Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Đỗ Lai Thuý - phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy...! (2)
09:54 | 01/12/2008
PHI HÙNG(tiếp theo)

* Xin anh hãy cho biết phong cách riêng của thơ Hồ Xuân Hương là như thế nào?
- Mọi người đều nói, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ có phong cách độc đáo, nhưng phong cách của thơ bà độc đáo ra sao thì chưa ai trả lời được. Bị ám bởi định nghĩa "phong cách chính là con người" của Buffon, người ta lẫn lộn giữa phong cách tác phẩm và phong cách tác giả, nên khi nhận định về phong cách thơ Hồ Xuân Hương, họ chỉ đưa ra được những nhận xét chung chung như táo bạo, trần tục, vui mà không buông tuồng... Tôi cho rằng để nhận chân được một phong cách thơ, trước hết phải xuất phát từ phong cách ngôn ngữ tác phẩm. Và phong cách, với tôi, đó là sự lệch chuẩn, chuẩn ngôn ngữ chung của đương đại.
Nghiên cứu phong cách thơ Hồ Xuân Hương, tôi coi thơ Bà Huyện Thanh Quan, một phụ nữ sống cùng thời và cùng ở Thăng Long với Bà Chúa thơ Nôm, làm chuẩn. Thống kê ngôn ngữ thơ Bà Huyện cho biết nhà thơ thích dùng danh từ, mà là danh từ Hán - Việt, trong khi đó Hồ Xuân Hương dùng nhiều động từ, tính từ chỉ phẩm chất, trạng từ chỉ mức độ, từ lấp láy, từ vận...

Sự khác nhau trong việc lựa chọn cách sử dụng ngôn ngữ này không thể là ngẫu nhiên, mà thể hiện một cái nhìn thế giới, một quan niệm sống ở cả hai bà. Bà Huyện Thanh Quan chán ghét hiện tại, luôn nhìn hiện tại với một khoảng cách, trong ánh sáng chiều tà (mỗi bài thơ của bà đều có một từ chỉ chiều tà, như ác tà, xế tà, hoàng hôn...) nên bà thích dùng danh từ (chỉ sự vật ở bản chất trừu tượng của nó) Hán Việt (xa xôi, âm vang, không cụ thể). Hồ Xuân Hương, ngược lại, yêu cuộc đời, yêu hiện tại, thích nắm bắt sự sống ở sự vận động, ở kích thước, màu sắc, dáng vẻ của nó. Thơ bà nhiều động từ, tính từ, trạng từ... là vì thế.
Như vậy, phong cách thơ Hồ Xuân Hương, xét cho cùng, có gốc rễ sâu xa ở tín ngưỡng phồn thực, tĩn ngưỡng tôn thờ sự sống sinh sôi nảy nở. Và, không chỉ phong cách, trong thơ Hồ Xuân Hương, nguyên lý phồn thực còn quy định cả tiếng cười, cả thể thơ Đường Luật... Có như vậy, tôn giáo (tín ngưỡng phồn thực) mới trở thành triết học (triết lí tự nhiên), thành mĩ học (nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương).
Con đường đi của Hồ Xuân Hương là trở về với văn hoá dân gian, với văn hoá Đông Nam Á, đến tận cội nguồn nguyên thuỷ và cổ đại để bắt gặp con người tự nhiên, con người vũ trụ, tưởng như ngược hướng Đông Á với Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du... hoá ra rồi cũng gặp lại họ ở sự kiếm tìm tự do trong tình yêu, kiếm tìm sự giải phóng khỏi con người chức năng của xã hội quân chủ, nông nghiệp Nho giáo. Đó là tinh thần thời đại.

* Như vậy, Hồ Xuân Hương của anh được nhìn
Từ cái nhìn văn hoá? Vì sao anh chuyển sang nghiên cứu văn hoá, phải chăng vì ở Bộ Văn hoá nên ăn cây nào rào cây ấy.
- Cũng không hẳn như vậy. Nếu nghiên cứu văn học mà chỉ đóng kín trong bản thân văn học thì sẽ dễ gặp những mâu thuẫn khó giải quyết. Ví như, văn học Việt có những hằng số bất biến trong không gian và trong thời gian, không phụ thuộc vào quy chiếu chính trị. Điều này chỉ có thể giải thích được bằng văn hoá, bằng lối sống, kiểu tư duy và những quy ước ngôn ngữ...

* Đọc anh, người ta thấy có một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn học và văn hoá. Đâu là bí quyết?
- Kết hợp giữa văn học và văn hoá trong một bài viết thì không chỉ có ở tôi mà còn ở rất nhiều người. Bởi vậy, điều tôi muốn nói ở đây là cách kết hợp. Là một nhà phê bình văn học, tôi bao giờ cũng lấy văn bản làm trọng tâm nghiên cứu. Bởi vậy, tôi thích dùng các phương pháp nghiên cứu nội quan như thi pháp học, phong cách học, cấu trúc luận... Nhưng sau khi xác định được đặc tính nghệ thuật của văn bản, tôi không dừng lại mà tiến lên lí giải chúng bằng những tri thức văn hoá - lịch sử, đặc biệt văn hoá Việt Nam, tức phương pháp ngoại quan như xã hội học, phân tâm học....
Như vậy là tôi đã đi từ văn bản đến văn cảnh, từ văn cảnh đến bối cảnh văn hoá. Từ bối cảnh văn hoá đến thời đại lớn, tức đi từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ cụ thể đến khái quát, từ hiện đại đến truyền thống. Mặt khác, mọi chi tiết trong văn bản cũng đều được nhìn Từ cái nhìn văn hoá, tức một hành trình ngược lại, từ lớn đến nhỏ, từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể, từ truyền thống đến hiện đại. Có thể nói, những cuốn sách của tôi, thế giới chữ nghĩa của tôi, chính là sự gặp gỡ, sự hoà sắc giữa hai luồng sáng ngược chiều giao nhau ấy.

* Phải chăng anh nhìn mọi sự từ văn hoá truyền thống?
- Từ cái nhìn văn hoá không chỉ là từ truyền thống, từ những tri thức văn hoá cổ truyền, mà còn là từ tầm cao của hiện đại, của những tri thức hiện đại. Văn hoá học, tuy mới ra đời cách đây mấy chục năm, nhưng đã trở thành đỉnh cao của tri thức nhân loại, có thể thay đổi hệ chuẩn nghiên cứu, gợi ý rất nhiều cho nghiên cứu văn học. Bởi vậy, tôi có tổ chức giới thiệu, biên dịch một số công trình văn hoá học như Văn hoá nguyên thuỷ (2000) của Taylore, Luận về xã hội học nguyên thuỷ (2001) của Lowie, Văn hoá học, những xu hướng nhân học văn hoá (2001) của Belik...

* Như vậy, có thể nói, các nhà nghiên cứu có thêm một chân trời để bay. Nhân đây, xin hỏi anh, sao anh lại đổi "sân chơi", viết Chân trời có người bay, tập chân dung các nhà nghiên cứu?
- Tôi viết chân dung các nhà nghiên cứu là vì nhiều lí do. Trước hết, như anh biết đấy, tôi đến với Mắt thơ từ hai hướng tiếp cận, nội thông (công) ngoại thích (kích); một từ trong chính bản thơ và hai từ văn hoá, tức tất cả những gì ngoài thơ, phi thơ. Bởi vậy, tôi phải đọc Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo... Đời họ nhiều khuất lấp âu cũng đã đành, nhưng tác phẩm của họ nay đã trở thành công hữu thì không nên để bị khuất lấp. Viết chân dung họ cũng là một cách lập cân bằng, chí ít cho chính tôi.

*Có liên quan nào giữa những gì anh làm trước đây - phê bình văn học - với viết chân dung hiện nay?
- Phê bình văn học với tôi là khám phá những giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bằng những phương pháp hiện đại, dĩ nhiên. Chỉ khi nào cần lí giải các sự kiện thẩm mĩ ấy tôi mới cầu viện đến sự chiếu rọi của các sự kiện tiểu sử, mà không chỉ tiểu sử xã hội. Nhưng khi trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, như đã nói, tôi làm một thao tác ngược lại. Tôi muốn nắm tay bạn đọc cùng du hành vào thế giới bí ẩn của cái đẹp. Hành trình ngòi bút tôi, vì thế, đi từ con người đến tác phẩm, từ văn cảnh đến văn bản, tức từ ngoài vào trong,từ xác định đến bất định, từ hữu hình đến vô hình... Trong Mắt thơ, nhờ thế, không chỉ xuất hiện chân dung thi phẩm, mà còn hiển lộ cả chân dung thi sĩ. Có anh bạn nhầm phê bình tôi theo phương pháp tiểu sử học là vì thế. Anh ấy chưa phân biệt được phương pháp nghiên cứu và sự trình bày kết quả nghiên cứu là hai việc khác nhau, nhất là trong phê bình nghệ thuật. Viết chân dung các nhà nghiên cứu, tôi nghĩ, tôi chỉ đổi "sân chơi" chứ không đổi "cách chơi".

* Bày tỏ thái độ là một trong những khía cạnh sắc nhọn của Chân trời có người bay, quan niệm của anh về thể loại chân dung?
- Viết chân dung, theo tôi, cũng xưa như trái đất. Chúng ta đã từng có Truyện danh nhân của Plutarque, Sử ký của Tư Mã Thiên, Truyện đời của các vị thánh, các loại sách "con người và tác phẩm", "văn và đời"... Con người, tôi nghĩ, từ cổ đến nay không mới, chỉ có cái nhìn con người là mới mà thôi.
Tôi rất phục sự giải thiêng của Chân dung và đối thoại và sự tinh tế của Chân dung và phong cách. Các ông, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa và nhà phê bình khả kính Nguyễn Đăng Mạnh, đều có vị thế của mình. Để làm được điều đó. Các chân dung văn học của hai ông đều hết sức sắc sảo, với nhiều “bật mí” làm người đọc đông đảo giật nảy cả cái mình.
Từ một cái nhìn hẹp, tôi chỉ cố gắng viết một thứ gọi là “chân dung học thuật” nhằm “trực vớt” cho những “viên đá lấp biển” của mỗi nhà nghiên cứu: những phương pháp, cách đặt và giải quyết các vấn đề chủ chốt của khoa học, những ứng xử học thuật, những thái độ trí thức... Chân dung của tôi có phân tích khoa học, có ấn tượng, cảm nghĩ, ký ức, có thóc mách, tán thưởng tranh luận, nên tôi gọi đó là “tuỳ bút”. Tôi thích cái định danh ấy. Nó làm tôi nghĩ đến Nguyễn Tuân, nhà văn mà tôi yêu thích, nghĩ đến cái tiêu đều Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ mà tôi cứ thích dịch là “phóng bút theo mưa”. Tuỳ bút, cái thể loại phi thể loại ấy, có thể dung chứa được chân dung học thuật, cái đã định hướng nhưng chưa định hình.

* Những người được chọn vào “gallery” của anh, họ nói gì?
- Tôi không biết các vị “khổ chủ” của tôi nghĩ gì, bởi tôi viết về họ mà không phải để cho họ. Tôi viết cho độc giả. Tuy nhiên, trong số những độc giả to hơn độc giả ấy cũng có người phiền trách tôi là đã dám có thái độ “bằng vai phải lứa” với ông, hoặc có vẻ không trọng thị ông bằng người khác. Có thể, nếu có, đấy cũng là một cách “lập cân bằng” một cách vô thức của tôi chăng? Bởi, trong cuộc sống tục trần của 17 vị, không phải ai cũng ngang bằng sổ thẳng như nhau, mà có người ăn được cả, có người ngã về không. Nhưng dù thành đạt, hay thành mà không đạt, hoặc đạt mà không thành, thì với tư cách là đối tượng của ngòi bút tôi, các vị ấy đều bình đẳng cả. Và tôi, với tư cách là chủ thể cái viết (écriture) của mình cũng xin được bình đẳng với tư liệu viết. Cũng có người như anh Thái Bá Vân, sau một thời gian bỏ viết, Tết năm ấy lại hăng hái viết trở lại. Trả lời câu hỏi vì sao, anh Vân đáp: Thuý nó viết về mình như thế thì phải làm việc chứ! Có thể, đấy chỉ là lời “động viên” khéo của anh, nhưng với tôi đó là món nhuận bút vô giá.

* 17 chân dung liệu đã đủ cho một tiền trình học thuật dài một thế kỉ?
- 17 chân dung chứ 170 chân dung, tôi nghĩ, cũng không đủ cho một diễn trình học thuật thế kỉ. Nhưng, như tôi đã nói, tôi không có tham vọng làm chân dung thế kỉ. Đó chỉ là 17 người mà số phận đã cho tôi hạnh ngộ nên tôi viết về họ để tri ngộ. Tôi biết ở ta còn rất nhiều các đại gia. Họ mới là những nhân vật chính của thời đại chúng ta. Nhưng đường đời tiểu ngạch của tôi không bắt gặp đường đời đại lộ của họ. Vì thế, trong Chân trời của tôi không có sự bình giá về những người có mặt và những người vắng mặt, hoặc giữa những người có mặt với nhau. Có chăng chỉ là mỗi người tự so với mình mà đánh giá về chính mình. Và họ tự đánh giá như thế nào thì cấm có nói cho tôi biết.

* Anh muốn nói gì về chân dung thứ 18 trong cuốn sách: chân dung Đỗ Lai Thuý.
- Chân dung thứ 18, nếu có, thì ngoài ý muốn của tôi. Tôi đưa tôi vào chỉ để làm kẻ dẫn chuyện hoặc chứng nhân, tức một thứ bột ngọt làm cho câu chuyện dễ nuốt. Tuy thế, nếu qua cái nhìn của tôi về người khác mà bạn đọc tinh ý “chộp” được cái nhìn của tôi về chính mình thì đó là điều “khám phá” riêng của bạn. Bạn nên giữ lấy bản quyền. Miễn cho tôi sự bình luận.

* Tôi thấy những người được ông “để bút” tới đều có hai đặc điểm: một là, những ông lớn, uy tín đã được khẳng định và hai là, những người đã chết. Bởi thế, có người coi phê bình của ông là ăn theo và không có tính thời sự, tức không phải phê bình?
- Tôi nghĩ, phê bình là phải có tính thời sự, đúng hơn tính thời đại. Tính thời sự của phê bình, theo tôi, không phải chỉ ở việc phê bình những tác phẩm đương đại, “ứng chiến kịp thời”, mà ở chỗ phải lấy cái nhìn đương đại, cái nhìn của ngày hôm nay, cái nhìn từ đỉnh cao thời đại để phân tích và cảm thụ tác phẩm, dù tác phẩm ấy là đương thời hay quá khứ.
Bởi thế, tính thời sự trong phê bình văn học của tôi chính là ở sự mới mẻ, hiện đại của phương pháp tiếp cận: phong cách học, thi pháp học, phân tâm học... Tính thời sự cũng còn ở chỗ nhờ có phương pháp mới nên tôi phát hiện ra những cạnh khía mới của những tác phẩm cũ, những tác phẩm, nói theo Êxênhin, đã được yêu đến sờn mòn. Thậm chí, còn có thể tạo ra một tác phẩm mới, bởi, theo F.de.Saussure, phương pháp còn đẻ ra đối tượng. Vì thế, tuy viết về những ông lớn mà tôi không theo đóm ăn tàn, lọng xanh che dái ngựa, ngược lại tôi còn làm sang cho họ, làm họ trở nên phong phú và mới mẻ hơn.
Như vậy, phê bình của tôi, một mặt cho bạn đọc thấy được phía bên kia của mặt trăng, làm thay đổi hình ảnh ngàn năm của chị Hằng và mặt khác tuyên dương cái phương pháp đã vượt thắng được một sức hút – thói quen của trái đất – trái tim bạn. Và, bạn đọc, nếu muốn, có thể dùng lại phương pháp này để đi gặp những vệ tinh – vệ nữ khác của thi ca.

* Trong Mắt thơ và Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, anh sử dụng những phương pháp khác nhau như thi pháp học, phong cách học, kí hiệu học, phân tâm học... Sao anh không chuyên trị một phương pháp như Phan Ngọc và Trần Đình Sử?
- Tôi nghĩ, Phan Ngọc, Trần Đình Sử chưa hẳn đã chỉ dùng một phương pháp, nhưng thành công của Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Thi pháp thơ Tố Hữu làm cho ta có cảm tưởng vậy chăng? Riêng tôi, tôi chủ trương sử dụng những phương pháp khác nhau vào những đối tượng khác nhau. Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm với phân tâm học, Lê Đạt với kí hiệu học, Bích Khê với ngôn ngữ học, Chế Lan Viên với xã hội học (của hậu Phê bình Mới)... Mắt thơ của mỗi người cất giấu (tức được mã hoá) theo những cách khác nhau ở những địa tầng tâm thức khác nhau, nên để khai thác (thám mã, giải mã) hiệu quả nhất cần những bộ công cụ khác nhau. Có điều trong một trận đánh, tôi không bao giờ chỉ sử dụng có một thứ vũ khí, mà “tổng lực” nhiều vũ khí. Nhưng bao giờ cũng có một thứ vũ khí làm chủ đạo, làm vua chiến trường, còn những thứ khác là bổ trợ. Vì thế, tôi không đi chuyên khoa mà đa khoa. Tuy hình ảnh ông thầy thuốc có kém đậm hơn, nhưng chạy chữa được nhiều “ca” hơn. Mà, lúc này hình như đang cần như vậy.

* Trong thực tiễn phê bình của mình anh vận dụng các phương pháp đó như thế nào?
- Do không có truyền thống tôn giáo và triết học nên chúng ta khó mà có những sáng tạo lí thuyết và từ đó, phương pháp. Bởi thế, việc lấy ngoài phục vụ trong, Đông học vi thể, Tây học vi dụng lúc này là cần thiết. Vả lại, những thành quả của khoa học văn học thế giới là thuộc về trí tuệ nhân loại, chứ không của riêng ai. Kho trời chung mà vô tận của mình riêng là vậy. Vấn đề là ở chỗ vận dụng như thế nào cho có hiệu quả?
Ta thường hay nói vận dụng sáng tạo, tức không sao chép, bê nguyên, mà có thay đổi cho phù hợp với thực tiễn Việt , tức khác với nguyên bản. Tôi nghĩ, cần phải làm rõ chữ khác này. Có cái khác một cách tự nhiên vô ý thức do cơ chế tiếp thu, do tâm thức dân tộc làm khúc xạ. Có cái khác do sự chủ động của cá nhân con người. Cái khác sau mới là vận dụng sáng tạo.
Tôi cho rằng, chúng ta tiếp thu các phương pháp, thủ pháp hiện đại của phê bình văn học thế giới là “gặt hái” thành quả của cả một hành trình đổi mới đầy gian khổ và đau khổ của nó: cái nhìn thế giới > cái nhìn nghệ thuật > phương pháp, thủ pháp. Bởi vậy, để cho các phương pháp, thủ pháp ấy không chỉ là “kĩ thuật”, là “thao tác” lạnh lùng và khô cứng, biến thành của mình, chúng ta phải làm một hành trình ngược lại: phương pháp, thủ pháp > cái nhìn nghệ thuật > cái nhìn thế giới. Mức độ thành công, mức độ sáng tạo của sự vận dụng, theo tôi, tuỳ thuộc vào việc nhà phê bình ấy lặn lội đến đâu trong cuộc hành hương về nguồn này.
 
* Chẳng lẽ phê bình văn học Việt sau Đổi mới chỉ có vậy thôi ư?
- Không, tôi nghĩ là không. Hay chí ít cũng là bước đầu như vậy. Trong ngôn ngữ học, có một trường hợp rất đáng để ta quan tâm: Cao Xuân Hạo. Anh Hạo là nhà ngữ học nắm rất vững các lí thuyết ngôn ngữ hiện đại của thế giới, đặc biệt là âm vị học. Khi nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt, anh thấy có một “độ chênh” giữa lý thuyết và thực tiễn tiếng Việt. Không “chặt chân cho vừa giày”, anh tiếp tục khảo sát đến cùng các đặc điểm của ngữ âm tiếng Việt. Và phát hiện của anh (mà báo chí chuyên ngành nước ngoài gọi là “tầm cỡ Cô-péc-ních” không chỉ để nối dài thêm một ví dụ cho cái lí thuyết phổ quát, mà đã “hạ” cái lí thuyết tưởng như đúng cho ngôn ngữ toàn thế giới ấy xuống hàng chỉ đúng cho trường hợp các ngôn ngữ Âën Âu.
Phê bình văn học, tôi nghĩ, cũng đã có những trường hợp vượt thoát trình độ vận dụng (tuy không hạ bệ nguyên lí, nhưng cũng đã bắt nguyên lí phải tự điều chỉnh) để trở thành những sáng tạo độc lập. Vả chăng, khác với ngữ học, phê bình văn học đâu chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật; nên đất cho những sáng tạo tự do của chủ thể rộng rãi hơn.

* Có lẽ, phê bình thì vô hạn mà thời gian để trò chuyện về nó thì có hạn, nên xin hỏi anh một câu hỏi “áp chót”: anh thuộc loại nào trong cái “loại hình học tác giả” phê bình?
- Tôi chưa thấy ai phân loại nhà phê bình, bởi vậy tôi xin phân loại phê bình. Phê bình, theo tôi, có hai loại: phê bình báo chí và phê bình chuyên môn. Phê bình báo chí tạo nên đời sống văn học. Bằng việc phát hiện cái đẹp, phê bình báo chí khen những tác phẩm hay, chê những tác phẩm dở, chọn sách hoặc “đọc dùm” cho người đọc, tạo ra dư luận đôi khi định hướng hoặc lạc hướng thẩm mĩ. Phê bình chuyên môn (tôi chưa tìm được thuật ngữ thích hợp, rất mong được bạn đọc mách) là phần chìm của tảng băng trôi. Tuy khuất lấp, nhưng nó định hướng đi cho cả tảng băng phê bình. Bởi lẽ, phê bình chuyên môn ngoài việc phát hiện cái đẹp còn lí giải tại sao và do đâu mà đẹp. Từ đó, nó xây dựng nên những hệ thống giá trị không chỉ cho phê bình văn học (để làm khuôn thước đánh giá), mà cho cả sáng tác văn học. Phê bình chuyên môn, vì thế, luôn luôn có khuynh hướng lí thuyết. Nó trở thành một hoạt động độc lập và có khả năng hướng dẫn cả sáng tác.
Nhưng cùng với thời gian, hệ thống giá trị thẩm mĩ mà phê bình chuyên môn xây dựng cũng dễ trở thành giáo điều, thành khuôn vàng thước ngọc, kìm hãm những sáng tác mới mẻ. Bởi vậy, (ở chỗ này phê bình văn học lại bộc lộ tính lưỡng thê của nó) phê bình phải vừa xây dựng quy phạm và phủ nhận quy phạm. Dĩ nhiên, chữ phủ nhận không nên hiểu là bảo nó sai, cần phải loại trừ nó, mà là xác định nó không còn giữ vai trò chủ đạo nữa.

*Cảm ơn anh, xin câu hỏi “chót”: Hiện nay anh đang viết gì?
- Tôi xin phép được không nói. Bởi, tăm tiếng cũng như tiền bạc, ăn trước trả sau đau hơn hoạn. Hơn nữa, tôi e rằng, đã hoạn rồi liệu có còn đẻ được nữa chăng?
31.12.2002
PHI HÙNG thực hiện

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)
Các bài đã đăng