Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam đương đại
16:54 | 02/12/2008
THÁI PHAN VÀNG ANHTừ sau 1986, sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự mở rộng phạm trù thẩm mĩ trong văn học khiến truyện ngắn không những đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung mà còn có nhiều thể nghiệm, cách tân về thi pháp. Mỗi nhà văn đều lí giải cuộc sống từ một góc nhìn riêng, với những cách xử lí ngôn ngữ riêng. Hệ quả tất yếu là truyện ngắn Việt đương đại đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến ngôn ngữ trần thuật.

Trong tác phẩm tự sự, trần thuật là thành phần lời của tác giả, của người trần thuật…(1). Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ rõ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn. Khảo sát ngôn ngữ trần thuật (đặc biệt là những tính chất thường gặp của ngôn ngữ truyện ngắn hiện đại trong lời người trần thuật) chúng tôi hi vọng sẽ góp phần nhận diện những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ truyện ngắn đương đại.

1. Tính chất hiện đại trong ngôn ngữ trần thuật
Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những “chuyện” của hiện thực, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại trở nên gần với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn không còn là lời nói quyền uy, cao đạo. Bên cạnh khẩu ngữ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh có thứ ngôn ngữ vỉa hè ở tác phẩm Phạm Thị Hoài. Có lời người trần thuật dân dã trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh (đi năm lần bảy lượt, mời mẻ bát gẫy đũa…), Nguyễn Khải (cười thắt ruột, ăn nói quá quân trộm cướp...), Bão Vũ (nằm co tiểu sành khi hết phim...). Có kiểu phát ngôn trần trụi, không gọt dũa của thứ ngôn ngữ “chợ búa” ở Người hùng trường làng (Tạ Nguyên Thọ), Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp), Dạo đó thời chiến tranh (Lê Minh Khuê)... Trong một số tác phẩm, những tiếng lóng, những từ ngữ tục, những câu chửi thề... được người trần thuật sử dụng khá thường xuyên. Tuy thế, việc vận dụng thích hợp mảng ngôn từ ít có giá trị thẩm mĩ tự thân này, trong một chừng mực nhất định, vẫn có thể nâng cao hiệu quả trần thuật.

Nếu trước đây thật khó hình dung cách nói không có trật tự trên dưới của những người tham gia giao tiếp, thì trong truyện ngắn đương đại, kiểu nói “xấc xược” của lớp trẻ không còn quá lạ tai. Để phê phán một mảng xã hội bộn bề, mọi chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, nhiều cây bút đã không ngại sử dụng thứ ngôn ngữ trần thuật “thiếu văn hóa”. Ở Làng xi măng (Lê Minh Khuê), giả sử không có lời chú thích của người trần thuật, hẳn không nhiều độc giả “dịch” được bức điện tín: mõm, Thối rồi. Về ngay! (bà ốm, mất rồi, về ngay). Kiểu thông báo có tính chất mệnh lệnh với ngôn từ ít trang trọng vẫn có thể là lời của con cái dành cho bậc sinh thành: Bao giờ ổn định con sẽ “cẩu” mẹ ra khỏi cái “làng Vũ Đại” (Gió đồng se sắt – Đỗ Tiến Thụy). Đoạn văn sau đây trong Đại hùng kê (Hòa Vang) là bằng chứng của một thứ ngôn ngữ giao tiếp đáng kinh hãi xuất hiện đậm đặc trong truyện ngắn hôm nay: Phéng mẹ nó một nhát với cái lão “hâm đơ” viêm màng túi mãn tính cùng đời ấy cho xong phắt đi... Chị mới sắp bốn mươi cái lơ thơ tơ liễu buông mành, sợ gì?... phây phây lắm, ngọt bột canh Ajinô Môtô lắm… Có một sự đối nghịch rõ rệt nếu soi xét bằng con mắt thực dụng giữa lão chồng hâm đơ và người vợ còn ngọt bột canh Ajinô Môtô lắm. Lời khuyên như thuyết phục hơn nhờ ngôn ngữ phố phường thời hiện đại.

Trong hai thập niên trở lại đây, sự bùng nổ thông tin đã tác động đến ngôn ngữ đời sống và để lại dấu ấn khá rõ ở ngôn ngữ trần thuật. Từ ngữ chuyên môn trở nên phổ biến (các thuật ngữ y học, tên các loại bệnh mới: HIV-AIDS, viêm não Nhật Bản, sarc, dịch cúm gia cầm…; các khái niệm kinh tế tiền tệ: công ty cổ phần, thị trường chứng khoán, cổ phiếu…, các ngôn từ đặc trưng thời đại kĩ thuật số, công nghệ thông tin: thư điện tử, chat, truyền hình cáp, nối mạng, trực tuyến…). Những từ ngữ vốn chỉ mới xuất hiện gần đây cũng ùa vào tác phẩm: cave (gái làm tiền), ô-sin (người giúp việc), gay (người đồng tính), sếp (cấp trên), víp (nhân vật quan trọng)… Ngôn ngữ thời đại a còng (@) được sử dụng như những phương tiện biểu đạt mới. Xuất hiện cả dạng ngôn ngữ không dấu của người trần thuật lồng vào những đối đáp kiểu trò chuyện (chat) trên mạng internet (Tại sao? Tình Yêu – Y Ban).

Ưa chuộng tốc độ (tinh thần của lối sống hiện đại), ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn sau đổi mới thường ngắn gọn, đơn nghĩa nhưng chứa nhiều thông tin. Chỉ vài dòng phát ngôn, người trần thuật vẫn có thể cung cấp và bình luận nhiều sự kiện đang diễn ra trong đời sống. Chẳng hạn, bằng ngôn ngữ cập nhật (lồng vào lời kể chuyện), người trần thuật ẩn tàng trong Cuộn dây (Lê Minh Khuê) đã tải đến người đọc những vấn đề thời sự: Mùa hè năm nay trái đất phập phồng những hiểm họa. Người Ruanđa bắn giết nhau... Người châu Âu chịu cái nóng khủng khiếp... Băng tuyết xuất hiện ở Zimbambuê... Bệnh AIDS lan tràn ở Đông Á… Ngôn ngữ hiện đại đã ùa vào truyện ngắn, chi phối các phát ngôn của người trần thuật. Nói cách khác, thông qua ngôn ngữ trần thuật, truyện ngắn đương đại đã kịp thời tái hiện sinh động bức tranh xã hội hôm nay, từ phương diện lời ăn tiếng nói của con người.

2. Dấu ấn văn hóa vùng miền trong ngôn ngữ trần thuật
Chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn sau 1986 bộc lộ khá rõ đặc trưng văn hóa vùng miền. Phương ngữ được sử dụng có chủ ý chứ không chỉ thuần túy do chất giọng “bản địa” của nhà văn. Người trần thuật không những “tải” nội dung truyện kể mà còn “chuyển” những giá trị văn hóa nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ. Có vẻ đẹp bình dị của vùng sông nước Cửu Long qua bờ kênh, con rạch, những cù lao xanh... (Nguyễn Ngọc Tư). Có chất Huế đặc trưng mà độc giả chỉ có thể cảm nhận qua những phát ngôn cụ thể của người trần thuật (Trần Thùy Mai). Chất thâm thúy miền Bắc hay kiểu hồn hậu miền đều được bộc lộ rõ nét. Dấu hiệu nhận biết có thể chỉ là những ngôn từ nhân xưng được đưa vào tác phẩm. Đó là cách nói của người miền Trung khi nhân vật lớn tiếng chửi: Tổ cha mồ tổ con mô thằng mô độc mồm độc miệng nói con tau chết. (Bà Thỏn – Trần Thanh Hà); là lời chào rặt tiếng địa phương được người trần thuật kể lại rõ ràng: Họ gặp nhau: Chào eng! Chào ả! Ôi cụ! Ôi mự! Nghe rộn rã trên đường (Quê hương – Cao Hạnh). Là ngôn ngữ thuần Nam Bộ khi người trần thuật sử dụng lời ăn tiếng nói dân dã, khắc họa cuộc sống xứ sở miệt vườn: Sống trong hồn người khác (Ngọc Linh), Sông Hậu xuôi về (Nguyễn Lập Em), Mùa gió (Trần Minh Thuận)… Qua ngôn ngữ trần thuật, phong tục tập quán từng miền cũng được thể hiện rõ nét. Có đời sống du mục hay lênh đênh theo gánh hát của người miền trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Biển người mênh mông, Cánh đồng bất tận). Có nếp sinh hoạt của người Hà Nội trong các khu phố cổ (Phố cũ – Nguyễn Văn Thọ)… Tuy vậy, thể hiện đậm đặc chất giọng địa phương và tạo thành một dòng văn học vùng miền chỉ có thể là mảng truyện ngắn Nam Bộ. Trong dòng truyện ngắn phương Nam ấy, Nguyễn Ngọc Tư được xem là một tác giả tiêu biểu với nhiều tác phẩm hay: Dòng nhớ, Biển người mênh mông, Qua cầu nhớ người, Hiu hiu gió bấc…  Đến với văn Ngọc Tư, độc giả có thể hình dung rất rõ về vùng đất Nam Bộ. Từ những mé đìa lục bình, đám trâm bầu, chòm quao, trái giác nấu canh chua bông súng đến cách gọi tên nhân vật (anh Hai Nhớ, dì út Thu Lý, dì Tư, út Thà, Sáu Tâm…) hay lời ăn tiếng nói thường ngày (trời đất, đúng chóc hà, nói gì lãng xẹt vậy ta, nói chơi hoài, như vầy, chút đỉnh…) đều gợi lên dáng hình thiên nhiên, con người xứ sở miền Nam. Có thể nói, với ngôn ngữ trần thuật mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền, truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới không những nhiều dáng vẻ mà còn rất gần gũi với đời sống con người.

3. Tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật 
Truyện ngắn Việt đương đại không còn mang tính chất một giọng, đơn bè, như các thời kì trước. Ngay trong bản thân các phát ngôn của người trần thuật, cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những suy tư gián tiếp của nhân vật. Khảo sát tính chất đối thoại trong ngôn ngữ trần thuật hay lời nửa trực tiếp (phát ngôn đồng thời của người trần thuật và nhân vật) có thể thấy rõ tính chất đa thanh của ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn thời kì này.
  * Tính chất đối thoại trong ngôn ngữ trần thuật
Đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Trong truyện ngắn, hình thức đối thoại được sử dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt nội dung. Có kiểu đối thoại theo hình thức phân vai, có kiểu lời thoại được nhấn mạnh nhờ những chỉ dẫn của người trần thuật nhằm giản lược hoạt động giao tiếp… Tuy nhiên, người trần thuật vẫn có thể biến lời thoại của nhân vật thành lời của bản thân. Đây là một dạng phát ngôn đặc biệt, thể hiện tính chất nhiều giọng của ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại.

Ở một số tác phẩm, lời nhân vật không được sắp theo thứ tự đối đáp mà đan xen trong lời người trần thuật, nhất là khi người trần thuật là nhân vật xưng tôi, vừa kể chuyện vừa tham gia giao tiếp. Nghĩa là giữa những lời đối thoại, có khi vẫn có những phát ngôn lạc khỏi giao tiếp – những phát ngôn mang tính độc thoại của người trần thuật. Ẩn trong một vai giao tiếp, người trần thuật không chỉ trực tiếp trao đổi với nhân vật mà còn dễ dàng kể chuyện. Chẳng hạn như cách nói sau trong Người ở làng pháo (Nguyễn Khải): Bà vợ hỏi, một cân đỗ là bao nhiêu nhỉ, một ông khách vừa cười vừa nói, buôn bán như chị là đoảng, ở nhà quê không biết giá đỗ tương còn biết cái gì, một ngàn sáu bà chủ ạ. Chỉ một câu kể mà có thể chứa cả một đoạn trao đổi giữa hai nhân vật tham gia giao tiếp. Người trần thuật đã lược bỏ hoạt động đối thoại bằng lời chỉ dẫn (bà vợ hỏi, ông khách vừa cười vừa nói) nhằm tạo những điểm nhấn thông tin, biến lời đối thoại thành lời kể. Lời tác giả, lời người trần thuật, lời nhân vật lẫn vào nhau, tạo nên những tranh cãi, đối đáp. Ở truyện ngắn Huệ lấy chồng kiểu lời người trần thuật đan xen với lời thoại nhân vật cũng được Nguyễn Ngọc Tư sử dụng nhằm làm tăng hiệu quả biểu đạt. Đây là lời kể xen lẫn trong những đối đáp giữa hai nhân vật Huệ và Điềm: Huệ cười, người ta vậy, mầy còn nhắc làm chi (a). Mà, sao bữa nay nghe gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu (b). Bằng cách giữ nguyên lời nói của nhân vật trong câu kể, người trần thuật ở đoạn văn trên đã chuyển từ lời đối thoại sang lời độc thoại. Nếu (a) là lời kể của người trần thuật (mệnh đề Huệ cười) mang hàm ý đối thoại (hướng tới đối tượng giao tiếp là Điềm: mầy còn nhắc làm chi) thì (b) đã nghiêng sang dạng độc thoại có hướng. Vẫn như đang nói với Điềm, song cái cảm giác buồn thỉu bởi gió lạnh, bởi tiếng gà te tái chỉ có thể là của riêng Huệ trước ngày xuất giá, khi bóng dáng người cũ chưa hẳn đã phôi phai… Rõ ràng, kiểu trần thuật “nhiều giọng” đã giúp độc giả thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm nhân vật. Sự chuyển đổi từ lời đối thoại sang lời kể đã làm lạ hóa kiểu trần thuật đơn âm, tiến tới một kiểu trần thuật đa giọng điệu.

* Lời nửa trực tiếp
Nếu lời gián tiếp là lời người trần thuật ngôi ba kể về đối tượng; lời trực tiếp là lời nhân vật được truyền đạt thông qua độc thoại và đối thoại; thì lời nửa trực tiếp là kiểu lời nói kết hợp đồng thời hai hình thức phát ngôn gián tiếp (bởi người trần thuật) và trực tiếp (bởi nhân vật) nói trên. Lời nửa trực tiếp là “lời của nhân vật có bề ngoài thuộc về tác giả (về mặt chấm câu, ngữ pháp) nhưng về nội dung và phong cách lại thuộc về nhân vật”(2). Trong truyện kể, ngôn ngữ tác giả chủ yếu lại được thể hiện bởi ngôn ngữ người trần thuật, nên xét từ phương diện trần thuật học, có thể xem lời nửa trực tiếp là lời người trần thuật nhưng mang ngôn ngữ nhân vật (xuất phát từ điểm nhìn nhân vật). Đây là kiểu “câu hàm ẩn nhiều chủ thể”, “câu lai ghép”, theo cách gọi của Bakhtin.

Một trong những đặc điểm cơ bản của lời nửa trực tiếp là tính song điệu (giọng người kể và giọng nhân vật lẫn vào nhau). Đây là kiểu lời nói có sự hòa trộn giữa ngôn ngữ người trần thuật (ngôn ngữ tác giả) và ngôn ngữ nhân vật. Đoạn văn sau là một ví dụ: Lúc về Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào mẹ tiễn con đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm. (Nước chảy mây trôi – Nguyễn Ngọc Tư). Thông điệp Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo thích món cá khô trộn xoài sống (bao hàm cả hành động của nhân vật) được người trần thuật truyền đạt lại. Lời kể này chứa đựng ngôn ngữ nói biểu cảm của nhân vật nên lời người trần thuật và lời nhân vật hoà vào nhau. Không đơn nghĩa như lời trực tiếp, lời nửa trực tiếp thường mở ra nhiều hướng tiếp nhận, trở thành kiểu lời nói đặc trưng cho ngôn ngữ trần thuật phức hợp, đa thanh.

Từ sau 1986, truyện ngắn Việt hay sử dụng kiểu lời nửa trực tiếp để đến gần với cuộc sống đa chiều. Đây là phương thức trần thuật gắn với tư duy lí luận hiện đại, có hiệu quả trong việc khám phá dòng tâm trạng - phương diện bộc lộ rõ nhất tư duy phức hợp của con người. Lời nửa trực tiếp có thể cơi nới khuôn khổ truyện ngắn, giúp độc giả khám phá mạch ngầm văn bản, đi sâu vào tâm trạng, bản thể con người với những hồi cố, tự bạch, dòng ý thức lẫn trong giọng kể khách quan của người trần thuật. Về biển (Phan Triều Hải), Bụt mệt (Hòa Vang), Qua sông hoa (Phạm Trung Khâu)… là một số tác phẩm sử dụng đắc địa lời nửa trực tiếp. Đây là một đoạn văn được phát ngôn bởi người trần thuật, nhưng lại khoác lớp ngôn ngữ của nhân vật trong truyện ngắn Phan Triều Hải: “Bà lẩm bẩm, “mười ba sao rét thế nhỉ”, rồi bà chợt nhớ phải có một cái gì đó để quên rét. Ừ. Quên rét cũng như quên chồng. Phải có một cái gì đó để vùi đầu vào, để tất cả lẫn lộn lên, để không gì còn định hình được nữa. Lúc ấy là quên”(3) (Những lá thư mùa đông). Ở đây, giọng người trần thuật và nhân vật đan cài vào nhau đến mức khó phân biệt rạch ròi ở những lời nửa trực tiếp với hai chủ thể phát ngôn đồng thời: người trần thuật và nhân vật (chủ thể hàm ẩn).

Không đồng nhất với độc thoại nội tâm, song phần lớn lời nửa trực tiếp đều gắn với ngôn ngữ độc thoại và dòng tâm tư của nhân vật. Đó là trường hợp lời kể (của người trần thuật) xen lẫn trong chuỗi độc thoại của nhân vật ở Kịch bản (Trần Thanh Hà), Chuyến đi săn cuối cùng (Sương Nguyệt Minh), Hạnh (Nguyễn Thị Minh Dậu), Con thú (Dương Quốc Hải)… Dòng tâm trạng nhân vật đan xen trong lời người trần thuật cũng là một biến thái khác của lời nửa trực tiếp. Nó là ý nghĩ mang ngôn ngữ bên trong của nhân vật song tồn tại như những diễn từ của người trần thuật (nhân danh nhân vật). Trong Có một thời yêu (Vũ Thị Hồng), sau những dẫn dắt của người trần thuật là dòng hồi ức tuôn trào của nhân vật: Quá khứ như một cuốn phim quay chậm, dửng dưng, tàn nhẫn diễn ra trong óc người đàn ông (a). Tất cả không sót một chút gì (b). Bắt đầu từ cái buổi đi lấy gạo đáng nguyền rủa ấy chăng? (c). Không, phải bắt đầu từ trận tập kích vào Gò Chùa trước đó khi cả tiểu đội ta bị xóa sổ (d)… Ta bắt đầu nuôi ý định chạy trốn (e)… Lời nửa trực tiếp ở câu (b), (c) đã dẫn dắt độc giả từ việc nghe kể (a) đến việc thâm nhập vào chuỗi độc thoại của nhân vật (d),(e). Lời người trần thuật ngôi ba khi vừa trực tiếp kể chuyện, vừa để câu chuyện được tự bật lên thông qua dòng ý thức của nhân vật, là dạng ngôn ngữ đặc trưng của lời nửa trực tiếp.

Sử dụng đặc biệt thành công lời nửa trực tiếp không thể không nhắc đến cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Từ điểm nhìn nhân vật, mượn ngôn ngữ, giọng điệu nhân vật, người trần thuật trong nhiều tác phẩm của nhà văn nữ này đã duyên dáng kể chuyện với con mắt tinh tường của người trong cuộc. Đó là ngôn ngữ trong trẻo nhưng nhiều suy tư của Diệp ở những độc thoại nội tâm được “thốt lên” bởi người trần thuật: Đâu nè, đâu phải muốn là làm, cũng phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm. Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi? Phải chọn lựa và trả giá chớ... (Nước chảy mây trôi). Đó là lời nói đầy yêu thương mà người trần thuật chỉ có thể có được từ ngôn ngữ độc thoại của trái tim người mẹ: Có nên nói hay không lời xưa rày má thường dạy thằng con trai lớn, rằng sống trên đời, thấy phải thì làm, mà làm cũng đừng nghĩ sẽ được đáp đền xứng đáng, vì có những thứ quý giá lắm, chẳng gì bù đắp được đâu” (Qua cầu nhớ người)… Ngôn ngữ trần thuật trở nên giàu sức gợi nhờ những lời nửa trực tiếp. Những câu chuyện đời người trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư càng sâu sắc, lan tỏa mãi trong lòng người.

Tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật hôm nay xuất phát từ việc tổ chức đồng thời những tiếng nói khác nhau. Sự xen lẫn của lời thoại nhân vật vào lời kể và đặc biệt là hình thức lời nửa trực tiếp đã góp phần làm mới nghệ thuật kể chuyện, cho thấy ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của các cây bút truyện ngắn đương đại.
Trong những nỗ lực cách tân, việc đổi mới ngôn ngữ trần thuật là một thành công không thể phủ nhận của truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986. Với cách vận dụng linh hoạt ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ vùng miền; và nhất là với cách tổ chức đồng thời nhiều tiếng nói khác nhau, người trần thuật có vai trò quan trọng trong việc cấu trúc tác phẩm, dẫn dắt mạch truyện. Khảo sát các phát ngôn trong văn bản truyện kể, độc giả có thể phần nào hình dung dược diện mạo của người trần thuật. Hơn thế, thông qua ngôn ngữ trần thuật người đọc còn có thể nhận diện những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ truyện ngắn hôm nay.
T.P.V.A

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 


--------------------------
(1)
Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr 338.
(2) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG, Hà Nội.
(3) Người viết nhấn mạnh.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngọn đèn xanh (02/12/2008)