Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Manaus - miên man núi rộng sông dài
11:25 | 20/01/2009
NGUYỄN VĂN DŨNGAmazon là tên khu rừng lớn nhất thế giới. Amazon cũng là tên con sông, theo khảo sát mới đây, là con sông dài nhất thế giới. Amazonas, quê hương của hai Amazon kia, là bang rộng nhất trong 26 tiểu bang của Brasil - rộng hơn cả diện tích của nước Anh, Đức, Pháp, Ý cộng lại. Còn Manaus, là kinh đô của Amazonas miên man núi rộng sông dài.
Manaus - miên man núi rộng sông dài

Có ba cách đến Manaus : bằng xe hơi, tàu thuỷ, máy bay. Tôi chọn cách thứ ba. Từ Santa Ana của California bốn mùa dịu mát, tôi bay về Miami nắng ấm, để từ đây bay sang Manaus nóng bỏng. Chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Brasil đáp xuống phi trường Manaus lúc 1 giờ sáng. Trước cửa phi trường, đám tài xế taxi tụm năm tụm ba. Dưới ánh điện tù mù, tôi không sao phân biệt được người thiện kẻ ác. Thôi thì, cũng liều nhắm mắt đưa chân. Chiếc xe lao vun vút qua những cánh rừng, qua những con phố. Tôi giật mình mường tượng, xe bỗng rẽ vào một ngõ vắng, dừng lại trước đám anh chị mặt rỗ mặt rạch, tay dao tay búa chực sẵn... Và rồi chiếc xe dừng lại thật, ngay trước cửa khách sạn Plaza, nơi tôi nghỉ chân mấy ngày ngắn ngủi lang thang với cái thành phố xa lạ này.
Buổi sáng thức dậy, từ tầng 7 của toà cao ốc, nhìn qua cửa sổ, tôi nhận ra thấp thoáng sau hàng cây dòng sông Amazon huyền thoại. Bỗng trào dâng niềm cảm khái lạ lùng. Rốt rồi tôi cũng thực hiện được giấc mơ của mình: chiêm ngắm con sông dài nhất, rộng nhất, và nổi tiếng nhất thế giới. Ôi, Amazon!

Ngay ngày đầu tiên, tôi chọn Tours Meeting of the Waters, tất nhiên. Đó là tua đi du thuyền dọc sông Amazon, từ Manaus đến chỗ hợp lưu của hai con sông Rio Negro và Rio Solemoes. Đoàn chúng tôi gồm 22 người. Trừ vài vị du khách châu Âu, số còn lại là dân Brasil chính hiệu. Họ từ các thành phố xa xôi về phía như Sao Paulo, Rio de Janeiro, Brasilia ... Tôi không thể tưởng tượng Amazon rộng đến thế. Người ta nói, mùa mưa, có nơi rộng đến 45 km. Nghĩa là bề rộng còn dài hơn cả chiều dài sông Hương bên mình. Nhưng cửa sông Amazon mới thật khủng khiếp: hơn 300 km. Thế thì không biết nên gọi là sông hay biển - biển nước ngọt chẳng hạn. Hèn chi, Amazon chứa đến 1/5 lượng nước ngọt của toàn thế giới. Tuy rộng thế nhưng nước sông chảy xiết. Trời xanh, đất xanh, sông xanh. Cả một vũ trụ xanh.

Tận cuối chân trời, mây trắng xích lại như một bức tường thành ngăn không cho nước sông Amazon đổ về biển cả. Không biết vì nước sông xanh nên mây trắng, hay vì mây ở đây trắng hơn mây trắng các nơi. Trên chuyến bay từ Manaus về Sao Paulo , tôi cũng đã ngẩn người trước một trời mây trắng, trắng đến lạ lùng. Tôi chỉ gặp loại mây này một lần trên bầu trời Tây Tạng. Nó như không chuyển động, nó trắng phau một màu vô nhiễm.
Amazonas mênh mông là thế, nhưng diện tích hầu như được bao phủ bởi rừng Amazon. Còn sông Amazon, với hơn 10.000 phụ lưu, thì chằng chịt như những mạch máu, xuyên qua các cánh rừng, bản làng, ruộng đồng, thành phố, mang sinh lực tài bồi cho vùng đất có một không hai này.
Tiền thân của Manaus là một ngôi làng của thổ dân Indian, được xây dựng khoảng năm 1669 quanh pháo đài Sao Jose da Barra Fortress. Năm 1832, ngôi làng được nâng cấp thành thị trấn nhỏ. Năm 1848, lại được nâng cấp thành thành phố có tên Cidade da Barra do Rio Negro . Và cuối cùng, năm 1856, được chính thức đặt tên Manaus, để kỷ niệm Manao - mẹ của các vị thánh, là chủ thần của người da đỏ.

Ai cũng tưởng Manaus nhỏ bé lẩn khuất giữa khu rừng nhiệt đới bao la, nhưng không, nó là một thành phố hẳn hoi, lại trữ tình và độc đáo như chính vương quốc màu xanh của nó.
Manaus, nằm bên bờ sông Rio Negro - một phụ lưu của sông Amazon, diện tích 11.401 km2, gần 2 triệu dân, là trung tâm văn hoá của bắc Brasil, với vô số những công trình lịch sử và nghệ thuật, nhiều biệt thự kiểu Pháp, phi trường quốc tế, cảng quốc tế, nhiều khách sạn sang trọng, nhiều trung tâm mua sắm hiện đại, những con đường nhỏ nhắn rợp bóng cây... và cư dân Manaus - những con người còn sót lại của một thế giới đổi thay. Rõ ràng, non xanh nước biếc, núi rộng sông dài, đã un đúc nên cốt cách, tâm hồn cư dân Manaus , những con người trong veo như lọc: hiền hoà, thân thiện, thật thà, kham nhẫn, không lá lay thiên tặc, không ba gai ba trợn như cư dân nhiều thành phố khác thời hiện đại.

 Tha thẩn trước Amazonas Opera House, tôi gặp ba em học sinh cỡ tuổi 15, 17. Tôi nhờ các em chụp hình. Hoá ra các em không biết nói tiếng Anh. Nhưng bằng vào ánh mắt và nụ cười, tôi biết các em cũng nhờ tôi chụp hình. Và thế là chúng tôi quen nhau. Các em đưa tôi đi thăm một số di tích văn hoá, đi qua những con đường đẹp, qua những công viên. Cho đến khi chia tay trước khách sạn Plaza, tôi có cảm giác như đang chia tay những người bạn thân thiết lâu ngày. Người ta nói, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp giữa con người với con người, nhưng ngôn ngữ cũng là rào chắn khiến con người chia biệt nhau. Khi bóc đi lớp vỏ bên ngoài: tôn giáo, sắc tộc, ngữ ngôn, giàu nghèo, đen trắng, bên ni bên tê... con người sẽ dễ dàng nhận ra nhau - không nói mà cũng hiểu, không nhìn mà cũng thấy, không xích lại mà cũng gần. Thì cũng như khi lau hết lớp bụi bám trên mặt gương, ta sẽ thấy rõ mặt mình. Thế đấy, nhân loại vốn có một thứ ngôn ngữ chung, nhưng xem ra con người ngày càng ít dùng tới. Ngôn ngữ chung, đó là “tấm lòng”. Hẳn ai chưa từng trải nghiệm, thật khó có thể hiểu ra... Tôi thừa nhận rằng, cùng với Amazon, cư dân Manaus là ấn tượng sâu đậm nhất của chuyến giang hồ qua vùng đất lạ lùng này.

 Không biết bạn có biết, rừng Amazon mới là quê hương thật sự của giống cây cao su. Và thổ dân Indian là người đầu tiên phát hiện ra loại cây này, đem dùng nó vào cuộc sống, đặc biệt trong công nghệ đóng thuyền. Trước thế kỷ XX, thủ đô Manaus là trung tâm sản xuất cao su cung ứng cho cả thế giới - Amazonas Opera House biểu tượng cho thời kỳ này. Nhưng từ sau khi người Anh đánh cắp bí mật về giống cây cao su đem phát triển sang khu vực Đông Nam Á, vai trò truyền thống của Manaus không còn nữa. Thập niên 50, Manaus hoàn toàn lột xác, trở thành trung tâm công nghệ, chuyên sản xuất điện và điện tử, phục vụ cho cả Brasil và nhiều nước trong khu vực.
Ngày nay, Manaus là một thành phố quốc tế, là trung tâm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới. Cái đẹp của vùng đất này là cái đẹp hoang dã, nguyên sơ. Cái đẹp của thuở hồng hoang. Cái đẹp hiếm hoi còn sót lại trước khi trái đất này trở nên khô cằn bởi tham vọng ngu ngốc của con người.

Du khách đến Manaus, ai cũng náo nức chiêm ngưỡng cho được
Ponta Negra beach bên bờ sông Negro, cách Manaus 13 km. Vào lúc thuỷ triều xuống, một bãi cát dài như từ dưới sông hiện lên, lung linh bởi thứ sắc màu diễm tuyệt của ánh mặt trời, cát trắng, và nước sông đen. Tôi có niềm vui nho nhỏ, là đi đến đâu, tôi đều mang theo về chút kỷ vật xứ lạ quê người. Ví dụ: Một con ốc biển trên kinh đô Tây Tạng, một ít cát dưới chân Kim Tự Tháp, một ve nước sông Hằng, viên đá cuội Grand Canyon, vài chiếc lá mùa thu Canada, tấm hình đỉnh cao Linh Thứu... Tất cả được trưng bày trước bàn làm việc. Những khi lòng đòi đoạn bởi ba chuyện tầm phào của cuộc sống đời thường, tôi dành vài phút, lặng ngắm chúng. Đôi khi, cả theo chúng làm một cuộc viễn du ảo, qua núi qua sông, góc biển chân trời, những nền văn minh đã lụi tàn, và những nền văn minh cố tìm cách tồn tại vĩnh cửu - mà liệu có nền văn minh nào tồn tại vĩnh cửu? Ngày nay, hành khách lên máy bay tuyệt đối không được mang theo bất cứ loại chất lỏng nào. Thế là tôi hết cách rinh con sông Amazon đem về đặt lên bàn làm việc. Thôi thì, đành nhặt vài viên sỏi trên bãi cát trứ danh này vậy. Hy vọng nó vẫn đủ gợi nên một cuộc viễn du.

Manaus , được bao bọc bởi nhiều khu rừng nguyên sinh, với vô số loài thú quí hiếm. Nhiều viện bảo tàng: Viện bảo tàng của người Indian, với nhiều bộ sưu tập quí và xưa, phản ảnh lịch sử và cách sống của người da đỏ, xa hơn, là lịch sử và cách sống của nhân loại thời hồng hoang. Bảo tàng khoa học tự nhiên, với nhiều bộ sưu tập về thú vật và côn trùng đặc trưng của vùng rừng nhiệt đới Amazon. Bảo tàng của người phương Bắc, với nhiều bộ sưu tập về đời sống, phong tục, sắc thái văn hoá của người dân địa phương. Bảo tàng về hải cảng, với những số liệu về sông Amazon, bộ sưu tập về tư liệu và vật dụng của những người Anh tham gia xây dựng khu cảng nổi năm 1901...
Manaus còn là thành phố lễ hội, với những hoạt động văn hoá nhộn nhịp quanh năm: các liên hoan ca nhạc, phim ảnh, lễ hội Boi Manaus - thường được tổ chức vào ngày 24 tháng 10, là đỉnh cao của các lễ hội. Mấy ngày ngắn ngủi với Manaus , tôi không có may mắn tham dự một lễ hội truyền thống nào. Nhưng chẳng sao, với tôi, chỉ thế thôi cũng là lễ hội rồi.

Như bao trang nam tử hán khác, trong đời, tôi chúa ghét đi chợ. Bởi thế, tôi suýt phải hối tiếc nếu như đã không nghe theo lời khuyên của người hướng dẫn viên du lịch: làm một vòng chợ Mercado Adolpho Lisboa. Được thành lập năm 1882, đó là khu chợ lâu đời nhất của Manaus , chuyên mua bán trái cây, rau quả, và cá. Điều bất ngờ thú vị là chợ thiếu vắng bóng dáng quí bà. Bên mình, chợ là quê xứ của cánh đàn bà con gái, bên ni ngược lại, chỉ toàn đàn ông. Người ta giải thích với tôi, ở Brasil, người chồng là trụ cột của gia đình: xông pha, kiếm tiền, quản lý mọi thu nhập; còn người vợ, thì chỉ chăm chút việc nhà, nuôi dạy con cái, chờ chồng, và làm đẹp. Nhớ bên mình, nhiều bà vợ cả đời một nắng hai sương, chân cao chân thấp, tần tảo gánh vác gia nương; trong lúc ông chồng suốt ngày say sưa chè chén, đêm về còn làm mình làm mẩy ta đây. Lại như bên Nhật, cứ nhìn quí bà mình mai vóc hạc, ngủ gà ngủ gậc trên các toa tàu điện, thì đủ biết họ khốn đốn đến thế nào trong đời sống. Một nền văn minh thực sự, phải tạo cơ hội cho người phụ nữ đẹp hơn, và giảm bớt gánh nặng trên vai họ. Vậy thì, về mặt này, không biết ở đâu văn minh hơn: Ta, Nhật, hay tận nơi rừng núi Amazon xa tít tắp này?

Một bất ngờ thú vị nữa là, chợ, không nói thách, không thơn lên để xuống, không ăn xin, không hàng rong đeo bám, không mắt nhìn láo liên, không đon đả gọi mời... Tôi nghiệm rằng, để đo tầng số văn hoá của một cộng đồng, không đâu tốt hơn cứ ra ngoài chợ.
Amazon có hơn 2.000 loại cá - không ai chết đói trên dòng sông này. Nhìn con dao trên đôi tay thoăn thoắt của “o” đàn ông mổ cá, tôi tự hỏi, không biết anh ta đang lao động hay đang xiếc. Hoá ra, phàm cái gì vượt khỏi giới hạn bình thường, đều trở thành nghệ thuật. Có điều múa dao mà đến mức ấy, đố thằng trai lơ nào dám thòm thèm vợ anh ta.
Một vòng chợ trung tâm còn giúp tôi điều chỉnh cái não trạng đầy thiên kiến, rằng chỉ trái cây đồng bằng bộ của mình là phong phú và ngon nhất đời. Giờ mới biết, so với trái cây của vùng Amazon thì không ăn thua - quá phong phú và quá ngon. Ví dụ như trái ổi, ổi chi mà vàng hươm và thơm lựng. Hay trái thơm, thơm chi mà thơm lạ thơm lùng. Hình như trong từng loại cây trái Amazon, có cả hương hoa của núi rộng, và ngào ngọt của sông dài. Nói ra sợ các bạn cười, mỗi lần nhớ lại lát thơm thưởng thức ở chợ Manaus , là mỗi lần đầu lưỡi tôi rệu cả nước.

Tất nhiên, ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là chuyến du thuyền trên sông Amazon. Tàu vừa rời cảng nổi Manaus , một cảm giác lâng lâng tràn ngập. Chiếc du thuyền lướt nhẹ theo dòng. Manaus có dịp phô hết vẻ đẹp hiện đại của nó, với những toà nhà cao tầng, những khách sạn sang trọng, những công viên thẳm xanh... Gió mát lành, nắng trong veo, mênh mông sông núi, tít tắp bãi bờ. Du khách ai nấy thảng thốt, lặng thinh. Bỗng quay quắt nhớ quê nhà. Xa tổ quốc, không hiểu sao, mỗi lần nhìn thấy đâu đó núi sông ẩn hiện, là lòng quặn thắt nỗi nhớ không nguôi. Thiên nhiên, tự nó không hề có biên giới. Núi sông, quê hương, và mẹ - ba thực thể mà chỉ là một, luôn ẩn náu trong tim mỗi người. Chợt bồi hồi năm tháng tuổi thơ. Ngày đó, sau khi đoạn tuyệt với nghề thợ may, tôi quyết tâm lên Huế theo đường học vấn. Mẹ đưa tôi ra bến đò. Đầm Cầu Hai mênh mông bát ngát, xa mờ núi Rẩm, núi Truồi, và đỉnh cao Bạch Mã bốn mùa mây mù sương khói. Đò rời bến, bỏ lại mẹ một mình. Tóc mẹ bay bay theo gió, trông vời. Mẹ đâu biết, đó là bước đầu tiên tôi vào đời, là bước đầu tiên tôi xa mẹ; là bước khởi đầu cho 50 năm sau, tôi đi cùng trời cuối đất, bốn biển năm châu, nay lại ngẩn ngơ bên dòng sông Amazon huyền bí và dài rộng nhất thế giới. Lạ thay, cả nơi xa xôi này, tôi vẫn thấy mẹ trông vời, tóc bay bay theo gió.

Mải mê với nỗi niềm hoài cảm, chiếc du thuyền đến điểm hợp lưu từ lúc nào không hay. Một cảnh tượng lạ lùng hiện ra trước mắt. Thiên nhiên trình diễn vẻ diệu kỳ của nó bằng một phong cách vô cùng độc đáo: con sông như rạch ra làm hai, một bên đen, bởi nước sông Rio Negro (sông đen), và một bên nâu, bởi nước sông Rio Solimoes (sông nâu). Vậy đó, nước hai con sông không chịu hoà vào nhau, rồi cứ thế mà song hành hàng chục cây số trước khi đổi ý, hoà làm một, chung sức chung lòng tạo nên con sông Amazon mênh mông, cuồn cuộn. Có thế chứ, làm sao có thể hoà tan vào vũ trụ bao la nếu cứ khư khư mang theo sắc màu hữu hạn của trần gian. Nhiều nhà khoa học gắng gổ tìm cách giải thích hiện tượng diệu kỳ kia. Vô ích. Mà tại sao phải hỏi tra dài dòng chi cho mệt. Thì cứ mở lòng ra mà đón nhận, cảm nhận, giao hoà. Thế có phải là tốt hơn không.

Xuôi theo Amazon, chiếc du thuyền khi dạt sang phía nửa sông nâu, khi dạt sang phía nửa sông đen. Du khách lay hoay ghi hình, chụp ảnh, phấn khích, nhộn nhạo chẳng khác gì một sân chơi mẫu giáo; trừ một người, ngồi yên, lặng nhìn mọi thứ như chẳng lạ lùng chi. Đó là một cô gái trẻ, trắng bóc, cao sang, và đẹp kinh hoàng - đẹp đến cô bạn bên cạnh trở nên xấu như Thị Nở. Nhưng mà... chẳng lẽ cô cũng là một phần trong kịch bản của thiên nhiên.
Sách hướng dẫn du lịch giới thiệu, nơi quãng sông này, ở độ sâu 20 mét, người ta sẽ trang bị áo phao cho du khách mặc sức bơi lội. Tôi đề nghị anh hướng dẫn viên cho tôi tắm. Anh ta nhún vai, lắc đầu. Sau này đọc sách tôi mới hay, sông Amazon có loài cá quỷ piranha chuyên ăn thịt người. Eo ơi, mất mạng thì chẳng nói làm chi, không may trở thành phế nhân như thần Osiris thì quá kẹt. Tuy thế, đôi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy ức. Cơ chi được tắm một lần trên dòng sông Amazon huyền thoại. Năm năm trước, cũng xuôi thuyền trên sông Nil, tôi được tắm một trận thoả thích. Không chỉ lúc lặn xuống dòng sông, mà cả sau này, mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc ấy, trái tim tôi vẫn còn lâng lâng một nguồn an lạc vô biên.

Trên đường về, đám du khách thêm một lần nhộn nhạo, bởi tốp cá heo đeo sát mạn thuyền. Chúng sắp theo hàng dọc, ngoi lên hụp xuống. Trông con nào con nấy mềm mại và hiền khô. Hình như chúng định làm một cuộc tiễn đưa. Người ta nói, cá heo rất tình cảm và thích làm duyên. Thế thì tốt. Còn hơn bầy piranha, chỉ giỏi nhe răng chực xé xác người. Rồi đây, sau khi rừng Amazon bị tàn sát, trái đất cằn khô, dòng Amazon cạn kiệt, không biết đám cá heo kia sẽ trôi dạt về đâu. Chắc chúng chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Thế thì xin chúc mừng nhé.
Men theo các cánh rừng, chiếc du thuyền bỗng rẽ vào một con sông nhỏ, lại rẽ vào một con sông nhỏ, rồi thêm một con sông nhỏ nữa - rất nhiều những con sông như từ trong rừng tuôn ra. Nói là sông nhỏ, nhưng xem ra nó mênh mông chẳng thua kém chi sông Hồng. Cuối cùng, chiếc du thuyền cập bến một trong những nhà hàng nổi dọc bờ sông. Từ đây, du khách được chia thành hai nhóm, cho vừa với hai chiếc ca nô, rồi bắt đầu cuộc mênh mang với khu rừng Amazon huyền bí.

Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, khoảng 6 - 8 triệu km2, bao phủ toàn bộ lưu vực sông Amazon, lại còn trải rộng ra 8 quốc gia láng giềng. Amazon là tài sản không chỉ của Brasil mà còn là của nhân loại. Amazon được coi là lá phổi của trái đất. Là yếu tố quyết định (chỉ sau Bắc cực) dẫn đến thảm hoạ ấm nóng toàn cầu. Cho nên, bảo vệ rừng Amazon chính là bảo vệ hành tinh của chúng ta. Thế mà từ hơn thập niên trở lại đây, rừng Amazon bị tàn phá không thương tiếc. Các nhà bảo vệ môi trường ước tính, khoảng 1/5 rừng đã bị tàn phá. Và tình trạng phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ kinh hoàng - khoảng 26.000 km2 mỗi năm. Nguyên nhân trực tiếp đã được xác định: Bọn tài phiệt lập đồn điền trồng đậu nành và nuôi bò xuất sang Trung Quốc và Châu Âu. Thoả mãn nhu cầu vô hạn của thế giới về gỗ. Và những dự án lớn nhằm công nghiệp hoá hiện đại hoá Brasil... Để giải quyết vấn nạn phá rừng, Brasil phải cần tới 3,5 tỉ đô la. Liên Hiệp Quốc bất lực, còn các nước giàu thì làm ngơ. Tôi nghĩ lẩn thẩn, giá như không có cuộc chiến tranh Iraq, giá như ông Bush chỉ trích ra 1/300 chi phí dành cho cuộc chiến phi nghĩa ấy, thì “lá phổi của trái đất” đã được cứu rỗi, và nhân loại đỡ khổ biết bao.

Không địa hình cao thấp như núi non bên mình, rừng Amazon bằng phẳng, cây cối chằng chịt, và một phần không nhỏ ngập trong nước. Chẳng hạn như khu rừng tôi đang ngẩn ngơ đây, bốn bề lênh láng, sâu đến 3m. Anh hướng dẫn viên quả có con mắt tinh đời, biết tôi nhạy cảm với thiên nhiên, anh ta bố trí cho tôi ngồi trước mũi ca nô, cạnh anh. Chiếc ca nô dẫn đầu của anh luồn lách qua những lối mòn, những khúc quanh, những thân cây ngả nghiêng chắn ngang đường... Ánh nắng, xiên qua rừng cây, tách ra từng lọn nhỏ, rọi xuống mặt nước chảy dọc chảy ngang chẳng biết đâu là nguồn, là cội. Những khi ca nô tắt máy đợi nhau, cả khu rừng bỗng rơi vào vực sâu im lặng - thứ im lặng rợn người. Tiếng tru của một con thú, tôi không rõ tên, âm vang và xa vắng. Chà, phải chi mà về đêm, dưới ánh trăng, khu rừng này may ra mới phô hết vẻ huyền bí của nó.

Đến một khoảng trống, như vừa từ dưới nước ngoi lên, một chiếc xuồng nhỏ áp sát chúng tôi. Mấy tay thổ dân hồ hởi chào mời, với một lô những con thú đặc trưng của rừng Amazon: cá sấu, trăn, rùa, khỉ, vượn, gấu, đười ươi... Còn nhớ, hồi nhỏ, tôi cứ thắc mắc hoài không hiểu vì sao, nhiều cô gái biết tỏng anh chàng là đồ sở khanh, mà vẫn cứ đem lòng yêu thương mê mệt. Thì y chang như tôi bây giờ. Thấy con trăn to tướng, uốn mình, thè lưỡi, ngúc ngắc cái đầu ngay trước mặt đã lạnh tóc gáy, nhưng rồi vẫn muốn đùa chơi. Vâng, tôi chọn con trăn (tôi tuổi tỵ mà). Tay thổ dân ra lệnh kiểu gì không biết mà con trăn trườn mình quấn lấy cổ tôi, luồn xuống nách, vắt qua người, rồi ngóc cái đầu lên như chực hôn vào miệng tôi. Một cảm giác vừa rờn rợn, vừa hoan lạc lan khắp châu thân. Té ra, sự sợ hãi cũng có cái quyến rũ của nó. Mấy ông tây bà đầm thấy tôi khoái chí, họ cũng chọn cho mình mỗi người một con. Cô gái xinh đẹp chọn con khỉ con. Nhìn nàng dịu dàng ôm con khỉ vào lòng dễ thương đến muốn nói nựng một câu (rất chi là Huế): “đồ khỉ”. Trao cho tay thổ dân 3 đô la, tôi, bụng bảo dạ, để có dịp đối mặt với sự sợ hãi và chứng nghiệm bao điều, mà chỉ tốn có chừng ấy, thì kể như là quá rẻ.

Tours Meeting of the Waters kết thúc bằng bữa tiệc buffet nơi một nhà hàng đặc sản: cá sông Amazon, và trái cây rừng nhiệt đới. Tôi thừa nhận rằng, bia Brasil không ngon bằng bia Tiệp, cá sông Amazon không ngon bằng cá đầm Cầu Hai. Nhưng có hề gì, được ngồi bên bờ sông Amazon, trong khu rừng nhiệt đới Amazon, thưởng thức món cá sông Amazon, nhâm nhi cốc bia quê hương vũ điệu samba... Nếu đó là giấc mơ, thì có phải ai mơ cũng được đâu. Huống chi, nào phải là buổi tiệc bạn chỉ thưởng thức một lần, mà bất cứ lúc nào muốn, chỉ cần định thần, quán tưởng, là bạn có thể trở lại khu rừng xưa, dòng sông cũ, nhấm nháp chút hương vị của núi rộng sông dài.
Một ngày với Manaus thoảng qua như một giấc mơ đẹp. Vậy mà tôi còn đến những hai ngày. Nghĩa là hai giấc mơ đẹp nữa. Manaus - cái thành phố chi mà lạ: vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa vất vả vừa cao sang, vừa trầm lắng vừa nồng nàn, vừa u tịch rừng vừa mênh mông sông nước... đặc biệt cây cối ở đây tươi xanh đến lạ lùng. Chỉ cần một chút mộng mơ thôi, bạn dễ có cảm tưởng như mình đang lang thang nơi một cảnh giới đâu đó trên chín tầng trời.
Buổi sáng, trước khi chia tay Manaus , tôi một mình tha thẩn ra bờ sông, lặng ngắm Amazon lần cuối. Đêm qua trời mưa, thành phố sạch bong như vừa tắm gội. Amazon lặng lẽ trôi - “Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ”... Cho dù hàng vạn con sông ngày đêm đổ về biển cả, chẳng phải vì thế mà biển bớt mặn hơn. Sông, mới thật là ngôi đền cho nhân loại trầm tư.

Trong đời, tôi có may mắn đi qua không biết bao nhiêu dòng sông: Yarlung Tsangpo, Nil, Murray, Hoàng Hà, Dương Tử, Cửu Long, Hằng Hà, Danube, Seine, Loire, Kamo, Spree, Tibre, Mississipi, St Lawrence... nay Amazon. Cũng như đời người, mỗi con sông đều mỗi dáng, mỗi vẻ. Nhưng xem ra chỉ có hai con sông rộng nhất thôi: sông Amazon, và con sông chảy qua làng tôi. Thế đấy, con sông nào rồi cũng chảy về biển cả, chỉ con sông tuổi thơ là chảy vào hồn mình.
N.V.D

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lan man Tết Huế (20/01/2009)
Ánh sáng ban mai (20/01/2009)