Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Đọc thơ gặp người
09:53 | 04/05/2009
NGUYỄN QUANG HÀNgồi đọc NGÀN NĂM SAU mà như đang ngồi nói chuyện tay đôi với Nguyễn Trọng Bính. Giọng thơ anh cũng cứ chân chất, yêu quê hương và say đời như chính con người anh. Từ thời chiến tranh, chúng tôi đã ở trong rừng với nhau. Cứ ngồi với nhau là bộc bạch hết. Một lá thư riêng, một rung động mới, chúng tôi cũng chia sẻ với nhau.

Vậy mà bây giờ đụng tới câu thơ này thì tôi bỗng giật mình:
"Một quả sim hồng hai đứa tím chung môi"
                                    (Hà Tĩnh tự giới thiệu)

Trong ca dao Việt Nam có câu: "Có trầu mà chẳng có cau, làm sao cho đỏ môi nhau thì làm". Bây giờ một quả sim chỉ bằng đầu ngón tay mà hai đứa cũng tím môi thì lạ thật. Họ chia nhau, hay môi tím này chuyền sang môi tím kia sau một cái hôn? Đã đành không phải cái hôn lướt qua. Lướt qua không đủ sức in dấu như vậy. Mừng là Nguyễn Trọng Bính đang còn sức để đằm thắm. Đó là tình yêu. Còn tình bạn, Bính vẫn cứ nặng lòng, cái độ nghiêng của lòng anh vẫn dốc về phía bạn:
"Thơ mày viết về hạt thóc
Mà đau cả chốn thị thành"
                       
(Đọc thơ bạn)
"Em vẫn đi thăm lúa
Với thơ anh dùng dằng"
                       
(Vẫn đi thăm lúa)

Ngày chia tay với Bính ở Thừa Thiên, anh quyết dứt cả vợ con để đi. Dù nhà cửa, việc làm của Ty (Vợ anh) đã yên ổn. "Vợ ở mô thủ đô ở đó". Đã có lúc quan điểm quê hương của chúng tôi là vậy, nhất là đối với lính. Bây giờ đọc thơ anh:

Năm thế kỷ đi qua tôi vẫn thấy
Gươm thù khua loảng xoảng trước hiên này
Năm thế kỷ mai sau tôi vẫn thấy
Cây đàn trời ai đó đã lên dây"
                       
(Thiên Cầm)

Thì ra sức hút anh là quê hương. Không đau đáu với đất đai không thể nghe tiếng gươm Hồ Quý Ly ngày nào. Không hòa tan hồn mình vào đất đai không thể rung động một cách ngây ngất với cây đàn trời đã lên dây như vậy. Hai chữ "Thiên Cầm" đủ sức lay động những âm hưởng trong lòng Bính. Không yêu quê hương, không thể có những câu thơ mặn lòng như muối vậy.

Hai câu thơ tôi thích nhất trong chùm thơ tự do của anh là hai câu thơ này:
''Có vực xoáy nào sâu hơn lúm đồng tiền của em.
Anh bị cuốn suốt đời trong vực ấy".

Đọc hai câu ấy, tôi thốt lên: "Bị cuốn vào đó là xứng đáng lắm Bính ạ". Tôi không tán cho Bính đâu. Những ngày chúng tôi sống với nhau, hai đứa thường đọc 4 câu này của Pê - tô - phi, giống như một tuyên ngôn của tuổi trẻ vậy: "Sống vì tình yêu và rượu ngon. Chết hy sinh cho Tổ quốc. Nếu ai được thế này. Đó là người hạnh phúc". Cái vực xoáy mà Bính quăng mình vào chẳng là rượu ngon và tình yêu đó sao?

Những bài thơ hay của Bính trong NGÀN NĂM SAU là những bài lục bát. Nói một cách khác: Thành công trong tập thơ này là chùm thơ lục bát của Nguyễn Trọng Bính. Có lẽ cũng bởi đó là những bài thơ tình.

Anh đã sống hết lòng:
"Phía anh gầm réo sục sôi
Trái tim sạt lở đắp bồi phía em"
                       
(Đôi bờ)

Để có được sự hóa thân không tiếc mình như thế, Bính đã sống thật say. Đọc thơ anh mà tôi vẫn cảm thấy cái phút ngây ngất trong Bính, và sự ngây ngất ấy thành thơ:
"Bờ môi tìm kiếm bờ môi
Tóc người sóng đánh vào tôi bập bềnh"
                       
(Không đề)

Đây là một câu thơ tình hay. Nó đúng là thơ thật. Làm người ai chẳng thèm khát tuổi trẻ của mình có được những phút bập bềnh như thế này. Người đọc có cảm giác hai người đang tắm biển với nhau trên bãi Thiên Cầm. Không nói một lời nhưng là tất cả. Có nhà bình luận nói rằng: khi lỡ để tình yêu rời khỏi tay mới cảm thấy thật rõ ràng thế nào là hạnh phúc. Nguyễn Trọng Bính cũng có lúc rất đau. Đau đến chảy nước mắt: ''Em lăn tim anh xuống vực. Xin đừng khóc nhé mai sau". Dù câu thơ vẫn rất bình tĩnh, song có lẽ đó là "Cái cười của kẻ hỏng thi". Chắc thế, đến khi đón nhận thì Bính như xoè rộng hai cánh tay mình.

Những câu thơ bình yên nhất là những câu thơ Bính viết về vợ mình.
Bài "Hoa hậu của tôi" và "Trong bão" là hai giai đoạn, là hai tính chất, được nối với nhau bằng sợi dây thời gian. Mà thời gian đồng nghĩa với thử thách.
Giai đoạn một, thời gian đã đủ để người lính Nguyễn Trọng Bính cảm nhận hết về sự thủy chung của người vợ mình. Cặp hai câu lục bát giống như một cặp câu đối vậy.

Vế một: "Em là hoa hậu của tôi
Tôi ra mặt trận bao người lãng quên"
Vế hai: "Riêng em gìn giữ vẹn nguyên
Hóa thân Mẹ Mốc kém duyên một thời".

Tôi cũng là một người lính nên rất thông cảm với người lính Nguyễn Trọng Bính qua những nỗi thảng thốt đó. Không thảng thốt sao được, vì trên đời này, khi còn loài người, thì còn đó những tên Sở Khanh. Sở Khanh nhan nhản. Nguyễn Trọng Bính đã rất tỉnh táo để lấy ngay Sở Khanh làm một thử thách, để tự khẳng định tình yêu của mình, khẳng định lòng thủy chung. Anh viết:
"Gặp ai đều giả Sở Khanh
Em bông sen chẳng hôi tanh mùi bùn".

Có thể gọi Sở Khanh là một cửa Vũ Môn của tình yêu. Không, không ít Sở Khanh đã làm tan tác hạnh phúc gia đình người lính. Nhưng hoa hậu của Bính là một thắng lợi, một chiến công trong người đời lính của anh. Vì vậy, khi "Trong bão" Nguyễn Trọng Bính đã thảnh thơi lo toan dù trong tâm thức, ta vẫn thấy anh vững vàng:

"Đêm nay mưa bão liên miên
Ngôi nhà ta có vững vàng hay không?"
Và tự tin biết bao:
"Trong anh mưa bão tơi bời
Gửi về em một khoảng trời bình yên".
                       
(Trong bão)

Thơ Nguyễn Trọng Bính là tâm tình và cả là trải nghiệm. Nó trong trẻo đằm thắm như hồn anh, như đời anh. Trải nghiệm rồi, nên anh mến yêu cuộc đời này, anh yêu tin nó. Và trái tim anh nhìn cuộc đời, như nhìn qua một thấu kính trong vắt. Bởi chính vậy, ta thấy anh cười, một nụ cười của tin yêu:

"Nghìn năm sau vẫn còn tôi
Đắm say giữa triệu triệu người mến thương"
                       
(Ngàn năm sau)

Câu lục bát kết thúc một tập thơ, nó cứ âm vang, âm vang như một câu hát bay thướt tha cùng gió giữa đời

N.Q.H

(168/02-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chỗ khác nhau (04/05/2009)
Cồn cát (28/04/2009)