Tạp chí Sông Hương - Số 205 (tháng 3)
Những quân bài sấp ngửa
09:25 | 27/11/2008
NGUYỄN TRƯỜNGMưa. Màn mưa giăng giăng trắng đục cả bầu trời. Mưa dầm dề suốt tháng không có lấy một ngày tạnh ráo.Trong ngôi nhà gỗ ba gian tối tăm ẩm ướt những giọt nước mưa từ nóc cứ men theo đám rui mèn đã rũ mục rơi tí tách xuống nền nhà thành từng đám loang lổ nom đến chối mắt.

- “Quái quỉ! Đã hai miệng một lời như đinh đóng cột thế mà nuốt hẹn rồi chắc?” - Tư Can nhìn trời, lảu bảu.
Mới đây mà đã một tháng kể từ ngày vị khách lạ ấy tới gõ cửa nhà Tư Can. Đó là một ông lão tầm thước, ăn mặc khá lịch sự, cùng với phong độ thư thái ung dung chỉ có ở những kẻ giàu sang quyền quí, đã khiến Tư Can không khỏi bối rối lúc đầu. Tư Can đã lễ phép mời ông lão vào nhà. Ngồi nói chuyện xã giao trong chốc lát theo lối gợi ý thăm dò, rồi nhanh chóng biết được ý định của chủ nhà, ông lão đã chủ động đứng lên đi đi lại lại từ trong ra ngoài, ngắm ngắm nhìn nhìn khá lâu như muốn khám phá điều bí ẩn nào đó từ ngôi nhà này. Còn chủ nhà thì loay hoay pha trà chờ mời khách. Một lát sau hai người cùng ngồi trao qua đổi lại công chuyện hàng giờ liền xem ra như chẳng còn ai xa lạ nhau nữa. Cuối buổi ông lão xin cáo từ bằng cái bắt tay Tư Can thật chặt, để rồi từ đó trở đi, hết ngày này sang ngày khác Tư Can cứ nghểnh mặt ra ngõ chẳng khác nào trẻ con trông mẹ về chợ. Có lúc Tư Can nghĩ quẩn: “Biết đâu chừng vì nghe điều ong tiếng ve sao đó mà lão ta bỏ cuộc rồi cũng nên?”. Càng nghĩ Tư Can càng tiếc rẻ một cơ hội hiếm có giúp mình thảy cái của nợ “bỏ thì thương sương thì nặng” này sớm ngày nào tốt ngày ấy để rảnh tay cùng lo với gia đình đang an cư lạc nghiệp ở một miền quê xa.

Từ cái hôm ông lão ra về tới giờ, ngày nào trời cũng mưa. Những cơn mưa đầu mùa cứ tiếp nối nhau kéo dài lê thê làm Tư Can thêm sốt ruột.
Thế rồi việc gì đến vẫn đến... Giữa lúc Tư Can ngồi xụ mặt nhìn trời thì đột nhiên ông lão lù lù đội mưa tới đứng ở hiên nhà. Thoạt trông, Tư Can lặng người, cố giấu nỗi mừng rơn bằng một câu trách mát:
- Chắc có chuyện nên ông mới lỗi hẹn?
- Vâng, tôi cũng sốt dạ lắm, nhưng xa ngái quá biết làm sao!
Hầu như mọi chuyện đã suôn sẻ với nhau đâu từ trước rồi. Nay ông lão tới hơi muộn cũng chẳng sao. Chỉ còn vài thủ tục cuối nữa thôi. Giấy tờ khế ước đôi bên đã sẵn sàng. Tiền chồng đủ ba trăm triệu cả nhà và đất. Ngày kẻ dọn đi người dọn đến đã tới sau đó không lâu.
Hôm rời nhà, Tư Can không khỏi bùi ngùi, nhưng rồi anh ta tròn mắt ngạc nhiên vì những lời lẽ từ cửa miệng ông lão phát ra: “Chắc cậu đã rõ tôi ở ngoại quốc về. Dẫu thấy nhà đã dột nát tôi vẫn mua, bởi ngày xưa tôi là chủ ngôi nhà này. Vì dâu bể cuộc đời mà nhà tôi lọt vào tay bố cậu, có lẽ lúc cậu chưa ra đời. Chuyện cũng đã ngót 50 năm, dài dòng lắm. Khi nào rảnh rang hãy ghé lại đây tôi sẽ kể cho cậu hay!”. Nghe qua, Tư Can lấy làm bửng lửng. Không ngờ ông lão xa lạ này lại là người mà Tư Can đã có lần nghe mẹ mình kể ra như một tấn bi hài kịch có lớp có lang xảy ra cách đây khá lâu...

Một ngày giữa mùa đông năm 1956, ông Nam Long như kẻ chạy làng, tay dắt đứa con trai lên bảy, tay xách va li cúi mặt lủi thủi rảo bộ trên đường cái quan hướng ra bến xe Thuận Lý.
Bầu trời u ám một màu tro, gió lạnh từng cơn phả ngược vào mặt đến tê buốt, vậy mà ông vẫn toát mồ hôi như đang lên cơn sốt. Nhục nhã. Đớn hèn. Rõ khôn ba năm dại một giờ. Vâng, chỉ một giờ mê muội thiếu cảnh giác mà cơ ngơi của ông bỗng dưng thay ngôi đổi chủ dễ như lật bàn tay. Vì sợ chết hay vì sợ tai tiếng mà ông phải run tay ký vào hai tờ khế ước kia để rồi từ một bậc phú hào phút chốc thành kẻ trắng tay? Đúng là ông sợ chết! Một khi cái lưỡi dao oan nghiệt nọ đã kề sát cổ lạnh tanh như thế rồi thì chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người là thượng sách thôi!
Càng nghĩ lại Nam Long càng ấm ức, nặng ngực.

Từ khi biết rõ Nam Long bỏ gia đình ngoài Bắc, chỉ đem đứa con út theo đoàn người di cư vào Nam, rồi đến ở Thuận Lý và giữ chức đồn phó thủy lâm cai quản vùng này, đội Sò thấy mình bị đe dọa nghiêm trọng. Long khét tiếng lùng bắt gỗ lậu, nhưng cũng ngấm ngầm tiếp tay với không ít kẻ buôn gỗ lậu có máu mặt còn hơn cả đội Sò nữa kia. Nhờ đó mà chỉ hơn một năm trong ngành, Nam Long đã tậu được nhà, mua được ruộng, với mong muốn kiếm một bà vợ vừa ý nhằm sinh cơ lập nghiệp lâu dài ở đây luôn. Đội Sò thấy “ngứa mắt” cũng đành chịu. Vì đoán sớm muộn cũng bị bọn đồ đệ của Nam Long điểm tên chỉ mặt nên đội Sò thử tìm cách ve vãn Nam Long xem thế nào. Nam Long cũng mới biết đội Sò là đầu nậu trong nghề buôn gỗ ở vùng Thuận Lý - Hiệp Đức, nay muốn phủ phục dưới trướng mình nên đã dang cả hai tay ra sẵn sàng “tiếp sức” cho Sò theo cái qui ước bất thành văn “dựa lưng nhau cùng tồn tại”. Rõ Nam Long không câu nệ, hẹp hòi, thế mà chẳng hiểu sao đội Sò bắt tay Nam Long không chặt lắm và chỉ cười có nửa miệng thôi...

Đội Sò người làng Hiệp Đức nối với Thuận Lý bằng cây cầu gỗ bắc qua con hói Bàu Cạn. Ông ta có dáng người thấp đậm và giọng nói lúc nào cũng ồn ồn như truyền lệnh. Chỉ tiếc, giá như cái vẻ lẫm liệt ấy đừng bị cặp mắt lé xẹ luôn nhìn ngang ngó dọc không yên, cùng bộ ria mép bất đắc dĩ chĩa thẳng xuống đôi môi khô dày bầm bầm như trái sim rụng lấn át, thì ông ta cũng có tướng mạo “ngũ đoản” làm nên quan quyền chẳng kém ai. Ai chứ những người đồng lứa với đội Sò ở Hiệp Đức này đều biết tỏng lai lịch ông ta không bỏ sót chỗ nào. Người ta kể rằng: hồi mới biết mặc quần, Sò đã đi ở cắt cỏ chăn trâu cho các nhà giầu trong vùng. Trong một lần ăn cắp tiền bị chộp được, Sò bị chủ nhà vặn sái tay và đuổi cổ về. Sau này lớn lên Sò kiếm mực tàu nhờ người ta xăm bốn chữ “Hận đời đen bạc” vào
cánh tay, rồi đi lính Tây buổi sáng, buổi chiều kéo về báo thù chủ cũ bằng cách dắt trước một con bò đem về đồn thịt chơi. Trong một đêm vác súng đi phục kích Sò lập công to, sáng lại được thăng ngay cấp đội. Nhờ chỉ huy một tiểu đội năng đi lùng sục cướp bóc ở các làng ven đô mà đội Sò có của chìm của nổi để sau ngày hòa bình bung ra tập họp đám trai bạn trong làng lập nên một nhóm buôn gỗ. Mới đầu buôn bán bình thường, càng về sau ông ta hóa cáo buôn lậu và không ngán đối với bất cứ ai, kể cả Nam Long vừa chân ướt chân ráo về quản thủ lãnh địa này.
Nam Long vốn có con mắt tinh đời, có thể “xem mặt đặt tên” bất cứ ai. Nhưng với “đối tác” từng trải mánh khóe và lắm lý sự  như đội Sò thì Nam Long cũng phải xem lại mình. “Không sao, “lý kẻ mạnh...” là ta chứ đâu phải ai khác!”. Nam Long vỗ về tự trấn an thế.

Sau mấy lần gặp Nam Long, lần này đội Sò mạnh dạn mời Nam Long về chơi nhà mình ở chợ Hiệp Đức. Ngồi nâng ly chuyện trò qua lại và chứng kiến tận mắt cảnh càng về khuya càng đông khách tới lui, Nam Long mới hay nhà Sò là một ổ đánh bạc tầm cỡ với nhiều con bạc khát nước mặt mày cứ lầm lầm lì lì như chực lăn vô hốt tiền người khác. Đang khi ngà ngà Long lên giọng hạch Sò xem ông ta thạo món gì trong cái nghề chơi “ăn nên nả ngã về không” này. Sò lên gân: “Gì chưa nói chứ bài xì và xóc đĩa thì xứ này được mấy người...?”. Sò hênh hênh mặt với Nam Long: “Chơi đâu chứ ở nhà thì chưa bao giờ sát phạt ai tới số cả, vì nhỡ ra...”. Đội Sò bỏ lửng câu nói ngang đó để Nam Long hiểu sao hiểu, và Nam Long đã hiểu ngay rằng: nhỡ ra cái mẹo cờ bạc của đội Sò bị lộ tẩy thì chẳng mấy chốc tiêu luôn cái tụ điểm đang cần cho sự sống của vợ con ông ta hàng ngày chứ gì! Đội Sò ngúc ngắc, tự mãn. Nam Long gật gù, để bụng. Hai người cùng nâng lên để xuống, chén tạc chén thù. Rượu ngon được rót tràn ly từ tay một thục nữ nom khá mĩ miều, luôn quẩn quanh bên cạnh Nam Long. Lâu nay hễ thấy ai để mắt tới cô gái là đội Sò đã như đi guốc trong bụng người ta rồi. Huống chi Nam Long cứ đầu mày cuối mặt... Rõ là đang khát tợn đàn bà con gái, lại sẵn máu me cờ bạc nữa nên tụ điểm này sẽ hút lấy ông ta như ngọn đèn đêm hút đám thiêu thân vậy thôi. Đội Sò tin thế khi Nam Long bợp chợp muốn biết cô gái kia là ai.
- “Xin giới thiệu: đây là Thúy Liễu, quen gọi nàng Thúy, là em vợ tôi!” - Đội Sò vừa nói vừa nguýt nàng Thúy lại.

Nàng Thúy mới ngoài đôi mươi, trông phây phây như vịt bầu nưng đẻ vậy. Nhờ mặt đầy có má lúm duyên và da dẻ mơn mởn gái tơ nên nàng cũng kén lắm. Thế mà mới đây nàng đến thăm chị, ở lại đêm hôm, không biết nằm hớ hênh sao đó đã bị ông anh rể chờm luôn mà chẳng hề “vuốt mặt nể mũi” tí nào. Chị em bất hòa nhau dữ. Nhưng chẳng hiểu sao sau đó lại êm ru. Có lẽ thà đắp chung chăn vừa không để ai phải lạnh lùng, vừa bảo vệ lấy lợi ích chung của chị em không để cho người khác lọt vào chăng? Thôi thì coi như chuyện “đèn nhà ai nấy sáng” vậy!
Giờ nói nàng Thúy là vợ bé của đội Sò cũng xong, mà nói nàng còn tay không chân rồi cũng chẳng ai đôi co làm gì, vì có hôn thú hôn thiếc chi mô.
Đội Sò coi nàng Thúy như bông hoa huệ quyến rũ về đêm, vừa cho nhu cầu phòng the của mình, vừa như để làm mồi nhử khách đến với sòng bạc.

Từ cái lần tới chơi nhà Sò, về sau Nam Long càng bén mùi chẳng bỏ sót đêm nào. Khi khòm lưng xóc đĩa, tổ tôm; lúc chúm đầu cạt - tê, xì tẩy... Không chiếu nào Nam Long không mài mòn đũng. Không chiếu nào có các quân bài sấp ngửa mà Nam Long không điệu nghệ hơn người. Nam Long biết lúc ăn, biết lúc thả và chỉ chờ canh bạc về sáng mới dỡ chiêu sát phạt ra, và lạ thật, hễ sát phạt tới đâu là lùa đậm tới đó. Những lúc như thế Nam Long cũng giương mắt ếch lên không kém: “Đội Sò là cái quái gì mà dám ưỡn ngực khoe ta đây siêu hạng và chỉ ưa “đem chuông đánh xứ người” thôi! Đồ ngông! Hãy đợi đấy, sớm muộn cũng phải sát vài ván cho câm luôn cái miệng khoác lác kia lại mới được!”. Đó là Nam Long bạo nghĩ vậy thôi, chứ đội Sò đâu muốn xây sòng với Nam Long và càng không dại gì hạ Nam Long trên chiếu bạc cho rách việc ra. Cái mà đội Sò muốn “đo ván” Nam Long là ở cái “hiệp” khác vô tiền khoáng hậu hơn kia!

Cứ sau mỗi đêm sát phạt ăn thua ở tụ điểm nhà Sò, Nam Long được ông ta sai nàng Thúy phục rượu say bí tỉ, có lúc thiếp luôn trên chiếu bạc đến sáng hôm sau mới lảo đảo về nhà.
Nam Long có bộ gió hào hoa phong nhã ra phết, khiến cho nàng Thúy vốn có quả tim đông lạnh bấy lâu cũng phải rộn rực không yên. Nhiều lúc nàng bắt gặp ánh mắt khát tình bốc lửa cùng cánh tay phong trần dày dạn của Nam Long quàng lấy lưng nàng. Mấy lần trước nàng còn “tự vệ” đôi chút, chứ sau này nàng cứ để yên trong vòng tay ông nóng hổi như thế. Trong lúc đó Nam Long đâu biết mọi động thái diễn ra lâu nay giữa hai người đều không qua được con mắt nhìn ngang ngó dọc của đội Sò, và đội Sò cũng chỉ nhếch mép cười khểnh, coi như chuyện đâu có đó, phải đưa con mồi ngon ra nhử may ra mới bắt được con cáo đáng giá này chứ đâu có dễ gì...

Như thường lệ, mỗi tháng một lần, đội Sò cùng đám trai bạn phải xa nhà đi buôn gỗ khoảng mươi lăm hôm mới về. Trước lúc đi không bao giờ ông quên dặn dò vợ con ở nhà vẫn mở sòng thu xâu như mọi ngày.
Sáng nay nhóm buôn gỗ dậy sớm í ới gọi nhau vang cả xóm. Người mang kẻ vác hăm hở lên đường như mọi khi. Thế nhưng mấy ai biết họ chỉ đi loanh quanh hết ngày, chờ đến gần nửa đêm, lôi được cả lý trưởng Thuận Lý quay lại mai phục nhà đội Sò đợi thời cơ để ra tay.

Sòng bạc nhà Sò không đêm nào thiếu Nam Long. Lần này chủ nhà đi vắng, sòng bạc tan cuộc lúc quá nửa đêm, các con bạc đã ra về hết mà chẳng thấy bóng dáng Nam Long đâu: Đúng Nam Long ăn quen nhịn không quen. Mặt đội Sò bừng bừng, tim đập thậm thịch. Ba mươi sáu chước, nghĩ nát óc, chỉ có chước này... Đêm càng khuya càng thanh vắng. Chỉ có đom đóm lập lòe ngoài hàng dậu và tiếng côn trùng rả rích quanh hè. Cả nhóm ngồi bất động, nín thở theo dõi mọi động tĩnh bên trong. Đột nhiên đèn nhà tắt ngấm. “Hãy nán tí, đợi đúng lúc chộp mới đã!”. Tiếng đội Sò thầm thì vào tai đồng bọn. Thình lình: một, hai, ba... nhanh như chớp, tiếng tung cửa đánh rầm một cái cùng lúc ba cây đèn pin sáng lóa chiếu thẳng vào hai kẻ đang trần truồng như nhộng, luống cuống, khiếp hồn trông chẳng khác nào hai con thú sa bẫy. Đội Sò hung hãn tay cầm con dao sáng quắc kề sát cổ Nam Long, quát: “Trừ nàng Thúy, còn ông kia không được mặc quần. Muốn sống phải ký vào hai tờ giấy này, nếu chống lại sẽ đứt đầu ngay tức khắc!”. Vừa nói đội Sò vừa dí lưỡi dao vào gáy Nam Long. Cả ba cây đèn pin cứ thế chúm vào mặt khiến Nam Long chẳng còn chút bình tĩnh nào nữa, đành làm như cái máy, run run cầm lấy bút từ tay đội Sò ký ngay vào hai mảnh giấy chi chít những hàng chữ đánh máy sẵn. Vừa ký chưa ráo mực lập tức triện đồng lý trưởng Thuận Lý áp mạnh xuống làm rung cả bàn. Xong xuôi, đội Sò đọc nguyên văn nội dung hai tờ khế ước về việc Nam Long bán đoạn mãi cho đội Sò ngôi nhà ở Thuận Lý và 30 mẫu ruộng ở đồng Lương Miêu, trong đó ghi rõ Nam Long đã nhận đủ hai khoản tiền trên vào lúc... ngày, tháng, năm... Nghe xong Nam Long lúi cúi mặc quần vào rồi gục luôn trên bàn, mặt mày tái mét không còn chút máu. Thấy thế đội Sò cũng hơi hoảng, bèn quay sang đấu dịu: “Đây là cái lý, vì đi lấy vợ người ta, còn cái tình chắc không ai để ông trắng tay đâu!”.

Sau màn “tập kích” thắng dòn chỉ diễn ra chốc lát, đội Sò đắc thắng bao nhiêu thì Nam Long thiếu đàng độn thổ bấy nhiêu, ông ta cố gượng dậy đẩy cửa bước ra ngoài rồi biến ngay trong đêm.
Tất cả hành vi tày trời ấy, ngoài lý trưởng Thuận Lý được đội Sò “mua” trước cùng đám thuộc hạ thân tín của ông ta, không một thông tin nào rò rỉ ra được bên ngoài. Nam Long miệng câm như hến, chỉ ở thêm mấy ngày nữa để bán tháo bán đổ mọi tư trang vật dụng trong nhà và nhận một khoản “uống nước chừa cặn” của Sò, rồi tức tốc chuồn khỏi Thuận Lý mà chẳng cần báo với đơn vị nơi ông đang làm việc một lời nào.
Đội Sò hí hửng vì bắn một mũi tên trúng hai cái đích: vừa cướp được toàn bộ gia sản của Nam Long, vừa hê ông ta ra khỏi lãnh địa, tránh mọi hậu họa cho cái nghề buôn gỗ lậu với các điều kiện còn lắm khắt khe mà Long dành cho ông ta mới đây.

Bây giờ được nước, đội Sò làm tới: bán ngay nhà ở Hiệp Đức, kéo cả bầu đàn thê tử về sống ở Thuận Lý, rồi bày tiệc mời lắm khách quí tới ăn mừng và chúc phúc cho ông ta. Đây là dịp đội Sò được các “quí khách” mang tặng lắm quà, trong đó nổi nhất vẫn là  mấy bức hoành phi bằng chữ nho khá đắt tiền ngợi ca công đức đội Sò, như: “Đức Lưu Quang”, “Tích Thiện Gia”, “Phước Lộc Thọ”... được ông ta đem treo khắp ba gian nhà như niềm tự hào về dòng dõi, gốc gác của mình.
Từ ngày về nhà ở mới, gia đình đội Sò phất lên làm gì được nấy, tiền của ào vô như nước. Vợ cả vợ bé tốt tươi như hoa ban sáng. Hai con trai bà cả đi lính sống sót trở về sau trận Đường 9 Nam Lào đều được thăng cấp đại úy, thiếu tá. Cậu con trai bà bé cũng vừa tốt nghiệp tú tài xong.

Thời kỳ này chiến sự mỗi ngày một ác liệt. Đêm đêm tiếng đại bác rung đất, pháo sáng rực trời ở quanh cả một vùng ven đô rộng lớn. Chỉ chừa Thuận Lý được coi là vùng an ninh nhất nên số tề ngụy các nơi đổ xô về náu mình, đàn đúm ăn chơi thâu đêm suốt sáng, đang là cơ hội cho nhà Sò bung ra thành tụ điểm cờ bạc cuốn hút và hấp dẫn hơn nhiều so với hồi ở Hiệp Đức trước đây. Lúc này đội Sò không còn đi buôn gỗ mà chỉ việc nằm ngửa trên đi văng cho người ta thuê ruộng đong tô mỗi vụ, trải chiếu hoa cho người ta xây sòng thu xâu hằng đêm và hưởng một phần lương sĩ quan của con trích đều đặn gởi về. Đây là lúc của tiền rủng rỉnh và nhàn hạ nhất của đội Sò, khác trời vực cái thời vào lòn ra cúi theo đuổi nghề buôn gỗ đầy may rủi trước đây.

Thế nhưng, ở đời mấy ai biết hết chữ ngờ...
Giữa lúc gia đình đội Sò đang thỏa thuê sung sướng trên mây thì, đùng một cái bà cả ngã bệnh ung thư, đến khi phát hiện ra đã ở giai đoạn cuối. Tiền của bỏ ra như vãi vẫn bó tay. Ngày bà nhắm mắt là lúc hai con trai đang say máu đánh trận nên chẳng trăn trối được lời nào. Bà cả chết đi coi như mất hẳn “tay hòm chìa khóa” bấy lâu cai quản đồng ra đồng vào ở cái nhà này, đã gây sốc quá lớn và làm suy sụp tinh thần đội Sò đến thảm hại. Thế rồi, cùng với thời gian, nỗi đau buồn ấy cũng phôi pha đi... Cho đến sau cái ngày vừa mãn tang vợ xong, bỗng một tin như sét nổ: người con cả mang lon thiếu tá đã bỏ mạng ở mặt trận bắc Quảng Trị lúc đang tuổi 37. Đội Sò như người mất thăng bằng, nghĩ tới hai cái họa vừa ập đến mà giật mình. Lo chôn cất cho con cả  xong, ông bỏ làng theo gia đình người con thứ đang sống tại một thị xã ở miền Trung. Ngày tháng cũng nguôi ngoai dần, tưởng thế đã yên, nào ngờ người con thứ vừa được gắn mề đay hôm trước, hôm sau xua quân đi lấn chiếm vùng giải phóng cũng đã tử trận ở tây Quảng Ngãi. Đúng “họa vô đơn chí!”. Ba cái tang sập xuống gia đình trong ba năm liền làm ông hoảng lên. Ông ta liên hệ ngay đến quả báo, vội tất ta tất tưởi đi coi thầy. Không biết mấy vị thầy bói bói sao mà chỉ mấy hôm sau nhà ông rần rần tăng ni phật tử trên chùa về lập trai đàn ăn chay niệm Phật cả tháng trời chưa xong.

Đúng vào những ngày này cả miền được giải phóng hoàn toàn. Khắp vùng Thuận Lý - Hiệp Đức nhà nào cũng tưng bừng cờ hoa mừng ngày hội lớn. Nhiều người đổ ra đường đi đón người thân trở về sau 30 năm biền biệt xa quê. Riêng nhà đội Sò im ỉm, chỉ nghe vọng tiếng gõ mõ cầu kinh suốt ngày. Ông ta ru rú trong nhà với một tâm trạng đầy bất an. Quả ông đang lo sợ về một con người có thể sẽ quay lại trả thù ông bất cứ lúc nào. Nhiều khi ông như người mất hồn, đêm nằm nghe chó sủa lại giật mình thót tim. Của nổi của chìm tích cóp bấy lâu được giấu kín và chỉ  mình biết ông chứ ông chẳng tin ai bao giờ. Mẹ con bà bé có lẽ vì thế mà đâm ra mâu thuẫn với ông gay gắt đến mức đã đột ngột bỏ nhà ra đi, chỉ để lại một lá thư hẹn ngày gặp lại, để rồi từ đó về sau ông chẳng còn lấy ai nương tựa cho tấm thân đã gần đất xa trời, thường xuyên đau ốm...

Vào một ngày cuối đông năm ấy, từ nơi xa hay tin đội Sò bị đột tử do nhồi máu cơ tim, người con trai bà bé mới quay về lo đám tang cho ông. Xong việc anh ta ở lại dài dài sống cảnh hai quê: mẹ và vợ con thì định cư ở một vùng kinh tế mới trên Tây Nguyên, còn mình ở trông coi nhà cùng vườn tược ông đội Sò để lại. Cho đến một ngày ông lão ấy đến hỏi mua nhà và anh ta đã bán được giá đến bất ngờ, lại còn gặp được “nhân vật” bằng xương bằng thịt trong chuyện kể của mẹ ngày nào...

Tư Can bán xong nhà vội cuốn gói vào thẳng Tây Nguyên, đem chuyện kể lại với mẹ. Nghe hết đầu đuôi và biết rõ Nam Long là Việt kiều đang đơn thương độc mã hồi hương về ở Thuận Lý, bà Thúy suy nghĩ lung lắm. Bất chợt bà lóe lên trong đầu một ý tưởng rồi mỉm cười đắc chí một mình. Đêm ấy bà bật đèn ngồi tận khuya trao đổi chuyện trò với con trai khá cặn kẽ, sau đó lấy giấy bút ra viết kín bốn trang thư gởi cho Nam Long.

Không hiểu nội dung thư thế nào mà chỉ một tuần sau ông Nam Long đã đọc được với bao nỗi bất ngờ và bâng khuâng khôn tả. Ông cứ đọc đi đọc lại, hai tay run run, người như mê như tỉnh. Nàng Thúy ngày xưa đang nói ra điều mà bấy lâu ông chưa hề nghĩ tới, mặc dù hồi đó ông đã mấy lần “trêu hoa ghẹo nguyệt” với nàng và chỉ nghĩ nàng cũng thuộc loại “đưa người cửa trước rước người cửa sau” thế thôi. Đặt lá thư lên bàn, ông Nam Long cố nhớ lại cái khuôn mặt và dáng dấp cậu con trai kia trong cả hai lần ông gặp về việc mua bán nhà mới đây. Ông lầm rầm tự nhận xét: “Ừ, trông nó chẳng phải cốt phải đồng gì của đội Sò là cái chắc, còn nếu của ta sao chẳng giống lông giống cánh ta tí nào hết?”. Ông đắn đo. Ông lật sấp lật ngửa như người ta chơi bói bài. Bất giác ông đánh đùi một cái như để khẳng định một “qui luật tất yếu khách quan”: “Con cái người ta đẻ ra xưa nay chẳng giống cha giống mẹ có gì lạ lắm đâu. Bấy lâu ta biệt tăm, nay nàng Thúy viết “thư lòng” đẫm lệ thế kia, lẽ nào... Ôi, ta không thiếu gì, nhưng ta hiếm... Nay phước tới cho tụi nó có anh có em hóa ra chẳng tốt lắm sao!”. Trong thư nàng Thúy còn hứa sẽ cùng con trai sớm trở lại Thuận Lý gặp ông, càng làm ông dài cổ cò ra ngóng không biết mỏi. Trước mắt ông là viễn cảnh một gia đình đầm ấm hạnh phúc mà bấy lâu ở bên trời Tây, ông hằng chắp tay cầu nguyện và chỉ được đáp lại bằng tất cả sự lạnh lùng vô vị làm sao.

Nấn ná cũng phải mất khá lâu thời gian, ông Nam Long mới gặp được mẹ con bà Thúy. Đó là một ngày hè nóng bức, gió lào thổi xát mặt, vậy mà ông vẫn hui húi đầu trần ra tận bến xe để đón người thân. Vừa thấy hai mẹ con bước xuống xe, ông đã nhảy cẫng lên cùng đôi mắt chớp chớp như cố ngăn dòng cảm xúc đang chực trào ra.
Gặp  lại ông Nam Long, mặc dù đã được mẹ “hà hơi”, nhưng Tư Can vẫn không tự nhiên cho lắm, trong khi bà Thúy thì hớn hở tưng bừng, cười cười khóc khóc, khiến Nam Long quá đỗi chạnh lòng.
- Từ hôm đọc thư, tôi cứ trông mòn con mắt!
- Thì mẹ con em cũng có khác gì đâu. Nghiệt nỗi, phải chờ nó thu hoạch xong cà phê mới đi được!
Ông Nam Long nhìn Tư Can không chớp mắt, rồi quay nhìn bà Thúy đắm đuối như thuở nào. Tuổi cao, tóc sương rồi mà sao trông bà còn ngọt thế không biết? Vẫn khuôn mặt chưa mất đi cái duyên ngầm của thời đứng chuốc rượu, dù đã quá lâu rồi, nay vẫn làm cho ông rạo rực như xưa.

Cùng sánh vai với hai mẹ con trên đường về nhà, ông Nam Long cứ xuýt xuýt xoa xoa như đang ăn năn về một điều gì đó, cùng với những gì còn đọng đôi chút trong tiềm thức ông mới đây tự nhiên biến đâu mất, nhường chỗ cho cái cảm giác nồng nàn choáng ngợp tim ông. Nếu như những ngày về sống trong ngôi nhà cũ của mình ông luôn cảm thấy cô đơn tẻ lạnh bao nhiêu thì giờ đây một không khí chứa chan nồng ấm đang sẵn sàng bù đắp lại cho ông bấy nhiêu. Còn đối với bà Thúy, Nam Long như một hình bóng mờ nhạt, nếu không nói là đã lãng quên trong ký ức bà từ lâu, nay bỗng dưng như có trời xui đất khiến thế kia... Riêng Tư Can đã không khỏi ngỡ ngàng khi về lại ngôi nhà mình từng ở, từng bán đi. Chỉ một thời gian ngắn mà ngôi nhà dột nát xuống cấp đã được ông Nam Long sửa sang lại bề thế, khang trang đến không ngờ. Vẫn mái ngói lưu ly nay lợp mới hoàn toàn. Vẫn bộ liên ba thành vọng, biểu tượng cốt cách nhà cổ, nay được gia cố, khảm trai óng ánh ở ba gian, cùng các hàng cột kiềng được toa lại láng bóng. Nền nhà tôn cao hơn và thay nền xi măng bằng gạch men loại xịn. Cả ba gian hai  chái đều được tân trang mà vẫn giữ nguyên dáng xưa. Chỉ có mấy bức hoành phi ngợi ca bà láp bà đế kia mới bị lôi cổ xuống xếp đống sau hè nhà thôi.

Bà Thúy, Tư Can nay có mặt cùng Nam Long trong cái nhà này với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng và to tát thế kia chẳng khác nào như chuyện cổ tích hoặc chuyện nằm mơ giữa ban ngày vậy. “Hết cơn bỉ cực đến thời thái lai”. Nam Long ngây ngất. Nam Long tin ông trời có con mắt thật.
Từ khi bị đội Sò cướp toàn bộ gia sản, cha con ông vào thẳng Sài Gòn tá túc nhà một người bạn thân. Không bao lâu ông xin được việc làm với mức thu nhập khá cao. Nhờ đó ông nuôi cậu con trai ăn học thành tài, cho đến ngày cậu ta xuất dương du học bên Tây, rồi lấy vợ đầm và ở luôn bên đó. Còn ông cũng lăng nhăng lắm mối mà chẳng ra mối nào, đành sống kiếp độc thân mãi tới già. Mấy năm sau ông làm thủ tục xuất cảnh sang ở với con cháu đâu được mấy năm gì đó. Nhưng rồi chẳng hiểu sao ông lại quay về nước, tìm về Thuận Lý mua lại được ngôi nhà xưa của mình. Và sau đó ông lại quá bất ngờ bởi lá thư của bà Thúy... Giờ ông Nam Long như rồng gặp mây, hạnh phúc đầy mình.

Ông kéo ghế ngồi sát bà Thúy, nắm tay Tư Can nói nhỏ vừa đủ hai người nghe:
- Bây giờ hai mẹ con đã về với tôi nên tôi không việc gì phải giấu: khi bày ra sửa nhà, tôi đã tìm thấy số vàng chôn dưới hòn đá tảng của một trụ nhà này...
Tiếng Nam Long mỗi lúc một nhỏ dần khiến hai mẹ con phải nhổm đít dậy ghé tai nghe cho rõ.
- ...Tôi đem so thời giá một mẫu ruộng loại nhất đẳng với một lượng vàng hồi đó thì biết ngay số vàng này do đội Sò bán 30 mẫu ruộng ở đồng Lương Miêu mà có và chỉ có sau ngày hai mẹ con bỏ nhà ra đi, nên chẳng ai hay biết gì...
Ngừng một lát, Nam Long nhìn vào mắt hai mẹ con, rồi nói tiếp với vẻ sốt sắng và quả quyết:
- Giờ số vàng này và cả ngôi nhà này là của chúng ta chứ chẳng ai vào đây hết!
Nghe tới đây bà Thúy và Tư Can lâng lâng như trúng số độc đắc, song bề ngoài vẫn cố làm ra vẻ bình thường, coi đó là điều hiển nhiên chẳng có gì lạ trong ngôi nhà này cả.

Biết được mẹ con bà Thúy về ở cùng Nam Long trong một gia đình, cả chợ Thuận Lý xôn xao hẳn lên. Người ta đồn ầm rằng Tư Can là con đội Sò như mặt trời giữa ban ngày thế kia, vậy mà hóa phép sao thành ra con Nam Long mất! Thế nhưng chưa đã bằng chỉ một thời gian ngắn sau đó người ta lại chuyền miệng sang tai, tiếng to tiếng nhỏ rằng, ngay cái cậu Tư Can kia cũng chẳng phải con Nam Long nốt; rằng ông Nam Long già đời không trót thế nên đã bị mụ ta lừa một cú khá ngoạn mục, đành ngậm bồ hòn làm ngọt thế thôi. Chuyện là: giữa lúc cả ba người đang xây tổ ấm thì anh con trai ông Nam Long từ nước ngoài không hiểu sao đã tỏ tường ngóc ngách mọi chuyện, vội bay về đùng đùng gây sóng gió náo loạn cả chợ Thuận Lý. Tưởng làm như vậy sẽ đuổi được mẹ con bà Thúy ra khỏi nhà, trong khi anh ta hoàn toàn thất thế, bởi bố mình đã bị xỏ mũi, đánh mất cả chì lẫn chài vào tay một con mụ vốn có sỏi trong đầu với cái nghề đánh bài ba con chẳng thua ai ở chợ Thuận Lý này. Anh ta đâu lường hết từ khi bố mình thừa nhận Tư Can là con đẻ ngoài giá thú thì cũng là lúc hai mẹ con họ đã bỏ tiền của ra chạy đôn chạy đáo để lo đủ giấy tờ hợp lệ, thậm chí có cả di chúc của ông Nam Long dành cho Tư Can quyền được hưởng thừa kế hợp pháp gia tài nếu một ngày ông không còn trên cõi đời này nữa. Sự thể không ngờ đến nông nỗi này buộc anh ta phải đặt bố mình trước hai lối chọn: một là, vẫn ở lại với mẹ con bà Thúy mặc dù anh ta đã toang toác với mọi người rằng Tư Can không có quan hệ huyết thống gì với mình hết, rằng nếu cần anh ta sẽ chứng minh điều đó giữa thanh thiên bạch nhật; hai là, ông Nam Long đành ôm hận một lần nữa theo con về lại bên kia giữa lúc sắp mừng thọ bát tuần và cuộc hồi hương “lá rụng về cội” coi như tan tành mây khói.

Chuyện động trời động đất như thế bảo sao người ta lại không túm tụm nhau đấu khẩu cho ra môn ra khoai mới hả. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Những ngày này ngồi đâu cũng nghe lời khen tiếng chê loạn xạ, có cả tiếng chửi thề chửi đổng vô duyên chẳng ra làm sao. Nhưng rồi tất thảy chẳng khác nào hòn đá ném xuống nước gây xáo động dữ dội một lúc, xong đâu lại vào đấy, càng về sau chẳng còn mấy ai nhắc tới làm gì, nếu như không có lá thư do người con trai ông Nam Long từ nước ngoài gửi về cho một người bạn của mình ở Thuận Lý. Trong thư anh ta bày tỏ nỗi uất ức về việc cha mình trở lại bên ấy không bao lăm ngày đã thọ bệnh mà chết và bảo dứt khoát mình sẽ quay về nước một ngày gần đây với đầy đủ bằng chứng để kiện mẹ con bà Thúy ra toà về nguyên nhân cái chết của cha mình; anh ta còn bảo là mình sẽ kiện tiếp nhằm đòi lại gia tài của ông Nam Long đã bị mất một cách vô lối vào tay mẹ con họ.

Ở Thuận Lý chẳng hiểu sao thông tin trên lọt được vào tai Tư Can. Lẹ như sóc, chỉ trong vòng vài ngày họ đã tìm được mối lái và thảy ngay ngôi nhà đang ở với giá quá hời, sau đó ôm gọn những gì quý giá nhất quay lại Tây Nguyên.
Ngày bà Thúy và Tư Can rời khỏi Thuận Lý là một ngày nắng hè như đổ lửa và gió lào thổi thốc tung bụi mịt mù. Vậy mà đám hàng xóm chợ Thuận Lý vẫn kéo nhau ra ngõ, đua nhau kháo ầm ĩ lên khi chứng kiến cảnh hai mẹ con cắm đầu lủi đi như cố chạy trốn những tai ương oan nghiệt đang rượt đuổi sau lưng. Bất giác có tiếng xì xào ở đâu đó: “Làm sao người ta chạy trời cho khỏi nắng được nhỉ?”...
                                          N.T

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Các bài mới
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Các bài đã đăng
Mùa Chạp (27/11/2008)