Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Huế: có một dòng sông thơ…
16:39 | 20/01/2009
VÔNG VANGCó thể nói cùng với chiều dài lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân, không thể và không khi nào mà khi nói đến nơi đây người ta lại không nhắc đến Thơ. Bởi vì ngoài “nhiệm vụ” là một bức thông điệp giúp cho ta biết hơn về lịch sử, về con người, Thơ còn giúp ta hiểu hơn về chính nó, về một ký ức lãng đãng đang trôi qua từ thẳm sâu trong trí nhớ, trong cái thăng hoa luân chuyển của vũ trụ và của chính con người.

Thơ và Thơ Huế là dòng chảy vô tận mà thiên nhiên Huế với cỏ cây, hoa lá, thành quách, chùa chiền, biển trời… chính là một chất xúc tác kỳ diệu, làm cho thơ Huế toát lên vẻ trầm mặc sâu lắng, mang nặng tình đời, tình người và có sức lan tỏa sâu rộng. Nó giống như một sự hòa trộn giữa mơ và thực, giữa thiên nhiên bên ngoài và thế giới nội tâm bên trong của các nhân vật (hay của chính tác giả?). Nó giống như những âm thanh, những tiếng gọi hay những bóng nắng chập chờn ẩn hiện giữa đời, trong những thời khắc lạ lùng của cuộc sống, kêu với và vẫy gọi con người giữa cuộc trần gian này về một vùng, một khoảng thời gian, không gian của một thế giới khác… Vùng đất này đã sản sinh ra thơ và rồi Thơ lại quay về tôn vinh cho những vẻ đẹp của những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất ấy.

Có phải vậy không khi Huế có con sông Hương mượt mà đi qua sau cuộc hành trình của ngút ngàn ký ức, từ dãy Trường Sơn ngập tràn bí ẩn, rồi theo mọi ngả nguồn len lỏi như những mạch nguồn, như những cộng hưởng của tâm hồn mãi hoài thai sự biến dị cuộc đời, để nhập lại, làm một dòng sông ngâm mình trong cái thơm ngát hoa Thạch Xương Bồ, và chảy về bên lòng những thành quách cũ như một giấc mơ. Và có thế giới xuất hiện trong những giấc mơ, nhưng, thật ra, nếu được nhìn ngắm kỹ, chính những giấc mơ ấy lại chứa đựng trong nó những dấu chỉ, những yếu tố rất thật của hiện thực con người.

Huế và thơ Huế vẫn thường bắt đầu cho một sự khởi đầu của mình bằng đêm thơ Nguyên tiêu. Thực ra, không phải từ khi người ta lấy Đêm Nguyên tiêu là ngày thơ Việt mà ở Huế mới có những đêm thơ như vậy. Bởi vì, trước đó, nhiều người Huế, nhiều văn nghệ sĩ Huế vẫn thích tụ họp, uống rượu ngâm thơ vào đêm trăng này. Nguyên tiêu tượng trưng cho một cái gì thật sáng, thật trọn vẹn của mùa xuân, mùa của những ước mơ tràn trề, những cảm xúc luôn trào dâng. Và Thơ là những cảm xúc thăng hoa mãnh liệt nhất. Huế cũng hãnh diện vì mình đã trở thành một thành phố Festival của Việt , và trong đó, Huế cũng đã có cho mình một Festival Thơ đầy chất nhân văn. Festival Thơ Huế 2008 có thể xem là một cuộc trình diễn Thơ lớn nhất của Huế, và có thể là của cả nước, kéo dài cả tuần lễ và với rất nhiều chương trình khác nhau.

Đầu tiên phải kể đến là bộ sách 700 năm Thơ Huế đã hoàn thành. Trong tập sách đã có đến gần 500 tác giả với 843 tác phẩm, là một tuyển tập thơ đồ sộ về Huế từ trước đến nay. Tiêu chí để tuyển chọn là những bài thơ hay của các tác giả không chỉ là người Huế mà còn những tác giả từng sống hoặc đến với Huế và viết về Huế. Cũng trong Festival Huế, bộ sách 30 năm Văn học Thừa Thiên Huế cũng được ra mắt. Bộ sách chia làm 3 cuốn, qua đó điểm lại tiến trình và những thành tựu văn học của tỉnh sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Riêng cuốn Thơ với nhan đề Ngôi nhà có ngọn lửa ấm đã giới thiệu 75 gương mặt nhà thơ xuất hiện tại mảnh đất Cố đô từ năm 1975 và những nhà thơ có tác phẩm được sáng tác nằm trong biên độ từ năm 1975 đến nay. Bên cạnh đó, cuốn sách 1000 nhà thơ Huế tập 2 cũng ra đời và đón nhận được sự hoan nghênh của đông đảo công chúng. Nếu như ở tập sách 30 năm Văn học Thừa Thiên Huế gồm nhiều gương mặt là hội viên Hội Nhà văn tỉnh thì ở tập 1000 nhà thơ Huế tập 2 lại bao gồm nhiều gương mặt rất ít xuất hiện trên văn đàn. Nhà thơ Viêm Tịnh, một trong những người thực hiện cho biết: “Tập sách không giới hạn thành phần, miễn sao đó là những người Huế, yêu Huế và làm thơ về Huế. Bởi Huế là mảnh đất của thơ, của những tâm hồn thơ. Và bởi vì, Thơ không thuộc về riêng một ai cả”.

Festival Thơ Huế cũng đánh dấu một sự chuyển biến của thơ, của những người làm thơ. Không còn dấu mình đâu đó trong trí nhớ, trong ngăn tủ, hay chỉ để đọc cho nhau nghe, mà thơ chính thức được quảng bá, được tôn vinh trong một không gian mở. Bên cạnh một Quảng-trường-thơ duyên dáng nhìn ra dòng sông Hương sâu lắng với những ngôi sao tỏa sáng từ một tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh, Thơ và các nhà thơ đã đến gần hơn với công chúng qua những đêm ra mắt các tập sách hay những đêm trình diễn thơ. Các chương trình như: Đêm thơ sinh viên, Đêm thơ của Câu lạc bộ Thơ Sông Bồ, Đêm thơ của các tác giả là hội viên Hội Nhà văn… đều đã lôi cuốn rất đông công chúng đến nghe, và cho thấy sức thu hút của Thơ cũng như cái chất đậm đà trong một nét văn hóa thấm đẫm không gian mang sắc màu của Huế,con người Huế và của sự kết tinh của bề dày lịch sử. Vẻ đẹp của thơ càng trở nên lung linh hơn trong vẻ rộn ràng của không khí lễ hội. Thơ, người làm thơ và công chúng dường như không còn có một khoảng cách nào. Ở đó chỉ có sự say mê. Và từ sự say mê đã hóa thành nhung nhớ.

Không chỉ có các chương trình trình diễn thơ bằng hình thức ngâm hay đọc, mà thơ cũng được thể hiện, được lan tỏa qua các loại hình nghệ thuật khác. Đó là các cuộc triển lãm thư pháp 40 bài thơ Trung đại tiêu biểu về Huế và Thủ bút của các nhà thơ xứ Huế, xuất phát từ ý tưởng của nhà thơ Hải Trung. Ở cuộc triển lãm 40 bài thơ Trung đại tiêu biểu về Huế, mọi người cảm nhận một không gian thơ xưa, một không gian Huế xưa bàng bạc. Xem triển lãm Thủ bút của các nhà thơ xứ Huế, mọi người có một sự hình dung đầy đủ về chân dung các nhà thơ của nhiều thế hệ nhà thơ xứ Huế đang sống ở miền đất này.

Mới đây thôi, vào cuối tháng 11/2008, trong chương trình Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội nhân kỷ niệm 15 năm quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993 - 2008), 5 năm Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn được ghi vào danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003 - 2008), Thơ và Thơ Huế lại một lần nữa được giới thiệu, được tôn vinh. Đó là các cuộc triển lãm Hà Nội - Huế và những bài thơ Hán Nôm gồm những bức thư pháp viết trên vóc sơn mài lớn, 20 bức trên giấy xuyến chỉ, thể hiện các bài thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lý Thường Kiệt, Bà huyện Thanh Quan, Vua Minh Mạng, Thiệu Trị. Đến với Tuần Văn hóa Huế, ngoài việc được tham quan triển lãm, thưởng thức các loại hình nghệ thuật cung đình Huế, công chúng Thủ đô còn có cơ hội hòa mình tham gia vào các trò tiêu khiển cung đình xưa để hiểu thêm về các thú tiêu khiển của các ông hoàng bà chúa một thuở. Họ có thể hiểu thêm về thú thả thơ trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân qua trò chơi Thả thơ. Đặc biệt sẽ có các chương trình trình diễn thơ theo một cách làm mới, tái hiện các “chiếu thơ” qua hai chương trình: 700 năm Thơ Huế 1000 năm Thơ Thăng Long - Hà Nội. Phần diễn ngâm của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, phần trình bày thơ còn có sự phối hợp với các nhà thơ Hà Nội. 

Những hoạt động đó nói lên một điều rằng, Huế và Thơ Huế vẫn luôn là một dòng chảy vĩnh cửu của tâm hồn, là sự kết nối cuộc đời qua bản thể của cái đẹp Vĩnh hằng. Đó còn là thứ khói sương óng ánh đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người Huế, để từ đó thăng hoa thành chất Huế, thành thành-phố-thi-ca trong mọi tâm hồn.
V.V

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lan man Tết Huế (20/01/2009)