Tạp chí Sông Hương - Số 211 (tháng 9)
Lão nhà văn Trang Thế Hy: đêm nghe dừa rụng ngày nhìn chuột rơi
14:27 | 25/12/2008
THANH THẢO“gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còngvề sông ăn cá về đồng ăn cua”
Lão nhà văn Trang Thế Hy: đêm nghe dừa rụng ngày nhìn chuột rơi

Về nhà văn Trang Thế Hy, TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (bộ mới) viết: “Trang Thế Hy chuyên viết truyện ngắn và ký. Những tập truyện ký đã xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993). Tác phẩm mới nhất, có thể coi như một tuyển tập của ông: Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001)”. Và TỪ ĐIỂN trích một câu trong một truyện ngắn của Trang Thế Hy để nói về quan niệm nghệ thuật của chính tác giả: “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.
Sinh năm 1924, Trang Thế Hy đã tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện sống tại quê nhà, huyện Châu Thành, thị xã Bến Tre.

Có thể nói cả đời Trang Thế Hy thuận theo những con “gió đưa gió đẩy”. Gọi những con gió ấy là số phận cũng được, mà gọi là sự tình cờ vô thường cũng xong! Nghe nói, hồi ở chiến khu miền Đông Nam Bộ, Trang Thế Hy luôn thủ sẵn vài trăm... lưỡi câu để sẵn sàng giăng câu kiếm cá, hay ông có biệt tài bắt... nhái băm chả, câu rắn mối, biến những điều không thể thành có thể, viết chầm chậm những câu văn trong khi chờ mấy gã chuột sa bẫy trong những đêm rừng lạnh. Ngày đó, tôi ở bên binh vận cùng Lưu Kiểng Xuân - một nhà văn đặc Nam Bộ quê Cần Giuộc Long An. Tư Xuân vốn là trung úy lái trực thăng của quân đội Sài Gòn, nhưng là cơ sở cách mạng ở nội thành, là cộng tác viên của nhóm Tin Văn-tên một tờ tạp chí văn nghệ thiên tả, có liên hệ với cách mạng. Tư Xuân sau đó đã lên chiến khu,viết truyện và bút ký có nhân vật là lính Sài Gòn, nên được đưa về ban tuyên truyền binh vận. Còn tôi chỉ là anh sinh viên mới tốt nghiệp ở Hà Nội, vào bộ đội chưa lâu, cũng làm tuyên truyền binh vận cho đài phát thanh, rồi đi B2, rồi về ban binh vận, rồi... Chúng tôi chơi với nhau do có chút máu văn chương, và mỗi lần, khi chuyện trò về văn học, bao giờ Tư Xuân cũng léo vào cái tên Trang Thế Hy dưới biệt danh thân mật là “Tư Sâm”: “Tui khoái cha Tư Sâm này, văn chả kỹ mà sâu, lại đúng giọng Nam Bộ!” Dù chưa gặp Trang Thế Hy, cũng chưa có may mắn đọc văn ông-trong rừng mấy thứ văn chương còn hiếm hơn cả chuột hay rắn mối-nhưng tôi tự nhiên có cảm tình với Trang Thế Hy từ đó. Qua Tư Xuân, tôi còn biết Tư Sâm là người có “hoàn cảnh” có tâm trạng và nhiều lúc rất buồn, cô đơn nữa. Như thế lại giống Tư Xuân và tôi.

Có một lần, Tư Xuân rủ tôi đi sang cứ của ban văn nghệ R chơi,thăm Tư Sâm. Tiếc thay, lần đó khi chúng tôi mất nửa ngày trời băng qua những trảng cỏ voi và rừng dầu đến với Tư Sâm, thì ông lại đi công tác chiến trường, không có ở cứ. Hai chúng tôi được Anh Đức tiếp tại nhà, đãi một bữa cơm có thịt hẳn một con gà-điều quá hiếm ở rừng hồi ấy. Thôi thì ông anh Tư Sâm cũng xá cho, tôi với Tư Xuân chẳng qua cũng “gió đưa gió đẩy về cứ ăn... gà” chứ chúng tôi không cố ý. Hôm đó, trở về qua trảng cỏ voi, và tôi viết được bài thơ “Những dấu chân qua trảng cỏ”. Âu cũng là cái duyên với Trang Thế Hy, dẫu chưa gặp được ông, nhưng nhờ chuyến thăm hụt ông mà lận lưng được bài thơ không đến nỗi nào, vậy là ấm bụng! Cách đây mấy năm, khi gửi tặng tôi tuyển tập truyện ngắn “Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác” - Lão nhà văn Trang Thế Hy đề tặng: “Tặng Thanh Thảo, người trở về vùng Tháp Chàm còn để lại ở rừng già phương những “dấu chân trên trảng cỏ”. Một lời đề tặng vừa tình cảm vừa “kỹ” - đúng văn chất Trang Thế Hy. Hoá ra ở đời vẫn có những tương hợp tình cờ như thế, “gió đưa gió đẩy” chúng tôi qua những cánh rừng Miền Đông những bưng biền Đồng Tháp để cuối cùng, dù người về Bến Tre “đứng như bóng dừa”, kẻ trở lại quê nhà miền Trung nương bóng Tháp Chàm, ăn don và cả ăn đòn, chúng tôi lại gặp nhau... ăn cua. Vâng, ăn cua cốm.

Ngay tại thị xã Bến Tre, sát mé sông Hàm Luông hẳn hoi. Tôi, nhà thơ Chim Trắng với nhà giáo dạy văn Nguyễn Tấn Huy từ Sài Gòn về Bến Tre thăm lão trượng Trang Thế Hy. Chim Trắng đã ngót 70 mà tay lái  còn “lụa” lắm! Nghe nói ở quê tôi có ông chủ tịch ít tuổi hơn Chim Trắng nhưng mới về hưu, nhớ tiếc một thời vàng son oanh liệt nên “Buổi sáng ông mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường”... chờ xe, kết luận theo thơ Trần Vàng Sao thì ông là “một người yêu nước mình”. Đứng chờ xe, dẫu xe không đến, là còn muốn làm việc, là còn “yêu nước mình”, chứ sao! Chim Trắng cười ngất, nói là anh sẵn sàng ra Trung lái xe hầu “một người yêu nước mình” ấy. Anh vốn hâm mộ những người yêu nước. Chúng tôi ăn cua cốm, thứ cua hai da vừa lột chưa lâu, có gạch béo và mềm, hạp với răng cỏ lão nhà văn. Lỗ Tấn có biệt tài là viết nhấn, mỗi câu văn là một con sóng, con sau cao hơn, mạnh hơn con trước. Shekhov thú nhận là mình không thật đam mê trong bất cứ việc gì, cả làm thuốc và viết văn. Tôi nói với Nguyễn Quang Sáng, anh viết về tôi đúng cả, chỉ có cái này là sai: Trang Thế Hy quyết sống chết với văn chương. Không có đâu! Tôi chỉ dám là “người tình thoáng chốc” của văn chương thôi. Tôi không ăn thua đủ về bất cứ cái gì. Đó là cái dở nhất của tôi. Kể cả giải thưởng mà người ta định trao cho ông rồi... thôi? Ừ, cả giải thưởng. Nhưng tôi phải thú nhận là tôi có sốc nhẹ, vì khi nghe thông báo cứ như đã “được rồi”, tôi lỡ dại khoe với mấy người bà con nghèo, là Tư Sâm sắp khá, có món tiền to, sẽ biếu mấy anh em chút đỉnh tiêu chơi. Nào ngờ. Coi như tôi nói dối họ. Không nói dối đâu, anh Tư, nhưng là nói chưa thành sự thật.

Quán ăn Trương Ký, lão nhà văn khẽ khàng gắp miếng cá chẽm kho ngót (kho ngọt) có để chanh, chiêu ngụm rượu vang trắng Alsace chánh hiệu Chim Trắng mang từ Sài Gòn xuống. Lỗ Tấn nói “nhà văn như con bò ăn cỏ khô rơm khô nhưng phải cho đời sữa tươi”. Tôi đế: cá chẽm với vang Pháp cũng là cỏ khô sao anh Tư? Mấy anh em cười sảng khoái. Ở đời, như Gorki phân loại, thì có hai kiểu chết: một là cháy bùng lên, hai là mục rã. Tôi thuộc loại thứ 2. Nhưng cố gắng làm sao mục rã coi cho được. Kể cả bùng cháy, cũng đừng bùng cháy khó coi, phải hôn anh Tư? Cua cốm này ăn đậm, cua cũng phải tới kỳ, ăn mới ngon, nữa là văn chương. Trang Thế Hy đeo bên thắt lưng một điện thoại loại xịn nhất, dường như có kết nối toàn cầu, màu bạc sáng loáng. Thỉnh thoảng ông lại móc điện thoại, mở nắp, chiêu một ngụm. Một ngụm thông tin toàn cầu? Rượu này tôi đặt riêng, nấu bằng nếp, uống thử coi, ngon hơn rượu Tây đó!  Chúng tôi cứ trò chuyện lai rai không đâu vào đâu. Bóng tối len nhẹ vào quán trên những bước chân mèo, và trong ánh chập chờn, mắt ông lão nhà văn lấp láy. Người như thế có khi biết mà không nói, có khi nói nửa câu những gì mình nghiền ngẫm trọn đời. Nửa câu còn lại, để gió sông Hàm Luông giải quyết.

Hồi trưa, lúc ngồi với Trang Thế Hy trong vườn dừa nhà ông, tôi để ý vườn dừa nhà bên có những miếng thiếc trơn bề rộng độ 3 tấc bao quanh thân dừa. Ngạc nhiên tôi hỏi, lão nhà văn cho biết, đó là cách ngăn chuột ăn dừa. Chuột dừa ở xứ cù lao này răng sắc và chịu khó lao động. Chúng phải gặm xuyên qua vỏ dừa, xuyên cả gáo dừa mới ăn được cơm dừa. Ăn cơm dừa nhưng không uống nước dừa, mà chỉ uống nước mương. Nên chúng phải trèo lên leo xuống. Những miếng thiếc kia khác nào những “cột mỡ” đối với chúng. Xuống cũng té “bịch”, mà lên cũng té “bịch”. Nhưng tôi không có tiền bao thiếc quanh thân dừa nhà mình, mỗi miếng thiếc tới 30 nghìn đồng lận. Nghĩa là vì nghèo mà ông có tình thử đạo? Tôi chọc. Tôi bây giờ “đêm nghe dừa rụng ngày nhìn chuột rơi”, kể cả dừa và chuột hàng xóm. Những tiếng rơi ấy, nghe buồn lắm. Tôi nhìn dáng ông lão lầm lũi đi con đường đất lầy lội dọc bờ mương về nhà mình, lúc chúng tôi chia tay nhau. Biết đâu au revoir (tạm biệt) chẳng là adieu (vĩnh biệt). Ông nói, giọng ngùi ngùi. Lần đầu tiên sau 24 giờ gặp nhau, tôi nghe một thoáng hẫng như đã từng đọc “những ổ gà không khí” có rất nhiều trong văn ông. Những cú hẫng những ổ gà những khoảng lặng như thế trong văn Trang Thế Hy bao giờ nghe lại đọc lại cũng khiến tôi ngùi ngùi. Ông đã 83 tuổi, cầu Rạch Miễu làm chưa xong, còn đoạn đường vô nhà ông vẫn sình lầy. Bao giờ? Vâng, bao giờ  chúng tôi gặp lại nhau?
Bến Tre-Quảng Ngãi một ngày sau World Cup 2006
                 T.T

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 

Các bài mới
Ánh trăng (26/12/2008)