Tạp chí Sông Hương - Số 205 (tháng 3)
Bảo Ninh và nỗi ám ảnh về chiến tranh
10:55 | 26/11/2008
TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...
Bảo Ninh và nỗi ám ảnh về chiến tranh

Nếu quyết tâm ấy không thành máu thịt trong quan niệm chính trị cụ thể của mỗi người thì chúng ta sẽ không thể hy vọng cứu vãn được một thứ đã gần như hư nát mất rồi trong mỗi chúng ta: phẩm giá con người”. Cái sự thật thực tại H.Pinter đang nói đến: đó chính là sự thật về cuộc chiến tranh của Mỹ tại hiện nay.

Chiến tranh - cho đến nay, vẫn là một đề tài lớn, mang tầm vóc nhân loại. Nó  từng có bề dài và bề dày trong tiến trình của lịch sử văn học thế giới. Chiến tranh âm vang trong bản trường ca Iliade, Odissée của Homère, trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi... Và gần hơn, trong Chuông nguyện hồn ai của Hemingway, trong Cái trống thiếc của Gunter Grass (tác phẩm văn học Đức đoạt giải Nobel năm 1999) và vô số tác phẩm khác... Ở Việt , chiến tranh  vẫn là đề tài có tính thời sự vì nó gắn liền với số phận đau thương của dân tộc... Chiến tranh như một nỗi ám ảnh, một vết thương rỉ máu, khó lành... Đặc biệt, đề tài hậu chiến, đã có sức hút, sức hấp dẫn đối với những nhà văn mặc áo lính.

2. Cùng với hàng loạt các vấn đề đổi mới trong văn học (kể từ sau 1986), chiến tranh và thân phận con người trong chiến tranh đã được nhìn nhận lại. Chiến tranh được soi chiếu ở nhiều chiều, nhất là ở những mặt trái, những vùng khuất lấp... Các tác phẩm của Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân... và đặc biệt là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ra đời, cho thấy một cách nhìn mới về đề tài này.
Là những người trong cuộc, nói về vấn đề trong cuộc, nên nhân vật của những nhà văn nói trên giàu sức trải nghiệm và thể nghiệm. Lùi xa 30 năm, chiến tranh vẫn hiện lên một cách chân thực và sinh động. Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ, chiến tranh được đề cập một cách thẳng thắn và nhiều góc cạnh như trong tác phẩm này. Không phải ngẫu nhiên mà Nỗi buồn chiến tranh đã trở thành một vụ scandal trong văn học những thập niên 80, 90... Nhiều người dè chừng với Bảo Ninh nhưng lại ngấm ngầm khẳng định: Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm này đã gây nhiều luồng tiếp nhận ngược chiều. Một số cho rằng: Nỗi buồn chiến tranh bi đát và bế tắc. Số khác cho rằng, Bảo Ninh, từ góc nhìn người lính đã phơi bày những sự thật trần trụi... Nỗi buồn chiến tranh cũng chính là nỗi đau về thân phận con người.

Theo tôi, thành công của Bảo Ninh không chỉ là tính chân thực, ở cách nhìn mới về chiến tranh mà còn ở cách cảm thụ, cách cắt nghĩa và lý giải mới về đề tài này. Nỗi buồn chiến tranh vì vậy, không chỉ bộc lộ ở chiều sâu tư tưởng mà còn ở chiều sâu nghệ thuật. Ngay cái nhan đề cũng là một tín hiệu nghệ thuật: Đó là nỗi đau, nỗi mất mát, nỗi ám ảnh kinh hoàng của người lính về sự tàn khốc của chiến tranh. Lớn hơn nỗi đau về thể xác, đó là nỗi đau về tinh thần, điều mà chúng ta gọi là “hội chứng chiến tranh”.
Ở một mặt nào đó, Kiên - nhân vật chính trong tác phẩm là một “con bệnh tâm thần”. Kiên mắc “hội chứng chiến tranh”. Bước ra từ cuộc chiến, Kiên chưa hết bàng hoàng về sự thảm khốc, thì phải đối diện ngay với những mặt trái của xã hội Việt thời hậu chiến. Vì thế, Kiên là một kiểu bi kịch về hình tượng người lính trong và sau chiến tranh. Tôi nói là một kiểu, vì không phải người lính nào sau chiến tranh cũng như Kiên. Họ có những kiểu hòa nhập vào thực tại khác nhau.

3. Chọn Kiên - hình tượng người lính - người trong cuộc làm nhân vật trung tâm tác phẩm, Bảo Ninh đã mở ra nhiều trường diện để người đọc có dịp đối mặt với hiện thực khắc nghiệt này.
Nhân vật Kiên được tác giả “dồn” vào nhiều vai và “đặt” vào nhiều góc nhìn khác nhau. Kiên - vừa là nhân vật chính, vừa là hình tượng trần thuật trong tác phẩm. Tính chất tự sựtự truyện này đã giúp Bảo Ninh thể hiện một cách táo bạo quan điểm nghệ thuật của mình. Qua nhân vật Kiên, người đọc bắt gặp vô số  định nghĩa về chiến tranh: “Chiến tranh là bài ca kinh hoàng, là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại..., là thế giới bạt sầu, thế giới vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người..”. “Chiến tranh có thể làm cho con người điên lên hoặc chết rũ ra vì khiếp sợ”, “Chiến tranh là lửa, là máu, là cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá” (1)...

 Là một nhà văn trong cuộc, một nhân chứng bước ra từ cuộc chiến, Bảo Ninh không nhìn chiến tranh bằng những tấm huân chương, những bản anh hùng ca... Chiến tranh hiện lên trong tác phẩm với tất cả sự tàn khốc, sự bi thảm, sự ghê rợn... Nó không chỉ là bi tráng, bi hùng mà còn là bi thảm... Tất cả những gì khốc liệt nhất, đau thương, tăm tối nhất của chiến tranh đều được Bảo Ninh phơi bày một cách trần trụi qua Nỗi buồn chiến tranh. Đó là cảnh chết chóc, cảnh đói rét: “... Mùa thu não nề, lê thê, ê ẩm... khổ sở vì đói, vì sốt rét triền miên, thối hết máu, vì quần áo bục nát tả tơi và những lở loét khắp người như phong hủi, cả trung đoàn chẳng còn ai ra hồn. Mặt mày ai nấy như lên rêu, ủ dột, yếm thế, đời sống mục ra”... Rồi “bệnh đào ngũ tràn lan khắp trung đội, chẳng khác nào những cơn ói mửa, không thể chắn giữ, ngăn bắt nổi...”.

Sự tăm tối của chiến tranh còn được khắc đậm thêm ở sự huyền bí, man rợ của núi rừng. Núi rừng hoang vắng, huyền bí như đồng lõa với cuộc chiến tàn khốc... Bút pháp đặc tả cộng với những chi tiết đắc địa, khiến cho Nỗi buồn chiến tranh có những tác động kép, những thông điệp đa tầng, nhiều chiều về chiến tranh. Có thể dẫn ra ba chi tiết sau trong tác phẩm để minh định cho điều đó.

- Chi tiết 1: Đó là hình ảnh người - vượn,  mà người lính đã bắn nhầm: “khi ngã ra, cạo sạch bộ lông thì hóa ra: con vật hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sần lở, nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược... Cả trung đội thất kinh, rú lên, ù té, quẳng tiệt nồi niêu, dao kéo...”.
- Chi tiết 2: Đó là hình ảnh hoa hồng ma - một loài hoa ưa hút máu người tử trận nên hoa rất thơm. Và đến lượt các đồng đội của những người tử trận còn sống sót, lại thích ngửi, say hút hoa hồng ma: “chỉ sau vài hơi rất mạnh là đã lặng lẽ xiêu lịm đi như tà khói mong mênh. Có thể nhờ khói hoa hồng ma mà quên mọi nông nổi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên béng ngày mai... Đồng đội của Kiên mỗi người mỗi kiểu say sưa, mơ màng, trong khói hồng ma”...
- Chi tiết 3: Đó là tiếng hú: vô số đoạn văn tác giả khắc họa các sắc thái khác nhau của tiếng hú: Tiếng hú ghê rợn của núi rừng hoang vắng, huyền bí, thâm u, tiếng gọi bạn tình của muông thú hay tiếng hú dài của những bóng ma, điệp trong tiếng cười điên dại... Tiếng hú này được tái hiện qua giấc mơ, qua những ảo giác điên loạn, vụt hiện của Kiên nên càng trở nên ghê rợn, man rợ.

Ba chi tiết trên là những ẩn ý nghệ thuật tuyệt vời của Bảo Ninh. Nó là những tín hiệu nghệ thuật tham gia vào cấu trúc văn bản để giúp tác giả chuyển tải thành công những bức thông điệp về chiến tranh. Và tôi nghĩ, chỉ dừng lại ba chi tiết trên cũng có thể giải mã được vô số tầng ngầm ẩn chìm trong tác phẩm... (Ở bản tham luận này, người viết không có điều kiện đi sâu).

4. Đặt Kiên - nhân vật trung tâm trong cái nhìn đa chiều, Bảo Ninh đã xây dựng thành công bi kịch người lính. Bước ra từ cuộc chiến, Kiên lại đối mặt với những phũ phàng mới của thời hậu chiến, những mặt trái của  xã hội - điều mà Kiên gọi là “tấn trò đời: Phương - người yêu của Kiên - một mối tình trinh trắng, đắm say... đẹp như một bài thơ giờ trở thành tan nát - đau như một vết thương lòng. Phương trở thành một gái điếm, một ca kỹ. Rồi em gái của một đồng đội đã hy sinh cũng trở thành một gái điếm, đói rách khốn khổ, bị ruồng rẫy... Rồi những đồng đội khác đều mang thương tật, mặc cảm với hòa bình... Không phải không có lý khi nhiều người cho rằng Bảo Ninh bi quan, bế tắc, khi tác giả đã để cho nhân vật của mình phát ngôn như sau:

- “Hừ, hòa bình, mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là một thứ cây mọc lên từ máu thịt bao nhiêu anh em mình, để chừa lại chút xương... nền hòa bình này, tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết... Mặt thật bày ra gớm chết”.
 Như trên đã nói, Kiên là kiểu nhân vật “bệnh lý” - một “di chứng của thời đại trước”. Với Kiên: “Tương lai đã nằm lại ở phía xa rồi... Kiên có cảm giác không phải mình đang sống mà đang mắc kẹt ở trên cõi đời nay”. Bi kịch của người lính sau chiến tranh là chỗ đó. Ở chỗ, họ không thể dung hòa với thực tại. Cuối tác phẩm hai nhân vật chính Kiên và Phương đều bỏ đi, mỗi nhân vật là mỗi kiểu chối bỏ thực tại... Vậy bức thông điệp của Nỗi buồn chiến tranh là gì, nếu không phải đó chính là sự phản ứng của Bảo Ninh đối với những mặt trái của xã hội Việt sau chiến tranh? Tính chân thực của tác phẩm là ở đó.

5. Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã vượt lên một số nhà văn cùng thời về kỹ thuật tiểu thuyết... Nỗi buồn chiến tranh đã chứng tỏ một cây bút tiểu thuyết sắc sảo, có chiều sâu. Trong tác phẩm này, người đọc bắt gặp kiểu nhân vật Bệnh lý của Dostoievski, thủ pháp độc thoại nội tâm và dòng ý thức của Faulkner, bút pháp gián ghép điện ảnh của M.Duras... Nhưng, thủ pháp đậm đặc nhất trong Nỗi buồn chiến tranh là thủ pháp độc thoại nội tâm. Thủ pháp này chi phối hàng loạt các vấn đề xử lý nghệ thuật trong văn bản... Các phương thức lưu chuyển, dồn nén, kéo căng không - thời gian và đặc biệt kiểu kết cấu phi logich đều tuân thủ nguyên tắc nghệ thuật này.

Toàn bộ tác phẩm được tái hiện qua dòng kí ức của nhân vật Kiên. Những mảng kí ức lộn xộn, lắp ghép, đan xen, bấn loạn... Tất cả ùa về, ứ đầy, đông cứng, nghẹn tắc trong thế giới nội tâm nhân vật. Nhân vật dường như không tồn tại trong không thời gian thực, cuộc sống của Kiên đã dồn vào quá khứ, bị quá khứ chiến tranh níu giữ, bào mòn, gặm nhấm... Nó ám ảnh Kiên trong giấc mơ, trong những trang viết, trong sự bấn loạn của trực giác, vô thức của những cơn thần kinh kích động. Trong tâm thức của Kiên luôn ứ đầy những địa danh thảm khốc của cuộc chiến: đó là Truông gọi hồn, Đồi xáo thịt, là những nghĩa địa dày đặc với những bóng ma, những tiếng cười, tiếng hú ghê rợn, man rợ...
Với kỹ thuật đồng hiện thời gian, gắn với thủ pháp gián ghép điện ảnh: đan xen những mảng màu tối sáng, những cơn mê sảng, thức tỉnh của nhân vật, tác giả đã đưa người đọc vào những màn sương mù, những cơn thác loạn của ký ức chiến tranh. Chọn kiểu nhân vật “bệnh lý” và đặt nhân vật vào những “mê trận” ký ức đó, Bảo Ninh đã soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ, nhiều phương diện khác nhau: Đó là con người vô thức và hữu thức, tâm hồn và thể xác, bản năng và tâm linh... Giá trị nhân bản của tác phẩm chính là cái nhìn chân thực, đa chiều này.

6. Theo tôi, một cuốn tiểu thuyết thú vị, là cuốn tiểu thuyết tạo sự khiêu khích và có khả năng đối thoại với bạn đọc. Nỗi buồn chiến tranh có thể xem là một tác phẩm như vậy. Tính chất đa âm, đa tầng của nó đã tạo ra vô số thông điệp về con người và cuộc sống. Đặc biệt, Nỗi buồn chiến tranh đã xoáy sâu vào người đọc nỗi day dứt về thân phận con người trong chiến tranh. Lớn hơn thế, đó là bức thông điệp đối với toàn nhân loại: Chiến tranh dù chính nghĩa hay phi nghĩa cũng gây nên mất mát, đau thương.
Giá như, Bảo Ninh tinh tường và cao tay hơn nữa ở đoạn kết, chắc Nỗi buồn chiến tranh còn đi xa hơn. Cuối tác phẩm, nhân vật tôi - nhà văn, người chép lại toàn bộ bản thảo của Kiên đã thay nhân vật phát ngôn về cuộc sống (xin xem tác phẩm tr.342). Tôi nghĩ, sự tối kị nhất của một người cầm bút là nói thay nhân vật. Nhà văn cần phải biết tàng hình, biết ẩn chìm, phải dồn toàn bộ tư tưởng, quan điểm của mình vào tiếng nói nhân vật. Nam Cao, Doistoievski... là những nhà văn như vậy. Tất nhiên, đây không phải là nội dung bàn luận trong bản tham luận này.

Cũng phải nói thêm rằng, trong lần xuất thứ bản thứ hai, tác giả đã thay nhan đề tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh thành Thân phận tình yêu. Tôi nghĩ, nên giữ nguyên nhan đề lần đầu sẽ hay hơn, đúng với tinh thần tác phẩm hơn.
Trên hết, tôi vẫn đánh giá cao Nỗi buồn chiến tranh. Với tác phẩm này, Bảo Ninh là nhà văn xuất sắc trong lãnh địa tiểu thuyết và trong lĩnh vực của đề tài hậu chiến. Nỗi buồn chiến tranh đã đưa Bảo Ninh đến gần với kỹ thuật tiểu thuyết của phương Tây hậu hiện đại.                                                              
 T.H.S

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Các bài mới
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Mùa Chạp (27/11/2008)
Các bài đã đăng
Mưa kim cương (25/11/2008)