Xu hướng xã hội hoá các giải thưởng tư nhân được khuấy động khá đình đám bởi Giải thơ như Lá Trầu và Thơ Bách Việt dường như đã có tác dụng hâm nóng lại không khí thơ ca. Bằng chứng là hàng trăm tác phẩm đã được gửi về Ban tổ chức. Nhiều tác phẩm thơ đã được đỡ đầu bởi các đơn vị tổ chức kèm theo các hoạt động PR khá rầm rộ. Sự xuất hiện của các giải thưởng thơ tư nhân dường như đã “đánh trúng” tâm lý của công chúng về các giải thưởng thơ chính thống đã và đang tồn tại - nhưng giải thưởng vừa ít tiền lại có phần ít tiếng vang. Công chúng cần có thêm những “thang chuẩn mực khác”, những cách đánh giá khác về các sáng tác xuất hiện rất đa dạng trong đời sống văn học sôi động hiện nay. Sự ra đời của một giải thưởng tư nhân, ít nhiều thực hiện được kì vọng đó.
Tuy nhiên những sóng gió trong vấn đề tài chính của các giải thưởng tư nhân cũng khiến người làm thơ và công chúng phấp phỏng âu lo. Bằng chứng là sự dừng lại của giải thơ Lá Trầu (dành cho các nhà thơ nữ) sau một năm hoạt động khá rình rang. Chuyện “cơm - áo - gạo tiền” - rõ ràng không thể đùa trong bất kì thời buổi nào. Thiếu nhà tài trợ, một giải thưởng thơ hoàn toàn có thể bị phá sản một cách hiển nhiên và hết sức lạnh lùng như vậy. Bất chấp những hiệu quả/dư âm mà nó đã để lại trong đời sống văn học.
Tuy nhiên sự hẫng hụt của công chúng yêu thơ và của các nhà thơ - đã trót kì vọng vào sự tươi mới của các giải thưởng văn học phi chính thống đã lập tức được bù đắp. Tháng 4 - 2008, Công ty cổ phần văn hoá Bách Việt chính thức công bố giải thưởng thơ mới mang tên Giải thưởng thơ Bách Việt. Khác với Lá Trầu - chỉ dành cho các nhà thơ nữ, giải thưởng thơ Bách Việt mở rộng biên độ cho mọi đối tượng, chỉ với điều kiện tác phẩm chưa từng được công bố. Sẽ có tác phẩm dành cho 5 tác giả có bản thảo đạt yêu cầu được in ấn và giới thiệu trước công chúng. Một yếu tố cũng khiến giới làm thơ phấn chấn đó là trị giá giải thưởng này lên tới 30 triệu đồng.
Giữa thời buổi mà thơ hầu hết được in ra với số lượng khiêm tốn, chủ yếu là các tác giả tự bỏ tiền túi, thì việc được in thơ, có nhuận bút thơ và thơ được quảng bá tới công chúng thì đó quả là mơ ước của người làm thơ. Thế nhưng, trong thời bão giá, bài học từ giải thưởng thơ Lá Trầu không phải là một bài học vô nghĩa. Trong buổi họp báo ra mắt tập thơ đầu tiên vào chung khảo, tiết lộ của Ban tổ chức giải thưởng thơ Bách Việt khiến người ta phải “thót tim”. Đó là việc kiếm nguồn tài trợ để nuôi giải thưởng. Trước khi giải thưởng được chính thức công bố với báo giới, đã không ít nhà tài trợ hứa hẹn. Thế nhưng do ảnh hưởng của lạm phát, chi tiêu của các doanh nghiệp bị điều chỉnh theo hướng cắt giảm thì khoản hứa hẹn cho thơ - cũng dễ hiểu - lập tức bị xóa sổ. May sao, nhờ có mối quan hệ cộng với sự nhiệt tình giúp đỡ của một cộng tác viên, sau đó giải thưởng thơ Bách Việt cũng kiếm được tài trợ để duy trì cho hoạt động chấm và trao giải của năm 2008. Thế nhưng câu hỏi vẫn treo lơ lửng trên đầu nhà tổ chức và những ai quan tâm, đó là: nếu năm 2009 lạm phát vẫn còn, tài trợ cho thơ không có, giải thưởng sẽ “đi đâu về đâu?” Rồi những năm sau đó? Việc dừng lại của Lá Trầu là một thực tế nhỡn tiền.
Rõ ràng nhiệt huyết của nhà tổ chức thì luôn tràn đầy, thế nhưng bài toán về kinh tế là điều mà họ không thể không tính đến. Bởi vậy, trong lời phát biểu của mình, ông giám đốc công ty Bách Việt đã khá dè dặt khi tuyên bố: không có tài trợ, giải thưởng thơ Bách Việt vẫn sẽ cố gắng duy trì vài ba năm. “Vài ba năm” vẫn chỉ là một bước dấn thêm chứ không phải là một lộ trình dài mà công chúng yêu thơ và những người làm thơ kì vọng. Câu chuyện về tài chính khiến vấn đề trở nên có phần ngậm ngùi. Đáp lại câu hỏi giả tưởng của một nhà báo rằng: “Nếu anh nhận được giải thưởng thơ Bách Việt, thì anh sẽ làm gì với 30 triệu?” - nhà thơ Đỗ Doãn Phương đã trả lời đại ý rằng: anh sẽ dành một phần lớn trong số tiền giải thưởng ấy để đóng góp cho giải thưởng thơ có thể đi dài hơn.
Rõ ràng “cơm áo không đùa với thơ ca”. Khi thơ ca phải buộc ngồi lên “bàn cân” để suy tính với các nhu cầu khác thì nó lập tức bị/được cắt giảm. Tuy nhiên sự ra đời và những ảnh hưởng của các giải thưởng văn học tư nhân trong thực tế đời sống khiến cho chúng ta có quyền lạc quan hơn về tương lai của nó.
Và những bất ổn trong cách nhìn nhận thơ? Khác không khí nhộn nhịp bên “sân tư nhân”, thơ tại “sân giải thưởng Hội Nhà văn” bị nhiều người nhận định là “có phần đìu hiu và thất bát”. Bằng chứng là năm thứ hai liên tiếp, thơ đã không giành được giải thưởng nào trong danh sách được xướng danh của Hội Nhà văn Việt . Số lượng tác phẩm thơ lọt vào chung khảo giải thưởng của Hội cũng bị “lép vế” so với các mảng khác. Trong 20 tác phẩm lọt vào chung khảo, chỉ có 3 tập thơ: U75 tự tình (Lê Đạt); Cõi lặng (Nguyễn Khoa Điềm); Phía bên kia cây cầu (Đinh Thị Như Thuý).
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: vì sao thơ không lọt vào "bảng xếp hạng"? Lẽ nào không có tác phẩm thơ nào đáng đọc trong một (nhiều) năm qua? Liệu các nhà thơ có coi đây là nỗi hổ thẹn của chính mình? Người ta không tránh khỏi những liên tưởng, so sánh tới sự xuất hiện nở rộ những giải thưởng văn học tư nhân dành cho thơ. Nếu đời sống thơ ca hiện nay thực sự thiếu sinh khí, tác phẩm thơ thiếu chất lượng thì liệu các đơn vị tư nhân có mạo hiểm mở ra các giải thưởng của mình với số tiền cho tác phẩm đoạt giải lên tới hàng chục triệu? Vậy thì vấn đề khúc mắc ở đâu khiến cho thơ luôn vắng bóng trong danh sách vinh danh của Hội Nhà văn Việt
? Sự bức xúc nảy sinh từ phía các nhà thơ, những người yêu thơ, và ngay chính những người trong Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt
.
Nhà thơ Thanh Thảo lên tiếng: “Tôi phải nói lại cho rõ: Hai năm qua, mỗi năm Hội đồng Thơ đều đọc kỹ và bỏ phiếu cho các tập thơ được sơ tuyển vào giải thưởng. Năm ngoái đưa được hai tập thơ vào chung khảo (đều của hai tác giả nữ) lên ban chung khảo (gồm ban chấp hành và chủ tịch các hội đồng chuyên ngành). Nghe nói khi ban chung khảo bỏ phiếu, hai tập thơ này đều bị… rớt. Năm nay cũng bỏ phiếu rất kỹ và đưa được hai tập thơ (một của Nguyễn Khoa Điềm, một của Đinh Thị Như Thúy - một nhà thơ nữ trẻ dạy học ở Tây Nguyên). Nhưng cuối cùng, khi lên ban chung khảo thì nghe nói có bổ sung thêm tập thơ Lê Đạt, thành 3 tập và… bỏ phiếu. Kết quả là… “out”. Nghe nói (vẫn chỉ nghe nói) cả 3 tập thơ đều không đủ phiếu quá bán. Như thế, không phải Hội đồng Thơ khó khăn hay tỏ vẻ… mẹ chồng với nàng dâu, mà do ban chung khảo có lẽ khá nghiêm khắc và quá am hiểu về thơ nên mới có những quyết định như thế chăng?”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn: “Đối với cá nhân tôi, việc không có Giải thưởng Hội nhà văn cho thơ năm 2008 là không phản ánh đúng với tình hình thơ ở Việt Nam. Theo tôi, hai tập thơ mà Hội đồng Thơ bỏ phiếu đưa lên chung khảo đều để lại những dấu ấn riêng biệt của chính mỗi tác giả đó. Đó là tập Cõi Lặng của Nguyễn Khoa Điềm và Phía Bên Kia Cây Cầu của Đinh Thị Như Thúy. Hai tập thơ đó xứng đáng được trao giải thưởng. Nếu sự xuất hiện của Đinh Thị Như Thúy mang một giọng nói mới thì Nguyễn Khoa Điềm đã hiện ra rất khác với một Nguyễn Khoa Điềm trước đó. Cả hai đã xuyên qua nhiều hỗn loạn và diêm dúa để đến với vẻ đẹp chân thực của những hình ảnh, ngôn từ và ý tưởng. Năm 2007, giải thưởng cho thơ của Hội Nhà văn cũng không được trao. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau về những tập thơ này. Nhưng giải thưởng không phải là một chân lý. Có thể chỉ cần tập thơ đó mang lại một vẻ đẹp tinh khiết cho dù mơ hồ trong một thế giới ngôn ngữ thơ đang sáo mòn và vô cảm. Nhưng nếu chỉ so sánh với những tập thơ được trao trong một vài năm gần đây thì việc không trao cho những tập thơ nói trên là một điều bất ổn. Đấy là tôi chưa kể đến những tập thơ không được giới thiệu cho Hội đồng Thơ. Và một điều tôi muốn nói là chúng ta, cả những người xét giải và bạn đọc, vẫn còn lưỡng lự hoặc ngờ vực những giọng nói riêng biệt của thơ trong những năm gần đây của những nhà thơ trẻ. Có lẽ vì một sự lúng túng, hạn chế và một lý do nào đó của các giải thưởng với tên gọi chính thống mà các giải thưởng tư nhân bắt đầu xuất hiện. Thêm vào đó, các nhà phê bình văn học hình như vẫn chưa muốn ra khỏi vùng “an toàn” của mình khi nhìn nhận những nhà thơ trẻ.” Ở đây, câu chuyện về thơ - rõ ràng đã trở thành một vấn đề đáng suy nghĩ hơn nhiều… P.Đ
(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)
|