Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Vi Thuỳ Linh - một thế giới không thể ngừng
11:00 | 06/05/2009
Tại sao cô chỉ làm thơ tự do?- Trước hết, bởi tôi thích tự do. Tự do ở đây, được hiểu là: nói, làm, dám mơ ước và tham vọng tất cả những gì mình muốn, không bị tác động và chi phối bởi ai, bởi bất cứ điều gì.
Vi Thuỳ Linh - một thế giới không thể ngừng
Nhà thơ Vi Thùy Linh

Nếu đi sâu vào đặc điểm thể loại, thì tôi chuộng thơ tự do, vì tôi thấy mình ở đó và khi viết nó, nó là tôi. Các câu thơ giống như hơi thở: hơi thở dài buồn bã, hơi thở yếu lúc đau ốm; hơi thở nồng nàn lúc mơ ngủ; hơi thở gấp của cuộc chạy, của sự hồi hộp; của giao linh... cũng khác nhau. Thơ tự do cho phép tôi bộc lộ cảm xúc một cách nguyên bản nhất; khác với các thể thơ khác, bị quy phạm bởi số âm tiết trong một dòng, bắt vần giữa các câu và số câu trong một bài...Nhiều khi để đảm bảo đúng niêm luật, người viết phải tập trung “nghĩ bằng được” âm tiết dưới trùng với âm tiết trên (có lúc “ép vần” một cách gượng gạo và giả dối) thay vì tập trung sáng tạo ngôn ngữ và hình tượng.

Điều gì thúc đẩy cô viết?
- Tâm hồn và cơ thể tôi.
Một thúc bách bức bối và cuồng nộ làm tôi không kìm giữ được mình. Những dòng nhiệt lưu trong cơ thể cuốn tôi trong vũ bão hiện thực và giấc mơ hoang đường. Tôi viết bằng sự xung động ấy, ngay lập tức, nhưng chỉ khi không “đừng” được (tôi không ép mình bao giờ). Còn để tác phẩm ấy không đơn thuần là “nhật ký”, mà là tác phẩm nghệ thuật, thì sau “cơn bùng nổ” ấy, lắng xuống một chút, tôi "vuốt” lại câu chữ và hình ảnh. Tất nhiên, bởi nghệ thuật là sáng tạo, tôi không thích sự cũ kỹ và dễ dãi.

Cô có thể mô tả ngắn gọn cuộc sống của mình?
- Tôi không rõ ý ông muốn hỏi cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại hay chỉ hiện tại? Nếu chỉ hỏi hiện tại, thì đó là một cuộc sống thiếu bình yên và che chở. Tôi tự lực làm tất cả, kể cả việc an ủi và che chở cho mình bằng tấm thân gầy mảnh và tâm hồn quá nhạy cảm. Nhưng ngay cả khi suy sụp nhất, tôi cũng chưa bao giờ cho phép mình sống yếu hèn, nhượng bộ và từ bỏ khát vọng.

Cô thích sự nổi tiếng?
- Nếu nghệ sĩ nào nói rằng: “Tôi xem thường sự nổi tiếng”, đó là nói dối. Và tôi luôn nói thật. Nhưng động lực khi tôi cầm bút sáng tác, thì không phải là sự nổi tiếng, mà là đam mê. Tôi chìm đắm và bứt phá thi ca bằng tưởng tượng, để thoả mãn chính tôi và tôi tin, thơ của tôi có đời sống, vì nó sinh ra từ đời sống đầy bất trắc và mơ mộng mà nhiều người có thể chia sẻ và tìm thấy mình ở đó. Và đương nhiên, khi những con người yếu đuối và mạnh mẽ cần sự chia sẻ, tức là tôi và tác phẩm của tôi được biết đến nhiều. người ta gọi đó là sự nổi tiếng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu cô không viết và cô không phải là người nổi tiếng?
- Nếu tôi không viết, tôi không phải là tôi. Viết, đó là một định mệnh.
Nếu dấn thân vào nghệ thuật mà những sáng tạo và người sáng tạo vô danh, thì đó là sự bất tài. Mà khi bất tài thì không nên theo đuổi nghệ thuật. Đi bán cá, có khi lại có ích hơn.

Người ta bảo cô “gấu”, cô thấy thế nào?
- Nếu được là gấu ngủ ngon lành yên ổn suốt mùa đông, thì quá tuyệt. Nhưng tôi rất sợ lạnh và sợ mùa đông, tôi lại khó ngủ và ít ngủ, vì phải đọc sách và phải làm việc hàng đêm.
Còn “gấu tướng” ư, không, tôi là người quả quyết và mạnh mẽ, thậm chí liều lĩnh. Ông không cảm nhận được “đàn bà tính” trong tôi quá nhiều sao? Tôi nghĩ người ta có thể cảm thấy tôi như thế, qua thi ca. Tác phẩm là một phản ánh trung thực.

Cô đã làm thơ, viết báo, cô có ý định viết văn không?
- Không phải là ý định, mà là “đã”. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi chỉ tập trung cho thơ ca, vì tôi không muốn cùng một lúc, trước mặt là bốn tờ giấy để tuỳ hứng: lúc làm thơ, khi viết truyện, lúc viết tiểu thuyết, khi viết báo, thậm chí cả viết tiểu luận và tuỳ bút! Tôi sẽ thử sức mình ở tất cả các thể loại trên, nhưng có sự phân bố thời gian. Tôi đang nạp vốn sống để 25 tuổi có thể viết tiểu thuyết. Tôi sẽ đi thẳng tới tiểu thuyết mà “bỏ qua” truyện ngắn, có thể xong tiểu thuyết, tôi sẽ quay lại truyện ngắn và thơ. Tất nhiên, mỗi người, có sở trường của riêng mình. Người ta bảo, văn hào khó làm thơ hay. Nhưng tôi thấy thơ V.Hugo và thơ Lưu Quang Vũ rất hay và mới. Tôi muốn mình đạt được điều đó như họ, ở nhiều lãnh vực. Tôi liên tục nỗ lực.

Người ta bảo rằng văn chương cứu rỗi cái đẹp. Tôi thì cho rằng văn chương chẳng cứu rỗi cái gì, ngoài chính nó. Cô đồng ý không?
- Không.
Văn chương đích thực cứu rỗi nhân loại, bởi nó thức tỉnh và hướng tới con người, trong đó, đáng nói nhất, nó cứu rỗi và tôn vinh cái đẹp. Trước đó, nó cứu rỗi chính nó và nhà văn.

Người ta cũng bảo, thời gian sẽ xoá nhoà tất cả. Cô có cho rằng có một cái gì đấy vĩnh cửu?
- Tình yêu.
Khi tôi yêu một người đàn ông vĩ đại thực sự, tôi thấy yêu biết bao cuộc sống này và từng giây sống của tôi, bừng lên khao khát sống đẹp, sống lâu để yêu và viết. Nhưng ai cũng phải chết. Và tôi vẫn mong rằng khi con người sinh học của tôi chết đi, tác phẩm của tôi vẫn sống. Tác phẩm ấy, chính là tôi, với tình yêu. Sự sống bao bọc tình yêu với nghệ thuật và người đàn ông vĩ đại của mình. Đó là tình yêu vĩnh cửu.

Trong thơ cô, người ta có thể thấy những khát vọng. Cô đã hạnh phúc?
- Vâng, tôi đang yêu. Vì tình yêu.

Có lẽ ít ai còn trẻ mà nhiều “dư luận” như cô. Cô định nghĩa thế nào là “dư luận”?
- “Dư luận” là những lời nói thừa.
Ở Việt Nam, thiếu trầm trọng các nhà phê bình ở tất cả các loại hình nghệ thuật. Sự phát triển chậm về kinh tế và văn hoá dẫn đến việc tiếp nhận nghệ thuật chậm với cái mới, độc đáo. Người ta chỉ quen với những cái đang quen và dị ứng với những cái khác lạ. Và vẫn còn một số đông xem phim, kịch... qua báo; nghe nhạc qua tai... người khác; đọc sách qua lời đàm tiếu và đánh giá một người nào đó qua lời đồn. “Dư luận’ nảy sinh từ một “hiện trường” như thế, không đáng nửa xu! Tôi sống và viết vì đời sống giá trị thật sự, chứ không vì “đời sống dư luận” kiểu đó.

Dường như ở nơi cô, không có khái niệm về sự im lặng?

- Đúng, tôi nói cả trong lúc ngủ. Thậm chí, sau khi chết.
Tôi không thích sự im lặng theo nghĩa "im lặng” mà người ta vẫn hiểu. “Sự im lặng vua chúa" thì khác. Nó là kiêu hãnh, là đỉnh cao của âm thanh. Tôi thích sự im lặng đầy mãnh liệt. Và tôi nói trong lúc ngủ, cả sau khi chết, tiếng nói ấy không phải là âm thanh cơ học phát ra từ sự chuyển động của khẩu hình, mà là tiếng nói của năng lực, tâm hồn và cốt cách, tiếng nói của tác phẩm.

Có người coi cái điện thoại là một sợi “dây xích”. Nhưng với cô thì dường như cái phương tiện thông tin hiện đại này vẫn chưa đủ để người ta trói nhau?
- Ông muốn nói đến tình yêu? Bản chất của tình yêu đích thực, theo tôi là sự “thuộc về”, “chiếm hữu và độc hữu”. Một tình yêu như thế làm cho thế giới trở nên không ngừng và vĩ đại. Thế giới nảy nở và bất trắc, cũng vì những ý muốn chiếm hữu ấy. Tôi thích thế, nếu sự chiếm hữu ấy là của tình yêu lứa đôi.

NGUYỄN VỊNH
(168/02-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chỗ khác nhau (04/05/2009)