Vị giám đốc lấy ra một tập chứng từ lần lượt ký. Bỗng nhiên ông dừng bút đọc: - Hai mươi chín triệu tám trăm ngàn đồng. Châm điếu thuốc ngẫm nghĩ một lát. - Alô, Bích Hường hả? Anh đây. Lên anh gặp tí nha. Ừ, ngay bây giờ. (Vừa bước vào phòng, nàng cầm cánh váy nâng lên) Hường: Chú nom cháu có đẹp không? (...Giám đốc cười, ông dang hai cánh tay ra... Hường sà tới) Hường: Mấy cái chứng từ chú ký chưa? Giám đốc: Còn một tờ. Hường: - Tờ hai mươi chín triệu... Giám đốc: - Hôm mua về em nói là hai mươi bốn triệu. Hường: Cháu không nói chú cũng biết, với chú cháu phải thật chứ. (Vừa nói nàng vừa nâng cái cằm giám đốc lên hôn một cái ) - Thế này còn giá trị hơn nhiều chữ ký giám đốc đấy. Giám đốc: - Ngày mai đi công tác tại lục tỉnh phía
, em cùng đi với anh được không hay còn vương vấn với ai?. Hường: Vương thì có còn vấn thì chỉ mỗi chú thôi.
(Hai người đang cùng nhau theo điệu nhạc nhảy, có tiếng gõ cửa... giám đốc đưa nàng về phòng bên, ông khép cửa lại đi về phía cửa nghe ngóng... ông quay lui ngồi vào ghế làm việc...lại có tiếng gõ cửa...) Giám đốc: Mời vào. (Cánh cửa từ từ hé mở, một người đàn bà to béo, phốp pháp mếu máo bước vào). Người đàn bà: - Anh ơi anh giúp em với - sứt mẻ rồi, sứt mẻ rồi ông giám đốc ơi. Giám đốc: - Chị ngồi xuống đây, xuống đây đã nào. Người đàn bà: - Dạ. Cái tình (khóc nấc lên). Ôi, cái tình anh ơi, cả sứt lẫn cả mẻ, chết em thôi anh ơi. Giám đốc: - Cái tình... cái tình nào nhỉ. Người đàn bà: -Dạ. Cái tình thủy chung của hai chúng em không còn đầy đặn, không còn tròn trịa, không còn dạt dào lai láng như những ngày xanh nữa rồi anh ơi. Ôi, tình sắp tan biến rồi. Giám đốc: - Cái gì cũng phải thật bình tĩnh. Tan biến ra làm sao? Người đàn bà: - Em sợ lắm, tình không còn là tình ngày xửa ngày xưa nữa rồi. Không còn bản sắc dân tộc nữa rồi, tình bây giờ lan tràn khắp mọi nẻo anh ơi. Giám đốc: - Tình nào mà lan tràn khắp mọi nẻo, chị nói gì lạ vậy?. Người đàn bà: - Trời ơi, giám đốc quả thật là hiền lành, quá thủy chung không mang dòng máu si tình nên không hay biết gì đó thôi, chứ tình hiện đại lắm nó nở rộ ngay tại văn phòng giám đốc này, tình lan tỏa đến các khách sạn cao tầng, qua mỗi chuyến đi công tác này, dưới ánh trăng ngà mùa hạ thì tình lại cuồn cuộn vào nhau trôi dạt ra mãi tận bờ cát trắng này. Em sợ lắm, một này nào đó hai chúng ta sẽ chia lìa cách biệt nhau thôi. Ôi, chỉ có anh là giám đốc không hề dính líu đến cõi đời phong nguyệt nên em tin rằng tiếng nói của anh mới có trọng lượng, mới có sức nặng cứu vớt đựơc tâm hồn phó giám đốc ra khỏi vòng sương gió ái tình, không thì anh sẽ trượt dài theo ánh mắt của nhiều cô gái. Giám đốc: - Xưa nay, anh thường nói “nhất vợ nhì trời” cơ mà. Người đàn bà: - Dạ, vâng. Đúng là như vậy đó. Từ thưở ban đầu của tuần trăng mật cho mãi tận bây giờ anh âu yếm, anh chiều chuộng, anh vuốt ve, anh chăm sóc em nhiều nhiều lắm. Mới có ngày nào đó, anh tâm sự với em nghe sao mà ngọt ngào, mà thắm thiết, mà sâu xa thăm thẳm lắm em lại càng thương, lại càng tin anh cũng nhiều lắm lắm. Nhưng không ngờ ngày tháng mới hôm qua đây thôi. Giám đốc: - Trời ơi, chị cho vào đề đi cho-anh nói như thế nào nghe ra làm sao, cứ loanh quanh luẩn quẩn đâu đâu. Người đàn bà: - Dạ, vâng ạ. Anh nói là ”Anh không còn trẻ nữa”. Ôi- Dạ, sao bác giám đốc lại cười ạ. Giám đốc: - Thì anh nói như vậy tốt chứ sao- “Không còn trẻ nữa” có nghĩa là chị cứ yên tâm. Người đàn bà: - Dạ, đang còn gì nữa ạ-gì nhỉ...(ngẫm nghĩ một lát) Anh nói gì mà có cả “cuối chiều” nữa anh ạ. Giám đốc: - Khổ quá, chị nói thế thì tôi biết đâu mà lần, có cả “cuối chiều” nghĩa là thế nào. (Người đàn bà vội vàng mở túi xách lấy một cuộn giấy đưa cho giám đốc, bà nói) Người đàn bà: - Đây, anh đọc đi có “cuối chiều” trong đó. (Cầm cuộn giấy, giám đốc hắng giọng đọc to: Anh không còn trẻ nữa Để bâng khuâng theo tia nắng cuối chiều à à cuối chiều là thế Để dởn vởn hạt mưa rào tí tách Để bần thần như kẻ đang yêu hay lắm tôi đọc lại lần nữa nghe nha. (đọc trọn 4 câu, đọc xong giám đốc khen...) Phong độ quá rồi còn gì nữa.. Người đàn bà: Nhưng vừa qua thì phong cũng đã đổi, độ cũng đã thay rồi, anh ơi. Giám đốc: Thay đổi thế nào đã lâu chưa? Người đàn bà: Dạ, thay đổi từ khi anh được thăng chức ngồi cái ghế giám đốc. Nhiều em cứ tíu tít bên anh. Giám đốc: Lại ghen bóng gió rồi. Người đàn bà: Em bắt quả tang mà. Giám đốc: Bắt qua tang. Người đàn bà: Vâng. Nhà em quàng tay qua cô nhân viên tại phòng khách... Quàng thế này này. .. (cầm lấy tay giám đốc quàng qua vai mình), còn cô nhân viên thì liếc mắt đưa tình rồi ngả vào lòng nhà em. (Bà ngã vào lòng giám đốc). Nhà em thì vuốt nhẹ trên má, trên mái tóc cô ta. .. đấy đấy giám đốc vuốt y hệt như nhà em. Nhà em lại xiết chặt hai bờ vai cô ta rồi hôn cô ta một cái rõ dài - đấy hôn như thế đó. Giám đốc: Thế mà chị không nói gì với anh. Người đàn bà: Lúc đó em nổi da gà lên, máu tam bành thì cuồn cuộn trào sôi dâng lên, thế là em xông vào... (người đàn bà xoay lấy giám đốc xô bên này, đẩy bên kia, cấu xé. .. vừa xoay vừa nói) - Si tình này, dại gái này, vừa rồi anh ôm hôn cô nào? Hôn cô nào. Có chức, có tước, có lộc rồi sướt mướt cô này, lẳng lơ với cô kia. Nhà nước thì hao tiền này, em thì hao tình hao cảm này. Miệng thì nói: “anh không còn trẻ nữa, không còn cuối chiều nữa” thế mà vừa rồi anh vuốt tóc cô nào hả? Từ này về sau phải từ bỏ, thấy gái thì phải xa chạy cao bay không thì phải vào trung tâm “cai nghiện” nghe chưa. Giám đốc: Trời ơi, buông tôi ra, tôi đâu có phải phó giám nhà chị đâu. Người đàn bà: Ôi, em xin lỗi. Em quên béng đi mất. Giời ơi, anh có đau, có ê ẩm lắm không (vừa nói vừa nắn bóp tay chân...) Giám đốc: Không sao đâu. Chị đã làm như thế từ nay chắc anh cũng không còn hồn vía nào nữa...cánh đàn ông ai mà chẳng sợ vợ. Cái dòng máu tam bành như vừa rồi đến cả ông Thiên Lôi cũng phách xiêu hồn lạc nữa là phó giám nhà chị. Người đàn bà: Giời ơi, mới hôm kia đây thôi lại chở một cô em khác nữa rồi. Giám đốc: Chắc không? Hay là nhìn gà hóa cuốc. Người đàn bà: Cô ta ôm eo thế này này (ôm lấy ông Giám đốc), tình tứ lắm. Đến khi em hỏi: Lúc chiều chở cô nào- bác biết không: anh đưa em cuộn giấy này bảo em cứ đọc đi khỏi phải hỏi han gì hết. Em thì gái Bắc Hà, anh thì giai miền Trung nói thì ào ào như gió Lào cấp 4 cấp 5. Đây, anh cầm đọc rồi thuyết trình cho em hay cái ý tứ ra làm sao. Giám đốc: Trước đây anh đưa cho chị bốn câu nói là ”anh không còn trẻ nữa-không còn cuốn chiều nữa...không còn bâng khuâng như kẻ đang yêu nữa”. Bây giờ lại nói: “Nhưng trời bảo cõi đời là hữu hạn Còn cõi yêu thì lại vô cùng Hay lắm, triết lý lắm. Hai câu này nhà thơ khẳng định một điều là: Cuộc đời con người ta không thể kéo dài lê thê mãi được “Cõi đời thì hữu hạn”. Song về đường ái tình thì dẫu tuổi tác có già nua mấy đi chăng nữa cũng không dừng lại-nghĩa là tuổi càng cao thì tình yêu càng dạt dào như sóng biển vỗ vào bờ, lai láng như thủy triều, nhẹ nhàng mát dịu như gió mùa thu. Nói một cách cụ thể: tình yêu không bị lệ thuộc vào tổi tác “Cõi yêu thì lại vô cùng”. Bà đã rõ chưa?. Người đàn bà: Không thể thế được-tình yêu là chỉ dành cho tuổi trẻ. Giám đốc: Chị nhớ cho đây là “trời ban-trời bảo”. Lắng nghe tiếp chị nha. “Trái tim anh trời sinh ra thắm đỏ Nên trời ban cho mãi trẻ trung” Đấy chị nghe rõ ràng chưa?. Người đàn bà: Nghĩa là thế nào? Giám đốc: À - Trái tim “thắm đỏ” chứ không phải “vàng đỏ” chị rõ không? Người đàn bà: Vâng, thắm đỏ. Giám đốc: Trái tim anh trời sinh ra thắm đỏ. Nghĩa là tình yêu của phó giám nhà chị còn khá sung sức, khá mãnh liệt, khá phong phú, khá đa dạng và còn rất nhiều chiều lả lơi lắm. Như vậy chính trái tim là cội nguồn, là nguyên nhân dẫn đến quá trình diễn biến, quá trình thúc đẩy sự phát sinh và phát triển ra nhiều tần số rung động thúc dục ái tình cuồn cuộn dâng trào. Nhớ “trời ban cho mãi trẻ trung”, nên sự lay động của con tim luôn luôn thức tỉnh tình yêu không bao giờ tắt. Người đàn bà: Giời ơi, bác mà thuyết trình diễn giải như thế thì loạn xạ cả lên.Thôi, bác đưa cho em để em lên gặp thượng đế. Giám đốc: Ấy chết, đây là bài thơ tình của một nhà thơ viết dành riêng cho người cao tuổi đặc biệt nhất là các vị lãnh đạo, các chánh phó giám đốc - Bài thơ tình già này rất phù hợp với thời đại ngày nay. Người đàn bà: Đã về già rồi mà còn lẳng lơ thì không thể chấp nhận được. Giám đốc: Xin thưa với chị rằng: Trong luật hôn nhân và gia đình có điều luật nào mà ngăn cấm, cản trở tuổi già thì không được ái tình lả lơi đâu - Chị cứ nói ra đây thử xem, có không? Người đàn bà: Không có nói lằng nhằng, em phải lên gặp thượng đế thôi. Giám đốc: Thế thì lên gặp thượng đế nhằm mục đích gì? Người đàn bà: À, em gặp có ba mục đích: + Điều thứ nhất: Em yêu cầu thượng đế phải có kỷ luật thích đáng đối với nhà trời.Vì nhà trời can tội: - Một: Ban bố ”Cõi yêu là vô cùng” - Hai: Ban cho tuổi già “trái tim thắm đỏ”, phải chữa lại là ”trái tim vùng đỏ” để giảm nhẹ bớt ái tình. + Điều thứ hai: Em yêu cầu, thượng đế ra chỉ thị cấm in ấn phát hành bốn câu thơ đó. Vì tính chất 4 câu thơ đó có tính xúi dục, kích động các vị trong hàng ngũ lãnh đạo, các vị chánh phó giám sa ngã vào con đường tình ái rồi phá vỡ tan tành thủy chung vốn có. Giám đốc: Chị nói thế khó nghe quá-thiếu dân chủ đến tính nhân quyền con người, hơn nữa, bốn câu thơ này là của một nhà thơ chính cống chứ đâu phải của ban văn nghệ thôn, xóm, phường, xã... Người đàn bà: Dù là nhà thơ hay cũng phải ngăn cấm không thì làm hỏng cả ba ông có chức có tước, có quyền có lộc mất. Lấy đó mà bào chữa tội tạng luyến ái của mình. Giám đốc: Thế thì tôi xin hỏi chị? Người đàn bà: Được, bác cứ tự do dân chủ - hỏi thoải mái. Giám đốc: Chị có biết bà già đi chợ cầu Đông không? Người đàn bà: Biết chứ - Có phải là: Bà bói một quẻ... Giám đốc: Đúng rồi. Thế chị có biết có bà cụ già ngoài 80 không? Người đàn bà: Bà - Cụ - già - Ngoài - Tám - mươi... Bà ấy thì em xin chịu. Giám đốc: - Bà ấy là thế này. Tại một làng quê xa xôi hẻo lánh, xa lắc xa lơ xa thăm thẳm không còn nhìn thấy nữa. Đó là một bà già đã tám mươi tư - ngồi trong cửa sổ viết thư lấy chồng. Đấy, đến mãi tận bây giờ người ta vẫn nói, vẫn ấn, vẫn phát hành nào đã có ai nói kích động, xúi dục bà cụ già yêu đương si tình đâu. Người đàn bà: Bác hiểu nhầm rồi - không ai nói là đúng. Đó là ca dao, là nỗi đau của người phụ nữ luôn luôn bị ràng buộc bơi cái lễ giáo phong kiến, họ không được quyền làm chủ lấy trái tim của mình. Bức thư đó là biểu hiện sự khát vọng của tình yêu mà cái thời xuân xanh của họ phải ngậm ngùi cay đắng trôi qua đi. Tôi nói thế có phải không hả bác? Thôi, em xin chào bác giám. Giám đốc: Khoan đã... khoan đã chị... Người đàn bà: - Bác còn khoan với khoái cái gì nữa. Giám đốc: - Chị vừa nói lên gặp thượng đế có ba mục đích nhưng chị mới nói có hai. Người đàn bà: - À, còn điều thứ ba chính là điều chủ yếu, điều cơ bản. Thế nha (bà vẩy tay chào bước vội). Giám đốc: - Chị nói toạc ra đây có được không? Người đàn bà: - Cũng được thôi, bác đã yêu cầu. + Điều thứ ba là thế này: Một là: Em trực tiếp gặp cho bằng được thượng đế-em yêu cầu thượng đế “chỉnh đốn” lại... Giám đốc: Chỉnh đốn lại. Người đàn bà: Vâng, phải chỉnh đón lại nhịp đập trái tim “Thắm đỏ” của các vị hiện nay đang có chức quyền: si tình, dại gái, say sưa, phè phỡn, mát gần cho đến mát xa rồi ký ta chứng từ rút của làng làm quà tặng gái. Hai là: Em sẽ đề nghị thượng đế đã chỉnh đốn thì phải song hành với sự lựa chọn để sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo trong các cấp, các ngành. Có như thế việc chỉnh đốn mới thực sự từ lượng đổi qua chất. Ba là: Để giúp thượng đế nhìn rõ chân dung của các quan chức hiện không còn phù hợp với sự tiến trình của lịch sử của thời đại kể cả về năng lực, trình độ và phẩm chất, đăc biệt những vị không có học vị, bằng cấp dù còn ít tuổi vẫn giải quyết về hưu. Đây là bản danh sách kèm theo. Thế bác Giám nha. Em kính chào bác Giám. (Người đàn bà bước đi được mấy bước, giám đốc nói với theo) Giám đốc: Chị phó dừng lại, dừng lại tý đã... tôi nằm ngoài danh sách đó chứ. (Người đàn bà quay lui, bước tới vỗ nhẹ vào vai bác Giám mỉm cười) Người đàn bà: Bác Giám yên tâm. Giám đốc: Vâng, cám ơn chị. Chị uống tạm ly nước khoáng Bang đã, loại nước khoáng của xứ sở Quảng Bình sản xuất đó. Chà, mai chừ quên béng đi mất. Khách đến nhà không trà thì cũng phải nước khoáng chứ. (Giám đốc chạm ly...) - Mời chị trăm phần trăm. Quả thật là chị có con mắt tinh đời - anh hùng đoán giữa trần ai mới già. Tôi thán phục chị lắm. Lý lẽ sắc sảo, nhận xét tinh tế có cả lý lẫn cả tình. Chị có dùng được rượu rắn không à - loại ngũ xà (người đàn bà cười lắc đầu...) Người đàn bà: - Anh đưa bàn tày em thử xem Giám đốc: Thế chị cũng biết coi tướng số. (Giám đốc đưa tay phải) Người đàn bà: Cái khoản này thì em sành lắm - Anh đưa bàn tay trái-nam tả nữ hữu mà anh (vừa chỉ vào lòng bàn tay vừa nói): Cái bàn tay của Giám đốc phải nói là ít ai có thể sánh được. Bác xem này, đường công danh của bác rất rõ nét, vừa đậm vừa sâu. Giám đốc: - Vâng đường nét đậm đà thật. Người đàn bà: Chính nhờ con đường này mà từng nấc thang bác leo trèo không mấy trắc trở. Em nói thế có đúng không hả bác. Giám đốc: Vâng chị nói đúng lắm, có điều là... Người đàn bà: Điều gì hả bác? Giám đốc: Người ta nói về tôi là được thăng chức, chứ không nói như chị. Người đàn bà: À, đó là cách dùng từ ngữ thôi miễn sao cũng là đồng nghĩa. (bà lại nhìn tiếp trên lòng bàn tay). - Bác Giám nhìn xem này... đường công danh của bác thì như thế mà sao đường này lại mờ mờ nhạt nhạt chẳng có nét có hằn gì cả. Lạ thật. Giám đốc: Vâng đường này không được rõ ràng cho lắm. Người đàn bà: Đã không rõ mà lại còn bè bè- lẽ ra đường này phải đậm nét hơn, dài hơn con đường công danh, đằng này lại quá trái ngược hẳn nhau. Giám đốc: Đường này quan trọng lắm hả chị? Người đàn bà: Quan trọng chứ, trên lòng bàn tay của con người ta đường này là đường chính yếu, đường bao trùm. Đất nước ta muốn sánh vai với các cường quốc năm Châu được hay không chính là nhờ vào con đường này đây. Giám đốc: Quan trọng đến thế hả chị? Người đàn bà: Vâng, đường học vấn mà bác, không quan trọng sao được. Như vậy là ở chốn học đường, nơi lều chõng bác chưa hề từng trải thì phải? Em nói như vậy chắc là bác không hài lòng, bởi trong hồ sơ lý lịch bác ghi 10/10. Có phải thế không hả bác? Có điều, vừa qua, Mặt trận tỉnh có cuộc điều tra xã hội học với chủ đề: “tìm hiểu dân trí, tìm hiểu bằng cấp” bên ngành Giáo dục cho biết tên bác không có trong danh sách hồ sơ lưu trữ bậc phổ thông trung học, kể cả bổ túc phổ thông cơ sở cũng không có-vậy là thế nào hả bác? Giám đốc: Khi được biết tỉnh có hướng đề bạt, tôi cứ ghi đại. Người đàn bà: Thông thường các vị đều ghi đại không cứ chỉ có mình bác, ngay như ông chú em còn cao tay ấn hơn bác nhiều-ông có cái bằng đại học tại chức hẳn hoi. Cuộc điều tra xã hội học dám nói chú em không có bằng cấp, không có học vị. Nhưng mà cái bằng cấp đó chính là nhờ thím em trao tay cho hai thầy giáo bốn triệu, đến kỳ thi tốt nghiệp chú em chỉ ngồi mất công sao chép lại y hệt bài viết của hai thầy giáo... thế là chú em có tấm bằng vào hạng khá-còn đằng sau vầng trán của chú em ai biết được có chất gì trong đó. Bằng hợp lý hóa mà. Giám đốc: Chị biết quá cụ thể sao lâu nay không nói ra đến bây giờ ông vẫn còn có chức có quyền. Người đàn bà: Em cũng mới biết cách đây một tuần khi chú thím em viết bản tự phê gửi lên tỉnh ủy. Thôi không bàn chuyện đó nữa (bà lại chỉ vào lòng bàn tay giám đốc...) Này hình như vào cái thời thiền vận anh quai búa quá cật lực nên lòng bàn tay chai sạn của anh đến bây giờ vẫn còn dày cộm lên thế này. (bà nâng bàn tay bà ngửi đi ngửi lại trong lòng bàn tay) bà mỉm cười hỏi: Hình như thời trai trẻ bác làm nghề thợ gò, thợ nguội phải không hả bác giám? Giám đốc: Sao chị biết được. Người đàn bà: Thì em ngửi trên lòng bàn tay của bác vẫn còn vương mùi sắt thép, búa đe mà lỵ. Ông anh nhà em cũng làm nghề thợ gò, thợ nguội nên cái lòng bàn tay cũng y hệt lòng bàn tay của bác. Có điều ông anh nhà em thợ nguội thì giỏi hơn bác nhiều, còn thợ gò lại kém thua bác nên mãi đến bây giờ chỉ giữ được cái chức tổ trưởng tổ gò- nguội tại cơ khí 1-2 của tỉnh. Nghề nào nghiệp đó nên ông anh nhà em cũng phát huy được 5 năm chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.Cái tay nghề của bác giá như tỉnh bố trí qua bên cơ khí nguội có lẽ phù hợp hơn nhiều. Còn con đường này nữa: đường ái tình.Chà, chà-đường này lại càng đậm đà ghê. Chắc là chuyện yêu đương, phong nguyệt của bác dào dạt lai láng không kém gì dòng lệ của cô thiếu nữ đa sầu bác nhỉ. Giám đốc: Chuyện đó đối với tôi kỵ lắm - không bao giờ dù chỉ là một ánh mắt đưa tình. Đường này thì chị nói hoàn toàn sai lệch-Chắc là chị vừa mới ăn ốc phải không chị. Người đàn bà: Bác đã nói vậy thì em xin chào. Người đàn bà đi về cửa phòng bên cạnh giám đốc vội chạy tới ngăn lại: Giám đốc: Chị đi ra đường kia kìa đây là phòng làm việc. Người đàn bà: Anh giám đốc thân ái ơi, đâu phải em đi ra đường này, em có nghe tiếng người thở trong đó mà. Giám đốc: Chị thì cứ hay tưởng tượng, đoán già đoán non... Người đàn bà: Bác nghiêng tai mà nghe-em còn nghe cả tiếng trống ngực đập thình thịch nữa cơ. Đấy bác nghe rõ chưa, em có nói sai đâu, có cả tiếng động bàn ghế nữa. Giám đốc: Tôi chẳng nghe gì cả. Người đàn bà: -Hay là ma-đúng là ma mãnh rồi. Người đàn bà: Thình lình bà mở toang cánh cửa...tìm mãi chẳng có ai. Ơ hay. Giám đốc: Chị đã thấy hai năm rõ mười chưa-ma với mãnh. Người đàn bà: Em có nghe rõ ràng cơ mà. Giám đốc: Có lẽ trái tim của chị đập thình thịch trong lồng ngực của chị lại tưởng trái tim của người khác. Đó, em lại nghe có tiếng thở dài, cả thở ngắn hổn hển nữa (Bà vểnh tai bên này rồi lại vểnh tai bên kia nghe ngóng, bà rón rén bước về phía tủ ghé tai nghe vừa giơ tay ngoắt giám đốc tới.Cầm lấy tai giám đốc bà dí sát vào cửa bà mở cánh cửa tủ... Người đàn bà: Ô hay, áo dài đâu lắm thế. Cả váy nữa. Đẹp thật. Cứ mỗi người tình một cái hả anh? Cô thì áo dài, cô thì váy, giám đốc quả là đa tình... Cái váy màu hoàng yến đẹp anh nhỉ, chắc em mặc đẹp lắm. Để em mặc anh ngắm thử xem nha. (Bà với tay cầm lấy chiếc váy, bỗng nhiên bà rụt tay lại) Ôi giời ơi, có người anh ơi... (cầm lấy váy bà kéo ra...) A, đúng trăm phần trăm rồi, cô này đây. Hôm nọ cô ôm eo chồng tôi ngồi sau xe đi đến đâu? Hường: Không phải em, chị nhầm rồi, buông em ra. Người đàn bà: Lại còn nhầm nữa hả. Lẳng lơ này, ôm eo này... Giám đốc: Buông cô ta ra không phải đâu. Người đàn bà: Không phải này, không phải này. Hường: Không phải chị ơi, phó giám nhà chị là không phải người tình của em, mà tình nhân của em là giám đốc, là chú chú nhỉ? Người đàn bà:-A...thế mà vừa rồi... (giơ tay ngoắt) anh lại đây... lại đây. Đưa bàn tay cho em (chỉ vào lòng bàn tay nói với Hường...) Cái lòng bàn tay chai sạn dày cộm lên thế này mỗi lần người tình đặt lên đôi má hồng, cô có cảm nhận thế nào? Hường: Dạ, hơi ran rát. Người đàn bà: Hơi ran rát. Hường: Dạ, vâng ạ. (người đàn bà đặt bàn tay giám đốc lên má mình...) Người đàn bà: Anh vuốt nhè nhẹ thử xem... khó chịu quá giám đốc ơi. (bà hất tay đi) Hường: Vâng em cũng thế rất là khó chịu chị ơi. Người đàn bà: Thế có khi nào em đã hất tay như chị chưa? Hường: Dạ chưa ạ. Người đàn bà: Chưa- hơi ran rát- rất là khó chịu, mà lại chưa. Hường: Luật bù trừ mà chị. Người đàn bà: Luật bù trừ là thế nào? Hường: Dạ, được cái này thì chấp nhận mất cái kia. Em hất tay người tình đi thì mỗi khi lập chứng từ giả ai ký cho em hả chị. Người đàn bà: (gật đầu) Giỏi, cô em giỏi lắm, dám nói lên sự thật (bà bước tới quàng tay qua vai cô...). Chị thành thật cám ơn em, đang là thời điểm chỉnh đốn Đảng mà em. Chị hỏi em điều này nha? Hường: (gật đầu) Dạ vâng ạ. Người đàn bà: Kỳ họp Quốc hội lần thứ VI khóa X có bàn đến sáu giải pháp lớn của Chính phủ, em có biết giải pháp nào được xem là khâu đột phá từ Trung ương đến địa phương không? Hường: Dạ, có phải là cải cách hành chính không? Người đàn bà: Đúng rồi- mà sao em biết? Hường: Em xem truyền hình trực tiếp Quốc hội bàn về giải pháp đó. Quốc hội nhấn mạnh: “Trong cải cách hành chính con người là nhân tố quyết định. Do vậy phải loại trừ ngay những cán bộ, công chức không có khả năng, trình độ và phẩm chất ra khỏi bộ máy hành chính sự nghiệp”. Người đàn bà: Trời ơi! Chị không ngờ em... (quay về phía giám đốc) Bác Gám đốc ơi! Bác đã nghe rõ chưa? Khả năng này, trình độ này, phẩm chất này, không có những bửu bối đó-thì- thì-Alê- “đột phá”. Thôi em phải đi trực tiếp gặp cấp trên thôi, chắc chắn bác sẽ được vinh dự thêm một người vào danh sách “Đột phá”. Giám đốc: Chị đi thật à? Người đàn bà: Vâng. Phải như thế mới thật sự trong sạch vững mạnh. Giám đốc: -Trời ơi-Thế là hết.Vừa nói giám đốc vừa lắc đầu rồi từ từ đổ sụp xuống làm cho cái ghế cũng đổ lăn kềnh theo. (màn) N.H.S
(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)
|