Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cha tôi: nhà văn Trần Thanh Mại
16:49 | 22/01/2009
TRẦN THỊ LINH CHIXuất thân gia đình quan lại, học giỏi nhưng lại không chịu theo đuổi đến nơi đến chốn để khoa bảng đề tên, tiến bước công danh hầu nối nghiệp nhà, cha tôi bỏ dở chương trình tú tài sau khi đậu thành chung, làm một công chức kiếm sống qua ngày, dành hết cuộc đời cho văn học. Năng khiếu phê bình của ông đã biểu hiện ngay từ thời còn đi học.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cha tôi: nhà văn Trần Thanh Mại

Một hôm, cha tôi và bạn là nhà thơ Nam Trân, leo lên ống máng tầng hai của trường Quốc Học để nhặt một quả bóng, bị giám thị phạt cấm túc ngày chủ nhật và phải chép 300 câu thơ của Racine, đại ý “Kẻ nào cười hôm thứ sáu thì đến chủ nhật sẽ khóc”. Cha tôi nhận lỗi, chịu phạt nhưng không chịu chép, viện cớ câu thơ trên không thể áp dụng vào trường hợp của ông và bạn, vì “Chúng tôi quả có trèo lên ống máng hôm thứ ba chứ chưa bao giờ cười hôm thứ sáu”. Vị giáo sư người Âu, nghe giám thị kể lại, rất lấy làm đắc ý với cái khoa tâm lý học của mình, nên nói: “Tôi đã bảo mà! Chúng nó quả là thông minh và ranh mãnh! Tha đi thôi!”.
Bài luận “Tả một cơn mưa dông” của ông, một học sinh giỏi nhất lớp, một bài văn sinh động, được nhiều bạn học biết đến, đã bộc lộ cái tài quan sát và phê bình của tác giả: “… Những ông thầy bói ế khách đang thiu thiu ngủ, bỗng dưng vùng dậy. Các nhà tiên tri mà không tiên tri ấy quờ quạng tìm cái tráp đang lăn kềnh tận góc lều xa…”. Có thể nói đó là tác phẩm đầu tiên của cha tôi.

Mới 25 tuổi, ngòi bút phê bình văn học của ông đã gây được tiếng vang trên văn đàn. Trong tiểu luận: “Tìm sự thật trước khi viết bộ “Việt Nam văn học sử” (1933)”, cha tôi bác bỏ những thuyết lưu truyền xưa nay về cái tài ứng khẩu của mấy ông trạng như Mạc Đĩnh Chi, Trạng Quỳnh… và nêu ra sự vô lý, bịa đặt, không thể có được của những câu chuyện đó. Bài tiểu luận đó đã tạo ra bút chiến đầu tiên trong cuộc đời phụng sự văn học của ông, với ông Trần Trung Viên tác giả “Văn đàn bảo giám”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhà văn Phan Khôi cùng tham dự vào cuộc bút chiến đó, đã khen ngợi và bênh vực cha tôi.

Thời trẻ, trong lý luận văn học, cha tôi thường táo bạo, đôi chút cực đoan và hay khích chiến. Cuốn Hàn Mạc Tử “đã tạo ra vụ kiện đầu tiên trong lịch sử văn học Việt ”. Nhà thơ Quách Tấn, trên danh nghĩa thay mặt gia đình Hàn, kiện nhà văn Trần Thanh Mại vì sử dụng trong tác phẩm nhiều thơ Hàn Mạc Tử chưa in. Nhà văn Nguyễn Tiến Lãng, Phủ Thừa của Thừa Thiên Huế, ngồi ghế thẩm phán để xét xử, đã viết trong bài “Sách Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại”:
- “… Ông Trần Thanh Mại làm quyển sách này dễ thường cũng vì một túc trái tiền duyên chi đó…
 … Thiết tưởng ông Quách Tấn cũng không đáng chê như vậy!”
Vụ kiện thúc đẩy độc giả tìm đọc tác phẩm Hàn Mạc Tử nổi tiếng và tác giả cũng nổi tiếng luôn, tuy trước đó ông cũng đã được nhiều người biết đến qua các tác phẩm: Trông giòng sông Vị, Đời Văn, Tuy Lý Vương… Thời gian chứng minh tác phẩm Hàn Mạc Tử của cha tôi là cần thiết và hữu ích cho sự nghiệp của nhà thơ.

Ông Nguyễn Bá Tín trong “Hàn Mạc Tử anh tôi” tuy có phàn nàn về những nhận xét thiếu khách quan của tác giả về gia đình, nhưng ông xác nhận:
- “… Tôi thầm cảm ơn ông Mại đã phổ biến được nhiều bài thơ của Hàn Mạc Tử cho người đời thưởng thức tài năng anh, có ông Mại tài năng anh mới được người đời biết đến. Cuốn Hàn Mạc Tử không ra đời, e không ai biết đến thơ anh Trí rộng rãi như vậy. Nếu có đọc được bài nào của anh, mà biết chắc là của anh đi nữa thì, nếu không bị bóp méo vo tròn thì cũng có tên tuổi nào đó ký dưới bài thơ.”

Lý luận táo bạo của cha tôi đưa đến sự phàn nàn của gia đình Hàn Mạc Tử, nhưng đồng thời cũng tiên đoán chính xác sự nghiệp của thi sĩ tài hoa này:
- “. .. Trong một ngày không lâu, người ta sẽ giành nhau cái vinh dự xây dựng cho Hàn Mạc Tử những chiếc thánh giá vĩ đại, đến cả những lăng tẩm nguy nga nữa.”
Ông viết những lời đó, ngay sau khi nhà thơ tạ thế chưa đầy một năm, lúc đó chưa mấy ai biết đến thơ của Hàn. Ông viết những lời đó sau khi đi đến tận nơi, tự mắt mình chứng kiến những sự việc đau lòng. Mộ Hàn Mạc Tử, nấm mộ “U lên như một vồng khoai” mà chỉ mười tháng sau khi mất, chiếc thập tự bằng hai que củi đóng một cái đinh ở giữa đã sụp đổ, và chính cha tôi là người sửa lại cho ngay ngắn. Ngôi mộ hoang tàn, không người thăm viếng, đúng như lời thơ của Hàn lúc sinh tiền từng cảm nhận:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc,
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
.

Thơ của Hàn Mạc Tử, tập “Thơ đời” với bút tích của nhà thơ, đã bị xé rách hơn một nửa để gói tỏi, tiêu… và làm giấy đi vệ sinh. Chứng kiến thực tế phũ phàng đó, cha tôi vẫn đoan quyết về sự nghiệp xán lạn của Hàn Mạc Tử, “Ông dám khẳng định được điều mà người đương thời không dám khẳng định” (Hồng Diệu trong Độc đáo Trần Thanh Mại).
Dưới suối vàng hẳn cha tôi cũng hài lòng khi biết hiện nay, tuy chưa là lăng tẩm nguy nga, nhưng mộ của Hàn Mạc Tử đã là khu an nghỉ xứng đáng với tài danh của nhà thơ, khu du lịch mời mọc người ái mộ bốn phương.

*
Khi trưởng thành, cha tôi đã làm hai việc trái với truyền thống của gia đình:
- Bỏ học, chê con đường công danh mà theo nghề viết văn.
- Chối từ nơi môn đăng hộ đối, một tiểu thư con cụ Thượng Thư do gia đình chọn lựa, mà “nổi loạn” lập gia đình với mẹ tôi, một “con hát”, một nghệ sĩ cung đình, con nhà dân dã và nghèo rớt mồng tơi. Có phải cha tôi muốn thực hiện quan niệm sống mới cho bản thân, hay vì say mê nghệ thuật hát bội. Theo tôi thì có lẽ cả hai.
Cha tôi thương mẹ tôi vì tài năng của bà, nhưng cũng do cám cảnh người con gái, vì chữ hiếu, mới 8 tuổi, đã phải gia nhập ban hát của phủ bà chúa Nhứt, chị vua Thành Thái, để có tiền phụng dưỡng cha già bệnh nặng đang nằm liệt giường. Làm “con hát” của Ngài Chúa Nhứt không là dễ dàng, mà phải trải qua một cuộc trắc nghiệm về thanh sắc: điệu bộ mềm mại, uyển chuyển, hát đúng giọng và không được đứt quãng câu hát:
- “. ..Một con cà cưỡng, hai con cà cưỡng… (cho đến) mười con cà cưỡng”

Mà thật lạ lùng, một chàng trai tuấn tú, một nhà văn, có biết bao người đẹp khuê các, nữ sinh Đồng Khánh và Jeanne d’Are ái mộ và bao quanh, lại đem lòng thương một cô đào hát bội, học lực không bao nhiêu, sắc đẹp lại chẳng khuynh nước, khuynh thành, một cô đào võ thành danh với các vai Tạ Ngọc Lân lăn lửa, Tiết Cương chống búa, xuất hiện trên sân khấu với bộ mặt đen sì hay rằn ri, họa hoằn lắm mới có bộ mặt “coi được” qua các vai Triệu Tử Long phò ấu chúa hay Khương Linh Tá qua đèo.
Theo tôi nghĩ, cha tôi không thích chọn gái mỹ miều như vua Thành Thái:
Kim Luông có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.

Ông e ngại những tiểu thư trâm anh đầy “khuôn phép”, mà chọn mẹ tôi một người không “nề nếp”, nhưng chơn chất, thật thà, ông thương bà với tâm hồn một nghệ sĩ: rung cảm và đồng điệu với tài năng của một nghệ sĩ khác: Cái tài năng lôi cuốn ông đến với bà, cái tài năng được xác nhận qua sự ân thưởng Kim Khánh và Ngân Khánh bội tinh của vua Khải Định. Nói như từ thường dùng bây giờ, cha tôi phản ứng lại nếp sống đầy tư tưởng phong kiến hủ lậu của kinh đô Huế thời đó, bằng cách chọn cho mình một cuộc sống hơi “bụi” một chút. Có vậy, ông mới được sống không gò bó, có đôi chút phóng khoáng, thích hợp cho nghề cầm bút của ông.

Khi hứng thú, cha tôi còn được mẹ tôi chiều chồng, diễn lớp Tiết Cương, thương tích đầy mình, bị Võ Tam Tư đuổi và Loan Anh tiếp cứu. Khi bà quay trong chiếc búa, quay lại hỏi:
- Hà xứ nhân lai cứu ngã!
Thì cha tôi nhập vai Loan Anh, sau mấy lời tự giới thiệu, nhìn mẹ tôi (vai Tiết Cương) với ánh mắt vỗ về, khích lệ:
- Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay!
Ông thích câu đó có phải vì cho mình cũng gian nan, tuy không là cái gian nan của đấng anh hùng, nhưng là cái gian nan của một kẻ sĩ trong hoàn cảnh bi ai của đất nước.

Cha tôi muốn mẹ tôi, “cô gái lọ lem” thiếu cái tuổi thơ hạnh phúc và bình an, có được một cuộc sống phong lưu và nhàn nhã. Ông không cho bà làm bất cứ chuyện gì, ngay cả mua bán, theo quan niệm “khinh thương” của xã hội phong kiến thời đó. Ông chiều bà đến nỗi thường mang áo quần đến tận nơi cho mẹ tôi thay, khi bà chơi bài cùng bạn bè.
Cha tôi giao tiếp rộng rãi, cả với các bà nữa, nên mẹ tôi hay ghen, nhưng rồi cũng dễ dàng thông cảm, thân thiết khi họ biết cách tôn trọng bà. Bà khó chịu khi thấy bà bác sĩ Aslet thường thân mật chuyện trò bằng tiếng Pháp với cha tôi. Khó chịu vì không biết họ nói chuyện gì, nhưng khi bà Aslet dùng từ “Madame” để lịch sự gọi bà thì mẹ tôi cảm động và tình bạn nẩy nở giữa hai người. Truyện Madame Trần của tôi là dựa trên sự thật.

Mẹ tôi tin vào những gì cha tôi nói và một mực tôn trọng trung, hiếu, tiết, nghĩa trong quan niệm đạo đức phong kiến qua những tuồng cổ mà bà đóng. Bà không mua bán để kiếm tiền, phụ vào đồng lương của chồng, vì sợ mất thể diện của chồng, là một sai lầm dẫn đến hậu quả cho gia đình khi cha tôi ra đi. Nhưng trái lại, mẹ tôi tuy còn trẻ, mới 35 tuổi đã thủ tiết thờ chồng. Bà cực nhọc chăm sóc bà nội tôi người mẹ chồng từng quá khắt khe với “người dâu không mời mà đến” cho đến ngày bà tôi mất.

*
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi bé Linh Chi tò mò hỏi về cụ Hồ, thì cha tôi nói: “Cụ Hồ là Nguyễn Ái Quốc, người dày công bôn ba tìm đường cứu nước, người mà cụ Huỳnh Thúc Kháng ngưỡng mộ, vua Bảo Đại nghe danh vui lòng thoái vị, huống hồ cha”. Những dẫn chứng đó vô cùng thuyết phục: hình ảnh cụ Hồ trong tôi không hề thay đổi tuy sống ở miền .
Năm 1946, cha tôi tham gia đoàn văn nghệ sĩ dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc tại thủ đô Hà Nội, nhưng rồi vì thuộc thành phần gia đình quan lại, anh ruột Trần Thành Đạt là thượng thư bộ Học, trước 1945 lại tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng, nên bị bắt giữ vì tình nghi hoạt động chống đối. Được cụ Huỳnh Thúc Kháng bảo lãnh, chính quyền cách mạng cho tự do, cùng mọi thành phần yêu nước khác, cha tôi rời bỏ gia đình tham gia kháng chiến.

Trước ngày mặt trận Huế tan vỡ, mới 10 tuổi, tôi đi tàu “cọp” ra Thanh Hóa tìm cha, vẫn thấy ông còn làm việc cho Ngân khố và không hề thấy cha tôi cặm cụi viết trên bàn giấy như thường lệ. Khoảng 5-6 năm sau, bà nội tôi lén lút ra thăm, khi về chỉ than: “Cha con hơi gầy và xanh”.
Vắng chồng, người vợ mà cha tôi chiều chuộng quá mức, không cho làm gì hết, đã phải lao đao xoay xở để thích nghi với trách nhiệm và cuộc sống mới. Sau một thời gian ngắn, nhờ sự giúp đỡ của gia đình bác tôi cùng bạn bè cũ còn khá giả, mẹ tôi bôn ba mua bán hàng xách, chị em tôi học hành khá nên có học bổng, cuộc sống từ đó cũng đắp đổi qua ngày.

Không biết có “Chút mực nào trên đầu ngón tay” như cha, nhưng thời đi học tôi cũng khá về thơ, văn, diễn kịch: “Thái tử Tất Đạt Đa”, “Mùa Gặt Ác” của Võ Đình Cường, “Bến nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh... nhưng tôi lại thờ ơ với văn chương, chỉ dành tâm trí cho mục đích thoát nghèo. Mãi đến hơn 60 tuổi, tự thẹn và xấu hổ với vong hồn cha, tôi mới lại cầm bút.
Năm 1965, tin từ Pháp về cho biết cha tôi đã mất.
Trong 10 năm trời, từ đó cho đến ngày giải phóng, hàng năm đến ngày giỗ, nhìn chân dung con người hào hoa, phong nhã, đầu đội mũ phớt ra vẻ con nhà, lòng tôi thổn thức với câu hỏi trong đầu: Suốt thời gian xa cách gia đình, cuộc sống tinh thần của cha như thế nào? Cha còn viết văn không?
Tôi luôn luôn bị ám ảnh về những ngày tháng cuối đời của cha.

*
Sau ngày giải phóng, mọi thắc mắc về cha tôi - nhà văn Trần Thanh Mại đều được giải đáp.
Ông đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu và phê bình văn học:
- Được nhà nước đặt hàng cho Trần Thanh Mại toàn tập (3 cuốn: 2490 trang).
- Được ân thưởng Huân chương Kháng chiến.
- Tên ông được đặt cho hai con đường: một ở Huế và một ở TP. HCM.
Ông phải kiên trì và tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đoàn kết dân tộc và trọng dụng nhân tài “Bất chấp quá khứ” do Hồ Chủ tịch đề xướng và phấn đấu chống chọi với bệnh tật. Ông xác định lòng tin vào đường lối của Hồ Chủ tịch trong “Học tập một số thơ văn Hồ Chủ tịch” viết trong Tạp chí Văn học năm 1960. “… Hồ Chủ tịch luôn luôn chủ trương lấy sự chân thành mà đãi người, dùng sự chân thành để cảm hóa lòng người”.

Tuy nhiên, trong thực tế của cuộc sống, suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cha tôi đã phải chịu đựng sự đối xử lạnh nhạt như ông đã giãi bày trong tiểu luận “Thanh niên học tập sáng tác”, Nhà xuất bản Thanh niên, 1960:
“… Những người nhìn các văn nghệ sĩ “cũ”, các trí thức “cũ” bằng con mắt khinh thường, cho đó là hạng người lỗi thời, không phục vụ được nữa, mà phải đối xử tử tế với họ chỉ vì “chủ trương liên hiệp” rộng rãi mà thôi…”.

Trong tác phẩm “Nguyễn Sơn - Lưỡng Quốc Tướng Quân”, khi kể lại chuyện xưa, các tác giả nhắc đến những nghệ sĩ bao quanh vị tướng quân chiêu hiền đãi sĩ, nêu lên rất nhiều tên tuổi như Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên… đến cả người em ruột của ông là Trần Thanh Địch, mà không hề nhắc đến tên Trần Thanh Mại, tuy ông cũng ở Thanh Hóa.
Có phải trong tâm trạng không vui đó mà cha tôi đã gửi về cho gia đình bức ảnh nét mặt đăm chiêu với lời đề tặng: “Thân mến tặng các con, ảnh của ba đang khóc mà đề tặng mấy chữ này cho các con” (Thọ Xuân 5 - 1 - 1952). Khi chưa được các ban, ngành văn hóa để mắt tới, ông lại dùng viên phấn để dạy học, viên phấn mà trước 1945 ông thường, vì ưa sạch, thường dùng khăn tay để bọc. Cha tôi sáng tác kịch “Anh Hùng Lam Sơn” để thầy trò cùng công diễn.

Chỉ sau ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội, cha tôi mới được chuyển về phụ trách phòng Tuyên truyền và Báo chí của Bộ Giáo dục, một công tác gần gũi với sở trường, và từ đó, ông bắt đầu cầm bút lại, trong hai năm, lần lượt xuất bản 5 tác phẩm.
- Chú hươu vàng và anh nông dân (1955).
- Quan điểm duy vật máy móc và duy vật biện chứng trong cách nhận định một truyện cổ tích (1955).
- Tìm hiểu và phân tích truyện cổ tích Việt (1956 - 1957).
- Thanh niên học tập sáng tác (1957).
- Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương (1957).
Sức sống sáng tác của ông đã tái sinh.

Sự kiện năm 1960, nhà văn Trần Thanh Mại về làm công tác nghiên cứu tại Viện Văn học Việt Nam mới thành lập: Tổ trưởng tổ văn học cổ đại, cận đại và dân gian, đồng thời ở trong ban biên tập tập san “Nghiên cứu văn học” tiền thân của “Tạp chí Văn học” hiện nay, là phần thưởng mà từ lâu ông mong muốn: trở về phục vụ ngành nghề của mình.
Xa rời cây bút hơn mười năm, vì sự nghi ngại của giới hữu trách, và cũng có thể do yêu cầu của thời kỳ kháng chiến chống Pháp chưa cần đến những nhà nghiên cứu và phê bình văn học, khi cầm bút lại, cha tôi cảm nhận được thời gian ngắn ngủi còn lại qua bệnh tật, và với tuổi đời đã chín chắn, ông không còn bồng bột như trước 1945: “-Không hiểu sao bọn ông Trần Trung Viên lại... chưa chết?”. Hay tự ái với nhà thơ Quách Tấn: - “Tiên sinh không biết rằng những mũi tên là đà như thế làm chi thấu được cánh chim phụng, chim bằng”.

Ông dành tâm trí, phấn đấu cùng bạn đồng viện hoàn thành nhiều công trình và bài viết giá trị về Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu…
Ông trở lại vấn đề Tú Xương với hai tác phẩm:
- Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương (1956 - 1957).
- Tú Xương: Con người và nhà thơ (1961 với Trần Tuấn Lộ).
Nhận chân giá trị của toàn bộ áng thơ tố cáo, phê bình sâu sắc của ông hoàng Miên Thẩm, bất chấp quan niệm đánh giá thấp các sự nghiệp văn hóa của Triều Nguyễn thời đó, ông mạnh dạn soi sáng tác giả này qua tiểu luận “Nhân tố hiện thực trong thơ Miên Thẩm” (1965, thời gian trước khi mất) và còn căn dặn, như là lời trối trăn, các bạn trẻ của Viện tiếp tục nghiên cứu hay ủng hộ những ai quan tâm tới.

Dù bệnh đang hoành hành, cha tôi vẫn theo đoàn đi viếng thăm Côn Sơn, quê hương Nguyễn Trãi, để chứng kiến cái cảnh u tịch, vắng vẻ mà đoan quyết bài thơ nôm Tích cảnh trong “Quốc Âm thi tập” là bài thơ nhớ vợ, nhớ Nguyễn Thị Lộ.
Cảm động nhất là “mối tình văn chương” giữa cha tôi và một học sinh lớp chín mà ông chưa hề gặp và biết mặt. Qua 14 bức thư, trong đó ông lộc lộ tình cảm, tâm sự, đời sống cũng như quan điểm văn chương, cùng những lời khuyên chân thành, căn cứ trên kinh nghiệm sống, về dự định tương lai của người bạn văn tuy lúc đó anh ta chỉ mới 17 tuổi và chưa hề viết một dòng văn nào.
Người bạn vong niên đó, nay trở thành một quân nhân, một nhà văn, nhà phê bình quen thuộc, người tận tình, tận lực với cái tâm tri kỷ, soi sáng sự nghiệp văn học của cha tôi qua tác phẩm do anh chủ biên: “Trần Thanh Mại toàn tập”. Người đó là đại tá Đỗ Văn Thuận, nhà nghiên cứu, phê bình Hồng Diệu, người mà tôi có chút “ganh tỵ”, vì hình như anh mới là người con tinh thần của cha tôi.


Nhiều năm đã trôi qua, hôm nay đầu xuân, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi - nhà văn Trần Thanh Mại, giữa hương trầm tỏa ngát, tôi lại tưởng niệm về người.
Tôi cảm nhận được cả đau khổ và hạnh phúc của cha, người đã phấn đấu cả cuộc đời một cách kiên trì và với nỗ lực không mệt mỏi để được phục vụ cho nền văn học của đất nước.
T.T.L.C

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng