Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Những đặc điểm về dẫn ngữ trong thơ trên điện Thái Hòa (2)
16:19 | 04/11/2008
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG Việc dùng điển tích trong thơ ở đây rất thích hợp với tính chất của loại thơ suy lý, nó làm cho câu thơ trở nên gọn gàng, ít lời mà nhiều ý, nhưng cũng có lúc tính “kiệm ngôn” trong thơ đã làm cho nội dung trở nên xa xôi, dễ bị nhầm lẫn, ngộ nhận.

Ví dụ: Tinh văn quýnh tử thần ( ): nét đẹp của các vì sao soi tỏ hoàng cung (Bài B2.25.LB7s); Y quan bái tử thần ( ): mũ mão chỉnh tề chầu lạy hoàng cung (Bài B2.19.LB7t và Bài B2.12.LB8); Triêu tịch yến thần cư ( ): sớm chiều én bay lượn trong hoàng cung (Bài B1.30.LB2t); Phong thần thụy khí phù ( ): hoàng cung đã nổi lên khí lành (Bài B1.19.LB3t); Ly minh diệu tử thần ( 耀 ): ánh sáng phương nam soi sáng trong hoàng cung (Bài B1.18.LB3t). Ở trên, nếu chỉ nắm được nghĩa (phong: cây phong có lá sắc đỏ về mùa thu, tử: màu tía, tím hơi ngả đỏ, thần: cái nhà thâm kín) mà không rõ về điển thì rất dễ ngộ nhận về nghĩa của các tổ hợp Phong thần, Tử thần. Thực ra, các từ Phong thần, Tử thần (cũng có khi dùng là Đan thần) đều có nghĩa giống nhau. Đây cũng là một trường hợp về đồng nghĩa từ vựng, dùng nhiều từ để chỉ về một đối tượng. Chúng liên quan đến điển tích: đời nhà Hán trong cung vua có trồng nhiều cây phong lá đỏ, nên người xưa mượn sắc đỏ kết hợp với tính chất của ngôi nhà thâm kín để ngụ ý là cung vua, hoàng cung, chốn thâm cung.

Hoặc ở một số trường hợp khác như: Thú vũ phụng lai nghi (
): muôn thú nhảy múa, phụng hoàng bay lại uy nghi (Bài A.2.24.LB); Nhạc tấu phụng hoàng nghi ( ): nhạc tấu lên, chim phụng chim hoàng (trong trạng thái) uy nghi (Bài B1.3.LB3d); Tiêu quản phụng hoàng lai ( ): tiếng tiêu thổi lên, chim phụng hoàng tụ tập đến đến (Bài B2.27.LB7s). 
            Ở đây, nếu đơn giản, chúng ta sẽ lĩnh hội được nội dung là, các câu thơ trên miêu tả quang cảnh của một buổi Đại triều hoặc Thường triều trong Hoàng Thành, trong các lễ này thường cử hành lễ nhạc. Chim phượng, chim hoàng ở đây lại là những con vật không thực tế, nó là các chi tiết trang trí ở bờ nóc các ngôi điện như điện Cần Chánh, điện Thái Hoà. Trong các câu thơ, khi lễ nhạc tấu lên, trạng thái của những con chim này cũng trở nên uy nghi là một cách ẩn dụ rất tinh tế cho cảnh uy nghi của một triều đại. Nhưng thực ra, đây là một điển tích. Trong Kinh Thư ở thiên Ích Tắc có đoạn: Tiêu thiều cửu thành, phụng hoàng lai nghi (
): sáo thổi khúc tiêu thiều cửu thành, chim phụng hoàng tụ tập đến nghiêm trang. Tiêu thiều là một nhạc khí và là tên một nhạc chương của vua Thuấn. Nhạc chương này có 9 lần thay đổi tiết tấu, mỗi tiết tấu gọi là một thành, do vậy nên còn gọi là cửu thành, đây là một loại lễ nhạc dùng trong nghi lễ liên quan đến việc cúng tế trời, cầu mong mưa hòa gió thuận, đất nước yên bình. Hơn nữa, trong quan niệm của Đông phương, chim phụng hoàng xuất hiện sẽ báo điềm lành, thiên hạ thái bình. Do vậy, các tổ hợp được tinh giảm trên (phụng lai nghi, phụng hoàng lai, phụng hoàng nghi) đều có liên quan đến điển tích này, hàm ngôn của chúng là triều đại thanh bình, đất nước thái bình.
           
Việc vận dụng những điển tích ở đây dựa trên tiền đề là giữa chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận có sự hiểu nhau, mà sự hiểu nhau này lại dựa vào một số quan điểm chung. Sự vận dụng điển tích trong thơ ở đây còn giúp cho chúng ta tìm hiểu quan niệm lịch sử và quan niệm về thế giới của triều Nguyễn nói riêng cũng như của cả giai đoạn trung đại nói chung.
           
2. Dẫn ngữ thành ngữ: 
Ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hòa còn được sử dụng phương thức ẩn dụ qua việc trưng dẫn những thành ngữ với đặc điểm là rút gọn đến mức tối đa, nhằm phù hợp với đặc tính ngắn gọn của thể thơ. Do vậy, nội dung diễn đạt mang hàm ngôn rất kín đáo, rất khó để nắm bắt. Một thành ngữ vốn nguyên dạng là một ngữ, một câu, trong thơ ở đây chỉ xuất hiện cao nhất là ba chữ, hai chữ thậm chí có trường hợp chỉ còn lại một chữ! Điều này gây không ít khó khăn cho việc lĩnh hội bản chất nội dung của thơ ca. Từ việc rút gọn với nhiều mức độ khác nhau này, chúng ta cũng có thể hình dung được cái khó trong việc dịch thuật thơ trên điện Thái Hòa. Điển hình như:
+
Xa thư vạn lý đồ (車書萬里圖): thống nhất cơ đồ muôn dặm (Bài B1.1. LB3d). Đây là một câu gồm 1 điển tích và 1 thành ngữ (đều được rút gọn). Tổ hợp Xa thư là một điển (như đã trình bày); tổ hợp Vạn lý đồ rút gọn từ thành ngữ Vạn lý trường đồ (萬里長圖): cơ đồ dài muôn dặm, để chỉ sự thống nhất lãnh thổ.
+
Long hổ trùng trùng củng (龍虎重重拱): thế long hổ điệp điệp chầu về (Bài A.1.34.LB). Tổ hợp Long hổ rút gọn từ thành ngữ Long bàn hổ cứ ( ): (thế đất) rồng chầu hổ phục, để chỉ thế đất tốt, có đủ yếu tố phong thủy của Kinh đô.
+ Tam vô hoằng phú tái (
三無弘覆載):  “ba điều không” mở rộng sự chở che (Bài A.1.37.LB). Câu này có 2 thành ngữ rút gọn. Tổ hợp Tam vô là 1 thành ngữ rút gọn, rút gọn từ câu tam vô tư: thiên vô tư phú, địa vô tư tái, nhật nguyệt vô tư chiếu (三無: 天無私覆地無私載 日月無私照): ba điều không riêng: trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai, mặt trời mặt trăng không sáng cho riêng ai. Tổ hợp Phú tái rút gọn từ thành ngữ Thiên phú địa tái (天覆地載): trời che đất chở. Thành ngữ Thiên phú địa tái này cũng xuất hiện ở bài B1.22.LB3t: Quần sinh quy phú tái  (群生歸覆載): mọi thần dân đều trở lại với sự che chở của đất trời. Các thành ngữ này được hàm ngôn là triều đình có một chế độ chính trị tốt đẹp, không thiên lệch, công bằng và mọi thần dân đều có quyền được hưởng ân trạch của nhà vua.

+Vạn thặng ngưỡng di tôn (
萬乘仰彌尊): nhà vua  ngẩng lên trông thấy càng tôn kính (Bài B1.20.LB3t). Câu này có 1 điển tích và 1 thành ngữ rút gọn. Tổ hợp Vạn thặng là điển tích liên quan đến nhà Chu . Theo lịch sử Trung Quốc, chế độ nhà Chu , thiên tử thì có muôn cổ binh xa (vạn thặng), cho nên xưa gọi thiên tử là vạn thặng. Tổ hợp Ngưỡng di rút gọn của thành ngữ Ngưỡng chi di cao (仰之彌高): ngửa lên trông thấy càng cao. Sau đó lại được dùng “phép thế” để tạo nghĩa mới: ngưỡng di tôn (仰彌尊): ngửa lên trông thấy càng tôn kính. Thành ngữ này được sử dụng nhằm miêu tả tính chất “cửu ngũ chi tôn”của ngôi thiên tử, khẳng định địa vị tột đỉnh trong xã hội của nhà vua.

+ Nhật nhật tân Thang đức/ Tư tư khắc Thuấn cần (
日日新湯德/ 孜孜克舜勤): ngày ngày khắc phục bản thân để theo đức của vua Thang/ chăm chú sửa mình để theo sự chuyên cần của vua Thuấn (Bài B1.65.LB2). Đây là trường hợp ngữ được rút gọn một cách tối đa. Hai câu này có 2 điển (vua Thang, vua Thuấn) và 2 ngữ rút gọn. Chữ Tân vừa là rút gọn từ thành ngữ Cải quá tự tân (改過自新): đối cũ để tự làm mới; vừa là điển tích liên quan đến câu nói khắc trong chậu tắm của vua Thành Thang: Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân (苟日新日日新 又日新): nếu ngày nay đổi mới, thì ngày ngày sẽ mới, càng ngày lại càng mới. Chữ Khắc rút gọn từ thành ngữ Khắc kỷ phục lễ (克己復禮): khắc phục bản thân để theo điều lễ. Các thành ngữ này được sử dụng để nói đến việc nhà vua chăm chỉ tu thân để tề gia, trị quốc, mong muốn xây dựng chế độ với những kỷ cương ngày càng tốt đẹp.
Việc sử dụng phương tiện dẫn ngữ đã làm cho nội dung diễn đạt thêm hàm súc, giàu hình tượng, tạo ra được hiệu quả thẩm mỹ trong diễn đạt, làm bật lên được nội dung tư tưởng.
(xem tiếp trang 3)

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)
Các bài đã đăng