Tạp chí Sông Hương - Số 196 (tháng 6)
Để Sông Hương trở thành di sản nhân loại
16:25 | 12/03/2009
PHAN THANH HẢISông Hương là báu vật mà trời đất đã ban tặng cho Huế. Đã tự bao giờ, sông Hương đã được xem là dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, nghệ thuật xứ Huế. Đã có nhà văn từng thốt lên: “Nếu một ngày nào đó sông Hương đột nhiên biến mất, thì Huế có còn là Huế nữa không?!”...
Để Sông Hương trở thành di sản nhân loại

* SÔNG HƯƠNG VÀ ĐÔ THỊ HUẾ
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
                                                (Nguyễn Du)
            Tức:                
Một mảnh trăng dòng Hương,
Lắng nỗi buồn kim cổ.
Sông Hương là báu vật mà trời đất đã ban tặng cho Huế. Đã tự bao giờ, sông Hương đã được xem là dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, nghệ thuật xứ Huế. Đã có nhà văn từng thốt lên: “Nếu một ngày nào đó sông Hương đột nhiên biến mất, thì Huế có còn là Huế nữa không?!”.

Có thể nói sông Hương có một ý nghĩa đặc biệt đối với Huế trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của đô thị này.
Có lẽ từ rất sớm, khi đất Huế còn thuộc về nước Champa cổ, vương quốc được thành lập từ cuối thế kỷ II sau Công Nguyên. Người Chăm đã xây dựng một tòa thành khá đồ sộ ở bờ nam sông Hương-tại vị trí Phường Đúc ngày nay. Dấu tích của tòa thành này-tục danh là Thành Lồi-đã được giáo sư Trần Quốc Vượng xác định có kích thước như sau: "Lũy nam 550m, lũy đông 370m, lũy tây 350m, lũy bắc sát giới hạn xâm thực của sông Hương 750m, với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước vv... Niên đại "thành Lồi" không thua kém niên đại thành Trà Kiệu mà chúng tôi đã biết (thế kỷ V-VII)" (1)

Ở phía bờ đối diện, trên hai quả đồi chắn giữa khúc quanh của sông Hương -
núi Ngọc Trản và đồi Hà Khê-người Chăm dựng hai công trình tôn giáo của họ: ngôi đền thờ nữ thần Ponagar (mà sau này người Việt đã biến thành Thiên Y A Na tại điện Hòn Chén) và một ngôi tháp (trên vị trí mà sau đó người Việt dựng chùa Thiên Mụ).
Tại phía hạ lưu, đoạn sông Hương gặp sông Bồ, người Chăm lại dựng một tòa thành lớn để "khóa chặt vùng cửa sông". Đó chính là toà thành mà người Việt kế thừa để biến thành lỵ sở của châu Hóa-tức thành Hóa Châu nổi tiếng mà đến tận giữa thế kỷ XVI, Dương Văn An trong Ô Châu cận lục vẫn mô tả "Tòa thành cao trăm trĩ vươn cao, sừng sững như đám mây dài" (2)

Như vậy, sông Hương đã là trục chính mà người Chăm xưa lựa chọn để quy hoạch và thiết kế một trục đô thị (bao gồm cả thành lũy, miếu đền, linh tháp..). Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, mô hình quy hoạch một "tiểu quốc" (hay xứ-miền) của người Chăm tại vùng lưu vực sông Hương gồm đầy đủ các yếu tố: Núi (Thánh địa) -
Đồng bằng (Trung tâm chính trị)-biển (cảng thị), trong đó có núi chúa (chủ sơn) là ngọn núi Kim Phụng, khu Thánh địa là điện thờ trên núi Ngọc Trản (sau là điện Hòn Chén) và cảng thị là cảng Thanh Hà, còn trục nối liền các yếu tố trên là sông Hương (3).

Người Việt khi tiếp quản vùng Thuận Hóa đầu thế kỷ XIV không kế thừa toàn bộ di sản kiến trúc gắn với hệ sông Hương của người Chăm mà chỉ sử dụng một tòa thành ở phía hạ lưu-thành Hóa Châu. Mãi đến đầu thế kỷ XVII, họ mới chú ý đến phần thượng lưu. Sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng là việc Tiên chúa Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ trên gò Hà Khê vào năm 1601, đánh dấu sự chuẩn bị cho việc xây dựng một đô thị gắn với sông Hương. 36 năm sau (tức qua 3 chu kỳ Thiên Can-
Địa Chi hay 3 con giáp quay vòng), người cháu nội của Tiên chúa (tức cũng qua 3 đời: Ông-cha-cháu), chúa Nguyễn Phước Lan đã chính thức chọn vùng đất dưới chân Thiên Mụ để xây dựng thủ phủ Kim Long (1636-1687). Kể từ thời điểm này đến hết thời chúa Nguyễn, đô thị đầu não của Đàng Trong luôn gắn liền với sông Hương. Đặc biệt, từ khi chúa Nguyễn Phước Khoát quyết định kiến thiết lại thủ phủ Phú Xuân và "nâng cấp" thành Đô thành (năm 1752) thì các ý tưởng về quy hoạch đô thị Huế lấy sông Hương làm trục thiết kế, làm yếu tố phong thủy chủ đạo (với cách bố trí: kinh đô bên bờ bắc trên Vương Đảo, có các chi lưu của sông Hương bao quanh; các khu thương nghiệp, cảng thị bố trí ở phía đông; các khu đền miếu, phủ thờ, lăng mộ ở phía tây; các hành cung, ly cung bố trí ở phía nam và lấy núi Ngự Bình ở phía trước làm tiền án...) đã trở nên hoàn chỉnh. Toàn bộ cách quy hoạch này được giữ nguyên trong hơn 30 năm tồn tại của triều Tây Sơn, khi Huế đóng vai trò là  kinh đô của cả nước thống nhất.

Dựa trên các cơ sở hoàn hảo này, triều Nguyễn sau khi thành lập đầu thế kỷ XIX đã tiếp tục chọn Huế là kinh đô và mở rộng việc quy hoạch, kiến thiết lại đô thị Huế. Sông Hương có vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: Trục quy hoạch chính để nối liền Kinh thành với vùng đền miếu lăng tẩm ở phía tây và các khu vực thương nghiệp, cảng thị ở phía đông; yếu tố phong thủy chủ đạo của kinh đô; tuyến hào tự nhiên để bảo vệ mặt nam của Kinh thành; tuyến giao thông đường thủy để nối liền kinh đô với các vùng miền... Bởi thế, hầu như tất cả các công trình kiến trúc quan trọng của triều Nguyễn đều gắn liền với sông Hương hay các chi lưu của dòng sông này. Cũng từ thời Nguyễn, sông Hương trở thành một trong những chủ đề nổi bật của văn học, nghệ thuật xứ Thần kinh.

Vua Minh Mạng trong “Ngự chế thi sơ tập” đã có bài “Hương thuỷ” viết về sông Hương. Vua Thiệu Trị xếp sông Hương là một trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh với bài “Hương Giang hiểu phiếm”. Vua Tự Đức trong bài ký về khu vườn dựng trên cồn Dã Viên còn cho thấy sông Hương gắn bó với cuộc sống của người dân xứ Huế vô cùng mật thiết. Dường như con sông này cũng chính là hơi thở, là dòng chảy của cuộc sống xứ Huế:

Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, sau khi kinh đô Huế thất thủ, người Pháp từng bước đặt chân vào Huế; các công trình kiến trúc phục vụ chế độ thực dân xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành một hệ thống với những đặc thù riêng. Tuy nhiên, sự can thiệp của người Pháp vào đô thị Huế không thô bạo mà lại tạo được sự chuyển tiếp thống nhất hài hòa với đô thị truyền thống nhờ sự nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng có văn hóa. Khu “phố Tây” xuất hiện dọc bờ nam sông Hương, từ Đập Đá đến nhà Ga Huế, lan dần đến Dòng chúa Cứu thế (theo trục đường Nguyễn Huệ ngày nay), đến sân vận động... được thiết kế rất phù hợp với cảnh quan, môi trường đô thị của một khu phố mới nhưng không hề lấn át Kinh thành cùng các kiến trúc cổ ở phía bờ đối diện. Trái lại, chính khu "phố Tây” này lại bổ sung và tạo nên sự phong phú cho kiến trúc của kinh đô Huế.

Trong 30 năm với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đô thị Huế bị tàn phá khá nghiêm trọng đồng thời cũng được bổ sung khá nhiều công trình kiến trúc mới, mà chủ yếu là các khu dân cư do sự phát triển của dân số. Tuy nhiên, về cơ bản diện mạo của đô thị Huế với trục quy hoạch chính là sông Hương cùng hệ chi lưu của nó vẫn không thay đổi nhiều.

Ba mươi năm sau ngày Thừa Thiên Huế được giải phóng, Thành phố Huế có nhiều thay đổi quan trọng do sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch -
dịch vụ; sự gia tăng dân số đáng kể (đã vượt qua 330.000 người) cũng ảnh hưởng lớn đến quy hoạch đô thị Huế. Tháng 8 năm 2003, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với UBND Thành phố Huế tổ chức một Hội nghị Chuyên gia về đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế. Những đánh giá và khuyến nghị của cuộc hội thảo này về tiềm năng và định hướng quy hoạch phát triển cho thành phố chứng tỏ đô thị Huế đã có nhiều thay đổi và đang đứng trước những thách thức mới. Tuy nhiên, vai trò của sông Hương với Huế thì hoàn toàn không thay đổi!

TS.KTS.Ngô Doãn Đức đã nhận xét:
"Sông Hương được lồng ghép tự nhiên vào đô thị Huế hay nói một cách khác mối quan hệ giữa mặt nước, cây xanh và công trình kiến trúc ở đây là mối quan hệ hữu cơ, hòa hợp và nổi trội lên tính thiên nhiên. Dòng sông là nhân tố trục, tham gia rất mạnh và mang tính chủ đạo trong bố cục không bị áp đặt, chiếm vị trí trung tâm nhưng không chia cắt đô thị. Sông Hương tồn tại trong một tổng thể hài hòa và "thở" tự nhiên giữa lòng thành phố.
Cả một đô thị bao gồm kinh đô hùng vĩ xưa, khu phố Pháp cũ và những công trình kiến trúc xây dựng qua các thời kỳ... được ấn dấu sau những rặng cây bãi cỏ hai bên sông. Không gian kiến trúc đô thị được tổ chức thành một đại bố cục uyển chuyển, hòa cùng thiên nhiên có dòng sông Hương góp phần tạo lập nên một cảnh quan đặc thù của xứ Huế
"(4)

Còn GS.TS.KTS.Hoàng Đạo Kính thì không tiếc lời ca ngợi:
"Về phương diện tài nguyên thiên nhiên và tạo cảnh, sông Hương có vai trò vô cùng to lớn, nó định đoạt tính chất, diện mạo và sự chuyển hóa không gian đô thị, nó mang lại sắc và hồn cho thành phố, tạo nên tính duy nhất cho nó. Rất ít, có thể là không có trên đời này một đô thị nào khác mà có một dòng sông, rộng và êm, chảy giữa, mà không biên thành thủy-đại lộ be kè, đai gông cả hai bờ bằng đá hoặc bê tông. Chà, chảy thung dung giữa kinh thành mà vẫn hô hấp nhẹ nhàng, mà hai triền sông vẫn cỏ cây mọc tự nhiên!" (5)

*ĐỂ SÔNG HƯƠNG TRỞ THÀNH DI SẢN NHÂN LOẠI.
Sông Hương đang chảy về đâu? Câu hỏi như có vẻ lạ lùng? Dĩ nhiên là sông Hương đang chảy về biển, và mãi mãi vẫn chảy về biển Đông, dù cửa Thuận An, cửa Tư Dung có thể thay đổi. Tuy nhiên, sông Hương không phải là một dòng sông bình thường, mà là một dòng sông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đô thị Huế, với văn hóa Huế! Sông Hương là dòng chảy văn hóa, là biểu tượng của văn hóa Huế đã từ lâu, rất lâu rồi. Và trong tương lai, những ý nghĩa này chắc hẳn cũng không thay đổi.
Nhưng sông Hương đang đứng trước những thử thách sống còn-những thử thách có thể quyết định đến việc sông Hương sẽ "chảy về đâu".

Tháng 11/2003, Unesco đã cử đặc phái viên Laurent Rampon đến khảo sát tại Huế. Sau 3 tuần làm việc KTS.Laurent Rampon đã gửi một bản báo cáo dài 54 trang đến Ủy ban Di sản Thế giới của Unesco, trong đó nói rõ tình trạng bảo tồn các tài sản văn hóa tại Huế. Báo cáo nhấn mạnh, bên cạnh công tác bảo tồn đang được tiến hành rất tốt tại đây thì những nguy cơ đang đe dọa di sản Huế cũng đã xuất hiện, đó là tình trạng quản lý đô thị kém cỏi, sự phát triển ồ ạt của cơ sở hạ tầng không được kiểm soát và sự lất át các di tích lịch sử của các công trình mới... và sông Hương cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng! Tất cả những nội dung này đã được đưa vào quyết định số 28.COM.15B.61 trong phiên họp lần thứ 28 của Unesco tại Tô Châu, Trung Quốc từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 2004. Cũng tại kỳ họp này, Unesco đã chính thức đề nghị nước chủ nhà Việt và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ bổ sung để đưa sông Hương và cảnh quan hai bên bờ sông vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.

Có lẽ, từ sau khi nghe thông báo của Unesco, quá nhiều người trong chúng ta đã say sưa với việc ca ngợi vẻ đẹp và giá trị vô song của sông Hương mà quên mất một điều rất quan trọng là, con sông này (dĩ nhiên là cả cảnh quan đôi bờ gắn liền với nó) đang đứng trước những nguy cơ trực tiếp và gián tiếp bị hủy hoại. Bổ sung sông Hương cùng cảnh quan đôi bờ vào Danh mục Di sản Thế giới, tổ chức Unesco không chỉ có mục đích tôn vinh một di sản độc đáo của nhân loại mà còn nhằm để bảo vệ, giữ gìn tài sản này trước những nguy cơ. Chính điều này cho thấy, sông Hương có trở thành Di sản Thế giới hay không, điều đó không chỉ do giá trị tự thân của nó mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chúng ta.

Những nguy cơ đe dọa sông Hương cùng cảnh quan đôi bờ đã xuất hiện và ngày càng rõ ràng theo thời gian. Trong những nguy cơ đó, tự nhiên cũng có phần (lũ lụt làm lở cả đoạn bến lăng Minh Mạng, đoạn cong Xước Dũ -
Long Hồ; làm xuất hiện những cồn đất bất lợi trước cửa khe Châu Ê, trước cửa sông An Cựu...), nhưng các nguyên nhân chính chủ yếu vẫn đến từ con người.
Dưới lòng sông, bao nhiêu năm nay việc khai thác cát sạn vô tổ chức đã không chỉ làm vẩn đục dòng sông mà còn dẫn đến việc làm lệch dòng chảy tại nhiều đoạn, gây nên hiện tượng xói lở nghiêm trọng tại nhiều nơi.

Tại bề mặt sông, việc cư trú và hoạt động với tính tổ chức kém của các vạn đò đã khiến sông Hương và các chi lưu trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh. Hoạt động ca Huế ồ ạt theo kiểu thị trường diễn ra hàng đêm cũng làm sông Hương bị tổn thương không kém!
Còn hai bên bờ sông, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong thời gian gần đây đã khiến sông Hương bị "thúc ép" nặng nề. Ngay tại trung tâm thành phố, cả các hộ dân cư và công sở nhà nước đều tìm mọi cách để lấn ra phía bờ sông, đặc biệt là đoạn từ Cồn Hến đến nhà máy bia Huda Huế. Những công trình quy mô có ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan sông Hương có thể nêu tên là chợ Đông Ba, khách sạn Hương Giang, khách sạn Century, khách sạn số 5.Lê Lợi, nhà hàng Trúc Giang (216 Bùi Thị Xuân)... Và nguy hiểm không kém là các công trình cao tầng bên bờ nam, ở các vị trí cách sông không xa. Tháng 8/2003, tại Hội nghị chuyên gia đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế, KTS. Lý Thái Sơn đã cảnh báo:

"Theo dòng Hương Giang xuôi từ Kim Long về Vỹ Dạ nhìn sang bờ phải-bờ hữu ngạn của dòng sông-thấp thoáng phía sau phố tây, đường viền đô thị (silhouette) đã bắt đầu hình thành bởi sự xuất hiện của tòa nhà cao tầng và các tháp viễn thông "chọc trời". Việc phát triển không gian chiều cao theo hướng này đang bắt đầu bộc lộ những mối đe dọa thật sự chẳng những cho thành Huế cổ kính bên kia sông, mà còn phá vỡ đường chân trời phía nam với hình ảnh Ngự Bình xưa nay mãi mãi là biểu tượng tâm linh của Huế
"(6).
Vậy mà từ đó đến nay, bên bờ sông Hương còn xuất hiện hoặc sắp xuất hiện những công trình còn quy mô hơn như khách sạn Hoàng Đế (mới đổi thành Tân Hoàng Cung), khu du lịch Life Resort...
Sông Hương và đô thị Huế đang thật sự bị đe dọa!
Nhưng Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế cùng tất cả những người yêu Huế gần xa đều đã và đang có những nỗ lực lớn lao để giữ gìn những di sản của Huế và sông Hương.

Nhận thức đúng đắn vai trò của các di sản văn hóa và thiên nhiên của cố đô nên từ ngay sau ngày miền Nam được giải phóng đến nay các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đều có những nỗ lực rất lớn trong việc quy hoạch, bảo tồn và tôn tạo các di sản truyền thống, kèm theo đó là các văn bản pháp lý cũng đã xác nhận vị trí cùng giá trị của các di tích và thắng cảnh này, trong đó có sông Hương.
Ngày 19 tháng 5 năm 1976, UBND Cách mạng Bình Trị Thiên đã ra quyết định số 99-QĐ “về việc xác nhận tạm thời các cơ sở văn hóa công cộng”, gồm  35 di tích danh thắng của tỉnh. Các tài sản này đã được đánh giá “là những công trình văn hóa của dân tộc, là tài sản chung của nhân dân phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh bảo vệ”.  

Mười sáu năm sau, Thừa Thiên Huế (tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên năm 1989) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các di sản văn hóa và thiên nhiên đã được bảo tồn và khôi phục tốt hơn rất nhiều. Bộ Hồ sơ ứng cử vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới đã được đệ trình lên tổ chức UNESCO. Ngày 8 tháng 10 năm 1993, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1046-QĐ/UBND "về việc bảo vệ đợt 1 các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh". Trong quyết định này, sông Hương và các di tích đôi bờ đều được đưa vào một quy hoạch để đưa vào bảo vệ.

Cùng với những nỗ lực của địa phương, ngày 20 tháng 12 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 605TTg "về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế" trong đó, tại Điều 1, Mục 3 có ghi rõ:
Sông Hương là trục thiên nhiên khớp nối giữa hai khu vực Bắc và của Thành phố Huế bảo đảm cho quá trình phát triển đô thị trong một cơ cấu thống nhất. Khi xây dựng các công trình bên bờ sông Hương cần phải cân nhắc kỹ để không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp truyền thống của Thành phố.
Ba năm sau, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định 105TTg ngày 12 tháng 2 năm 1996 chính thức phê duyệt "Dự án Quy hoạch, Bảo tồn và Phát huy giá trị Di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010" với tổng mức đầu tư lên tới 720 tỷ đồng. Trong Dự án quan trọng này, một lần nữa, sông Hương và cảnh quan đôi bờ, đoạn suốt từ trung tâm thành phố Huế lên lăng Gia Long được khẳng định:
Dải đất hai bên bờ sông Hương từ Tả Thanh Long (Cồn Hến) đến Hữu Bạch Hổ (Cồn Dã Viên) đến lăng Gia Long là dải đất hai bên bờ sông Hương và cảnh quan thiên nhiên phải bảo vệ"(Mục III).

Sau khi Quyết định trên được ban hành, Chính quyền Thừa Thiên Huế đã nỗ lực để triển khai bản Dự án quy mô 15 năm này. Các khu di tích danh thắng quan trọng đều được quy hoạch chi tiết và có kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị. Ngày 11 tháng 10 năm 1999, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2327 -
QĐ/UBND “Phê duyệt quy hoạch chi tiết Bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan ở Tây thành phố Huế (khu lăng tẩm Huế)”. Trong Quyết định này, tại mục Mục 5, phần d ghi rõ:
Cảnh quan ven bờ Sông Hương: Là trục không gian chính của vùng cảnh quan Tây Nam cần hạn chế xây dựng mới nhà ở, công trình khác ven bờ, không san ủi phá vỡ địa hình, trồng cây xanh bảo vệ cảnh quan”.

Cùng với các kế hoạch, dự án bảo tồn, Chính quyền tỉnh và Thành phố Huế cũng đã có những biện pháp rất tích cực để bảo vệ và làm đẹp sông Hương cùng các hệ thống chi lưu, phụ lưu gắn liền với nó. Sông Đông Ba, sông An Cựu, sông Thiên Lộc và một đoạn sông Hương đã được xây kè bảo vệ. Chính quyền Thành phố Huế còn bỏ ra hàng chục tỷ đồng để giải tỏa và di dời hơn trăm hộ dân suốt từ cầu Bạch Hổ đến chùa Thiên Mụ và sắp tới sẽ còn thực hiện một dự án lớn để giải tỏa và làm đẹp đoạn từ chân cầu Gia Hội đến Bãi Dâu. Có thể nói đây là những nỗ lực rất lớn mà nếu không có quyết tâm rất cao thì một tỉnh còn nghèo như Thừa Thiên Huế chắc chắn sẽ không thể thực hiện được!

Thế nhưng những nỗ lực trên vẫn là chưa đủ!
Thừa thiên Huế cùng cả nước phải gắng sức hơn nữa để gìn giữ cho dân tộc và cả nhân loại dòng sông Hương vô giá cùng Thành phố Huế -
một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị.
Những điều kiện để sông Hương và cảnh quan đôi bờ trở thành di sản thế giới:
Trước hết đó phải là sự tự nguyện và quyết tâm của Chính quyền địa phương và Chính phủ Việt .
Sự tự nguyện đó đòi hỏi Chính quyền địa phương và Chính phủ Việt phải chính thức đăng ký với UNESCO rằng, chúng ta sẽ xây dựng bộ hồ sơ đề cử bổ sung cho sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào Danh mục Di sản Thế giới.

Còn quyết tâm đó thể hiện ở việc chúng ta phải hoàn thành đầy đủ và đúng thủ tục bộ hồ sơ khoa học về sông Hương và cảnh quan đôi bờ để đệ trình lên Ủy ban Di sản Thế giới. Việc đệ trình này cũng phải đảm bảo đúng theo thời hạn quy định của UNESCO.
Nếu việc đăng ký chỉ đơn giản là sự tự nguyện thì việc xây dựng được một bộ hồ sơ khoa học về sông Hương và cảnh quan đôi bờ đầy đủ và đúng quy cách thì hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản!
Đối chiếu với “Mẫu đơn đăng ký tài sản Văn hóa và Thiên nhiên đề cử vào Danh mục Di sản Thế giới” của UNESCO, thì chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có lẽ quan trọng nhất là chúng ta vẫn còn thiếu một bản quy hoạch chi tiết cho sông Hương và cảnh quan đôi bờ.

Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp cùng các ban ngành để xúc tiến công tác xây dựng bộ hồ sơ cho sông Hương và cảnh quan đôi bờ. Nhưng công tác này vẫn đang còn trong giai đoạn chuẩn bị vì vẫn còn phải chờ ý kiến chính thức của Chính phủ. Hơn nữa, một số sự kiện gây ảnh hưởng đến cảnh quan sông Hương mới xảy ra gần đây cũng gây cản trở cho công việc này...
Và dĩ nhiên, sông Hương và cảnh quan đôi bờ có trở thành Di sản Thế giới hay không vẫn còn phải chờ vào sự đánh giá xem xét của Ủy ban Di sản Thế giới sau khi chúng ta đệ trình hồ sơ.
Hy vọng mọi sự sẽ tốt lành cho Huế!
Huế, 4/2005
P.T.H
(196/06-05)

------------------------
CHÚ THÍCH & SÁCH DẪN
(1) Trần Quốc Vượng, Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế in trong tập Việt cái nhìn địa văn hóa. Nxb Văn Hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản. Hà nội, 1998. Tr.413
(2) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh-Hoàng Văn Phúc hiệu đính và dịch chú. Nxb Thuận Hóa. Huế- 2001. Tr.91.
(3) Trần Quốc Vượng,
Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế in trong tập Việt cái nhìn địa văn hóa. Nxb Văn Hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản. Sdd.Tr.414-415.
(4) Ngô Doãn Đức,
Sông Hương với tư cách một nhân tố tổ chức không gian và cảnh quan trong quỹ kiến trúc đô thị đặc trưng của Huế.
Kỷ yếu Hội nghị chuyên gia "Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế". Huế, tháng 8/2003. Tr.102.
(5) Hoàng Đạo Kính, Có những sự làm giàu trước mắt kéo theo sự nghèo hóa lâu dài. Báo Văn hóa, ngày 22-24/2/2005.
(6) Lý Thái Sơn, Lân hí cầu. Kỷ yếu Hội nghị chuyên gia "Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế". Huế, tháng 8/2003. Tr.43.

Các bài mới
Khan (13/03/2009)
Câu chuyện (13/03/2009)
Các bài đã đăng