Tạp chí Sông Hương - Số 193 (tháng 3)
Tưởng niệm nhà thơ Huy Cận
11:05 | 17/02/2009
Sáng ngày 24-2-2005 tại trụ sở 26 Lê Lợi - Huế, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Huy Cận. Nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh, thành phố Huế và anh chị em văn nghệ sĩ đã tới dự. Sông Hương trân trọng giới thiệu “điếu văn” do nhà thơ Võ Quê đọc trong lễ tưởng niệm.
Tưởng niệm nhà thơ Huy Cận


Nhà thơ Huy Cận đã về cõi vĩnh hằng vào lúc 20 giờ kém 7 phút ngày 19.2.2005 tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận, ông sinh ngày 31.5.1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trước Cách mạng tháng Tám, Huy Cận đi học tú tài, Cao đẳng, Nông Lâm ...
Thời gian học tại Trường Quốc Học Huế là một quãng đời tươi đẹp, ươm mầm thơ ca trong tâm hồn ông để từ đó mới 21 tuổi, nhà thơ Huy Cận đã hoàn thành được tập "Lửa thiêng" tập thơ đã đưa ngay ông vào hàng thi bá của thơ Việt .

Từ đầu năm 1942, ông vừa học Nông Lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7.1945, tham dự Quốc Dân đại hội ở Tân Trào và được bầu vào UBDTGP Toàn Quốc (sau mở rộng thành chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và vào Huế dự thoái vị của Bảo Đại khi Cách mạng tháng Tám thành công. Ông là Bộ Trưởng Canh Nông và thanh tra đặc biệt của chính phủ lâm thời. Từ 5.11.1946 ông là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, trong những năm kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh Nông rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế. Từ 1949 - 1955. Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội Đồng Chính Phủ 1955 - 1984: Thứ trưởng Bộ Văn Hóa. Từ 9.1984 Bộ Trưởng Đặc trách công tác VHTT tại Văn phòng Hội Đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng kiêm Chủ tịch UBTQLHCHVHNT Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 và 7.
Phải nói ngọn "Lửa thiêng" đầy tâm huyết của nhà thơ Huy Cận đã soi sáng cho cả cuộc đời sáng tạo thi ca trong suốt 70 năm. Nhà thơ Huy Cận đã thành công từ bước đầu khởi nghiệp. Công chúng đã đón nhận và đã yêu thơ ông bằng tất cả sự mến mộ, đồng nghiệp và những nhà phê bình văn học cũng dành cho thơ ông niềm tin và sự trân trọng đáng quí.

Sau Lửa thiêng (1921), nhà thơ Huy Cận đã lần lượt xuất bản Vũ trụ ca (1942), Kinh cầu tự, văn xuôi (1942), Tính chất dân tộc trong văn nghệ  (nghiên cứu - 1958), Trời mỗi ngày lại sáng (thơ 1963), Hai bàn tay em (thơ 1967), Phù Đổng Thiên Vương (thơ, 1968). Những năm 60 (thơ, 1968), Cô gái mèo (thơ, 1972), Thiếu nhi anh hùng họp mặt (thơ 1973), Chiến trường gần chiến trường xa (thơ, 1973), Những người mẹ, những người vợ (thơ, 1974), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (thơ, 1975), Sơn Tinh Thủy Tinh (thơ, 1976), Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978), Hạt lại gieo (thơ 1984), Văn hóa và chính sách văn hóa ở CHXHCN Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris, 1985), Tuyển tập thơ (1986), Nước chảy thủy triều Đông (thơ, song ngữ xuất bản ở Paris, 1994), Hồi ký sóng đôi (1997). Nhà thơ Huy Cận đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 - 1996 với những tác phẩm văn học trên đây, chúng ta thấy Nhà thơ Huy Cận đã có một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, giàu nhiệt huyết.

Mãi mãi trong tình cảm người yêu thơ Huy Cận tâm đắc với lời ngợi ca của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt về thơ Huy Cận: "Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường, thi nhân lại có thể đúc thành bao châu ngọc".
Với Thừa Thiên Huế, nhà thơ Huy Cận là người anh lớn của phong trào. Ông đã có một quá trình gắn bó thiết thân từ những ngày tuổi trẻ cho đến năm 1945 lịch sử và về sau này. Những lần về lại Huế, nhà thơ Huy Cận cho biết như trở lại nhà và tự nhận Huế là quê hương thứ hai. Ông đã nhiều lần tâm sự: Nếu không có thời gian học ở Huế thì chưa chắc đã thành một nhà thơ. Với Huy Cận, Huế vẫn mãi là "Huế vấn vương" trong nguồn thơ dào dạt của ông.
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm của lễ tưởng niệm nhà thơ Huy Cận, chúng ta kính cầu nguyện hương hồn anh linh thơ của ông sớm về cõi vĩnh hằng.

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Các bài mới
Trà Trung Hoa (18/02/2009)
Chùm thơ Lưu Ly (18/02/2009)
Đất nước tôi (18/02/2009)
Các bài đã đăng