Thành phố vào đêm mới thực là thành phố ăn chơi. Đèn hết cỡ, nhạc hết cỡ, các hàng ăn tràn trên các vỉa hè cũng hết cỡ. Mùi thơm từ các thùng phở, nồi ốc nóng, chảo rán quẩy quyện mùi nước hoa, son phấn thoang thoảng bay theo làn gió ngược chiều.
Anh ấn bàn đạp cho đủ hết vòng quay rồi lại ấn tiếp. Còn gần chục cây số nữa mới đến căn phòng trọ của anh trong con hẻm ngoại ô. Cái khổ là chục cây số ấy anh phải hít không biết bao nhiêu mùi thị thành. Khoá học tiếng Anh chỉ còn vài tuần nữa là xong. Anh phải cố để giật được cái bằng C. Hòng có đủ tự tin để bước vào các cơ quan đi xin việc. Có thể anh còn phải cố thêm cái bằng tin học nữa mới yên tâm. Thời buổi này thiên hạ người ta thảy đều hai, ba bằng cả mà còn đang phải dài cổ chờ việc. Huống chi anh chỉ mới có cái bằng Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngày mới đỗ đại học mẹ anh đã mừng đến rơi nước mắt, khấn tạ hết thần nọ thánh kia đã giúp cho con bà có cơ mở mày mở mặt. Thế mà nay anh đã tốt nghiệp đại học được hai năm rồi. Bây giờ vẫn chỉ là cái thằng lang thang đi làm thuê từng ngày. Hết tiếp thị thuốc lá đến dầu gội đầu, có khi còn cả băng vệ sinh phụ nữ...
Anh trốn cả ngày sinh nhật bạn, “quên” cả gọi điện về cho mẹ. Bước vào quán ăn, phải ngó xem món nào anh không tính tiền thì ăn độn. Món quà tặng mẹ tháng lương đầu tiên mà anh đã hứa, mãi vẫn chỉ là lời hứa. Thật tội nghiệp cho mẹ anh, đến cái niềm hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng cũng trở thành mây khói. Công cuộc vật lộn của lòng kiêu hãnh bắt đầu từ cái ngày bà ôm ba đứa con trước toà nhất quyết không chịu nhường cho người cha bội bạc của anh nuôi một đứa nào. Bà kiêu hãnh bằng trái tim của người đàn bà bị tổn thương, khẳng định sẽ chiến thắng, sẽ nuôi con ăn học nên người bằng đồng lương của cô văn thư đánh máy cho một cơ quan hành chính sự nghiệp. Anh là mục tiêu của cuộc đua. Anh phải là đứa con bước vào đại học. Cuộc đua ấy vắt kiệt tấm thân mảnh dẻ của mẹ, không biết vì chính bản thân mẹ hay vì người cha đã dám bỏ đi theo một người đàn bà khác.
Anh cũng không nhớ nổi hồi đó mẹ đã phải xoay xở ra sao, nhưng chắc chắn anh và các em anh không phải nghỉ học buổi nào và cũng không có hôm nào phải lả đi vì đói. Năm năm đại học, mỗi lần cầm những đồng tiền mẹ gửi cho anh bao giờ anh cũng khóc. Anh nâng niu tiêu từng đồng như chắt từng giọt mồ hôi trên người mẹ. Cái máy chữ già cỗi đã cùng mẹ vật lộn bao nhiêu năm trên con đường sinh nhai. Bây giờ nó cũng như mẹ ngậm ngùi nhìn sự tiến bộ của khoa học vi tính. Vậy thì làm sao có những đồng tiền mặn mòi cho anh để trường kỳ tìm việc?
Anh vẫn tiếp tục nhấn những vòng quay, đôi chân chỉ muốn rụng ra. Những bóng người trôi qua cặp kính loang loáng mờ ảo. Hay giờ học hôm nay căng thẳng? Hay suất cơm bình dân ngàn rưởi chịu chiều nay không đủ calo cho cái chiều cao mét bảy hai của anh? Chặc lưỡi anh nghĩ bụng: Tốt nhất là không nên để ốm. “Bác bán cho cháu cái bánh bao”. Anh dựng xe sát lề đường giơ tay với cái bánh bao mà bà bán hàng hình như đã chuẩn bị sẵn khi thấy anh rẽ vào. Ngoắc cái túi nilông đựng bánh vào ghi đông xe. Bỗng anh lắp bắp, môi tái nhợt, tay chân buốt như bị cảm lạnh. Anh vỗ vỗ đập đập khắp người và cả giở tung chiếc cặp đeo hông. “Rồi, chắc lại quên tiền phải không, hay để ví rơi đâu mất. Các cậu là hay chểnh mảng lắm”. “Vâng, cháu... cháu”. Anh giơ tay gỡ túi bánh định trả lại thì một giọng phụ nữ ngay sau lưng. “Anh gì ơi! Anh mất ví phải không? Ví của anh đây này. Tôi nhặt được ở kia kìa, định cầm xem có ai quanh đây đánh rơi thì trả, may mà nhìn thấy anh lục tìm ví. Anh xem lại có đủ tiền không?”. Chị ta dúi chiếc ví vào tay anh. Mùi nước hoa khiến anh ngạt thở. Anh ngước vội nhìn chị. Một khuôn mặt dễ chịu và một thân hình cân đối trong bộ mini juýp công sở. “Vâng, vâng chị cho tôi xin. Cám ơn chị”. Anh nói ríu lưỡi, mở ví rút tiền trả cho bà bán bánh rồi vội vã đạp xe đi. Anh không quay đầu lại nhìn chị một lần nào nữa, vả lại mùi nước hoa cũng bay xa rồi.
Bây giờ chiếc bánh bao vẫn còn nằm nguyên trên bàn nguội ngắt ngơ mà anh thì ngồi thừ không một cảm giác thèm ăn. Cái đầu anh đang rối tung lên bởi những lời lên án. Anh đã trở thành một thằng tồi tệ, vô liêm sỉ đến thế sao?. Ngay khi cầm chiếc bánh bao anh đã kịp nhớ ra rằng chiếc ví của anh đã rỗng không từ chiều hôm qua, nên anh đã vứt nó ở nhà. Nhưng điều gì đã khiến anh xử sự như vậy. Cái đói hay bệnh sĩ?. Còn người phụ nữ ấy? Chị có nghi ngờ gì về anh không? Hoặc chủ nhân của chiếc ví ngay sau đó đã quay lại tìm? Anh nóng mặt, mặc dù chỉ có một mình. Ước gì anh có thể gặp lại chị ấy.
Cộc, cộc, cộc. “À cậu về rồi đấy ạ. Đến hôm nay là gần hết hai tháng nhà rồi đấy. Cậu vẫn chưa đưa tôi được đồng nào”. “Chú cho cháu khất vài hôm nữa, cháu sẽ về quê xin tiền mẹ cháu”. “Lần nào cậu cũng nói thế, mà mãi có thấy gì đâu. Mấy hôm nay có nhiều người đến hỏi thuê nhà lắm, nhưng tôi còn nể cậu chưa quyết. Thế cậu bảo tìm thêm người đến ở chung cho đỡ tiền nhà cơ mà”. Vâng nhưng cháu không tìm được ai cả, bạn bè thời sinh viên với cháu đã có nơi ở ổn định cả rồi. À nếu ai thuê nhà mà muốn ở chung với cháu, chú cứ nói với họ là cháu đồng ý”. “Có, à không được, con gái. Cô ấy cũng đang tìm người ở chung, nhưng cậu thì không được”. Anh gãi đầu tiếc cho mình không phải là con gái. “À thế này!”. Ông chủ nhà vỗ đánh bụp vào cái đầu hói. “Tôi nghĩ ra rồi. Cô ấy nói rằng cô ta không ở nhà vào ban đêm, vì phải đi làm ca kíp gì ấy. Mà cậu thì đi làm cả ngày đến tối mới về. Như vậy là cô cậu có thể ở theo ca kíp. Nếu cậu đồng ý tôi sẽ bàn với cô ấy và quy định giờ giấc cho cụ thể, có hợp đồng hẳn hoi”. Ông chủ nhà cười hề hề tay không ngừng vuốt vuốt cái trán hói đã bóng loáng ra chiều khoái chí với cái sáng kiến của mình. “Nói thật với cậu tôi đã định thu nhà để giao cho cô ta đến ở rồi. Nếu cả hai cùng chấp nhận phương án này thì tôi cũng đỡ áy náy với cậu”. Tất nhiên là anh đành chấp nhận, chỉ sợ phía bên kia không đồng ý, ai ngờ cô ta cũng đồng ý.
Bản hợp đồng thuê nhà có một không hai do ông chủ nhà thảo sẵn với những luật định hoàn toàn theo ý chủ quan của ông ta. Hai bên B chỉ việc đọc và ký. Anh được quyền ở trong căn nhà chín mét vuông này từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Điều đó với anh chẳng có gì khác trước, vì anh đi tiếp thị từ lúc 6 giờ sáng cho mãi tới 5 giờ chiều mới về. Nhưng trong bản hợp đồng còn một điều quy định nữa là phải rời khỏi nhà sớm hơn giờ quy định 15 phút và trở về muộn hơn 15 phút. Có nghĩa là bên nọ không phải đợi bên kia một phút nào. Cái chính là hai bên đều không có cơ hội gặp nhau. Điều đó rất cần thiết, theo như lời ông chủ. Và còn nhiều điều quy định nữa anh không muốn đọc hết vì nguyên cái bản hợp đồng thuê nhà kiểu này đã là tức cười rồi.
Suốt một ngày lang thang trên các nẻo đường, trở về nhà anh mệt mỏi nằm vật xuống giường, bỗng hít phải một mùi thơm là lạ. Bật dậy nhìn quanh anh mới sực nhớ, căn nhà còn một chủ nhân nữa. Thay cái chồng sách và cái quần âu gấp làm tư của anh ở đầu giường là chiếc gối bông hoa thơm phức. Còn chiếc màn màu gio của anh đã bị quẳng xuống gầm giường trong chiếc chậu giặt nhường chỗ cho cái màn tuyn trắng tinh nằm ngay ngắn ở góc giường. Anh mỉm cười bắt đầu quan sát. Rõ là một bàn tay con gái, cái gì cũng sạch tinh tươm. Trên bậc cửa sổ lại còn chiếc bát gốm trồng hoa xương rồng với những bông hoa vàng nhỏ xíu. Một vài thứ đồ đạc mới của cô ta, chung quy cũng chỉ là những đồ dùng cá nhân tối thiểu, nhưng nom vui mắt đáo để. Anh say sưa ngắm nghía như bước vào một thế giới mới lạ.
Trong bản hợp đồng của ông chủ, còn một điều quy định nữa là: Không được xâm phạm bất cứ đồ dùng nào của phía bên kia và phải tôn trọng sở thích của mỗi người. Ồ vô tư, nhưng anh có thấy cô ấy thích gì đâu. Trên ba bức tường vẫn chẳng có một bức tranh ảnh nào, điều đó không giống với những phòng con gái mà anh được biết. Chỉ duy nhất giống con gái là có một chiếc gương tròn treo trên vách cùng chiếc lược nhựa. Thực hiện đúng những quy định trong hợp đồng, anh không chạm vào bất cứ một thứ gì của cô ta. Chỉ ngắm thôi, thế cũng đủ thú vị lắm rồi. Điều mà anh không ngờ nữa là anh cảm thấy căn phòng ấm áp hẳn lên và anh cũng không còn thấy cô đơn nữa.
Anh bắt đầu phán đoán về cô hàng xóm. Nhưng thật khó, vì có lẽ điều bí ẩn về cô nằm cả trong cái vali đang khóa chặt kia. Mỉm cười anh đem vào giấc ngủ hình ảnh tưởng tượng về cô. Có một đôi lần anh đã vi phạm hợp đồng là xin vắng mặt một ít dầu gội của cô để gội cái đầu đang khét cháy bụi bặm của anh. Anh tự nhủ khi nào gần hết dầu anh sẽ mua đền lọ mới, nhưng cứ chưa kịp mua thì đã có một lọ mới xuất hiện, vả lại nếu cô ta có kiện thì anh cũng có cớ để nói rằng cô cũng vi phạm hợp đồng. Bằng chứng là những bộ quần áo anh chưa kịp giặt thì tại sao nó lại nằm trên dây phơi?
Cho đến một hôm, anh trở về như mọi khi với một đôi chân rã rời, định nằm xuống giường nghỉ một lúc rồi mới đi ăn cơm thì bỗng nhìn thấy trên bàn có một hộp cơm chặn lên mảnh giấy. Anh đọc: “Tôi mua cơm mà chưa kịp ăn vì có việc phải đi gấp. Phiền anh dọn giùm tôi kẻo để qua đêm bốc mùi. Rất cám ơn anh”. Không có tên, cũng không chữ ký. Sáng mai trước khi ra khỏi nhà, anh để lại mảnh giấy cũng được chặn bởi hộp cơm đã rửa sạch. “Đổ cơm đi thì phí quá, tôi ăn hộ, nhưng rất ngon. Cám ơn cô”. Cũng không ký tên. Ngày hôm đó với anh đầy những niềm vui. Nhưng từ sau hôm đó, lại chẳng có gì xảy ra. Bỗng một hôm, anh trở về nhà, không tin nổi mắt mình, thật chẳng khác gì nhận được thư người thân nơi hoang đảo. Anh chộp lấy mảnh giấy trên bàn, cạnh chùm vải đang ăn giở”. Đang mùa vải, tôi mua cả cân, nhưng ăn không hết. Anh ăn giùm tôi rồi dọn hộ”. Anh nhăn mặt. Lại dọn, “Cô tưởng cho tôi ăn là bắt tôi phải dọn sao, đừng hòng”. Anh vò nhàu mảnh giấy và ném ra ngoài cửa sổ. Nhưng lâu lắm rồi anh chưa được ăn vải, những quả vải chín đỏ căng mọng thừa sức chiến thắng bệnh sĩ của anh. Hơn nữa anh lại đang muốn làm thân với cô.
Từ sau hôm chùm vải, cô để lại khá nhiều thứ ăn lặt vặt. Khi thì dăm cái kẹo, lúc cái bánh gatô, hoặc quả ổi, quả mận... Không có lời nào, cứ như thể, nghiễm nhiên đó là phần của anh. Một hôm anh nổi hứng muốn tặng cô một vật gì đó, để gọi là cảm ơn. Nhưng không thể là quả ổi, quả mận hay vài cái kẹo như trả nợ. Tính toán mãi anh cũng nghĩ ra được một món quà mà anh cho là tâm đắc.
Anh đặt chiếc cặp tóc bằng nhựa lên bàn cùng với một mảnh giấy viết vẻn vẹn hai chữ: “Tặng cô”. Chiều về anh lập tức nhận được hồi âm. “Tôi rất thích chiếc cặp tóc nhưng tiếc quá, tóc tôi lại quá ngắn. Cám ơn anh”. Suốt đêm anh mơ, chiếc cặp tóc được gắn lên một mái tóc dài đen óng ả. Nỗi khát khao được giao lưu với cô hàng xóm cứ không ngừng cháy lên trong anh. Anh đã phải cố tình để rơi tấm ảnh chứng minh thư xuống dưới gầm bàn, nhưng khi trở về anh chẳng nhận được gì hơn ngoài thấy nó lại được trở về như cũ trên trang đầu của một cuốn sách. Cho đến một hôm, anh trở về thấy trên bàn có mảnh giấy nằm dưới chiếc cốc thuỷ tinh với dòng chữ. “Hôm nay tôi có niềm vui, khao anh một chùm nho Mỹ”. Anh ngơ ngác nhìn quanh, chẳng thấy nho Mỹ đâu cả. Chắc hẳn cô ta quên. Hay định chơi xỏ anh? Nghe nói nho Mỹ đắt lắm. Thôi không sao, vài lời của cô cũng đủ anh vui lắm rồi. Anh đổ tấm thân mệt mỏi xuống giường, mặt ngửa lên trần nhà. Chợt lúc này anh mới phát hiện ra, chùm nho Mỹ được treo lủng lẳng sát trần nhà, khá cao so với những ai có chiều cao khiêm tốn, nhưng với anh thì... Một điều lạ nữa là trên góc tường gần đó dán một tấm ảnh màu được cắt từ một trang báo cũ. Anh với được chùm nho và tiện thể bóc luôn tấm ảnh trên tường xuống xem cho kỹ. Trong tấm ảnh in báo là hình một cô gái đang giơ tấm áo khoác mùa đông, miệng cười rất tươi. Dòng chữ đề dưới tấm ảnh: “Sản phẩm mới của xí nghiệp may xuất khẩu 20 -10. Anh mải ngắm tấm ảnh quên cả chùm nho Mỹ chín mọng. Cô gái trong ảnh khá xinh, khuôn mặt trái xoan, tóc xoã ngang vai. Anh mỉm cười với những ước mơ lạ lùng.
Sáng mai trên bàn lại có một mảnh giấy để lại: “Con cáo đã với được chùm nho khá dễ dàng, nhưng dẫu nho ngon đến mấy cũng không bằng nụ cười của cô thợ may trong ảnh, rất mong được làm quen với cô”. Chiều về anh nhận được mảnh giấy cũng đặt dưới chùm nho ấy. “Rất buồn vì anh đã không thưởng thức xem nho ngon đến thế nào, còn cô gái trong ảnh, đó chỉ là niềm mơ ước của tôi thôi”. Anh nhận ra mình đã bị cô hàng xóm cho vào bẫy. Nhưng biết thanh minh thế nào. Phờ phạc sau một đêm mất ngủ, anh để lại mảnh giấy trên bàn trước khi bước vội ra khỏi nhà: “Anh muốn gặp em”.
Anh không hiểu mình đã làm những gì trong cả ngày, nhưng chắc chắn anh đã mong từng giây khắc để tới giờ thay ca. Nhưng khi trở về thì... Không có gì cả, trên mặt bàn trống trơn. Anh đưa tay xoa trên mặt bàn, như thể không tin ở mắt mình, Cô ấy không trả lời, có nghĩa là không chấp nhận. Anh bình tĩnh chờ đến ngày mai, không có mảnh giấy nào cả. Ngày mai nữa, anh sốt ruột chờ, vẫn thế. Hình như căn phòng vẫn y nguyên như cũ. Cô ấy không dọn dẹp gì? Lẽ nào cô ấy không về nhà?. Anh không còn kiềm chế nổi sự lo lắng, bất chấp cả quy định có trong hợp đồng. Anh đến hỏi ông chủ nhà. Song, ông là người rất nguyên tắc. Không thể moi ở ông một thông tin nào về cô.
Ngày thứ tư, rồi thứ năm, thứ sáu trôi qua. Anh vẫn chờ đợi và vẫn thất vọng. Anh bắt đầu nhớ những món quà cô thường để lại trên bàn, mặc dù bây giờ anh không thèm chúng như trước. Anh đã đi làm ở một nơi mới. Tấm bằng C ngoại ngữ đã giúp anh kiếm được một việc làm nhàn nhã, và có nhiều tiền hơn. Đó là một chân bồi bàn cho một tiệm cà phê thường xuyên có người nước ngoài đến. Khi trở về nhà, nằm xuống giường anh lại lấy tấm ảnh cô thợ may ra ngắm nghía. Anh vẫn hình dung ra đó là cô. Anh áp tấm ảnh lên ngực, hôn lên cái miệng cười duyên và đêm đêm trong những giấc mơ của anh, cô lại xuất hiện với mái tóc dài cặp chiếc cặp tóc anh tặng. Cô chạy đến bên anh nở nụ cười rất tươi, nhưng khi anh hỏi thì cô lại quay mặt đi và bỏ chạy. Ca làm của anh bây giờ là từ trưa cho đến 9 giờ tối. Bởi vậy nhiều hôm anh phải đi lang thang cho hết buổi sáng, hoặc đến quán sớm phụ giúp những người khác, khiến ông chủ càng ưu ái với anh hơn. Tối qua hứng lên, lần đầu tiên anh uống hết một ly nhỏ rượu ngoại, rồi lảo đảo thuê xe ôm về nhà lúc đã hơn 11 giờ khuya. Hậu qủa là anh đã ngủ li bì cho đến 8 giờ sáng hôm sau vẫn chưa thèm dậy. Trong lơ mơ anh nghe có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cũng nhẹ như trong mơ. Nửa thức nửa ngủ anh dụi mắt ra mở cửa. Một người phụ nữ với nét mặt mệt mỏi đang đứng trong tư thế sốt ruột. “Chị gặp tôi ạ, chờ chút”. Anh quay vào khoác áo mặc quần dài rồi trở ra. Chị ta mặc bộ mini juýp rất đẹp, nhưng hơi nhàu, mặt đầy phấn son vẫn không dấu được làn da thiếu tươi tắn. Bỗng anh chợt thấy quen quen. Đúng rồi cũng bộ mini juýp này, cũng dáng người này và cả nụ cười nữa, anh đã từng gặp ở đâu rồi nhỉ. Đang cố nhớ thì chị lại lên tiếng trước:
“Chắc anh không nhớ tôi?”. Anh cảm thấy chân mình như muốn sụt xuống lòng đất khi nhận ra”. À tôi nhớ ra rồi, chị, chị... là người đã. Tôi biết thế nào chị cũng tìm ra được tôi. Tôi cũng đã định đi tìm chị. Chắc sau lúc ấy người ta đã quay lại tìm...?”. Anh run rẩy, anh không hiểu mình đang nói gì, đầu óc anh mụ mẫm. “Tôi thành thật xin lỗi, thực lòng hôm đó tôi bí quá đành liều”. Tôi hiểu rồi, anh yên tâm đi, chiếc ví ấy là của tôi mà”. “Của chị?” “Đúng thế, hôm đó tôi cũng đang định đi lại để mua chiếc bánh bao. Từ xa tôi đã thấy anh ghé xe lại và bỗng lúng túng tìm tiền. Tôi cũng đã từng có lúc như thế, nhiều khi cứ tưởng mình đang còn tiền. “Vậy chị đã nghĩ tôi là một thằng đểu?”. “Không, tôi thấy thương anh. Thực lòng đấy!”.Anh cúi mặt nóng bừng như một cậu bé con có lỗi lớn mà người ta lại tha thứ cho nó một cách dễ dàng, khiến nó càng cảm thấy lỗi mình lớn hơn. Chợt anh ngẩng lên, một ý nghĩ lạnh toát lướt qua trong đầu. “Thế, thế sao chị lại biết tôi ở đây?”. Người phụ nữ quay mặt đi, ánh mắt buồn buồn. “Trời! Tôi vô tâm quá, tôi xin lỗi, hãy tha lỗi cho tôi. Hôm nay tôi đã vi phạm luật thuê nhà”.
Anh run lên khi nói những lời ấy, và chờ đợi một lời cải chính. Nhưng, chính là cô ấy đấy, người hàng xóm đáng yêu của anh, người đã cho anh bao nhiêu những ước mơ lãng mạn. Chị, cô hàng xóm, cô gái trong tấm ảnh trên báo, tất cả chỉ là một. “Nhưng đó chỉ là cái thời hạnh phúc xa xưa của tôi cách đây đã 6 năm rồi”. Chị kể: Xí nghiệp may giải thể, chị bị thất nghiệp, chồng đi theo gái bỏ chị với đứa con còn chưa đầy tuổi. Chị cũng là đứa con của một gia đình tan vỡ. Bố mẹ bỏ nhau, chỉ khác, bố mẹ chị đều bỏ chị để đến những chân trời khác. Chị ở với bà ngoại từ nhỏ, bây giờ lại đến lượt đứa con của chị. Nhưng bà không còn đủ sức để nuôi chính bản thân mình chứ nói gì đến nuôi chắt. Chị đã làm rất nhiều việc ở thành phố này. Từ chân rửa bát, người giúp việc và đến bây giờ... theo chị kể trong tiếng thổn thức, làm gái trong các nhà hàng. “Mong anh hiểu cho tôi, tôi thật lòng xấu hổ khi phải nói với anh điều đó, vì tôi tin anh sẽ thông cảm cho tôi. Tôi phải nuôi hai con người thật yếu ớt, họ mong từng đồng tiền của tôi gửi về. Vừa qua tôi phải vắng mặt ở đây vài ngày là vì bà ngoại tôi tưởng không qua khỏi. Sắp tới có lẽ tôi phải mang con theo để gửi trên này. Bà tôi bây giờ...”. Nước mắt chị chảy dài trên đôi má trôi theo lớp phấn son nhạt nhoà.
Anh đi làm với một nỗi buồn cứ đeo đẳng suốt cả ngày, không hẳn vì anh thất vọng mà vì anh không thể trộn lẫn được hình ảnh cô gái trên trang báo với người phụ nữ anh vừa gặp. Tối hôm đó anh đi lang thang rồi ngủ nhờ nhà một người bạn, không hiểu sao anh lại không muốn trở về căn phòng trọ ấy nữa. Cho tới tối hôm sau, anh loạng choạng trở về nhà cũng trong hơi men. Anh đã bắt đầu uống được rượu. Mở cửa, anh bỗng nhận ra căn phòng hơi khác, như rộng ra, sạch hơn và cũng lạnh lùng hơn. Anh vồ lấy mảnh giấy đặt trên bàn:
“Chào anh, tôi phải chuyển đi nơi khác ở cho thuận tiện. Nhưng anh đừng lo, tôi đã giới thiệu được cho anh một người ở theo ca giống như tôi. Đó là một cô gái trẻ, tươi tắn, dịu dàng giống như cô gái trong tấm hình. Chỉ khác một điều, cô ấy không làm cái nghề như tôi. Cô ấy là công nhân công ty môi trường thành phố. Chuyên làm những việc thu dọn vào ban đêm. Có điều giờ giấc sẽ phải quy định lại. Tốt nhất anh nên hẹn gặp cô ấy để bàn bạc thì hay hơn. Thôi tạm biệt anh. Chúc anh hạnh phúc.” Đọc xong anh vò nhàu bức thư, vứt xuống sàn nhà và gào lên trong căn phòng trống vắng: “Không! Tôi không muốn một người con gái nào khác nữa!”. N.C.H (nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)
|