Tạp chí Sông Hương - Số 210 (tháng 8)
Cách viết kỳ ảo của văn học Mêhicô qua hai tác giả Juan Rulfo và Carlos Fuentès
14:30 | 23/12/2008
BỬU NAMI. Văn học Mêhicô ở thế kỷ XX, có lẽ được xem như một nền văn học năng động và sáng tạo nhất Châu Mỹ La tinh. Táo bạo trong những tìm tòi mới, linh hoạt uyển chuyển trong cách diễn tả, đa dạng phong phú trong cách sử dụng các cấp độ ngôn ngữ, sáng suốt trong cách chọn lựa đề tài, hình thức, ngôn ngữ: tiểu thuyết và truyện ngắn ở Mêhicô tạo được những không gian sáng tạo và đổi mới một cách tự do.
Cách viết kỳ ảo của văn học Mêhicô qua hai tác giả Juan Rulfo và Carlos Fuentès
Juan Rulfo

Nền văn học này có nhiều nhà văn nổi tiếng như José Revueltas Agustin Yanez, Salvador Elizondo, Juan Garcia Ponce, Jorge Ibarguengoitia, Juan José Arreola, Sergio Pitol, Fernando de Paso, đặc biệt có sự xuất hiện của một nền văn học nữ với Rosario Castellanos, Luisa Josefina Hernandeze1owska... Có thể thấy nhiều xu hướng đan xen: xu hướng huyễn tưởng, xu hướng hiện đại và hậu hiện đại, xu hướng hiện thực chính trị - xã hội hoặc thể hiện tách biệt, hoặc tổ hợp theo các thể tài: văn xuôi viết về đô thị, văn xuôi mới viết về nông thôn, văn xuôi tân lịch sử, văn xuôi tự sự - chứng cớ - phóng sự...
Trong cái nền đa dạng, phong phú những tìm tòi mới đó, hai tên tuổi đã đạt danh tiếng quốc tế với cách viết kỳ ảo và sự đổi mới nghệ thuật tự sự với cái nhìn hết sức nhân bản phối kết với sự tố cáo sâu sắc cái ác, cái xấu và những thực tại phi nhân đè nén, áp bức con người đó là: Juan Rulfo (1917 - 1986) và Carlos Fuentès (S.1928).
Bài viết dưới đây khảo sát cách viết kỳ ảo của hai nhà văn Mêhicô danh tiếng này, đặc biệt chú ý đến việc xử lý viễn cảnh tự sự độc đáo, nhiều cách tân với trí tưởng tượng huyễn ảo hết sức kỳ lạ, phóng túng.

II.
Juan Rulfo: “Vương quốc của những linh hồn” hay “lịch sử đạt tới tầm huyền thoại
II.1. Juan Rulfo là nhà văn Mêhicô tiêu biểu cho cách viết kỳ ảo của xu hướng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Có thể xem ông là người đại diện cho một trường hợp hiếm hoi đặc biệt, vì bất chấp sự nghiệp sáng tác rất ít ỏi, chỉ một tuyển tập truyện ngắn: El Llano en Llamas (Bình nguyên rực sáng, 1953) và một tiểu thuyết ngắn Pedro Paramo (1955), ông đã đạt được danh tiếng quốc tế và trở thành nhà văn cổ điển mới của văn học Mêhicô hiện đại.
Chính trong năm 1943, ông bắt đầu công bố truyện ngắn đầu tiên “Macario” và trong vòng mười năm ông chỉ viết được mười sáu truyện ngắn, sau in thành tập “Bình nguyên rực sáng” chính trong thời gian viết những truyện ngắn này, ông đẽo gọt, trau chuốt văn xuôi của mình.
Mặc dầu, khi mới xuất bản, tập truyện này chưa thành công hoàn toàn, nhưng sau đó ông đã để trong một năm rưỡi để hoàn thành một cuốn sách từ này mãi mãi gắn với tên tuổi của ông, cuốn tiểu thuyết Pedro Paramo. Và cuốn tiểu thuyết này nhanh chóng trở thành một tác phẩm cổ điển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Dưới đây chúng ta thử đề khảo sát một cách sơ lược hai tác phẩm của ông: “Bình nguyên rực sáng (1953) và Pedro Paramo.

II.2. “Bình nguyên rực sáng” là một tuyển tập truyện ngắn gồm mười sáu truyện xuất bản năm 1953 (lần xuất bản sau thêm vào một truyện, thành mười bảy truyện) tập truyện gây ấn tượng mạnh bởi vũ trụ mà chúng tạo ra: Tất cả các truyện đều tái tạo một không khí của miền gần thành phố Gúzman. Đó là một vũ trụ kỳ ảo được dựng nên bằng sự im lặng, bằng sự hung bạo và bằng nỗi cô đơn.
Hầu như mọi truyện đều được viết ở ngôi thứ nhất. Đó là kiểu người nông dân bị tước đoạt mọi thứ, bị nghiền nát bởi môi trường thù địch chung quanh, và nhẫn nhịn, cam chịu đối mặt với định mệnh đè nặng trên một cách bi đát. Đó là một người kể truyện thường khi tự phó mình trong một LLano (bình nguyên) không ân cần niềm nở bởi sự cằn cỗi và sự nghèo nàn của nó. Không thể có khả năng thông cảm, hắn không thể chờ đợi một sự cứu giúp của bất cứ ai và ngay cả những mối quan hệ vợ - chồng, hay cha - con cũng thấm đẫm nỗi oán hận và bạo lực. Còn xa mới có thể trông cậy vào tôn giáo vì nó quay về phía mê tín lôi cuốn các cá nhân vào vòng xoáy của nó. Từ đó, tác phẩm toát lên giọng điệu khôi hài đen, một sự hài hước đầy tuyệt vọng, nhấn mạnh đến sự hão huyền của Ki-tô giáo.
Sự tĩnh lược, điều không nói ra (non - dit), sự hàm ẩn là đặc trưng của loại văn xuôi cô đặc và tiết chế của Rulfo, với một sự căng thẳng dồn nén của không khí truyện.

II.3. Tiểu thuyết Pedro Paramo (1955) là một tác phẩm hết sức độc đáo bởi hình thức và chủ đề đặc biệt của nó. Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết đều là những kẻ đã chết, họ tồn tại như các bóng ma và như là các giọng nói vọng lại từ cõi âm nhắc người ta nhớ lại cuộc đời sự thống trị của một cauchillo (một thủ lãnh) ở ngôi làng Comala.
Cuốn tiểu thuyết đã phản ánh không khí bi quan cay đắng sau cuộc cách mạng, và tạo dựng một cảm giác bị phản bội vì cuộc cách mạng không đem lại sự tự do và công bằng, chủ nghĩa gia trưởng vẫn tồn tại nhưng đã mục nát làm cho cộng đồng xã hội nông thôn trở nên một địa ngục hơn là một thiên đàng nhỏ bé của Chúa.
Với kỹ thuật tinh xảo của nghệ thuật kể chuyện hết sức phức tạp, với sự cô đặc của từ ngữ, Rulfo đã nắm bắt được toàn cảnh của Mỹ - La Tinh ở giữa thế kỷ hai mươi - một thế giới nông thôn đang khủng hoảng phân rã và một thế giới hiện đại đáng sợ đang tiến triển trong sự vận động không thể hiểu được của nó.
Về mặt hình thức, tiểu thuyết gồm 69 đoạn dài ngắn không đều nhau, được xác định ở các thời gian khác nhau. Pedro Paramo được cấu tạo bằng sự lắp ghép các mảnh vỡ.

Ta có thể nhận ra hai chuỗi truyện: chuỗi thứ nhất ở thời hiện tại và được kể ở ngôi thứ nhất với nhân vật vừa là người kể chuyện Juan Preciado trở về ngôi làng Comala, nơi mà ở đó mẹ chàng đã bị xua đuổi ra khỏi làng, để cố gắng tìm hiểu cha mình là Pedro Paramo, người thủ lĩnh địa phương.
Chuỗi truyện thứ hai, ở quá khứ và được kể ở ngôi thứ ba, được tổ chức chung quanh hình ảnh của viên thủ lĩnh Pedro Paramo và miêu tả những chặng đời trước đó của nhân vật và các giai đoạn của cuộc đời y.
Tiểu thuyết với cấu trúc như vậy, như muốn thể hiện một chủ đề có tính khái quát hơn đó là sự tìm kiếm người cha, tìm kiếm bản sắc và những gốc rễ của chính con người, vượt ra xa khỏi tính bản địa Mêhicô và đặt ra những vấn đề của nhân loại nói chung, nêu lên những mối quan hệ giữa người cha và người mẹ, mối liên hệ giữa người đàn ông - người phụ nữ, những tình huống của quyền lực và với một sức mạnh và sự căng thẳng tạo nên một tác phẩm lớn của văn hóa hiện đại Mỹ - La Tinh trong một tiểu thuyết ngắn.

Tiểu thuyết được lắp ráp bằng những mảnh vỡ từ quan điểm về thời gian, Pedro Paramo trình bày một sự kỳ dị khó tin xét về viễn cảnh tự sự: Sự sống và cái chết hòa lẫn vào nhau trong phương cách mà ở đoạn thứ 36, việc kể chuyện ở ngôi thứ nhất bởi nhân vật Juan Preciado được thực hiện từ nấm mồ của chàng khi người ta vừa mới chôn chàng xong. Ở ngôi làng Comala, ngôi làng chết chóc, những linh hồn khổ ải lang thang trở về góp thêm lời kể chuyện. Rulfo sử dụng thủ pháp đa chủ thể kể chuyện và các chủ thể kể chuyện này tiếp sức cho nhau, nhưng có điều đặc biệt họ là những bóng ma. Tiểu thuyết kỳ lạ thay, vẫn có sự cân xứng, không rơi vào dễ dãi hay biếm họa, nhờ một nguồn sinh lực đặc biệt của sự tạo dựng không khí qua cách kể biến hóa, làm sống động thiên truyện, mà ở đó, lịch sử thật đã biến thành huyền thoại.

III. Carlos Fuentès: Lắng nghe toàn bộ thế giới trong độ căng của lịch
sử và huyền thoại

III.1. Carlos Fuentès là nhà văn lớn nhất của nền văn học Mêhicô hiện đại, ông cũng là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Mỹ - La Tinh thế kỷ XX. Nhà viết tiểu thuyết này là một trong những nhà canh tân vĩ đại và là một trong những lý thuyết gia của nền thẩm mỹ mới ở châu lục này. Xuất thân trong một gia đình làm nghề ngoại giao, ông đã am hiểu nhiều quốc gia trong thời kỳ ấu thơ và thanh niên, điều đó cho phép ông sở đắc một nền văn hóa thế giới rộng lớn và có khả năng dễ dàng diễn đạt trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Được giáo dục ở Mỹ trong thời niên thiếu, ông sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và điều này cho phép ông là người hùng biện cho nền văn hóa Mêhicô ở đó.
Toàn bộ các tác phẩm của ông bộc lộ mối quan tâm đến văn hóa và lịch sử Mêhicô.

III.2. Ngay từ tuyển tập truyện ngắn đầu tay, Los diás enmáscarados (Những chiếc mặt nạ thần thánh, 1954), ông đã đề cập một trong những chủ đề ưa thích nhất, đó là dấu ấn của văn hóa da đỏ dưới bề nổi của nước Mêhicô đương đại với cách viết kỳ ảo.
Tiểu thuyết huyễn tưởng đầu tiên của ông, Región mas transparent (Miền đất trong lành nhất, 1958), ngay từ khi mới ra đời đã gây ra những cuộc tranh cãi và luận chiến say mê. Tiểu thuyết này bao quát các mảng thực tại đa dạng của Mêhicô từ cao đến thấp của mọi bậc thang xã hội, tạo nên một viễn cảnh về lịch sử và văn hóa của quốc gia này. Ở đó, có sự quấy động và mỉa mai nhằm tấn công vào quan điểm chính thống đã xác lập. Vả chăng ở tiểu thuyết này đã mở ra một quan điểm mỹ học mới và một cách viết không thuần khiết, đầy đam mê, đối lập với cách viết hàn lâm. Được xem như là một tuyên ngôn của sự đổi mới tiểu thuyết, mà qua đó Fuentès là người truyền bá có chủ đích và hùng biện và như vậy tiểu thuyết này trở thành một khuôn mẫu và một nguồn cảm hứng cho các nhà văn trẻ lục địa sau này.

Đây là một tác phẩm huyễn ảo mô tả “tổng hợp về hiện tại của quốc gia Mêhicô”, một tiểu thuyết viết về tổng thể thủ đô Mêhicô sau cách mạng thông qua một loạt các nhân vật thuộc các tầng lớp và những nghề nghiệp khác nhau. Nó như phóng chiếu một tia quang tuyến vào thủ đô và qua đó, toàn bộ xứ sở. Thủ đô Mêhicô, cuối những năm 50, với sự di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành thị, với sự tăng trưởng dân số khủng khiếp, và nó trở nên quái dị, nơi này tập trung và tổng hợp của mọi vấn đề của quốc gia. “Miền đất trong suốt nhất” ám chỉ thung lũng Anahuác, trở nên một vùng đất ô nhiễm nhất, đầy mâu thuẫn và bất công. Nhan đề tiểu thuyết chỉ cái nhìn lố bịch hóa và giọng điệu mỉa mai, phản xu thời, tạo ra một dấu ấn chủ đạo của tiểu thuyết. Tiểu thuyết đặc biệt chú ý thể hiện tầng lớp trưởng giả mới thoát thai từ cuộc cách mạng và cả tầng lớp bên lề sống ở khu ngoại vi ổ chuột khốn cùng. Qua nhân vật trung tâm có tính chất huyền thoại, Ixca Cienfuegos (một sự kết hợp giữa tên người Tây Ban Nha và tên của người da đỏ Aztec), xuyên qua mọi không gian có tính chất biểu trưng của tiểu thuyết, Fuentès khẳng định sự tồn tại dai dẳng của những mô thức xưa cổ của người da đỏ và sức nặng của quá khứ làm nhòe đi hiện tại.

Tiểu thuyết kỳ ảo này về mặt nghệ thuật, sử dụng mọi văn phong, mọi giọng điệu, mọi kiểu ngôn từ (ngôn ngữ thông tục ở giới bình dân dưới đáy cũng như ngôn từ của giới trưởng giả bị Mỹ hóa), và chúng được đặt cạnh kề nhau, tạo ra một kiểu “tiểu thuyết - dán ghép” (roman - collage), bẻ gãy tính đơn tuyến của thời gian, gợi ra sự đồng hiện, phác họa một bức tranh sử thi đầy say mê cả một xã hội rộng lớn.

III.3. Sau tiểu thuyết này, một tác phẩm khác hết sức nổi tiếng quốc tế của ông “La muerte de Artemio Cruz” (Cái chết của Artemino Cruz, 1962). Đây là một tiểu thuyết kỳ ảo chặt chẽ hơn tiểu thuyết trước, thay vì bao quát toàn bộ cả thành phố đa dạng, đa hình qua hàng loạt chân dung các nhân vật quan trọng, ở đây, Fuentès chỉ tập trung vào một điểm nhìn của một nhân vật biểu trưng, A. Cruz để gợi ra những suy nghĩ về cuộc cách mạng bị phản bội.
Artémio Cruz là một lãnh tụ của cuộc cách mạng xuất thân khiêm tốn từ một trại ấp nhỏ bé, nghèo nàn, ông là một người con lai bất hợp pháp và hiện thân cho tham vọng quyền lực, muốn thành đạt ở lãnh vực chính trị. Fuentès đã đề cập đến bi kịch của sự hiện đại hóa: A. Cruz là hóa thân của cuộc cách mạng bị phản bội, nhưng ông cũng là một nhân vật cảm động, ông đã trả giá cho sự lựa chọn quyền lực, việc sống thỏa hiệp, đánh mất lý tưởng cách mạng và cả bản thân. Truyện kể về những giây phút cuối đời của nhân vật đang hấp hối và đang ở trong trạng thái ảo giác tại bệnh viện. Ở đó, ông ta hoài nhớ một cách lộn xộn các giai đoạn chủ yếu của cuộc đời mình trùng khít với những thời kỳ lớn của xứ sở ông. Câu chuyện từ hiện tại trở về quá khứ cho thấy chân dung một con người và cả quá trình lịch sử một cách độc đáo.

Cấu trúc tiểu thuyết trộn lẫn cấu trúc các lớp thời gian: quá khứ ngược lên phía trước, gián tiếp qua ký ức ảo giác của ông già A. Cruz, tạo thành một tấm màn hỗn độn của chính ký ức và cuộc sống. Tác phẩm sử dụng xen kẽ ba lớp thời gian: ở hiện tại, người kể chuyện nhân vật tôi, ngôi thứ nhất gợi ra những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình đang dần dần tan biến khỏi sự sống, phía khác, là quá khứ, được ghi lại ở ngôi thứ ba bởi một người kể chuyện biết hết mọi sự, và lớp thời gian thứ ba đáng ngạc nhiên sử dụng ngôi thứ hai, ngôi “mày, mi” kể ở “thì tương lai’ nhưng lại nhìn về các sự kiện quá khứ. Lớp thời gian thứ ba này có lẽ là tiếng nói huyễn tưởng của tiềm thức, hay là sự đối thoại của nhân vật với bản thân mình chăng? Ba lớp thời gian đan xen này và ba kiểu người kể chuyện (“Tôi, mi, hắn”, “je, tu, il”, “I, you, he”), thiết lập một trò chơi của sự kể chuyện, chứng tỏ Fuentès có ý định muốn biến đổi các quy luật của nghệ thuật tự sự và tạo ra sự độc đáo của tiểu thuyết. Nhờ sự phân mảnh tự sự và thời gian này, một bức tranh sinh động theo kiểu dán ghép những mảnh khác nhau đầy mâu thuẫn của thực tại được thể hiện một cách toàn vẹn với toàn bộ bề dày của nó.

III.4. Cũng trong năm 1962, ông cho ra đời truyện ngắn Aura (Ánh hào quang), một truyện ngắn đầy bí ẩn và rất thành công, được dựng thành phim sau đó, nêu lên tính hai mặt đối nghịch phức tạp của cá tính và nhận thức của con người.
Những tiểu thuyết huyễn ảo kế tiếp của ông như Cambio de piel (Thay da, 1967), Fuentès có tham vọng thăm dò mê cung tinh thần của tầng lớp thượng lưu có liên quan đến lịch sử Mêhicô. Ông cũng muốn đề cập vấn đề bản sắc phức tạp của cá tính con người, mở rộng ra vấn đề của toàn nhân loại qua trường hợp đặc thù của Mêhicô. Tiểu thuyết kỳ ảo Terra Nostra (1975) là một hư cấu tóm tắt ba thế kỷ của Tây Ban Nha, trong đó Fuentès muốn tìm hiểu một cách tổng hợp giữa sự thống nhất của Tây Ban Nha bị áp bức dưới sự lãnh đạo của vua Philip II và sự tự do đa nguyên mà nó khước từ. Tiểu thuyết này một lần nữa đặt lại vấn đề bản sắc văn hóa cũng như tạo nghi vấn về cơ chế của thực tại và ngay cả khái niệm truyện kể.

Tiểu thuyết sau cùng của ông Christopher Unborn (Christophe chưa sinh, 1989) thể hiện một cách nhìn không tưởng, khải huyền về thời đại hoàng kim của nước Mêhicô hậu công nghiệp và hậu hiện đại.
Fuentès được trao rất nhiều giải thưởng quốc tế và khu vực (giải của nhà xuất bản Biblioteca Breve 1967, giải thưởng Romulo Gallenos 1977, giải Alfonse Reyse 1979, giải Cervantès 1987...)
Fuentès luôn luôn quan niệm rằng văn chương là một con đường đặc biệt để nhận thức thực tại. Nó sáng tạo ra một vũ trụ riêng cao hơn thực tại, nó vạch trần những nét giấu kín và làm cho nó tồn tại, nó phi huyền thoại, mỉa mai và bác bỏ truyền thống của những thực tại chính thống dối trá.

III.5. Tác phẩm của ông có ý nghĩa canh tân thực sự về ngôn ngữ và hình thức văn chương qua sự du nhập những kỹ thuật tự sự mới (Trò chơi các viễn cảnh tự sự của các ngôi, các thì, sự liên tưởng, liên văn hóa, thủ pháp dán - ghép...) tạo ra sự đổi mới tiểu thuyết so với truyền thống.
Như đã nói trên, Carlos Fuentès rất chú ý đến sự cách tân về hình thức và ngôn ngữ văn chương, nhưng ông cũng đã nêu lên trách nhiệm dấn thân, sự phản kháng, lương tri, và việc chiến đấu cho sự thật của nhà văn. Ông viết: “Trong những quốc gia không có tự do diễn tả, tự do ngôn ngữ, khi mà giới cầm quyền độc chiếm các phương tiện thông tin cùng với sự kiểm soát độc quyền về kinh tế và xã hội, thì các nhà văn phải làm nổi bật tiếng nói của sự thật, của tự do, phải làm hiện rõ lương tri, phải cho thấy những điều ô nhục và phải phát hiện một cách tỉ mỉ, chăm chút những mâu thuẫn, những điều mà giới cầm quyền che giấu”.
Và ông cũng đã cho rằng sứ mệnh nhà văn là phải thực thi một thứ nghệ thuật: “Nghệ thuật cho cuộc sống ở điều mà lịch sử đã ám sát. Nghệ thuật cho một tiếng nói mà lịch sử đã khước từ, săn đuổi. Nghệ thuật chuộc lại chân lý từ những dối trá của lịch sử”.
B.N

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

 

 



---------------
1. Robert Brody, Rossman (Eds), Carlos Fuentès, A Critical view, Austin, University of Texas Press , 1982.
2. Claude Cymerman, Claude Fell, Histoire de la littérature hispano-américaine de 1940 à nos jours, Nathan Université, 1997.
3. Jean Franc, Jean-Marie Lemogodeuc, Anthologie de la littérature hispano-américaine du XXe siècle, Presses Universitaires de France, 1993.
4. Nguyễn Thị Khánh (chủ biên), Văn học Mỹ La tinh, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội 1999.
5. Aida Elsa Luis Harss, La narrative de Carlos Fuentes, Puerto Rico, Universidad de Puerto Rico, 1983.
6. Dorita Nouhaud, La littérature hispano - américaine: Le roman, la nouvelle, le conte, Dunod, Paris, 1996.
7. Beatrice Tatard, Juan Rulfo photographe, Esthétique du royaume des âmes, L'Harmatan, Paris , e1.


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thanh Tâm Tuyền (18/12/2008)