Tạp chí Sông Hương - Số 219 (tháng 5)
Bác Hồ với nghệ thuật múa
10:13 | 23/10/2008
LÂM TÔ LỘCTrong di sản văn hoá dân tộc ở Việt Nam, múa dân tộc Việt có bề dày lịch sử được xác định bởi những hoa văn hình múa trên trống đồng Ngọc Lũ. Múa truyền thống nổi lên ở các lễ hội. Có người cho rằng người Việt không có thói quen sinh hoạt múa tập thể. Sử sách đã nói đến truyền thống sinh hoạt múa này.
Bác Hồ với nghệ thuật múa

Theo “Việt sử thông giám cương mục”, thái thú Cửu Chân – Đam Manh làm chủ tiệc rượu của bố vợ là Chu Kinh, mời các quan to đến dự. Lúc rượu đã say, nổi khúc nhạc vui, công tào Phiên Hâm đứng lên múa, mời Chu Kinh múa. Chu Kinh không chịu đứng dậy. Phiên Hâm cứ ép Chu Kinh mãi. Hiện tượng ấy nói lên rằng ở Trung Quốc thời Đông Hán, theo thể chế, quan lại không múa. Vua chúa quan lại có vũ công múa hát phục vụ ở tiệc tùng. Trong khi đó ở quận Cửu Chân, tuy công tào là một viên chức của bộ máy thái thú, Phiên Hâm vẫn múa theo thói quen sinh hoạt của người Việt. “Việt sử thông giám cương mục” lại nói đến một hiện tượng múa sinh hoạt thời Trần: Năm Nguyên Phong thứ hai (1252) Trần Thái Tông đãi yến quần thần... Mọi người trong tiệc ruợu đứng dậy dắt tay nhau mà hát. Điều ấy cho phép ta nghĩ rằng đó là một hình thức hát múa tập thể thời Trần. Nhưng đến thời hậu Lê, vấn đề múa tập thể bị xem xét theo cách khác. Theo “Đại Việt sử ký” có lần vua nhà Lê về đất Lam Kinh. Dân Thanh Hoá ra nghênh tiếp. Con trai con gái múa hát Lý liên để chào mừng. nữ dắt tay nhau hoặc chéo chân, chéo cổ nhau gọi là “cắm hoa”, “kết hoa”. Đài quan bẩm với Thái úy rằng lối hát ấy là thói dâm tục, không nên cho hát trước xa giá. Thái úy ra lệnh cấm hẳn. Nếu Lý liên bị cấm thì các hình thức hát múa tập thể tương tự của người Việt tránh sao khỏi số phận này. Lễ giáo phong kiến, với những quan niệm đạo đức như “nam nữ thụ thụ bất thân” “xuất tắc yểm diện” đã hạn chế các quan hệ nam nữ trong giao tiếp với xã hội và lẽ tất nhiên hạn chế rất nhiều những điệu múa tập thể nam nữ.

Cách mạng tháng Tám rồi cuộc kháng chiến chống Pháp đã phát huy vai trò phụ nữ trong công tác xã hội ở vùng tự do và chiến khu. Hình thành phong trào múa tập thể - một biểu hiện của đời sống mới.
Hồi kháng chiến, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ cũng có lúc múa vui với cán bộ, chiến sĩ. Điều đó đã khích lệ cán bộ, bộ đội, dân công miền xuôi tham gia phong trào múa hát tập thể. Sự chan hoà vào sinh hoạt múa hát của cán bộ và nhân dân, những động tác múa hồn nhiên của Bác Hồ làm cho cán bộ lãnh đạo các cấp nhận thức rằng tác phong quần chúng của một cán bộ lãnh đạo có tác dụng lôi cuốn quần chúng vào những sinh hoạt văn hoá tập thể. Đến với dân, cùng múa hát với họ, tất nhiên cán bộ sẽ dễ gần gũi và nghe được tiếng nói của dân. Không phải ngẫu nhiên người phụ nữ Kinh miền xuôi (từ dân công, bộ đội đến cán bộ đoàn thể cứu quốc) tham gia múa hát tập thể. Họ cũng hiểu được rằng cách mạng và Bác Hồ đã giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến; họ được bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội, các sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Một sự kiện văn hoá tư tưởng đánh dấu sự đổi mới cách nhìn về nghệ thuật múa là trong Đại hội Mặt trận Liên Việt toàn quốc năm 1951, Bác Hồ dẫn đầu điệu múa “Kết đoàn”. Đại biểu các Đảng, các tôn giáo, các đoàn thể cứu quốc, các khách quý... vịn vai nhau bước theo chân Bác Hồ. Như vậy, múa tập thể đã trở thành biểu tượng của tinh thần toàn dân đoàn kết kháng chiến.

Tháng Hữu Nghị Việt Trung Xô (1953) là cao trào của múa tập thể. Ở một cuộc liên hoan trong tháng ấy, Bác Hồ đã nhảy múa với cán bộ và chiến sĩ. Sự tham gia sinh hoạt nghệ thuật này của vị lãnh tụ kính yêu là một hình thức đả phá những quan niệm phong kiến như “xướng ca vô loài”, “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (mọi tầng lớp đều thấp hèn, chỉ có người đọc sách là cao quý). Điệu múa “Đoàn kết” trong đại hội Mặt trận Liên Việt cho thấy những người tham gia đều là người đáng quý, những trí thức cách mạng cũng coi trọng sinh hoạt múa ấy.

Múa tập thể - một nét sinh hoạt văn hoá của Hồ Chủ tịch – đã cho các cán bộ quản lý văn hoá bài học bổ ích về tác dụng của lãnh đạo đối với phong trào văn hoá quần chúng. Loại múa này giáo dục tinh thần tập thể trong sinh hoạt văn hoá của cộng đồng, tinh thần dân chủ bình đẳng cho những ai tham gia cuộc vui (bất luận họ giữ địa vị gì trong xã hội) và tinh thần tự do sáng tạo cái đẹp (phù hợp với yêu cầu của điệu múa) để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của mình. Chính những phẩm chất tư tưởng và đạo đức ấy làm cho điệu múa tập thể trở thành món ăn tinh thần của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Bác Hồ đã sử dụng nó như một vũ khí trong cuộc đấu tranh phản phong. Đối với người Việt, trong việc phục hồi và phát triển múa tập thể, không thể không nói đến ảnh hưởng to lớn của tư tưởng và tác phong lãnh đạo của Bác Hồ.
                                    L.T.L

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vũ nữ* (22/10/2008)