Tạp chí Sông Hương - Số 191 (tháng 1)
Về Cội
17:10 | 05/02/2009
NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

Ông lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi như chẳng để ai bận tâm đến mình. Nhiều khi ông ngồi như phỗng, chẳng bắt chuyện với ai, cũng chẳng quan tâm tới tiếng cá quẫy lao xao dưới nước. Vẻ mặt lúc nào cũng thẫn thờ như đang chìm đắm trong một tâm tưởng sâu kín, hoặc mơ màng theo một hình bóng nào đó có liên hệ với ông từ phía bên kia. Có khi bóng đêm phủ kín mặt sông đã lâu, ông mới đủng đỉnh xách câu ra về. Người thì cho ông "ấm đầu", kẻ lại bảo ông bực chuyện đời muốn tìm chốn tĩnh tâm...
Ở cái làng quê này, các vị cùng lứa với ông đều đã lên lão cả rồi. Riêng ông cứ hây hây như một bậc tráng niên. Vóc dạc săn chắc. Tóc tuy điểm bạc mà răng cỏ y nguyên. Bọn trẻ xóm Chùa hay đùa vui ông là "60 năm vẫn chạy tốt!". Ông cười ha hả, cũng pha trò tếu lâm chọc cười lại không thua.

Sau ngày nghỉ hưu, cơ ngơi của ông trên thành phố đều giao hết cho vợ chồng đứa con trai để một thân một mình về sống với mảnh vườn xưa xanh um cây trái và ngôi nhà cổ của cha mẹ để lại. Ngày ngày ông lấy bàn cờ, chén rượu, hoặc buông cần trên sông làm thú vui với các bạn đồng niên thời còn để chỏm học trường làng với nhau. Thỉnh thoảng ông lại rong xe đi giao du đó đây để thăm đồng chí đồng đội vài ba ngày mới về. Bà con dòng họ thấy ông thui thủi, ai cũng khuyên ông bước tiếp. Nhưng tính ông khó, ông thấy không có ai sánh nổi bà vợ tâm phúc của mình. Từ ngày bà lâm bệnh qua đời, ông đành ở vậy như một nỗi cam chịu, chẳng tơ tưởng chuyện gối chăn ở lứa tuổi này làm gì nữa.

Thế rồi hôm nọ ông lên thành phố thăm con. Nếu như người ta không kể ra với ông chuyện người đàn bà bên kia sông hồi nào cùng với cô con gái từ Mỹ mới về và hiện đang ở dưới quê thì ông đâu hay biết gì. Vừa về tới nhà thì ông đã xon xen sang thăm mẹ con bà ấy. Nhưng không hiểu sao khi ra giữa dòng ông đột ngột đổi ý, lặng lẽ quay ghe lui. Và thế là chiều nào ông cũng xách câu tới ngồi đây như để soi bóng mình xuống dòng nước trong xanh in sắc trời vời vợi. Trước mắt ông từng đàn chim trắng từ đâu ngoài biển xa nối đuôi nhau bay là là dọc sông hướng về phía núi. Nắng thu trải vàng như lụa xuống đôi bờ tre rũ bóng hiu hiu trong gió chiều. Ông ngồi lặng yên với bao ký ức xa xăm của thời trai trẻ hiện về, làm ông bàng hoàng đến nao lòng.

Con sông Lợi Hà đổ từ nguồn ra phá, không dài, rộng hẹp theo khúc. Mùa hè sông cạn, nước lội ngang rốn. Trẻ con hai bờ tha hồ ra giữa dòng nô đùa, bơi lặn. Có một thời chúng chia ra hai phe hai bờ đánh giặc giả với nhau. Vui thì thật vui. Không ngờ trong một trận "thuỷ chiến" kịch liệt gây nên thương tích cho cả đôi bên, làm cho bên thắng bên thua từ đó về sau coi nhau như "quân thù" mà giữa dòng sông là "trận mạc" bất khả nhượng. Hễ trẻ con bên này bơi ra tắm giữa sông thì trẻ con bên kia nhào xuống, hai bên rượt đuổi nhau tới số. Tiếng la hét náo loạn một khúc sông. Người lớn không sao cản nổi. Các cu cậu ấy sau này lớn lên thành nam thanh nữ tú mà mối "hiềm" kia vẫn để bụng, đã dẫn đến chuyện con gái bờ nào lấy chồng bờ nấy, lâu ngày thành "lệ" của một vùng quê.

Hôm ấy, giữa trưa hè chang chang, Trần ngồi hóng mát ở bờ sông, chợt thấy một cô gái đánh trần xuống tắm sông một mình ở bờ bên kia. Chàng lén nhìn không rời mắt. Sau một hồi bơi bì bõm, đột nhiên thấy cô gái chới với, sau đó chìm nghỉm khỏi mặt nước. Nhanh như sóc, chàng trai nhảy tõm xuống sông, sải tay chốc lát đã tới bên kia, kịp vớt cô gái lên, rồi vác chốc ngược sau lưng mình, vừa chạy vừa la cấp cứu. Xóm làng nghe tiếng chạy tới. Phải mấy phút sau cô gái mới tỉnh lại, cả thẹn đến chín mặt. Mọi người đều hú hồn hú ví cho cô Mận, con gái cô cả Sằng, suýt nữa chết đuối nếu không có chàng trai lực lưỡng và quả cảm ở làng bên.
Tiếng lành đồn xa. Chẳng bao lâu cái "lệ" cố hữu trên cũng mất dần, không còn mấy ai nhắc tới nữa.

Mận là hoa khôi trường trung học, từng làm "xôn xao oanh yến" ở cái quận ngoại thành này. Cô có mái tóc dài óng mượt như suối nước tuôn đều xuống đôi bờ vai thon, trông quí phái và sang trọng hẳn trong đám bạn gái cùng trang lứa. Duy chỉ có đôi mắt sóng sánh như đang ẩn chứa một điều gì bi lụy bên trong làm cho gương mặt cô gái lúc nào cũng u u buồn buồn thế nào ấy.
Sau cái hôm suýt chết đuối đến giờ, Mận cứ vào ngẩn ra ngơ. Ngày nào cô cũng xuống bến nước bâng khuâng nhìn sang bờ bên kia với một nỗi mong chờ khắc khoải cháy lòng. Bỗng đâu sáng hôm đó, cô bắt gặp chàng trai hôm nọ đang chèo ghe từ từ cập vào chỗ cô đang đứng. Cô hồi hộp định bỏ chạy lên bờ thì chàng trai lên tiếng: "Mận quên tôi rồi à?". Cô gái nửa mừng vui nửa bối rối: "Quên răng được người đã cứu sống em!". Cả hai cùng cười. Mận mời chàng trai vào nhà. Ông cả Sằng đi vắng. Hai người ngồi nói chuyện suốt buổi. Chẳng mấy chốc họ phải lòng nhau. Từ đó về sau, hai người thường qua lại trên sông. Rồi tình yêu nảy nở. "Mới đầu trăng gió sau ra đá vàng". Say đắm, khắng khít tưởng khó rời nhau nửa bước. Dân làng ai cũng trầm trồ khen họ đẹp đôi, lại như có duyên trời định.

Sau khi rõ đầu đuôi ông cả Sằng một mực ngăn cấm con gái quan hệ với chàng trai bên kia sông. Ông vin chuyện đã thành "thói" trong dân gian ở đây, rằng, trai gái hai bờ sông này mà lấy nhau thì sớm muộn cũng vợ nơi chồng ngả, hoặc nếu có ăn đời ở kiếp thì con cái chẳng ra gì. Tuy nhiên, cả làng này ai lạ gì ông cả Sằng. Sở dĩ nói vậy là vì ông đã đem con gái mình hứa hôn với Vệ đang học trường võ bị sĩ quan Đà Lạt, là con trai một của ông chánh Thừa giàu có nhất vùng này.
Vệ và Trần là bạn cùng lớp cùng trường hồi còn học phổ thông trên thành phố. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Trần vào đại học, còn Vệ chọn con đường binh nghiệp để tiến thân. Vệ cũng thuộc hạng đẹp trai, học giỏi, nhà giàu. Chỉ vì Vệ có cái tính dương dương tự đắc khiến không ít bạn bè xa lánh. Vệ cũng tán tỉnh lắm cô gái mà chẳng đậu được cô nào. Thấy Mận đẹp người đẹp nết, Vệ cũng rắp rem từ lâu, song thấy khó, vì Mận đã yêu Trần. Nay Vệ chỉ còn cách dựa vào "chước" của ông chánh Thừa mà thôi.

Nhân ngày đầu xuân, chánh Thừa đến chơi nhà cả Sằng. Ngồi uống trà, thấy nhà cửa cả Sằng làm dang dở vì thiếu tiền, chánh Thừa gợi chuyện cho cả Sằng mượn ít vốn. Cả Sằng mừng rơn. Sau đó, để đáp lễ, cả Sằng đến thăm nhà chánh Thừa và được chủ nhà thết đãi thịt béo rượu ngon. Giữa lúc chén tạc chén thù, Chánh Thừa gợi ý muốn làm su gia, thế là cả Sằng gật gù tâm đắc liền.
Vào quân trường một thời gian, Vệ xin phép về nhà đi hỏi vợ. Dẫu biết người ta đã gắn bó nhau thắm thiết, Vệ vẫn phớt lờ, mang cân đai áo mão sĩ quan đến nhà như để khoe mẽ với cha con cả Sằng. Cả Sằng hí hửng, sốt sắng cho nhà chánh Thừa làm lễ ăn hỏi vội vội vàng vàng như để phòng xa một chuyện mà ông lường trước có thể xảy ra, mặc cho con gái ông vật vã, khóc than đến đâu.
Trần không ngờ sự thể ập tới nhanh chóng dẫn đến nông nỗi này. Anh mạnh dạn gặp ông cả Sằng để nói điều hay lẽ phải. Nhưng ông đã dùng quyền uy của người cha trong gia đình còn rặc đầu óc phong kiến hủ bại để bác tất. Anh đến tìm Vệ trong khi hắn cố làm lấy được để coi như "chuyện đã rồi", xong, đã hấp tấp chuồn đi tự bao giờ.

Sau cái lễ ăn hỏi phũ phàng ấy, Mận dở sống dở chết như cái xác không hồn. Giờ đây cô chỉ còn tin cậy vào Trần, bởi nước mắt mình đã bất lực, không lay chuyển nổi lòng dạ người cha. Ngờ đâu cái đêm Trần chèo ghe sang, không phải để bàn chuyện tốt lành, mà cũng chỉ để khuyên Mận nên làm theo sự sắp đặt của cha, khiến Mận gục đầu, khóc rũ rượi. Khi Trần không còn gì để nói nữa, Mận đột ngột vùng dậy chạy bổ xuống sông. Hoảng lên, Trần lao theo ôm chặt lấy Mận vực lên ghe của mình. Hai người lời qua tiếng lại không ai chịu nghe ai. Rồi chẳng hiểu thế nào họ lại cùng nhau chèo ghe ngược lên thượng nguồn đến tận khuya mới về. Kể từ dạo ấy trở đi, hằng đêm Mận thường trốn nhà theo Trần thả ghe lênh đênh trên sông vắng. Buồn tủi thân phận mình, lại xót xa cho người yêu, Mận đã quyết "nhị đào thả bẻ cho người tình chung" suốt cả tuần trăng như thế.

Đến hồi ông cả Sằng biết chuyện thì "nước đã đến chân". Nhân lúc Vệ ra trường, ông vội vã cho nhà chánh Thừa làm lễ vu quy ngay trong tháng.
Hôm gia đình Vệ làm lễ rước dâu, pháo nổ dòn bên kia sông, thì bên này cảnh sát cùng một trung đội nghĩa quân ở địa phương nổ súng truy bắt Trần vì có kẻ phản bội khai báo ra cơ sở hoạt động nội thành do Trần phụ trách. May sao Trần đã thoát được lên cứ.
Bao năm cầm súng chiến đấu trong hàng ngũ quân giải phóng, vào sinh ra tử khắp các chiến trường, Trần vẫn không sao nguôi được chuyện tình oái oăm của mình bên dòng sông năm nào. Mỗi lần nhớ đến Mận là mỗi lần căm thằng Vệ đến nát lòng. Hắn đã gây nên hai chuyện tày đình: cướp giật tình yêu của bạn và quay lại cái nền nếp gia phong cổ hủ để cô gái phải chịu số phận "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", về làm vợ hắn như thế kia. Hắn cố tình làm kẻ tình địch trong khi hắn là quân địch trên chiến trường. Thù này rõ nhân đôi để anh không chùn tay súng mỗi khi gặp hắn bất cứ ở đâu.

Mùa hè đỏ lửa 1972. Cứ điểm 302 của địch thường xuyên bị pháo kích và có nguy cơ bị tấn công nhổ khỏi vị trí trong chiến dịch này. Tin mật từ Tham mưu Trung đoàn: một đại đội bộ binh địch đang sửa soạn tăng viện cho 302. Lệnh trên giao cho đại đội trưởng Trần khẩn trương lên phương án tác chiến và trực tiếp chỉ huy một đại đội tăng cường chặn đánh bằng được lực lượng chi viện cho 302.
Sau khi quân báo nắm chắc ngày giờ đich xuất phát, đại đội trưởng Trần bí mật ém quân mai phục từ lúc trời chưa sáng ở trục đường lâu nay địch thường chủ quan là khu vực an toàn nội giới mỗi lần điều quân bằng đường bộ lên 302.

Đúng 9 giờ sáng hôm đó, một đoàn xe chở quân có tăng thiết giáp yểm trợ ùn ùn nhằm hướng 302 tiến lên. Chờ tất cả lọt gọn vào ổ, lệnh phát hoả gióng lên, các cỡ súng đồng loạt nổ rền chặn đầu, khoá đuôi trong giây lát. Bị tấn công bất ngờ, hai xe bọc thép đi đầu bốc cháy, cả đoàn quân xa hơn chục chiếc hoảng loạn, dồn đống lại. Hầu hết số tân binh trên xe lăn cù xuống đất, buông súng xin hàng, nhốn nháo, thất thần như gà vướng tóc. Cả đoạn đường mù mịt khói đạn. Trong đám hỗn quan hỗn quân ấy không thấy có tên chỉ huy đoàn xe. Hỏi riết, một hàng binh mới chỉ chỗ ẩn trốn của tên đại uý. Hắn ngồi dấu mình trong một hốc đá gần đó, đinh ninh chẳng ai nhìn thấy. Đại đội trưởng Trần cùng hai chiến sĩ bò sát tới, lên tiếng gọi hàng. Nhưng tên đại uý vẫn im hơi lặng tiếng với khẩu tiểu liên tử thủ lăm lăm trong tay. Khi biết chỗ ẩn trốn bị lộ, hắn len khỏi hốc đá, men theo bụi rậm, định bỏ chạy lên núi. Đại đội trưởng Trần đưa súng lên ngắm bắn thì kịp phát hiện ra tên đại uý ngoan cố kia chính lại là Vệ. Anh cho lính bắn chỉ thiên uy hiếp, rồi tự xưng tên mình để gọi Vệ đầu hàng. Thấy không còn cách nào khác, Vệ đã đưa hai tay lên. Trần bực dọc quát vào mặt: "Sao mày khờ đến thế hả Vệ!".

Đám hàng binh nhanh chóng đưa về tuyến sau, được đối xử tử tế. Sau một ngày nghe cán bộ binh vận nói chuyện, đến chiều, tất cả đều được phóng thích. Trước lúc ra về, Vệ gặp Trần nói lời của người vừa tỉnh ngộ: "Cám ơn bạn đã không bắn. Lần này về nhà, tôi sẽ bỏ ngũ để kiếm nghề làm ăn lương thiện thôi!".
Mùa xuân 1975, Vệ mang lon trung tá. Lúc mũi tiến quân của Trần vào giải phóng thành phố cũng là lúc Vệ đưa cả gia đình lên máy bay di tản sang Mỹ.
Gần 30 năm định cư bên đó, chẳng hiểu sao hai vợ chồng sống ly thân. Sau này Vệ lấy vợ khác. Còn cô Mận ngày nào nay đã là bà Mận thì luôn mong đợi một ngày trở về nước. Nỗi nhớ cố hương cứ bứt rứt, thôi thúc không yên. Mãi đến mùa thu năm nay, bà mới cùng con gái hồi hương.

Những ngày đầu về sống lại trong ngôi nhà cũ của mình, bà đã khóc âm thầm vì cha mẹ nay chẳng còn ai, vì cuộc hôn nhân đã không hạnh phúc lại xô đẩy bà lưu lạc đến chừng ấy thời gian ở chốn đất khách quê người mà bà không ham không muốn. Nay như lá vàng mùa thu rụng về cội, bà chỉ biết ngậm ngùi khổ tủi cho duyên phận bẽ bàng của mình.
Từ hôm trở về, ngày nào bà cũng xuống bến nước ngày xưa để nhìn sang bờ bên kia với một nỗi nhớ da diết những đêm trăng trên sông, cùng một hoài bão bấy lâu canh cánh bên lòng. Làm sao ai kia hiểu nỗi đoạn trường cái ngày bà về nhà chồng cũng là ngày hay tin người yêu bỏ nhà đi kháng chiến? Và làm sao người ta tha thứ cho bà giữa lúc người yêu vào giải phóng thành phố cũng là lúc bà bỏ chạy khỏi đất nước này?... Mới đó mà đã ba mươi năm rồi! Không hiểu bây giờ ông ấy đang ở đâu? Bà nôn nóng. Bởi lâu nay bà vẫn hy vọng sớm muộn cũng gặp được ông ấy vì một sự thật hệ trọng có thể ông chưa biết tới. Và bà tin cái sự thật ấy sẽ làm cho ông hạnh phúc mà thông cảm tất cả cho bà...

Chiều nay bà Mận ra ngồi bờ sông. Khúc sông ở đây quá rộng nên người ở hai bờ khó nhận ra nhau. Vậy mà bà Mận vẫn để ý một người đàn ông ngồi câu cá bên kia sao mà hao hao giống ông Trần ngày xưa đến thế. Bà xuống đò định chèo sang, nhưng nghĩ lui nghĩ tới thấy không nên. Bà ngại lắm chuyện. Đến lúc có người cho bà hay hoàn cảnh ông Trần hiện giờ ở bên đó, bà lấy làm tủi tủi mừng mừng, mới quyết định cùng con gái sang sông.
Chiều thu yên ả. Những vạt nắng cuối ngày trên mặt sông mỗi lúc một nhạt dần. Chỉ còn những tia nắng mỏng manh lọt qua kẽ lá từ hàng cây lộng gió bên kia chiếu vật vờ xuống bến nước tạo cho đôi bờ cảnh tranh tối tranh sáng trông ngoạn mục.
Như mọi buổi chiều, ông Trần vẫn tới ngồi chỗ cũ. Vừa thả câu một lúc, ông bỗng thấy bóng ai bên kia trông giống bà Mận thuở nào đang cầm tay một sô gái bước xuống đò, chèo hướng mũi vào bến nước ông ngồi. Ông đâm bối rối, vội vàng xách câu bước nhanh về nhà như có ai đuổi sau lưng. Vừa điông vừa tự hỏi: Phải chăng hai mẹ con bà Mận sang sông tìm mình? Mà sao mình lại bỏ chạy như thế này nhỉ? Tự dối lòng làm gì khi chính mình cũng mong gặp bà ấy vì cái chuyện nghi nghi hoặc hoặc từ những ngày xưa?...

Băn khoăn hội hộp bởi những suy đoán thực thực hư hư trong đầu. Ông đứng lặng ở góc nhà, mắt đăm đăm ra phía bờ sông. Ông định quay trở lại bến nước khi nãy thì bất chợt có tiếng người ngoài ngõ đi vào.
Đúng là hai mẹ con bà ấy đây rồi! - Ông thốt lên trong cổ họng với một niềm vui dè dặt mà lòng lại như đang nhóm lửa...
 N.T

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Trà Mi (05/02/2009)