Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh- Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh
16:13 | 12/03/2009
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGBút kýAnh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh...
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh- Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh

Tôi đánh bạn với anh Đặng Nhật Minh từ sau Hiệp định Paris, đến nay kể đã gần 30 năm. Trong cuộc đời tan hợp vô thường này, được gìn giữ một tình bạn trong bằng ấy thời gian, âu cũng là một điều vạn hạnh của đời người. Hồi năm 1980, tôi đang trú tại nhà sáng tác của Hội Nhà văn ở Quảng Bá, thì anh Đặng Nhật Minh mang cho tôi một tấm danh thiếp của nhà thơ Cù Huy Cận, kêu gọi sự cộng tác với xưởng phim truyện trong việc viết lời bình cho phim Nguyễn Trãi do anh Đặng Nhật Minh làm đạo diễn. Những ngày ấy, suốt ngày tôi cặm cụi một mình. Anh Đặng Nhật Minh là người Hà Nội gốc Huế duy nhất ghé vào chơi với tôi ở Quảng Bá, với những thước phim tài liệu vừa quay được về Nguyễn Trãi. Tôi thực sự làm quen với điện ảnh Việt từ ngày ấy; tất cả qua anh Đặng Nhật Minh. Thành thật thú nhận rằng đấy là một người bạn luôn luôn mang đến cho tâm hồn tôi sự dễ chịu, cùng với niềm kính trọng trong công việc. Tiếp theo đó, theo lời mời của anh Đặng Nhật Minh, tôi theo đoàn làm phim "Thị xã trong tầm tay" lên Lạng Sơn, phim do anh Đặng Nhật Minh viết kịch bản và đạo diễn. Thị xã Lạng Sơn vắng hoe sau chiến tranh biên giới, và tôi với anh Minh có những giờ ngồi trò chuyện bên nhau trong những quán cóc còn sót lại bên đường. Tôi ăn ở với đoàn làm phim trong một nhà trường đang đóng cửa ở Lạng Sơn, ở đó, vào mỗi sáng tinh sương đầy tiếng chim rừng, người cán bộ phụ trách âm thanh của xưởng phim lại dùng một con sào có buộc chiếc máy ghi âm ở đầu ngọn tìm đến, gióng cây sào lên trên những ngọn cây lớn trong vườn để thu tiếng chim hót làm của dự trữ cho xưởng phim. Đây là cuốn phim truyện đầu tay của anh Đặng Nhật Minh và suốt đời, anh chỉ làm những cuốn phim do chính anh viết kịch bản và làm đạo diễn.

Ngay từ đầu, Đặng Nhật Minh đã tỏ ra là một nhà đạo diễn quyết liệt trong ý đồ nghệ thuật của mình. Tôi cho rằng đó là sự biểu hiện của bản lĩnh, và của lòng tự tin nghề nghiệp, tuy hơi có vẻ cứng rắn nhưng lại rất cần thiết ở nghề điện ảnh của Đặng Nhật Minh, ở đó những ý kiến sáng tạo luôn dễ bị thay đổi bởi những yếu tố khó khăn bên ngoài. Ví dụ, trong kịch bản Nguyễn Trãi ban đầu của Đặng Nhật Minh, có hình ảnh của một con ngựa ở ải Chi Lăng. Thấy anh cứ đi ra đi vào, băn khoăn mãi không dứt, tôi bèn hỏi và được anh cho biết, một cuộc họp đoàn làm phim đề nghị phải sửa chữa kịch bản đem một con bò thay cho con ngựa, vì ở ải Chi Lăng bấy giờ, bên "đạo cụ" đi lùng sục mãi mới tìm thấy một con ngựa, và chủ nhà nhất định không cho thuê nếu để đoàn làm phim giết chết con ngựa vốn dùng để chuyên chở. Nhưng Đặng Nhật Minh không chịu để cho thay thế ngựa bằng bò, làm như thế thì kịch bản "chống Minh" chẳng còn ý nghĩa gì. Thay vì một con ngựa chết, tác giả chịu sửa đổi thành một con ngựa bị thương. Xem lại phim, tôi thấy Đặng Nhật Minh đã có lý, vì nếu chỗ ấy lại là một con bò thì không biết cuốn phim "Nguyễn Trãi" sẽ ra thế nào... Sau cuốn phim tài liệu nghệ thuật Nguyễn Trãi, Đặng Nhật Minh chuyển hẳn qua nghề đạo diễn, và bắt tay vào làm cuốn phim truyện đầu tiên "Thị xã trong tầm tay". Hình ảnh quán xuyến của bộ phim nhựa này là một thành phố biên giới đổ nát làm bối cảnh cho một chuyện tình chung thuỷ và nỗi đợi chờ lặng lẽ. Tôi đọc thấy ở đây ý đồ xuyên suốt của đạo diễn là, một hạnh phúc tạo nên bởi sự hàn gắn thay vì là lòng hận thù, chính là hạnh phúc tìm thấy một tâm hồn Việt Nam, băng qua những đổ vỡ. Đúng như hình tượng mở đầu trong bộ phim "Nguyễn Trãi": Bằng thủ pháp điện ảnh, Đặng Nhật Minh đã tạo nên một chiếc lọ cổ lớn bằng những mảnh gốm vỡ tan mà lịch sử khắc nghiệt đã gây nên.

Tiếp đến là phim "Bao giờ cho đến tháng mười" nói về số phận của một cô giáo có chồng ra mặt trận trong chiến tranh chống Mỹ. Tôi nghĩ rằng "chinh phụ" chính là một hình tượng điển hình số một của dân tộc Việt Nam, trên một đất nước chìm đắm triền miên trong chiến tranh, từ lập quốc đến nay. Sẽ không ngoa nếu bảo rằng "Bao giờ cho đến tháng mười" là một tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của thế kỷ 20, không phải chỉ riêng của dân tộc Việt Nam, mà của cả nhân loại. Nó đem về cho tác giả nhiều lời khen tặng của điện ảnh năm châu, và được mời chiếu khai mạc trung tâm văn hoá Pompidou ở Paris , với sự có mặt của tổng thống Pháp Frăngxoa Mítxtơrăng. Tiếp theo là phim "Cô gái trên sông", lời tuyên án của tác giả bảo vệ những số phận "bị đời vui hất hủi" và có lẽ cũng là một mảnh tâm huyết của Đặng Nhật Minh dành cho thành phố chôn rau cắt rốn. Phim "Thương nhớ đồng quê" là vấn đề đạo lý đặt ra trước lương tâm người Việt Nam, trước một vùng nông thôn đã chịu quá nhiều hy sinh trong chiến tranh, Ở đây, phẩm chất của người nông dân Việt Nam được tác giả khắc hoạ rất chân thực và rất trân trọng, phẩm chất mà họ đã đánh đổi bằng giá của máu. Tiếp đến là cuốn phim lịch sử "Hà Nội mùa đông năm 1946" trong đó tác giả cố gắng phản ánh vai trò lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đối diện với những nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Mặc dù lúc bộ phim mới ra đời, những kẻ có ý đồ xấu cố tình tung ra một dư luận không mấy thiện chí về phía tác giả, song tôi vẫn tin rằng một lần nữa, "Hà Nội mùa đông năm 1946" thể hiện cách xử lý vấn đề rất thông minh của tác giả Đặng Nhật Minh, bởi không ai có thể thuật lại bấy nhiêu sự kiện lịch sử trọng đại tóm gọn trong bấy nhiêu thời gian (một suất chiếu phim).

Cuối cùng, là phim "Mùa ổi" nhắc nhở cho biết rằng có những vật ngỡ là bình thường nhưng người ta vẫn phải bảo vệ như một di sản. Thông qua chuỗi phim truyện liệt kê trên đây, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã bền bỉ đi hết con đường gian lao của nghệ thuật, để khắc hoạ những vấn đề đặc trưng trong từng thời điểm của lịch sử hiện đại. Nói rõ hơn, phải đợi hết trận mạc, nhà điện ảnh mới có điều kiện quay lại một vấn đề vẫn canh cánh bên lòng; ấy là số phận của người phụ nữ Việt trên một đất nước đánh giặc. "Thị xã trong tầm tay" không ngờ lại là một lời cảnh cáo đánh thức sự cảnh giác cho mọi người "Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!". "Cô gái trên sông" lại nhắc nhở những người của một thời đừng quên lời thề. "Thương nhớ đồng quê" giải thích nỗi lòng khôn nguôi đối với một mảnh đất đã từng lặn lội. "Hà Nội mùa đông năm 1946" nhắc người ta nhớ lại những tháng ngày đầu mối của các sự kiện lịch sử. Và mới đây "Mùa ổi", như một lời căn dặn đặt trước lương tâm của mỗi con người.

Cuốn phim sau bao giờ cũng mang ý nghĩa tiếp nối của cuốn phim trước, trong chuỗi xích của các sự kiện lịch sử. Có thể nói rằng suốt một đời đánh bạn với máy quay phim, Đặng Nhật Minh đã chăm chú tổng kết lịch sử. Anh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh.

Mỗi cuốn phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện không chỉ là một món hàng giải trí thuần tuý, mà là một lời tuyên ngôn của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Tôi tâm lĩnh ý hướng nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh: sự trung thành không mỏi đối với sứ mệnh "lập ngôn" của người nghệ sĩ trước thời đại của mình.

                Huế, 10/10/2002
                     H.P.N.T
(168/02-03)

Các bài mới
Chỗ khác nhau (04/05/2009)
Các bài đã đăng
Ấn tượng Seoul (11/03/2009)