Tạp chí Sông Hương - Số 210 (tháng 8)
Người tù chăn dê núi Cẩm
15:34 | 23/12/2008
NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

Ngày ấy núi rừng thật bí hiểm, con người không đụng chạm đến rừng, đến cây lá. Ai vào rừng kiếm lâm thổ sản, đốn cây... thì có cái lễ xin rừng. Lễ là một con gà, cánh sơn tràng thì có đầu heo, mâm xôi, chai rượu và bông ba hoa trái, tùy mức độ của con người, miễn là lòng thành. Người ta bảo rừng thiêng lắm, kẻ nào xúc phạm đến rừng, đốn chặt bừa bãi là bị trừng phạt. Ham của rừng thì rưng rưng nước mắt.
Đèo Nhe nằm trên tuyến đường của hai tỉnh Tuyên- Thái, một bên núi cao rừng rậm, một bên rừng rậm suối sâu. Nước chảy ầm ào quanh năm. Con đường như sợi chỉ mảnh mai chạy giữa rừng xanh bất tận. Trong ngày cũng vắng bóng người, họa hoằn mới có tiếng vó ngựa của bà con dân tộc Tày, Nùng... qua lại như người sơn nhân. Kháng chiến, nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng, được canh gác cẩn thận. Cơ quan đóng ở rừng sâu, trong những cái lán dưới tán cây già, dọc triền suối, được gọi là An Toàn khu (ATK).

Không hiểu sao một cô gái xinh đẹp như Ngọc, dừng chân trên dặm đường khói lửa lại tấp về đây, mở quán qua ngày. Với cái tên
Quán Ngọc để các chàng trai trẻ có dịp lên về hai tỉnh Tuyên -Thái dừng chân và ngắm.
Anh chàng Điền là người hay đến quán, gần như chủ nhật nào cũng có mặt. Điền ở xa quán cả chục cây số. Chàng trai tú tài trường Bưởi Hà Nội lẽ nào không cảm mến một cô Ngọc đồng hương phiêu bạt lên đây. Để rồi duyên nợ kéo hai người vào trại giam, rồi sau chung thủy trọn đời, nhưng đó là chuyện dài sau này.

Ra khỏi cổng trại giam Cẩm Sơn, ông Điền đứng lặng nhìn trời, nhìn đất, nhìn mông lung... nhìn người qua lại trên quốc lộ số 3 hết sức vội vàng. Người nào cũng đội mũ rơm, vòng lá ngụy trang. Cả nước lại đối mặt với cuộc chiến tranh chống Mỹ, một tên xâm lược giàu mạnh và tàn bạo nhất hành tinh. Vì thế mà ác liệt hơn cuộc chiến chống Pháp mà thế hệ ông Điền tham gia ngày Hà Nội khói lửa, rồi lên rừng và ông bị vạ. Ông không hiểu do đâu, tại làm sao mà họ có thể gán cho ông cái tội ấy. Tội làm gián điệp. Ông thông thạo tiếng Pháp. Ai đã học bậc trung học thời ấy mà chẳng thông thạo tiếng Pháp như ông. Ông nói chuyện với một sĩ quan cấp tá bị ta bắt làm tù binh.
Ông nhớ như thuộc làu những gì mình đã nói với viên sĩ quan Pháp ấy, và thậm chí nói rất hoa mỹ, đúng lập trường: Cuộc chiến tranh mà chính phủ Pháp gây nên là phi nghĩa, chính nhân dân Pháp cũng lên án và ủng hộ cụ Hồ Chí Minh. Một sĩ quan cấp tá như ông đã tham gia đánh Đức Hít-Le bị cụt một tay, ông phải là người ủng hộ chúng tôi kháng chiến, như các ông kháng chiến chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp.

Tên thiếu tá De Courté đi đường dài ngày, áo quần lem luốc râu ria xồm xoàm, tiều tụy như người ăn mày trên nẻo đường chiến tranh. De... cúi gầm mặt lấm lét nhìn anh bộ đội cụ Hồ giảng cho nghe bài học vỡ lòng về một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Anh ta giỏi tiếng Pháp, còn hơn cả người Pháp ít học, lại còn tặng De... cả nải chuối với mấy điếu thuốc lá mà hắn thèm rỏ dãi. Viên thiếu tá tù binh và có lẽ là cả Ngọc, họ đoán rằng: anh này nhất định là cấp chỉ huy trong bộ đội cụ Hồ. Họ đâu biết, Điền chỉ là một chiến sĩ bình thường của cục Địch Vận có nhiệm vụ thông dịch, viết những tờ truyền đơn bằng chữ Pháp để gửi đến nơi nào có binh lính Pháp đóng đồn, vô vùng tạm bị chiếm. Điền làm việc ấy quá khỏe, chẳng khác nào một sinh viên đi làm gia sư cho cô cậu đang học tiểu học. Vì thế anh có thời gian đến quán Ngọc tán chuyện cho vui và cũng để khỏa lấp thời gian hàng ngày.

Ông Điền quá xúc động, được nhìn mây trời, sông núi tự do. Đành rằng những ngày tháng chăn đàn dê đông mấy trăm con, chẳng bị ai câu thúc. Sáng mở chuồng, đàn dê chen lấn xô đẩy, con nào cũng có mục đích riêng; con thoát ra đi kiếm sống, con đực xồm thì chăm chăm vào chuyện ấy, con nhỏ bị kẹt, kêu lên như ai đâm cổ. Ông đem theo bi đông nước, một quyển sách, đôi khi vớ được quyển sách hay, nguyên bổn tiếng Pháp của các tác giả lớn: Dumas, André Maurois, ... thế là vui rồi. Ông đọc như ăn tươi nuốt sống con chữ in trên trang giấy ố màu. Khẩu phần trưa đạm bạc khó ai tin, nhưng là sự thật: vài khúc sắn với dúm muối. Cả nước khó khăn về lương thực, gạo cho bộ đội, cán bộ cũng hụt hơi, nhiều tháng mậu dịch xin khất nợ, đào đâu ra gạo ăn cho tù nhân. Những năm sau ở trại, quản giáo, rồi giám thị trưởng cũng nể ông, họ lấy làm tiếc, nếu ông không bị cái vạ tiếng Tây thì bây giờ ông là sếp của sếp trại trưởng này. Không ai quản ông, nhưng ông vẫn là người tù, người tù chăn dê.

Giờ đây ông ra khỏi trại, có giấy tờ hẳn hoi, do ông thứ trưởng ký. Ông đi một đoạn đường khá dài, dài đến bốn- năm cây số và nhìn lui, trại giam sau núi mờ dần. Nơi ấy đã giữ lại của ông thời gian hơn mười năm. Cuộc đời tù quá đắng cay mà ông chẳng biết vì sao thượng đế lại chọn ông. Trong khi ông gánh chịu, chẳng một cơ quan nào, hay một ai tra cứu xét lại cho ông nhờ. Vậy mà ông tưởng như mới đây thôi. Ông reo lên: ôi tự do...
Cái quán nước bên quốc lộ 3 chỉ là mấy tàu lá cọ che tạm nắng mưa, chẳng có gì đáng kể, thuốc lá điếu bán lẻ, kẹo lạc, nải chuối tiêu vàng vỏ, nước chè Thái ủ kín ấm chuyên với cái phích tre. Bà già chủ quán nhìn ông và đoán ra người tù được tha, nhưng bà chưa hỏi vội.

Bưng chén nước ấm trong tay, ông xúc động, ông đưa lên bờ môi và tự hỏi: Về đâu bây giờ...? Trong giấy phóng thích đã ghi rõ “Không được cư trú ở Hà Nội”. Trong khi ông là người Hà Nội gốc, thật khó xử. Làm sao báo cho Ngọc và người thân. Sau giây phút vui sướng tột độ khi được tự do bước ra cổng trại giam, đến lúc này thì ông âu lo dằn vặt: Về đâu!
Ngày Mỹ ném bom miền Bắc là ngày 5 tháng 8 năm 1964. Ngày ông Điền ra trại là ngày 10 tháng 8 năm 1966. Đợt tha này là nhân dịp lễ Quốc khánh, mà sao cả trại đông vậy chỉ có mình ông. Mình vô tội... - Ông tự hỏi, tự trả lời rồi thưởng thức chén trà Thái.

- Ông đi về Quán Triều, cũng đến dăm cây số, xuôi tàu, nhưng nghe đâu tối mới có tàu chạy. - Bà chủ quán nói với ông.
- Vậy bà cho tôi ngồi đến chiều nhé!
- Thì tôi có lấy tiền ngồi của ai đâu, thằng Mỹ nó thả cái ầm là hết, mà sao không báo cho người nhà đến đón?
- Nào tôi có biết là mình được tha.
- Máy bay, máy bay...
Súng phòng không bắn lên trời từ phía khu gang thép. Ngồi trong cái hầm kèo của bà chủ quán, nghe đạn nổ, ông Điền mường tượng như ngày ấy ở đèo Nhe, chỉ có khác cô chủ quán là Ngọc, một cô Ngọc trẻ đẹp, dân Hà Nội tản cư, và máy bay Pháp bay đến dội bom Na Pan Khu ATK, loại máy bay cánh quạt bay với tốc độ gấp ba bốn lần xe du lịch hiện đại. Bây giờ không lực Hoa Kỳ kiêu ngạo Thần Sấm, con Ma, thập tự chinh với tốc độc siêu tốc.

Hôm ấy cũng đẹp trời, Điền từ cơ quan xuống quán Ngọc, đang nói chuyện sau một tuần xa nhau, từ dưới đèo đi lên là ba anh bộ đội với một tù binh người Âu. Có lẽ họ đi từ xa, dài ngày nên mệt mỏi. Đặc biệt là tên tù binh lê đôi dép kiểu Bình Trị Thiên không muốn bước, tóc râu bờm xờm như người rừng hoang dã. Khi bọn họ vào quán, tên tù binh ngồi bệt xuống đất không khách sáo và Điền thấy thương. Ngoài cái dáng tiều tụy, tên tù binh cụt một tay, nom càng thiểu não. Uống ly nước ngon lành, nét mặt người tù bớt mệt mỏi, và đôi mắt sáng lên khi thấy mấy nải chuối treo ở cái sào nứa thật ngon mắt.

Điền bắt chuyện và hai người như cái duyên định mệnh gặp nhau, họ nói tràng giang tiếng Pháp như suối chảy. Tên tù binh không ngờ nơi đèo heo hút gió lại có một người am tường tiếng mẹ đẻ của y, có thể nói là rất trí thức.
- Vâng thưa ông tôi là một tù binh, một thiếu tá bị bộ đội Ông Hồ bắt tại mặt trận, trên một cánh đồng, tôi đâu ngờ lầy thụt đến khủng khiếp.
- Hình như cánh đồng ấy là Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
- Vâng ở đó có một thánh đường, tên như con gái đẹp Thanh Hương.
- Ồ thế thì tôi biết rồi, ông là thiếu tá De Courté chỉ huy trận càn quét huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị và bị bộ đội 95 của chúng tôi tiêu diệt, còn ông thì may hơn, bị bắt sống và đang nói chuyện với tôi.
- Vâng thưa ngài đúng vậy.
- Ông đã đi bộ từ Quảng Trị ra cả tháng trời, vất vả thật, nhưng vì chiến tranh và do chính phủ Pháp gây nên.
- Thưa ông đúng vậy, các ông có giết tôi sau khi lấy cung?
- Giết ông... Nếu giết ông thì đưa ông ra đây làm gì... Ông sẽ được hưởng chính sách nhân đạo của cụ Hồ và nhân dân Việt . Ông được đối xử tốt, nghỉ cho lại sức rồi được tha về nước qua con đường biên giới Việt Trung như hai ông Trung tá Le Par và Charton. Ông biết đấy, bộ đội chúng tôi chỉ thả tự do cho ông bằng con đường ấy.

Viên thiếu tá họ De quý tộc rạng rỡ nét mặt và cám ơn chính sách nhân đạo của cụ Hồ Chí Minh.
Điền được đà và trước người yêu càng nói càng hăng. Cô Ngọc vốn đã yêu mến Điền, nay thì bái phục và mừng lắm. Kháng chiến thành công, vợ chồng về lại Hà Nội thế là trọn vẹn, con đường hạnh phúc Ngọc đã ôm ấp từ ngày gặp Điền và quen anh. Còn mấy anh bộ đội dẫn tù, họ cho rằng đã gặp một chính ủy ở An Toàn khu.
Khi tên tù binh đi rồi, Điền còn ngồi lại nói hươu nói vượn- Tên này có giá lắm. Hắn dòng dõi quý tộc, tham gia thế chiến đánh Đức cụt tay, đáng lẽ về hưu, lại qua Đông Dương. Đúng là thực dân nòi mà chắc muốn leo lên đại tá, ai ngờ đại nhục...
Điền cầm mũ nan chào Ngọc và hẹn chủ nhật đến, nếu... Cũng vừa lúc máy bay Pháp đến ném bom cháy. Chúng bay dọc sông Lô rồi bất ngờ cắt bom vào rừng Nứa. Loại bom có chứa xăng bột, nứa bén vào cháy đỏ lựng trời.
Lửa cháy đến chiều, nhờ có trận mưa nên lửa dập tắt, đúng là trời cứu phe ta.

Một tuần sau, các chiến sĩ cảnh vệ đến bắt Điền tại nơi làm việc và dẫn anh đi trong đêm. Đi như vậy hơn một tuần rồi dừng chân ở một cánh rừng. Bị bắt với Điền có đến bảy tám người, nhưng chẳng ai biết họ ở bộ phận nào. Riêng Ngọc, Điền chẳng biết gì, sau này Ngọc xin được thăm anh mà không gặp, họ cho nhận thư và anh xúc động rơi nước mắt.
Cả đêm Điền mất ngủ, anh được giam bằng hệ thống kín đáo giữa rừng có rào gai và hào sâu, cảnh vệ cầm tiểu liên kín đáo. Chỗ này là đâu. Mù tịt, bởi chẳng có ai liên lạc với ai. Ngày ăn hai bữa cơm tù kháng chiến, nói đúng hơn là ăn hai bữa sắn, rồi bắp già, rau rừng. Bù lại nước trà rất ngon và thoải mái uống.

Người ta ra câu hỏi đánh máy trên giấy, anh cứ việc trả lời, phải giải trình hàng mấy trang giấy mới tạm đủ cho một câu hỏi. Anh viết bằng một loại văn đã học trường Pháp Việt bậc Tú tài.
“Tôi có bằng tú tài... là do học giỏi nên có học bổng, chứ gia đình tôi bình thường, bố là thợ sắp chữ, mẹ buôn hàng xáo. Tiếng Pháp được sử dụng chính trong nhà trường, tiếng Anh mới là ngoại ngữ, tôi biết cả hai thứ tiếng là nhờ vậy.
Với tên tù binh họ Đờ là sự tình cờ gặp nhau trong quán cô Ngọc người Hà Nội tản cư, tôi cũng là dân Hà Nội gốc, gặp và quen và thân và yêu. Tôi yêu cô Ngọc”

Anh viết thế nào cũng bị người phụ trách cho là thiếu thành khẩn, chưa đạt. Điền không hiểu thế nào là đạt.
Sau này chuyển trại Cẩm Sơn, anh mới biết, đạt có nghĩa là nhận tội làm chỉ điểm để máy bay Pháp ném bom.
Thì ra vậy!
Điền ra đi từ ngày Hà Nội khói lửa, anh chiến đấu ở khu chợ Đồng Xuân, đơn vị được lệnh rút qua bên kia sông Hồng, không hiểu từ đâu, anh được điều về làm công tác địch vận ở bộ phận chuyển ngữ, Việt sang Pháp và ngược lại. Điền bất ngờ đến rụng rời là mình bị bắt vì tội danh làm gián điệp cho Pháp.
Số người ăn sắn tù như anh đã hết, họ được tha được minh oan... vô tội. Anh còn lại một mình. Về trại Cẩm Sơn anh mới biết kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi.

Trại giam núi Cẩm Sơn khá đông, được chia thành đội, mỗi đội từ 25 đến 30 tù nhân, ghép vào như vậy để hình thành từng bộ phận lao động như trồng rau, chăn nuôi, tưới cây.
Ông Điền đề xuất nuôi dê và ông xin giám thị trưởng trại được đi chăn như ông Tô Vũ đời xưa. Trại trưởng mừng và cho cấp dưới đi mua dê, còn chuồng trại thì do tù làm lấy, không đâu có kỷ luật và nhiều tài vặt như ở trại tù này. Cái gì họ cũng làm được và khéo tay.
Với quyển sách cầm tay, hàng ngày ông Điền lùa đàn dê lên núi Cẩm vừa chăn vừa đọc sách. Sách ông mượn thư viện trại, nhưng là của chị Ngọc lên thăm và cung cấp.

Ngọc về Hà Nội đến thăm nhà mới biết ông chuyển trại và gắn bó thăm nuôi. Nhờ có Ngọc, ông liên lạc được với đồng đội từ khi ở bộ đội thủ đô. Thế là tròn 15 năm mới có tin tức và Điền được tự do, và Mỹ đã ném bom miền Bắc. Cô Ngọc xinh đẹp ngày nào nay là chị Ngọc thủy chung với anh Điền, nhận lời sống trong cái lán tre lá cũng ở bên này núi Cẩm. Ông Điền chăn dê nuôi gà, bà Ngọc bán quán, may vá nuôi sống nhau. Hai con người Hà Nội gắn bó nhau như tiền định, cùng đi kháng chiến, cùng liên lụy và theo nhau cho đến bây giờ. Cô Ngọc chỉ có thời gian ngắn, riêng Điền lao đao như Thúy Kiều. Kiều nhan sắc tài hoa, còn Điền đẹp trai học giỏi Pháp ngữ và vạ miệng.

Mỗi lần lùa dê lên núi, ông Điền trìu cảm nhìn bạn đời mà ông quý không có một loại ngọc nào sánh được, cho dù đó là ngọc quý lưu ly.
- Máy bay hay đến về chiều, em đừng đi đâu xa nhé, đừng ra gần quốc lộ...
Ngọc đùa:
- Ông Tô Vũ ơi, chính ông mới cần gìn giữ, thằng Mỹ ngồi máy bay nó thấy dê là ông xơi bom đấy.
Đời ông không may chuyện này, hóa hay chuyện khác. Nhờ có Ngọc ông được bù đắp những tháng ngày của cuộc đời còn lại. Nếu Ngọc có với ông một đứa con thì thật đầy ắp trọn vẹn.
Tháng tám ở vùng bán sơn địa nắng màu vàng như hổ phách, sương sớm tan lá rừng biêng biếc và về đêm trời se lạnh. Người dân hai bên sườn núi Sơn Cẩm chờ sương tan là đi hái chè, lứa chè cuối cùng trong năm rồi đẵn cành chờ mùa xuân ra lộc. Một vụ chè mới bắt đầu.
- Máy bay... máy bay... máy bay.
Mặt đất rung chuyển, tiếng bom dội xuống, súng phòng không tầm thấp tầm cao bắn lên trời, tên lửa vạch ngang dọc tìm mục tiêu... Và
- Trúng rồi, bà con ơi rơi rồi... kìa dù đỏ, máy bay cháy.
Một tiếng nổ như quả núi nổ tung vì một nguyên nhân nào đó.
Chiếc dù đỏ lơ lửng rồi rơi đâu đó trong cánh rừng vào huyện Phú Lương, có ai đó bảo sau núi Chúa.
* * *
Khi chiếc xe U-oát dừng trước nhà, vợ chồng ông Điền cũng vừa ăn cơm xong, ông đang điều chỉnh đài bán dẫn để nghe bản tin chiều, bà Ngọc làm việc gì đó phía sau.
Ba bóng người xuất hiện, ba anh bộ đội áo quần giày mũ còn mới. Người đi đầu tiên lên tiếng.
- Xin chào hai bác, chúng tôi là bộ đội ở quân khu.
- Vâng xin chào các anh, nhưng mà các anh tìm ai.
- Chúng tôi đến gặp bác... bác là bác Điền...
- Vâng tôi là Điền đây, các anh gặp tôi có việc gì chứ, mời ngồi tạm uống chén nước.
Cả khách lẫn chủ ngồi quanh bộ bàn ghế trúc vàng không còn mới, nhưng rất ưa nhìn. Loại trúc vàng tỉnh Bắc Kạn. Anh bộ đội có tuổi vào đề:
- Bộ đội ta vừa bắn rơi máy bay trưa nay, tên phi công đã bị bắt đang ở chỗ chúng tôi.
- Vâng.
Ông Điền như muốn nói thì tôi có liên can gì.
- Đồng chí tư lệnh quân khu muốn khai thác để biết ý đồ mà có kế hoạch lập trận địa phòng không. Quân khu không có ai nói thạo tiếng Anh, và đồng chí nhờ bác giúp cho.
- Nghĩa là quân khu nhờ tôi làm thông dịch.
- Vâng thưa... đồng chí.
- Quả thật tôi có biết tiếng Anh, nhưng bỏ lâu rồi, vả lại... tôi xin các anh.
Bà Ngọc từ sau nhà đi ra và nói không kiêng dè:
- Không, chẳng thông dịch thông diếc gì cả, ông đã lao đao lận đận vì nói tiếng Tây với thằng Đờ gì nhỉ... bây giờ nói với thằng Mỹ giặc lái thì tàn đời. Xin các anh tha cho nhà tôi.
- Thưa bác đó là chuyện đau lòng mà khi ra đi đồng chí tư lệnh đã dặn chúng tôi là... Vâng chuyện quá khứ làm bác buồn là phải. Đồng chí tư lệnh quân khu biết và có lần bảo chúng tôi có dịp đến thăm hai bác. Thời chiến mọi chuyện có thể xẩy ra. Bây giờ cả nước dốc lòng dốc sức đánh Mỹ mong bác gái thông cảm để bác ông...
- Không, là tôi nói vậy, ông ấy quyết định, đừng để tôi đi thăm nuôi dài ngày ở trại giam. Bạn bè một thời là trung tá, đại tá... họ có biết chữ Pháp chữ Anh đâu. Ông thì biết giỏi, đến thằng Pháp ấy cứ mẹc xì mẹc xì rối rít để rồi làm một ông Tô Vũ.
Bà nói một tăng như cái lò xo lâu ngày bị dồn nén nay bùng ra.
- Thôi mình ạ, số phận cả thôi, mà tôi có làm điều gì không phải đâu. Bây giờ cả nước đánh Mỹ sao mình lại từ chối. Vả lại đã có ai đuổi tôi ra khỏi hàng ngũ anh bộ đội cụ Hồ, chưa ai cho tôi về hưu giải ngũ cả. Bây giờ quân khu đến đón. Thôi mình để tôi đi. Các anh chờ tôi thay bộ quần áo tươm tất, nói chuyện với ba thằng Mỹ là...
- Thế này bác ạ, bác cứ đến quân khu, mọi thứ đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho người lính ra trận.
Ông Điền xúc động nhìn bà Ngọc như nói với vợ: Đó em thấy không...Bà ra tận xe tiễn chồng, xe chạy, bà nhìn sao và như thấy mình năm nào trên đèo Nhe.
                                       N.L

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thanh Tâm Tuyền (18/12/2008)