Tạp chí Sông Hương - Số 205 (tháng 3)
Chiến tranh Việt Nam trong văn học Mỹ - từ sự thật đến tác phẩm
10:18 | 26/11/2008
NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

Nhà báo, nhà văn Mỹ Jack Fletcher đã kể một câu chuyện về một lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt : anh ta đã bắn một bà cụ nông dân từ phía sau lưng, khi bà vừa bước ra từ ngôi nhà lợp bằng lá dừa của mình. Nhiều năm sau khi trở về nước, anh ta phải vào bệnh viện tâm thần dành cho các cựu chiến binh Mỹ. Đến tháng 10 năm 1982, anh ta đã tự sát bằng cách dùng dây nối với cò súng để viên đạn bắn vào sau lưng mình... Trong y học, hiện tượng đó được gọi là "hội chứng chấn thương thần kinh".

Vào năm 1988, lần đầu tiên chính phủ Mỹ đã chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam trở về, nghĩa là khoảng 50 vạn người, vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng, mà nguyên nhân của căn bệnh đó là họ đã tham chiến ở Việt Nam. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định, trung bình mỗi ngày có ba cựu chiến binh tự sát bằng những cách thức ghê rợn. Nhiều người đã để lại những ghi chép về chiến tranh, về  quân đội và về những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh họ. Điều đó chưa hề xảy ra sau chiến tranh thế giới thứ hai và cả sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vậy cái gì ở cuộc chiến tranh Việt cho đến nay vẫn đang làm nảy sinh bao nhiêu điều khủng khiếp, điên rồ như vậy? Câu trả lời thông thường là: cuộc chiến tranh này đã chà đạp lương tri, lẽ phải, nó đã xô đẩy những con người bình thường vào những hoàn cảnh phi lý, và sự điên rồ đã trở thành phản ứng bình thường đối với nó.

TỪ SỰ THẬT CHIẾN TRANH...
Người Mỹ đã chia thời gian dính líu đến chiến tranh Việt của họ thành 3 giai đoạn: 1. "Giai đoạn cố vấn" (1954-1965); 2. Giai đoạn: Chúng ta có thể chiến thắng không?" (1965-1968); 3. Giai đoạn "Chúng ta thóat ra như thế nào đây ?" (1968-1973). Cách chia này của họ tương ứng với cách chia trong lịch sử Việt cũng gồm ba giai đoạn: "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" và "Việt hóa chiến tranh".
Trong bài viết này, tôi không điểm lại sách lược của Nhà trắng và Lầu năm góc trong suốt cuộc chiến tranh. Sự thật của chiến tranh chỉ có thể tìm thấy ở chiến trường. Trong khoảng những năm từ 1965 đến 1972, Chính phủ Mỹ đã điều sang tham chiến ở Việt chừng 5 triệu thanh niên Mỹ và thời hạn quân dịch của một người là 365 ngày. Chỉ có những người thanh niên Mỹ này, những ngươì trong cuộc, mới hiểu rõ về cuộc chiến tranh ở Việt hơn ai hết. Philip Capote, nguyên là lính thủy đánh bộ bổ sung sang Việt đầu những năm 70, đã trả lời một cuộc phỏng vấn: ... "Trước khi đặt chân lên đất Việt , chúng tôi được học một "cua" về văn hóa Việt . Những gì nghe được đại để không ngoài mục đích để chúng tôi căm ghét đất nước này, căm ghét "Việt Cộng". Phải bắn vào tất cả những gì khả nghi, tất cả những gì động đậy. Người ta dạy tôi tìm cách diệt Việt Cộng. Kết quả, suốt thời gian quân dịch ở Việt Nam tôi chưa hề bắt gặp một bóng dáng Việt Cộng nào, còn đơn vị của tôi bị thiệt hại khá nặng nề, trong số hàng chục nghìn lính Mỹ bị chết, tôi có 15 người bạn thân vĩnh viễn ra đi. Ngay trong thời gian ở Việt Nam một câu hỏi thường làm tôi mất ngủ: những người lính Mỹ chết vì cái gì, và nếu như Việt Cộng quả là xấu như người ta tuyên truyền thì tại sao họ lại được nhân dân che chở đùm bọc như vậy, mà nhân dân thì không thể xấu là không thể nhầm. Càng ngày cái "lý tưởng" mà chính phủ Mỹ đặt lên vai chúng tôi - lý tưởng "ngăn chặn cộng sản" càng là một tảng đá nặng nề và cuối cùng chỉ là sự bịp bợm. Người ta đã đánh tráo ngay ở chỗ mà tưởng như không thể dễ dàng đánh tráo, đó là sự đánh tráo niềm tin thiêng liêng của mỗi chúng tôi" (2).

Larry Rottman, nguyên là lính bộ binh sư đoàn 25 "tia chớp nhiệt đới", đã phát biểu: "... Tôi đến Việt mà không hề biết một tí gì về đất nước này. Nói cho đúng ra tôi chỉ biết Việt Nam nhỏ như một bang của Mỹ. Nếu như trong chiến tranh con người có thể tìm thấy tình yêu, tình người, thì với tôi, ngay trong cuộc chiến tranh vô nhân đạo này, tôi đã tìm thấy nó. Tôi hiểu, chỉ có lăn lộn trong chiến tranh con người mới hiểu được lòng nhân hậu của con người. Điều đó cần thiết biết bao. Cũng như đi vào chiến tranh tôi hiểu kẻ thù thực sự của con người là sự ngu dốt... Bản thân những người lính Mỹ giết người thì họ cũng là những người ngu xuẩn, bởi vì không ngu xuẩn thì họ sẽ không giết người bao giờ, bởi nếu anh có sự hiểu biết thì anh sẽ đồng cảm với nỗi đau của người khác... Những năm chiến tranh, tôi có 23 người bạn bị giết, trong đó có một người bạn rất thân. Cho nên, cái chết như một nỗi kinh hoàng cứ ám ảnh tôi. Cháy, bom đạn, tên lửa, bụi bặm, bẩn thỉu, ẩm ướt, trì trệ, buồn chán, nỗi nhớ vợ và đáng sợ nhất là tất cả mọi người Việt Nam, kể cả trẻ con đều rất căm thù mình, đã làm tôi cực kỳ ghê tởm chiến tranh"(3).

Bộ sách nghiên cứu về chiến tranh Việt có tựa đề (4), đã phân tích cuộc chiến tranh này từ nhiều góc độ với quan điểm tương đối khách quan. Ở chương 78 của bộ NAM đã mô tả hiện tượng chống lại kỷ luật trong binh lính Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam như sau: "Ngay từ sau năm 1967, 60% cựu chiến binh, đa số là binh sĩ quân dịch, đã thú nhận họ đã chống lại cuộc chiến tranh này, hoặc không biết chiến đấu để làm gì. Cuộc chiến càng kéo dài, tinh thần binh sĩ càng xuống và ý muốn giữ mạng để về nước trở thành mối bận tâm chính của họ. Khẩu hiệu sau đây gây nhiều tiếng vang: "Đừng trở thành người cuối cùng chết tại Việt ". Cuộc chiến tranh Việt đã đóng góp thêm một thuật ngữ vào từ điển quân sự: fragging. Từ này lúc đầu mang ý nghĩa là dùng lựu đạn tự sát hại cấp trên, sau đó fragging còn chỉ mọi hành động sát hại cấp trên bằng mọi phương tiện. Fragging là "đỉnh cao của hiện tượng chống lại kỷ luật trong quân đội Mỹ tại Việt : "Đã qua rồi thời kỳ mà người lính thủy nghiêm chào cấp trên. Giờ đây chẳng ai chào ai nữa, ăn mặc tùy thích. Muốn đội nón rừng cứ đội. Muốn xắn một tay áo, còn tay áo kia thả xuống, cứ việc, muốn để râu tha hồ. Chẳng ai làm phiền ai nữa. Các sĩ quan hiểu rằng nếu họ "láng cháng" với binh sĩ, có thể sẽ bị bắn một viên đạn vào đầu. Đây là chuyện xảy ra thường ngày trong các đơn vị bộ binh. Những hành vi vô kỷ luật đó đã dẫn đến hiện tượng fragging. Cách đơn giản nhất để xử lý một viên sĩ quan ưa hành hạ cấp dưới hay ưa thí quân là "khử" hắn ngoài mặt trận. Có hai cách fragging và mỗi cách có những bước khác nhau. Trong cách thứ nhất, viên sĩ quan bị nhắm đến còn cơ cơ hội để "phục thiện". Đầu tiên là ném một quả lựu đạn khói vào trong hố cá nhân của hắn. Nếu hắn vẫn chưa đổi tính, sẽ bị một quả lựu đạn cay. Nếu lời cảnh cáo này không được "tiêu hóa", cái chết sẽ đến với hắn tại bất cứ đâu. Còn cách thứ hai, chỉ có hạ sát mà không cần cảnh cáo...".

... ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC
Trong văn học, vào những năm đầu của thập kỷ 1960, chiến tranh Việt Nam bắt đầu gợi sự chú ý của các nhà văn Mỹ. Đến thập kỷ 1970 thì nó đã trở thành một đề tài nóng bỏng trong văn học, và cho đến hôm nay đề tài này vẫn còn lôi cuốn nhiều người cầm bút ở Mỹ. Tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng. Về thơ và truyện ngắn thì chưa ai thống kê được hết, còn riêng tiểu thuyết thì có hơn 500 cuốn đã được xuất bản, ngoài ra còn có các thể loại khác như : phóng sự, ký, hồi ký... với các sắc thái, giọng điệu rất khác nhau.

Những người viết về chiến tranh Việt có hai dạng. Một là, những nhà văn chuyên nghiệp (trong số này có nhiều người viết theo đơn đặt hàng của quân đội); hai là, những người lính trực tiếp viết về cuộc chiến tranh mà họ tham gia. Ở những người viết thuộc dạng thứ hai này, tác phẩm của họ có cái được viết ngay trong chiến tranh (chủ yếu là thơ, nhật ký...), còn phần lớn là được viết sau chiến tranh. Những tác phẩm được viết sau chiến tranh, ngoài một số lượng thơ rất phong phú, thì tiểu thuyết là một hình thức phát triển hơn cả. Tiểu thuyết có một vị trí quyết định, nó ảnh hưởng một cách sâu sắc nhất, cơ bản nhất, nhạy bén nhất sự chuyển biến của hiện thực chiến tranh. Với một hệ chủ đề hết sức đa dạng và cơ bản, tiểu thuyết đã lưu giữ và làm sống lại bộ mặt thật của chiến tranh Việt với nhiều tầng phản ánh cực kỳ sinh động. Nó thực sự là tiếng nói đa nghĩa về đất nước, văn hóa và ý thức con người Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Trong hơn 500 tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt , theo Fletcher (5) thì hơn 300 cuốn là loại văn chương lá cải và đầy bạo lực. Nhận xét về loại văn chương này, Fletcher viết: "Những cựu chiến binh mà tôi quen biết không ưa những cuốn tiểu thuyết tầm thường này về Việt với lý do là, Việt Cộng trong những cuốn tiểu thuyết ấy luôn được miêu tả như những kẻ cuồng tín, vụng về và thiếu lòng dũng cảm. Rembo và những nhân vật trong phim và truyện mà người ta dựng lên dường như đánh nhau với Việt Cộng và thắng họ thật dễ dàng. Nhưng trên thực tế là vô cùng khó khăn và chúng ta đã thất bại". Khảo sát những tác phẩm nghiêm túc viết về chiến tranh Việt , tôi dựa vào trục thời gian - chủ yếu là thời gian sự kiện - để làm rõ một số nội dung chính của mảng văn học này. Ở bộ phận tiểu thuyết chiến tranh, người lính là hình tượng trung tâm. Họ được đặt vào trung tâm các sự kiện, biến cố, là điểm xoắn của các mâu thuẫn. Tính cách người lính được soi rọi từ nhiều góc độ: tâm lý và hành động, văn hóa và chính trị, danh dự và nạn phân biệt chủng tộc, ý thức và vô thức, khoa học và lương tâm... Toàn bộ các vấn đề đó, sự vận động nhận thức về chúng đều gắn liền với sự vận động thời gian (thời gian trong cuộc chiến tranh và thời gian sau cuộc chiến tranh). Căn cứ vào trục thời gian, ta nhận thấy có hai kiểu cấu trúc hình tượng : thứ nhất là loại hình tượng được đặt ở thì hịên tại (trong chiến tranh ở Việt hoặc sau chiến tranh ở Mỹ); thứ hai là loại hình tượng được xây dựng đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Ở kiểu hình tượng thứ hai này thủ pháp đồng hiện thời gian giữ vai trò quan trọng...

Ngay từ giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh, có những nhà văn đã "nhìn xa trông rộng", sớm thấy được nguy cơ của việc can thiệp sâu vào Việt , và đã gián tiếp phản đối chiến tranh. Nhà văn David Halbatstam là một trường hợp tiêu biểu. Tiểu thuyết Một ngày nắng gắt (1968) của ông đã chiếm một vị trí nổi bật trong dòng văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt . Đứng ở trung tâm tiểu thuyết là hai cố vấn Mỹ - đại úy Bob và trung úy Anderson . Tòan bộ tác phẩm "tóat lên sự kinh ngạc và căm phẫn (một cách kín đáo) trước tính cách tàn bạo và vô nghĩa lý của tất cả những việc đang diễn ra". Từ trang đầu tiên đến trang cuối của Một ngày nắng gắt, Bob luôn bị ám ảnh bởi cảm giác rằng trong cuộc chiến tranh này, chính nghĩa không thuộc về quân đội Mỹ. Cảnh cuối tiểu thuyết có ý nghĩa tượng trưng, đại úy Bob thoát chết trong cuộc càn quét, vác trên vai xác trung úy Anderson. Một chủ đề khác của văn học giai đoạn này là giới chóp bu của chính quyền Sài Gòn đã bắt đầu làm tha hóa người Mỹ như thế nào. Tiểu thuyết Người đàn ông đảo Corse (1983) của nhà văn Keffernel đã mô tả một quá trình một sĩ quan Mỹ tham gia vào việc buôn bán ma túy và đồng ý chuyển heroin về Mỹ bằng cách dùng các quan tài để chứa. Tiểu thuyết Thành công riêng của đại úy Peter Rossille (1983) của F. Woodray nói về sự hoang mang "không hiểu ai là kẻ thù thực sự" của một bộ phận sĩ quan cố vấn Mỹ.

Trong giai đoạn hai của cuộc chiến tranh (1965-1968), nằm ở trung tâm phản ánh của tiểu thuyết là những  người lính thường. Fletcher đã nhận xét: "Cũng như những tiểu thuyết Mỹ viết về chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiểu thuyết về Việt Nam cho thấy rằng, những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Mỹ và thậm chí những vấn đề đáng nguyền rủa của đời sống mà nói chung bất kỳ người nào chạm phải đều có thể tìm thấy được trong bức tranh thu nhỏ của mối quan hệ qua lại giữa binh lính của bất kỳ tiểu đội, trung đội hay đại đội nào" (6). Tuy mỗi cuốn tiểu thuyết giải thích những sự kiện chính trị từ một góc độ hơi khác nhau một chút, nhưng tổng thể của chúng đã tạo thành sự hoàn chỉnh về chiến tranh Việt với tất cả chủ đề. Tiểu thuyết Commados Sài Gòn (1983) của J. Kelville kể lại đời sống chiến tranh của lực lượng quân cảnh Mỹ ở nội thành. Tiểu thuyết Tất cả những thứ chúng ta có (1981) A. Skelltole đã tập hợp tất cả các câu chuyện của 33 người lính và những ngày tháng địa ngục của họ ở Việt . Tiểu thuyết Máy bay khu trục (1983) của R. Marson kể lại câu chuyện người phi công chở lính Mỹ tới trận địa và lại chở về căn cứ chính những người ấy nhưng đã bị thương hoặc là những xác chết. Tiểu thuyết Những cánh đồng bốc cháy (1978) của J. Weeffer đi sâu vào phân tích tâm lý những người lính bị thương trong chiến đấu. Tiểu thuyết Đơn vị xạ kích (1975) của J. Kranzer và Anh em trai: Những người lính da đen ở Việt Nam (1982) của S. Gowffer nói về số phận người lính da đen ở Việt Nam và nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ. Tiểu thuyết Đếm xác (1973) của W. Hughet mô tả những nỗi kinh hoàng của chiến tranh ở vùng Khe Sanh, Huế, Đà Nẵng... sự khủng khiếp của chiến tranh và sự hòai nghi tột cùng của người lính là những chủ đề nổi bật nhất của tiểu thuyết giai đoạn này. Trong từng cuốn tiểu thuyết, cuộc chiến tranh diễn ra (xuất hiện) trong giây lát, trong tiếng nổ của một quả mìn, những tràng đạn của súng tiểu liên AK, tiếng rít của súng cối, tiếng thình thịch của những chiếc xẻng... gây tác động mạnh và những tiếng kêu thét của người lính Mỹ bị thổi thành từng mảnh, bị thương cụt chân, cụt tay, đang chảy máu và chết. Chiến tranh phả vào con người như hơi nóng của bom đạn, nỗi đau đớn của những người chết, đều được mô tả sinh động trong các cuốn tiểu thuyết, nó "rất thực và sống động, vượt xa hẳn bất kỳ chương trình vô tuyến nào đã phát trong thời gian chiến tranh (7). Chiến tranh Việt , đó là "cơn ác mộng đa tầng" cắm vào đầu những người lính.

Cuộc chiến tranh càng kéo dài, mức độ ác liệt và nặng nề của nó càng làm suy nhược đời sống tinh thần của người lính. Thực tế chiến tranh còn vượt xa hư cấu văn học, những sự việc có thật đã vượt quá trí tưởãng tượng của con người. Sự điên rồ thật sự của chiến tranh được thể hịên cả trong cuộc sống, trong văn học. Tiểu thuyết ở giai đoạn thứ ba ở cuộc chiến tranh (1968-1973) đã đặc biệt chú ý đến thể hiện tinh thần thảm bại của binh lính Mỹ. Theo sách NAM đến năm 1968, tỷ lệ đào ngũ trong quân đội Mỹ tại Việt Nam thấp hơn so với các cuộc chiến tranh trước. Song, qua đến năm 1969 con số đào ngũ tăng gấp 4 lần. Những binh sĩ thừa lúc đi phép tại Sài Gòn, Hồng Kông, Tokyo... đã biến mất, để rồi sau đó xuất hiện tại , Thụy Điển hay Thái Lan. Người ta phân biệt hai kiểu đào ngũ: đào ngũ thực sự và "đào ngũ mà không bỏ ngũ"- tức vắng mặt mà không lý do mỗi khi được lệnh ra trận (AVOL, Absence without leave). Năm 1967, tỷ lệ đào ngũ là 2,1% và AVOL là 7,8%; năm 1969 tỷ lệ đào ngũ là 4,2% và AVOL là 11,23%, năm 1971 tỷ lệ đào ngũ là 7,4% và AVOL là 17,4%. Cũng sau năm  1968, binh sĩ bắt đầu công khai dùng ma túy. Viên sĩ quan nào dám nói về chuyện này thì bị đe dọa, thậm chí bị giết. Tiểu thuyết Bông hoa của con rồng (1972) của R. Boille viết về những vụ giết sĩ quan và nổi loạn trong quân đội. Cuốn Kết liễu cuộc đời (1968) của Michell đã đi sâu hơn nữa vào những nổi loạn của rất nhiều binh lính Mỹ ở Việt . Các tiểu thuyết Những điều sửa đổi - 22 (1969) của D. Keller, Chiếc giường tre (1969) của Yalker và Trung tâm Kachiater (1975) của T. Brael đã miêu tả những hành vi kỳ quặc của người lính. Những người lính, kẻ thì thu mình lại, kẻ thì hóa điên. Và ở một nơi như Việt , thì không phân biệt được và cũng không ai hiểu được là anh ta bị điên hay không.

"MẢNH ĐẠN CÒN GĂM TRONG TIM".
Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt , rất nhiều cuốn tiểu thuyết viết về nhưng cơn ác mộng riêng tư của những cựu chiến binh Mỹ ở Việt đã được phát hành. Đây là thời gian họ nhớ lại, cảm xúc lại những ngày ở Việt . "Họ là sự phản ánh hy vọng của một nền văn hóa Mỹ với sự sợ hãi sâu lắng, và sự ghi nhận chắc chắn, xác thực về đời sống nước Mỹ hiện đại. Họ là những gương mặt, những hồi tưởng, kỷ niệm trong nghệ thuật và lịch sử về một dân tộc tự nhận thức về mình"(8).

Những người lính trở về nhận ra rằng họ bị lừa dối, họ là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc mà chính phủ Mỹ đã đẩy họ vào. Họ sống trong sự hối hận và cay đắng, lương tâm bị cắn rứt và mọi giá trị đạo đức đều bị sụp đổ. Nhà văn S. Freedman đã viết: "Trong các loại hình nghệ thuật, phản ánh đời thường của cựu chiến binh, phần lớn họ: là những con người sống sót đã chiến đấu trong cảnh tồi tệ và trở về sống trong một nước Mỹ kinh hoàng". Trong phần lớn tiểu thuyết, họ đều có số phận bi đát, chết mòn vì sự suy sụp thần kinh ngay giữa những người thân. Tiểu thuyết Những năm tháng đẹp nhất của chúng ta của H. Russell, Sinh ngày 4 tháng 7 của John Cowike nói về những thanh niên bị chiến tranh làm tàn phế và sự căm phẫn của họ đối với chính phủ Mỹ. Nhân vật Robert Muller cay đắng thừa nhận: "Tôi đã mất 3/4 thân thể. Tất cả những gì đối với tôi, với bọn tôi đều vô nghĩa" (Sinh ngày 4 tháng 7). Cùng âm hưởng như vậy, tiểu thuyết Từ địa ngục trở về của A. Murthy và tiểu thuyết Người anh hùng có một trăm gương mặt của J. Cambell là những suy nghĩ về sự vô nghĩa, sự bất lực của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tiểu thuyết Câu chuyện Pacô (Giải thưởng quốc gia Mỹ năm 1987) của Larry Heneman là một sự hài hước, buồn thảm và nặng nề về số phận những người lính Mỹ ở Việt . Tiểu thuyết Máu Mỹ của John Nicholair đã lên án sự tàn bạo của cuộc chiến tranh, "nước Mỹ là tên sát nhân của thế giới, là cái chợ bán thịt của trần gian".
Chiến tranh Việt đã chấm dứt từ lâu, nhưng đối với những cựu chiến binh Mỹ "mảnh đạn còn găm trong tim". Văn học viết về chiến tranh Việt là viết về những mất máu đau thương, những bi kịch của con người trong và sau chiến tranh, để cho người dân Mỹ biết "cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt là một cuộc chiến tranh dã man và vô nghĩa. Văn học viết về chiến tranh chính là nói về "Người Mỹ tìm ra chính bản thân mình", đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh “người Mỹ phải sống như thế nào và đừng để xảy ra một cuộc chiến tranh nào giống như ở Việt nữa".
                        N.H.D

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 


---------------------------------
(1), (5), (6). Jack Fletcher đã từng có mặt tại Việt những năm 1964-1965. Tư liệu sử dụng trong bài viết được rút từ Việt và Apganixtan : cuộc sống và văn học, in trong Cái mới trong khoa xã hội, Viện thông tin KHXH, số 17-1991.
(2), (3). Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tháng 12-1990.               
(4). là từ Việt gọi tắt của lính Mỹ ở Việt . Họ gọi những gì có ở xung quanh va mọi việc xảy đến với họ là "NAM", còn tất cả những gì thuộc không gian và thời gian khác họ gọi là "Miền đất lớn". Những trích dẫn trong bài viết được rút ra từ bài in trên báo
Thanh niên, phát hành ngày 16.11.1997, Danh Đức dịch.
(7). Shackler. Các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt viết về những cơn ác mộng của họ. Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 5-1991.
(8). Lê Đình Cúc. Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt và một số tiểu thuyết Mỹ gần đây. Tạp chí Văn học, số 5-1991.


Các bài mới
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Mùa Chạp (27/11/2008)
Các bài đã đăng
Mưa kim cương (25/11/2008)