Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
“Văn học trẻ - nhìn lại và phát triển”
16:38 | 02/12/2008
NGỰ VIÊNLTS: Văn học trẻ Huế hiện nay như thế nào? Các tác giả trẻ đang ở đâu? Tại sao đã nhiều năm nay, không có một hội viên mới nào của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế ở độ tuổi thậm chí U40? Đâu rồi, một sân chơi văn học vốn là niềm tự hào một thời của những cây bút trẻ Huế?... Một thực tế đầy bức xúc đã khiến những người có trách nhiệm không thể tiếp tục ngồi yên. Cuộc tọa đàm “Văn học trẻ Huế- nhìn lại và phát triển” do Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào sáng chủ nhật 12/10 vừa qua, nói như nhà văn Tô Nhuận Vỹ, “lẽ ra phải được tổ chức từ lâu”…


Cuộc tọa đàm diễn ra sôi nổi kéo dài trọn buổi sáng, với sự tham dự của hơn năm mươi thính giả bao gồm các nhà văn, tác giả trẻ, giảng viên và sinh viên khoa Ngữ văn các trường Đại học ở Huế, khiến cho hội trường Tạp chí Sông Hương gần như chật kín. Tham luận của các tác giả tập trung vào những vấn đề có thể nói là rất cấp thiết, rất thực tế của hoạt động văn học trẻ hiện nay ở Huế. Nhà thơ Đặng Như Phồn đề cập tiến trình văn học Huế qua tham chiếu từ các CLB văn học trẻ qua các thời kỳ, sự trưởng thành của các tác giả, thậm chí trở thành những tên tuổi lớn… phần lớn khởi hành từ một môi trường văn học được nuôi dưỡng, vun đắp tiếp nối qua nhiều thế hệ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các CLB Sáng tác văn học trẻ. Anh cho rằng “việc phát hiện và bồi dưỡng những người viết trẻ là trách nhiệm trước mắt và lâu dài của những người làm công tác văn học Huế. Để khơi thông những mạch nguồn tươi trẻ cho văn học Huế rất cần sự đồng lòng, đồng sức của toàn xã hội. Trong đó vai trò chủ đạo là Hội Nhà văn và Tạp chí Sông Hương cũng như sự quan tâm hơn nữa của các nhà văn đi trước. Do đó cần có một chương trình hành động cụ thể cho việc phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ viết văn kế cận trước mắt và lâu dài”.

Tham luận của nhà văn Nhụy Nguyên bàn về khoảng trống thế hệ văn xuôi của Huế mà như anh nói “19 năm văn xuôi không-một-bóng-người, là lỗ hổng quá lớn đối với tiến trình phát triển nền văn học của một vùng đất thiêng”. Cùng một trăn trở như thế, tham luận của nhà thơ Lê Vĩnh Thái đề cập đến một khoảng trống quá lớn về đội ngũ sáng tác trẻ ở Huế”. Anh cho rằng, “khoảng trống này cũng có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng xét cho cùng thì khi nói về sự phát triển hay chững lại, thiếu hụt đội ngũ sáng tác trẻ của Huế ít nhiều phải nói đến trách nhiệm của Hội Nhà văn, Ban phụ trách sáng tác trẻ của Hội”. Anh cũng đề xuất 7 “đầu việc” rất quan trọng mà chắc chắn trong thời gian sắp tới lãnh đạo Hội Nhà văn và Tạp chí Sông Hương sẽ nỗ lực xem xét và thực hiện.

Tham luận của tác giả Ngô Công Tấn nói về nhu cầu có thực của hầu hết các cây bút trẻ mong muốn có được một môi trường lý tưởng để tập hợp đội ngũ, một nơi chốn để cùng chia sẻ những tâm tư tình cảm, học hỏi kinh nghiệm sáng tác lẫn nhau và học hỏi từ các bậc đàn anh…, đó chính là các câu lạc bộ sáng tác trẻ. Câu hỏi “Tại sao không?” đồng thời cũng là một câu trả lời rất rõ ràng: “Việc thành lập câu lạc bộ sáng tác trẻ của Hội nhà văn Thừa Thiên Huế là dịp Hội có thêm một khu vườn văn học tươi trẻ và đầy triển vọng, góp phần tạo nguồn hội viên cho Hội trong tương lai”. Tham luận của nhà thơ nữ Đông Hà bàn về chỗ đứng và giá trị của thơ trẻ Huế trong tiến trình văn học hiện nay. “Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra một cách sôi nổi và khá gay gắt về văn học trẻ. Cái nhìn mới, cảm quan mới, quan niệm thẩm mỹ mới… tất cả ào ạt xuất hiện trong tác phẩm văn học trẻ một phong cách khác lạ, một sự thể hiện không còn tuân theo những đặc tính truyền thống khiến những người vốn quen với những giá trị đã được định hình “dị ứng” khó chịu. Vậy giá trị riêng văn học trẻ nói chung và thơ trẻ Huế hôm nay nói riêng là ở đâu?”


Các nhà văn, các tác giả trẻ cũng được nghe những câu chuyện, những kinh nghiệm quý báu của các nhà văn nhà thơ đàn anh trong việc xây dựng và phát triển một câu lạc bộ sáng tác trẻ. Nhà thơ Đông Hà lưu ý tác dụng rất to lớn của Internet trong việc công bố các tác phẩm. Đây cũng là một trong “bảy đề xuất” của nhà thơ Lê Vĩnh Thái, đó là “thêm đất cho các cây viết trẻ như mở một phụ trương, một đặc san hay một website văn học trẻ”. Hội Nhà văn, Tạp chí Sông Hương nên có một ban đặc trách về văn học trẻ. Tiến sĩ ngữ văn Trần Huyền Sâm (giảng viên ĐH Sư phạm Huế) đề xuất hình thành và duy trì một diễn đàn văn học trẻ để trả lời những câu hỏi đặt ra từ thực tế sáng tác văn học, đặc biệt là sáng tác trẻ. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nói đến trách nhiệm và tài năng của nhà văn trong việc phát hiện những vấn đề bức thiết mà cuộc sống đặt ra, về số phận của con người, của dân tộc, của đất nước, trong quá khứ cũng như hiện tại.

Tác giả Phan Tuấn Anh (giảng viên ĐH Khoa học Huế) nhìn nhận sự hụt hẫng của thế hệ trẻ Huế trong nền văn học Việt Nam hiện nay, và cho rằng trong rất nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân quan trọng là thiếu sự quan tâm của những nhà tổ chức, nhà quản lý. Nhưng “nói đi thì cũng phải nói lại”, bản thân các tác giả trẻ cũng cần cố gắng nhiều hơn trong việc khẳng định chính bản thân mình. Nhà văn Nguyễn Quang Hà đồng ý việc cấp thiết phải hình thành CLB Sáng tác trẻ và thậm chí phải có sự đỡ đầu đích đáng từ nhiều phía. PGS-TS Hồ Thế Hà (giảng viên ĐH Khoa học Huế) lưu ý rằng các phong trào, trào lưu văn học được dư luận chú ý phải xuất phát từ môi trường sinh hoạt lý tưởng chung như mô hình của một bút nhóm, một CLB.

Nhà thơ Phạm Tấn Hầu (nguyên Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Thành Đoàn Huế thời kỳ 1984-1994) nói về kinh nghiệm tổ chức và phát triển một CLB Văn học trẻ. Điều quan trọng cần lưu ý để duy trì một CLB chính là tính khuynh hướng của CLB cần được cổ xúy và giữ kiên định. Ban tổ chức cuộc tọa đàm cũng nhận được rất nhiều đề xuất, nhiều băn khoăn như làm thế nào để tạo mối dây liên hệ giữa các bút nhóm, kết nối các khuynh hướng sáng tạo riêng biệt, cần có kế hoạch PR (quan hệ công chúng) hiệu quả cho CLB, cho các tác giả trẻ, v.v… Ban tổ chức cũng thật sự giật mình trước những “hờn tủi” của các tác giả trẻ vì tình trạng thiếu vắng “sân chơi văn học” trong suốt một thời gian dài. Một tác giả sinh viên nữ mượn hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô” của Lưu Trọng Lư để “trút cả nỗi lòng”: “con nai ấy còn có lá vàng khô để đạp trong tiếng thu, riêng chúng em không có một chiếc lá nào…”.    

Một điều đáng mừng là ngay tại buổi tọa đàm, như không thể muộn hơn, Câu lạc bộ Văn Học Trẻ cũng được xúc tiến thành lập, dưới sự bảo trợ của Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế mà bước khởi đầu là thành lập bộ khung ban điều hành lâm thời. Trước mắt ban điều hành sẽ làm việc cật lực, kiện toàn bộ máy, tập hợp đội ngũ, hoàn thiện các khâu chuẩn bị để có thể chính thức ra mắt CLB trong thời gian không xa. Hy vọng rằng một khi những bức xúc chân thành đã được giải tỏa, cùng với khát vọng sáng tạo, khát vọng cống hiến và khẳng định bản thân… các tác giả trẻ ở Huế từ đây sẽ có được một “nơi chốn đi về” đáng tin cậy và, kỳ vọng lâu bền…
N.V

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngọn đèn xanh (02/12/2008)