dây thừng. Toàn bộ phần thân vạc được chia thành những lớp, những ô hình chữ  nhật để trang trí. Tuy nhiên, cách trang trí trên thân vạc cũng có đặc điểm riêng, thường những chiếc cùng một đôi thì các mô típ trang trí gần như tương đồng nhau.

- Loại vạc 8 quai gồm có 4 chiếc đúc vào các năm 1670, 1671 (2 chiếc) và 1684 ( tức các chiếc số 6, 7, 8 và 9 theo thứ tự liệt kê trên). Đặc điểm chung của loại vạc này là 8 quai được đặt dưới miệng vạc một đoạn và cao không quá miệng vạc. Các chiếc quai kiểu này đều tạo hình đầu rồng có cổ vươn ra từ thân vạc, trông khá sinh động. Phần thân vạc không chia thành lớp hay ô hộc hình học để trang trí như loại vạc 4 quai mà chỉ trang trí phần trên, phía gần quai vạc. Mô típ trang trí cũng khác kiểu vạc trên rất nhiều. Nhưng cũng như loại vạc 4 quai, những chiếc cùng một đôi thì có mô típ trang trí gần tương tự nhau.
Tất cả 11 chiếc vạc trên dĩ nhiên đều không có chân đúc liền thân. Hiện nay, trừ 3 chiếc vạc đang đặt trước điện Long An được kê trên bộ chân (3 chiếc kiểu chân kiềng) bằng gang được tạo dáng khá đẹp và hài hoà với phần thân, các chiếc vạc còn lại đều được đặt trên các chân bằng đá Thanh khá mộc mạc. Có lẽ các bộ chân này đều được làm lại trong thời Nguyễn.

3. Ngoài 11 chiếc vạc đồng độc đáo nói trên, tại Huế vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật đồng được tạo tác trước thời kỳ Phú Xuân. Nổi bật nhất là chiếc khánh đồng của chùa Thiên Mụ. Tương truyền khánh do đại thần Trần Đình Ân cho đúc vào năm 1677 để tặng cho chùa Bình Trung (Quảng Trị), sau do loạn lạc mới được đưa vào đặt tại Thiên Mụ. Không rõ tại Việt Nam còn giữ được bao nhiêu chiếc khánh của thời các chúa, nhưng chỉ cần qua chiếc khánh đồng tuyệt đẹp này cũng đã cho thấy trình độ kỹ thuật và mỹ thuật đúc đồng rất cao của Huế trong thời kỳ này. Đây là chiếc khánh khá lớn, bề mặt trước sau đều có khắc nổi hình Nhị thập bát tú và mặt trời.
Ngoài ra cũng cần phải kể đến một số khẩu đại bác bằng đồng hiện đang đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung
đình Huế. Đây là những khẩu đại bác bằng đồng của Hà Lan được đúc rất tinh xảo và có mang phù hiệu của Công ty Đông Ấn-Hà Lan. Những di vật này là sự thể hiện rất độc đáo mối quan hệ cởi mở về ngoại giao và thương nghiệp dưới thời các chúa(6), đồng thời đây cũng là những cổ vật có thể dùng để so sánh kỹ thuật đúc đồng của người Việt với bên ngoài.

4. Những cổ vật bằng đồng của Huế trước thời kỳ Phú Xuân còn lại tuy không nhiều, và chủ yếu tập trung trong thời kỳ Kim Long (1636-1687), nhưng cũng đủ để phản ánh trình độ kỹ thuật, mỹ thuật đặc sắc của ngành đúc đồng trong thời kỳ này. Có thể nói, cùng với sự ra đời của đô thị Huế(7) bên bờ sông Hương, các ngành nghề thủ công của Huế đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó có nghề đúc đồng. Do vai trò đặc biệt của Huế trong các thế kỷ tiếp theo mà ngành đúc đồng đã có cơ hội liên tục phát triển và đạt đến đỉnh cao trong thời Nguyễn, tạo nên các sản phẩm kiệt xuất như Cửu Vị Thần Công, Cửu Đỉnh... Bởi vậy, cần có sự đầu tư nghiên cứu một cách xứng đáng đối với nghề đúc đồng và các sản phẩm của nó trong giai đoạn đầu. Đó cũng là một cách để tôn vinh nghề đúc đồng, một ngành thủ công truyền thống nổi tiếng của cố đô. 
P.T.H

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 



-----------
[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn
, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.48
2 Tương truyền, tác giả của chúng lại là một ông Tây, một người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ tên là Joaz da Cruz (hay Jean de la Croix) đã từng sống tại Huế trong thời gian trên. Cruz đến Huế vào nửa  đầu thế kỷ XVII, sống tại Phường Đúc (khu vực đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên Mụ), lấy vợ người Việt và được xem là một trong những người có công lớn trong việc phát triển  ngành đúc đồng nổi tiếng của vùng đất này. Ông cùng con trai đã giúp chúa Nguyễn đúc rất nhiều vũ khí để phục vụ chiến tranh chống chúa Trịnh ở phía Bắc và công cuộc mở đất ở phía . Để kỷ niệm cho các lần chiến thắng và cũng là để biểu thị cho uy quyền cùng sự trường tồn của dòng họ, chúa đã sai ông đúc những chiếc vạc to lớn nói trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chiếc vạc đầu tiên thì chắc chưa có bàn tay và sự chỉ đạo của Cruz vì nó quá khác những chiếc còn lại và còn bởi từ hình dáng đến kiểu thức trang trí đều có vẻ rất thuần Việt.
3 Thực ra, khi kiểm tra toàn bộ lịch Việt Nam xưa nay (từ năm 0 đến năm 2000) chúng tôi hoàn toàn không tìm được năm Tân Mùi nào có nhuận tháng 2. Sau đó phải nhờ vào chú thích của Lê Qúy Ngưu trong bộ Lịch Vạn Niên mới biết, do sự khác nhau trong cách tính nên giữa lịch Đàng Trong và Đàng Ngoài có khác nhau về tháng nhuận các năm Tân Mùi (dù cùng lấy từ Khâm định Vạn niên thư của nhà Minh). Từ đó chúng tôi mới biết được, năm Tân Mùi nhuận Trọng xuân chính là năm 1631.
4 L.Sogny,
Những chiếc vạc đồng tại hoàng cung. B.A.V.H. 1921. Bản dịch của Phan Xương, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr 5-48.
Như trên đã nói, chúng tôi chưa rõ vì sao, khi viết bài này, Sogny chỉ khảo sát và thống kê được 6 chiếc vạc thời các chúa Nguyễn. Năm chiếc khác hiện đặt tại khu Duyệt Thị Đường, bên trái điện Thái Hòa và phía trước Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế thì ông lại không hề đề cập (?). Riêng về chiếc vạc nói trên, theo Sogny, những người lớn tuổi tại Huế (thời điểm viết bài là năm 1921) thì cho rằng, có thể trước đây chiếc vạc này được đặt trước điện Hiếu Tư (thuộc cung Khánh Ninh của vua Minh Mạng) hoặc trước điện Long An (thuộc cung Bảo Định của vua Thiệu Trị), hoặc cũng có thể đặt trước sân Thái Miếu trong hoàng cung. Sau vụ Thất thủ kinh đô, tháng 7/1885, quân Pháp đã đưa chiếc vạc này về đặt trước khu Nhượng địa (tức Mang Cá Lớn). Người Pháp cũng định đưa chiếc vạc trên qua tham dự Hội chợ triển lãm Marseille năm 1906, nhưng ý định này bất thành.
5 Thực ra các niên hiệu đề trên 2 chiếc vạc này đều có sự nhầm lẫn. Niên hiệu Thịnh Đức của vua Lê Thần Tông thời Hậu Lê chỉ kéo dài từ năm 1653-1657; từ năm 1658 đã đổi thành niên hiệu Vĩnh Thọ; đến năm 1662 lại đổi thành niên hiệu Vạn Khánh. Tuy nhiên, có lẽ khi đúc những chiếc vạc này, chúa Nguyễn vẫn chưa biết vua Lê đã đổi niên hiệu nên ông vẫn sai khắc các niên hiệu Thịnh Đức thứ 8, Thịnh Đức thứ 10 (?). Cũng vì sự “nhầm lẫn” này mà Sogny đã chứng minh rằng các vạc đồng nói trên đều được đúc tại Đàng Trong chứ không phải đúc tại Hà Nội rồi sau đó vua Gia Long đã đưa về Huế sau cuộc Bắc tiến năm 1801, như lời ông quan võ triều Nguyễn “thông hiểu về lịch sử” đã nói với ông trước đó.
6 Theo PGS.TS Đỗ Bang, những khẩu đại bác này là chiến lợi phẩm của quân đội chúa Nguyễn giành được từ đoàn thuyền Hà Lan năm 1644, khi họ xâm nhập vào Đàng Trong.
7 Cách đây 10 năm, trong Hội thảo kỷ niệm 310 năm Phú Xuân – Huế, trong tham luận của mình, chúng tôi đã khẳng định, Kim Long chính là thời kỳ đầu tiên của đô thị Huế, và mốc ra đời của đô thị Huế là năm 1636, chứ không phải là năm 1687, khi thủ phủ chúa Nguyễn chuyển về phú Xuân. Ý kiến này nay đã được nhiều nhà khoa học công nhận.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vọng thời gian (17/10/2008)
Thơ Thiếu Nhi (17/10/2008)