Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Thơ Phan Huyền Thư - nằm nghiêng về cách tân
09:53 | 05/05/2009
NGUYỄN THỤY KHA Đã là lạ tên một tác phẩm khí nhạc mang tực đề "Eo lưng" của nữ nhạc sĩ Kim Ngọc. Lại thu thú khi đọc tập thơ "Nằm nghiêng" của nữ thi sĩ Phan Huyền Thư. Một thế kỷ giải phóng của Việt Nam thật đáng kính ngạc.Cái cách giải phóng mình, phái yếu trong đó có mình của Phan Huyền Thư là sự độ lượng với cũ kỹ, là mỉa mai sự nửa vời, là quyết liệt lặng lẽ vươn tới cách tân theo một thế của “Nằm nghiêng”.
Thơ Phan Huyền Thư - nằm nghiêng về cách tân

"Nằm nghiêng" được kiến trúc bằng một té tượng: "Giấc mơ của lưỡi", "Nhớ Bão", "Thất vọng tạm thời" và "Lãng mạn giải lao". Có vẻ Càn - Khôn - Ly - Khảm quanh âm - dương đường Thái cực đồng dạng chữ S của hệ La - Tinh. Cách tuyên ngôn cách tân bằng chính tác phẩm của mình quả là đàng hoàng hơn cách truyên ngôn khác của Thư đôi người đã có ý kiến trở lại. Với "Nằm nghiêng", Thư đã chủ động làm chữ chứ không để chữ làm. Mà đã chủ động thì phải tỉnh, dù cảm xúc đã xô đẩy mình tới chỗ mấp mé say. "Có lúc - chữ nghĩa - tôi cũng nhai rát trong miệng - cùng với nước miếng - rịt vào vết thương người làm tôi đau". Thư khước từ gieo vần để đẩy thơ hôm nay cách xa ca mà đã có một thời dài ta từng lầm lẫn, ca đã từng "đánh lận con đen" là thơ, và có lúc đã ngự trị, trừng trị thơ. Ở "Nằm nghiêng" Thư đã khắc hoạ họ "Vẽ chân dung chữ - những nhà thơ ảnh viện - váy áo phấn son vô hồn". Từ lựa chọn ấy, Thư đã dùng cách Thơ của mình chiêm nghiệm sự biến động của xã hội hôm nay. "Tôi đi trên đường phố đầy bụi, thành phố của tôi", "Di mộng", “Tự nguyện" là những nỗi niềm của Thư với đất nước, với người xa Việt xa xứ, với tình yêu. "Di mộng" thật nghẹn ngào: "Đồng bào của tôi - tha hương chữ S - dị bào đầu tư - tình kiến thiệt quê. Ba hồn bảy vía- đồng bào dị mộng - ở đâu thì về… Có lẽ vậy nên ở ba phần thơ đầu, cái "ba hồn bảy vía" đều bám vào cả bảy bài thơ của từng phần.

"Nhớ bão" là phần thơ mọng cảm xúc với những thi ảnh đẹp như "Trăng non trong nỗi thượng tuần", "Con dế thất tình vấp phải giọt sương" "Những con ve tâm thần cào xước mạt trưa", 'Gió liếm vào gáy đậm một mùi cỏ thơm" "Côn trùng rên Nhưng cảm xúc thì lại nhói đau bởi "Ngoại ô" bây giờ "có vẻ không thành thật hơn". Nhưng cảm xúc thì buồn:
Cơn bão cũ mùa đi không tan
Mùi hoàng lan và vết chuồn cắn lá
Rãnh nước cạn rúc rích khe cửa
Mảnh ván hoài niêm ướt gỉ đinh

Đọc "Nằm nghiêng" thấy Thư đã học được cách làm chữ của Trần Dần, Lê Đạt, cách làm thi ảnh của Hoàng cầm. Và làm theo cách mình ở thời "thơ anh lang thang internet". "Nằm nghiêng" rất đàn bà ở phần "thất vọng tạm thời". Có cảm giác ân ái khi đọc "Em thèm miết ngón tay - không vị mặn - của anh". Nhưng cũng đầy thất vọng khi thấy ân ái cũ rích và tầm phào:
Điệp khúc "Sáng mùa đông
Thoa kem vào chân gác lên bậu cửa
Thoa kem vào chân gác lên bồn rửa
Vào trong ra ngoài trơn tru"
Vào trong ra ngoài êm ru"

Lại thấy thương cảm những "Thị Màu đời mới" với những ý nghĩ, những hành động tình cảm nửa vời, toan tính: "Yêu không được đánh mất mình - chỉ ăn cắp người ta...". Ôi! làm gì lấy lại một thời "dâng hiến" một thời "Tự nguyện trao nhau những miếng thật ngon".
"Van nài" là một lời ân ái dược nói bằng tay:
Cũ và thừa
tay em
lúc quấn quýt thành giường
lúc mỏi mòn ngậm miệng
anh biết không
em vẫn chia tay

"Lãng mạn giải lao" là phần thơ mang một nhân tình thế thái mà ở đó những người tử tế thấy mình độc hành trong nỗi cô đơn của ý nghĩ. "Giao thừa - thừa tôi - nằm vạ tháng giêng". Thư đã lộ diện buồn, không giấu mình nữa. Thư đã bộc bạch: "Viết - buồn thành mưa... Viết - buồn thành gió... Viết - nỗi buồn của tôi thành tình yêu của anh... Viết - nỗi sống buồn của tôi..." Rồi  những "đóng cứng nỗi buồn", "buồn tập tễnh", "buồn rất trong". Vân! Nỗi buồn nào mà chẳng rất buồn, mà chẳng rất trong. Tại sao đời cứ phải vui mà không có quyền buồn. Thật tẻ nhạt và dị dạng.

Ở phần này, bài "Nằm nghiêng" dường như là một âm hình chủ đạo của giai điệu và nhịp điệu toàn bộ tập thơ. Thư đã thoát được lối tạo nhịp cũ. Những câu thơ như đối chọi nhịp ở những khổ đầu:
Nằm nghiêng ở trần thương kiếp nàng Bân
ngón tay rỉ máu. Nằm nghiêng

Rồi sau đó nhịp nhanh dần lên:
Nằm nghiêng lạnh
hơi lạnh cũ. Ngoài đường khô tiếng ngáy
Nằm nghiêng. Mùa đông
Nằm nghiêng trên thảm gió mùa. Nằm nghiêng.

Và bất ngờ hiện ra là một đất nước Việt Nam nằm nghiêng trên biển Đông đang ở trước một thách thức hoà nhập hay hoà tan:
Nằm nghiêng
xứ sở bốn mùa nhiệt đới, tự nhiên nhói đau
Sau lần áo lót có đậm mút dầy
Và quả quyết "ta về ta tắm ao ta".
Nằm nghiêng
Về đây

"Nằm nghiêng" về cách tân, Thư không phải không có lúc mỏi bởi đó là cách nằm nghiêng phía tay trái, phía quả tim chìm xuống. Tôi không thú những chữ "chết" trong thơ Thư. "Chết"mà không "chết". "Chết" mà chưa "chết". Đừng nghĩ "ngôn ngữ đang chết trên cánh đồng - gieo vần". Nó chỉ mãi "ngoắc ngoải" mà thôi. "Nụ cười tắt" có khi linh diệu hơn "nụ cười chết". (Giấc mơ của lưỡi). Chữ "chết" ở bài "Giấc mơ" cũng trong trình trạng ấy. Thay vì chữ "Chết" bằng chữ "qua đời" thì chữ "Giết" sau đó được đẩy lên cao hơn. "Giấc mơ" thì cần gì rõ quá. Cứ mù mờ là được.

Có những câu thơ để đạt độ an toàn cao, Thư đã "tỉnh" quá, dã không cho "say" lấn vào hồn thành ra hơi cố ý như:
Chị lao công người Hà Nội gốc
lặng lẽ quét đường
Hơi cầu kỳ như :
- Giấc em thành địa cỏ
bóng anh đè tim lệch tiết điệu mùa
- Hè bất đắc kỳ tử khi đang truy phong

"Lập Duy" có vẻ "làm chữ' nhưng do cảm xúc mạnh nên trở thành bài thơ long lanh tình mẫu tử :
Rút khỏi đầu tấm voan ảm đạm
Vắt nỗi buồn mẹ lên cành trăng non
Lập Duy
vỗ cánh...

Tôi tin ở lời hứa của Thư trên hành trình cách tân còn vô định phía trước:
Mẹ sẽ tập đi bằng ánh sáng Lập Duy
trong bóng tối câm lặng cuả lời
"Nằm nghiêng" chắc chắn sẽ mang đến cho thơ Việt Nam đầu thế kỷ mới nhiều tranh luận. Nhưng chính những tranh luận ấy là sự khẳng định gương mặt thơ trẻ  Phan Huyền Thư với cách tân cố đoạn tuyệt sự cũ kỹ. "Nằm nghiêng" từ "Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ".

N.T.K
(168/02-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chỗ khác nhau (04/05/2009)
Cồn cát (28/04/2009)