Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Câu hát ru của chị
17:28 | 22/01/2009
HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.
Câu hát ru của chị
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Anh cả vợ tôi lấy người làng là chị Khâm sau hơn chục năm ở trong quân đội được phục viên về nhà. Bấy giờ cả gia đình đã dời ra xứ Nghệ mấy chục năm về trước, ở tít tận một vùng đồng rừng sát miền núi cao. Bù lại, đó là một thị trấn huyện nằm dọc con đường cái quan rải đá nhựa từ thời Pháp thuộc chạy lên Lào. Con sông rừng nằm dọc thị trấn, phía sau lưng. Gọi là thị trấn nhưng lúc đó tổng cộng chỉ khoảng vài mươi nóc nhà tranh nứa lổ đổ dăm ba nóc ngói, phần lớn tường xây đá ong hoặc thưng gỗ đẽo. Dân thị trấn đều buôn bán vặt là chính, phụ là trồng trọt vài khoảnh ruộng dưới thung, nuôi nấng dăm bảy con gà con ngan, gieo trỉa vài vuông rau cỏ quanh vườn nhà. Ấy là năm đói kém toàn quốc sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công mà khẩu hiệu là diệt giặc đói đi liền với diệt giặc dốt. Lúc bấy giờ, cái gì điều gì cần phá bỏ, cần làm ngược lại đều được gọi là giặc: nghèo nàn, đói khổ, mù chữ tối tăm, trộm cắp lừa đảo vân vân...

Lấy chồng rồi nên chị Khâm lẽ thường phải theo anh ra tận cái nơi mà người làng vợ tôi ai cũng gọi là khỉ ho cò gáy. Chị đẻ ba đứa con cứ cách nhau năm một. Chồng chị lập luận theo kiểu quân sự như sau: “Sinh nở là việc vô cùng quan trọng, khó khăn gian khổ muôn phần. Vì vậy, cần làm một hơi liền cho dứt khoát. Sau đó, để thì giờ giải quyết các việc khác!”. Nói xong anh cười hề hề, phẩy tay một cái, liếc nhìn cái bụng to bè bè của vợ sắp đến kỳ khai hoa mãn nguyệt, gật gù thích chí với cái quyết định cực kỳ sáng suốt của mình. Bé Thược ra đời được ba ngày, vừa mới đặt tên xong, sắp sửa đi làm giấy khai sinh trên xã thì mẹ bé bỗng ôm ngực đang ròng ròng sữa kêu đau thắt dữ dội xong ngã vật ra giường. Chị đi một cách bất ngờ và lặng lẽ, nhanh chóng, không ai trong nhà kịp hiểu bệnh gì và vì sao ngoài lời kết luận, than vãn: “Cái số nó vậy!” Quá đau đớn buồn phiền, anh cả cũng đổ bệnh mấy tháng sau đó rồi mất như kiểu đi luôn với chị để chị đỡ cô đơn buồn tủi. Thế là ba đứa con nhỏ bỗng dưng côi cút trắng cả cha lẫn mẹ.

Bố mẹ vợ tôi chẳng còn cách nào hơn là phải làm bố mẹ chúng. Hai đứa đầu là trai đã biết nói biết đi còn đỡ, chỉ có đứa gái út là khó. Con đường trần ai đã mở ra trước mặt, chẳng biết rồi sẽ ra sao, sẽ đi đến đâu nữa. Từ khi định cư ở đây, ông bà đã vỡ đất trên ba ngọn đồi liền nhau, trồng trọt để sinh sống. Và chia cho hai cậu con trai mỗi đứa một đồi khi họ xây dựng gia đình riêng; anh cả ở đồi bên trái, anh thứ ở đồi bên phải.
Chị Kim nghe tin anh chồng mất, từ trường mẫu giáo của thị trấn chạy bổ về nhà. Bé Thược mọi ngày vẫn ngoan ngoãn, bỗng trở chứng, đạp choài ra khỏi lòng bà nội, khóc ré. Còn quá nhỏ, đâu đã biết gì đến nỗi đau của gia đình, vậy mà nó khóc, khóc ngằn ngặt, khóc liền tù tì cả ngày lẫn đêm, hết ngày này qua ngày khác, tưởng chừng sắp đứt hơi đến nơi. Bà con chung quanh đổ đến thăm. Có người nói:
- Bé khóc dạ đề đó!
Người khác nguýt:
- Dạ đề chi mà dạ đề! Nó đã hơn bốn tháng, lẫy rồi, sắp bò sắp ngồi được rồi, còn dạ đề dạ điếc, mệt!

Chị Kim nghĩ nát nước, mọi người trong nhà cũng như bà con trong thị trấn đã bày đủ các thứ trò chơi, dỗ dành, nựng nịu bế bồng, khua lục lạc, vỗ tay ăn bánh... nghĩa là hết cả các cách, kể cả nướng lưỡi cày cho đỏ rải bồ kết lên bốc khói xông qua xông lại cho bé, bé vẫn khóc. Chẳng biết nghĩ sao, chị chạy về nhà mình ở ngọn đồi bên phải, lấy chiếc nôi mây của con chị đã lớn nay không nằm nữa, lau chùi sạch sẽ, mang qua, mặc dù ở nhà ông bà đã có nôi cho cháu Thược từ lúc nó mới sinh. Chị treo nôi lên, bồng bé đặt vào, du nhẹ nhàng qua lại trong lúc bé vẫn khóc ngoặn nghèo. Chị hát rất to, cốt để át tiếng khóc của cháu.
Ạ ơi ời... chèo lên...!
Chèo lên cho tới Đôộng Đình
Cá rô cá giếc cá chình phơi khô
Chèo lên cho tới Dạ Hồ
Mẹ mua trái mít chị bồ trái cam
Ạ ơi ời... Trái cam là trái cam tròn
Xuân tàn hạ mãn em còn thu đông
Chèo lên cho tới bềnh bồng...
ạ ơi ời...

Đến câu này, bỗng dưng bé Thược nín bặt. Hình như nó thấy lạ quá, lắng tai nghe. Chị Kim thì lim dim như đồng khiến, vẫn ru. Một phút, hai phút rồi mười phút, hai mươi, nửa giờ... Bé dường như chưa biết khóc là gì, hai bàn tay mụ mẫm xoắn lại như đang vắt cơm nắm, chốc chốc lại xoè ra đưa lên xem như ông thầy tướng số. Lát sau, bé díp mắt lại, ngủ. Ngon lành, say sưa, ngoan ngoãn chưa từng có.
Chị Kim như bừng tỉnh, đứng dậy thưa:
- Con xin phép ông bà để con nuôi cháu từ nay. Ông bà đã già, gánh vác hai thằng cháu đã quá sức rồi!
- Con còn bận việc nhà nước, làm sao...? Lại còn các cháu con của con nữa, chúng nó đã lớn lao gì cho cam!
- Dạ. Con bận thật nhưng thu xếp được, ông bà cứ yên tâm ạ.

Vì là cô giáo, lại là cô giáo lứa tuổi mầm non nên chị Kim không mấy khó khăn trong việc nuôi dạy cháu Thược. Thược lớn lên theo ngày tháng, xinh đẹp và học giỏi ít ai bì. Mười ba tuổi, cháu đã nở nang như một cô thiếu nữ mười tám đôi mươi của nhà khác. Chị Kim hởi lòng hởi dạ không kể xiết. Dù vậy trong nhà cũng có điều không êm đẹp hoàn hảo. Các con của chị ghen với Thược vì thấy mẹ chúng có phần thương yêu cháu hơn. Do được giáo dục tử tế nên chúng chẳng ghét bỏ hoặc làm điều gì xấu đối với Thược vì dù sao Thược cũng là chị con bác của chúng. Chúng chỉ lảng tránh, không chơi cùng, không nói chuyện với mà thôi. Vì thế, Thược chỉ một mình.

Một buổi chiều, có việc gì gấp đó ở trường phải ráng làm cho xong, chị Kim về nhà mình lúc đã xẩm tối. Không thấy bé ở nhà, chị hoảng hồn gọi, kêu, vừa hỏi vừa chạy vô chạy ra tìm kiếm. Chồng chị đang đi công tác xa từ đầu tuần. Lũ trẻ ngơ ngác chẳng biết chuyện gì đang xảy ra; cứ tưởng là Thược đang chạy chơi đâu đó bên hàng xóm láng giềng nên chẳng để ý. Thằng anh chạy xộc vào góc học tập của Thược soi mói ngang ngửa. Nó phát hiện một mảnh giấy gấp đặt dưới chân ngọn đèn, vừa giở ra đọc vừa gọi mẹ ơi mẹ này! Chị Kim bên láng giềng nhào về, cứ tưởng Thược đang nằm ngủ ở một góc nào đó. Giật mảnh giấy trên tay con: “Thưa chú thím và các em. Các cụ xưa đã nói nữ thập tam nam thập lục, nay cháu đã mười ba tuổi, lớn rồi, cháu quyết định tự lập. Xin chú thím đừng tốn công đi tìm cháu, cháu sẽ không trở về bây giờ đâu. Việc này sẽ tới, khi cháu thấy cần. Chẳng có chuyện gì xấu đến với cháu được đâu! Cháu đội ơn chú thím và gia đình. Cầu chúc chú thím và các em mạnh khoẻ, gặp nhiều may mắn, tốt lành. Cháu Thược.”

Đọc xong chị Kim kêu “Ôi trời!” một tiếng, díu trán ngẫm nghĩ. Lời con bé như lời một ông cụ. Già dặn, tự tin đến quyết liệt. Nhưng mà... cháu ơi, đường đời bao nhiêu gian nan trắc trở, cháu còn quá nhỏ, lại một thân một mình...
Thời gian nhanh chóng trôi qua. Theo lẽ tự nhiên của tạo hoá, bố mẹ vợ tôi già yếu rồi mất đi. Giỗ đầu xong chồng chị cũng bất ngờ đổ bệnh nan y, phải nằm liệt giường một chỗ. Chị dồn hết sức chăm nom cơm cháo, chạy thầy lo thuốc. Việc gia đình, việc trường lớp, rồi lo toan học hành cho các cháu... không lúc nào phi sơ đã khiến cho chị già trước tuổi, người gầy như que củi. Nhưng lạ, chị vẫn khoẻ, chẳng đau đầu xịt mũi gì gọi là có, sự nhanh nhẹn tháo vát đâu ra đấy của chị chừng còn giỏi hơn thời còn trẻ tóc còn xanh. Chồng mất, mấy đứa con đều mạnh khoẻ, học hành đến nơi đến chốn, đứa đại học, đứa cao đẳng trung cấp, ra trường yên ổn việc làm, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái đề huề, gia đình xúm xít mẹ con, bà cháu, hạnh phúc gần như vẹn toàn êm đẹp.

Cho đến hai mươi năm sau.
Vợ chồng tôi vì cuộc sống đẩy đưa, ở tận Sài Gòn xa xôi cách trở. Chúng tôi làm việc ở đó và nghỉ hưu cũng ở đó. Một hôm chúng tôi quyết định thu xếp việc nhà, con cháu, để về quê nội quê ngoại một chuyến, xem như dối già. Ở quê nội có đứa cháu út lấy chồng, bố nó đã mất, mẹ nó già cả lại bị đau khớp gối nặng không đi lại được, tôi phải thay mặt họ nhà gái đứng đầu buổi lễ vu quy và thành hôn cho nó. Ở quê ngoại, lạy trời lạy Phật, tôi cũng chưa biết nó ở đâu và ra sao, chỉ biết trên giấy tờ và bản đồ đất nước; thật tệ hại sau hơn bốn chục năm trời lấy nhau! Lần này về, chúng tôi đã chuẩn bị được một số tiền - thú thật là vay mượn của bạn bè thân thiết - để xây dựng lăng mộ cho bố mẹ vợ và bác vác các cô đã nằm xuống lâu nay mồ mả đang tạm bợ chỉ có đất trắng và cỏ xanh.

Như có một mối giao cảm vô hình nào đó, chúng tôi về đến nhà - tức nhà chị Kim ở ngọn đồi bên phải trong ba ngọn mà bố mẹ vợ tôi đã gầy dựng nên ven thị trấn đồng rừng này - khoảng một tiếng đồng hồ, cả nhà vừa tập hợp đến đông đủ, đang chuyện trò rôm rả thì một cô gái xuất hiện trước cổng. Mọi người đổ ra trước thềm. Trong lúc cô gái đứng quay lưng mở ví trả tiền công cho người lái xe ôm, chúng tôi nhìn cô thầm đánh giá. Quần âu màu tro, ống đứng, cắt rất khéo gần như Jin. Sơ - mi cộc tay ca - rô đen đỏ, cổ hình như khoét hơi rộng để lộ một cái gáy trắng, mịn màng; tóc cắt ngắn nhìn kỹ hơi quăn ép trong mũ chiếc mũ vải rộng vành màu ghi. Không phải mốt mới giờ đây của các cô gái trẻ 8x, 9x gì đó. Cũng không phải trang phục truyền thống của các chị trung niên hoài cổ. Có một vẻ gì nền nã, giản dị mà vẫn mới mẻ, sang sang...

Người khách quay mặt lại. Cô nhìn mọi người, gật đầu chào. Một nụ cười nở ra, lộ một chiếc răng khểnh trắng muốt bên mép trái. Chị Kim rút chốt đánh roẹt, mở toang cả hai cánh cổng, nhào xô tới kêu lên:
- Thược! Thược phải không?
- Dạ, vâng. Con đây thím ơi...
Hai thím cháu ập vào nhau, xoắt xuýt, nước mắt nước mũi dòng dòng...
Quanh bàn nước, cả nhà nghe chuyện Thược. Tóm tắt như sau:

Thì ra năm đó, cháu được ông bà cho mấy chục đồng để may một bộ đồng phục đi học ở trường. Với số tiền đó, cháu đi xe về thành phố tỉnh lị. Ở đây, cháu được một bà chủ tiệm cháo gà nổi tiếng chuyên bán đêm thuê làm người rửa bát đĩa; cháu có tiền để nuôi thân và tiếp tục đi học. Hết cấp 2 lên cấp 3 rồi vào đại học, không bỏ năm nào. Tốt nghiệp loại giỏi, lại có năng khiếu sư phạm, cháu được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Vừa dạy cháu vừa học lên theo chương trình cao học. Bốn năm sau cháu bảo vệ luận án tiến sĩ. Đến thời kỳ đổi mới, cháu xin ra khỏi biên chế Nhà nước, tự mình thành lập một ngôi trường tư thục, trường cao đẳng sư phạm mẫu giáo, nghề của thím Kim ngày xưa; giờ cháu là chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng... Đó là kể sơ qua những bước đường thuận lợi, còn khó khăn gian khổ trở ngại, cả những éo le nữa... cũng chẳng ít; cũng chẳng có chi là khó, ai cũng vậy việc gì cũng vậy, chẳng phải chỉ một mình cháu đâu! - Thược cười hồn nhiên.

- Còn chuyện gia đình riêng?
- Con vẫn vậy, chưa lấy chồng.
- Năm nay, tuổi mụ cháu đã băm tư rồi đấy. Sao muộn thế?
- Dạ. Bao nhiêu năm bận việc quá... Thực tình đến tuổi này rồi, sao con lại không tính thím ơi. Giờ mới là thời cơ có thể tốt đẹp thím à, con sẽ thưa riêng với thím sau. Con vừa vào làng quê trước khi ra đây...
Vợ tôi chen vào:
- Cô chú cũng định mai hoặc kia về làng đây! Để lo chuyện xây lăng mộ cho ông bà, các bác các cô.
Thược tiếp:
- Nhân tiện đây, thưa với cả gia đình, việc cô chú vừa nói là việc con cũng đã nghĩ lâu nay. Con vào quê trước khi ra đây để chuẩn bị cho việc đó rồi. Hiện con đã mua sẵn vật liệu xi măng gạch sỏi cát để trong đó rồi. Lại đã thuê một tốp thợ người làng sẵn sàng; chỉ đợi ta về nữa là bắt đầu xây.
Chị Kim nói:
- Việc lăng mộ là việc của gia đình ta phải chung tay đóng góp, không phải là việc riêng của cô chú hoặc của cháu Thược!
Thược hơi giật mình:
- Con xin lỗi vì đã không báo trước với gia đình. Nhưng thưa thím, phải có người chủ trì chứ ạ. Về tài chính con là người có khả năng hơn, con xin được lo gánh phần này. Anh trai lớn của con là đích tôn của ông bà, sẽ là người chính danh đứng ra quán xuyến. Trước làng xóm trước họ hàng, trước gia đình ta. Con nghĩ thế có phải không ạ?

Mọi người không ai nói thêm gì nữa, đều tỏ ý tán đồng. Chị Kim gần như tổng kết cuộc họp gia đình không dự định trước này:
- Thôi thế là ổn. Chỉ còn mỗi việc cất táng mấy ngôi mộ ở đây đưa về làng quê nữa là xong - chị quay về phía anh trai cả của Thược, tiếp - Cháu đi coi thầy để định ngày giờ khởi công. Có lẽ càng sớm càng tốt, cháu nhé!
- Em còn nghỉ bao lâu nữa? Người anh hỏi Thược.
- Dạ em nghỉ cả tháng cũng được. Công việc ở chỗ em, em đã uỷ nhiệm cho ông phó rồi!
- Xong việc lăng mộ ở quê, nhân dịp có mặt đông đủ cả nhà, cháu lo luôn đi việc chồng con, ít nhất là cái định hướng - vợ tôi góp ý - Con gái có lứa có thì, cháu ơi...
Thược hạ giọng, gần như thủ thỉ:
- Cô à, cháu nghĩ lấy chồng hay không lấy không quan trọng với cháu. Thời buổi bây giờ, nhiều cô gái vẫn sống độc thân đấy thôi. Chồng cho ra chồng chứ đâu phải chỉ một người đàn ông. Nhưng cháu sẽ lấy, phải lấy chứ, phải có con cái chứ...
Rồi bỗng nhiên Thược hát:
“Ru em cho tới Mỹ Đình
Cá cơm cá liệt cá kình kho khô
Ru em cho tới Hồng Hồ
Mẹ mua trái mít chị bồ trái thơm
Trái thơm là trái thơm ngon
Chợ trưa người vắng em còn... tao nôi
Ru em cho tới lở bồi...”


Đình Mỹ Lợi đầm Hồng ở làng ta đó, ấy chính là câu hát ru ở quê nội mình, thím Kim à.
Chị Kim thở dài nhẹ như tâm sự:
- Dân gian mà, dị bản là nơi nào cũng có, thời nào cũng có. Hồi còn sống, bà nội đã kể cho cháu nghe câu ru của thím làm cháu chấm dứt tật khóc dai. Câu đó là câu thím nghe ở đây, của dân quê vùng đồng rừng này.
Thược đến góc nhà nơi treo chiếc võng bạt, ghé lưng nằm xuống, đu đưa, cười rinh rích:
- Giờ đây khó mà tìm ra một chiếc võng như thế này đan bằng dây dừa! “Chèo lên cho tới bềnh bồng”, tuy võng bằng vải bạt, nhưng con giờ đây cũng tới lúc bềnh bồng rồi đó thím ơi. À mà này thím, nếu con không ai lấy, khi về hưu con sẽ về đây ở với thím cho đến lúc chết, làm “bà cô”. Thím đồng ý không?
Chị Kim cười, mắng:
- Cha tổ cô! Cô chỉ nói dại!
Tôi im lặng, lờ mờ vỡ ra câu nói ẩn ý của đứa cháu gái bên vợ...
Cho đến tận hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa biết cô cháu đó đã lấy chồng hay chưa nữa.
Cuối Tý đầu Sửu
H.N

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng