Tạp chí Sông Hương - Số 208 (tháng 6)
Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt
16:37 | 05/12/2008
HỒ THẾ HÀVới điểm nhìn ngược chiều từ khởi đầu thế kỷ XXI (2006) hướng về cội nguồn khai sinh vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế (1306), chúng ta thấy vùng đất này đã có 700 lịch sử thăng trầm, vinh quang và bi tráng.

Bảy thế kỷ để hình thành một vùng đất với sự tiếp nối, làm đầy những giá trị hiện thực - lịch sử - văn hoá quả là một hành trình đầy thử thách khắc nghiệt vừa mang tính hiện thực, quy luật vừa mang tính ngẫu nhiên, chủ quan của số phận chính vùng đất ấy- mà ở đó- từng cá nhân, từng triều đại, từng mâu thuẫn nội tại của dân tộc đã dần dần hình thành và tiếp biến để trở thành thiết chế, thành hình thái chính trị - xã hội phản ánh đời sống hiện thực - cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng qua những tương quan không gian và thời gian nối tiếp nhau từ Hoá Châu - Thuận Hoá - Phú Xuân đến Huế ngày nay.

Vậy mà trong thực tế, lịch sử hình thành và phát triển một vùng đất thường chỉ được nhìn nhận qua tiến trình thời gian và các sự kiện, các bước ngoặt hào hùng và bi tráng thông qua các trang sử lưu lại hoặc qua các hiện vật, di chỉ của khảo cổ học, dân tộc học hoặc qua âm nhạc, mỹ thuật, qua các nhân vật lịch sử... Điều đó, dĩ nhiên là cần và đúng nhưng chưa đủ, bởi toàn bộ khách thể tự nhiên và xã hội không thể nào hiện hữu đầy đủ qua các loại hình nghệ thuật và các khoa học nói trên. Vậy, có cách gì để con người thời sau hiểu một cách đầy đủ về ký ức tập thể, “vô thức tập thể” của tiền nhân, của cộng đồng dân cư quá khứ của mình? Có lẽ loại hình thái ý thức xã hội có thể đáp ứng nhu cầu ấy một cách khả dĩ không gì khác ngoài văn học - một loại hình dùng chất liệu ngôn từ để phản ánh đời sống muôn màu, muôn vẻ bằng hình tượng nghệ thuật cũng đa dạng, phong phú theo một nguyên tắc khái quát hóa, cụ thể hoá riêng. Aristote - Nhà mỹ học vĩ đại phương Tây thời cổ đại đã viết trong Nghệ thuật thi ca một luận điểm rất sâu sắc rằng “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên. Chính thế, nhà sử học và nhà thơ khác nhau không phải ở chỗ một người thì dùng cách luật, còn người kia không dùng: Có thể đem trước tác của Hérôdote đổi thành văn vần, nhưng trước sau chúng vẫn là lịch sử, có vần hay không vần cũng vậy; họ khác nhau ở chỗ: nhà sử học nói về những điều đã xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra. Vậy thi ca có ý vị triết học và nghiêm chỉnh hơn lịch sử, vì thơ ca nói về cái chung, mà lịch sử lại nói về cái cá biệt (cũng có thể hiểu là: thơ ca nói về cái gì đó có tính nhất quán, còn lịch sử chỉ chồng chất những sự việc lẻ tẻ) (Aristote - Nghệ thuật thi ca, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.45)

Vậy, một vấn đề đặt ra ở đây là, khi tìm hiểu lịch sử của một vùng đất, người ta phải lần tìm từ khoa học lịch sử và các loại hình nghệ thuật, các ngành khoa học khác, trong đó, có văn học. Sự chính xác, cụ thể của khoa học lịch sử mới chỉ giúp ta hiểu cái hiển nhiên của con người, sự việc, thời gian, không gian mà nó ghi lại, chứ ta chưa và không thể hiểu cái gì đã nằm ở chỗ không lời bên trong, bên sâu của con người, sự việc, của thời gian và không gian ấy. Loại hình văn học (với các thể loại trữ tình và tự sự) có thể giúp ta hình dung và liên tưởng - theo quy luật của nhận thức và tình cảm - một cách đầy đủ, sinh động những vấn đề nói trên bằng những lớp hình tượng - ngôn từ - tư tưởng từ tác phẩm mang lại. Văn học là tấm gương phản chiếu thời đại và con người một cách cụ thể thông qua lăng kính chủ quan của tác giả, tạo ra một thế giới hiện thực - tinh thần cụ thể, độc đáo, có thể nối liền quá khứ với hiện tại và hiện tại với tương lai.

Với những dòng mạo muội còn sơ lược như trên, chúng tôi muốn nói đến một công việc cụ thể của chúng tôi là nhận diện thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt. Cái khó của chúng tôi không phải là việc xác định điểm khởi đầu, chọn đường biên để gọi tên cho thơ ca Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế. Bởi vì, như đã nói ở trên, thơ ca là sản phẩm tinh thần,là hình thái ý thức xã hội đặc thù có những quy luật riêng của nó. Qua thi ca, ta hiểu lịch sử và con người; đồng thời, ta hiểu chính bản thân thi ca - một phạm trù nghệ thuật- thẩm mỹ kỳ thú. Ở đây,chúng tôi cũng không có mục tiêu phân kỳ văn học Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế theo tiến trình và các mốc lớn của nó tương quan với từng bối cảnh lịch sử - thi ca và đặc trưng thi pháp tương ứng mà chỉ sơ lược với một cách nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại để điểm tên và chỉ ra một số đặc điểm thi pháp nổi trội của chúng xét ở cấp độ loại hình và quan niệm nghệ thuật về con người.

Quả là Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế có bề dày truyền thống văn hóa. Và văn học là một bình diện hiển minh của văn hóa đã để lại những trang đời, trang thơ lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề nhân sinh, thế sự của chính con người và vùng đất này. Trong dòng chảy văn hóa ấy, văn học - đặc biệt là thi ca- có vai trò quan trọng trong lĩnh vực chiếm lĩnh hiện thực đời sống và khắc họa diện mạo tinh thần của con người trong từng thời khoảng lịch sử, thể hiện tính lặp lại bên cạnh cái không lặp lại về thi pháp. Và đấy cũng chính là sự phát triển của bản thân hiện thực và bản thân thi ca, chứng minh cho tính độc đáo, tính quốc gia của thi ca của một vùng đất từng là “phên dậu thứ tư” mà Nguyễn Trãi đã gọi trong Dư địa chí.

Vậy văn học nói chung, thi ca Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế nói riêng bắt nguồn từ hiện thực và tư duy nghệ thuật nào? Dĩ nhiên có đời sống là có thi ca, có nhu cầu sáng tạo và thưởng thức. Sự sàng lọc và khái quát của thi ca, giúp ta nhận ra được cảnh vật, thiên nhiên và con người qua từng thời kỳ, giai đoạn. Triều đại phong kiến qua các thời đã đóng vai trò trung chuyển văn hóa từ phương Bắc vào phương Nam qua các lần mở cõi và các cuộc phân tranh (Trịnh - Nguyễn 1558-1786) với 5 đời chúa của 2 dòng họ; tiếp đến là cuộc tranh chấp giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh để hình thành triều Tây Sơn và sau đó là triều Nguyễn- Gia Long. Chính thời kỳ này, Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đã hội tụ được nhiều nhân tài, trí thức của cả nước, tạo ra sự tích hợp văn hóa độc đáo mà văn thơ của họ đã trở thành sức mạnh tinh thần vô giá cho đến ngày nay. Rồi kế đến là thời kỳ thực dân, phong kiến tồn tại gần 100 năm đã tạo ra một hiện thực mới, một tầng lớp sĩ phu trí thức yêu nước, một thế hệ thi sĩ trong phong trào thơ mới với tinh thần duy tân, tinh thần dân tộc mãnh liệt và sự bùng nổ của cái tôi cá nhân thành thật mà văn thơ của họ đã trở thành những giá trị nhận thức to lớn, có sức cổ vũ quốc dân, quốc hồn, quốc túy một cách tích cực.

Và từ sau 1945 đến nay là thời kỳ hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc mà Huế là địa bàn giao tranh ác liệt, là nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử quyết liệt nhất. Rồi Huế trong hòa bình, xây dựng ngày nay. Tất cả hiện thực ấy đều đi vào thơ một cách chân thực, sinh động. Trong nhiều miền không gian - thời gian ấy, hiện thực được phản ánh vào thơ chủ yếu là thiên nhiên Huế với sông núi, cỏ cây, chùa chiền, lăng tẩm, thành quách, biển trời cùng với tâm hồn Huế, nghệ thuật dân gian Huế.... Tất cả đều được nhìn ngắm dưới góc nhìn lịch sử - xã hội - văn hóa và góc nhìn tâm thức - tâm linh - triết lý. Vì vậy mà thơ Huế toát lên chất thâm trầm, huyền hoặc, nặng sâu tình đời, tình người, trọng ân tình, ân nghĩa. Chúng có sức tỏa phát và vẫy gọi sự đồng cảm, sẻ chia của người đọc một cách sâu sắc. Rõ ràng là chính vùng đất tạo ra thơ và đến lượt mình, thơ lại tôn vinh, làm cao sang và bổ sung những giá trị cao đẹp còn tiềm ẩn của vùng đất ấy. Thiên nhiên, con người và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Huế đã đi vào thơ vang ngân, kỳ diệu, thánh thiện... Tâm hồn Huế, tính cách Huế, qua thơ được hiện lên một cách lung linh, đánh thức bao suy tư, liên tưởng và tình cảm nhân bản cao đẹp trong lòng người đọc.

Về mặt thi pháp mà nói, thi ca Phú Xuân - Huế có sự đồng nhất với thi ca cả nước, bởi bản thân nó cũng là một bộ phận quan trọng hợp thành của thi ca dân tộc. Nó mang trong mình thi pháp thơ trung đại (ứng với thời trung đại) với các nguyên tắc tư tưởng và quan niệm nghệ thuật về con người thời Trung đại, biểu hiện thành các dạng thái của cái tôi trữ tình: cái tôi làng xã, cái tôi vô ngã, cái tôi quân tử, cái tôi tài tử... được chứa đựng trong hình thức thể loại thơ trung đại Việt Nam và Trung Hoa bằng chất liệu chữ Hán, chữ Nôm... Đến thời hiện đại (thế kỷ XX đến nay), thơ lại chuyển biến và tích hợp thi pháp hiện đại của thơ phương Tây và các nước khác trên thế giới để hiện đại hóa tiến trình thơ Việt qua các giai đoạn, tạo nên một hệ thi pháp đa dạng - đa dạng về thể loại, về tư duy về phương pháp sáng tác, biểu hiện thành các trạng thái của cái tôi cá nhân, cái tôi trữ tình hiện đại tương quan với từng kiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong từng giai đoạn, giàu biến hóa trên cơ sở thi pháp ngữ điệu ngôn từ tiếng Việt (chữ quốc ngữ).

Quay về với điểm nhìn hiện đại, ai cũng thừa nhận có một Huế thơ- thơ Huế trong dòng chảy thi ca dân tộc. Vậy câu hỏi đặt ra là Thơ Huế có tự bao giờ? Câu trả lời vừa cụ thể - khả thi, vừa không cụ thể - bất khả thi, bởi lẽ, không chỉ có văn chương bác học - thành văn mà còn có nền văn chương truyền khẩu - bất thành văn của Hóa Châu xưa đã hòa tan vào đời sống tinh thần của nhân dân cả nước. Mà như chúng ta biết, thơ ca giai đoạn nào, dân tộc nào cũng có cội nguồn hoặc giao nhau từ thơ ca dân gian, thơ ca giai đoạn trước nó, chưa kể bên cạnh ấy, nó còn có yếu tố ảnh hưởng của thơ ca nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực đồng văn. Ngày nay, quá trình cộng sinh, hội nhập ấy càng trở thành quy luật phổ biến.
Nhưng căn cứ vào những gì còn lưu lại trên hiện vật, thư tịch và truyền khẩu trong dân gian, thì những bài thơ vịnh sơn thủy về vùng đất này sớm nhất là của Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tôn, Dương Văn An, Lê Qúy Đôn... Rồi bắc qua các thời kỳ, các giai đoạn nối tiếp, Huế có bao nhiêu thi nhân đến đây và để lại những bài thơ bất hủ.

Chúng tôi quan niệm thơ Huế là thơ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Huế, là thơ của những người từng đến sinh sống ở Huế và sáng tác, là thơ của những người quê Huế xa Huế, là thơ của những người các vùng quê khác ghé qua Huế, chỉ dừng chân trong khoảng khắc mơ màng trước nỗi niềm sơn thuỷ Huế mà xúc cảm thành thơ. Thơ Huế được quan niệm như vậy rõ ràng là hợp lý và biện chứng, khách quan, bởi vì xét về mối tương quan giữa chủ thể và khách thể trong quá trình sáng tạo thì cả hai có mối tác động hỗ tương, chuyển hoá lẫn nhau, không có mặt này thì không có mặt kia và ngược lại. Sự hội tụ và toả phát của một vùng thơ, tự nó đã mang tính cả nước, tính toàn dân tộc. Vả chăng, ta cũng phải thấy rằng sự kích thích của không khí một vùng đất có ảnh hưởng rất bất ngờ đối với từng chủ thể sáng tạo, đánh thức những tứ thơ bất hủ bị lãng quên mà nếu không có sự kích thích của không khí vùng đất ấy, thì sẽ không có chúng. Dĩ nhiên, điều này chỉ dành cho những nhà thơ có vốn sống, vốn văn hoá dồi dào của nơi mình sinh ra, giờ đây, được gặp văn hoá của vùng đất mới, chúng tích hợp và toả phát.

Thơ Huế chính là sự gặp gỡ, thăng hoa bao tiềm năng sáng tạo độc đáo do sự gặp gỡ các hằng số văn hoá - thi ca nói trên, ví như trường hợp của Trương Hán Siêu với Hoá Châu tác, Lê Thánh Tông với Tư dung hải môn lữ thứ, Đào Duy Từ với Tư dung vãn, rồi sau này là Nguyễn Biểu, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Phạm Đình Hổ, Phạm Nguyên Du, Ngô Thời Nhậm, Phạm Phú Thứ, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hàm Ninh, Lê Ngọc Hân, Trần Bích San, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đặng Huy Trứ, Trần Cao Vân, Miên Trinh, Miên Thẩm, Đào Tấn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thông, Ông Ích Khiêm, Tản Đà, Mai Am, Huệ Phố, Huỳnh Thúc Kháng... Và nối tiếp từ 1930 với Phong trào Thơ mới cho đến ngày nay, nếu làm phép thống kê như  trên thì phải lên đến con số vài ba trăm nhà thơ. Trong đó, phải kể đến các thi sĩ tài danh (thời 1930-1945): Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Văn Cao, Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thư, Nam Trân, Phạm Hầu, Thái Can, Tế Hanh, Đinh Hùng, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Phan Văn Dật, Hoàng Diệp... Kế đến là các nhà thơ thời kháng chiến (1945-1975) như Hải Bằng, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải, Lương An, Trần Vàng Sao, Hoàng Phủ Ngọc Tường...

Thời kỳ hoà bình lập lại từ 1975 đến nay, Huế là nơi trung chuyển, dừng chân trên đường lữ thứ Bắc - Nam của biết bao tao nhân mặc khách. Các thi sĩ cả nước đã đến Huế, neo hồn mình cùng thiên nhiên, cảnh vật và đã có hàng nghìn bài thơ hay viết về Huế. Đó là tài sản vô giá cho kho tàng thơ Huế. Rồi đây, chúng sẽ biến thành những giá trị mới, bổ sung những phẩm chất văn hoá- thi ca cho Huế. Ngày nay, không có nhà thơ nào không một lần đến Huế. Danh sách các nhà thơ viết về Huế ngày càng nhiều hơn bao giờ hết.

Như vậy, khái niệm văn học Huế ở đây chúng tôi hiểu theo nghĩa rộng, tức có sự giao lưu, cộng hưởng, hội nhập với cộng đồng, với cả nước, chứ không phải là quan hệ hẹp căn cứ theo nơi sinh quán Phú Xuân - Huế của các nhà thơ. Với cách quan niệm rộng như vậy, ta có thể nói rằng mảnh đất Phú Xuân - Huế, qua tiến trình lịch sử, có vai trò quan trọng, là nơi tích hợp lịch sử - thi ca kỳ diệu, là nơi vẫy gọi hồn người, hồn thơ, là nơi toả phát năng lượng thi ca của mình đến các vùng khác. Sự tích hợp và toả phát ấy càng chứng tỏ qua các sáng tác của các nhà thơ Huế và các nhà thơ xứ khác đến Huế. Cứ như thế, Thơ Huế ngày càng nhiều về số lượng và đa dạng về chất lượng. Như bất kỳ các trung tâm văn hoá lớn của cả nước như Thăng Long - Hà Nội, Sài Gòn..., Huế hiển minh một khả năng, một quy luật thi ca có tính độc đáo riêng. Đó là khả năng nội sinh, tạo sinh thi ca trong lòng văn hoá Huế và khả năng “ngoại nhập”, hội tụ các thành tố văn hoá - thi ca của các miền khác mang đến Huế thông qua các chủ thể văn hoá, chủ thể sáng tạo. Sự hiện hiện của những tên tuổi nhà thơ, và thi phẩm nổi tiếng suốt 700 năm thơ Phú Xuân - Huế chính là kết quả của quá trình vẫy gọi và toả phát của một vùng văn học, chứng tỏ sức sống mãnh liệt và từ trường thi ca Huế mạnh mẽ biết dường nào!

Ta có thể cảm nhận trong từng dòng thơ, bài thơ chất Huế sâu đậm mà các nhà thơ không thể cưỡng lại được trước sinh lực và vẻ đẹp hữu tình của vùng đất Phú Xuân - Huế. Thơ Huế vì vậy, đã trở thành tình cảm, tài sản của cả nước. Hay nó là một biểu hiện đậm đặc của thi ca dân tộc, cũng thế. Cái hồn Huế, tâm thức Huế, thiên nhiên Huế góp phần làm đa dạng hoá, đặc sắc hoá thi ca cả nước. Một dòng chảy thi ca Huế trong mạch nguồn thơ Việt luôn dào dạt đến ngày nay, không có sự đứt nối, gián đoạn. Nó luôn hiện hữu với sự tiếp nối, kế thừa, bổ sung những nội hàm mới, phương thức thể hiện mới. Như đã nói ở trên, cái làm nên diện mạo và giá trị của thi ca, xét ở cấp độ tổng thể, chính là cái móc xích bộ ba: Lịch sử, văn hoá- Tâm hồn thi nhân- Thiên nhiên, vũ trụ. Ba hiện thực này lại được chuyển hoá, nhào nặn lại trong chính tư duy sáng tạo của nhà thơ để thành tính chỉnh thể nghệ thuật, biểu hiện thành ba mặt bản chất của tác phẩm là: Hình tượng - Tư tưởng - Ngôn từ. Xét ở các cấp độ này, thì phải nói rằng thời kỳ nào, giai đoạn nào, Huế cũng sản sinh và hội tụ nhiều nhà thơ tài danh với những thế giới thi ca mới mẻ, thăng hoa về chất, phong phú về số lượng, đa dạng, phức hợp, phức cảm về hình tượng, tư duy và ngôn từ.

Thơ Huế là thơ của Việt , thơ của thi nhân cả nước. Ở đó, các sắc thái tình cảm và thiên nhiên Huế đóng vai trò hạt nhân cho cảm xúc và tâm trạng của thi nhân, làm thành nét riêng độc đáo. Huế tạo ra bao hồn thơ và hồn thơ bồi đắp, tạo sinh, làm phong phú thêm hồn Huế. Các nhà thơ không mắc nợ với Huế. Vì vậy, Huế biết ơn bao nhà thơ bốn phương đã cho Huế sự sống thật mà 700 năm Thơ Huế là sự đồng vọng những tiếng nói tri âm với Huế đáng để chúng ta tiếp nhận, tôn vinh và giới thiệu với bạn đọc gần xa.
Huế tháng 5 -2006
H.T.H

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Các bài mới
Phải chi (09/12/2008)
Các bài đã đăng