Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Cồn cát
09:43 | 28/04/2009
ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.
Cồn cát

Giải phóng Huế được mấy ngày, tôi bước sang tuổi 24. Tạm xem là một gã con trai mặt mũi sach sẽ, sáng sủa. Chưa một lần yêu. Lứa tuổi chúng tôi, chẳng có thời gian và điều kiện làm cái công việc trọng đại ấy. Tôi vất những trang vở cuối cùng sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cấp III, năm ngày sau tôi đã có mặt trong đội lính đi chiến trường. Nối tiếp những trận đánh nhau mà một ý niệm duy nhất cần hiểu: chiến tuyến phía bên kia là địch, là những trận đánh ác liệt, là đói khát và cái chết. Đã có vô số bạn bè cùng vào chiến trường với tôi ngày ấy, đã không trở về... Chính vì vậy, tôi đã ngỡ ngàng lần đầu đứng trên dốc cầu Trường Tiền nhìn muôn vàn tà áo trắng của đám nữ sinh văn khoa, khoa học, sư phạm của đại học Huế như một đàn cò phấp phới bay trên những chiếc xe đạp mi-ni lạ mắt. Cô nào cũng đẹp, cũng xinh, môi son, má phớt hồng. Các cô đi quét dọn trường sở, đường phố, làm trật tự viên...

Cho đến bữa tôi được gặp nàng trên chuyến xe đò thưa khách đi Phong Điền. Nàng mặc chiếc áo dài màu mỡ gà, quần trắng, đội nón Huế mỏng tang. Mãi tới khi chiếc xe vượt qua cầu Hiền Sĩ tôi mới bắt chuyện được với nàng. Tiếng được tiếng mất khuất lấp trong tiếng máy xe nổ giòn và cặp mắt tò mò của những người ngồi quanh. Tôi chỉ hiểu một cách mơ hồ: Nàng đã đi dạy học được hai năm, tại một trường tiểu học ở Phong Điền. Nàng nhận được tin thông báo trên loa truyền thanh “công chức các sở, giáo viên, giáo sư... phải đi trình diện tại công sở của mình”, “đương sự sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Đại loại những kiểu thông báo na ná giống những thông báo cho các sĩ quan, binh lính ngụy quyền Sài Gòn phải ra nộp súng, đầu thú trình diện ngay tại chỗ... Nàng càng sợ.

Lúc chiếc xe dừng lại ở dãy phố thị trấn Phong Điền vắng ngoe vắng ngoét, bóng áo bộ đội giải phóng nhiều hơn bóng áo dân, tôi chỉ nhận được ở nàng cái chụp nón lên đầu, nguẩy mông và bước xuống cửa xe đã mở sẵn với một câu chào xã giao rồi không một lần ngoái đầu nhìn lại. Hình như tôi cũng vội đi tìm Thu, một người lính cũ cùng đơn vị. Loanh quanh một hồi trong huyện đội, té ra thằng nhỏ trước cùng đơn vị với tôi đã được huyện điều về làm bí thư xã Phong Lai. Tôi ăn vội chén cơm trong nhà ăn tập thể huyện đội, rồi ra bến xe định quay về Huế.

Mới có xế trưa. Nắng tháng tư đổ lửa xuống những mái nhà tôn, con đường trải nhựa láng bóng như gương. Vài cái xe ca, xe đasu, xe lam chở khách. Mấy gã lái xe ngái ngủ hoặc ngồi lai rai trong quán nhậu uống la-de. Mùi mực nướng thơm nồng chỉ càng làm cho tôi thêm háo nước. Một cái xe đang chờ khách đi Huế chỉ có đôi ba người, chính lúc ấy tôi nhìn thấy lưng áo màu vàng mỡ gà của nàng ngồi khuất sau một gốc cây bàng. Và cái ánh mắt hơi sáng lên rạng rỡ của nàng khi nhận người bạn đồng hành trên chuyến xe buổi sáng, khiến tôi quên đi vẻ khiếm nhã của nàng lúc chia tay, tôi nở một nụ cười nửa như ngạc nhiên, nửa như có ý hỏi: Sao cô còn ở đây? Nhưng trong tiềm thức sâu thẳm của tôi đã thích những từ “dạ”, “thưa vâng” cái chất giọng ngọt ngào tưởng như có thể cắn ăn được.

- Sao chị chưa đi về trường?
- Tội em quá anh ơi! Không có xe đi Cao Ban- Sơn Tùng. Mấy người ở đây biểu với em cây cầu bị sập. Chừ em không biết tính răng? Không tới “trình diện” đúng thời gian, sợ cách mạng phạt. Muốn đi lại không có xe...
- Chẳng lẽ không còn một phương tiện nào khác ư? Tôi e ngại dùm cho nàng.
- Chỉ còn cách đi bộ, đạp đường tắt qua làng, qua cồn cát Triều Dương...
- Chị có thể đi bộ mười hai cây số? Tôi tròn mắt ngạc nhiên và nhìn nàng.
- Giá như có người quen ở làng cùng về, em sẽ đi. Nhưng chờ mãi, em chưa gặp một ai.
- Nếu chị muốn, tôi sẽ cùng chị đi Cao Ban- Sơn Tùng. Tôi cũng có chút việc ở đấy... Tôi... đi tìm một người bạn!

Nhiều năm sau, tôi không thể nào giải thích được cái giây phút đưa ra quyết định đường đột vào lúc ấy. Tôi sẽ cùng nàng cuốc bộ hơn ba giờ đồng hồ giữa trưa hè nắng chang chang, băng qua những triền đồi cát chỉ mọc toàn thanh hao, dứa dại, xương rồng bàn chải. Và chỉ có hai người. Một đàn ông, một người đàn bà mới quen nhau trong chuyến xe đò tình cờ.

Suốt cả tiếng đồng hồ, lúc tôi chủ động gợi chuyện nàng, lúc tôi cố nghĩ ra những câu chuyện về thủ đô Hà Nội, về Hồ Gươm, chuyện các cô gái thanh niên xung phong trên những con đường Trường Sơn ác liệt. Về tuổi thơ đi học của tôi trong tiếng máy bay phản lực gào rú, bom nổ ở cái thị xã nhỏ nhoi bên sông Trà Lý. Còn nàng trả lời tôi từng câu một về chuyện đi dạy học trò, lương tháng giáo viên. Giải thích cho tôi cặn kẽ thế nào là giáo sư đệ nhị cấp, đệ nhất cấp. Tú tài một, tú tài hai, ban A, B, C, D. Có lúc tôi triết giảng về Mác, nàng bình phẩm Hê-Ghen, Giăng Pôn-sác...

Chỉ có điều trong suốt quãng đường bốn cây số đầu tiên ấy, đội hình hành quân theo hàng một. Nghĩa là tôi đi trước, nàng theo sau. Đến một chặng khá dài, tôi dừng lại chờ, nàng vọt lên đi trước, tôi bám gót. Vâng, những đoạn bám đuôi ấy, tôi sung sướng thỏa thuê ngắm nàng. Một thân hình mảnh dẻ, da trắng gương mặt hồng lên vì nắng. Chiếc áo dài màu mỡ gà dán vào người. Ở khoảng giữa hai vai tôi thấy màu vàng hơi sẫm lại vì mồ hôi ra ướt lưng áo. Đôi tay nàng thon nhỏ, có những ngón búp măng. Sang đến giờ đi bộ thứ hai nàng có vẻ đuối mệt. Chốc chốc nàng lại tụt lại phía sau. Có thể tôi là một người vô ý, nhiều lúc cứ lãng quên giữ theo nhịp bước của một người quen đi trong rừng, bỏ rơi nàng cả đoạn dài. Thêm một chút tự ái của kẻ trai biết người bạn đồng hành giữ ý trong lúc trò chuyện với mình. Thậm chí tôi còn có ý nghĩ rất cực đoan: nàng chỉ muốn tôi làm cây gậy chống để băng qua cái trảng cát nóng khủng khiếp dài mười hai cây số. Đường vắng không một bóng người. Tôi có một cây súng ngắn làm bùa hộ mệnh cho nàng. Hoặc giả nàng nghĩ, tôi là một anh lính trẻ dại gái. Nhưng thực lòng lúc ấy tôi thương nàng. Có thể là tình thương của người anh đối với một cô em gái phải vượt qua một chặng đường chông gai, cần được nâng đỡ. Cũng có thể đó là cái chất lửa tình yêu lóe cháy khi tôi bắt gặp trong ánh mắt nàng mà trái tim tôi vội vàng ngộ nhận? Và cũng có khi còn là cái ý nghĩ mơ hồ của một anh lính giải phóng muốn chứng tỏ sự cao thượng trước phái yếu, lại là một cô giáo xinh đẹp ở vùng mới giải phóng! Tôi không nỡ để nàng đi một mình giữa một vùng đất mới qua các cuộc tranh chấp chưa tới nửa tháng trời, đám lính ngụy, ác ôn vẫn còn lẩn quất, chưa ra đầu thú nộp súng. Còn chính tôi luôn tự cãi chày cãi cối cho hành động có vẻ phi lý rằng: nàng cần được giúp đỡ. Tôi có dịp trở lại đi qua cánh rừng phi lao ở bãi cát Triều Dương nhìn nơi giấu quân trong đêm đầu tiên đại đội bộ binh của tôi lọt về đồng bằng Phong Quảng để đánh vào chợ Sịa, Phú Lương. Tôi đi thăm lại những chiến sĩ của tôi đã chết, hiện đang chôn cất tại đó. Mỗi bước đạp lên cát bỏng, tôi lại có hàng tỉ lý do để biện minh cho mình. Bởi giờ là lúc nàng không còn sức để tiếp chuyện tôi nữa, vì mệt. Nàng bám theo tôi lẵng nhẵng như một cái đuôi, tay cầm guốc, đi chân trần trên cát bỏng.

Đến một lúc, tôi phải tự động viên mình bằng cách chọn những bụi tre, cây cao làm đích để đánh đu với sức lực, sự mệt mỏi để cố bươn tới.

Thực tình tôi cũng không hiểu nàng đang nghĩ gì về tôi. Dù nàng có nghĩ gì về tôi chăng nữa cũng thây kệ. Tôi cũng mệt mỏi sau quãng đường dài. Chân căng tức trong đôi dày vải. Chỉ còn nguồn động viên duy nhất mỗi lần nàng đến gần, tôi chờ, lại bắt gặp một nụ cười hé nở và một giọng nói làm cho nao lòng: “Răng, anh mệt lắm hỉ? Sắp tới rồi nghen?”. Bữa mô anh vô Huế, ráng ghé nhà em chơi...”

Gắng mãi, hai kẻ lữ hành trên vùng cát bỏng cũng đến được bãi cát Triều Dương. Tôi dặn nàng ngồi chờ tranh thủ nghỉ lấy sức để tôi đi kiếm nước uống. Tôi khát cháy cổ, mệt rã rời nhưng vẫn còn gắng sức chạy bộ quanh một vòng hồ nước sang phía bên kia tìm bụi chuối non còn sót lại sau những ngày địch tràn vào triệt phá Triều Dương. Sau khi uống no một bụng nước lạnh, có mùi tanh nồng và chặt được hai cây chuối non, tôi chạy trở lại chỗ nàng ngồi, đưa cho nàng, rồi tôi tất tả tìm tới cánh rừng dương cách đấy không xa, ngay cạnh đầm nước. Tôi rút trong chiếc ba lô luôn đeo trên lưng một nắm nhang mua được ở bến xe, thắp nhang và cắm vào những ngôi mộ đất. Mười tám ngôi cả thảy. Họ là những người lính của K4, K10 đã hy sinh trong ngày chống càn, quân ngụy đánh vào bãi cát Triều Dương, đánh vào Cao Ban, Sơn Tùng... Tôi như vẫn hình dung ra gương mặt của cậu Nhiếp y tá đại đội có chiếc răng vàng, cậu Công liên lạc và những người lính của tiểu đội cối... Bất giác, tôi hét lên:

- Mới có mười lăm ngày mà chúng mày đã thành người thiên cổ. Thành phố Huế, Đà Nẵng và cả Sài Gòn đã giải phóng rồi... Tụi bay có biết không?

Giữa lúc tôi đang dàn dụa nước mắt, tôi cảm giác như có bàn tay ai đặt lên vai mình. Tôi quay phắt lại. Và nhìn thấy gương mặt nàng.

- Anh... Em thiệt có lỗi với anh... Đây là những ngôi mộ của đồng đội anh phải không? Nàng nói và ngồi xuống bên tôi.
- Phải... Mộ của bạn bè tôi! Giọng tôi căng cứng.
- Rứa mà em cứ tưởng... Nàng nói mà không dám nhìn vào tôi.
- Tưởng chi? Tưởng tôi lừa chị hử...
- Anh đừng trách em... Em đã có chồng... Chồng em là lính ngụy nên gặp anh em sợ... Em biết anh là người tốt.

Tôi tránh ánh mắt của nàng bằng cách ngồi xoay lưng ra mặt hồ nước. Không gian yên tĩnh quá. Hoang vắng. Hơi nóng đến ngạt thở. Ở một vạt lau lách phía bên kia hồ nước bỗng vang lên tiếng chim bìm bịp kêu rời rạc từng tiếng một.

Tôi không nhìn thấy mặt nàng nhưng cảm thấy rất rõ sự bối rối của nàng. Tôi đứng bật dậy, hệt như mỗi lần chỉ huy đại đội hành quân sau khi hết giờ giải lao mười phút:

- Xuất phát!

Suốt cả quãng đường còn lại hơn bốn cây số chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Tôi đi trước, cách nàng chừng mười mét. Có vẻ nàng đã bước mau hơn. Đi được một lúc khá lâu, tôi đã nhìn thấy những ngọn cây, mái nhà ở Cao Ban. Thấp thoáng bóng người phía xa. Thỉnh thoảng bật lên một tiếng súng con, đâu đó khó định hướng.

Khi còn cách bờ tre đầu làng chừng vài trăm thước, dừng lại bên cây cầu gỗ, tôi nói:

- Giờ sắp tới làng rồi...
- Rứa anh không vào làng đi thăm người quen ư?
- Tôi chẳng có bạn nào ở đây cả.. (điều này thì tôi nói dối, nhưng lại là sự thật với nàng). Tôi đưa chị về tới đây an toàn. Chị có thể an tâm trình diện. Giờ tôi phải về thị trấn để kịp chuyến xe. Thôi chào chị!
Tôi không kịp để cho nàng nói một lời dã quay gót.

Đi được chừng vài chục mét, tôi nghe có tiếng người chạy lào xào trên cát, và tiếng gọi với:

- Chú bộ đội.. Chú.. Bữa mô chú vô Huế nhớ hỏi nhà..

Đêm hôm ấy, tôi đã phải trả giá cho cuộc hành quân đi bộ suốt sáu giờ đồng hồ băng qua trảng cát đồi tranh bằng một cơn sốt nóng kinh người. Cậu y tá ở trạm trực dúi vào tay tôi liều thuốc Nivaquin. Tôi đã lẳng lặng quăng nó vào gầm phản, đắp chăn buông màn ngây ngất trong một cơn nhức đầu như búa bổ. Chập chờn mộng mị, tôi chỉ thấy mình khát nước. Tôi còn nghe thấy cả tiếng con bìm bịp kêu buồn bã trên hồ nước, những ngọn cây dương xác xơ bị pháo chém ngả nghiêng đang ứ nhựa..

Nhiều năm sau, nhớ về nàng, tôi thỉnh thoảng vẫn âm thầm tự hỏi: nàng còn dạy ở cái trường tiểu học heo hút ấy, hay đã bỏ nghề? Hoặc giả nàng cùng chồng vượt biển Thuận An trốn sang Hồng Kông, Phi Luật Tân.. Vào những năm khốn khó nhất của đất nước, sắn độn cơm, nhai hạt bo bo, đi xếp hàng mua năm lạng thịt tiêu chuẩn từ lúc gà gáy canh hai. Hay nàng đang ngồi ở một sạp hàng ở chợ Đông Ba, Tây Lộc đọc những tờ báo rẻ tiền hay những cuốn truyện tình? Tất cả đều có thể xảy ra! Hệt như cái quyết định của tôi trong một giây để đưa nàng trở lại với ngôi trường năm nào..

Bẵng đi dễ có tới hơn mười năm. Khi ấy tôi đang làm việc ở một tờ báo tỉnh K. Một buổi sáng, sau cữ cà phê ở quán Cây Sữa tôi nhận được một cú điện thoại. Đầu giây phía bên kia là giọng nói của một người phụ nữ. “Chào anh.. Anh chẳng nhớ ra em đâu. Anh là ân nhân của em ngày còn ở Huế. Em rất muốn được gặp anh, nếu anh thấy tiện..” Ân nhân nào đây? Tôi tự hỏi mình. Cô gái đã được tôi cứu thoát trong ngôi nhà cháy ở Phú Lương B, hay người đàn bà có sáu đứa con, chồng đi lính ngụy chết trận ở A Lưới? Tôi đã bảo cậu quản lý của đại đội cho chị ta cả bao gạo.. Chịu, tôi không sao nhớ nổi.

Đúng chín giờ, tôi có mặt ở quán cà phê ngoài biển, trước cửa khách sạn Hải Yến. Quán đông người nhưng tôi cũng nhận ra chiếc áo váy màu mỡ gà của người khách lạ. Người ấy đang hướng mặt về phía tôi, có ý tìm kiếm chờ đợi. Sau vài giây tôi ngờ ngợ và nhận ra người đàn bà ấy chính là nàng. Vẫn nụ cười kín đáo với hàm răng trắng lóa.. ”Nhờ đọc báo, nghe đài nên em tìm ra anh”. Nàng bảo. “Còn em sau bao năm trôi dạt đi những đâu, bây giờ mới xuất hiện?” Tôi hỏi. “Em vẫn là cô giáo, đi dạy học. Chỉ có điều em đã xa làng Triều Dương lâu rồi. Chừ em sống ở Tây Nguyên”. Trò chuyện một lúc, tôi hiểu rằng nàng đã chia tay người chồng cũ. Vào những năm sau giải phóng, anh chồng ép nàng đưa con đi vượt biên qua Mỹ, nhưng nàng không chịu. Nàng cũng không thể ở lại vùng nông thôn Quảng Điền còn nhiều thành kiến. Đã có lúc nàng định xin nghỉ dạy, về Huế mở tiệm ăn, khi một mình phải nuôi ba đứa con dại và mẹ già. Và nàng đã lên với vùng cao nguyên đất đỏ vừa đi dạy học vừa khai hoang ruộng rẫy tỉa bắp, trồng cà phê.. “Anh có biết không, một trong những lý do khiến em không theo chồng qua Mỹ, chính là chuyến theo anh vượt qua cồn cát về Triều Dương. Kỷ niệm ấy thật khó quên.. Được gặp lại anh, dù chỉ một lần, rứa là em mãn nguyện rồi..”

Và rồi nàng lại tan biến đi hệt như một cơn mưa bóng mây. Đã một đôi lần, tôi lên cao nguyên. Sau những ngày mưa ở đâu cũng ngút ngát, điệp trùng cái màu xanh của những rừng cao su, cà phê, hồ tiêu. Nàng như lọt thỏm, tan biến giữa cái màu xanh ấy.. Và tôi vẫn chưa có dịp gặp lại nàng. Tên nàng là Công Tằng Tôn Nữ Huyền Trang, nhà ở xế cổng Đông Ba.

Đ.K.C
(168/02-03)

Các bài mới
Chỗ khác nhau (04/05/2009)
Các bài đã đăng
Ấn tượng Seoul (11/03/2009)