Tạp chí Sông Hương - Số 167 (tháng 1)
Sớm ấy,
10:20 | 12/03/2009
NGUYỄN THỤY KHAĐàn ngựa cuồng phong lồng về Hà Nội một đợt mưa rét lạnh. Gió thổi mạnh vào khuya khiến lòng người chợt trắc ẩn, thao thức. Có cảm giác như phía Phủ Doãn có một người đang đi trong "Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió nâng thuyền mây, gió reo sầu miên, gió đau niềm riêng, gió than triền miên". Ngỡ như ai đó huýt gió giai điệu "Đêm đông" trên đường đêm nơi ngày nào Nguyễn Văn Thương bắt đầu cảm hứng cho tình ca nổi tiếng ấy. Một thoáng mong nhớ về người nhạc sĩ tài năng này.
Sớm ấy,

Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 tại xứ Huế. Tôi thường đùa ông: "Anh với em là trùng mệnh hoả đấy. Nhưng anh là lửa trên trời, còn em là lửa sấm sét. Anh nắng cả ngày. Em chỉ chớp một giây. Bái sư phụ thôi". Đùa vậy mà ông cười: "Nắng nhưng nắng ở Việt ". Quả vậy. Khởi nghiệp từ sau khi tốt nghiệp trung học tại Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã viết ca khúc "Trên sông Hương" từ 1936. Đấy là một trong những nhạc phẩm đầu tiên hoài thai tân nhạc Việt . Ở Hà Nội du học, mùa đông 1939, Nguyễn Văn Thương đã cảm xúc nỗi cô đơn của một cô lữ  xa nhà bằng một "Đêm đông" nổi tiếng. Năm ấy "chàng cô lữ" tròn 20 tuổi. Năm 1942, khi làm việc ở Trung tâm Bưu Điện Sài Gòn, ông lại viết "Bướm hoa". Năm nay "Bướm hoa" của ông vừa tròn 60 tuổi. Vậy là ở 3 thành phố lớn của 3 miền đất Việt: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Nguyễn Văn Thương đều đặt được ở đó, dấu ấn âm nhạc của ông.

Nhưng điều kỳ lạ ở ông cũng như ít ỏi các nhạc sĩ thời tiền chiến với bút pháp lãng mạn tưởng chừng khó biến cải, thì chính cuộc trường kỳ kháng chiến đã làm nên sự phi thường ấy. Chẳng ai nghĩ "chàng cô lữ của đêm đông ngày nào" lại có thể thét lên một tráng ca làm rung chuyển mạnh mẽ trong tâm con người yêu nước hồi đó. Làm sao không run lên căm giận khi nghe Nguyễn Văn Thương tả sự: "Làng cháy cây héo khô - Đồng nương nồng hơi súng - xa tắp còn đâu bóng lúa xanh - Nhà thiêu nền trơ đất - Người đi lòng u uất - Sôi cháy máu căm hờn trào dâng..."

Cũng sinh thời, tôi đùa ông: "Bác chơi đến 7 nhát điệp từ Đêm đông khiến chúng dù hát karaoke đi chăng nữa thì cũng phải kiếm ra 7 cách khác nhau hát điệp từ đó. Mệt muốn chết luôn". Ông cười: "Ba hồn bảy vía của Thập loại chúng sinh đấy". Tôi vẫn chưa buông tha: "Nhưng cái cú 7 nhát ấy còn có thể vượt qua. Còn đến vụ hát lên 22 địa danh của xứ Bình-Trị-Thiên em chắc chỉ có Trần Khánh là hát ra được thôi. Còn lại, cố hát đúng nốt của bác là đã phát mệt rồi". Ông trố mắt: "Cậu đếm chúng 22 địa danh thật à - chính mình viết ra mà mình cũng chả biết là bao nhiêu địa danh nữa". Tôi đọc ngay: "Một là sông Hương, hai là Thiên Mụ, ba là Đập Đá...". Ông cười xua tay: "Thôi chịu rồi...". Tôi phân giải: "Nhưng cũng may nhờ Bình-Trị-Thiên khói lửa của bác, đi đến đâu ở xứ này, gặp địa danh trong giai điệu của bác, em tìm hiểu ra được khối thứ. Nếu hành trình du lịch chiến tranh theo đúng địa danh ở Bình-Trị-Thiên khói lửa, sẽ nhận ra xứ này qua một đường xoáy ốc. Thú vị ra phết". Gương mặt ông trầm lại: "Năm ấy, năm 1948, không hiểu sao không chịu đựng nổi nữa, phải thét lên giữa đau thương mất mát". Ông thốt lên rất thật. Cũng năm ấy, Hoàng Cầm đã từng thét lên: "Bên kia sông Đuống". Dường như để giải toả nỗi xúc động bất chợt về quá vãng, tôi lại đùa: "Nhưng bác lại có một bài hát ngắn nhất, ít chữ nhất. Đó là Bài ca trên đỉnh núi. Bài này cho người ta hình dung ra một giai điệu răng cưa. Cưa của bác ngắn nhưng sắc. Chàng nào mà cầm cưa này thì nàng có lim đến mấy cũng phải đổ... kềnh kếnh cang". Ông cười to: "Hay thiệt. Ai cũng đùa vui như vầy, có phải đỡ buồn, có phải khoẻ không?"

Trong các nhạc sĩ tiền chiến tôi từng gặp, tôi kính Nguyễn Xuân Khoát, quý Lê Thương, nể Lê Yên, trọng Nguyễn Văn Thương, mến Dzoãn Mẫn, mộ Nguyễn Đình Phúc, khoái Đỗ Nhuận, thân Văn Cao, phục Tô Vũ, thích Phan Huỳnh Điểu, thương Nguyễn Thiện Tơ, yêu Đoàn Chuẩn... Tôi trọng Nguyễn Văn Thương như một cá tính sáng tạo thực chất, tự xây nên sự nghiệp bằng chính nghệ thuật mình đam mê là nghệ thuật âm nhạc, chứ không ảo tưởng, thích hư danh như nhiều người khác.

Hoá ra tiếng đàn nguyệt và những điệu hò xứ Quảng Thuận với đất Huế thần kinh đã là khởi nguyên cho ánh nắng trời Nguyễn Văn Thương (ông mệnh Thiên thượng hoả) gieo vang mãi cái cung Thương riêng biệt vào đời sáng suốt một ngày dài bằng 83 mùa đông. Ánh nắng trời Nguyễn Văn Thương bắt đầu bằng một bình minh ca khúc đến chói chang một ban trưa giao hưởng soi rọi vào cõi nhân gian đất Việt suốt một thời chiến tranh ly loạn. Để rồi lắng dần, dịu lại cho đến chiều tà như nắng thu Hà Nội mà ông từng viết "Thu Hà Nội, mùa thu tuyệt vời" của những năm tháng thanh bình và hy vọng.

Hành trình âm nhạc của Nguyễn Văn Thương đã khiến người mến mộ âm nhạc ngạc nhiên. Khi tập kết ra Bắc, phụ trách Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Việt Nam), ông đã soạn nhạc cho nhiều tác phẩm múa như "Chim gâu", "Tấm Cám", "Múa ô", "Chàm Rông"... lại cùng Ngọc Phan viết độc tấu Violoncelle "Quê hương"... Nhưng ngạc nhiên nhất là ông đã chuyển được bút pháp lãng mạn từ thời tiền chiến đến một cung bậc cao hơn da diết và thuần khiết hơn ở "Bài ca trên đỉnh núi" - một ca khúc viết trong nhạc phim "Vợ chồng A Phủ". Nếu nói về tình ca của Nguyễn Văn Thương, cho chọn 2 tác phẩm, chắc chắn sẽ là "Đêm đông" và "Bài ca trên đỉnh núi".

Nếu Đỗ Nhuận là nhạc sĩ tiền chiến duy nhất được cử đi tu nghiệp âm nhạc ở Châu Âu để viết ra những vở Opéra Việt Nam, thì Nguyễn Văn Thương cũng là nhạc sĩ tiền chiến duy nhất được cử đi tu nghiệp âm nhạc ở Châu Âu để viết ra những tác phẩm giao hưởng Việt Nam. Thơ giao hưởng "Đồng khởi" của ông đã từng trình diễn lần đầu tại Leipzig (Đức) 1971. Hành trình âm nhạc của Nguyễn Văn Thương là hành trình đi từ ca khúc đến giao hưởng, từ dân tộc đến hiện tại bằng tâm hồn Việt. Đấy là hành trình từ khả năng đến học thuật.

Không chỉ sáng tác, Nguyễn Văn Thương còn đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp đào tạo âm nhạc Việt . Thời kỳ làm Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ông đã đưa hệ trung cấp âm nhạc cổ truyền lên hệ đại học. Nhiều nghệ sĩ như Tôn Nữ Nguyệt Minh... đặc biệt là Đặng Thái Sơn từ Nhạc viện Hà Nội đi ra thế giới trong thời kỳ đương nhiệm của ông. Sự nghiệp âm nhạc lớn của Nguyễn Văn Thương đã đưa ông tới Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2) thật xứng đáng.

Trong số 14 nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, có lẽ ông là người duy nhất mang danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Nguyễn Văn Thương đã từ trần hồi 8h30' ngày 5.12.2002. Sớm ấy "Sài Gòn, hình như "thời gian như ngừng trong tê tái" để chứng kiến sự ra đi của một cây đại thụ làng nhạc. Bất chợt có cảm giác như cả con đường "Đồng khởi" bỗng âm vang thơ giao hưởng "Đồng khởi" của ông, toả sâu vào từng ngõ kiệt, từng tâm hồn.

           N.T.K
       (167/01-03)

Các bài mới
Trọ đêm (27/04/2009)
Nếu như... (27/04/2009)
Mưa ngâu (27/04/2009)
Các bài đã đăng