Tạp chí Sông Hương - Số 210 (tháng 8)
Chuyện tình nơi Cửa bể
15:43 | 23/12/2008
NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

Rượu ở đây ngon, rượu nếp của dân chuyên nấu bằng mạch nước nguồn. Giếng nước trong văn vắt, rượu sủi tăm như mắt mèo đựng trong hũ sành nút bằng lá chuối khô càng để lâu càng ngọt. Thứ "cao gạo" này uống vào cứ lịm dần, lịm ở đầu lưỡi, lịm lên con mắt rồi thấm dần từng tế bào, cả cơ thể ngấm trong rượu từ chân lông, kẽ tóc, giấc ngủ cũng lịm đến. Cũng men ấy, cũng công thức pha chế ấy, cũng nếp lứt, cũng ủ như thế nhưng hễ thay nước ở làng khác là rượu đã biến chất rồi. Dân chợ huyện nhà nhà nấu rượu và nuôi lợn rất nhiều, con nào cũng béo nung núc, lông mượt nằm chềnh ềnh phơi bụng bên những bờ tre lót bằng lá tre khô. Chúng không thèm dúi mũi vào các bụi môn, bụi khoai. Lợn được nuôi bằng hèm rỗng ruột chóng lớn. Vì thế ở làng này có một nghề khá phổ biến nữa là mổ lợn. Đàn ông người nào mặt cũng hum húp nặng trịch, ra đường chỉ thấy cúi gằm nhìn xuống, ngồi uống ruợu tay cứ xoa xoa như thói quen hai tay, hai dao mài vào nhau trước lúc chọc tiết lợn.

O Tam mù từ nhỏ. Trước o là anh Nhất, anh Nhì đều hy sinh ở chiến trường. Hồi các anh ấy ở nhà thường dắt o đi chơi ra sân đình xem chợ. O chỉ nghe tiếng người mua bán mặc
cả nhau đã hình dung ra được chỗ nào bán trầu, chỗ nào bán hàng xén. Vui nhất vẫn là nơi bán cá. Con gái làng biển vừa bán, vừa đếm. Họ đếm lạ lắm. Một chục thì đếm thành 11 con, gọi là chục chẵn, 10 con mới là chục trụi. Rồi họ lại đếm bằng tiếng lóng nữa nghe cứ như hát vậy mà chưa có sai bao giờ. Khác với các cô gái làng biển da ngăm đen, chân đi vòng kiềng, người cứ chúi về phía trước, dáng thâm thấp, nặng chình chịch - o Tam người dỏng cao, nước da trắng và cái miệng cười thật xinh có cái lúm đồng tiền, duyên đáo để. Những lúc o ăn trầu, hai gò má ửng hồng, khối cô mắt mũi đàng hoàng phải thua xa. Giọng o nói nhỏ nhẹ bên những người đàn ông quen "ăn sóng nói gió" sừng sững chắc nịch như dãy núi Nam Giới. O Tam giống như khe nước Hao Hao mát rượi làm chùng lại những bắp gân nổi cuồn cuộn như những múi dây chăng buồm: O Tam rót rượu thật tài. Rót từ hũ vào những chiếc chai thuỷ tinh màu xanh hơi đục, đế dày in chữ nổi có từ thời Pháp thuộc, o bảo thế. Rượu rót đố nhiểu ra ngoài một giọt. O lấy rượu quen "thổ", chỉ nhấp nhấp một chút là biết được chất lượng.

Những buổi tối sau khi
đám khách chân nọ đá chân kia xiêu vẹo bá vai nhau xuống thuyền đánh một giấc dài cho các bà "nội trợ" cầm lái ra đến rạo là vừa sáng - o Tam ngồi tựa cửa vào vách tường trên bộ phản gỗ mun láng bóng có thể soi gương được. Cả ngày, người o như được ướp trong hơi rượu thơm nồng và không khí bỗ bã của đám thực khách bây giờ như muốn được rũ bỏ bằng cách nhấp từng ngụm nhỏ bát rượu được đựng riêng trong cái hũ sành giấu dưới góc chân phản. O đang nhấm nháp mình. Thỉnh thoảng tiếng thạch sùng tặc lưỡi, bầy chuột rúc rích và con mèo mun lặng lẽ trườn vào lòng o lim dim mắt. O khóc, từ hai khoé mắt rỉ ra những giọt nước nóng hổi rơi xuống lông mèo. Không biết bộ lông mượt và ấm áp đã thấm hết bao nhiêu ký ức buồn tủi của o. Đám đàn ông đến ồn ào như giông, như bão, o bị cuốn vào chuyện đong đếm đến lúc họ đi, không khí chùng xuống như những ngày biển êm khiến lòng o lại nổi sóng, hụt hẫng. Mà đàn ông cũng kỳ, có những chuyện phải giấu thì họ lại rủ rỉ với nhau khi có hơi men. Tai o thính lắm. O cứ tưởng tượng ra những chuyện kín của họ. Trí tưởng tượng bao giờ cũng bay bổng hơn hiện thực đêm đêm dày vò o. O đâm nghiện cái mùi mồ hôi nằng nặng, mùi tóc rối, đâm nghiện cả cái chạm tay, chạm vai với da thịt sần sùi. Nhiều khi vuốt vuốt bộ lông mượt của con mèo hay mép phản phẳng lì trơn bóng vô hồn, o cứ thèm cấu xé một vật gì đó nóng hôi hổi, xù xì thô nhám. O nhận ra từng người qua giọng nói, qua bước chân và qua mồ hôi mặc dầu chưa có người nào dám sàm sỡ với o kể cả những kẻ nát rượu quen uống chịu và trả bằng cá. Họ quý o, nể o, nhìn o thật thánh thiện từ cái bờ vai thon thả, suối tóc chảy dài.

Trong đám khách uống rượu ấy, o Tam để ý một người con trai lơ lớ giọng ngoài Bắc. Anh uống một mình lặng lẽ không say chỉ đến lúc đứng lên trả tiền giọng mới hơi lạc đi. Cứ chập tối là anh đến ngồi một góc, uống chậm cho đến lúc vãn khách. Hỏi dò o Tam mới biết: Người ấy tên là Tuấn - con trai Hà Nội chính cống. Đi bộ đội ở đặc công thuỷ. Trong một lần đánh tàu ở Cửa Việt anh bị thương. Khuôn mặt khá đẹp trai của anh bây giờ nhăn nhúm, chằng chịt vết sẹo. Mắt, mũi cũng bị biến dạng đi qua hàng chục ca phẫu thuật chỉnh hình. Anh quyết định ở lại làng chài này vì nghe đâu anh có một người bạn chiến đấu quê ở đây đã hy sinh ở chiến trường. Và suốt ngày anh cùng với chiếc thuyền con trên biển. Anh thạo nghề câu lưới. Chỉ đến tối anh mới lên bờ nhờ bóng đêm che đi khuôn mặt dị dạng của mình mà đám trẻ con chưa quen nhìn anh đã khiếp. O Tam lại nghe người ta bảo nhau: Ông Tuấn ấy "sát cá" lắm; hay cá sợ khuôn mặt của anh. Nghe nói ngày trước, dân đi biển thường lấy nhọ nồi bôi vẽ lên mặt hình thù những con thuồng luồng thè lưỡi ra dọa cá. Một đêm trăng rằm sau khi hết khách, trời đã về khuya. Mùa hè nóng bức bối, o Tam lần xuống bến đá tắm. Làn nước mát như muôn ngón tay mềm ve vuốt da thịt o. Vẳng lại tiếng gà eo óc gáy. Thảng thốt, o cởi bộ đồ ngoài và lần ra xa bờ. Hình như o muốn tìm khoái cảm qua làn da mơn man con nước thuỷ triều sóng sánh ánh trăng. O khoả tay bơi nước vào. Quá mải mê, đắm chìm trong những giây phút hoà nhập với thiên nhiên, o tự nhiên bị mất phương hướng và không nhận ra phía bờ nữa. Cứ thế o mon men bước trầy, bước trật nơi sâu, nơi cạn. Bỗng nhiên o bị hẫng và rơi vào ven nước chảy của lạch sông. O chới với định kêu lên nhưng nhận ra mình đang ở trần nên lưỡi o líu lại. O đạp nước tung toé như con cá bị mắc câu. Nước xô vào mũi cuốn o đi. O chỉ còn kịp nghe tiếng mái chèo mơ hồ đâu đó đập nước cạnh mình rồi lịm dần.

Người đến kịp thời cứu o Tam chính là Tuấn. Từ lâu, Tuấn đã để ý đến o. Vừa ngồi uống rượu, Tuấn vừa ngắm nhìn o, nhận ra ở o Tam có nét gì quen quen như đã gặp ở đâu rồi mà không sao nhớ nổi. Nhà Tuấn ở cạnh hồ Thuyền Quang. Ngày nhỏ Tuấn đã say mê câu cá. Đêm xuống, Tuấn xách chiếc cần câu cùng ít mồi làm bằng mắm tôm luyện với bột giã viên nhỏ như kẹo mắc vào lưỡi câu uốn bằng dây thép mảnh đi câu trộm cá hồ. Có hôm, câu mãi chẳng được con cá nào, Tuấn đang bực mình thì nghe tiếng thở hổn hển. Ngoái lại đằng sau thấy một cặp đang mắc câu xoắn xuýt vào nhau như rắn trên bãi cỏ dưới chân chiếc ghế đá. Thì ra một ả điếm đã "ám" Tuấn từ đầu hôm đến giờ mới bắt được khách. Tuấn vụt đứng dậy đá phăng chiếc giỏ đựng cá xuống hồ, bẻ đôi chiếc cần câu dẻo quánh lùi lụi đi về nhà như một gã "trê" bẹp đầu vừa thoát nạn. Từ đó Tuấn cạch không ra hồ câu buổi tối nữa. Nhiều lúc bần thần nhớ Hà Nội đến nao lòng nhưng mặt mũi thế này, thôi đành làm gã dân chài; vả lại nhà Tuấn cũng đã nhận được giấy báo tử từ lâu. Trận đánh đó Tuấn cùng với anh Dũng - người con trai làng biển ở vùng này, một con rái cá nổi tiếng được giao nhiệm vụ đánh chiếc tàu chở xăng. Mọi việc diễn ra khá thuận lợi nếu như Tuấn không bị chuột rút, anh Dũng vừa bơi vừa dìu Tuấn. Tốc độ của họ chậm lại. Mìn nổ, cả bồn xăng lớn trên tàu bùng cháy, sáng như ban ngày. Xăng tràn xuống nước rực đỏ như một biển lửa - Tuấn bị bỏng nặng, khuôn mặt cháy xèo xèo. Anh Dũng có tài lặn đã ngụp xuống đẩy Tuấn thoát ra khỏi con rắn lửa đang cuộn tới. Những ngày Tuấn ở viện quân y buồn chán, anh Dũng thường đến chơi và kể cho Tuấn nghe về làng chài của mình.

Cái làng thật lạ. Một nửa sống trên bờ chủ yếu theo đạo thiên chúa, còn một nửa sống trên những chiếc thuyền câu nối lại với nhau như bè, như mảng. Nghe nói ngày trước họ chính là dân Bồ Lô - một tộc người nghe đâu là gốc Chiêm Thành. Đến nay họ vẫn còn giữ lại vài đặc điểm riêng của bộ tộc ấy như: Lưng hơi cong, cổ rụt, tóc xoắn. Họ sống thành cộng đồng, lấy thuyền làm nhà, con cái đẻ ra cứ lổm nhổm trên thuyền như cua. Sản phụ đẻ xong họ ném rau thai xuống biển, vì thế có một dây vô hình nào đó gắn những đứa bé ấy với nghề biển. Chúng biết học câu trước khi học đếm, mà học cũng để nhìn được mặt chữ và đếm tiền mà thôi. Người chết, họ phải mua đất trên bờ để chôn, bí quá thì chở sang núi Nam Giới lật đá làm huyệt. Có lần cao hứng, Dũng còn hứa gả em gái út cho Tuấn. Nghe Dũng kể, Tuấn đã hình dung ra cô gái đó có chiếc mũi dọc dừa và đôi mắt buồn mơ mộng. Dũng chép miệng và nhìn ra xa như hình dung ra em gái mình ở đâu đó phía cuối chân trời đang nổi mây bồng bềnh. Đôi mắt của út đã làm cho bao chàng trai mê mẩn. Nghe út nói thèm sim thế là sáng mai vừa chưa tỏ mặt người đã có một chàng trai thập thò ngoài cửa vạt áo cuộn lên đựng đầy sim chín; thì ra chàng ta đêm đó đã thắp đuốc chèo thuyền sang núi Nam Giới để hái sim kịp đưa về cho người mình yêu trước lúc trời sáng. Chao ôi, những quả sim mòng mọng nước ấy cứ ám ảnh Dũng mãi. Đến lúc bị thương nặng trước lúc nhắm mắt Dũng vẫn ao ước được ăn một quả sim chín. Quả sim ấy Tuấn đã hái được ở khe núi mang về, nhưng Dũng không ăn mà chỉ hôn đôi môi lạnh ngắt của mình lên màu da mọng chín của quả sim và anh khẽ mỉm cười rồi tắt thở.

Đêm đó, sau khi uống rượu ngà say, Tuấn xuống chiếc thuyền con của mình định chèo sang núi thì linh tính một điều gì bất ổn mà chiếc thuyền ra giữa dòng cứ xoay tròn. Một cái xoáy nước lớn như cái lúm đồng tiền của mặt sông phụng phịu làm cho anh bần thần, rã rời tay chèo. Bãi sú đã hiện ra trước mặt. Anh cho thuyền tấp vào, buộc dây vào cây sú. Bỗng nhiên Tuấn nghe tiếng đập nước. Một khuôn hình phụ nữ như được tạo bằng ánh trăng, hai cánh tay trần khoả vào nước, mái tóc đen dài, đôi bờ vai thon - O Tam!
... Tuấn bế o Tam đặt lên chiếc phản gỗ. Anh cuống quýt mở rương lấy áo cho o bỗng nhìn thấy mấy tấm ảnh kẹp trong cuốn sổ tay rơi ra. Tuấn bàng hoàng kêu lên: Anh Dũng! Người con trai trong ảnh chính là Dũng. Phía đằng sau tấm ảnh có ghi dòng chữ quen thuộc của Dũng: "Tặng út Tam của anh - anh Nhì". Thế mà Tuấn cứ đi tìm mãi. Nguyễn Anh Dũng là tên của một thủ trưởng đặt cho anh sau một trận đánh khá ác liệt. Từ đó các bài báo viết về anh đều lấy tên Dũng - người làng không ai biết chiến công của anh, họ chỉ quen gọi anh là Nhì: là thứ hai con của ông Tám Thành, cháu của cố Tứ Lợi ở làng Ngũ Đại.

Khi nghe tin anh Tuấn cưới o Tam mọi người trong làng ai cũng vui. Từ bữa đó quán o Tam sôi nổi hẳn lên. Các con "sâu rượu" đãi Tuấn bằng tất cả sự phóng khoáng của dân biển. Một đêm mùa đông sau khi vãn khách, Tuấn bỗng thấy o Tam lằng lặng đóng cửa sớm hơn mọi ngày và thắp ba nén nhang lên bàn thờ. Hương trầm thơm đánh thức trong Tuấn bao nhiêu kỷ niệm. Nhìn lên tờ lịch trên tường, Tuấn chợt giật mình: đúng ngày này, năm ấy anh Dũng hy sinh ở trạm quân y tiền phương. Đến nay o Tam vẫn chưa biết ngày hy sinh của anh mình vì giấy báo tử gửi về đề tên: Nguyễn Anh Dũng, Tuấn hỏi: "Sao hôm nay em lại thắp hương". O Tam bảo "Em buồn quá! Nhớ hai anh Nhất và Nhì quá! Tội nghiệp chết mà không biết ngày giỗ". Đêm đó, hai người nằm cạnh nhau, o Tam báo cho Tuấn biết tin mừng là o đã có thai. Tuấn khấp khởi mừng. Đôi bàn tay sần sùi đầy vết sẹo của dây cước ăn vào thịt các đốt ngón tay cứ xoa mãi trên cái bụng phập phồng của o. O Tam kể: trước lúc lên đường đi bộ đội, anh Nhì đã nói cho o nghe về mối tình của anh với một cô gái trong làng theo đạo Thiên chúa. Cô ấy là người hát thánh ca hay nhất của nhà thờ. Họ thường hẹn gặp nhau ở đồi sim bên núi Nam Giới. Anh đã để lại một giọt máu đó là thằng Sim cháu bà Lục Tú hiện nay. Thằng Sim - Tuấn thảng thốt kêu lên. Đúng, thằng Sim, cái thằng da thịt trắng trẻo, má phúng phính như con gái, đi cùng thuyền với Tuấn. "Thế còn mẹ của Sim" - Tuấn hỏi: "Mẹ của Sim đã chết khi mới đẻ ra nó" - O Tam rủ rỉ nói - "Chị ấy đẻ khó, đưa lên bệnh viện; các bác sỹ bảo phải mổ. Hoặc là cứu mẹ thì mất con. Được con thì mất mẹ. Chị ấy bảo: "Đây là giọt máu duy nhất của anh ấy, của dòng họ ấy, các bác sỹ cứu cháu. Còn tôi thế là toại nguyện rồi. Khi gặp anh ấy bên kia tôi không còn gì phải hối hận".

Đến gần ngày o Tam sinh con, Tuấn ở nhà chăm sóc. Đàn ông vượt biển còn có bạn bè, đàn bà "vượt cạn" chỉ một mình. Cái đêm o Tam trở dạ, cả cái đám thực khách ở tửu quán gần như không ngủ, họ vừa nhấm rượu vừa lặng lẽ nhìn nhau không ai nói gì. Không khí như chùng hẳn xuống. Bà Hiểu hộ sinh của trạm xá xuống đỡ đẻ cho o Tam ở phòng trong. Đám đàn ông ngồi ngoài kẻ đun nước người về lấy áo lót cũ của con cái mình cho "gặp may". Khi nghe tiếng khóc oa oa của đứa bé, Tuấn đẩy cửa bước vào. O Tam lịm đi. Câu đầu tiên khi o tỉnh dậy hỏi Tuấn: "Anh ơi con mình có đầy đủ chân, tay, mắt mũi không? Tuấn rối rít "Lành lặn cả em ạ, bàn tay năm ngón, mũi đẹp lắm, con gái mũi dọc dừa, lớn lên khối chàng mê. Đôi mắt hơi buồn giống như Đức mẹ Ma-ri-a đồng trinh". Từ khoé mắt của o Tam những giọt nước nóng hổi lăn xuống gò má, hai tay o ghì lấy khuôn mặt của Tuấn hôn lên mắt, lên mũi, lên từng vết sẹo chằng chịt của anh. Khuôn mặt rạng rỡ
- Bà Hiểu quay mặt giấu đi những giọt nước mắt vào chiếc khăn mỏ quạ của mình.

Sau khi o Tam "mẹ tròn con vuông", nhiều lúc thấy Tuấn bế con nựng nựng một lúc rồi im bặt; O Tam trực giác một điều gì đó không yên ổn trong Tuấn. O hỏi: "Hình như anh có điều chi buồn?". Giọng Tuấn chùng xuống: "Anh sợ con mình sau này lớn lên nhìn thấy mặt mũi cha". O Tam lại khóc. Những giọt nước mắt bây giờ không thấm vào lông mèo nữa mà nhoà vào má đứa con gái còn đỏ hỏn.
Sau một chuyến đi biển dài ngày về, Tuấn bỗng thấy nhà mình đầy ắp tiếng cười của trẻ con. Thì ra lũ trẻ nghe tin Tuấn uốn diều giỏi đã đến nhờ anh làm những con diều sáo ra gò biển thả. Từ đó, bao giờ o Tam cũng dự trữ những túi kẹo dành cho lũ trẻ. Nhất là những đứa bé nhát gan cứ thập thò ngoài cửa, thấy Tuấn về là chạy cuống quýt: "Ông ba bị chúng mày ơi!" bây giờ cũng đã sà vào lòng anh.
Đêm tháng ba "rét nàng Bân", thuyền của Tuấn
đi đánh cá Chim. Trước lúc nhổ neo bỗng nghe thấy tiếng o Tam gọi: "Anh Tuấn ơi!" - Tuấn và thằng Sim sững người lại khi thấy o Tam phăm phăm xuống bến như người mắt sáng - Thì ra, tấm áo len o đan cho Tuấn đêm ấy đã xong nút cuối cùng. Bằng một linh cảm nào đó, o bước đi trong đêm theo sự dẫn dắt của một con người vô hình tìm đúng thuyền của Tuấn. Tuấn vội nhảy lên bờ: "Em về đi, con đâu?". O Tam gục vào vai Tuấn. "Anh ơi! Hay là anh về với em đi! Con em gửi cho bà Thất Bát hàng xóm rồi" - Tuấn nghẹn giọng: "Anh phải đi, đang mùa cá Chim - bây giờ em về kẻo con mong". O Tam sững sờ: "Em không biết đường về nữa đâu" - Tuấn đành nhờ bà Cửu Vạn dắt về.

Chuyến đi biển được rất nhiều cá Chim. Con cá Chim thật lạ, câu không ăn. Nó bơi thành bầy lấp lánh lật nghiêng, lật ngửa như những chiếc đĩa trắng - Dân biển phải chọn người da dẻ thật trắng bơi vào lưới; cá Chim theo người vào luôn. Hôm đó, ông Mười Hoá ngồi trên cột buồm nhấp nhổm như con thú rình mồi phát hiện ra một bầy cá Chim rất đông. Thằng Sim hăng hái xin lặn xuống nước vì da nó trắng nhất. Tuấn đưa cho nó bát nước mắm sánh màu cánh gián và dặn: "Cẩn thận nghe Sim, dạo này lắm Mập xà, thấy động phải lên ngay". Thằng Sim lặn xuống thấy cá đông, nó mê mải bơi một vòng, phía sau chân nó có hàng trăm con cá Chim theo nó để vào lưới. Bỗng nhiên ông Mười Hoá kêu lên: "Sim ơi! có Mập xà, lên thuyền nhanh đi cháu" - Mọi người nhìn về phía cây rạo bằng tre trồng giữa biển khơi thấy lưng con Mập xà nổi lên như lưng trâu. Thằng Sim luống cuống, tay chân rối rít không bơi thêm được. Cá Mập mắt kém nhưng mũi thính lắm. Nó đang hít hít tìm mồi và bơi về phía Sim. Tuấn bỗng kêu to: "Sim, đứng yên đừng bơi nữa". Anh vội lấy con dao nhọn chuyên uốn lưỡi câu đâm vào đùi trái của mình và lặn xuống biển phía sau lái con thuyền. Màu máu đỏ loang tan ra trong nước. Con Mập xà ngửi thấy mùi máu quay ngoắt lại tấn công Tuấn - Mọi người tranh thủ kéo Sim lên thuyền. Khi họ quay lại thấy Tuấn đang cầm dao bơi đứng đối mặt với con Mập: Nhưng sức anh yếu dần, sau một cái quẫy mình của con cá làm cho thuyền nghiêng hẳn đi, Tuấn không còn để lại dấu vết gì ngoài chiếc áo len và chiếc quần bộ đội màu cỏ úa trên thuyền.

Nghe tin Tuấn chết mất xác, một họa sĩ điêu khắc từng sống nhiều năm ở Hà Nội về hưu ở làng chài này đã nặn cho anh một bức tượng thạch cao theo tấm hình của Tuấn chụp trước lúc lên đường, khuôn mặt đẹp trai, lành lặn, pha chút hào hoa, lãng tử. Ngày hạ huyệt, tất cả thực khách quán o Tam mù đều có mặt. Họ mặc cho bức tượng chiếc áo len và chiếc quần cỏ úa. O Tam nhờ Sim trồng lên đầu mộ một cây dương. Bây giờ cây dương ấy đã vút cao chẻ ra hai nhánh như hai bàn tay đang ấp ủ nâng đỡ cả bầu trời trong xanh thoảng gợn chút đám mây màu vẩy cá - Màu mây báo hiệu mùa bão sắp đến...
 Hà Tĩnh - tháng 4 năm 2003
 N.N.P

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thanh Tâm Tuyền (18/12/2008)