Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Kurchatov- nhà vật lý Xô Viết vĩ đại.
10:58 | 04/11/2008
TRẦN LỘC HÙNG“NỒI HƠI NGUYÊN TỬ” NGĂN NGỪA THẾ CHIẾN THỨ BAChuyện kể rằng sau cuộc thử nghiệm thành công của trái bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1949, cha đẻ của nó - Igor Vaxilevich Kurchatov - đã khóc nức nở.
Kurchatov- nhà vật lý Xô Viết vĩ đại.

Đó không chỉ là những giọt nước mắt sung sướng, mà còn là hệ quả của một thời gian dài khó khăn và gian khổ để tìm ra lá chắn hạt nhân cho Tổ quốc Xô viết. Tháng Tám năm 1949 trái bom nguyên tử đầu tiên  của Liên bang xô viết đã được thử thành công. Thế là “Nồi hơi nguyên tử” - bí danh của Igor Kurchatov - đã góp phần đẩy lùi nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba.

IGOR KURCHATOV (1903-1960)
Igor Vasilyevich Kurchatov sinh ngày 7 tháng Giêng năm 1903, tại Simsky (vùng Chelyabinsk , phía nam Ural, nước Nga). Chàng thanh niên Kurchatov tốt nghiệp đại học ngành Vật lý tại trường Tổng hợp Quốc gia Crime năm 1923 và vào học ngành đóng tàu tại Trường Đại học Bách khoa Petrograd. Năm 1925 Kurchatov chuyển tới Viện Kỹ thuật Vật lý và dưới sự hướng dẫn của Nhà vật lý nổi tiếng Abram Fedorovich Ioffe, ông bắt đầu nghiên cứu các vấn đề khác nhau liên  quan tới tính phóng xạ. Năm 1932, Kurchatov nhận được sự tài trợ của chính phủ để thành lập một nhóm riêng của ông chuyên nghiên cứu phản ứng hạt nhân và xây dựng máy gia tốc đầu tiên của Liên bang Xô viết. Ông đã  tìm ra sự phân rã hạt nhân ural năm 1940.

Chương trình nghiên cứu sự phân rã hạt nhân của Kurchatov bị gián đoạn bởi chiến tranh thế giới thứ II, và vì vậy Kurchatov đã gia nhập nhóm thiết kế   các tầu bảo vệ chống các loại mìn từ tính của phát xít Đức. Năm 1943, dưới sự giới thiệu của Ioffe, Kurchatov được chỉ định làm giám đốc chương trình vũ khí nguyên tử Xô viết. Dự án này do chính Stalin đề xuất. Hai trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống HiroshimaNagasaki của Nhật bản đã buộc Stalin phải hành động cương quyết hơn. Stalin đã ra lệnh cho Kurchatov phải sản xuất được một trái bom nguyên tử vào năm 1948 và buộc Lavrenty Beria (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên xô) trực tiếp lãnh đạo dự án. Vào ngày 29 tháng Tám năm 1949 trái bom nguyên tử đầu tiên của Liên bang Xô viết đã được thử thành công tại bãi thử Semipalatinsk thuộc Cộng hòa Liên bang  Nga.

Kurchatov được bầu là Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học Liên xô  từ năm 1943 và  ba lần được phong danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa trong các năm 1949,1951 và 1954.  Ông là người lãnh đạo việc  xây dựng thành công lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở châu Âu 1946, chế tạo thành công bom nguyên tử ở Liên bang xô viết năm 1949 và  bom nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới vào năm 1953. Kurchatov cũng là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Viện Năng lượng nguyên tử Liên xô  từ năm 1943. Sau cái chết của Kurchatov, năm 1960 Viện Năng lượng nguyên tử Liên xô đổi tên thành Viện Kurchatov. Do có những công lao to lớn đối với Tổ quốc Xô viết, Kurchatov đã được nhận giải thưởng Lê nin năm 1957 và  giải thưởng Liên bang Xô viết trong các năm 1942, 1949, 1951 và 1954.

PHÒNG THÍ NGHIÊM SỐ 2.
Dự án hạt nhân của Nhà nước Xô viết bắt đầu khởi động một cách tuyệt mật vào năm 1943. Bản thân Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đổi tên thành  Phòng thí nghiệm số 2 của Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô. Sự bí mật bao trùm khắp nơi trong lãnh thổ của Viện. Các cộng tác viên của một số bộ phận không được biết đồng nghiệp của họ đang làm gì sau các bức tường. Thậm chí có nhiều người làm việc nhiều năm trong Viện nhưng không hề biết trên lãnh thổ của Viện đã có lò phản ứng nguyên tử họat động. Mọi giấy tờ ghi chép được đánh số và kiểm tra bởi Phòng thứ nhất (bộ phận bảo vệ nội bộ). Để nhận một tờ giấy, mọi người cần phải tới đó, ký nhận và sau khi tờ giấy đã sử dụng, nhất thiết phải nộp trả lại. Rõ ràng là tuân thủ chế độ nghiêm ngặt đó không phải dễ dàng, đặc biệt đối với các nhà bác học. Vì vậy, Kurchatov thỉnh thoảng vừa rít thuốc lá vừa nheo mắt nói với mọi người: “trong phòng có mùi không tuân thủ nội quy”.

LÃNH CHÚA IGOR
Do khả năng làm việc kỳ lạ của Kurchatov mà người  ta  thường gọi ông là “Nồi hơi nguyên tử”, “Người - xe tăng” hoặc “Quả bom”. Tuy nhiên, mọi người trong Viện thích gọi ông là “Ông rậm râu”. Rất mạnh mẽ, thông minh sắc sảo, say mê tranh luận và rất  nghịch ngợm là những nét không thể tách rời trong các đặc điểm của ông. Hồi  đó, để đảm bảo an toàn trong công việc, tất cả các nhân viên trong Viện đều đi ủng cao su bọc bên ngoài giầy da. Để tránh nhầm lẫn, mọi người thường đặt các mẫu giấy có ghi tên từng người vào các chiếc ủng cao su. Có một lần, “Ông rậm râu” đã thay đổi mẩu giấy ở ủng của hai vị lãnh đạo cao nhất của Viện và cười ngặt ngẽo khi thấy cả hai vị lãnh đạo đã không thể xỏ chân vào đôi ủng của mình.

Gần Kurchatov mọi người đều cảm nhận thấy  ông đang làm một việc gì đó cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Và thực chất Kurchatov đã phải thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng tạo ra lá chắn hạt nhân cho đất nước Liên xô và góp phần chia toàn bộ lịch sử thế kỷ 20 ra hai phần - thời đại các cuộc chiến tranh thế giới và sự vắng mặt của chúng. Sự  quan trọng và khó khăn của nhiệm vụ mà ông phải thực hiện đã buộc Kurchatov làm việc như cật lực cả ngày lẫn  đêm. Sự hào hứng của ông ta cũng lây lan sang những người xung quanh. “Chào - có gì tiến bộ không?” Kurchatov thường chào hỏi các công tác viên của mình như vậy mỗi buổi sáng tại nơi làm việc, sau đó ông lại tập trung cao độ vào các  phương trình và công thức mà chắc chỉ có mình ông hiểu. Mọi cộng sự của ông  không thể hiểu được khi nào thì Kurchatov có thể ngủ. Thường thì các cuộc họp của Hội đồng khoa học Viện do ông đề nghị có thể khai mạc lúc 3 giờ sáng, nhưng sau đó ngay từ sáng sớm mọi người đã thấy Kurchatov ngồi bên bàn làm việc.

Sau lần đau đầu tiên do nồi máu cơ tim, Kurchatov buộc phải di chuyển khó nhọc với cây gậy gỗ. Nhân viên y tế đã đưa ông tới nhà nghỉ ở Barbukhe để ông có thể nghỉ ngơi ở đó, nhưng Kurchatov đã nhanh chóng trở lại với công việc. Cơn đau thứ hai nhanh chóng xuất hiện lại quật ngã Kurchatov. Khi đó Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên xô quyết định: không có sự cho phép ở cấp cao nhất thì Kurchatov không được tới nơi làm việc.
Tất nhiên “Ông rậm râu” rất buồn khi bị cách ly với công việc mà ông yêu mến, tuy nhiên thỉnh thoảng ông vẫn trốn được sự quản lý của bác sỹ, và quay về Viện để tiếp tục công việc. Tất cả mọi người trong Viện đều yêu mến và tôn trọng ông. Phụ nữ trong Viện gọi ông một cách kính trọng là Lãnh chúa Igor bởi vì ông cao lớn, rậm râu, giống hệt những tráng sĩ trong các câu truyện cổ tích NGA. Ông đã ba lần được phong Anh hùng Lao động. Ông thường đùa một cách buồn bã là  không có danh hiệu nào có thể chữa khỏi bệnh cho ông được.

Bốn ngày trước khi chết,  Kurchatov đã đi nghe hòa nhạc với tâm trạng rất vui vẻ. Ông mất ngày 7 tháng 2 năm 1960 ở tuổi 57 tại Mat-xcơ-va. Hôm đó, ông tới gặp một người bạn trong Viện để trao đổi công việc. Ông đang ngồi trên ghế nói chuyện vui vẻ, tự nhiên gục  đầu và im lặng. Trái tim của nhà Vật lý Xô viết vĩ đại đã ngừng đập.
Trong suốt những ngày vĩnh biệt Kurchatov, từ gian phòng lớn của Nhà Công đoàn Mat-xcơ-va luôn vang lên bản nhạc mà ông thường yêu thích.
Sau khi mất, thi hài của Kurchatov được quàn tại tường thành Điện Kremli như các tướng lĩnh và các nhà chính trị nổi tiếng của Liên bang Xô viết.
                                                T.L.H

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 



Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)
Các bài đã đăng