Tạp chí Sông Hương - Số 205 (tháng 3)
Sự vô thường của thiên nhiên
09:18 | 27/11/2008
DƯƠNG PHƯỚC THUMùa xuân năm Đinh Mùi, 1307, tức là chỉ sau có mấy tháng kể từ ngày Công chúa Huyền Trân xuất giá qua xứ Chàm làm dâu, thì những cư dân Đại Việt đầu tiên gồm cả quan binh gia quyến của họ, đã rời khỏi vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã theo chân Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, vượt qua ngàn dặm rừng rậm, núi cao, biển rộng đến đây cắm cây nêu trấn yểm, xác lập chủ quyền quốc gia.

Rồi họ cùng nhau xẻ núi bạt rừng, dựng nhà để ở, đào giếng để uống, cày ruộng cấy lúa để ăn. Và để tồn tại họ luôn phải chiến đấu, chống chọi lại mọi kẻ thù: với thú dữ, với những nỗi buồn tha hương và cả với thiên tai dịch bệnh chướng khí.
Buổi đầu xa xưa ấy, người Việt chưa có đủ vốn thời gian, kinh nghiệm để thích nghi với tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, thủy thổ khí hậu ở cái nơi biên viễn được gọi là “Ô châu ác địa” này. Và quả thực họ cũng mới chỉ là những nhóm người đầu tiên, ít ỏi, sớm phải rời khỏi quê hương bản quán muôn đời thân thương, cằm cặm ra đi vào cái nơi “lam sơn chướng khí, lạ nước lạ cái” sinh cơ lập nghiệp theo sắc lệnh di dân mở đất của triều đình Đại Việt.

Nhớ lại cái buổi đầu khai sơn phá thạch xa xưa ấy, gian nan vất vả, cực khổ khó khăn muôn phần, sống được là may - đến nay, không một ai có thể tính nổi công lao mở đất của tổ tiên chúng ta!
Năm 1353, nghĩa là đã lùi sau 47 năm kể từ ngày Huyền Trân vượt qua Hải Vân mờ ảo, qua con sông Thu Bồn biên viễn vào đến kinh đô Đồ Bàn nhận ngôi Hoàng hậu, triều đình Đại Việt đã vươn tay thâu tóm quản trị tới vùng đất này. Tham chính sự Trương Hán Siêu - một kẻ sĩ trước khi ra làm quan đã nổi tiếng với tài văn chương thi phú và đức hạnh, đã nhận lệnh vua Trần Dụ Tông lãnh quân Thần sách vào trấn nhậm Hóa Châu, xây thành đắp lũy, lập kế chống giặc. Mới chỉ gần một năm ở Hóa
Châu, ông đã viết bài thơ Hóa Châu tác nói lên nỗi niềm thống khổ cơ cực của người dân Việt định cư tại đây, có câu rằng: “Kiếp sống tàn điêu linh xơ xác, khổ không chịu nổi!”.

Nói về địa hình lãnh thổ xứ ấy, nay đa phần
thuộc về hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị nằm ở miền duyên hải cực nam vùng bắc Trung Bộ, bao gồm phần đất liền và lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Do nằm trọn trong vĩ độ nhiệt đới nên thừa hưởng được một chế độ bức xạ phong phú và một nền nhiệt độ cao. Tại đây hình thành nên chế độ khí hậu, vừa mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa của mùa đông lạnh, vừa mang khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình khô nóng. Do nằm trong khu vực ranh giới khí hậu nhiệt đới chuyển tiếp khí hậu hai miền Nam - Bắc Việt Nam, nên khí hậu ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị có những nét rất đặc biệt: v?a giống khí hậu miền Bắc lại mang hơi hướng của khí hậu miền Nam nhưng không hoàn toàn rõ rệt khí hậu miền nào. Do vậy mà Thừa Thiên Huế và Quảng Trị chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh hơn các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, nhưng lại yếu hơn các tỉnh từ Quảng Bình trở ra. Vì vậy mà tạo nên hệ quả khí hậu chủ yếu từ gió mùa đông bắc gây ra đối với vùng này là sự “giảm thấp nhiệt độ và sự tăng lên của lượng mây và mưa”.

Ngoài gió mùa đông bắc, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị còn hứng chịu của tín phong đông bắc, tức là luồng không khí bắt nguồn từ áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương hoặc áp cao phụ biển Đông từ Trung Quốc thổi vào. Khối không khí nhiệt đới biển với bản chất nóng ẩm khi tiếp xúc với mặt đêm lạnh thường gây ra sương mù và mưa phùn.
Địa hình lãnh thổ núi đồi và đồng bằng Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cơ bản chạy theo hướng Tây bắc - Đông nam, các kiến trúc địa hình được kiến tạo thay đổi theo thái cực, có thể chia thành bốn loại như sau: vùng núi và núi cao, gò đồi, đồng bằng, vùng đầm phá và các động cát chạy dài ven biển. Cho nên, địa hình ấy ngẫu nhiên cao vút từ phía tây, rồi giảm dần và thấy rụt về phía đông, tạo ra nhiều dòng chảy tự nhiên hình thành nên hệ thống sông ngòi khe suối cũng có độ dốc trải theo địa hình như vậy. Núi đồi của cả hai tỉnh phần lớn nằm về phía tây và nam chiếm gần 70% diện tích tự nhiên. Vào mùa đông, các dãy núi cao ở phía tây và nam thường có tác dụng như những bức tường thiên nhiên vững chãi, che chắn ngăn giữ không khí lạnh và hơi nước ngưng tụ lại ở phía đông Trường Sơn, rồi gây ra “mưa địa hình” với khu vực mưa ở vùng Bạch Mã vào loại lớn nhất Việt Nam. Còn mùa hè ở đây lại thường xuất hiện gió tây nam khô nóng. Mặc dù núi đồi chủ yếu nằm về phía tây và nam, nhưng thỉnh thoảng một vài nơi núi đồi và rừng nguyên sinh vẫn tràn xuống tận bờ biển như vùng rú Lịnh ở huyện Vĩnh Linh, dốc Miếu, cồn Tiên ở huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, hoặc như vùng Mỹ Lợi, Thúy Vân, Linh Thái, Mũi Chân Mây Tây, Chân Mây Đông ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Núi mọc ngay giữa lòng đầm phá nước lợ hoặc có ngọn chạy ra sát mép biển Đông. Mảnh đất hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngẫu nhiên bị chia cắt bởi nhiều con sông lớn như: sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Ái Tử, sông Vĩnh Phước, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông An Nong, sông Truồi, sông Bù Lu và sông cửa đầm Lăng Cô ăn sâu vào chân dãy Hải Vân tạo thành cái đầm nhỏ có tên Lập An. Do địa hình bị chia cắt bởi những con sông như vậy nên đồng bằng ở hai tỉnh cũng bị phân vạch ra nhiều vùng nhỏ hẹp.

Sông ngòi ở hai tỉnh có nét chung: rộng về chiều ngang nhưng lại ngắn về chiều dài, đa số dòng chảy ít quanh co, trải theo địa hình có độ dốc lớn ở thượng nguồn, thoải dần về phía hạ lưu; dòng chảy ở cuối hạ lưu lại thường chậm khi đổ ra cửa biển hoặc rót vào đầm phá. Xuất phát từ thượng nguồn, đa số các chi mạch sông ngòi của Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đều chảy trên nền đá cứng, núi cao, do vậy mà không “đào tải” được lượng phù sa như các sông ở châu thổ sông Hồng, sông Mã hoặc đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng sông ngòi ở hai tỉnh lại chất chứa vô số trầm tích văn hóa dân tộc học và lịch sử mở đất của các triều đại. Địa hình ấy nhìn chung khá phức tạp: núi đồi nhiều, sông ngòi lắm,
đồng bằng nhỏ hẹp, đất ruộng trũng pha cát bạc màu, phía hạ lưu các con sông là vùng nước lợ với một hệ thống đầm phá rộng lớn vào bậc nhất Đông Nam châu Á, có môi trường thủy hải sản đặc biệt tạo điều kiện cho sự phát triển nên nhiều giống sản vật quý hiếm của Việt Nam; lại có những cửa biển có độ dốc thoai thoải khá cạn nằm sát ngay cạnh đồng bằng trồng lúa.

Do địa hình như vậy, nên ngay từ thời nhà Mạc chiếm cứ đất này, khi bàn về khí hậu thời tiết ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, sách Ô Châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555 đã viết: “Rét ít, ấm nhiều. Địa hình núi cao biển rộng. Thịnh hạ nhiều cơn bão lớn. Trung thu ít cảnh trăng; hễ nước lụt thì cứ để tràn lan, không có đê chắn; nhà ở thường lợp bằng tranh cỏ, không có ngói để thay. Con đường (thiên lý) dài ngàn dặm mà không có một cái quán để nghỉ chân. Trong 24 giờ thì có hai con nước triều lên xuống... Sông hồ lầy lội, đi lại bằng thuyền tiện hơn đi chân”...

Đến đầu thế kỷ 19, khi họ Nguyễn Phúc làm vua cả nước, sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Bốn mùa thường ấm, đầu xuân đào đã nở hoa; tháng giêng tháng hai khí trời hòa ấm, cây cau bắt đầu ấp bẹ, tục gọi là gió cau chửa; tháng ba khí trời nóng dần lên, thỉnh thoảng có cơn gió mạnh từ phương nam thổi tới, tục gọi là bão nam, cơn bão ấy nhắc người đi biển cần phải đề phòng; tháng tư tiết Tiểu mãn, thỉnh thoảng có lụt; tháng năm tháng sáu và tháng bảy gió nam thổi mạnh (có nơi như vùng Hải Lăng, Đông Hà, Cam Lộ tỉnh Quảng Trị thổi rất mạnh, tục gọi là gió Lào!), trời hanh khô, hạn hán thường xảy ra, ít có mưa, nếu mưa thì gọi là mưa rửa xe; tháng tám, chín khí trời mát dần, thường có mưa lũ, lại hay có gió mùa đông bắc vài ba ngày mới tắt, tục gọi là gió từ bến; tháng mười trong những ngày mồng ba, mười ba, hăm ba (3, 13, 23) thường hay bị lụt to, ngạn ngữ có câu: “Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt ngày ba tháng mười”. Câu này còn được hiểu là (ông tha mà bà chẳng tha, làm thêm cái lụt hai ba tháng mười - nghĩa là thời tiết ở đây đã trở thành quy luật sau ngày hai ba tháng mười âm thì không còn mưa to lụt lớn nữa). Khi nước rút mà trời có mưa, tục gọi là mưa xối bùn; mùa mưa nhỏ (thường kéo dài) sắc nước tối đen gọi là mưa tro. Trong một năm, nửa mùa xuân trở đi thường nắng nhiều; từ tháng mười một trở về sau, khí rét nhưng không giá buốt, cây cối không hay rụng lá; cuối năm khí trời đã ấm; tháng mười hai sấm bắt đầu dậy”.

Vào triều Tự Đức (1848 - 1883) có giai đoạn từ 1853 đến 1879 phủ Thừa Thiên kiêm nhiếp luôn đạo Quảng Trị; trước xa nữa hai tỉnh này còn gồm các huyện của phủ Triệu Phong, thuộc xứ Thuận Hóa. Cho nên, có lúc triều đình Huế ban ân sủng hay sắc chỉ xuống phủ Thừa Thiên thì bao gồm luôn đạo Quảng Trị. Vì vậy mà sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức viết về phủ Thừa Thiên thì gộp luôn Quảng Trị vào, như: “Một năm có hai vụ lúa, tháng mười cấy, tháng ba gặt gọi là vụ hè; tháng năm cấy tháng tám gặt gọi là vụ thu. Tháng bảy, tháng tám (âm lịch) nếu có lụt sớm thì hỏng lúa, mất mùa, cho nên vụ mùa thu hàng năm, dân gian thường nói: “Làm ruộng ở đây xem như đánh bạc với trời”, nghĩa là có cấy cày xong mùa vụ mà chưa chắc đã được ăn, vì dân còn lo ông Trời dở chứng”. Vì thế, người làm nông làm ngư ở đây, khi đến mùa thu hễ thấy dấu hiệu như kiến chuyển tổ lên cao, chim bay về rừng sớm, cá ngược nguồn nước, ngọn măng đâm vào giữa bụi tre... thì cho là Trời sắp làm trận lụt to hoặc cơn bão dữ nên vội vàng thu hoạch sớm, dân gian thường nói rằng “xanh nhà hơn già đồng” là vậy...

Trải qua bảy trăm năm, địa hình thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết ở cái xứ sở này xem ra có mối quan hệ mật thiết sống còn đến việc chăm dân trị nước của các triều đại; đến cả việc người dân đào sông lấp biển, đắp hồ tạo vườn, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản; kể cả việc dựng vợ gả chồng sinh con đẻ cái, đến chuyện lập phủ xây đình làm chùa, cất nhà để ở và kiến thiết các công trình văn hóa khác. Nhưng có lẽ, bắt buộc nhất đối với người làm nghề sông biển, trồng khoai cấy lúa thì cần thấu hiểu hơn bản chất quy luật thời tiết - biết bệnh của ông Trời phải hơn ai hết, để lo làm lấy cái mà ăn! Nghĩa là “Biết được sự Trời mười đời không khó”. Cũng dưới thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho thực thi nhiều chính sách mới như cải cách quân sự, quan chế, văn hóa, giáo dục, công thương nghiệp... nhằm phát triển đất nước; cũng như ông đã dùng nhiều biện pháp khuyến khích nông ngư, cải tạo ruộng
đồng thúc đẩy sản xuất. Tuy làm vua, ngồi ở ngôi cao, nhưng ông thường để tâm nhiều đến ruộng đồng, lấy mối lo của nhà nông mà trăn trở, mỗi khi mùa màng thất bát dân đói ăn, lại gặp cảnh mưa bão hoành hành, dịch bệnh lây lan, ông thường thức thâu đêm trong cung mật đảo, cầu nguyện mong sao cho dân sớm có cái ăn no, cái mặc ấm, sớm được yên vui. Mà dân có yên vui, nước mới không loạn, vua mới ngon giấc!

Bằng tư duy tổng hợp các quy luật khí hậu thời tiết, đúc kết nhiều kinh nghiệm qua những lần vi hành, chứng kiến thực tế tại nhiều vùng, vua Minh Mạng đã ngự chế ban ra 11 bài Nông ngạn theo thể thơ, có tính dự báo thời tiết như một quy luật vận hành của vũ trụ vừa có tính dân gian vừa mang tính “khoa học”, giúp cho kẻ làm quan chăm dân, cũng như người làm nông, việc ruộng đồng trồng dâu nuôi tằm, đi sông đi biển... hiểu được phần nào cái sự “dở chứng” của ông Trời, để mà đề phòng, tính liệu.
Trong suốt 80 năm của thế kỷ 20, do nhiều nguyên nhân như: chiến tranh, phá rừng, hỏa hoạn, hiệu ứng nhà kính, dân số gia tăng, sự ra đời của các lò phản ứng hạt nhân, ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp tràn lan gây ra; rồi trái đất nóng lên, băng tan ở Bắc cực và có cả các nhân tố tác động của con người vào đời sống xã hội; những biến thái do cải tạo cưỡng chế thời tiết đã làm thay đổi “lệch pha” ít nhiều bản chất quy luật của thời tiết khí hậu giữa các châu lục và ở cả những vùng cục bộ khác nhau.

Những năm đầu thế kỷ 21, ngành khoa học dự báo khí tượng thủy văn cũng như ngành y học hiện đại thế giới phát triển rất cao, con người có khả năng biết trước được những sự thay đổi “dở chứng” của ông Trời như mưa gió sấm chớp, bão tố, hạn hán, động đất, sóng thần, dịch bệnh, băng tan, núi sập, sét đánh... đã không còn theo một quy luật nhất định nào cả mà các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính là do hiện tượng nóng lên của trái đất, hiện tượng dâng cao của nước biển...

Chẳng hạn vào tháng 12 năm 2003, dịch cúm gia cầm do virus cúm A (H5N1) đã lây lan ra nhiều nước trên thế giới; rồi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (dịch SARS), viêm não Nhật Bản, (Đấy là chưa kể đến đại dịch HIV/AIDS cực kỳ nguy hiểm thế giới đã phát hiện ra từ năm 1980 và lây lan trên khắp toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): hiện tại thế giới đã có gần 44 triệu người nhiễm HIV, trong đó có hơn 30 triệu người đã tử vong do AIDS mà nhân loại chưa có thuốc gì chữa trị hữu hiệu); rồi nạn châu chấu hoành hành ở châu Phi, động đất lớn xảy ra ở Apganixtan, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan. Cuối tháng 12 năm 2004 thì động đất và sóng thần ở 12 nước Nam Á làm chết và mất tích hơn 270 ngàn người; từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 11 năm 2005 đã xảy ra mấy trận bão lụt khủng khiếp ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ở cả các bang vùng đông nam Hoa Kỳ và các nước Trung Mỹ; rồi trận động đất lở núi khủng khiếp ở vùng Nam Á khu vực ranh giới các nước Ấn Độ, Pakistan, Bănglađét... Rồi dịch cúm gia cầm lại tái phát, nguy cơ xảy ra đại dịch cúm ở người trên toàn thế giới.

Nhìn lại, mới chỉ mấy năm đầu thế kỷ 21 thôi, thiên tai và dịch bệnh vô thường đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người, làm cho hàng trăm triệu người nghèo khổ mất nhà cửa, ruộng vườn, gây thiệt hại về kinh tế ước lên đến hàng ngàn tỉ đô la. Và mặc dù, ngành khoa học dự báo đã giúp con người biết trước được sự dở chứng của ông Trời, nhưng biết trước cũng chỉ để mà phòng tránh hoặc phải bỏ chạy, với hy vọng sẽ giảm
thiểu tối đa sự mất mát tang thương đến tính mạng con người và sự tổn thất về tài sản. Còn thực tế có tránh được nó, chống được nó đến mức nào đấy thì không phải là chuyện dễ, bởi vì rằng các quy luật thời tiết ấy xem ra nay đã trở nên quá dữ dội, vô cùng bất thường và cũng vô cùng bất kham đối với Trái đất này rồi...

Từ những năm 1945 trở về xa trước nữa, thời tiết ở vùng Huế còn khá ổn định theo một chu kỳ và chu kỳ ấy đã được một nhà nghiên cứu khí tượng học khái quát rằng: “Tứ thời trung hữu hạ, nhất vũ hóa vi đông”, nghĩa là (Trong bốn mùa đều có mùa hạ, hễ mưa xuống là hóa mùa đông); hoặc như tín hiệu thời tiết kỳ lạ: trời nắng dòng sông đục, trời mưa dòng sông trong, đã trở thành ca dao về hiện tượng dự báo thời tiết Huế “Sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Nhưng mấy chục năm trở lại đây, thời tiết khí hậu ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị thường hay bị bão vào tháng hai, tháng chín, mười lại hay bị hạn hán, có những năm vào Tết Nguyên đán trời vẫn nóng rừng rực. Vậy là, cái quy luật thiên nhiên tưởng chừng bất biến ấy xảy ra ở cái xứ này nay đã thay đổi đi nhiều.

Mưa lũ, gió bão, sóng thần, động đất, hỏa hoạn, mưa đá, mưa bùn, lũ quét, lũ ống, gió nóng, lốc xoáy, hạn hán, sương muối, rét đậm, rét hại, sét đánh; rồi những dịch bệnh tả lỵ, đậu mùa, phong hủi, lao phổi, sốt rét, thương hàn, cảm cúm và còn nhiều căn
bệnh lạ mới xuất hiện cùng với sự tàn phá mùa màng của cào cào châu chấu, dịch chuột, sâu róm, chim sẻ, sâu cắn gié, cuốn lá, đục thân... đã xảy ra trong lịch sử mở đất và trở thành sự kiện lịch sử về thiên tai, dịch bệnh - nó chiếm giữ vai trò “nhân chứng lịch sử” về tiền nhân trong quá khứ bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất này. Mà một khi thiên tai và dịch bệnh đã trở thành sự kiện lịch sử thì tất yếu nó phải chiếm giữ những giá trị nhất định của lịch sử.

Dân tộc Đại Việt đã dựng cây nêu tại đây, vượt qua 700 năm cực kỳ gian khổ có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua: nào là chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh kể cả sự khác nhau về lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo đến việc cấy trồng, dẫn thủy nhập điền và đặc biệt là sự giao thoa giữa hai dòng ngôn ngữ của hai nền văn hóa Chăm - Việt. Để rồi mạch sống tinh thần, thời gian phong hóa mà hình thành nên một cách tự tại của một nền nếp mới, thích nghi dần với thủy thổ, mở ra cho xứ sở này “một vùng văn hóa” vừa đặc sắc, vừa đa diện làm giàu thêm sức sống nhân văn, mang đậm truyền thống văn hóa Đại Việt.

Như những vị “thiên y” ở Khâm Thiên giám ngày xưa - nay thuộc về đa ngành nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn và vật lý địa cầu quốc gia luôn “theo dõi sát sự giận dữ của ông Trời; chúng ta cũng biết rằng sự cuồng nộ vô thường của thiên nhiên giáng xuống Trái đất này gây nên bao nỗi thống khổ cho con người. Nhưng,
xét về mặt nào đó thì thiên tai, dịch bệnh nói chung, lũ lụt, hạn hán nói riêng đã ít nhiều đem lại hệ quả tất yếu của việc cân bằng sinh thái trong bản chất tự nhiên của vũ trụ. Dĩ nhiên là con người cần phải tôn trọng thiên nhiên, dựa vào môi trường sống của thiên nhiên, đồng thời tìm cách bảo vệ và chế ngự sự hung hãn của nó. Để rồi nương theo nó, hay ít ra thì cũng phải hiểu được phần nào bản chất vô thường của các quy luật phá vỡ tự nhiên xảy ra dưới gầm Trời này để mà cùng tồn tại và sinh trưởng.

Những ngày đầu xuân Bính Tuất này, tôi nghe đâu đó ở các tỉnh miền Trung thiên tai bão lũ vẫn đang vần vũ, đe dọa; đại dịch cúm gia cầm vẫn đang là mối hiểm họa của con người. Nhưng tôi tin rằng, như bảy trăm năm qua, người Việt lại vượt lên trước sự giận dữ vô thường của thiên nhiên.
Huế, 01/2006
 D.P.T

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Các bài mới
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Mùa Chạp (27/11/2008)
Các bài đã đăng