Tạp chí Sông Hương - Số 195 (tháng 5)
Bác Hồ viết di chúc như thế nào?
10:03 | 05/03/2009
NGÔ MINHDi chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do BCH TW Đảng công bố  trong ngày tang lễ Bác tại Quảng trường Ba Đình ngày 3-9-1969 (năm Kỷ Dậu) là một tác phẩm văn hóa lớn, thể hiện tình yêu Tổ Quốc, yêu nhân dân và nhân cách vĩ đại của Bác Hồ.
Bác Hồ viết di chúc như thế nào?
Bút tích di chúc Hồ Chủ tịch

Nhiều người dân thuộc lòng Di chúc nổi tiếng đó. Bản di chúc đề ngày viết là 10-5-1969, tức ra đời trước khi Bác mất 3 tháng 22 ngày. Vậy quá trình Bác viết di chúc đó diễn ra như thế nào? Những bản thảo ban đầu của Bác có khác gì so với bản Di chúc đã công bố?
Rất may là trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2000 (Tập 12, tr. 491- 512), lần đầu tiên công bố công khai 3 bản thảo Di chúc của Bác. Theo NXB thì các bản thảo Di chúc này đã được Bộ Chính trị  BCH TW Đảng  khóa VI cho công bố năm 1989, 20 năm sau khi Bác mất!  Đọc những bản thảo Di chúc đó, tôi rất xúc động, càng hiểu thêm tấm lòng sắt son của Bác đối với dân với nước.

Theo sách đã dẫn, thì Bác Hồ khởi viết Di chúc từ năm 1965. Bản Di chúc này gồm 3 trang, Người tự tay đánh máy chữ, trên đầu ghi là “Nhân dịp  mừng 75 tuổi”, ở cuối ghi ngày 15-5-1965, có chữ ký của Người và bên cạnh có chữ ký “chứng kiến” của đồng chí Lê Duẩn. So với bản di chúc đồng chí Lê Duẩn đọc tại tang lễ Bác, thì bản thảo đầu tiên này gần đúng nhất. Chỉ phần “Về việc riêng”, sau câu “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ tiền bạc của nhân dân”, Bác viết:

“Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách hỏa táng dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền ...”.

Bàn đến việc chôn cất mình, Bác cũng dặn tiết kiệm, dặn trồng cây làm lợi cho phong cảnh và cho nông nghiệp, luôn nghĩ đến đồng bào miền .
Tháng 5 năm 1968, Bác Hồ viết bổ sung thêm một số đoạn Di chúc gồm 7 trang viết tay, bằng mực xanh lá cây, sửa chữa lại bằng mực đỏ rất cẩn thận. Có đoạn sửa chữa rồi, Bác lại gạch bỏ. Ngày 10-5-1969, người viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay. Bản Di chúc công bố trong tang lễ Bác chủ yếu dựa vào bản viết năm 1965, trong đó đoạn mở đầu là đoạn viết năm 5-1969. Đoạn Về việc riêng lấy phần đầu bản viết 1968, không có đoạn “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi...”. So với Di chúc công bố, thì trong các bản thảo Di chúc, ngoài phần việc riêng đã nói ở trên, Bác còn viết một số đoạn khác. Đọc các đoạn này ta càng thấy rõ tình cảm lớn lao của Bác  đối với đồng bào chiến sĩ cả nước. Ta càng hiểu rõ thêm tư tưởng và phong cách sống vì dân vì nước của Bác Hồ.

Nói về việc Đảng, trong bản thảo Di chúc viết  tháng 5-1968, Bác căn dặn Đảng và Chính phủ nhiều việc lớn rất cơ bản và nhân văn, xin lược trích: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước ... thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức làm là phải mau hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra ...Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc phải làm ngay trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng...:
Đầu tiên là công việc đối với con người .
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình ... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những chiến sĩ trẻ tuổi... được rèn luyện trong chiến đấu... cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi họ thêm các ngành các nghề, để đào tạo thành những cán bộ công nhân có kỹ thuật giỏi... Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ  để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo... Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu.v.v… thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật  để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện... Tôi có ý đề nghị miễn giảm thuế nông nghiệp 1 năm  cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào  hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất... Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học, nửa ngày lao động... Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Về việc riêng, ngoài phần viết năm 1965 rất cảm động như đề nghị đốt thi hài nói trên, trong bản thảo Di chúc viết năm 5- 1968, Bác viết lại đoạn tro xương như sau: “Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền . Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà đơn giản, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.

Tìm hiểu quá trình viết Di chúc của Bác Hồ, ta thấy Bác rất  sáng suốt và anh minh. Người dặn dò, lo lắng bao quát hết mọi công việc của Đảng và đất nước, quan tâm đến mọi thành phần trong xã hội. Đọc những bản thảo Di chúc ta càng thương nhớ Bác, càng nhận thức sâu sắc thêm tầm vĩ đại của Danh nhân Văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, người suốt đời lo cho nước cho dân từ những việc vĩ mô đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống!
N.M

(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 

Các bài đã đăng
Trang mới (05/03/2009)