Tạp chí Sông Hương - Số 191 (tháng 1)
Trò chuyện với hoạ sĩ Lê Bá Đảng
16:59 | 04/02/2009
PV: Ảnh hưởng nào đã cho hoạ sỹ về một thế giới quan có tên gọi là: "Không gian Lê Bá Đảng"? Lê Bá Đảng (L.B.Đ): Không gian của tôi là tạo hoá thiên nhiên hài hoà trong tác phẩm. Không có cô đứng, cô ngồi, cô uỷ lụy, cô say, cô tỉnh, cô chiêm bao; không nhìn thẳng như mọi người mà nhìn từ nhiều góc độ.
Trò chuyện với hoạ sĩ Lê Bá Đảng
Tác phẩm độc đáo "Mặc áo cho cây" của họa sĩ Lê Bá Đảng

PV: Bước khởi đầu thành công của hoạ sỹ bắt nguồn từ thất bại nào?
L.B.Đ: Tôi chưa hề thấy thất bại nào cả mà thành công chưa chắc chắn đã thành công.
PV: Cùng song song với thể loại này, được biết hoạ sỹ còn sáng tác truyện ngắn. Hoạ sỹ có thể nói cảm xúc khác nhau khi sáng tác ở hai thể loại này?
L.B.Đ:  Tôi viết là để đền bù cái thiếu trong hoạ. Viết và hoạ cũng như nhau thôi, cứ làm một cách thật thà.
PV: Dấn thân vào con đường sáng tạo nghệ thuật cho đến lúc này, hoạ sỹ thấy hạnh phúc hoặc bất hạnh?
L.B.Đ: Hạnh phúc quá chừng, cứ dùng cả hai tay hai chân và tấm lòng mà vẽ, mà viết.

PV: Điều gì làm hoạ sỹ quan tâm nhất khi sống?
L.B.Đ: Chỉ sợ chết thì không thể nào làm được những ý nghĩ chồng chất trong tâm hồn ông già 84 tuổi.
PV: "Én bay ngang mặt đồng quê/ Đi đâu tôi cũng nhớ về làng tôi". Câu thơ mà ai đó có lẽ quá nhớ quê nhà lúc viễn xứ  đã viết như vậy. Còn hoạ sỹ khi phải sống y như một "Cánh chim di thê" (chữ dùng của Văn Cầm Hải), cảm giác về nơi chôn rau cắt rốn của hoạ sỹ ra sao?
L.B.Đ: Xa quê hương và xa anh em bà con thân thuộc. Còn ra thì quê hương tôi vẫn kín đáo trong tâm hồn tôi rồi chen vào trong tác phẩm của tôi. Tôi muốn nói cái cảm tình, cái linh hồn của quê tôi chứ không phải con trâu với đứa bé trên lưng, cô gái mặt đỏ môi son như nhiều người tưởng tượng.

PV: Festival Huế! Hoạ sỹ nghĩ thế nào khi lễ hội này được thường xuyên tổ chức 2 năm một lần.
L.B.Đ: Rất hay! nhưng thật ra tôi muốn lúc nào Huế cũng như có Festival, dựa theo mưa gió, nắng hạn, lụt bão mà chống chọi với cái ác nghiệt của ông Trời.
PV: Gia đình! Quan điểm của hoạ sỹ?
L.B.Đ: Không bao giờ tôi đặt vấn đề gia đình vì gia đình đã có mãi trong tôi. Một cảm giác, một tình cảm rất thông thường.

PV: Hướng tới điều mới lạ được thể hiện rất rõ qua các cuộc triển lãm của hoạ sỹ. Nhất là hai cuộc triển lãm ở hai lần Festival Huế 2002 và 2004. Hoạ sỹ muốn mang đến cho Huế nói riêng và công chúng về dự Festival nói chung điều gì trong các tác phẩm của mình?
L.B.Đ: Tôi có tánh xấu là hay muốn khoe khoang cái mới của tôi và tôi muốn nhóm trẻ làm mỹ thuật tìm ở tác phẩm tôi con đường đi tới chứ không chịu theo thói quen vẽ vời các lối nịnh hót con mắt kẻ xem, người mua, chiều lụy bọn "mới giàu". Mặt khác, tôi muốn người xa lạ, bà con gay gắt được thưởng thức cái "mới" trên đất này chứ không chỉ có tranh làm vui mắt mà thôi.

PV: Im lặng, suy ngẫm rồi suy diễn... người xem tranh của hoạ sỹ hầu như ai cũng phải thế mới mong tìm được một ý tưởng gì đó đã thẩm thấu rất sâu trong tranh của hoạ sỹ? Vì sao hoạ sỹ lại làm cho người ta "mệt mỏi" đến vậy?
L.B.Đ: Cũng như tập thể thao, sau khi mệt nhọc mới tìm thấy cái thú, cái sung sướng cho tất cả các bắp thịt.
PV: Khi triển lãm tác phẩm của mình ngay trên quê hương Việt , cảm xúc của hoạ sỹ có gì khác so với những lần triển lãm ở các nước trên thế giới?
L.B.Đ: Triển lãm ở các nước giàu có, phòng triển lãm toàn là chuyên môn buôn bán; còn ở Việt thì khác hẳn, nhưng tôi rất thích là làm vui, làm sướng cho nhiều bà con thiếu thốn cái mỹ thuật mới một tí. Và cái thú là trao đổi ý kiến với bà con không được thông thạo về mỹ thuật, nhưng bà con có cái cảm tình sâu đậm mỗi khi họ hiểu được.

PV: Lần triển lãm ấn tượng nhất trong cuộc đời của hoạ sỹ?
L.B.Đ: Tôi thích nhất là cuộc triển lãm năm 1992 trước miếu đình, hồ nước mà tôi mới xây lại sau trận giặc ở làng tôi. Tôi chưng bày tranh giữa sân đình làng, treo tranh trên cây, thảm trải trên cỏ v.v... mà bà con chật ních hai ngày như ngày hội (chính là ngày giỗ của cậu (cha) tôi). Bà con có lẽ không cần tranh đẹp mắt mà cần "đẹp tấm lòng", người quê tôi và lân cận như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... còn nhắc nhở mãi. Họ còn nhớ tất cả nhiều chi tiết hơn tôi nữa.
PV: Mong muốn được làm một "Không gian Lê Bá Đảng" ở Huế, hoạ sỹ đã nói về điều đó từ mấy năm trước đây. Vậy tại sao đến nay vẫn chưa thấy một dấu hiệu gì?
L.B.Đ: Các quan chức ở Huế có lẽ chưa hiểu rõ ý tôi và tôi cũng chưa hiểu rõ ý nghĩ và dự định của các ông nên chưa làm được, nhưng ý muốn cả hai bên vẫn còn. Nay tôi đã già nhưng chưa tra lắm, cả đời cứ muốn làm chi thì làm cho thật tốt chứ "làm" để mà làm cho có lệ thì tôi xin bà con tha thứ cho kẻ cứng đầu.

PV: Nếu được triển khai, hoạ sỹ cần đến điều kiện gì trước tiên?
L.B.Đ: Hai bên phải thoả thuận hoàn toàn và tôi được tự do làm và điều khiển như ý muốn (không nằm ngoài luật pháp của Huế)
PV: Ôm mãi vào mình một mong ước được cống hiến cho quê hương, vậy mà rất khó có thể thực hiện! Hoạ sỹ muốn nói điều gì?
L.B.Đ: Tôi muốn mọi người từng hiểu tôi và coi tôi như một người sáng tác kỳ cục, không giống ai hết. Vậy nếu có thể để cho tôi "bành trướng" hay không thì... Tôi không bao giờ làm trái kỷ luật nhưng không chịu làm lúc chưa vừa ý.

PV: Pháp là quê hương thứ hai của hoạ sỹ? Ở đó, hoạ sỹ đã cống hiến những sáng tạo nghệ thuật của mình có dễ dàng không?
L.B.Đ: Không có ý kiến (cười).
PV: Quan điểm của hoạ sỹ về hội hoạ Việt đương đại?
L.B.Đ: Không dám trả lời, có một điều là tôi chưa thấy có "một trường phái đặc sắc Việt " nghĩa là không giống nước nào hết. Không phải tôi có ý chủng tộc. Mỹ thuật là đỉnh cao của loài người, nhưng trước hết phải là ta đã, phải có cá tánh của ta trước.

PV: Rất có thể đến một ngày nào đó, hoạ sỹ sẽ trở về quê hương để sống và tiếp tục sáng tạo nghệ thuật phần còn lại của cuộc đời mình? Hoạ sỹ đã có lúc nào nghĩ vậy không?
L.B.Đ: Mong ước của tôi là về sống ở quê nên tôi đã tạm làm nhà ở quê, có gì thú bằng "chim bay về tổ /  cá về nguồn".
PV: Sở thích của hoạ sỹ trong văn hoá ẩm thực?
L.B.Đ: Cơm nắm và ớt cay, dưa chua, cà pháo.

PV: Theo hoạ sỹ cái gì ở Việt làm cho hoạ sỹ buồn phiền?
L.B.Đ: Nhiều bà con còn thiếu thốn quá - có trí thức thiếu tình cảm, lừa đảo, gian lận. Ví dụ như cháu tôi lừa gạt tôi cất giấu mấy trăm tác phẩm của tôi đem bán giá rẻ, phá thị trường của tôi; tôi đã thưa với chính quyền, rồi cũng đâu vào đấy. Tôi không rõ đằng sau, đằng dưới có chi? làm tôi thất vọng...
PV: Uẩn ức thường xuất hiện trong đời sống, hoạ sỹ làm gì để giải toả nó?
L.B.Đ: Tôi chỉ biết kêu trời, kêu đất mà thôi. Hay là chun vào cõi kín đáo mà sáng tác.

PV: Việt trên đường hội nhập và phát triển cùng thế giới, bản thân cá nhân người nghệ sỹ cần phải làm gì để trợ thủ như một chủ thể sáng tạo?
L.B.Đ: Về mặt kinh tế, chính trị tôi không rõ nhưng về văn hoá cùng mỹ thuật tôi ước mơ một lối (trường phái có tính cách Việt Nam, khác hẳn Tây phương và Mỹ...) để có thể cạnh tranh với mọi dân tộc và chỉ có đường lối này mới kịp người ta. Còn về kinh tế, chúng ta vẫn còn nghèo và rất khó theo kịp. Hơn nữa, sau này bất cứ cái chi cũng có thể tiêu tan, may ra chỉ còn văn hoá mà thôi. Lịch sử đã cho chúng ta thấy bao nhiêu cái chi giàu mạnh cũng tan nát, may ra còn lại vài tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
PV: Xem tranh thiên hạ, hoạ sỹ thấy mình đứng ở vị trí nào?
L.B.Đ: Cứ nằm sau người ta! Tôi cứ đinh ninh là không làm tranh nữa mà chỉ làm cái Đẹp riêng biệt mới hoạ may cái Đẹp của mình không xấu như người ta.

PV: Yếu điểm lớn nhất của Lê Bá Đảng?
L.B.Đ: Cứ nói thẳng. Mà "nói thật thì mất lòng". Xin lỗi nếu động chạm đến ai, tôi không cố ý.
  NGUYỄN THANH TÚ thực hiện

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Về Cội (05/02/2009)
Chùm thơ Trà Mi (05/02/2009)
Các bài đã đăng