Tạp chí Sông Hương - Số 191 (tháng 1)
Quê nhà xa ngái
17:17 | 05/02/2009
HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

- Chân còn lấm lem đất cát, móng chưa hết màu vàng bệch, được đặt đít vào chỗ dân cử, liền ăn chơi cho bõ những ngày làm đứa cày ruộng!
Tôi phì cười lúc thấy con Lành tay cầm xấp tiền nhưng đôi mắt đỏ hoe đứng sát góc phòng. Mẹ lại lẩm bẩm ca cẩm gì đó, thấy tôi liền bảo:
- Cậu út nhắn tháng này về giỗ ngoại. Mẹ định nhà ta đóng cửa về quê, trước thắp cho bà nén hương, sau mừng cậu út về chân chủ tịch xã, ngày xưa thuộc hàng hội đồng, ghê lắm...
Tôi hiểu ý mẹ nên chen ngang:
- Mẹ mừng sao chan chát dữ vậy, coi kìa...
Mẹ thấy Lành đưa tay quệt mắt, bật cười:
- À, cô nói vậy để nhắn nhủ bố mày. Thôi, theo con Hoàng đi phố, thích gì thì mua. Nhưng tao cấm hai đứa bỏ cơm trưa đấy, tao nấu không phải cho chó ăn!
Tôi bịt tai kéo vội con Lành ra ngoài kẻo bị thêm tràng nữa, miệng hét “Thôi, thôi mẹ ơi!” và nháy nó:
- Tánh mẹ lúc nào cũng vậy, đừng buồn nghe Lành.
- Vâng, em biết. Bố bảo mọi người năm nay về quê để giỗ, cô cho tiền rồi chưởi rồi khuyên rồi khóc, em khóc theo đấy chứ.
Vâng, tôi biết mẹ nhớ quê nhiều lắm, hơn ba mươi năm ngày nào bà chẳng lên sân thượng lộng gió để nhìn về phía quê nhà. Phía ấy, chập chùng đồi núi, cuồn cuộn mây giăng, có mẹ già và người em trai út còn trong bom rơi đạn lạc lúc bà bồng con theo chồng về phố thị.

Đã có một đường phố hình thành cách đây ba mươi năm. Thời ấy, thị xã còn chưa rộng lớn, nhà chưa san sát, hàng hiệu chưa nhiều, những khu đất trống vừa mở dành cho những người ngụ cư vì chiến tranh dần lan toả phải rời làng quê. Từ một nơi yên bình với ruộng đồng, luỹ tre, dòng sông, bến nước đến nơi ồn ào bụi bặm mù mịt thì tất cả những người đàn bà vào phố đều ngơ ngác, đôi tay thừa thãi, chân bước khập khiễng trên đường đất đỏ mới nguyên đầy xa lạ. Mẹ phải chái thêm chái bếp đặt lò bánh tráng, sẵn tiện nống thêm khu đất để chăn nuôi. Kẻ khác mở rộng hàng hiên treo đầy thúng mủng, có người ngăn phòng đặt thùng gỗ để làm nước mắm. Xóm quê trong phố hình thành mang đậm sắc thái đồng rừng, biển. Bọn trẻ lũ tôi đầu tiên phát hiện thổ ngữ pha trộn đủ loại khi cãi nhau chí choé vì trò chơi mỗi vùng mỗi khác.

Những người đàn bà bỏ quê ra phố được gọi theo ngôi thứ có cô Bảy, thím Sáu, bác Ba, dì Chín và dần gọi theo tên đệm của cái nghề bất đắc dĩ như “Bảy mắm”, “Tư bánh tráng”, “Tám bánh canh”, “Sáu mủng”... quen riết rồi bọn trẻ có thêm tên đệm. Mờ sáng, từng người gánh gồng vào các ngõ phố để rao hàng hay đi làm thuê với chiếc nón lá và bộ bà ba nâu sờn bạc thếch mồ hôi. Ngày cách ngày, họ tụ tập dưới mái hiên từng nhà để rủ rỉ chuyện trò, nhổ tóc sâu, bàn chuyện thời tiết, đồng áng không bao giờ hết. Bây giờ con đường “Xóm quê” trong ngõ phố đã rợp bóng cây xanh, phố thị có đường ngang lối dọc trải nhựa phẳng phiu cùng đèn đường thắp sáng đêm dêm. Bọn tôi đã lớn khi đất nước hoà bình thì những mái bằng mọc lên thay mái tôn thời chiến. Những người đàn ông, đàn bà bỏ quê vào phố đã hoà trong cuộc sống thị thành, quen những tiện nghi cùng thổ ngữ dần phai âm sắc. Nhưng sự giàu có bởi “thương nhân đa trá”, bởi sự nhẫn nhịn để vươn lên qua việc cần cù gây nhiều khoảng cách và mất dần tình cảm, Phải chăng, khi đã đầy đủ thì con người sẽ đổi khác và quên dần góc quê mình đã sinh ra.

Đầu tiên, cô Bảy “mắm” ở miệt biển, nơi vòng cung cát trắng khô cằn phải dạt vào phố vì địch càn quét triền miên. Một gia đình đen cóc cáy, ngơ ngác, túm tụm vào căn chòi lợp tôn vách ván thủng lỗ chỗ. Bà chị Tư là mẹ tôi đến lắc đầu bảo “Sống thế này sao tiện, nếu gốc dân biển vô đây phải làm mắm...”. Vậy là mắm cái, mắm tôm, mắm nhĩ, mắm ruốc ra đời cùng mùi vừa thơm lại vừa thối sực lên trong những mùa gió nam cồ. Sau này, thằng Thu con cô Bảy “Mắm” trong nhóm ngõ quê trong phố vượt biên gửi về cho gia đình từng xấp đô la mới cứng. Nhà cô Bảy trở thành to nhất xóm cùng tiện nghi đầy đủ trước nhất. Hôm giỗ nội, mẹ cho mời bạn hữu một thời vào phố đến dự đông đủ. Cũng lạ, bữa cơm thân mật có tô canh riêu, dĩa muống luộc, chén mắm cà trong đặc sản đủ món. Cô Bảy “Mắm” nhăn mặt, trỏ đũa “Chị Tư dọn mắm cà đâu hợp, xưa lắc lư rồi!”. Mẹ tôi giả lả  “Ừ quên, lúc trước về làm dâu phía chồng lại nghèo, cha chồng thích món này nên sắp cúng để nhớ. Bọn nhỏ đặt nhầm chỗ, để bảo chúng đem xuống”. Sau bữa ấy, nhắc đến cô Bảy, mẹ quát “Cái con mắm khô đét đấy hả, không có xóm này thì héo lâu rồi, có nghì quên ngãi, trước rách hơn tổ đỉa giờ lên mặt, thứ đi cầu quên giấy! Tao hả, phủi đít đếch cần”

Lại chuyện cô Tám “bánh canh”, khi đến xóm quê trong phố mặt cứ ngơ ngác đần đần vì gốc ở đất giồng tận đồng rừng bị dồn dân. Lão chồng bập thuốc quấn, điếu to như sâu róm, đụng đâu nhổ toẹt đến đấy, mắt đảo ngang dọc như ma xó. Mẹ tôi hô mọi người qua khu đất cô Tám được cấp dựng lên cái lán che mưa nắng cho lũ con, rồi bảo “Mày ra phụ bán bánh canh với con Hai, ráng học nghề kẻo đói rã họng con ạ”. Lão chồng luôn toả sực mùi thuốc rê khét mù nhưng có thân hình cuồn cuộn cơ bắp dù ngớ ngẩn cũng xin được chân lao công khu sở Mỹ. Sau này, không biết lão ấy có thò thụt đồ Mỹ hay không nhưng chỉ riêng hàng bánh canh của cô Tám đắt như tôm tươi, nhờ cả xóm tập trung đến ăn ủng hộ trừ bữa cho dân lao động ngõ khác quen mùi, còn tôi thì cạch đến già món bánh canh từ dạo ấy. Rồi cô ra đầu phố, tậu hẳn ngôi nhà ba tầng có cửa sắt kéo, thuê thợ đến làm bánh phở, bánh giò, bún mọc đi bỏ khắp phố. Cô Tám có đứa con gái tên Hải là bạn lũ tôi khi vào mũi dãi thò lò, xe máy chạy qua đã khóc thét, giờ có Shop mỹ phẩm riêng, khuôn mặt lúc nào cũng bừ bự do son phấn và mồ hôi dầu. Hôm đám cưới nó, tôi cùng mẹ đến dự. Thằng chồng chắc hợp nhãn chú Tám vì to con như trâu mộng cùng cặp lông mày xếch ngược như dân hề chèo. Trong phòng ăn rộng tênh gắn đôi máy lạnh, cô Tám sởi lởi “Em nghe chị dạo này lên đời lắm vì có cổ phần trong công ty bánh kẹo, chị nhường em một phần nhá! À, món yến chưng cách thuỷ vừa miệng không chị Tư? Hàng Hồng Kông nhập vào thì nhất”. Mẹ tôi cười cười nhìn mọi người rồi nói “Tám, mày có khi nào ăn lại món bánh canh giả cua chua lòm ấy không?”. Cả bàn cười ồ lúc cô Tám đỏ tai, gân cổ “Còn khuya đó chị, thời ấy khổ bỏ mẹ, thiếu điều đi làm me Mỹ. Giờ hả, sáng đi cao lâu chiều xuống biển chọn hải sản tươi nguyên để ăn. Nếu buồn thì đi du lịch thăm thằng Sơn trong Vũng  Tàu. Việc gì cần cứ gọi di động về là bọn thợ làm tăm tắp”, Chợt cô Tám vỗ tay lên trán rồi xoè ra các ngón đính kim cương sáng lấp lánh “Quên mất, em gặp con Tâm trong ấy, nó “ruốc” lắm, vẫn cái nghề hấp giặt ủi thuở trước”.

Mẹ tôi im lặng, nhưng tay bà đang cầm đũa chợt chao đi suýt rơi và tôi chợt nhớ cô Ba Tâm có làn da nâu nâu, đôi mắt buồn buồn tận ngoài bến sông Ngân gần đèo Quán Cau dạt vào xóm phố. Cô Tâm ở nhà tôi đi giặt ủi thuê ngoài chợ cũ. Chả hiểu thế nào lại mê con ông chủ tiệm nên dắt nhau bỏ trốn. Mẹ tôi cho người tìm nghe bảo cô ấy vào trong Sài Gòn rồi theo chồng ra nước ngoài. Lúc rời tiệc cưới trên đường về, mẹ thở dài lắc đầu “Con Tám nếu không có xóm này thì cũng theo bọn ở sở Mỹ cùng guộc với thằng chồng, tằng tịu đủ thứ. Còn bánh canh đấy hả, nấu dơ như cứt mũi mà giờ bày đặt xỏ xiên. Mẹ già rồi, nếu không, phải tìm con Tâm dẫn nó về đây. Sông có khúc, người có lúc, đừng trách nó”.

Tất nhiên cũng có người này, người nọ. Còn cô Sáu bán mủng cót, thúng nia hay dì Chín bán đường đậu nay tóc đã hoa râm như mẹ nhưng vẫn như ngày xưa dù nhà này dãy nọ. Có việc gì mẹ lại đến với họ và câu chuyện đậm dần từ xóm nhỏ ngày cũ nơi triền sông có hàng dâm bụt đỏ tươi bên hàng cau vườn nối tiếp vườn, có mẹ già chốn cũ hằn bao vết nhăn năm tháng. Quê cô Sáu có cánh đồng bao quanh lũy tre mà thuở lên mười cô là người thôn nữ mảnh mai, chiếc đòn gánh mỏng manh cùng đôi thúng xinh xinh trên đôi quang thanh mảnh với dăm món hàng nho nhỏ ra chợ phiên buổi sớm. Nó thân thiết với các cô gái làng vào những lúc gian nan nhất, ngay cả thời chiến tranh lan toả, mỗi người một bên bọc nồi niêu, một bên đứa con nhỏ còn tập tễnh tay dắt đứa con lớn hơn để gánh gồng cùng bom đạn. Dì Chín thổ sản sinh ra từ vùng nông thôn, lớn lên đã có đôi chân gân guốc bới qua mùa mưa nắng và họ đâu quên những ngày mưa gió lê thê mà dầm mình nhổ từng cọng cỏ, đi từng luống mạ, chân dẫm vào bùn lầy mà tâm hồn thăm thẳm màu xanh phải rời khỏi sân đất để lang bạt vào sân đời. Chiếc sân đất xa xưa từng phơi lúa, phơi cả kỷ niệm tuổi thơ, phơi cả năm tháng nhọc nhằn đã dần vào lãng quên thì họ càng thảng thốt vì đi gần hết một đời người.

Những tối hè, mẹ và bạn mẹ rủ nhau lên ngôi Tháp cổ để tìm luồng gió mát từ một độ cao cũng như từ phía dòng sông đổ về.Và cũng từ đỉnh đồi cao này, họ ngóng mắt ra xa, xa nữa, nơi ấy là quê nhà là hoài niệm nhưng không thể ở hết cuộc đời. Mẹ đã qua nhiều thời kỳ, đã trải qua biết bao trái ngang cuộc sống mà chống chèo nuôi bầy con lúc cha tôi mất. Cái nhìn của mẹ không khắt khe như lũ bạn hay nói đùa. Cũng như mẹ thường đối xử với cậu út, vừa mong cậu vươn lên, vừa sợ cậu sa ngã hoặc lúc có quyền thế cậu sẽ xem thường tất cả như những người bạn mẹ, kinh nghiệm của người phụ nữ từ quê ra phố đối chọi với đời. Chính từ những bữa cơm gia đình không cầu kỳ nhưng luôn đủ chất một thời vừa bao cấp ấy, đã cho anh em tôi vượt qua mà vào đại học phù hợp lối sống tập thể là chuyện bình thường, không hề có chuyện kêu gào đòi hỏi như những đứa trẻ khác trong ngõ phố này. Đến lúc chúng tôi lần lượt có gia đình với nghề nghiệp ổn định thì mẹ tạo dựng cho cơ ngơi mới. Mẹ nói “Mẹ vào phố không có nổi một căn nhà, giờ các con là dân phố có chỗ đàng hoàng, mẹ đâu giữ gì cho riêng mẹ” và chúng tôi đã khóc.

Mỗi đêm vào mùa trở gió, riếng rao văng vẳng luồn vào khe cửa của những người bán hàng rong bên ngoài. Mẹ lại trở mình để tôi biết rằng phía ngoài kia đường vắng chập chờn bóng lá lại có người xa quê như mẹ, như những người trong ngõ phố này một thời đã qua. Trong khoảng khắc bừng sáng tâm khảm ấy, khoảng nhớ của mẹ cứ dội dội về cùng tiếng thở dài. Với tôi, cũng lạ ban đầu và quen dần về sau khi thế hệ của mình được lập nghiệp nơi vùng đất mới. Mỗi một xuân về với mỗi thứ hoa sang trọng, bánh mứt đóng hộp, mùi hương toả lan trong căn nhà khép kín không hề có mùi rơm nồng nồng ngai ngái, không có hương cau hương buởi, không có những đứa bạn nhỏ í ới rủ ra phiên chợ góc đình tìm mua những chú tò he đủ màu. Khi mùa hạ sang lại tìm nơi thoáng mát ở các bãi biển, ở đó có nhiều cuộc vui không phải ao sen đầm nhỏ, không một mùi hương dủ dẻ trên bãi cát dọc triền sông, không có khói đốt đồng lan toả cùng bóng mẹ cặm cụi phía xa và mỗi mùa đông sang, cái rét giá buốt trên quãng đồi quê có áo tơi lá dày ấm đã xa rồi bởi tiện nghi ngày một thay đổi của phố phường.

Chỉ có mẹ hay cô Sáu hoặc dì Chín là vẫn nhớ vì họ là những người vào phố còn đậm chất quê, nhất là những lúc bất chợt gặp lại hình ảnh thuở xưa. Ban ngày họ là những người của phố phường nhộn nhịp, cũng bỏ một lấy mười, cũng ăn cho buôn so. Nhưng đến đêm, họ là của quê nhà xa ngái, khoảng nhớ là nỗi trằn trọc và hôm sau thế nào “Tổ quê” ấy cũng tề tựu. Buổi chiều, lúc đi làm về vợ chồng và con tôi ăn đến phát ngán những món quà quê do các cô nấu cùng mẹ và nghe đến vài trăm lần câu chuyện của mỗi người, đến nỗi con tôi mới học mẫu giáo đã chống nạnh trợn mắt bắt chước bà “Này, nghe bà bảo... ừng... am..àng...bỏ...ĩa...” và thuộc các món ăn như cháo chảy.

Tôi chở con Lành về đến nhà thì trời đã xế trưa. Khi hai chị em đi phố nó biết mẹ tôi nhờ cậu út tìm hộ mảnh vườn dưới quê. Vậy là mẹ sẽ về nơi ấy lúc gần hết đời người. Tôi im lặng đưa xe vô cổng đã thấy mẹ chờ sẵn dưới tàn trứng cá trước hiên nhà. Tôi đùa “Hôm nay chị Tư ở nhà chắc sắp có động đất!”. Bà cười phe phẩy quạt nan “Tao đang lo tụi bây về trễ, cơm canh nguội hết”. Trên bàn ăn không có bát canh tập tàng, đĩa cá đồng kho gừng chen vài đồ nấu thường ngày mà đầy thức ăn như bữa tiệc gia đình. Tôi trố mắt nhìn mẹ, bà bảo “Con Lành lên phố, ăn đồ phố, khách của mẹ...”. Hôm nay mẹ ăn thật ngon và dõi mắt âu yếm nhìn Lành, bởi Lành giống tạc cậu út mà mẹ thì giống cậu út y hệt. Ngày mẹ bỏ quê lên phố cũng bằng tuổi Lành bây giờ.
Tháng giêng đi qua vẫn còn có gió heo may nhẹ luồn khe cửa. Trong mỗi đêm khuya về sáng tôi nghe mẹ lại trở mình như khi tôi còn nhỏ, lúc mẹ vừa bỏ quê ra phố, mỗi đêm lại trở mình cùng tiếng thở dai.
H.T.T

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về Cội (05/02/2009)
Chùm thơ Trà Mi (05/02/2009)