Tạp chí Sông Hương - Số 208 (tháng 6)
Hồn tôi đã hoá con đò ấy
15:31 | 05/12/2008
HOÀNG VŨ THUẬT(Đọc tập thơ Lệ Thuỷ mút mùa của Ngô Minh)Nói đến Ngô Minh là nói đến thế - giới - cát. Cát trong suy nghĩ của Ngô Minh như thứ ngôn ngữ minh triết về đời sống con người. Là vật chất, nhưng không giản đơn như mọi thứ vật chất. Cát có thể nóng như lửa, lại mềm mại dịu êm dưới chân người. Li ti từng hạt nhỏ, vậy mà bên nhau cát xây nên luỹ nên thành án ngữ dọc biển bờ Tổ quốc. Cát hiền lành trong sạch, khi giận giữ có thể biến thành những cơn bão khủng khiếp.

Mỗi nhà thơ, tự thân đứng trên một nền đất – cội nguồn của sức sáng tạo. Nền sáng tạo của Raun Gamzatốp là Đaghextan, xứ sở trên vùng núi Kapkazơ. Nền sáng tạo của Ngô Minh là thế giới cát, với một bên biển cả mênh mông, một bên cánh đồng phì nhiêu” nhất Đồng Nai nhì hai huyện”. Miền đất hẹp mà ngõ hầu không giới hạn. Đi tìm phẩm cách nhà thơ, tôi nghĩ phải tìm tới nơi phát tích dòng sông thơ ấy. Đây không đơn thuần là tiểu sử, hoàn cảnh, đây là nguồn dinh dưỡng của cảm xúc.

Phải chăng vì lẽ đó, Ngô Minh dành trọn cho cái nôi thơ bằng những bài thơ đầy ắp kỷ niệm hạnh phúc xen lẫn đau buồn. 26 bài thơ trong Lệ Thuỷ mút mùa (*) là 26 nén hương thơm đốt lên giữa trời đất, bái vọng quê nhà tấm lòng hiếu thảo đứa con nơi xa:
                        nơi ấy mạ bọc tôi trong vạt áo đẫm mồ hôi
                        và dính đầy bụi cát
                        đôi dép mạ đi là manh ván hẹp
                        từ sạp thuyền đi biển của cha
                        bước đi lên nửa bước lùi về
                        đã bao đỉnh cát cao mạ vượt
                        những hột nắng lăn vào mắt xót
                                                                      (Đứa con của cát)
Ngô Minh không dâng lên quê hương những lời ca dạt dào quen thuộc. Tên làng, tên đất Cổ Liễu, An Xá, Bến Chền, Thượng Luật, Kiến Giang, Mũi Viết, Chợ Tréo, Thương Phong, An Mã, Xuân Lai... trở thành cốt tuỷ trong từng câu thơ hàm chứa ý tưởng nghệ thuật.
Tố Hữu viết: Sống trong cái chết vùi trong cát. Một câu thơ đặc tả. Có nhập hồn với cát, đắm mình trong cát, hiểu tận cùng cái tính khí vật chất lạ lùng ấy, nhà thơ mới dám bước qua thủ pháp đặc tả:
                        Chiếu chăn
                        Trời đất
                        Trắng nhoà
                                                (Đêm trắng làng Thượng Luật)
Ở xứ cát, người sống kề bên người khuất. Đêm tối trời, nhìn ra bao nhiêu nấm mồ như chiếu chăn phát sáng. Cảnh tượng hoang sơ không gây rùng rợn, trái lại ta cảm thấy như sợi dây bền chặt âm thầm nối hiện tại với quá khứ tổ tiên. Những người chết vẫn còn đâu đó, linh hồn họ đang tồn tại giữa không gian lao lung kia. Ngay cái dáng đi của người dân xứ cát cũng nghiêng ngả lao về phía trước với bao lo toan vất vả, chờ đợi kiếm tìm như người hành tinh khác đến.  Nhà thơ ba lần nhắc đến câu thơ: anh tôi là vết chém của sóng với ba khung cảnh khác nhau: trên bờ cát trắng mịn da trinh nữ – trên bờ cát trắng mịn màu thiên đường – trên bờ cát trắng mịn màu hạnh phúc. Vết sóng hằn trên cát đối lập với vết chém trên da thịt. Một sự đối lập tàn khốc, một nỗi đau dồn nén thân phận người từ muôn xưa lằn sẹo tới mai này (Sẹo biển).

Biển trong thơ Ngô Minh chẳng đằm thắm như thơ nhiều người đã viết. Biển là biển của những cơn bão: gió giật tung những mảnh vải buồm/ bay lên trời thành đám mây cánh vạc/ sóng giật đi manh ván cuối cùng... Sức biển ắp đầy tưởng chẳng đầy hơn nữa, dữ dằn vô song. Nhưng biển vẫn mang trái tim bao la của người mẹ:
                                    biển sững sờ khóc xác mồ côi
                                    như mèo mẹ ân tình sóng liếm
                                    những vết thương se lần muối mặn
                                                   (Truyền thuyết làng chân sóng)
Thơ đến từ cảm quan quyết liệt và bi thương. Thơ hiện lên bằng các tông màu nơi miền quê dâu bể.
Người ta hay bàn đến đề tài trong thơ. Tôi xem nhẹ vấn đề này, bởi đề tài chẳng quyết định gì khi thơ không gây thiện cảm người đọc. Bạn đừng đặt câu hỏi viết gì, hãy nên đặt câu hỏi viết như thế nào? Một câu hỏi đơn giản, vậy mà chẳng dễ dàng đáp. Với Ngô Minh hạnh phúc và nỗi đau trong một cuộc người như hai nhịp thuỷ triều lên xuống, đến nỗi nhà thơ phải thốt lên hạt máu vỡ đầu môi gặp biển. Chỉ một “Đêm Kiến Giang thức với người thương binh hỏng mắt” làm nhà thơ bàng hoàng: Hai giọt nước mắt anh/ như chắt ra từ đá/ rơi về Kiến Giang thẳm thẳm đêm nhìn. Người thức cùng người là chuyện tao ngộ, chia sẻ, còn đây:
                                    đêm đêm lúa thức bên người
                                    lưng chưa dính chiếu mặt trời đã lên
Hai câu thơ dân dã gói trọn vùng quê mút mùa mưa nắng và lao lực.
Bài: Gió nồm đề tặng tôi, có đoạn:
                                    chạy trốn hay tìm về
                                    vẫn sông bến cũ
                                    ngọn lá rách bươm trên nóc nhà thờ
                                    ta hay gió
                                    mặn một mình
                                    thổi một mình
                                    dọc xa lạ chiều vàng quá độ
Mỗi lần đọc, hiện ra trong tôi cái buổi chiều vàng quá độ ấy và ta nữa đang chạy trốn hay tìm về? Cái biểu cảm được đan cài trong cách biểu cảm, câu thơ hàm ngôn và đa nghĩa. Giữa bể trầm luân vô hạn, con người luôn cõng trên lưng niềm hy vọng. Nhưng hy vọng để rồi lại thất vọng, lại cô đơn như ngọn gió nồm mặn một mình, thổi một mình, đấy là phép biện chứng về lẽ sống. Nếu chỉ hy vọng không thôi chưa đủ, không giúp con người đứng dậy, tự vượt lên trên đôi chân chính mình đang đi.

Lệ Thuỷ mút mùa
không nghiêng về hồi tưởng miền thơ ấu, thời nhà thơ mặc áo lính đau đáu nỗi quê. Lệ Thuỷ mút mùa hoà trong dòng chảy thơ Ngô Minh, phong phú về chất liệu đời sống. Nhà thơ coi trọng ngôn ngữ phổ quát, ngôn ngữ điền dã, sử dụng cả phương ngữ, nhưng lại được biểu hiện bằng tầng văn hoá của người từng trải, giàu kinh nghiệm, điều ấy thấy rõ qua lao động nghệ thuật từng bài, nhất là các bài thơ dài như Truyền thuyết làng chân sóng, Đứa con của cát... Tác giả của nó không thiên về xu hướng phức thể đa tạp, không coi đó là sân chơi của mình, nhưng anh chẳng chịu dừng chân trên lối đi của thủ pháp miêu tả trực tiếp, cách biểu hiện truyền thống. Sự thay đổi trong thơ Ngô Minh là sự thay đổi có chủ đích qua lăng kính chiêm cảm với kiểu cách riêng. Gần đấy là xa, thật đấy mà khác.

Xét cho cùng dù sử dụng phương tiện ngôn ngữ nào thơ cần phải khoả mình trong thế giới ảo giác để cái thực và cái mơ hồ đan xen, tạo ra những khoảng trống, những hình tượng thơ khác biệt. Thơ như con thuyền chuyển tải tư tưởng, nó chỉ cập bờ khi đến được đích chân - thiện - mỹ.
Nhà thơ phát biểu:
                                    Hồn tôi đã hoá con đò ấy
                                   
                    (Ghi ở Bến Chền)
                                                            Thành phố Đồng Hới 2005
H.V.T

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 



--------------------------
(*) Tập thơ “Lệ Thuỷ mút mùa”, NXB Thuận Hoá, 2005

Các bài mới
Phải chi (09/12/2008)
Các bài đã đăng