Tạp chí Sông Hương - Số 205 (tháng 3)
Lửa kinh thành
09:27 | 27/11/2008
NGUYỄN QUANG HÀ(Trích tiểu thuyết)...

CHƯƠNG VII

Ngày 27- 1- 1968 (tức là ngày 27 tháng chạp năm Đinh Mùi) sắp Tết rồi, không khí như đang tươi non ra, Phan Tấn Thọ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công Chị Thừa Một đang cho lính tập vượt tường cao trên 10 mét thì Nguyễn Tá Thành đến gặp anh:
- Thành đội trưởng cử tôi tới trao một nhiệm vụ mới và đặt biệt cho anh.
Phan Tấn Thọ dẫn Nguyễn Tá Thành vào lán. Lán giã chiến một mái nằm ngay bên bờ suối. Phan Tấn Thọ nói:
- Tôi xin nghe đây.
- Thành đội trưởng lệnh cho tiểu đoàn Chị Thừa Một đặc công chuẩn bị đánh trung đoàn thiết giáp 7 ở Tam
Thọ ngớ người:
- Chúng tôi mới đánh trung đoàn này ngày 5-1, mới cách đây hơn hai chục ngày. Việc gì mà phải đánh gấp thế.
Thành đáp:
- Tôi cũng có hỏi Thành đội trưởng đúng câu hỏi của anh: Sao đánh gấp thế? Ông đáp: Đây là lệnh trên cho nên mình cũng không rõ. Nhưng hình như lần này mình đoán là đánh bọn thiết giáp để hỗ trợ cho đồng bào Huế nổi dậy. Nếu không diệt bọn thiết giáp này chúng sẽ thẳng đường nhựa chà nát đồng bào nổi dậy tới đây như chà nát đồng bào Huế đã nổi dậy vây quanh đài phát thanh Huế năm 1963 cùng Phật tử đòi quyền bình đẳng được treo cờ Phật trong ngày lễ giống như bên Thiên Chúa Giáo vậy. Thiết giáp không kể gì, đã chà nát 13 người vô tội.
- Tôi đã có được nghe kể vụ giết người rùng rợn này.
- Điều thứ hai ông bảo: Chị Thừa Một đã đánh một lần rồi, nên không phải chuẩn bị gì cho lâu.
Phan Tấn Thọ hỏi:
- Điều nghiên xong thì bao giờ đánh?
Tá Thành đáp:
- Điều nghiên về ông sẽ quyết, và sẽ đánh ngay.
Chị Thừa Một là đơn vị duy nhất được ăn Tết sớm hơn cả để làm nhiệm vụ. Ăn Tết xong, đêm ấy Phan Tấn Thọ cùng tiểu đoàn phó và toàn ban chỉ huy một đại đội về điều nghiên Tam Đến 10 giờ đêm, trước lúc tiếp cận hàng rào, Phan Tấn Thọ phân công mũi của anh sẽ là mũi chủ yếu tấn công, khi nổ súng phải chiếm được vị trí đỉnh Tam Mũi thứ hai phải đánh tan khu vực dưới chân núi.
Đã khuya lắm, đã qua lần bị tấn công đầu tháng nên chúng tăng cường bố phòng chặt chẽ hơn, kỹ lưỡng hơn, nên điều nghiên khá mất thì giờ. Về đến núi Ngự Bình ngồi nghỉ, Phan Tấn Thọ cùng các sĩ quan của mình cùng nhìn về thành phố thân yêu. Các anh nhận ra rất rõ nơi có những ngọn đèn tập trung tỏa sáng cả một vùng bên sông Hương là khách sạn Hương Giang, nơi các anh đã tiêu diệt cách đây nửa năm trời. Nơi có cột ăng-ten nhấp nháy tắt tắt đỏ đỏ đó là cơ sở đài phát thanh Hoa Kỳ suốt ngày nói xấu Cộng sản trên cánh đồng An Cựu kia, các anh chưa được lệnh động tới. Cả thành phố như đang thiêm thiếp ngủ. Có cái gì đó nôn nao trong lòng mỗi người.
Về đến nhà, báo cáo việc điều nghiên, Thành đội trưởng ra lệnh quyết định sẽ đánh trung đoàn bọc thép vào đêm 31/1 tức đêm mồng một Tết Mậu Thân. Tiểu đoàn Chị Thừa Một triển khai ngay. Theo kế hoạch, tiểu đoàn sẽ xuất quân chiều 30 Tết, về dú quân ở Dương Hòa một đêm để đêm sau tiếp cận Huế bảo đảm đúng kế hoạch hơn. Không ngờ đoàn quân vừa ra khỏi cửa rừng 500 mét, bỗng có hai chiếc máy bay OV10 của trinh sát hải quân Mỹ từ ngoài biển Đông lao vào. Giống như chúng đang phục sẵn, đội lính Chị Thừa Một ra khỏi rừng là vồ ngay.
Gặp máy bay trinh sát, đoàn quân như chững lại. Hai chiếc máy bay bẻ ngoặt một vòng, ném mấy quả lựu đạn khói màu đỏ ngay sau lưng đoàn quân. Vậy là lộ rồi. Pháo từ tàu ngoài khơi, cứ khói đỏ chỉ điểm bắn vào tới tấp. Phan Tấn Thọ hô to:
- Các đồng chí chạy theo tôi. Pháo hạm đội bắn đấy.
Thọ không chạy lui, không chạy tới, anh dẫn 4 đại đội rẽ ngang. Đại đội 5 chạy theo anh Tuyên. Từ đó, pháo bắn suốt đêm, đến 4 giờ sáng mới ngừng bắn. Kiểm điểm sơ bộ thấy đồng chí chính trị viên trưởng bị thương nặng. Chính trị viên phó hy sinh. Tập hợp lại đội ngũ, kế hoạch về Dương Hòa bị vỡ. Phan Tấn Thọ dẫn quân về đến dốc Công Sự đã 6 giờ sáng ngày mồng một Tết.
Nghe tin Chị Thừa Một bị pháo trùm đầu, tham mưu trưởng vội về ngay. Anh cùng nhóm sỹ quan chạy ngay vào rừng tìm đại đội 5. Họ đang ở cách dốc Công Sự chừng ba giờ đồng hồ. 10 người hy sinh, anh em đang lấy vải mưa cá nhân bọc từng người đem chôn. Không khí buồn nản không thể tả được. Anh em lặng lẽ nhìn nhau, không ai muốn nói với ai một lời. Mãi trưa mới hội quân đủ về đốc Công Sự.
Nguyễn Tá Thành điện cho Thành đội trưởng:
- Trong không khí này muốn ra quân đúng giờ, không thể thiếu anh.
Thành đội trưởng có mặt ngay, và lập tức quân lực bổ sung vũ khí đầy đủ. Trên khuôn mặt dạn dày chinh chiến của Thành đội trưởng không hề lộ ra một sự thất vọng nào. Đúng ba giờ chiều đứng trước toàn tiểu đoàn, ông nói:
- Về thiệt hại, tôi xin chia buồn với tiểu đoàn đặc công Một. Song tôi xin báo để các đồng chí mừng, đêm nay toàn miền chúng ta vào chiến dịch tấn công nổi dậy. Đêm nay Huế sẽ được giải phóng. Tiểu đoàn Chị Thừa Một đánh Tam Tiếng súng tấn công của các đồng chí sẽ là súng lệnh tấn công vào toàn thành phố.
Sắc mặt lính thay đổi hẳn. Từ ảm đạm chuyển sang hào sảng.
Anh Tuyên thành đội phó về chỉ huy trận Tam Thai đứng dậy nói:
- Đây là dịp chúng ta trả thù cho các đồng chí vừa hy sinh.
Thành đội trưởng nói tiếp:
- Trung đoàn 6 và một nửa trung đoàn 9 sẽ đánh phía Bắc Sông Hương. Một nửa trung đoàn 9 và đoàn 5 chúng ta sẽ đánh cánh Nam Sông Hương. Nếu không diệt được trung đoàn thiết giáp 7 ở Tam Thai và sư đoàn 1 ở Mang Cá sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên bằng giá nào Chị Thừa Một cũng phải tiêu diệt cho bằng được trung đoàn này. Các đồng chí đồng ý không?
- Đồng ý! Đồng ý! Cả tiểu đoàn vang lên...
Thành đội trưởng hào hứng hẳn lên:
- Ở mặt trận Huế, đồng chí Lê Minh là chỉ huy trưởng. Các anh Lê Chưởng, Nam Long, Đặng Kinh ở trong ban chỉ huy. Mặt trận Huế chia làm hai cánh: cánh Bắc do anh Thu là chỉ huy trưởng. Cánh do tôi, Thân Trọng Một làm chỉ huy trưởng. Các đồng chí, vì thành Phố Huế thân yêu của chúng ta, các đồng chí hãy tiến lên.
Cùng lúc tiểu đoàn Chị Thừa Một lên đường, tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch tấn công nổi dậy vào Huế cũng làm lễ xuất quân và cùng thông báo đánh vào Huế.
Ngoài địa phận Hương Trà, trung đoàn 6 tập hợp dưới tán lá rừng. Trước đoàn quân, anh Hường Thọ, bí thư huyện Hương Trà, hai tay nâng chiếc ba lô căng đầy trao cho anh Dương Quang Đấu, trung đoàn trưởng trung đoàn 6, giọng anh rất trang nghiêm:
- Thưa các đồng chí, ngày 30 tháng 1 năm 1968, mặt trận Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Huế đã được thành lập, do giáo sư Lê Văn Hảo làm chủ tịch. Mặt trận ấy sẽ tập hợp tất cả những người dân yêu nước Huế dưới ngọn cờ này để chống Mỹ cứu nước. Trong ba lô tôi trao cho trung đoàn 6 đây là lá cờ của mặt trận Liên Minh Dân tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Huế. Tôi trân trọng trao cho các anh, đêm nay toàn quân sẽ tiến về giải phóng thành Huế, các anh sẽ treo cờ Liên minh này lên đỉnh kỳ đài Ngọ Môn. Đó sẽ là một ngày hết sức trọng đại đối với chúng ta.
Dương Quang Đấu nhận ngọn cờ, trao cho tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2:
- Trung đoàn giao cho tiểu đoàn hai làm nhiệm vụ thiêng liêng này.
Trong tiếng vỗ tay dạt dào như tiếng cánh đại bàng đập gió, anh Dương Quang Đấu ra lệnh:
- Trung đoàn 6 lên đường giải phóng Huế. Các đồng chí, tiến lên!
Đoàn người như sóng, ào lên.
Góc rừng sôi động nào cũng chỉ biết một góc rừng sôi động. Chỉ có bộ chỉ huy đóng trên đỉnh núi Kim Phụng, dẫu chỉ cách Huế 5 cây số, qua tất cả những làn sóng điện báo cáo giờ phút từng đơn vị làm lễ ra quân và đã xuất quân là cảm thấy hết cả chấn động sục sôi trên khắp cánh rừng Thừa Thiên phía Đông Trường Sơn này. Giống như một dàn hợp xướng, khi chiếc đũa điều khiển vung lên thì tất cả âm thanh cùng lên tiếng trong một bản hòa tấu hùng tráng.
Giá có một chiếc máy quay phim đứng tít mãi trên trời cao quay được toàn cảnh của cuộc ra quân cùng tiến về đồng bằng mà biết bao năm đã mơ ước mong chờ thì vui biết bao. Khi trời mờ tối, tất cả mũi tiến quân cùng một lúc ra bìa rừng, và tất cả nhắm hướng thành phố Huế mà đi tới.
Đêm mồng một Tết, trời tối đen, gió lạnh. Thỉnh thoảng lại lất phất mấy hạt mưa. Đêm thật yên tĩnh. Ngoài xa xa có tiếng súng địch bắn đì đạch bắn vu vơ. Sau tiếng nổ côi cút lạnh lẽo ấy lại là một vùng trời êm ắng khác thường. Mỗi người hầu như đều thở phào cùng ý nghĩ: “Thế là kế hoạch giữ bí mật đã thành công có thể gọi là mỹ mãn”.
12 giờ đêm mồng một Tết âm lịch hầu hết lực lượng, quân sự cánh Bắc sông Hương đã ém sẵn gần ngã ba sông Kẻ Vạn, cách cửa Chánh Tây chừng 400 mét. Thành phố Huế đang chìm trong sương mù. Rõ ràng không có một dấu hiệu gì chứng tỏ Mỹ Ngụy nắm được cuộc tấn công lớn sắp giáng xuống đầu chúng.
Thành đội trưởng và Nguyễn Tá Thành ngồi trên đỉnh núi Ngự Bình. Thành đội trưởng xem đồng hồ hỏi:
- Đồng hồ mình 2 giờ 30 phút, cậu xem đồng hồ cậu có đúng vậy không?
Thành bấm ánh đèn pin chỉ bằng nửa hạt gạo, soi vào đồng hồ:
- Dạ đúng 2 giờ 30 phút. Giờ G rồi đấy, sao không thấy Mang Cá và Tam Thai phát hỏa. Điện ở trên về đã dặn rằng: 6 giờ là giờ G của toàn quốc cùng phát hỏa, chứ đừng nghĩ rằng cơ yếu điện sai.
Đồng hồ nhích lên đúng 2 giờ 33 phút ngày mồng hai Tết Mậu Thân, bất ngờ đạn ĐKB như những con rồng lửa tới tấp dội vào căn cứ Phú Bài. Ngay tiếp sau đó lửa ở Mang Cá và Tam Thai bùng lên. Lửa Phú Bài, Tam Thai và Mang Cá là mệnh lệnh tiến công. Tiểu đoàn 815 của trung đoàn 9 từ chùa Từ Đàm chạy qua cầu Nam Giao bọn lính ở đây đang còn ngáp ngủ, lập tức chúng bị tóm.
Bên cửa Chánh Tây giao cho Toàn và Hiếu. Toàn, một thanh niên trong nội Thành là con một cán bộ quân đội, anh tham gia biệt động thành. Hiếu, một trung đội trưởng đặc công đoàn 6 được bí mật phái vào nội thành với Toàn bảo đảm mở cửa Chánh Tây với bất kỳ giá nào để mở đường cho lực lượng bên ngoài vào thành. Toàn thạo đường, Hiếu mới vào nội thành chiều 29 Tết, anh được giấu trong một gia đình cơ sở, tối mồng một hai người mang bộc phá, ém sẵn ngay bên chốt gác lính Ngụy trước cổng Chánh Tây. Thấy pháo bắn Phú Bài và lửa Mang Cá bùng lên, Toàn và Hiếu nén bộc phá, ba tên lính ngụy chết vắt người lên đám dây thép gai. Còn Tùng đã nằm sẵn trong cống Thủy Quan, anh cắt dây thép gai mở đường.
Như vậy cùng một lúc, quân cánh Bắc đánh Mang cá, quân ém ở bên sông Kẻ Vạn ào tiến vào nội thành qua cửa Chánh Tây, cửa Hữu, cống Thủy Quan.
Phía , bộ đội tiến qua cầu Nam Giao, cầu Kho Rèn, cầu Bến Ngự.
Khi bộc phá tới tấp ném vào trung tâm Tam Thai, chiếm được đỉnh núi, dưới chân núi cuộc chiến đấu đang quyết liệt, trực thăng bay tới tấp vào Tam Thai hỗ trợ cho bọn lính còn đang sống sót. Ba chiếc M113 được cứu trợ đã  từ trong hầm vọt ra, chạy thục mạng về phía thành phố. Một quả B40 mai phục lao tới, cả chiếc M113 bùng cháy thành một đám lửa lớn sáng rực cả một vùng.
Thành đội trưởng bảo Nguyễn Tá Thành, giọng ông vội vàng, hình như linh tính đã báo cho ông một điều gì.
- Cậu xuống hỗ trợ cho ban chỉ huy K4 đi.
Từ Ngự Bình, Thành cùng cậu liên lạc chạy tắt qua nghĩa trang Thủy Trường, thẳng đường về cầu Kho Rèn. Đúng lúc chiếc xe bọc thép chốt đầu cầu bên kia, không biết có phải chiếc M113 từ Tam Thai chạy về không. Nó đang nhả đạn quyết liệt. Những chiến sĩ chạy hàng đầu đã ngã ngay trước đầu cầu Kho Rèn phía bên này.
Tiểu đoàn 4 bị chặn lại ngay đầu cầu. Nếu không diệt được chiếc xe bọc thép bên kia, quân ta không thể có con đường nào vượt lên trong lúc này. Thành gặp tiểu đoàn phó Võ Văn Đề, hạ lệnh:
- Cho một tổ trinh sát, bơi qua sông An Cựu, đánh bất ngờ vào phía sau chiếc bọc thép này.
Lập tức một tổ trinh sát ngược sông một trăm mét, bơi qua, bám vách tường nhà bên phố Phan Đình Phùng, tiếp cận phía sau xe bọc thép. Chúng nhăm nhăm lo nhả đạn trước mặt, tưởng phía sau an toàn. Ba quả bộc phá ném tới, xích xe tăng đứt. Bọn lính Ngụy trong xe hốt hoảng mở nắp xe chạy vào hướng trung tâm thành phố. Một loạt đạn AK bắn đuổi theo. Cả ba tên ngã gục ngay trên đường Lý Thường kiệt.
Tiểu đoàn 4 từ bên kia ào qua cầu, phát triển thẳng đường Lý thường Kiệt. Trước mắt các anh là một con đường chưa hề quen biết, gặp một người đàn ông đi trên đường, anh Đề hỏi ngay:

- Anh cho tôi hỏi đường ra bưu điện, ngân khố lối nào?
Người đàn ông đáp:
- Ngân khố, đài phát thanh ở đầu đường Lý Thường Kiệt này.
Trả lời xong ông già đi ngay. Đề chia tiểu đoàn làm ba mũi tấn công. Một phát triển lên phía trước, một rẽ lên phía trường Bách Nghệ, một rẽ phải tìm về Nha cảnh sát thành phố Huế trên đường Duy Tân.
Lúc ấy K10 sau khi lạc đường, đã tiến được vào thành phố họ gặp K4 và Nguyễn Tá Thành trên đường Nguyễn Huệ, Thành tìm ngay tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10:
- Trong Khu tam giác này hiện có tiểu đoàn 815 của trung đoàn 9, và tiểu đoàn 4 đây, hai tiểu đoàn tung hoành trong khu tam giác này. Tôi vừa được thông tin một tiểu đoàn của trung đoàn 3 Ngụy đang dã ngoại, đóng ở Đông Di, Phú Vang. Nếu ta không diệt được tiểu đoàn này, ngày mai chúng ập vào phía Đông thành phố, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Vậy tiểu đoàn 10 hãy hành quân gấp về Đông Di.

Cùng K4, K10 tổ chức xong các mũi tấn công, Nguyễn Tá Thành mới có chút thư thả. Cho đến lúc này anh mới ngước mắt nhìn lên bầu trời Huế, Cả một khung trời Huế đêm mồng một Tết tối đen, tưởng có thể cắt ra từng miếng. Vậy mà bây giờ sáng bừng như ánh bình minh. Những đường đạn bay đan chéo dọc ngang đầy trời, giống như đêm hội bắn pháo hoa.
Bốn phía tiếng đạn nổ nối tiếp nhau như đốt pháo, không có một khoảng  thời gian bị đứt.
Một chiếc xe Jép đi tuần tiễu từ phía Nha cảnh sát lao tới. Mấy anh bộ đội mũ tai bèo ngăn lại. Xe dừng, nhận ra lính giải phóng trước mắt mình, mấy tên cảnh sát, giơ tay lắp bắp:
- Chúng tôi không biết các ông đã vào trong thành phố. Xin các ông đừng giết chúng tôi. Nếu các ông cần gì, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ.

Nguyễn Tá Thành theo tiểu đoàn 4 phát triển về phía sông Hương, đánh chiếm bưu điện, ngân khố, đài phát thanh một cách hết sức dễ dàng. Chỉ mấy loạt súng bắn quyết liệt, chúng đã bỏ chạy. Thành đã hiểu ra, chỉ có những tên lính phải ở lại trực chiến mấy ngày Tết, mới ở lại, còn đa số đã về gia đình  sum họp với vợ con. Vì vậy sức đề kháng yếu ớt. Anh chợt hiểu, đánh vào Huế và nổi dậy toàn miền khi cả hai bên đã tuyên bố ngưng chiến là một đòn hiểm hóc, bất ngờ. Binh thư chẳng đã nói quân sự tha hồ nói dối đó sao.
Bọn tù binh bắt được đang đứng lốc nhốc trước sân nhà bưu điện vẻ mặt hớt hơ hớt hải, giống như những gì chúng đang thấy trước mắt đây là không có thật, là giấc mơ thôi.
Thành dặn anh Đề:
- Nhanh chóng đưa tù binh lại phía sau cho đỡ vướng chân.
Lúc này trời đã mờ mờ sáng, lất phất có mấy hạt mưa, vẫn rét đậm. Thành tạm biệt tiểu đoàn 4 để trở về chùa Từ Đàm, nơi sở chỉ huy thành đội sẽ đóng ở đó.
Đường vắng, chỗ nào cũng thấy bộ đội giải phóng và tù binh. Qua cầu Bến Ngự, nơi đầu cầu anh Bảy Khiêm và lính an ninh đứng rất đông. Thấy Thành, anh Bảy Khiêm nói luôn:
- Chúng tôi tới chùa Từ Đàm đã thấy Hải Thanh đứng, đón ở đấy để đưa vào thành phố. Có Hải Thanh làm hoa tiêu, anh em hoàn toàn yên tâm. Vì lo nhất là vào thành phố, đường sá như thiên la địa võng. không ngờ Hải Thanh dẫn anh em tới đây, bọn cảnh sát bên kia cầu bất ngờ nổ súng. Hải Thanh ngã ngay xuống từ loạt đạn đầu.
Nguyễn Tá Thành hỏi:
- Anh Hải Thanh đâu rồi?
- Đang còn đây.
Anh Bảy Khiêm dẫn Thành tới chỗ anh em đang xúm xít, Hải Thanh đang nằm đó, đắp trên mình một chiếc chiếu, mắt nhắm, thản nhiên như người đang ngủ.
Anh Bảy Khiêm nói với đám lính:
- Giao Hải Thanh cho anh em phía sau rồi ai vào việc nấy đi.
Giải quyết liệt sĩ xong, anh Bảy Khiêm kéo anh Nguyễn Tá Thành qua bên chợ Bến Ngự. Những người lao động quét chợ, canh giữ hàng hóa qua đêm và đa số người không nhà không cửa, lấy lều chợ làm nơi trú ngụ đang ngồi nhìn ngơ ngác. Người đi trên đường Nguyễn Hoàng trước chợ (nay là đường Phan Bội Châu) không nhiều. Các nhà xung quanh hé cửa nhìn ra.
Anh Bảy Khiêm là phó ban an ninh khu ủy. Hiện đang phụ trách công tác an ninh trong cuộc tấn công vào Huế ở phía sông Hương này. Anh đứng lên mấy bậc thềm cao nói to với đồng bào:
- Bộ đội giải phóng được lệnh về Huế đánh đuổi quân Mỹ và bạn bè lũ tay sai gian ác để giải phóng cho đồng bào yêu cầu giúp đỡ, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho quân giải phóng hoàn thành nhiệm vụ.
Tiếp đó anh đi phân phát cho mọi người bản cương lĩnh của Mặt trận giải phóng và 10 điều kỷ luật của quân đội. Anh nói:
- Quân đội giải phóng, không được đụng tới một cây kim, sợi chỉ của người dân. Nếu dân thấy ai không tôn trọng 10 điều kỷ luật xin báo ngay cho chúng tôi, người đó nhất định phải ra tòa án binh.
Nghe xong, không ai đáp lời, cả dãy phố nhà nào nhà nấy quay vào, đóng chặt cửa lại.
Nguyễn Tá Thành hỏi một người đi đường:
- Anh có biết tại sao người ta không muốn tiếp xúc với quân giải phóng vậy không? Nhà nào nhà nấy đóng chặt cửa vào như vậy là thế nào?
Người đi đường đáp:
- Chúng tôi đã biết các ông là người thế nào mà tiếp xúc.
Anh Thành quay sang anh Bảy Khiêm:
- Dân chưa tin chúng ta, anh ạ.
Anh Bảy Khiêm đáp:
- Từ giờ phút này dân sẽ nhìn qua khe cửa để xem xét từng hành động, từng lời ăn tiếng nói của chúng ta như thế nào. Nếu thấy chúng ta đúng là người tốt thì họ sẽ niềm nở đón tiếp, nếu không sẽ đóng cửa mãi mãi. Đó cũng là một tính cách Huế đấy.
Anh Bảy Khiêm vẫy một người lính an ninh tới, dặn:
- Nhớ, nhắc anh em đừng có một động thái nào để dân mất lòng. Chưa tiếp xúc được với dân, các anh chia nhau vào các công sở, lục soát, thấy có giấy tờ nào đóng dấu TUYÊåT MẬT thì thu gom lại hết cả về sở chỉ huy cho tôi, rồi chúng ta sẽ đưa hết lên chiến khu. Sẽ có lúc chúng ta dùng tới.
Trời tạnh, không mưa, nhưng lạnh. Mặt trời đã lên cao. Chợt anh Bảy Khiêm đứng hướng về phía Bắc sông Hương, chỉ tay:
- Ôi, anh Thành nhìn kìa.
Thành ngước nhìn lên, lá cờ Mặt trận liên minh Dân Tộc, Dân chủ và Hòa Bình, giữa là ngôi sao vàng trong nền đỏ, hai bên cờ là màu xanh hòa bình treo trên đỉnh Kỳ Đài Huế, Thành có cảm giác rưng rưng.
Lính tiểu đoàn 815 thuộc trung đoàn 9, chiếm xong nhà Chính phủ trung phần bên sông Hương, nhìn thấy lá cờ, các anh chạy ào ra sân, reo lên:

- A! Huế giải phóng rồi, anh em ơi.
- Ôi! Huế giải phóng rồi!
Tiếng súng rầm rộ đêm qua đã im. Chỉ còn lẹt đẹt đây đó, chỗ này chỗ kia rồi im lặng.
Cùng lúc Nguyễn Tá Thành nhìn lá cờ đầy xúc động thì bên kia sông Hương, đứng ở đường phố Chi Lăng cũng có một người nhìn lá cờ thấy mũi mình cay xè muốn khóc, đó là Nguyễn Tá Phố, người em ruột của anh.
Tổ Phố sau khi đi trinh sát đồn Mang Cá về, bất ngờ ban chỉ huy tiểu đoàn gọi anh lên.
Phố hỏi:
- Có điều gì trục trặc hả thủ trưởng.
Tiểu đoàn trưởng nói:
- Trong Nội thành có người ra gặp ban chỉ huy xin Phố sang hoạt động cùng lực lượng chính trị Nội thành phát động quần chúng nổi dậy.
- Ai sang xin anh vậy?
- Họ đưa thư của anh Nguyễn Trung Chính và Phan qua.
- Ý thủ trưởng thế nào ạ?
- Lực lượng ta đông. Trong thành rất mỏng, trinh sát cần nhưng cũng có người thay thế. Trong ấy họ yêu cầu tha thiết quá, không nỡ từ chối. Ban chỉ huy đã hội ý, trả lời đồng ý với Thành phố rồi. Cậu chuẩn bị ngay để lên đường cho kịp.
- Nhưng...
- Không nhưng gì cả. Ban chỉ huy thấy rằng cậu về thành phố sẽ có điều kiện dễ dàng về thăm bà già. Nguyện vọng ấy là chính đáng. Chúng mình ủng hộ cậu.
Tổ chính trị của Phố gồm ba người theo một mũi của trung đoàn 6, do Lê Hữu Dũng làm hoa tiêu. Khi biệt động nội thành mở cửa Hữu, Dũng đưa cánh quân này, men theo bờ đường thành, đánh ra phía Ngọ Môn, chiếm vùng xung quanh kỳ đài Ngọ Môn xong, đơn vị ra cửa Thượng Tứ, băng về phía chợ Đông Ba. Ở đấy một nhóm biệt động thành đã phối hợp cùng các anh mau chóng diệt xong đồn cảnh sát Đông Ba. Thừa thắng xông lên, vượt cầu Gia Hội, sang Chi Lăng.
Đồn cảnh sát Gia Hội chưa bị diệt. Đạn súng máy trong ấy bắn ra dữ dội. Tường xây kiên cố thế kia, đạn AK không thể làm gì nổi. Lực lượng chính trị nội thành dạt cả sang nấp ở những ngả đường khác.
Mũi trưởng đơn vị đoàn 9, gọi:
- Chiến sỹ B40 đâu?
Ba chiến sỹ B40 vai vác ba khẩu B40 tới, đứng trước mặt anh:
- Có chúng tôi.
- Các anh diệt ngay đồn cảnh sát Gia Hội cho tôi.
Ba chiến sỹ nép vào nhà hai bên đường phố, tiếp cận gần hơn. Chọn góc ngắm thuận lợi nhất. Chỉ trong nháy mắt, hầu như cùng một lúc ba quả tên lửa bay vút vút tới. Đồn cảnh sát Gia Hội chìm nghỉm trong một khối lửa lớn, nhìn rất rõ những mảnh gạch ngói bay tung tóe sang bốn xung quanh. Tiếng trung liên bị chìm trong biển lửa ấy. Những chiến sĩ đội chính trị nội thành ôm choàng các chiến sĩ giải phóng.
- Rất cám ơn. Chúng tôi bị chúng kìm chân từ nãy đến giờ.
- May quá, chúng tôi đang nghẹt thở thì được hỏa lực của các anh chi viện.
Bỗng một anh kêu toáng lên:
- Các bạn ơi, cờ, cờ.
Tất cả cùng quay nhìn lá cờ ba màu vàng đỏ và xanh phất phới bay.
Hầu như tất cả cùng thốt lên một tiếng:
- Hoan hô Huế giải phóng.
Nguyễn Tá Phố cũng đang ngây người ngắm lá cờ, có người nắm tay anh:
- Phải Phố không?
Phố cũng reo lên:
- Anh Trung Chính. Em về với các anh đây.
- Mình có viết thư xin mà.
- Có. Trung đoàn cho em đi ngay. Em đang ngóng tìm cách để bắt mối với các anh.
Nguyễn Trung Chính chợt gọi lớn:
- Phan Nam, Phố về với chúng ta rồi nè.
Phan lao tới, ôm chầm lấy Phố.
Phố giới thiệu hai người bạn cùng tổ. Đến lúc ấy Phan mới ngớ người:
- Cả Trọng, Cước nữa hả? Tuyệt quá!
Trọng nói:
- Anh Phan đưa chúng tôi lên chiến khu cách đây hai năm rồi.
Một đám các cháu cả trai lẫn gái tíu tít chạy trên đường phố. Trung Chính ngăn chúng lại:
- Súng đạn đầy đường, các cháu biết không à?

Một đứa trả lời:
- Bộ đội về giải phóng Huế, chúng cháu đi xem.
Đang nói bỗng đứa bé nhận ra Trọng. Nó đứng trước mặt anh:
- Em chào thầy.
Trọng cũng đã nhận ra đứa nhỏ:
- Hoành, em vẫn nhớ thầy kia à.
Hoành lao vụt đi. Một lát sau Hoành kéo một người đàn ông đến trước mặt Trọng. Nó nói ríu rít:
- Thưa ba, đây là thầy Trọng, thầy dạy Việt Văn của con. Thầy bỏ Huế đã ra đi đúng hai năm nay. Bỗng dưng vắng thầy, chúng con đã đoán trúng: Thầy lên chiến khu theo cách mạng.
Cha Hoành nhìn Trọng rồi nhìn chúng tôi, khuôn mặt ông tràn ngập xúc động. Hai mắt như rớm lệ, ông lắc đầu, rồi lắp bắp thốt lên:
- Cha! Vậy mà chúng nói bậy về các anh các chị hung. Chúng nói lên xanh cực khổ, ốm đau, người chẳng thành người. Ba Việt Cộng đu một cành đu đủ không gãy. Đói khổ quá, nên người nào cũng mọc thêm một cái đuôi dài. Không ngờ gặp các anh ai cũng bảnh ri. Thầy Trọng ơi. Khi nào rảnh thầy ghé thăm gia đình tôi nghe. Cháu Hoành nhắc thầy hoài.
Trọng hỏi:
- Ở Huế, anh làm công việc gì ạ?
Cha Hoành đáp:
- Tôi làm ở Bưu Điện Nội Thành ngay trước cửa Đông Ba. Tên tôi là Hoàng. Các anh cứ gọi Hoàng cho thân mật, được không ạ.
Anh Phan chộp ngay lấy cơ hội:
- Chúng tôi có việc cần đến anh đây, anh Hoàng ạ. Anh cứ đến trước Bưu Điện thành nội đi, lát nữa chúng tôi sẽ vào sau.
Anh Phan quay sang Trọng:
- Công việc trước mắt sắp tới sẽ ngập đầu đấy. Nhà Trọng gần đây, Trọng tạt về thăm bà già một lát, rồi chúng mình sẽ gặp nhau ở trường Gia Hội nhé! Anh em đã chọn nơi đó làm nơi giao dịch của chính quyền mới rồi.
Trọng đáp “dạ” xong lập tức kéo Phố cùng anh về nhà trên đường Tô Hiến Thành để thăm mẹ anh. Cha Trọng bị Pháp giết thời 9 năm, mẹ anh không tục truyền, ở lại, hai mẹ con nuôi nhau.
Cổng mở, Trọng kéo Phố vào nhà. Phía giữa nhà vẫn là bàn thờ Phật, với một bức ảnh Thích Ca, hai cây nến cháy leo lét. Bình mai vàng trên bàn thờ đang tươi rói, rực vàng. Nhìn quanh không thấy ai, Trọng không nén nổi, gọi to:
- Mạ! Mạ!
Nhà vẫn vắng. Trọng chạy thẳng xuống bếp. Mẹ kia rồi. Mẹ đang đun bếp nấu gì đó. Trọng chạy tới bên:
- Mạ! Mạ! Con đây! Thằng Trọng của mẹ đây.
Bà mẹ vội đứng dậy, sững sờ. Trọng ôm chặt lấy mẹ. Bà mẹ không hết bàng hoàng cũng ôm chặt lấy anh, không nói lời nào, hai hàng nước mắt của mẹ thi nhau tuôn chảy. Hai tay mẹ rờ rờ mái tóc Trọng. Mẹ nắm hai vai, hai tay anh, ngó xuống đôi dép lốp dưới bàn chân Trọng, mãi mới thốt lên được:
- Trời Phật, Trọng. Có thiệt con đó không? Có thiệt con không? Nghe nói chúng đã giết con rồi.
- Con đây. Mạ. Con đây. Không, chúng không giết nổi con đâu. Con về với mạ đây nè.
Mẹ vẫn giàn dụa nước mắt.
Nguyễn Tá Phố rưng rưng đứng ngắm cảnh Trọng gặp mẹ, lòng anh xốn xang nhớ tới người mẹ của mình trên đất Hà Trung, đã hơn chục năm nay chưa được gặp. Anh nghĩ, khi gặp mẹ sẽ rất ngỡ ngàng. Mẹ cũng sẽ sờ tóc anh, nắm vai nắm tay anh, rồi dàn dụa nước mắt, cũng thốt lên: “Trời Phật. Phố! Có thiệt đó không Phố”.
Khi Trọng dắt mẹ lên nhà trên, Phố nói nhỏ với Trọng:
- Anh thật là hạnh phúc! Về đến Huế, gặp mẹ ngay, chỉ sau hai năm xa cách. Em xa mẹ em hơn chục năm rồi. Không biết liệu chuyến này, em có gặp mẹ em không?
Trọng đáp:
- Cầu mong Phố cũng sẽ gặp lại mẹ như mình. Dẫu sao mẹ Phố cũng còn chị Hoài, vợ chồng anh Thành và cháu Tâm. Chứ mình đi xa, mẹ heo hút cô đơn, một mình một nhà, một mình một bếp! Chắc mẹ khóc nhiều nên trông mẹ mau già quá!
Lê Trí Dũng từ ngoài chạy vào:
- Chào mạ. Mạ gặp anh Trọng, vui không?
- Thằng Dũng đấy à? Về thăm ông bà chưa?
- Con đang mắc việc à. Cho chúng con mượn tạm anh Trọng đã mạ nghe - Dũng quay sang Trọng- Anh Trung Chính nói anh Trọng và anh Phố phải tới ngay. Rải rải sẽ về thăm mạ lại.
Nghe chuyện các con, mẹ hỏi Trọng:
- Con về với mạ được bao lâu Trọng?
Trọng đáp:
- Lần này bộ đội mình về giải phóng Huế rồi. Con sẽ ở lại luôn với mạ.
- Ừ, nếu vậy các con đi mô thì đi. À, này Trọng, mạ hỏi con việc này.
- Dạ, mạ cứ hỏi.
- Mạ thấy bọn bộ đội giải phóng về đông quá, nên từ sáng mẹ đã mở toang cổng. Đứa mô vô thì vô. Chúng về đông vậy, chắc ăn uống thất thường, mẹ định nấu cơm cho chúng ăn được không con?
Trọng ôm vai mẹ:
- Lúc này ai làm được gì cho cách mạng thì cứ làm. Mạ nấu cơm cho các anh bộ đội là tốt lắm rồi, nhà ta sẽ đông khách đó mạ.
- Vậy là mạ thỏa lòng rồi. Các con đi mô thì cứ đi. Mà này, khi mô rảnh rảnh, các con về thăm mạ với nghe. Mạ nhớ lắm đó.
Ba anh em chạy vụt ra ngoài đường.
...
 N.Q.H

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Các bài đã đăng
Mùa Chạp (27/11/2008)