Tạp chí Sông Hương - Số 218 (tháng 4)
Khúc ngoặt của dòng sông
09:37 | 28/10/2008
ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.

Thắm - cô học trò tôi đã từng làm chủ nhiệm 3 năm ở khoa Văn cao đẳng sư phạm cũng sống ở đó với mẹ và đi dạy học. Trường trung học cơ sở nơi Thắm dạy học cách nhà 15 cây số... “nhưng chiều thứ bảy nào, dạy xong tiết cuối cùng, muộn mấy em cũng đạp xe về ghềnh Đá Đỏ, thầy ạ - trong một lá thư Thắm viết cho tôi như vậy - Chẳng phải em nhớ mẹ, mà em yêu những mỏm núi đá và con sóng, bờ cát nơi này. Thầy ơi, biển ở đây thật đẹp. Phía bờ đông hầu như quanh năm suốt tháng sóng đánh tơi tả vào ghềnh đá. Vậy mà chỉ cần vượt qua một yên ngựa nhỏ sang phía bờ tây, chui qua dưới tán rừng thông đã gặp bãi cát trắng mịn màng. Mặt nước êm sóng có thể nhìn thấy cả những mảng rêu xanh sâu vài chục sải... Thầy đã nghe thấy địa danh Vũng Rô bao giờ chưa?”.

Tôi không ám ảnh bởi chưa tới được Vũng Rô. Sự chậm trễ nấn ná để thu xếp về ghềnh Đỏ một chuyến xuất phát từ sự cẩn trọng. Tôi không muốn cho mẹ con Hiền phải vỡ mộng. Người thiếu phụ phải chật vật nuôi ba đứa con nhỏ bằng đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi đã quá khổ rồi. Một thời gian dài chị buồn phiền và bị gây khó dễ khi làm việc vì dư luận định kiến bởi có chồng đi lính ngụy? Cơ cực để có được từng cân gạo đong bằng sổ hàng tháng. Khổ vì những bản kiểm điểm theo từng học kỳ, từng năm để được Hội đồng giáo viên xác nhận đủ tiêu chuẩn dạy đám học trò lít nhít ở một làng chài nghèo thiếu chữ. Đã có năm, Hiền không được công nhận là giáo viên dạy giỏi vì có anh cán bộ xã phê bình một cô giáo ngày chủ nhận lại đi bán bánh canh cho con nít... Nhưng cái thời kỳ khốn khó đó, đồng lương giáo viên tiểu học không đủ nuôi sống bốn mẹ con Hiền lại thêm bà mẹ già luôn đau yếu. Hiền nhẫn nhục chịu đựng để thực hiện ý nguyện của người chồng quá cố. Bằng mọi giá Thắm chỉ cho tôi coi những vết sẹo trên cánh tay cô. Đó là kết quả của những ngày hè hai mẹ con Hiền đi vào bãi rác Mỹ ở căn cứ Đông Tác đào sắt vụn, dây thép gai, bán phế liệu. Đi lượm phế liệu cũng phải đi đào trộm. Du kích, bộ đội bắt được sẽ phạt tiền, thu đồ nghề. Tôi không ngờ một cô sinh viên khoa văn lại rành rẽ cả việc gỡ những trái mìn díp, mìn râu, dám cưa cả những trái pháo lép để lấy cát tút bán đồng nát. “Cực lắm thầy ơi!”. Câu nói của cô học trò nhỏ cứa vào lòng tôi. Để xác minh mối quan hệ giữa mẹ con Hiền với một người quá cố từ lâu, tôi cần có thời gian. Tôi không muốn vì sự thiếu cẩn trọng của mình mà làm cho trái tim của Hiền và các con cô nhói đau thêm một lần nữa. Họ đã quen với sự thiếu vắng hình ảnh người cha mười mấy năm nay. Nhưng mỗi lần lên lớp giảng văn, bất chợt nhìn ánh mắt của Thắm, cô học trò nhỏ ngồi ngay bàn thứ hai là tôi nghĩ ngay đến đôi mắt, giọng nói của người lính ngụy trong sư đoàn Thủy quân lục chiến ở chốt Cồn Nổi năm nào.

Nhiều năm đã trôi qua, trong cơn mê mụ, doi đất Cồn Nổi vẫn hiện về. Nhập nhòa trong ký ức hỗn độn của tôi là những rặng tre la ngà, những cây mít, cây bưởi bị bom pháo chém cụt ngọn, lá cành xơ xác bị phá nát từ dạo Mậu Thân. Vài ngôi nhà dân chỉ còn sót lại mảng tường cao chưa tới một mét nham nhở vết đạn... Doi cát ấy, nằm ngay trên bờ bắc của sông Bồ, đã làm cho dòng sông về đến đây gãy khúc, tạo ra bên lở bên bồi. Dăm bảy hộ dân ở làng Hiền Sĩ đã ra cồn dựng nhà lập vườn. Trong cuộc giao tranh “giành đất cắm cờ” mùa xuân 1973, khi bị các sư đoàn ngụy phản kích, bộ đội của Sư đoàn 324 giữ được một nửa cồn. Nửa còn lại do quân ngụy chốt giữ. Khi đại đội bộ binh của tôi tiếp nhận chốt, tình hình chiến sự ở đây đã yên. Phía quân ta và quân ngụy đang sống trong những ngày “hòa hợp”. Ranh giới phân biệt giữa ta và địch chỉ là một lạch nước nhỏ và một căn nhà lợp tranh, phên thưng bằng lồ ô, có bộ bàn ghế đóng bằng tre để hai bên tới ngồi nói chuyện, đấu lý đảm bảo cho các điều khoản 4 bên đã ký ở Paris được thực hiện. Căn nhà đặc biệt ấy được gọi là “nhà hòa hợp”. Cách căn nhà chưa tới 30 mét đã là chốt của chúng tôi và phía bên kia là lính bộ binh của sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy được đánh dấu bằng những lá cờ nửa xanh, nửa đỏ và cờ vàng có 3 sọc.

Chính ở trong ngôi nhà “hòa hợp” và những ngày giữ chốt Cồn Nổi, tôi quen Thực. Theo quy ước, cứ vào 8 giờ sáng thứ 3 và thứ 6 trong tuần, quân ta và quân ngụy cử ra một tổ tới nhà “hòa hợp” để trao đổi, trò chuyện. Những ngày đầu mới gặp nhau, bên nào cũng đưa lý lẽ để thuyết phục phía bên kia mình là chính nghĩa, anh kia xâm lược. Người bảo anh ăn lương Mỹ, cầm súng hại dân bán nước. Kẻ bảo anh dùng súng Nga Xô, Trung cộng tàn phá quê hương... Cãi vã một hồi mãi cũng nhàm chán. Họ mời nhau uống chè BLao, hút thuốc lào Vĩnh Bảo, ăn kẹo mè xửng Huế, kẹo nu ga Hà Nội... Rồi tỉ mẩn hỏi nhau tên tuổi, quê quán. Những họng súng AK, AR15 không còn chỉa vào nhau để dè chừng. Nhưng đêm đêm súng vẫn nổ. Ây là những phát đạn bắn chỉ thiên của một vài chốt ngụy phía bờ nam sông Bồ nghe tiếng chuột chạy rúc rích, hay đàn nhím ăn đọt măng tre tưởng trinh sát, đặc công mò vào. Lâu lâu, một trái mìn gài bị nổ bất chợt. Mìn ở vùng giáp ranh thì nhiều vô kể. Mìn ta gài, mìn địch gài, mìn du kích gài và cả những bẫy mìn dài hàng trăm mét để phòng thủ tuyến chốt trong những ngày tranh chấp. Đêm nào cũng nghe tiếng mìn nổ.

Nhiều năm sau, tôi đọc những cuốn sử, những bài báo tổng kết về chiến tranh cách mạng đã cố dò tìm những chi tiết, sự kiện về cái thời kỳ “hòa hợp” ấy, nhưng ít người nhắc đến. Mặc dù cái thời khắc hy hữu của một cuộc chiến tranh chỉ kéo dài chưa tới 4 tháng. Nhưng tôi không thể quên được Thực, một viên thượng sĩ ở tuyến chốt Cồn Nổi và những người lính ngụy có những cái tên rất Nam Bộ: Tư Thiêm, Út Lượt, Ba Đòn... Giấu sau cái vẻ ngoài của những bộ quần áo rằn ri, xanh xám, mũ sắt, ba lô cồng kềnh súng đạn là những gương mặt sạm đen vì mưa nắng và những mối lo toan sau những cặp mắt mệt mỏi, chán chường. Một lần nói chuyện, Tám Thực cho tôi hay anh là con thứ 7 trong nhà. Cha anh làm nghề dạy học ở Bình Định. Ông cụ mất đã lâu. Tám anh chị em trong nhà đều là thầy cô giáo dạy tiểu học và đệ nhị cấp. Thực học xong trường Sư phạm cộng đồng duyên hải Nha Trang, anh được bổ về dạy học ở Vĩnh Hiệp Nam ngay dưới chân đèo Cả. Anh lấy vợ ở đấy và đã có 3 con. Thực tưởng đã thoát đi lính, chẳng ngờ trong một cuộc dồn quân bắt lính... Những cuộc trò chuyện như vậy rất hạn chế, vì hai bên đều giữ ý. Nhưng hai cụm chốt ở gần nhau nên tôi vẫn thường nhìn thấy Thực và những người lính ngụy. Thỉnh thoảng chúng tôi lấy được gùi rau lang, chuối rừng trên rẫy, anh nuôi lại san sẻ cho những người lính ngụy ở chòi gác phía bên kia một ít. Họ chủ yếu là ăn gạo sấy với đồ hộp.

Tháng 10, miền Trung dầm dề trong những cơn mưa. Nhưng ít ai ngờ năm ấy lụt to đến vậy. Mưa có hai ngày đêm nước sông Bồ, sông Hương đã dâng cao nhấn chìm đồng bằng xứ Huế. Cả một dải đất dưới chân bình độ 28 kéo dài từ sông Ô Lâu đến tận sông Bồ trở thành biển nước mênh mông. Doi đất Cồn Nổi chỉ một đêm nước đã nhấn chìm sâu 2 mét. Nhờ có phòng bị trước, chúng tôi đã đóng sẵn những mảng bè lồ ô ở ngay khu vực chốt. Nửa đêm, nước lên đến đâu, bè lồ ô nổi lên tới đấy. Người và súng đạn, lương khô chất cả lên bè cột chặt vào thân mít, cây muỗm to hơn thân người. Chỉ nghe tiếng nước sông réo gào, cuộn chảy. Mưa đổ sầm sập xuống những tấm tăng luôn bị gió giật liên hồi. Vẳng lên trong đêm, tiếng súng bắn chỉ thiên gọi cấp cứu ở một chốt nào đó. Lẫn trong gió cả tiếng người la hét... Rồi lại chìm lấp trong tiếng mưa rơi xối xả.

Hửng sáng, tôi nhìn ra sông không biết đâu là bờ. Chiếc bè của chúng tôi nước dâng lên đã bám tới nửa thân cây muỗm. Làng Lai Bằng, làng Hiền Sĩ chìm trong nước. Rặng tre lồ ô chỉ còn trơ lại vạt lá xanh trên ngọn nổi vật vờ giữa dòng nước bạc. Phía nam Cồn Nổi, nơi đại đội lính ngụy chốt giữ không còn để lại dấu tích. Đứng từ đài quan sát trên ngọn cây muỗm, tôi nhìn không thấy bóng dáng một người lính ngụy. Họ đã chạy đi đâu trong đêm Thủy Tinh nổi giận? Dòng sông mênh mông cuộn chảy cuốn theo những cây rừng to bị đánh bạt gốc từ trên nguồn đổ về. Bầy quạ đậu đen đặc trên những cành cây trụi lá đứng rình rỉa xác một con nai chết trương bụng trôi theo dòng nước.

Sáu ngày sau nước mới rút. Đi trên lớp phù sa nhão nhoẹt chúng tôi sang khu vực chốt phía nam của quân ngụy. Trận lũ cuốn mất một phần đất phía đuôi Cồn Nổi. Hầm hào sụt lở cả. Một người lính ngụy nào đó đã kịp cột cái xoong vào chạc cây xoan chưa bị nước cuối đi. Trong một căn hầm sập, xác một người lính ngụy bị những bao cát đè chỉ chòi một bàn chân lên khỏi mặt bùn. Trong mớ rào gai bùng nhùng của bụi tre lồ ô tôi đã lượm được chiếc ba lô của một người lính ngụy khác. Ngoài mớ áo quần dính bùn đất còn có một gói gạo sấy, nước ngấm gạo đã chua. Và một tập thơ có tên “Rừng dậy men mùa” của Đông Trình. Lần giở qua, tôi biết ngay đấy là chiếc ba lô của Thượng sĩ Thực. Tập thơ ấy, Thực đã mua tại Đà Nẵng, với một dòng chữ viết bằng mực bút bi “Thân yêu tặng Hiền và các con của ba. Hẹn ngày về Gành Đỏ...”. Tôi nhìn quanh quất khu vườn tan tác sau trận lụt. Thực và những người lính dù chạy đi đâu trong đêm nước dâng?...

Cô giáo Hiền không ngăn được nước mắt khi cầm cuốn sách trên tay. Đã bao năm trôi qua, tập thơ được tôi bọc kỹ trong lớp giấy ni-lông “Đúng là nét chữ của chồng em rồi... Ảnh hay đọc sách. Đi đâu có cuốn nào hay là mua và gửi cho mẹ con em cùng đọc”. Hiền đặt cuốn sách lên bàn thờ và thắp nhang. Trong khoảng không gian mờ tỏ, tôi nhận ra tấm ảnh Thực. Ảnh trẻ. Còn rất trẻ. Trên một mảng tường còn thấy treo cả tấm ảnh chụp hai vợ chồng ngày cưới cùng với những tấm bằng khen của Hiền, của Thắm qua từng năm học.

Hiền quay ra bàn nước, nét mặt chị đã tỉnh táo trở lại. “Con Thắm nhắn: Mẹ cố giữ thầy ở lại chơi. Chiều nay tan giờ họp rút kinh nghiệm con sẽ về”. Mới ngoài tuổi 40, nhưng trông Hiền không còn trẻ. Chị phải lo toan vất vả nhiều vì con cái, công việc.
Nắng đã tàn sau dãy Đại Sơn, chỉ còn một chỏm vàng treo trên mỏm Đá Bia. Mỏm đá đen lớn, ngạo nghễ nổi lên giữa đám núi lô xô hiểm trở của vùng đèo Cả. Cách nhà Hiền không xa là ngôi trường tiểu học. Trường đã được xây mới, hai tầng với 10 phòng học khang trang. Hiền đã chỉ cho tôi coi dãy phòng học, nhà trệt còn sót lại sau ngày giải phóng nay đã được tu bổ, thay mái tôn bằng ngói. Những căn phòng học cũ kỹ ấy là nơi Thực đã từng dạy học. Hiền còn khoe: “Anh phó chủ tịch huyện bây giờ từng là học trò của nhà em. Lâu lâu ảnh xuống xã công tác đều ghé thắp hương cho thầy...”.

Tôi lững thững đi ra biển. Con đường mòn chạy dọc theo một bên triền núi một bên là những đìa tôm. Không gian yên tĩnh. Mặt biển xanh lục, từng đợt sóng ào ào đạp vào ghềnh đá. Liệu ở một nơi nào đó, Thực có nghe thấy tiếng lũ trẻ đang ê a đọc bài văng vẳng trong gió và tiếng chim bìm bịp giấu mình trong bãi đầm lầy khua động cả buổi chiều?
                                     Đ.K.C

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Các bài mới
Trong không khí (29/10/2008)
Sáu tấc đất (28/10/2008)
Các bài đã đăng