Những năm ấy tôi đang là sinh viên năm cuối, ngày ngày phải đều đặn vào thư viện để viết cho xong một cái luận văn chết tiệt. Tôi thích học và việc học hành cũng không tồi nhưng tuyệt đối không hào hứng. Đơn giản, quá nhiều người ở nhà tôi bắt tôi phải học. Không kể bố mẹ tôi, ngay cả đám xa xa cô dì chú bác, tất cả đều thúc. Họ nông nổi nghĩ, họ đã và đang có điều kiện chắc chắn giúp tôi được thành thượng lưu trí thức. Ở Việt
, nói cho cùng, đương nhiên là không có giới thượng lưu, còn giới trí thức thì hình như mờ mịt có vẻ có. Chính vì sự mong manh ấy càng làm cho những người có chữ và có dư dật tiền khát khao, một nỗi khát khao cồn cào làm họ mơ màng mường tượng tin chắc những điều ấy là có thật. Mỗi sáng, mẹ tôi đưa tôi hai tờ năm chục ngàn, tiền đi tắc xi bốn lượt vì buổi trưa tôi phải về nhà ăn cơm cùng mẹ. Nếu một buổi tối nào đó, tôi đã quá chán ngồi computer (tôi đang viết một phần mềm, hy vọng sẽ cho Bill Gate đi ăn mày) tôi sẽ ra nũng nịu ôm cổ mẹ, mẹ tôi sẽ đưa tôi ba tờ một trăm nghìn và tôi được phép tự lái cái xe Camry ra một quán ba mà tôi thích.
Thường ở những buổi đó tôi rủ theo con bé học dưới hai khoá, nó ngốc nghếch nhạt hoét nhưng nhìn ngoài lại đặc biệt mặn mà. Khi nó phê phê rượu (chúng tôi chưa bao giờ chích hút) nó thường vật tôi ra băng ghế sau làm trò. Đi chơi với nó có nhiều thứ tiện vì cả nhà tôi và chính tôi đều biết chúng tôi chỉ là bạn. Mẹ tôi đã lên sẵn cả một dàn ba rem để tiêu chuẩn hoá đứa con gái sẽ là vợ tôi. Có tất cả mười bốn gạch đầu dòng, ngoại hình có hai gạch và đạo đức có năm gạch. Rồi đây có một lần bà vô tình đọc lại, bà ôm mặt hu hu khóc. Tôi thương mẹ tôi lắm. Tôi vào thư viện cả ngày, tất nhiên là học, thời gian còn lại thì thỉnh thoảng đọc báo và tiểu thuyết kiếm hiệp. Các quyển tiểu thuyết văn học lớn, các quyển khảo cứu chuyên môn hẹp tương đối khó thì tôi đọc ở nhà. Tủ sách của bố tôi có trên dưới tám nghìn cuốn. Nghe nói bố tôi mê sách từ hồi sinh viên, chục năm lại đây không thấy ông đọc, nhưng ông vẫn đều đặn mua và có đông đảo người biếu. Sinh nhật ông ngập đầy ngồn ngộn là quà tặng sách. Tất cả đều buộc nơ loại sợi sa tanh dai và chắc vì hầu hết phía trong có kẹp phong bì. Những quyển buộc hai hoặc ba nơ chỉ riêng mẹ tôi được phép giở. Và không hiểu sao những quyển có nhiều nơ đều là những kiệt tác văn học.
Tôi nhớ có lần bố mẹ tôi đều hơi choáng khi giở bộ Tam quốc diễn nghĩa. Từ sau trận đại chiến khốc liệt Xích Bích đến trước chiến dịch thê thảm Hào Đình là nhan nhản những tờ xanh một trăm đô Mỹ. Mẹ tôi ấp úng cười hoan hỉ như Tôn phu nhân được tin cầu hôn, còn bố tôi bối rối vụng về như Lưu Huyền Đức phiêu lưu sang Giang Đông lấy vợ. Thư viện hồi tôi vào là một toà nhà cổ kính sang trọng có nhiều mùi gây gây của thuốc chống ẩm hay chống mối mọt gì đó. Dọc ngang ken dầy những giá sách bằng gỗ lim trĩu nặng những quyển đại từ điển to khủng khiếp. Con bé học dưới tôi hai khoá thường xuyên bị thi lại rất thích ngồi cạnh những cái giá cũ có mùi tệ hại ấy, nó độc đáo đặt tên cho thư viện là nhà “chứa” sách. Rồi đây thư viện còn chứa thêm cả máy điều hoà cả cầu thang máy nhưng lúc ấy nó cũng đủ toát ra một vẻ oai và oách. Bọn sinh viên năm thứ ba lần đầu cầm thẻ run run nội trú hầu hết ngây ngất choáng. Bọn chúng đều nghĩ rằng trong thư viện đẫm đầy cô đặc ngập tràn trong sạch kiến thức. Bọn chúng ngây thơ sùng kính khi được mấy thằng ma cô trung niên trang bị đạo mạo học giả lân la đến làm quen. Tất cả các thiếu nữ mười chín tuổi đều đinh ninh chỉ ở chợ Đồng Xuân mới có ăn cắp.
Tôi vào thư viện thích ngồi lâu trong toa lét tầng ba. Thoáng mát và đặc biệt khung cửa sổ luôn vuông một mầu xanh mơ màng của những đám lang thang mây. Trên cánh cửa phoọc mi ca trắng lằng nhằng ghi đen nghịt những dòng chữ đủ các loại bút lộn xộn. “May quá ra rồi”. “Kẻ hèn này đã đến đã thấy và đã ị”. Một dòng nắn nót nổi bật mầu đỏ. “Cần tìm bạn đồng tính – Gay”. Rồi ai đó quỉ quái viết phía dưới. “Gay đây – liên hệ số điện thoại 0913387828”. Về sau tôi mới biết đấy là số máy của ông giám đốc thư viện. Ông này đầu hói, trước bữa ăn trưa hay lững thững đi dạo ngoài khuôn viên. Thỉnh thoảng tôi thấy ông rút mô bai ra, cáu kỉnh đút vào mặt đỏ bừng rồi lầm bầm văng tục. thư viện thâm nghiêm có nhiều phòng, phân chia thành từng khu nói chung là khá thoải mái và tiện lợi. Có phòng Đọc, phòng Báo, phòng xem micrôphim và đặc biệt có phòng nghiên cứu sách quý hiếm. Con bé mê tôi hay thi lại nên thâm niên thư viện dầy, rỉ tai nói với tôi là trong phòng nghiên cứu quý hiếm có đủ từng bộ Playboy hay Penhouse. Tôi tin, tôi đã ngó qua cửa kính mờ nhìn vào đó nhiều lần, chỉ thấy các giáo sư hoặc học giả răng lung lay thưa tóc phơ phơ bạc ngồi khảo cứu hào hứng hàng giờ. Phải có tuổi lắm mới đủ sức nhịn mà xem chay như vậy. Tôi ngồi trên phòng Đọc hay chọn bàn kê sát cửa sổ dễ nhìn xuống đường, còn ở dưới phòng Báo thì chọn một góc khuất sát ngay cửa kho cất tạp chí cũ. Ngồi ở đó thì có thể ngắm nghía kỹ tờ lá cải “Voici” có nhiều ảnh chụp trộm bọn người mẫu hoặc diễn viên nổi tiếng Tây đi tắm biển trần truồng hở ngực.
“Bạn làm ơn cho tôi mượn nhờ một cái bút” Đó là câu nói đầu tiên của nàng, nó dịu dàng mong manh bất trắc như một buổi sáng sớm mùa Thu. Tôi có thói quen là hay viết bút máy và thường thường có hai bút đều mang hiệu Parker. Tôi được tặng từ một ông chú hay một bà cô hoặc từ một gã ất ơ nào đó, tôi cóc cần biết bởi vì tôi là con của bố tôi. Bút giá rất đắt, nét chữ ra đậm rất đẹp và tôi giắt nó rất sâu trong túi áo sơ mi. Tôi ghét cay ghét đắng bất kể đứa nào cả già cả trẻ dám mở mồm ra mượn bút tôi. Đã thế đứa mượn lại còn hồn nhiên tự nhiên thô bỉ thô bạo thô lỗ tự rút cái bút ra khỏi túi áo ngực tôi. Tôi sẽ văng tục nếu là đang ở ngoài đường hoặc trong một quán ba. (Cái Bar tôi hay ngồi có đông đảo nhiều người biết tôi và có nhiều đứa muốn chơi với tôi. Tất cả bố bọn chúng nó thấp chức hơn bố tôi và đương nhiên tiền tiêu của chúng nó sẽ ít hơn của tôi). Nhưng đây là thư viện và tôi đang là sinh viên năm cuối đàng hoàng có thẻ đọc. Khá đông người lầm lẫn nịnh nọt hay gọi sinh viên là những trí thức trẻ. Bố tôi chân thành nói rằng, có rất nhiều loại hoặc nhiều bọn có thanh lịch, nhưng thanh lịch nhất thường là người trí thức. Tôi nuốt nhịn và gầm gừ lịch sự ngẩng lên. Thảo nào mà tự tin đến thế. Xinh này, mô bai Nokia 7280 này, đi giầy Gucci này, tay trắng muốt ơ hờ trễ nải cầm ví đầm Louis Vuitton. Tất cả tinh tế nồng nàn một mùi tiểu thư con nhà quan lớn.
“Cảm ơn” Thiếu nữ kiêu sa trịnh thượng đưa trả bút sau khi điền rất nhanh vào phiếu yêu cầu những ký hiệu của cuốn sách sẽ mượn. Đến đây tôi ngừng kể chuyện này vì mọi người thể nào cũng biết là chúng tôi rồi sẽ yêu nhau, một lãng mạn love story đang có khá nhiều trong học đường. Đến cái Thiên niên kỷ khỉ gió hiện giờ bây giờ thì chẳng có chuyện gì là mới là bất ngờ cả. Những bộ phim xem tới khúc giữa đã đoán được khúc đuôi. Những cuốn sách lê thê kẻ cả sáo mòn nhân văn nhân hậu nhân nghĩa có thêm lễ trí tín. Tất thẩy đều lặp lại cũ rích nhạt hoét. Nhưng chúng tôi yêu nhau. Chính ở những điểm quanh quẩn đó lại là cái tuyệt vời hay. Bi kịch thiêng liêng hoành tráng nhất của thời đại bây giờ sâu sắc và đau đớn là ở chỗ, khi người ta phải cố gắng đến tuyệt vọng để lặp lại những cái cũ rích một cách tưởng là nhạt hoét. Bố cô bé người yêu của tôi (rồi đây chúng sẽ rất vất vả để mà có nhau) là một quan chức trí thức hình như thanh lịch thì thật và đạo đức thì giả. Tôi biết điều đó là do kiến thức và trải nghiệm của riêng tôi chứ hoàn toàn không phải là do những thông tin từ cái phòng khốn khổ khốn nạn chứa báo cũ. Hôm đầu tiên dẫn tôi về chơi nhà, nàng làm ra vẻ vô tình giới thiệu tên bố của tôi. Cả hai bố mẹ nàng đang khinh khỉnh bỗng hấp tấp cung kính đứng lên, ánh mắt vụt đầy những hoang mang hãnh diện sợ sệt. Gia pháp nhà nàng rất nghiêm, phải đến lần thứ tư hay thứ ba gì đấy, bố mẹ nàng mới đi vắng cho phép chúng tôi ở một mình. Nàng ngồi trong lòng tôi, hai tay quấn quanh cổ tôi, cả hai đứa nhấp chung một cốc rượu giôn đen rót trộm, hút chung một điếu thuốc Marlboro nhả khói vào một hộp kẹo lớn có nắp đậy rất chặt bằng inox.
“Bao giờ thì em sẽ đến phòng riêng của anh” Tôi điên cuồng và trong trắng yêu nàng nên không nhớ đấy là tôi đã hỏi hay nàng đã hỏi. Tôi lâng lâng chỉ biết là sau ba tuần quen nàng thì ra trường kiểu gì tôi cũng phải lấy nàng. Tôi chưa bao giờ thất vọng, tôi hai mươi mốt tuổi tràn đầy tự tin. Tôi đẹp trai con nhà giầu. Tôi thi chính quy vào một trường đại học danh tiếng không phải chạy chọt. Sức khoẻ của tôi quật ngã Lý Đức, bố tôi lại là đại đại lớn. Tôi, một lô gô biểu tượng nhãn hiệu mẫu hình của hạnh phúc thế hệ A còng. Và tôi cứ gào như thế cho đến hết đời nếu không có cái tuần thứ tư, kể từ khi quen nàng, đầy nghiệt ngã kỳ dị định mệnh. Hôm đó tôi đang rất phấn chấn. Đêm qua tôi với nàng đi chơi muộn và chúng tôi đã hơn cả hôn nhau. Sáng nay thi kiểm tra o ran vấn đáp tôi mưu mẹo may mắn, bay bay qua. Tất nhiên tôi không đánh răng rồi cung kính ngơ ngác hỏi lại “hả, ạ” sát vào mũi thầy giáo ba mươi sáu tuổi sạch sẽ chưa vợ đang thầm yêu một con bé cũng rất sạch ở trong lớp tôi. Những cặn đục đọng lại sau một đêm có yêu có rượu làm thầy bịt mũi và đành cho tôi sáu trừ, bay bay qua môn.
Tôi khoan khoái vào chỗ cũ phòng Báo thư giãn đọc báo tử tế Văn Nghệ “già” ở mục vài người có tuổi và có chữ đang cãi nhau về câu dân dĩ thực vi tiên hay là dân dĩ thực vi Thiên. Chẳng quan trọng gì, với tôi bây giờ nàng là tất tất là giời. Mùa thi đã tàn và thư viện thanh thản thưa người. Chị thủ thư đã quen mặt nhờ tôi trông hộ phòng, tranh thủ đi chợ sớm để chiều còn kịp về làm Rằm. Tôi mênh mang đọc, bỗng nhiên cái cửa của phòng để báo và tạp chí cũ gió khẽ lay, he hé mở. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại lơ mơ nhìn thấy một tập loã lồ Playboy nằm chềnh ềnh ở một chồng báo sát sát góc. Ma đưa lối, tôi đứng dậy rón rén đi vào trong định rút trộm một quyển. Nhưng thật kỳ quái, khi tôi càng lại gần chồng báo đó, nó lại càng chạy ra xa. Tôi nhìn xuống chân, ngạc nhiên thấy những ô đá hoa lát nền hình như cũng đổi mầu, từ mầu hiền lành hồng nhạt sang mầu kỳ dị ghi xam xám. Bất giác tôi ngoái lại, cái cánh cửa kho đã trôi tít mờ mờ đằng xa giữa đám bồng bềnh như thể là mây trắng. Không gian xung quanh tôi rờn rợn im lặng tuyệt đối. Tôi hoảng sợ quay ra, hốt hoảng đụng mạnh vào một kệ xếp đầy báo, chúng toé tung văng khắp nền nhà. Tôi lúng túng cúi nhặt xếp gọn và tôi đã thấy. Trang nhất của một tờ báo rất nổi tiếng mà nhà tôi hàng ngày vẫn đặt có một ảnh to chụp bố tôi. Ông mệt mỏi đeo kính tóc xoã muối tiêu và hai bàn tay đang cho trong còng số tám. Khỏi phải kể tâm trạng tôi lúc ấy, tôi run run đưa tờ báo vào sát mắt mình. Vẫn cái măng sét sắc nét với kiểu mầu quen thuộc. Tôi giở những trang trong. Vẫn những ô những mục tôi đã từng ghét hoặc từng thích. Tin thể thao, kết quả những trận ở giải ngoại hạng Anh. Mục hỏi đáp thầm kín, vài lầm lẫn sơ đẳng của người mắc bệnh lậu. Trang thời sự quốc tế có đủ tin và ảnh vụ đánh bom liều chết bằng xe tải.
Tôi lật lại trang nhất. Bài viết về bố tôi giật một cái tít cực nóng “Con yêu râu xanh đã lộ nguyên hình là một quan chức tệ hại tham nhũng”. Tôi lầm nhầm đọc thành tiếng ngắc ngứ nửa bài. Tôi ngồi bệt xuống sàn đá hoa lạnh ngắt ngái nồng mùi thuốc chống mối, tức tưởi bật khóc. Vơi vơi cơn, tôi rút một tờ báo khác. Đó là một tờ chuyên thể thao, trang nhất đưa tin đội Hoàng Anh Gia Lai đã vô địch. Vô lý, giải V-league đang lưng chừng diễn ra vừa tháu cáy vừa gay cấn, tôi đang là một fan cuồng nhiệt. Cái đội chó chết mới lên hạng tại sao đã vô địch được. Trang cuối của tờ thể thao cũng một tin dài đưa về vụ bố tôi. Là tin thôi chứ không phải là bài, nhưng các chi tiết chính cũng đại loại giống ở tờ báo kia. Chợt như nhớ ra, tôi lật xem ngày. Ngày hôm nay là ngày tôi thi nên tôi nhớ cả ngày và tháng âm của lịch dưới. Thì ra là thế. Ngày trên tờ báo đúng ngày hôm nay nhưng tháng thì lệch đi, đó là tháng sắp tới. Nghi hoặc và rùng rợn, nhưng tôi cũng đủ bình tĩnh giấu sâu tờ báo có ảnh bố tôi vào trong bụng. Tôi lao ra phía cửa, tuy nó lung lay lập lờ lúc gần lúc xa nhưng không phải chạy mà không tới. Thời gian chạy miên man ang áng khoảng chục phút. Phòng đọc Báo quen thuộc đây rồi. Tôi run run ngồi xuống chỗ cũ. Trên bàn tôi vẫn dở dang bơ vơ mấy tờ Văn Nghệ “già” dân dĩ thực vi Thiên.
Vậy có phải là ảo giác của một cơn ác mộng, chắc hôm qua tôi đã nốc quá nhiều Whisky. Tôi sờ bụng, cồm cộm bên trong vẫn là tờ báo ma quái nọ. Chị thủ thư đi chợ về, tay xách lỉnh kỉnh những là măng miến bóng bì có cả một con gà vàng nhẫy đã làm sẵn. Chị gật đầu cảm ơn tôi và tôi mặt xanh cười nịnh nọt xã giao với chị. Tôi rút vở lấy bút loay hoay giả vờ ghi chép, rồi ngấm ngầm kéo tờ báo trong bụng ra. Tôi khe khẽ giở, vẫn cái măng sét ấy nhưng ảnh trang nhất đã đổi. Đấy là cái mặt phèn phẹt nhiều thịt của nàng hoa hậu vừa đăng quang đêm qua. Tôi nhìn ngày phát hành, là thứ năm ngày hôm nay của tháng bây giờ. Thế là thế quái nào nhỉ. Tôi chầm chậm nhìn lại vào chỗ cánh cửa kho đang he hé mở. Phía trong là hiền lành những kệ nặng xếp ngăn nắp từng chồng báo ố vàng mông mốc cũ. Bức tường phía sau sơn mầu ghi rất thật hăng hăng một mùi lãng đãng ma thuật. Tôi hoang mang đứng dậy bải hoải đi bộ về nhà. Bố tôi trưa nay có về ăn cơm. Tôi chào bố tôi mồm nhạt thếch. Tôi chợt nhận ra rằng, từ xưa đến nay sâu xa bố con tôi không hề hiểu nhau. Tất nhiên, tôi là con trai thì hợp mẹ nhưng tôi cũng đã tưởng rằng tôi cũng yêu cũng quý và tôn trọng bố của tôi. Bố tôi chưa bao giờ đánh tôi, tôi thở dài, còn nàng thì đã vài lần bị papa bất ngờ cho ăn đòn. Nàng nói là đã bị nhớ rất lâu về những cái tát ấy. Nàng vừa nghịch dái tai tôi vừa kể. Trẻ con bị ăn roi là chuyện bình thường, có đứa nhớ có đứa không nhớ, nhưng nó sẽ rất khó quên nếu nó bị ăn tát. “Bốp”. Đột ngột đến khó tả. Đòn tát luôn thú tính và man rợ hơn đòn roi.
“Em ghét bố em lắm à” “Cũng chẳng hẳn. Có thể trước đây em bị cô đơn khi không có anh”. Nàng mằn mặn hôn mắt tôi. Tôi vẫn bị bài báo quái quỉ nọ ám ảnh. Suốt suốt mấy ngày này người tôi lồng bồng. Tôi phải cố giấu không cho những người thân được biết. Chợt nhiên, tôi thấy xót xa thương cho chúng tôi. “Còn anh, anh có bao giờ sẽ tát em không” “ Người khôn mà hỏi ngu thế. Nhưng nếu nhỡ có vậy” “ Thì em sẽ nhớ anh, thì em sẽ ghét anh”
Nàng cuồng nhiệt hôn tôi và chúng tôi rũ rượi nằm cạnh nhau chẳng thiết mặc quần áo. Rồi nàng thiêm thiếp ngủ vẻ tui tủi cô đơn trong trắng. Trước đây, tôi chưa cô đơn chưa bao giờ tủi thân, chưa ai dám đánh tôi và tôi đã vô cớ làm nhục nhiều người. Tôi trầm ngâm hút thuốc, tàn đỏ lửa cháy bỏng rát những ngón tay. Tôi là con một, bố mẹ tôi không cấm nhưng tôi chưa quen hút. Trần nhà phòng tôi cao vút và hình như cũng giống nàng, tôi mênh mông cô đơn. Tôi lưỡng lự đã mấy lần suýt định nói với nàng về chuyện của bố nàng. Sau cái lần đầy bất ngờ ở cái phòng báo ấy, tôi đã rình rập chờ cơ hội quay vào cái kho để tạp chí cũ. Tôi hối lộ chị thủ thư bằng vài hộp kẹo chocolate rồi lân la xin phép chị vào tìm báo cũ ở kho. Tôi nói là tôi đang muốn viết một phần mềm giúp đỡ việc khai thác những dữ liệu thể thao trên báo chí giai đoạn 30- 45. Chị tốt tính, tốt bụng và hình như cũng có cảm tình với tôi, chị gật đầu.
Lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư tôi dần dạn dĩ hơn khi bước vào cái kho ma quái. Sau cái kệ lim thứ sáu đếm từ ngoài vào là một khoảng bồng bềnh Không – Thời gian bất khả giải thích. Những cái kệ báo trong cái khoảng bồng bềnh ấy (và cũng chỉ trong cái khoảng ấy thôi) đều là những báo sẽ phát hành đúng ngày đó của một tháng tới. Có một điều lạ là các tin về thiên tai đều rất mờ không thể đọc nổi. Những tin liên quan đến đời sống xã hội mà do tác động từ con người, đại loại là nhân tai, tất thẩy đều sáng trưng rõ ràng. Đương nhiên cũng nhiều tin vui, nhưng thú thật tôi không thấy bất ngờ. Một đập thuỷ điện đưa vào hoạt động trước thời hạn dự định. Hoặc, đội tuyển Wusu quốc gia đoạt huy chương vàng thế giới. Có thể ở lúc ấy tôi đang vô vàn bi quan. Tôi ghét tất cả những ai cho dù đạo mạo mặt trắng hoặc khẳng khái có râu, nếu họ đã nhiều tuổi. Người lớn à nhố nhăng người lớn ơi. Cho đến trước một tuần bố tôi bị bắt thì tôi đã biết chắc chắn bố nàng cũng sẽ bị bắt, chênh nhau mười chín ngày vì tháng đấy là tháng Hai nhuận. Tội danh có phần ghê tởm hơn. Ông thứ trưởng đã tham ô một cục tiền của cơ quan góp vào quỹ xoá đói giảm nghèo để đi mua trinh một con bé mười ba tuổi bần hàn khốn khổ. Cũng như bố tôi, đứng trước toà, bố của nàng đã nức nở bật khóc.
Tôi sẽ không bao giờ đứng về phe nước mắt, hôm tôi đọc xong cái tin ấy không hiểu sao tôi mếu máo cười. Ba ngày sau khi bố tôi bị bắt, ông ta cấm cửa con gái không cho chúng tôi yêu nhau. Ông ta nhầm. Thời nào thì cũng có Juliet. Nàng đã dòng qua ban công phòng nàng một sợi dây kết bằng quần lót với quai ví đầm Louis Vuitton để cho tôi trèo lên. Mẹ nàng đứng cạnh chồng bắt quả tang khi nàng đang trầy xước kéo tôi, đã chì chiết bảo tôi là con một thằng tù và gia đình nhà nó đã sạch bách kiết xác. Hồi bố nàng bị bắt, tài sản không bị thu, mẹ nàng đem bán rẻ cái biệt thự đổi lấy đô la vì bà coi phải ở chỗ đấy là một sự nhục nhã. Và bà rửa nhục bằng cách tục huyền với một gã tổng giám đốc cùng bộ của chồng cũ, cả hai chuyên đi xây nhà tình nghĩa cho vùng sâu vùng xa bằng xe công giá ba tỷ. Rồi gã này cũng bị bắt nốt, bà nghẹn ngào tuyên bố trước báo chí là bà đã nông nổi xúc động yêu và tin gã tổng giám đốc khi gã rưng rưng trích lời Mạnh Tử, trong nước nghèo mà người nào giầu sang thì đó là quân vô đạo. Để có thêm Đạo, bà tuyệt tình từ hai đứa chúng tôi. Mẹ vợ tôi cũng đã nhầm, nếu muốn giầu thì tôi giầu rất dễ. Tôi đã biết trước vô số kết quả lô đề của giới cờ bạc, vô số những kết quả cá độ ở giải bóng đá ngoại hạng Anh.
Tôi thì thào kể cái bí mật ấy cho nàng và hỏi. “Em có tin không” Nàng dịu dàng hôn tôi. “Em yêu anh” Tôi cũng yêu em và tôi cóc cần báo có đưa hay không đưa cái tin là nửa năm nữa ra trường hai đứa chúng tôi sẽ cưới nhau. Tôi có vào kho báo cũ đó một lần cuối, đương nhiên là có em lẻn theo cùng. Duy nhất lần ấy, tôi đã đọc được số báo của mười năm và hai mươi năm sau. Trong số báo của mười năm tới, trang nhất có ảnh tôi đứng cạnh nàng, dưới chân chúng tôi là ba đứa nhóc hai trai một gái. Tên bài đặt rõ ràng nghiêm chỉnh. Người Việt
viết phần mềm xuất sắc nhất châu á. Còn ở tờ hai mươi năm, giấy cũ kỹ mờ ảo bài vở những trang trong hầu hết không đọc được. Trang ngoài cùng nhoè nhoè một tấm ảnh với cái tít ngộ nghĩnh. Người đoạt giải Nobel nhiều con nhất trong lịch sử. Tôi cố nhìn kỹ. Khuôn mặt người đàn ông đúng là của tôi nhưng có thêm râu quai nón. Khó chịu nhất là nếp gấp báo làm hằn chỗ sống mũi, trông nó tự nhiên cao cao, hao hao giống mũi người Âu. Bài đi kèm, xem tiếp trang 3, nhoè đến mức chỉ có thể đánh vần. Cái họ Nguyễn đặc trưng Việt của tôi phảng phất vài nét hơi mờ mờ, nhưng đệm và tên thì chịu. Tôi phân vân, hai họ nội ngoại nhà tôi đàn ông chưa bao giờ có râu quai nón và tất thẩy đều có mũi to và tẹt. Tôi quay sang nhìn nàng, người yêu của tôi hớn hở khẳng định đấy là tôi, còn cái bà trong ảnh cổ đeo ngọc trai sang trọng quý phái đấy chính là nàng. Tôi dịu dàng gật đầu a dua, trong bụng tôi biết chắc là được đứng ở chỗ đó, thì chỉ duy nhất là vợ vua Thuỵ Điển. 10/01/2005 N.V.H (196/06-05) |