Tạp chí Sông Hương - Số 196 (tháng 6)
Đọc François Jullien - nghĩ về thời gian trong tâm thức người Việt
15:10 | 12/03/2009
ĐÀO HÙNGTrước khi dịch cuốn Bàn về chữ Thời (Du temps-éléments d′une philosophie du vivre),  tôi đã có dịp gặp François Jullien, được nghe ông trình bày những vấn đề nghiên cứu triết học Trung Hoa của ông và trao đổi về việc ứng dụng của triết học trong công việc thực tế. Nhưng lúc bấy giờ thời gian không cho phép tìm hiểu kỹ hơn, nên có nhiều điều chưa cảm thụ được hết.

Cho đến khi tham gia dịch cuốn Bàn về chữ Thời cùng với anh Đinh Chân thì tôi mới hiểu thêm cách nhìn của F. Jullien đối với triết học Trung Hoa. Vì vậy ở đây, tôi muốn nói lên một vài điều thu hoạch của mình về vấn đề “thời gian” thông qua trước tác của François Jullien và đặc biệt là những liên hệ khi nhìn vào tâm thức của người Việt.

Nếu người phương Tây quan niệm “thời gian là một độ lâu đơn điệu do sự tiếp nối tạo ra, theo một sự vận động đều đều của những thời đoạn giống nhau về số lượng”(1) thì người phương Đông lại có những suy nghĩ khác. Vấn đề này cũng được Kim Định giải thích rằng “với văn hóa Tây Âu thì thời gian được biểu thị bằng thần Kronos, tay cầm lưỡi liềm tay cầm bình cát. Căn cứ vào số cát chảy mà xác định thời khắc theo đường thẳng (...), nó có tính cách chảy thẳng một dòng. Còn lưỡi liềm biểu thị tính cách bất khả phục hồi ra đi không hẹn ngày về – về được đâu nữa mà hẹn”(2). Trong khi đó người Trung Hoa nhìn thấy Thời gian là một tổng thể các kỷ (ères), các mùa (saisons) hay các đại (époques); trong Không gian là một phức hợp các miền, các khí hậu và các hướng, đã được Marcel Granet nêu lên thành công thức. Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, người Việt cũng có một tư duy về thời gian tương tự. Chúng ta đã từng quen suy nghĩ về thời gian như là một diễn biến tuần hoàn theo chu kỳ: mỗi năm có bốn mùa, 12 năm thành một giáp, và 60 năm lại trở về một hội, khác với thời gian tuyến tính của người phương Tây.

Mặc dầu thuật ngữ thời gian đã xuất hiện trong ngôn ngữ Trung Hoa từ thời cổ đại, nhưng theo F. Jullien thì trong sách Hậu Hán thư, mục Tào Tham truyện, lần đầu tiên từ này xuất hiện, thì thời gian chỉ có nghĩa là “bây giờ, lúc này”. Sau này nó còn được sử dụng ở một số tác phẩm khác nhưng vẫn mang nội dung cũ. Mãi đến khi tiếp xúc với tư tưởng phương Tây cuối thế kỷ XIX, Trung Quốc buộc phải dịch chữ “thời gian” (shijian) thông qua tiếng Nhật Bản là nước đã mở cửa đi trước trong quan hệ với Tây phương. Theo sách Nhật ngữ đại từ điển, đến thời Minh Trị, cụ thể là năm 1872, người Nhật mới dịch chữ space time thành kukan (không gian) và jikan (thời gian). Rồi nó được các nhà cách tân Trung Hoa sử dụng để dịch các sách Tây phương, theo cuốn từ điển cổ Anh Hoa đại từ điển của Nhan Hội Thanh thì từ thời gian (temps) xuất hiện theo nghĩa mới bắt đầu từ năm 1908. Trí thức nho học Việt tiếp thu tư tưởng mới của phương Tây qua các Tân thư do trí thức Trung Quốc biên dịch hoặc biên soạn cũng bắt đầu biết đến nghĩa mới của từ thời gian từ đó.

Nhân đây xin nói thêm rằng, trong tiếng Việt, không có một từ nôm nào biểu thị khái niệm về “thời gian”. Ta có thể điểm lại một số từ như thì (chỉ thời vụ hay một thời điểm nào đó: Ơn trời mưa nắng phải thì, Con gái có thì...), khi, lúc..., những từ này đều có nghĩa là lúc đó, chứ không phải là thời gian theo nghĩa hiện nay. Như vậy có thể nói, mãi đến đầu thế kỷ 20, chúng ta mới hiểu từ thời gian theo nghĩa hiện đại mà người Trung Hoa mới tiếp thu.

Trong nền văn minh mang tính nông nghiệp của Trung Hoa cổ đại, khái niệm về thời gian được dùng độc đáo nhất là chữ “mùa” (thì, thời). Mùa giữ nhịp cho các mối tương tác, tạo nên sự đổi mới và sinh trưởng của cây cỏ và qua đó mà phục hồi sự sống. Với tư duy quen đặt các sự vật trong thế đối nhau tương phản, người Trung Hoa đã quan niệm bốn mùa với những diễn biến thời tiết khác nhau: mưa vào mùa xuân, nắng vào mùa hè, gió vào mùa thu, tuyết vào mùa đông. Qua đó con người cũng có những công việc thích ứng với từng mùa không thể bỏ qua hay làm khác đi được: cày bừa vào mùa xuân, làm cỏ vào mùa hè, gặt hái vào mùa thu và bảo quản vào mùa đông. Mỗi mùa thích ứng với một kiểu hoạt động nhất định, đưa vào một lối sống khác nhau. Mặt khác các mùa khi thay đổi lại phụ thuộc lẫn nhau, cho nên chúng tạo ra một quá trình giống nhau. Nhờ có sự luân lưu các mùa đều đặn đó mà chúng không ngừng trở lại chính nó và không ngừng đổi mới.

Từ những phân tích của F. Jullien, ta có thể liên hệ với tư duy của người nông dân Việt , một thứ tư duy ít mang tính triết học, mà thường là cụ thể hơn, đơn giản hơn. Cũng là một dân tộc lấy nghề nông làm chính, người Việt Nam từ xưa đã chép theo lịch pháp Trung Hoa để xác định thời vụ làm ăn của mình, mặc dầu thời tiết và khí hậu phương Bắc và phương Nam có nhiều khác biệt. Tuy nhiên người Việt không có những qui định khắt khe trong cách ứng xử theo thời vụ như người Trung Hoa, vì vậy các lễ tiết theo mùa ít được qui định thành văn bản mà chỉ là một tập quán ứng xử theo truyền thống.

Dẫn những điều trong chương Nguyệt lệnh của sách Lễ ký, F. Jullien đưa ra những qui định dành cho các bậc quân vương Trung Quốc thời cổ đại để chúng ta thấy rằng người Trung Hoa đã có những qui định nghiêm ngặt trong cách mặc, cách ăn, sử dụng xe cộ và đồ dùng thích ứng với từng mùa, nghĩa là với từng thời gian cụ thể. Những qui định đó nhằm buộc con người phải có cách ứng xử thích hợp với từng mùa, tức là phải tôn trọng tác động đúng lúc của mùa trong năm, không đi trước, cũng không chậm bước. Nó có ý nghĩa rằng cày cấy trái thời vụ là vô ích, thậm chí còn gây nên tai họa. Còn nếu làm đúng thời vụ thì không phí sức mà có thể đem lại ấm no phồn vinh. Chính vì vậy mà các nhà tư tưởng Trung Quốc đã đưa sự thích nghi với thời vụ thành một nguyên lý, và còn phát triển sang các lĩnh vực nghi lễ tôn giáo và chính trị. Người nông dân phương Tây hiển nhiên đã từng có một tư duy về thời gian theo thời vụ cây trồng không khác gì người nông dân phương Đông. Nhưng triết học phương Tây lại xuất phát từ triết học Hy Lạp, một dân tộc xây dựng văn minh trên chế độ thành bang, lấy việc buôn bán trao đổi ven biển Địa Trung Hải làm chính, nên thời gian đối với họ là sự vận động từ điểm A đến điểm B, có khởi đầu và có kết thúc, không bao giờ quay trở lại.

Còn đối với người Việt ta có thể tìm hiểu những mốc thời gian trong một năm qua một bài ca dao xưa nói về “Công việc nhà nông quanh năm“. Từ bài ca dao này ta có thể thấy những khái niệm dân gian về thời gian, với những công việc làm cụ thể tùy theo mùa để hình thành nên cách ứng xử trong những thời điểm cụ thể.
Tháng giêng là tháng ăn chơi.
Tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm...
Lại còn một bài ca dao khác bổ sung cho bài trên:
...                    
Tháng ba đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân.
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

Trong cách nói dân gian của người Việt thì đó là “mùa nào thức nấy”. Bài ca dao nói trên là một minh chứng cho cách đối đãi với thiên nhiên tùy theo mùa. Chỉ cần đưa ra những sản phẩm thu hoạch theo từng tháng, người xưa đã nói rõ thái độ ứng xử của con người thích hợp với thời vụ nông nghiệp. Thái độ ứng xử đó vẫn còn được duy trì cho đến tận ngày nay mà ta có thể thấy qua cách ăn uống của người dân xứ Bắc ở bài ca dao trên. Tháng ba là lúc thu hoạch các loại đậu, cho nên ăn chè là việc tất yếu. Tháng năm ăn tết Đoan ngọ để “giết sâu bọ”, thực chất là ăn hoa quả, vì đấy là đầu mùa hè, thời điểm các loại cây trái kết quả. Đến tháng sáu, sau vải đến nhãn, không người dân xứ Bắc nào bỏ qua cơ hội đó. Thậm chí năm nào nhãn được mùa, người ta còn lo ngại năm nay nước sẽ to, phải lo phòng chống lụt. Nếu sống ở phương Tây, có bao giờ chúng ta cảm nhận được thời vụ mỗi khi ăn một quả cam hay một quả táo không? Chắc chắn là không, vì hoa quả bán trong các siêu thị có thể để dành quanh năm, hoặc nhập từ các xứ nhiệt đới đến, không có mối liên hệ nào với thời tiết địa phương cả. Còn người Hà Nội, thì cho đến lúc này vẫn không thể bỏ qua mùa cốm vào tháng tám, và khi các gánh cốm đi qua trên đường phố thì ai cũng biết rằng mùa thu đã đến. Còn khi sắp sang đông, thì hàng rươi xuất hiện trên đường phố, đi kèm với những trận mưa nhỏ gọi là mưa rươi. Người Hà Nội mà bỏ qua món chả rươi vào đúng vụ của nó thì coi như đã không hoàn thành một việc làm trong năm. Còn người Huế thì theo dõi tuần hoàn của thời gian qua sự xuất hiện của nấm tràm sau những trận mưa giông đầu mùa hè. Dù không còn liên hệ gì với đồng ruộng, nhưng người dân thành thị Việt vẫn có cảm nhận về thời gian theo thời vụ, phản ánh ở cách ăn của mình, có thể nói điều đó đã thấm trong máu thịt của mỗi chúng ta.

Tôi nhớ lại một nhà thơ trừu tượng xưa, vào thời phát triển của phong trào thơ mới trước năm 1945, đã viết những câu “Đáy đĩa mùa đi lượng hải hà”. Đó là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã làm những câu thơ đó khi còn sống ở Huế, khi ông chưa hề biết đến việc đi “thực tế” ở nông thôn trong cuộc cách mạng sau này. Vậy mà ông đã cảm nhận được sự chu chuyển của mùa qua những thức ăn bày trên đĩa mặc dầu sau này ông cố phủ nhận những vần thơ của mình thời tuổi trẻ vì cho đó là “văn chương bế tắc”, là thiếu “lập trường giai cấp”. Nhưng dù sao đó vẫn là một hình ảnh minh họa cho sự cảm nhận về thời gian của văn nghệ sĩ Việt ở thành thị.

Xưa kia, những lễ tiết của tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo còn gắn liền với sự chu chuyển của bốn mùa, mỗi lễ tiết thực chất là một cái mốc minh họa cho sự chuyển tiếp của mùa vụ, những ngày hội lớn phần lớn đều diễn ra vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ), tết Đoan ngọ đánh dấu thời điểm bước sang hè, rằm tháng 7 là một ngày lễ Phật giáo nhưng lại trùng hợp với thời điểm kết thúc mùa mưa, rồi đến rằng tháng 8 đánh dấu giữa mùa thu nhưng cũng là lúc kết thúc mùa mưa bão ở phía bắc. Tháng một tháng chạp là hai tháng cuối năm, không được đánh dấu bằng một ngày lễ nào, bởi vì lịch nông nghiệp của người Việt chỉ tính có 10 tháng, hai tháng cuối năm chỉ là giai đoạn chuyển tiếp sang năm mới. Từ thói quen sống qua những thời vụ trong năm, khi bước sang thời hiện đại, chúng ta lại sáng tạo thêm những “thời vụ” mới, được đánh dấu bằng những ngày kỷ niệm lớn, những cái mốc chính trị lớn diễn ra trong năm. Những ngày lễ đó phần lớn gắn với cuộc cách mạng mà chúng ta đã tiến hành hàng mấy thập niên qua.

Theo dõi lịch sinh hoạt trong một năm ta sẽ thấy những cái mốc đó được kỷ niệm bằng những công trình thi đua để “chào mừng”, thậm chí có công trình chưa hoàn tất nhưng cũng cố vội vã kết thúc cho kịp khánh thành vào ngày kỷ niệm. Lật lại từng trang báo trong một năm, ta sẽ thấy cái chu kỳ đó cứ diễn đi diễn lại hết năm này sang năm khác, đầu năm có ngày 3 tháng 2, rồi ngày phụ nữ, tiếp đến là 30 tháng 4, rồi 1 tháng 5, cuối năm có ngày 2 tháng 9, rồi đến ngày của quân đội cuối năm... Đấy là chưa kể mỗi địa phương lại có những ngày kỷ niệm riêng của một cộng đồng nhỏ hơn. Mặc dầu đang xây dựng một xã hội công nghiệp, nhưng chúng ta vẫn giữ tâm thức của người dân nông nghiệp, gắn cuộc sống với những cái mốc thời gian theo chu kỳ. Nhưng nếu chu kỳ của người xưa còn gắn với thời tiết và thời vụ, thì cái chu kỳ của thời hiện đại đã thoát ly khỏi cái nhịp tuần hoàn của thời gian, nhưng lại bắt sản xuất công nghiệp phải lệ thuộc vào một cách giả tạo. Một trong những hệ quả của nó là cái mà chỉ mới đây thôi, một tác giả đã phải thốt lên rằng “nhân danh “kỷ niệm chiến thắng”, cả nước ta đang mắc vào căn bệnh nghiện ngập lễ hội, liên hoan, ăn uống, huy chương, quà cáp, và kinh khủng nhất là các tỉnh đua nhau làm tượng đài, bất chấp xấu đẹp, tiêu tiền vung vãi hàng tỉ tỉ đồng”(3).

Cuộc sống theo chu kỳ đó đã khiến con người phương Đông luôn nhìn lại quá khứ, lấy quá khứ làm chuẩn mực cho sự tiến hóa. Người Trung Hoa xưa, cũng như nhà nho Việt Nam luôn nhắc đến thời hoàng kim của Nghiêu Thuấn (cái thời mà: nhà không phải khóa cửa, đi đường thấy của rơi không thèm nhặt, gà nước này gáy nước kia nghe...), coi đó là thời đại thịnh trị, các nhà tư tưởng thường lấy đó làm chuẩn qui chiếu để xác định mức độ văn minh của xã hội đương thời. Trong khi so sánh cách nhìn về thời gian của người Trung Hoa với phương Tây, François Jullien không nói đến sự trì trệ lạc hậu của phương Đông, nhưng là một người nghiên cứu lịch sử, tôi cảm nhận thấy những nhược điểm trong tư duy về thời gian của người phương Đông. Chính cái nhìn luôn bám lấy quá khứ, luôn tự hào với quá khứ, tự mãn với quá khứ, mà không xác định cho mình cái hướng đi tới trước, là một trong những nguyên nhân khiến cho các xã hội phương Đông bị trì trệ.
Đ.H
(196/06-05)

------------------
(1)  F. Jullien,
Bàn về chữ “Thời”, Nxb Đà Nẵng, tr. 47.
(2)  Kim định,
Chữ thời, Nxb Thanh bình, Sài Gòn, 1967, tr. 25.
(3)  Bùi Như Hương, “
Tượng đài công nhân Việt ...”, Tia sáng, số 4, tháng 4-2005, tr. 56-57.

Các bài mới
Khan (13/03/2009)
Câu chuyện (13/03/2009)
Các bài đã đăng