Tạp chí Sông Hương - Số 209 (tháng 7)
Bến sông trăng
16:37 | 12/12/2008
NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.
Bến sông trăng

Thành phố cao nguyên buổi sáng sương giăng bảng lảng. Sương trong thung lũng, sương len lỏi trong rừng thông, sương bao quanh các toà biệt thự. Những cụm mây tơi xốp như bông len lỏi dưới thung lũng, lúc tụ lại, lúc thì tan loãng bồng bềnh. Các dò lan, các khóm hoa mơn mởn trong làn hơi nước nhẹ buổi sáng. Bên kia thung lũng, sườn đồi cùng những hàng thông cao vút và thấp thoáng những biệt thự uy nghiêm, trầm mặc, cổ kính và mơ màng như một vẻ hoài vọng xa xăm.
Ký ức về thành phố này trong ông vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Ông như gặp lại hơi ấm những bước chân thuở ấy. Thành phố lúc ông còn là anh giải phóng trẻ từ rừng bước vào chỉ như một thành phố chết. Những đồi thông quạnh quẽ, những đường phố vắng tanh, những biệt thự bỏ không, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài bóng người với bước chân vội vã... Trong các biệt thự các phòng nghỉ, phòng làm việc vẫn như còn hơi ấm của chủ nhà. Đồ đạc, các tiện nghi như vẫn còn in dấu tay người sử dụng. Những bồn tắm vẫn còn đầy nước, quần áo thay ra chưa kịp giặt còn vứt ngổn ngang. Thậm chí có mâm cơm vẫn còn ăn dở... Các ông đã vô cùng ngạc nhiên, sao người ta lại có thể dễ dàng vứt bỏ mọi thứ đến như vậy.

Ông thuê một chiếc xe ôm đi ngang dọc thành phố. Có lúc như chợt nhớ ra điều gì, ông bỏ người lái xe một mình rồi lang thang, len lỏi vào cả những ngõ nhỏ. Người đàn ông đứng tuổi da thịt thắm đỏ, chiếc áo rét kiểu cũ khoác hờ trên vai, chân đi đôi dép da, cứ chậm rãi vừa đi vừa ngó nghiêng, lẩm bẩm. Ông qua bưu điện, qua đài truyền hình, vào bến xe nội tỉnh, qua hồ nước trung tâm. Hồ nước giờ đây đẹp lên rất nhiều. Bao quanh hồ là những dải hoa đủ màu sắc. Con đường nhựa như một đường viền làm cho cảnh sắc hồ thêm duyên dáng, thơ mộng. Ngày đó ông đâu có thời gian và tâm trí mà ngắm cảnh. Giờ đây, đứng bên hồ, ông ngẩn ngơ nhìn trái, nhìn phải. Chẳng nhận ra điều gì ở đây, ông lại đi. Đứng ở đài phun nước trước cổng chợ, ông cũng không nhận ra phương hướng. Những ngôi nhà nguy nga mới xây đã án ngữ hết tầm nhìn khiến ông không sao tìm được vật chuẩn cũ. Ông chỉ nhớ biệt thự cuối cùng ông ở, mé trái, cách một khoảng đồi thông có hàng rào là một đại lộ. Cổng ra vào có một gốc trạng nguyên và rất nhiều chậu lan... Ông nhớ, hình như đứng mé phải mà nhìn về hướng tây có thể thấy mặt nước hồ lấp loáng lúc chiều buông nắng. Ông đi qua con đường có nhiều biệt thự bỏ hoang lâu ngày, chẳng có cái nào như trong trí nhớ ông. Ông chẳng thể hỏi ai. Thành phố có nhiều nhà mới, nhiều chủ mới. Nơi đây toàn người mới đến, chẳng ai có thể giúp được ông.

Giờ thì ông đang ở đây. Xuống hết dốc, con đường đột ngột quặt phải. Từ đây, đoạn đường lát bê tông lại ngoặt lên. Lên hết dốc là ngôi biệt thự nhỏ. Ông nghĩ đây chính là ngôi nhà của Ngọc Trâm. Ngôi biệt thự có lối kiến trúc của miền ôn đới, mái ngắn mái dài, cửa sổ có mái vòm, phòng khách có lò sưởi... Dưới cửa sổ giữa của tường nhà phía đông, ở phần móng có viên đá ốp xù xì màu xám xanh, khác hẳn với các viên xung quanh. Ông nhớ nó vì một lần Ngọc Trâm đã chỉ cho ông và bảo rằng phía sau bức tường, ngay chỗ đó là nơi Ngọc Trâm đặt giá vẽ. Không biết viên đá còn không...
Có một điều làm ông băn khoăn, nếu đúng là ngôi nhà này thì phía trái, hồi trước trồng mấy khóm hồng sao giờ đây lại là một nhà trệt làm ra như để bán hàng. Mấy gian này có thể mới xây lên để phục vụ cho việc mưu sinh? Bây giờ ông mới xác định được ngôi biệt thự ngày đó. Đúng cái nhà các ông từng đã ở kia rồi. Đứng ở đây, ông không nhận ra nó, bởi chủ mới, có lẽ là một người giàu có, đã xây thêm vào bên phải nó một ngôi nhà kiểu mới. Toàn bộ cổng và tường rào của ngôi nhà cũng đã được làm lại. Đoạn đường trên đó xuống đây hồi ông vẫn đi lại đã bị chắn. Quãng đường ông vừa đi qua là quãng mới được mở.

Còn nhà này, phía trước mấy gian mới xây, áp sát hiên có một bồn non bộ được ghép cẩu thả và sơ sài, rải rác chung quanh là những chậu tiểu hồng môn, địa lan các loại... Một dàn lưới khung sắt phía trên để che nắng, lủng lẳng phía dưới là những dò phong lan nhiều loại... Khác với các nhà khác là hoa lá tốt tươi, các dò lan, các khóm hoa, chậu cảnh ở đây hoa lá úa tàn, cằn cỗi như đã lâu không được tưới tắm, không có người uốn nắn, cắt tỉa. Cây cối trong mảnh vườn nhỏ trước nhà cũng vàng lụi, lá rụng đầy trên lối đi. Chỗ ông đứng, cỏ dại đã bắt đầu mọc lên từ những kẽ nứt của tường, của chiếc sân bê tông xám.
Không để ý đến người xe lai đang sụp mũ, vẩn vơ hút thuốc dưới chân dốc, ông vừa dợm bước vào sân, một thiếu phụ trong bộ đồ hở vai màu thiên thanh bất ngờ từ trong nhà ngang bước ra. thiếu phụ hơi nghiêng mình, khuôn mặt héo hắt một nụ cười: - Chào... Quý ông. Dáng điệu rụt rè, giọng nói ngập ngừng, nhẹ như gió thoảng.

Sững người, thoạt nhìn ông tưởng ngôi nhà chẳng có người ở. Ông vẫn đinh ninh vậy. Ôi, Ngọc Trâm? Chẳng lẽ là Ngọc Trâm? Da trắng, cái cổ cao xanh xao, sợi dây chuyển mỏng mảnh trên mảng ngực gầy. Một vẻ đẹp cao sang của thời quá vãng. Chẳng lẽ Ngọc Trâm không còn nhận ra ta. Ta thay đổi hay bấy nhiêu năm tháng đã làm phai nhạt ta trong em. Không phải, người này giống Ngọc Trâm quá. Cũng dáng người mảnh dẻ, cũng cái mũi thẳng nhỏ nhắn, cũng cặp kính cận trên khuôn mặt thanh tú... Chỉ khác chăng, lúc nhìn nghiêng người này trán hơi dô một chút.
Ngọc Trâm quý phái và sang trọng như một bông huệ trắng. Ông nhớ lúc bác Tảo dẫn ông về đây, bước vào phòng khách ông bắt gặp một thiếu nữ, nàng ngồi bất động như một pho tượng, pho tượng đang mơ màng bên giá vẽ. Cô quay đầu khẽ gật rồi trở về tư thế cũ. Anh sững sờ. Sao lại có người đẹp đến vậy. Vẻ cao sang từ khuôn mặt, từ dáng vóc của người con gái thành phố lần đầu ông được gặp...

Đơn vị ông chiến đấu ở chiến trường nam Tây Nguyên, suốt gần ba năm trời chưa lần nào bọn ông bắt gặp một hình bóng người phụ nữ. Nét dịu dàng của cô gái trẻ gieo vào lòng anh giải phóng một nỗi xốn xang. Ngồi nghe bác Tảo tới tấp hỏi chuyện quê hương mà anh như một kẻ phân tâm.
Trong lúc các đơn vị khác đánh Buôn Ma Thuột thì đơn vị ông được lệnh áp sát thành phố phía nam này. Buôn Ma Thuột được giải phóng. Khi các ông vào thì ở đây đã không còn một bóng địch, vào thành phố, điều mà lây nay các chàng lính trẻ như ông chưa bao giờ nghĩ tới. Các ông ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, vẻ nguy nga của nhà cửa và bỡ ngỡ, vụng về trước các tiện nghi sinh hoạt và sự hiện đại của các vật dụng.

Thành phố bây giờ, sau mấy chục năm đã đẹp lên rất nhiều. Ngồi sau chiếc xe máy cũ kỹ và có vẻ tàn tạ như chủ nó, ông nói với người xe lai cảm nhận của mình. Người cầm lái cho xe chạy chầm chậm, đáp lời. Tiếng nói của anh ta tan loãng trong gió. Ông trước cũng là bộ đội?... Thế anh có đi lính không? Có! Tuổi chúng ta thời đó ai mà chẳng phải cầm súng. Có chăng sự khác nhau là ở bên nọ hay bên kia... Vâng, ông tiếp lời. Nhưng bây giờ thì... Thành phố đẹp lên nhiều phải không anh. Người lái xe yên lặng. Đường phẳng lỳ thoai thoải, xe trôi chầm chậm qua những vạt thông có bóng nắng thấp thoáng. Thế hồi thành phố giải phóng anh ở đâu? Tôi ở ngay đây. Trước đó thì tôi có mặt nhiều nơi, Quảng Trị, Khe Sanh, Lào. Lính trận thứ thiệt mà ông... Mà hình như ông đang muốn tìm điều gì đó?...

Một buổi chiều, sau ngày vào thành phố đâu năm, sáu ngày, trước cổng biệt thự nơi các ông đóng quân có một người đàn ông lạ xuất hiện. Hỏi ra mới biết ông ta đi tìm các chú giải phóng người đồng hương. Đồng đội gọi toáng tên ông. Ông hồi hộp chạy ra cổng. Trước mặt ông là một người đàn ông trạc độ tuổi sáu mươi, da ngăm đen, khoác ba đờ xuy, chân đi dép. Ông có nét mặt phúc hậu, mắt nhìn hiền từ. Ông tự giới thiệu tên là Tảo, người huyện D, tỉnh N. Bác Tảo hỏi chuyện ông. Bác hỏi từ cánh đồng làng đến phiên chợ quê. Bác hỏi cả những người mà ông không hề biết. Mãi đến lúc nghe ông kể chuyện sông nước, chuyện chợ búa quê mình Bác Tảo mới tin. Bác ôm choàng lấy ông như người thân lâu ngày gặp mặt. Bác Tảo nói rằng từ ngày xa quê, đã ngót ba chục năm, hôm nay mới được nghe giọng nói của quê hương, mới được gặp một người cùng quê. Những giọt nước mắt, những lời nói của người đàn ông mà mấy phút trước đây còn xa lạ đã làm ông xúc động khôn tả. Chính ông, đã mấy năm không được về thăm nhà. Chiến trường Tây Nguyên xa xôi, gian khổ ác liệt quá. Cái ôm choàng, cái vỗ lưng của bác Tảo đã làm cho ông rưng rưng xúc động như được gặp chính bố đẻ của mình. Ông hẹn với bác thế nào cũng sẽ đến thăm gia đình và như lời hẹn, hai ngày sau ông đã đến. Bác Tảo mừng rỡ chạy ra tận cuối sân để nắm tay ông dắt vào. Bác bảo con gái mau mau lấy các thứ để tiếp khách quý. “Pho tượng” ngoan ngoãn rời chỗ vào phòng trong bưng ra một khay hoa quả và đồ uống đặt lên bàn. Cố lí nhí mời khách rồi quay về chỗ cũ, mắt như không hề nhìn lên. Chính vẻ xinh đẹp và bí ẩn kia đã gây cho ông lúc đó vẻ tò mò... Con uống nước và ăn hoa quả đi, cứ tự nhiên đi nghe... Cái giọng miền Bắc quê anh pha chút giọng Nam Bộ của bác Tảo có một nét gì vừa thân thuộc, ấm cúng lại vừa như xa lạ làm ông trở nên rụt rè. Ông đảo mắt tò mò nhìn quanh. Bác Tảo bảo bà ấy đã mất, đứa con gái lớn dại dột theo người ta đi rồi. Bác chỉ Ngọc Trâm. Con em học đại học Mĩ thuật Sài Gòn về chơi nhà, không kịp xuống trường... Ngày hôm nay là ngày mà bác đã mong mỏi suốt mấy chục năm nay. Năm 36 bác theo người ta đi đồn điền cao su rồi trôi dạt lên đây. Suốt bao nhiêu năm người ta tuyên truyền, hù hoạ về sự dã man, hung ác của Việt Cộng, à, cách mạng, nhưng bác đâu có tin. Mấy ngày nay được chứng kiến bộ đội vào thành phố, đã chẳng có điều gì xảy ra, bác càng tin. Thật tiếc cho những ai vội vã ra đi.

Lần thứ hai ông đến thì Ngọc Trâm đã cười và tiếp chuyện - Thiệt kỳ lạ anh ha. Mới tháng trước đây em và anh ở hai bờ chiến tuyến. Vậy mà... Cô cười, nụ cười hồn nhiên càng làm khuôn mặt Ngọc Trâm thêm ngời sáng. Cho mãi tới lần gặp sau ông mới dám nhìn thẳng vào khuôn mặt xinh đẹp của Ngọc Trâm - Họ tuyên truyền dữ lắm anh à. Họ bảo Việt Cộng chui rúc trong hang, trong rừng, ăn cây ăn cỏ lâu ngày, chẳng khác chi con thú nên thế nào cũng mọc đuôi... Họ nói đi nói lại, nói riết rồi cũng có người tin. Sinh viên bọn em, những đứa con nhà giàu, con công chức, ít tham gia phong trào có đứa vẫn tin cơ mà. Thật ghê gớm thay cho cái việc tuyên truyền, nhồi sọ.

Ngọc Trâm cười, Ngọc Trâm nói, cô hồn nhiên như trẻ nhỏ. Hôm gặp đầu em làm anh ngại quá. Ngọc Trâm dướn mày: - Sao vậy anh? - Tại em lầm lì, cao sang... Ngọc Trâm phá lên cười: - Không dưng, một ông "Việt Cộng" vũ trang đầy mình vào nhà sao không sợ. Anh tính từ nhỏ chỉ nghe người ta tả "Việt Cộng" có đuôi, "Việt Cộng" hung ác... giờ một "Việt Cộng" mang súng ống vào nhà... Dù không tin người ta nói nhưng cũng quá đột ngột... Ai biết "Việt Cộng" thế nào. Tuổi trẻ hồn nhiên và dễ đồng cảm. Anh giải phóng trẻ và cô sinh viên sau mấy ngày lạ lẫm đã nhanh chóng hoà hợp. Ngọc Trâm có một tâm hồn trong trắng, nhạy cảm, lần đầu tiên tiếp xúc với một chiến sỹ giải phóng, người của phía “bên kia” bằng xương bằng thịt, có lẽ những gì gọi là cách mạng đang như một luồng gió mát, tươi mới. Cô mở rộng mọi cánh cửa tâm hồn để đón nhận một cách sung sướng, hồn nhiên và mãn nguyện.

Dạo đó Ngọc Trâm đang mê mẩn ngắm một bức tranh, cô không cho ông xem. Lúc nào thấy ông đến, dù đang ngắm cũng lấy tấm vải đậy lại. cho mãi mấy hôm sau ông mới hiểu rằng Ngọc Trâm giấu, không cho ông xem bức ảnh bởi chưa biết “quan điểm thẩm mĩ của Việt Cộng” thế nào. Người ta đã tuyên truyền cho các cô rằng "Việt Cộng" không có tim, họ chỉ biết bóp cò súng... Một hôm, sau buổi tuần tra buổi chiều, ông được Ngọc Trâm nhắn xuống có việc. Ông băn khoăn không hiểu có việc gì. Xuống nhà Ngọc Trâm, ngồi lâu ở phòng khách mà chưa nghe cô nói về việc gì. Ngọc Trâm chỉ giục ông uống nước, ăn bánh. Đang định hỏi có việc chi mà em nhắn xuống thì Ngọc Trâm bỗng đột ngột đứng dậy. Cô bảo ông đến gần, em cho xem cái này. Ông theo chân Ngọc Trâm đến bên cái giá có tấm vải phủ. Ngọc Trâm cầm tấm vải từ từ mở ra. Trước mắt ông là một bức vẽ. Ông thốt lên: Ôi, đẹp quá. - Cảm hứng để em vẽ nó là một đêm ngắm trăng trên sông Hương. Lần đó bọn em đi Huế... Thành phố mất điện, mặt sông cứ ngời lên dưới ánh trăng, trong em lúc đó có cảm xúc rất lạ. Ngọc Trâm đứng ngay sau ông. Hơi thở nhẹ thoảng, gió đưa hương thiếu nữ thanh tao... Và mùi thơm như được toát ra từ cả bức tranh... Mặt trăng lấp ló đâu đó sau những tảng mây cao. Bầu trời đêm trong veo làm nổi bật những ánh vàng đang dịu dàng lan toả. Mặt nước lấp loá những gợn vàng như quẫy như xao... Tất cả như là một khát vọng mơ hồ, một cái đích đang muốn vươn tới hay là một ước vọng thầm kín, một sự chờ đợi mong manh... Đứng ngây người một lúc ông chợt thốt lên: - Một bến sông trăng.

Cái câu ông bất chợt thốt lên đã được Ngọc Trâm lấy làm tên cho bức tranh. Một tình cảm dịu ngọt bâng khuâng len lỏi trong tâm hồn hai người. Thế rồi cái gì phải đến đã đến...
Và giờ đây ông đang ở rất gần "Bến sông trăng". Hội hưu trí tổ chức tham quan thành phố mấy ngày nên sau bấy nhiêu năm ông mới có dịp trở lại đây. Mấy ngày nay, suốt trên chặng đường cả ngàn cây số ông sống trong tâm trạng bồn chồn, hồi hộp và nôn nao khó tả.
Ba ngày sau, Sài Gòn giải phóng, đơn vị ông được nhận nhiệm vụ xuôi xuống để tham gia giải phóng các tỉnh miền Tây. Ra đi vội vã, ông chỉ kịp hộc tốc chạy xuống đây, đứng ngay chỗ này mà nói với Ngọc Trâm hãy chờ, thế nào anh cũng quay lại. Lời hứa buột ra từ trái tim ông, lúc đó là tiếng lòng thiêng liêng nhất ông có thể dành cho cô. Cái lời hứa mà cho mãi tới bây giờ, sau gần ba mươi năm mới được thực hiện. Nhưng sự quay lại này có ích chi, lòng ông thầm thì đau xót.

Hết biên giới tây nam lại lên biên giới phía Bắc, khi ông trở về thì ngày ấy đã quá cách xa. Vị trí mới làm ông có niềm say mê mới, tất cả, choán ngập hết cả những khoảng ký ức đẹp đẽ mà hồi mới rời xa nơi đây nghĩ sẽ chẳng bao giờ phai lạt. Về hưu rảnh rỗi, sự chống chếnh ngày đầu rồi cũng dần quen. Ông nhận ra những được mất trong suốt quãng thời gian mà người ta gọi là vẻ vang. Ông cũng đã từng nghĩ rằng mình được vẻ vang. Sự vẻ vang có lúc đã đưa ông tới sự nhục nhã, có sự nhục nhã nhìn thấy và có cái không hiện hình.
Ngồi sau xe đi dọc ngang thành phố, ông có lúc đã hoang mang. Chẳng lẽ mình không tìm thấy... Ngọc Trâm bây giờ ra sao nhỉ? Có lẽ...
- Sao ông đứng mãi thế, xin mời vào... Ông nhẹ nhàng ngồi xuống cái bàn kê sát cửa sổ, đưa mắt nhìn bao quát căn phòng.
- Thưa... ông dùng chi? Ông giật mình: - Gì cũng được cô ạ. Thiếu phụ bưng cho ông một li nước cam rồi lui vào sau bức bình phong có căng tấm lụa in khóm trúc. Người đàn bà cỡ tuổi ngoài năm mươi với chút nhan sắc chưa kịp tàn phai ngồi lặng như người mắc chứng trầm cảm.
- Này bà, sao quán ít khách vậy?
- Thành phố giờ đẹp bà nhỉ!
- Dạ, bây giờ có nhiều người giàu hơn thời... Bây giờ chủ nhà mới nghe ra.
- Bà sống ở đây một mình? Thấy mình lỡ lời, ông chợt lúng túng, là tôi thấy...
- Dạ, quý anh hình như từ xa tới...?
- Tôi từ miền Bắc vô... Nét mặt thiếu phụ như chợt sáng bừng lên một chút.
- Dạ, ông đã từng.. đến đây.

Không gian tĩnh lặng. Ngoài kia, bên kia thung lũng, mặt trời dọi qua những hàng thông thành những tia sáng hình rẻ quạt. Tường các biệt thự, thảm cỏ loang lỗ các vạt nắng.
- Tưởng rằng vào đây được hưởng không khí mát mẻ, vậy mà vẫn bị nóng...
- Tất cả mọi thứ đều có thể đổi thay chứ nói gì đến thời tiết hả ông. Thiếu phụ đột nhiên chua chát, ông tính, như cô em em đây... Em nhận ra ông rồi. chủ nhà gỡ kính lau nhẹ... Ông chỉ già đi nhiều chứ khuôn mặt vẫn vậy... Cặp mắt người đàn bà lấp loáng sau mắt kính. - Sao mãi tận bây giờ ông mới vô?... Thôi, để tôi đưa ông lên thắp hương cho... Người đàn bà đứng lên mở cửa nách. Ông lặng lẽ bước theo lối cửa mà thiếu phụ vừa mở ra. Phòng khách, nơi ngày trước bác Tảo tiếp ông bàn ghế vẫn chẳng có xáo trộn gì. Chỉ có cái án thư, có lẽ được đưa từ trên lầu xuống được kê làm bàn thờ. Ba tấm hình. Tấm hình Ngọc Trâm đặt hàng dưới. Từ trong ảnh bác Tảo nhìn ông ấm áp và trìu mến như ngày nào. Cặp mắt Ngọc Trâm bừng sáng, ông thấy xót xa. Tin Ngọc Trâm mất như một thỏi nước đá chà xát trái tim, giờ đây, ánh mắt nụ cười ấy lại làm ông thổn thức đau đớn. Ông ngậm ngùi xoè diêm châm nhang. Hai ánh mắt chập chờn sau làn khói sương. Mùi hương hoa huệ man mác khiến ông như bồng bềnh trong cõi hư vô.

Người lái xe đã bước vào nhà từ lúc nào. Khi hai người trở lại nhà dưới đã thấy ông ta ngồi ở đó, với vẻ mặt u hoài...
-. .. Sắp xuống tàu rồi tôi quyết định quay lại vì thương ba, thương em... Con bé nó mong ông biết mấy. Mấy năm sau giải phóng quá thiếu thốn. Quầy hàng này do ba xây cho chị em tôi bán cà phê kiếm sống. Giọng người đàn bà ngậm ngùi rủ rỉ làm ông chìm đắm vào một tâm trạng u uất. Người lái xe ôm lúc này nhấp nhổm, bồn chồn, cánh tay đen gầy guộc vò vò cái mũ vải và run lên từng đợt. Con bé bị bệnh hiểm nghèo. Ba tôi tốn không ít tiền bạc mà vẫn không cứu được. Em nó bạc phước phải không ông. Trước lúc từ giã thế giới này nó có dặn một điều, nếu ông có quay vô thì xin tặng ông bức “Bến sông trăng”.

Ông ngồi như hoá đá, mắt dán vào bức tranh mà người thiếu phụ đã gỡ từ tường xuống đặt trước mặt. “Bến sông trăng” vẫn tươi mới như ngày nào. Sóng nước như vẫn xôn xao quẫy đạp, ánh vàng vẫn lấp lánh như thao thức khôn nguôi. Khuôn mặt xinh đẹp của Ngọc Trâm chợt hiện về, cả những phút giây tươi đẹp của tuổi trẻ ông cũng hiện về. Vậy mà, nhìn bức tranh lúc này ông như thấy đôi mắt trong veo của Ngọc Trâm đang mở to nhìn ông đau đáu. Bức tranh là cảm xúc của một tâm hồn trong trẻo sao giờ đây nó như cuộn trào một nỗi đau khó gọi thành tên...
“Bến sông trăng” đã dẫn lối cho ông tìm được đến đây, nếu không... Cái biển “Cà phê Bến sông trăng” treo đầu con hẻm đã mách bảo ông. Tấm biển mi ca màu vàng, chữ màu cà phê nổi bật, treo ngang tầm nhìn mà mãi sáng nay ông mới nhận ra. Nâng bức tranh trong tay, ông nói trong sự ngậm ngùi.
- Vâng, vật đổi sao dời mà ông. Con người ta thật là...
- Thế ông là...
- Tôi trốn lính trước ngày giải phóng... Trước đây nhà tôi dưới kia. Người đàn ông đưa tay chỉ sang bên kia thung lũng. Tôi đã nghe nhắc nhiều về ông. Em bà đây gửi gắm vào ông biết bao nhiêu... Số phận ghép chúng tôi lại với nhau cho những ngày tàn... Giọng nói người đàn ông đột ngột trở nên chua chát... Nếu ông nói ngay từ lúc đầu thì đâu đến nỗi mất công như vậy.
- Em nó mất một năm thì ông già cũng qua đời. Hai năm sau thì tôi mới nhận lời với ông đây...
- Thôi, mình kể lể làm chi. Người đàn ông lảo đảo đứng dậy bước vô phòng trong. Bây giờ ông mới nhận ra chân trái anh ta là chân giả. Chiếc chân giả đã được tháo ra dựng vào vách. Tiếng nạng gỗ gõ lóc cóc vang khô khan trên nền gạch mà ông nghe như tiếng gõ từng nhát búa.
Ông bức bối nhìn ra. Ngoài kia, sương chiều buông ngập thung lũng, và bên kia đồi thông, các biệt thự đã oà sáng.
Đà Lạt, tháng 03 năm 2005
Viết lại, tháng 03 năm 2006
 N.N.L

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Các bài đã đăng
Đổi vợ (11/12/2008)