Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
Về bản thể con người và bản thể văn học
16:44 | 02/12/2008
NGUYỄN DƯƠNG CÔN   Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.

Văn học, trong tiến trình phát triển của nó, từ mối quan tâm trọng yếu là cuộc-sống-của-con-người chuyển đổi thành mối quan tâm trọng yếu là con-người-của-chính-con-người. Sự chuyển đổi như thế là chuyển đổi về chất, là bước tiến văn minh cơ bản và rực rỡ nhất của toàn bộ tiến trình đã có của văn học. Nói cuộc sống của con người nghĩa là nói hành vi của con người bao hàm toàn bộ lịch sử trong không gian ngoài con người mà đương nhiên con người là chủ thể của lịch sử đó. Mối quan tâm đến cuộc sống con người bao gồm các mối quan tâm đến con người là gì, là thế nào trong cuộc sống đó. Trong mối quan tâm cuộc sống là gì, là thế nào, tất yếu thiết lập định hướng cơ bản nhất phải tập trung vào mục đích tối thượng là khám phá qui luật và qui trình của cuộc sống chứ không phải là khám phá chân lí của bản thân con người.

Ở đó, con người được quan tâm cao nhất với tính cách cũng như thân phận của nó trong cuộc sống chứ không phải trong bản thân nó tách khỏi cuộc sống của nó. Trong mối quan tâm tới cuộc sống như vậy, tất yếu văn học nhằm trọng yếu vào khám phá đạo lí của cuộc sống dành cho con người cũng như dành cho văn học. “Văn dĩ tải đạo” có lẽ là một trong những phát minh vĩ đại nhất của toàn bộ mối quan tâm cuộc sống là gì, là thế nào của văn học. Và đương nhiên, trong mối quan tâm đó, niềm ham mê hiểu biết cùng những khát vọng ích kỷ của con người xâm chiếm lấy văn học dành chăm chú tìm kiếm đến cấu trúc và phẩm chất ưu nhân của cuộc sống dành cho con người cũng như dành cho văn học. Thành ra “Văn dĩ tải đạo” chính là qui luật và qui trình thao túng trọn vẹn và sâu sắc nhất, chi phối các trạng thái cấu trúc và vận động của con người và của văn học mà người ta gọi tên là Chân, Thiện, Mĩ.

Trong mối quan tâm con người của con người - nghĩa là con người là gì, là thế nào trong chính nó - tất yếu thiết lập một qui luật định hướng cơ bản nhất là khám phá qui luật và qui trình của sự-sống-con-người trong không gian nội tại của cá thể con người, nghĩa là khám phá chân lí nội tại của bản thân cá thể con người
. Ở đó, tất yếu con người cũng như văn học được nhằm trọng yếu vào khám phá ra đạo lí ham muốn của sự sống con người dành cho cá thể con người cũng như dành cho văn học. “Hiện sinh”, có lẽ bởi thế, là phát minh vĩ đại nhất của toàn bộ mối quan tâm con người là gì, là thế nào của văn học. Và đương nhiên, ở đó, niềm ham mê hiểu biết cùng khát vọng ích kỷ của con người tất yếu dành chăm chú tìm kiếm đến cấu trúc và phẩm chất phi-vật-chất của sự sống con người dành cho con người cũng như dành cho văn học.

Sự sống con người như vậy trở nên một phạm trù được tách biệt triệt để, cặn kẽ nhất trong tương quan hữu cơ không chỉ với tư duy duy lí mà còn với phạm trù vật chất. Thành ra “Hiện sinh” chính là qui luật và qui trình thao túng trọn vẹn và sâu sắc nhất chi phối cấu trúc và vận động các trạng thái của con người và của văn học mà người ta gọi tên là Phi lí, Xa lạ, Tha hoá. Trong mối quan tâm như vậy, sự sống con người không có ở ngoài nó dù nó có thể tìm thấy nhân tính của nó ở nơi cảm nhận được ngoài nó. Con người trong không gian cá thể con người như vậy có cấu trúc và vận động độc lập tương đối đối với cấu trúc và vận động của toàn bộ không gian cá thể con người. Con người đó, đương nhiên không thoát khỏi mối quan hệ sinh tồn với không gian phi nó trong và ngoài không gian cá thể con người.

Đến mối quan tâm con người đó, cá thể con người được quan niệm bao gồm hai thực thể siêu hình: một là tự nó, mang tên là thực thể cảm tính, và hai là phi-tự-nó, mang tên là thực thể lí tính. Thực thể cảm tính đó là sự sống con người mà hạt nhân cội nguồn của sự sống đó được gọi là bản thể con người. Thực thể phi-tự-nó mang tên thực thể lí tính là thực thể phi bản thể con người trong cá thể con người. Đến hiệu quả quan tâm như vậy, con người bản thể được hiện ra là một thực thể có cuộc sống bi hài trọn kiếp: nó nhận ra nó là phi lí từ trong bản chất của nó so với, trong tương quan với vật chất sinh ra nó cũng như với tất cả thế giới vật chất. Ở đó, bản thể con người trở thành thực thể phẩm giá tối thượng của con người cũng như dành cho quan hệ của con người với người khác, với xã hội, thời gian, lịch sử và vũ trụ… Đi kèm với mối quan tâm con người như vậy là mối quan tâm đến bản thể văn học. Bản thể văn học trở thành thực thể phẩm giá tối thượng của văn học dành cho chính văn học cũng như dành cho quan hệ của văn học với hiện thực cuộc sống trong đó có chính trị và văn hoá, với lịch sử và với vĩnh hằng…

Bản thể con người cũng như bản thể nói chung là thực thể siêu hình. Với không gian xác định của nó, bản thể có cấu trúc và vận động nội bộ bằng quan hệ giữa các yếu tố vật chất siêu hình hoặc hữu hình của riêng nó. Như vậy, chỉ với các yếu tố đó và chỉ với quan hệ giữa các yếu tố đó, bản thể đảm bảo cho sự hình thành cấu trúc và vận động tương đối của riêng sự vật. Trạng thái siêu hình của bản thể bị qui định tất yếu chỉ là quan hệ giữa các yếu tố vật chất dù là vật chất siêu hình hay hữu hình. Hình dung bản thể là một không gian, người ta gọi nó là không gian chân lí hay không gian chứa đựng chân lí bởi suy cho cùng thì chân lí của cái gì đó chính là quan hệ giữa những yếu tố cấu thành nên cái đó. Trong không gian đó, có một không gian trung tâm chiếm giữ vai trò quyết định cơ bản nhất cho cấu trúc và vận động của bản thể, người ta gọi nó là hạt nhân của bản thể đồng thời nó cũng là hạt nhân của cấu trúc và vận động sự vật.

Thật ra cái gọi là “hạt nhân” là hạt hữu hình - vật thể - chẳng qua chỉ là cái được gọi theo lối biểu tượng mà thôi. Chính không gian siêu hình của quan hệ nội tại của cái hạt đó - nghĩa là nội lực hấp dẫn của nó - mới là hạt nhân của vật thể chứa đựng nó. Quan niệm thiển cận chỉ có là “cái hạt” hữu vật thể nào đó mới là hạt nhân, chính là thứ gông xiềng cấm đoán các con đường mở rộng nhận thức, đặc biệt là đối với tư duy trừu tượng. Nếu thừa nhận chỉ có hạt vật thể mới là hạt nhân, sẽ tất yếu dẫn đến tình trạng quan niệm bản thể con người phải là một thứ vật thể nào đó trong cơ thể con người! Chân lí là quan hệ mà quan hệ thì không thuộc phạm trù bất biến nên chân lí cũng không phải là cái gì đó bất biến. Như vậy, chân lí nội tại của bản thể do vận động mà vừa là khả năng đảm bảo tồn tại vừa là khả năng gây suy thoái và huỷ diệt bản thể. Qui luật vận động sinh, tử của chân lí như thế “đặt ra” giải pháp sống còn gì cho bản thể? Giải pháp đó là vận-động-tái-hồi-chân-lí (nghĩa là chân lí trải qua thời gian vận động của chính nó để trở lại là chính nó).

Thành ra thời gian là “vấn đề” thách đố nghiệt ngã nhất đối với bản thể. Để “chiến thắng” sự thách đố đó, bản thể vận động theo qui luật và qui trình luân-hồi-hoá cấu trúc nội tại của chính nó. Quan hệ các yếu tố cơ bản trong nội bộ bản thể không chỉ vận động trong “môi trường” thời gian mà còn vận động trong môi trường không gian, hiểu một cách giản dị mỗi yếu tố vật chất cấu thành đều chiếm lĩnh không gian cho nó, đến lượt mối quan hệ với yếu tố khác cũng phải chiếm lĩnh không gian cho nó - cái mà người ta gọi tượng trưng là khoảng cách của quan hệ. Vận động của quan hệ tất yếu đi kèm là vận động của không gian của nó. Thành ra, suy cho cùng, không có không gian nào là không gian phi vận động. Sự vận động của không gian nội tại và phi-nội-tại của bản thể có “hai mặt đối lập” của nó, nó vừa là khả năng đảm bảo vừa là khả năng gây suy thoái, huỷ diệt bản thể… Nếu người ta nói với bản thể rằng: “Để mất thời gian và không gian của mình là suy thoái và chết” thì không có nghĩa chỉ là lời cảnh báo mà còn là lời bày tỏ “thông cảm” với qui-luật-phương-thức-sinh-tồn của bản thể. Và đó còn là lời bày tỏ am hiểu định luật vạn vật hấp dẫn dành cho tất cả các trạng thái vật chất trong đó có cả không gian và thời gian. Thành ra, qui luật luân-hồi-hoá của bản thể không chỉ là “thói” thích ứng với thời gian mà còn là “tật” thích ứng với không gian của nó.

Trong tương quan tư duy của con người, suy cho cùng, bản thể con người cũng thuộc phạm trù phi vật chất. Nhưng chúng ta đang ở tư thế xem xét nó, nghĩa là “tôn trọng nó” như cái gì đó "tồn tại ngoài ý muốn"của mình, nghĩa là buộc phải coi nó như là một trạng thái vật chất siêu hình của thế giới bên ngoài phản ánh vào bộ não mình mà thành ra tư duy của mình về nó. Bản thể con người chắc chắn là sản phẩm của vận động vật chất mang tên là cơ thể sinh học cá thể con người. Thật ra thì con người chính xác là nó chỉ là cá thể con người đang có cảm giác mình đang sống. Người không còn cảm giác - kể cả nguồn năng cảm giác - nghĩa là người đó đã chết, đã trở thành xác chết, mà xác chết người thì không phải là con người nữa. Dẫu chúng ta có thói quen thiêng liêng nhầm tưởng xác chết người là chính người đó khi nó sống, cái xác ấy vẫn chính xác không phải là con người...

Thành ra bản chất đặc thù nhất của con người chính là cảm-giác-sống của con người. Ở đây, không nên chỉ hiểu cảm giác con người chỉ là sản phẩm hoạt động tương quan với thế giới của các giác quan da, tai, mũi, mắt, miệng của con người. Cảm giác của con người không chỉ là thế mà chính xác và bao quát thấu triệt nhất chỉ là xung động sống của thần kinh não bộ con người. Chấp nhận định đề này dành cho khái niệm cảm giác, chỉ có một định đề suy diễn trực tiếp tiếp theo tất yếu sẽ là: Cảm giác của con người bao gồm hai dạng thức cơ bản: xung động nội nguyênxung động ngoại giới. Xung động nội nguyên là xung động chỉ nảy sinh từ bản thân thần kinh não bộ không có căn nguyên và chi phối nảy sinh từ khách thể. Đương nhiên, xung động nội nguyên vẫn là xung động nội nguyên do nảy sinh bằng hấp dẫn của thần kinh não bộ với chính xung động nội nguyên khác xảy ra trước hoặc cùng thời với nó. Xung động ngoại giới là xung động nảy sinh và bị chi phối bởi tương quan hấp dẫn giữa thần kinh não bộ với thế giới khách thể. Và đương nhiên, xung động ngoại giới vẫn chỉ là xung động ngoại giới do nảy sinh bằng hấp dẫn của thần kinh não bộ - bằng xung động nội nguyên - với chính xung động ngoại giới khác nảy sinh trước hoặc cùng thời với nó. Như vậy, chắc chắn có sự giao thoa, cộng hưởng giữa các xung động thuần tuý nội nguyên với nhau, giữa các xung động ngoại giới với nhau và giữa các xung động thuần tuý nội nguyên với các xung động thuần tuý ngoại giới. Sự giao thoa, cộng hưởng nảy sinh ra cái gì? Nó chắc chắn sinh ra một loại dao động có thể gọi tên là dao động lưỡng-nguyên-nội-ngoại.

Chính ở đây chứa đựng vấn đề con người nhất của cái mà chúng ta trăn trở và chưa khi nào thoả mãn với bất cứ câu trả lời đã có nào mà chúng ta đã có được. Cái đó lại chính là vấn đề: Con người là gì vậy? Nhưng có câu trả lời chắc chăn đã trở thành định đề bất khả kháng cho mọi khám phá nhằm giải minh vấn đề đó. Câu trả lời đó là: Những dao động sinh học đặc trưng con người có khả năng vô song: Chúng có mối liên hệ cơ chế với nhau tạo nên nguồn năng hấp dẫn tác động trở lại với chính thần kinh não bộ con người đã sản sinh ra chúng, áp đặt sự nảy sinh ra nguồn năng cùng những dao động sinh học có cơ chế cấu trúc và vận động tái sinh ra chính bản thân chúng. Những nguồn năng dao động sinh học đó, dù vẫn chỉ là những khả năng - do tập nhiễm được chính những dao động sinh học của những nguồn năng đó - của bộ não con người - chúng vẫn có khả năng tồn tại độc lập tương đối với cấu trúc vận động vật chất sinh học của thần kinh não bộ con người, nghĩa là chúng tồn tại tương đối như là một thực thể siêu hình khách quan đối với chính chủ thể sản sinh ra chúng.

Nói chung, hình dung về những nguồn năng sinh học đó không mấy khó khăn bởi chỉ cần tưởng tượng ra chúng trong những trường hợp chúng là những ý tưởng nào đó mà những ý tưởng đó đã được hình thành hoàn chỉnh, đã được vật chất hoá thành những công cụ ngôn ngữ có thể “đem ra trao đổi thông tin với người khác. Những ý tưởng đó tồn tại theo phương thức nào vậy? Điều chắc chắn là chúng không thay đổi từ khi chúng chưa “trở lại là những xung động tái sinh của thần kinh não bộ đến khi chúng “trở lại tái sinh là những xung động chưa được ngôn ngữ hoá, chúng vẫn là những thực thể siêu hình trong thế giới tiềm năng của cấu trúc sinh học bộ não con người. Thế giới tiềm năng xung động sinh học đó là cái gì và trong nó có cái gì vậy? Và, những gì là lực lượng vật chất tạo nên thế giới đó? Tình thế nảy sinh nghi vấn này thật là vô cùng bí ẩn và khắc nghiệt. Nhưng có điều chắc chắn chúng ta cứ buộc phải hình dung về nó và sự thật thì chúng ta đã hình dung quá nhiều về nó và cũng có không ít cái mà chúng ta tin đoán về nó đã trở nên đúng đắn và khó mà chối cãi nổi.

Chẳng hạn như chúng ta hình dung và bị ám ảnh về cái gọi là thế giới ngoại cảm, thế giới tâm linh… chẳng hạn. Các thế giới đó tồn tại ở đâu vậy? Ở ngoài đầu óc con người chăng? Vâng, quả thật chúng ở ngoài đầu óc con người. Nhưng chúng có phải ở cả trong đầu óc con người chăng? Nhưng nếu trả lời là không phải thì chúng ta chắc chắn sẽ bị chê cười là ấu trĩ và kém cỏi rằng nếu bộ não con người không hoạt động - ngưng sống - thì những thế giới tâm linh, ngoại cảm… đó cũng chẳng còn có chỗ nào mà tồn tại! Những ý tưởng kể trên khi chưa tái sinh và chưa vật chất hoá thành ngôn ngữ cũng có thể hình dung như là hình dung về một con số thật khó hình dung nào đó, chẳng hạn như con số năm (5) luỹ thừa một tỷ (1.000.000.000) chẳng hạn. Đương nhiên, con số đó là có thật! Nhưng nó ở đâu khi thần kinh não bộ con người đã “biết tới nó mà chưa vật chất hoá nó thành ngôn ngữ? Chẳng có ai lại khờ dại liều lĩnh nói rằng con số đó không tồn tại trong thế giới tiềm năng nhận biết của thần kinh não bộ con người khi nó đã có thể nhận biết về con số đó. Nhưng, ở đây, vấn đề cần quan tâm lại không phải là “câu chuyện” về thế giới tiềm năng đó mà là vấn đề qui trình nảy sinh và hiệu ứng vận động của những xung động sinh học có khả năng tồn tại độc lập cùng với nguồn năng của chúng đối với chính thần kinh não bộ con người là như thế nào? Qui trình này thực sự chứa đầy bí ẩn nhưng có trình tự cơ bản có thể dễ nhận ra: Những xung
động đó hình thành từ rất nhiều cung đoạn gián tiếp, chúng tác động hấp dẫn nhau trở thành những nguồn năng tự biệt lập nảy sinh những xung động khác tiếp tục hấp dẫn nhau lại trở thành những nguồn năng tự biệt lập khác nữa nảy sinh những xung động khác nữa...

Toàn bộ quá trình nảy sinh và hình thành các nguồn năng xung động có khả năng tồn tại tương đối độc lập và có khả năng liên kết gây dẫn nên những nguồn năng có khả năng tương tự liên tiếp tiếp theo kể trên chính là quá trình nhân tính cơ bản căn nguyên nhất của sự sáng tạo ra chính bản thân mình của con người… Đó mới là vận động lịch sử xứng đáng nhất mang tên là lao động sáng tạo nên con người. Thực chất tư tưởng về cái gọi là lao động sáng tạo nên con người của Karl Marx mới chỉ cốt nhằm tới vai trò của lao động trong sáng tạo công cụ và sản phẩm tiêu dùng của con người trong lịch sử nhân thế của nó mà thôi. Định luật Con người sáng tạo ra chính bản thân mình đó của Karl Marx, chắc chắn còn xứng đáng hơn với nội hàm mang tinh thần siêu tiến hoá của thế giới sinh học. Tinh thần đó là căn nguyên vũ trụ sâu xa nhất của sự tiến hoá chủng loại sinh học ngay trong chính nội bộ thực thể sinh học, nghĩa là ngay trong chính cấu trúc vận động nội tâm con người trong mối quan hệ tất yếu vật chất với cấu trúc vận động của thần kinh não bộ cá thể con người.

Lao động - theo quan niệm của Karl Marx là vận động tác động cải tạo thế giới khách quan, chứ chưa phải là lao động tác động nội bộ thế giới nội tâm con người. Nhưng, khốn thay, chính lao động ấy của Karl Marx, chẳng qua cũng chỉ là vận động sản phẩm của vận động thế giới nội tâm con người mà thôi. Cho nên, con người, sáng tạo ra chính nó có căn nguyên từ chính cấu trúc vận động của bản thân nó, của thế giới bản thể nó hay gọi là của thế giới tâm hồn nó. Và chính bởi thế, căn nguyên sáng tạo ra chính bản thân mình của con người là nguồn năng hấp dẫn với chính bản thân mình - nguồn năng sinh ra xung động nội nguyên, nguồn năng ảo hoá thế giới khách quan chứ không phải chỉ là nguồn năng hấp dẫn phản ánh thế giới. Sự sáng tạo ra thế giới tâm hồn con người là gì vậy nếu không phải là sự nảy sinh liên tiếp những nguồn năng xung động nội nguyên tồn tại khách quan ngay chính với tổ chức vật chất đã sinh ra chúng là thần kinh não bộ cá thể con người? Thế giới tâm hồn là gì vậy nếu không phải là thế giới sinh trưởng bằng nảy sinh dây chuyền những nguồn năng xung động sinh học nội nguyên có khả năng ly thoát sự chi phối cơ giới sinh học của chính thần kinh não bộ con người mà sự nảy sinh dây chuyền đó hấp dẫn tập nhiễm cho nó khả năng sinh dưỡng thế giới đó? Sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não con người mà V.I.Lenin gọi tên là Tư duy sẽ là thế nào nếu không có khả năng hấp dẫn của những xung động thuần tuý nội nguyên với những xung động thuần tuý ngoại giới? Nghĩa là nếu không có sự tham dự nhạy cảm thuần tuý cảm tính, không có sự tham dự của cái gọi là linh cảm, của hưng phấn tâm hồn, nghĩa là nếu không có thuần tuý từ cảm tính trong qui trình từ cảm tính đến lí tính, không có trừu tượng trong qui trình từ trừu tượng đến thực tiễn?... Và, ở đây, chúng ta cũng có thể nói một cách biểu tượng rằng: Tư duy sẽ là gì vậy nếu không có sự tham dự làm căn nguyên của những xung động thuần tuý nội nguyên làm nên linh cảm về sự hài hoà của vũ trụ mà Einstein hình dung như là sự hài hoà của nhạc Bach và Mozart? Và ông hình dung làm sao nổi tinh thần của cảm quan về tính chất kì dị ngay trong nhận thức về cái kì dị của bản thể con người chứa đựng trong các tác phẩm của Dostoevsky để cho Einstein học được ở đó nhiều hơn tất cả những gì học được ở các nhà khoa học? Và có lẽ, những gì bắt gặp đồng thuận trong nhìn nhận về con người của nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre với những cái nhìn về thế giới khách quan của Karl Marx chắc chắn có được là nhờ cùng có nội lực linh cảm cơ bản giống nhau. Trí tưởng tượng của con người là gì nếu không có căn nguyên là nội lực đặc trưng bản thể - cái nội lực chủ động hoang tưởng nhằm vượt lên những định chế khắc nghiệt áp đặt của nhận thức đã có về thế giới khách quan, cái định chế trả giá cho vận động phản ánh khi đã đạt thành quả chiếm lĩnh thế giới khách quan. Và, nếu không có sự tham dự của nội lực đặc trưng bản thể đó làm sao có được “bản sắc tương đồng giữa cái gọi là tư duy thơ với tư duy toán học người ta nhận biết như là một định luật mà chưa một lần giải minh cho được? Và nữa, nếu không có nội lực đặc trưng bản thể hoang tưởng đó ở Einstein, làm sao chúng ta thông cảm được với cái thói tư duy khoa học có kiểu cách gần giống như kiểu cách tư duy sáng tác âm nhạc hoặc thơ, của ông?…

Bản thể con người cấu trúc bằng tổ hợp vô số những cảm giác của con người và vận động bằng phương thức vận động của chính cảm giác con người. Mô hình cấu trúc của bản thể con người không chỉ mô phỏng mẫu cấu trúc của cảm giác bởi chỉ hình thành bằng cảm giác, mà còn bởi tất cả các dạng thức cảm giác khác nhau của con người đều có chung những mẫu cấu trúc. Chính những mẫu cấu trúc chung đó qui định mô hình cấu trúc cho bản thể con người. Thành ra, muốn tiếp cận cho được bản thể con người là gì, là như thế nào chỉ có một “con đường” duy nhất là tiếp cận cho được cấu trúc và vận động đặc trưng của cảm giác con người. Cũng chính nhờ tiếp cận cho được với cấu trúc và vận động của cảm giác con người mới có thể hy vọng tiếp cận được với vận động nhân tính mà người ta gọi là “tư duy cảm tính” và “tư duy lí tính” cùng với logic của tình cảm, tâm hồn và với lí trí nói chung của con người. Xung động thần kinh có đặc điểm dễ đoán nhận là nó xảy ra từ hai nguyên nhân: Một là, do tác động hấp dẫn các yếu tố vật chất nội bộ của chính tổ chức thần kinh não bộ; hai là, do tác động hấp dẫn với thế giới bên ngoài tới thần kinh não bộ. Mỗi căn nguyên nảy sinh đều quy định trạng thái, tính chất cho cái được nảy sinh. Xung động thần kinh não bộ dù là từ căn nguyên hấp dẫn với thế giới bên ngoài, rốt cục, vẫn chỉ là xung động nội tại của thần kinh não bộ.

Như vậy, dù từ căn nguyên nào, xung động thần kinh não bộ vẫn phải tuân thủ triệt để qui luật và qui trình “nội hoá” các căn nguyên đó. Nội hoá, như thế là qui luật và qui trình huy động kết hợp nguồn năng nội, ngoại để tạo thành nguồn năng và xung động thuần tuý nội bộ. Qui trình “nội hoá” đó tạo nên nguồn năng và xung động nội bộ thích ứng với logicgiới hạn tác động từ thế giới bên ngoài. Chính logicgiới hạn của nguồn năng và xung động “nội hoá” đó mới là sản phẩm của sự hấp dẫn tự bên ngoài tham dự cấu thành cảm giác, cái mà người ta quen gọi một cách tượng trưng là “hình ảnh” của thế giới khách quan. Sự thật thì trạng thái xung động nội nguyên của cảm giác vừa tuân thủ lại vừa thoát ly chính logic và giới hạn hấp dẫn tự thế giới bên ngoài. Sản phẩm “nội hoá” vào xung động nội nguyên của cảm giác tất yếu là sản phẩm lồng ghép: một là, hình ảnh chính xác về thế giới, và, hai là, hình ảnh phi chính xác về thế giới. Cảm giác của con người, vì thế, có cấu trúc bao gồm hai kết cấu cơ bản: kết cấu hình ảnh thực về thế giới, và, kết cấu ảo về thế giới. Người ta gọi kết cấu thực là kết cấu lí-tính-của-cảm-giác, kết cấu ảo là kết cấu cảm-tính-của-cảm-giác. Hai kết cấu đó tồn tại như là hai mặt mâu thuẫn trong thể thống nhất tạo nên vận động nội tại của cảm giác. Tuy vậy, trong bối cảnh không có tương quan hấp dẫn với thế giới bên ngoài, xung động thần kinh con người vẫn tồn tại trong dạng thức nguồn năng. Trong dạng thức đó, hệ thống cảm giác này chỉ hấp dẫn với hệ thống cảm giác khác cùng trong dạng thức nguồn năng như nó. Dạng thức nguồn năng đó hấp dẫn “hình ảnh” của mình cho nhau. Có rất nhiều trong số chúng có kết cấu thực do “lưu nhớ được hình ảnh về thế giới bên ngoài. Các dạng thức nguồn năng đó liên hệ với nhau tạo nên những tổ hợp nguồn năng mà người ta gọi là nguồn năng ảo giácnguồn năng ấn tượng của con người. Nguồn năng ấn tượng tất yếu sinh ra cảm giác có kết cấu thực chi phối từ ưu thế trội đến triệt để cấu trúc của cảm giác, làm cho cảm giác trở nên có khả năng giữ vững nguyên mẫu “hình ảnh về thế giới. Dạng thức đó, trước hết làm mẫu “kiểm nghiệm” để điều chỉnh và xác định “hình ảnh” về thế giới khách quan. Nguồn năng “ấn tượng hoá” về thế giới chính là nguồn năng quyết định qui trình xác định và lưu giữ cảm giác mà thực chất là qui trình vật chất hoá cảm giác… Đó mới chính là nguồn năng tư duy duy lí của con người nằm sâu kín trong không gian cảm tính mà chúng ta quen gọi là không gian cảm giác trực quan hay không gian nhận thức cảm tính của con người.

Chính định luật: Tư duy là sự chuyển hoá từ cảm tính tới lí tính của cảm giác con người là định luật qui định triệt để phương giải nhân tính trong tương quan hấp dẫn - phản ánh thế giới khách quan của vận động bộ não con người. Điều đó khẳng định bản thể con người có một trong những bản tính đặc thù là nguồn năng sản sinh ra vận động tư duy - cái vận động biểu hiện, bộc lộ nhân tính đặc trưng con người nhất của con người. Chuyển hoá cảm giác thành ấn tượng là một qui luật nội năng đặc biệt nhưng năng lực chuyển hoá ấn tượng trở lại thành cảm giác để điều chỉnh ấn tượng, thiết lập ấn tượng mới là khả năng đặc thù căn nguyên nhân tính sâu sắc hơn… Nhờ có nó mà sự sống con người vượt qua ngưỡng sống thời khắc của mỗi đơn vị cảm giác để sống tiếp theo không chỉ bằng tái cảm giác mà còn sinh dưỡng được cảm giác mới có, giữ được khả năng tương quan hấp dẫn với thế giới bên ngoài - cái mà người ta gọi là mối liên hệ nhận thức của con người. Hiểu cho được vị trí, vai trò của ấn tượng hoá” đối với khả năng nảy sinh tư duy mới có thể thoát khỏi “gông xiềng” cơ giới do định luật “con người tư duy bằng ngôn ngữ” rất có thể áp đặt như là một thứ “kim chỉ nam” sáng giá nhất của nhận thức. Và cũng chỉ có thể nhờ thế, mới hy vọng tiếp cận đúng đắn được thế nào là sự hình thành ngôn ngữ và ngôn ngữ là gì, căn nguyên nhân tính của ngôn ngữ trong tương quan nảy sinh từ nội năng bản thể con người là thế nào? v.v và v.v…

Chính qui trình “ấn tượng hoá” đó có vai trò nhu yếu sống còn cho thiết lập không gian văn cảnh của các thời khắc khác nhau của sự-sống-con-người cũng như xác định không gian văn cảnh hình thành nội hàm văn cảnh của từng đơn vị ngôn ngữ. Suy cho cùng thì không thể có cấu trúc cảm giác nào “ấn tượng hoá”, “thực hoá” một trăm phần trăm. Kết cấu ảo của cảm giác thời khắc
chưa nội hoá hình ảnh của thế thới bên ngoài - chưa lồng ghép, nhận vào kết cấu thực - cho đến cả khi “bị” một phần “thực hoá”, chúng liên kết với nhau từ vô số cảm giác tạo nên không gian mà người ta gọi là không gian ảo giác. Từ kết cấu ảo, cảm giác thiên ảo đến không gian ảo giác của con người đều có căn nguyên sâu sắc nhất từ nội năng thần kinh não bộ con người nên chúng là những trạng thái có đặc thù nhân tính sâu sắc nhất, cao cấp nhất của bản thể con người. Qui trình ấn tượng hoá không phải là thao tác đặc quyền của mỗi cá thể người nào bởi lẽ ấn tượng hoá có mẫu qui trình chung cho cảm giác của các cá thể người. Chính mẫu ấn tượng hoá chung đó cho ra các sản phẩm mang tên là ấn tượng hay mang tên là ngôn ngữ ở cá thể người này giống như, tương tự như ấn tượng hay ngôn ngữ ở người khác.

Nhờ thế mà con người này không chỉ hấp dẫn bằng kết cấu ảo, không gian ảo của cảm giác - nghĩa là phương thức hấp dẫn cảm tính - mà còn hấp dẫn bằng kết cấu thực, không gian thực của cảm giác - nghĩa là phương thức hấp dẫn lí tính - với người khác. Sự hấp dẫn ấn tượng tương đồng - sự hấp dẫn ngôn ngữ tương đồng đó tạo nên quan hệ xác định được giữa cá thể người này với cá thể người khác mà người ta gọi là mối quan hệ xã hội của con người. Còn lại, liệu kết cấu ảo của cảm giác - phi ấn tượng, phi ngôn ngữ hoá có hấp dẫn được với kết cấu ảo của cảm giác của người khác hay không là một nghi vấn hết sức nhạy cảm dành cho nhìn nhận bản thể con người. Cố nhiên câu trả lời là: Có. Những xung động phi xác định trong cấu trúc cảm giác - nghĩa là kết cấu ảo trong cảm giác - của người này hấp dẫn tới người kia chỉ có thể trở thành “hình ảnh” ảo “nhập vào” cảm giác của người này, nó không thể trở thành “hình ảnh xác định được”, không thể trở thành kết cấu ấn tượng, hay nói đúng hơn là chỉ trở thành “ấn tượng ảo” mà thôi. Đến đây, mới nhận ra nghi vấn hết sức nhạy cảm kể trên đụng chạm tới nhu cầu rút ngắn khoảng cách tiếp cận với bản thể con người là cần thiết như thế nào. Ấn tượng ảo đó, đương nhiên không được gọi là ngôn ngữ nhưng nó lại thuộc về một loại công cụ giao tiếp đặc biệt của con người, thứ “ngôn ngữ” phi xác định được, thứ “ngôn ngữ đê mê”, không có “vỏ vật chất”. Chính kết cấu ảo của cảm giác - cái tên của tổ hợp xung động nội nguyên của thần kinh não bộ con người - mới là phương thức công cụ cơ bản nhất của cái gọi là sự sống con người hay bản thể con người. Chính nhờ có xung động nội nguyên đó, thần kinh não bộ con người mới có được phương thức hấp dẫn đặc trưng với thế giới bên ngoài, nghĩa là mới có sự phản ánh của thế giới bên ngoài vào cơ cấu của sự sống con người...

Nhưng cũng chính nhờ có xung động nội nguyên đó, với tư cách chỉ là hành vi sống của chủ thể vật chất của sự sống con người, nó chỉ ứng xử thích hợp nhằm bảo tồn và tăng trưởng bản thân nó, nó không chịu tha hoá thành một trăm phần trăm là xung động qui định từ thế giới bên ngoài - một trăm phần trăm là hình ảnh của thế giới bên ngoài - mới bảo tồn được khả năng tồn tại độc lập tương đối và kiểm nghiệm, chọn lọc được sự hấp dẫn của thế giới bên ngoài. Cái logic tưởng chừng quá đỗi thường tình, đơn giản nhất là nhờ có nội năng tự xung động mà thần kinh não bộ con người tiếp nhận được các xung động hấp dẫn từ thế giới bên ngoài lại chính là logic luôn bị phức tạp hoá, luôn bị nghi ngờ là nghịch lí với logic thực tiễn. Chúng ta đã có quá nhiều lí thuyết nhằm khẳng
định chính thế giới bên ngoài không chỉ là nguồn năng mà còn là căn nguyên sâu xa nhất của sự sống con người. Thật ra, những lí thuyết đó có chung “nền tảng” là căn nguyên sinh ra thần kinh não bộ con người là Thượng Đế, nghĩa thiển cận nhất là căn nguyên sinh ra thần kinh não bộ con người là cuộc “gặp gỡ” giữa bố mẹ nó chứ không phải tự nó! “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội” dễ dàng được hiểu không cần tính đến thần kinh não bộ con người là chủ thể vật chất của sự tổng hoà đó, vừa tuân thủ “mối tổng hoà” đó vừa chống lại nó bằng nguyên lí của chính bản thân mình, bằng toàn bộ nguồn năng nội nguyên của mình và bằng toàn bộ hành vi nảy sinh từ nguồn năng đó mang tên là cảm giác.

Niềm tin cơ giới vào định luật “tổng hoà” đó, thường dẫn tới tình trạng mà người ta gọi là sự quên lãng con người. Bản thể con người không phải là cái mà người ta gọi là “tổng hoà các mối quan hệ xã hội” dẫu người ta có tìm được bao nhiêu biểu hiện nhân tính trong biểu hiện của đủ mọi hành vi con người, kể cả biểu hiện hành vi chỉ giới hạn trong biểu hiện bản thể con người. Bản thể con người là cấu trúc vận động nội nguyên của cá thể con người chứ không phải là quan hệ của cấu trúc và vận động nội nguyên đó với thế giới bên ngoài.

(Còn nữa)
N.D.C

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngọn đèn xanh (02/12/2008)