Tạp chí Sông Hương - Số 197 (tháng 7)
Chuyện ở hầm ngày ấy
17:08 | 18/03/2009
NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)


V
ừa chân ướt chân ráo về đến xã Vĩnh lúc nửa đêm, tôi nằm chưa chợp mắt, thì pháo hạng nặng từ hạm đội ngoài khơi tới tấp dội vào rung trời chuyển đất. Dứt loạt pháo, đội trưởng du kích Lợi tuôn ra khỏi hầm gọi giật vào: "Trời sáng rồi đồng chí ơi! Chắc hôm nay địch càn vùng này thôi!". Tôi hoảng lên, quơ vội ba lô và chiếc thắt lưng lao ra. Một cảnh tượng ngổn ngang của cây cối đổ ngã đang còn khét lẹt mùi khói đạn đập vào mắt làm tôi rùng mình. Tranh thủ giữa hai loạt pháo, Lợi đem tôi chạy như bay qua mấy đám ruộng vừa gặt xong vụ tám. Đến một cồn cát dốc lài lài, Lợi bảo tôi chạy trước, còn mình đi sau để xóa dấu vết.

Cồn cát dài và rộng ra đến tận bãi biển, lưa thưa mấy hàng cây phi lao, còn toàn là xương rồng và bốm gai nhọn lúp xúp. Sau đợt pháo cấp tập kéo dài, giờ đây tất cả trở lại yên tĩnh đến lạnh lùng. Chỉ có tiếng ì ầm của sóng biển vọng vào và tiếng vi vút của hàng phi lao vật vờ trong gió sớm nghe rờn rợn như đang báo hiệu một ngày bão tố dữ dội sẽ ập tới bất cứ lúc nào.
Chạy quanh co một lúc, Lợi dừng lại, đưa tôi cầm hộ cây súng các - bin, rồi quỳ xuống dùng tay bới bới lôi lên cả cái nắp hầm đầy cát chảy ròng ròng xung quanh. Lợi giục tôi "xuống mau", xong, cửa hầm sập xuống. Lợi vội vã lao đi.

Căn hầm tối om om, bốc mùi ẩm ướt hăng hắc đến nghẹt thở. Loạt đạn pháo thứ hai lại ầm ầm trên đầu làm cho căn hầm giật lên rùng rùng như đánh võng. Ngồi một lúc, tôi bắt đầu thấy xót xáy và chẳng yên tâm chút nào. Hầm đâu mà hẹp lại ở ngay chính giữa đường đi. Chắc cũng thuộc loại "hầm làng" ai ở cũng được đây. Hoặc cực chẳng đã mới đưa tôi xuống như thế này. Nhưng nghĩ lại tôi thấy dù sao vẫn hơn là chạy nổi trên đất để thí mạng cho bom rơi đạn lạc lúc này. Bây giờ tôi mới đâm ra cảnh giác. Nhìn bộ dạng đội trưởng du kích Lợi mới quen từ lúc nửa đêm tôi thấy lo lo. Người trông rắn rỏi, điển trai mà sao mặt cứ lạnh như tiền. Khi đọc xong giấy giới thiệu của trên, Lợi chẳng nói chẳng rằng, đưa ngay tôi vào ngủ hầm tránh pháo, sau đó xách súng đi đâu đến gần sáng mới về.

Giờ đây tôi như cá trong nò. Ngồi dưới hầm tối, chỏng tai nghe tiếng đại bác, rồi trực thăng quần lui quần tới xoành xoạch cùng tiếng đạn rốc - két, trọng liên nổ chát chúa trên đầu, tôi co mình lại, tưởng tượng ra bao tình huống xấu nhất có thể xảy đến. Bỗng có tiếng chân chạy thình thịch rung đất với một giọng nói hấp tấp: "Lợi đây Lợi đây". Tôi vừa nhận ra giọng của Lợi thì cửa hầm đã bật lên: "Đồng chí cho thêm một người nữa". Một bóng người tay cầm túi xách vội tụt xuống. Cửa hầm lập tức đậy lại ngay. Tôi hết sức thắc mắc. Hầm chật mà nhét hai người ư! Trong khi tôi chưa rõ người vừa xuống là ai thì đã nghe giọng của cô gái nói trong tiếng thở dốc: "Anh là anh Thống phải không? Tội nghiệp, mới về chưa kịp nghỉ một chút lại phải chịu cực rồi!". Tôi ngạc nhiên. Song đoán cô gái cũng là du kích. "Cô ở trung đội của anh Lợi à?". "Em là y tá, em ruột anh Lợi". Cô gái còn thủ thỉ: "Căn hầm này anh Lợi tự đào lấy để ở một mình và chỉ có hai anh em biết thôi!". Nghe cô gái nói tự nhiên tôi thấy vợi bớt lo lắng phần nào.

Sau đợt trực thăng vũ trang bắn phá ác liệt là tiếng rầm rầm như cối xay lúa của máy bay phản lực và trực thăng vận. Cả không gian như rạn vỡ ra từng mảng bởi tiếng gầm ré kinh hãi của động cơ phản lực nhằm uy hiếp đối phương và hỗ trợ cho tốp đổ quân xuống vùng này. Cô gái đoán ngay trực thăng đang đáp xuống cánh đồng tôi và Lợi vừa chạy qua để tới đây. Qua lỗ thông hơi lọt xuống một thứ ánh sáng mờ đục, tôi cố quan sát xem khuôn mặt và biểu hiện của cô gái ra sao trong tình thế này. Nhưng đành chịu. Căn hầm vẫn tối như bưng.

Lúc này mọi động thái diễn ra trên mặt đất, sau một giờ ồn ào náo động, bỗng chốc yên lặng đến lạnh người. Tôi thấm mệt và lả đi, cho đến khi cô gái lay vào vai: "Ngồi dậy! Tụi nó đi xăm hầm kìa!". Lắng tai. Đúng là có nhiều tiếng chân giày bước xột xạo trên cát cùng với tiếng cọc sắt cắm xuống phầm phập nghe mỗi lúc một gần. Chốc chốc tiếng súng tiểu liên bắn chúi xuống đất đinh tai nhức óc. Sau mỗi loạt súng là tiếng la hét, đe nẹt nhằm khủng bố tinh thần của bọn lính. Rồi tiếng gọi chiêu hồi phát ra từ chiếc loa tay nghe éo éo. Tôi toát mồ hôi. Tim như muốn nhảy ra ngoài. Còn cô gái ngồi điềm nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hình như đoán được gan ruột tôi lúc này, cô gái trấn an bằng cách ghé tai tôi thì thầm: "... Anh biết không, bọn địa phương quân và lính Hắc Báo làm ra vẻ hùng hổ thế vì tuân lệnh thượng cấp, chứ ở vùng này đã xảy ra mấy vụ xăm phải hầm, lập tức lựu đạn bật nắp tung lên mù mịt, cùng với AK mặt đối mặt sát ván một mất một còn, khiến chúng cũng từng khiếp vía kinh hồn rồi. Có lần phải gọi cả trực thăng cứu thương đến giải quyết hậu quả nữa đó! Sau mấy lần tự rước họa vào thân, nay bọn này xem ra cũng ớn, nên chỉ xăm qua loa rồi xéo ngay thôi!". Cô gái kể một mạch làm nửa tai tôi ham lắng nghe, còn nửa tai kia vẫn chỏng lên xem động tĩnh bên trên thế nào. Khi tiếng cọc xăm hầm đã xa dần, tôi thở phào nhẹ nhõm thì cô gái cười khúc khích: "Anh hãi quá phải không? Anh em mình ngồi hầm kiểu này thì địch cần gì phải đi xăm cho mệt. Hầm ở chính giữa đường ai mà chẳng biết!". Câu nói nửa thật nửa đùa của cô gái làm tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Có lẽ ở một vùng giải phóng mà địch thường chà đi xát lại thành vành đai trắng nên buộc du kích phải biết cách đánh lừa như thế mới bám trụ nổi lâu dài. Giờ tôi mới thấy sự cảnh giác của mình quả ngây ngô và càng thấu nỗi gian nguy mà người chỉ huy du kích xã này phải nếm trải hàng ngày. Tôi chột dạ vì sự cả đoán của mình lúc ban sáng.

Những giờ khắc căng thẳng tột độ đã qua. Tôi ngã mình xuống cố ngủ lấy một giấc. Thế mà cứ trăn qua trở lại không sao chợp mắt nổi. Tôi quay sang cô gái: "Cô tên gì nhỉ?". "Em tên Hường ạ!". "Hường tham gia đã lâu chưa?". "Mới sáu tháng!". "Hường đã có người yêu chưa?". Chẳng hiểu sao không trả lời. "Hường học hết lớp mấy?". "Xong 12". Tôi không hỏi thêm nữa, nằm im hồi lâu. Miệng khát khô và bắt đầu ho khúc khắc. Đột nhiên một bàn tay của Hường sờ lên trán tôi. Chắc là y tá kiểm tra sức khỏe đây! Bàn tay mềm và mát lạnh cùng hơi thở âm ấm phả ra bên tai gây nên cái cảm giác mơn man dễ chịu làm sao. Một anh con trai gần ba mươi tuổi với bao ham muốn lứa đôi rạo rực trong lòng, thế mà chưa hề một lần được cầm tay con gái nói chi đến việc nằm sát bên nhau, mông kề mông, má kề má như thế này. Cảm xúc hưng phấn chạy rần rần khắp toàn thân. Tôi bắt đầu sinh tâm ý tứ... Càng nghĩ, tôi càng rạo rực. Thử đánh bạo xem sao. Thế nhưng tôi chợt liên hệ đến mấy đồng chí trong cơ quan trên rừng bị kiểm điểm, bị kỷ luật rạt gáo vì quan hệ nam nữ không lành mạnh làm tôi thấy chờn. Vậy mà ác nghiệt thay, hầm quá chật như nêm lấy nhau, khiến mỗi lần Hường và tôi trở mình, hai cơ thể cứ cọ sát vào nhau làm máu trong người tôi rừng rực, nóng bừng.

Trong lúc đang phân vân với bao ý nghĩ trái ngược nhau thì một cánh tay của Hường vắt lên ngực tôi. Tim tôi phập phồng. Cứ nằm yên chờ xem. Chẳng thấy cử động gì thêm ngoài hơi thở đều đều của Hường. Có lẽ Hường ngủ quên. Tôi bỗng thấy tim mình trào dâng lên một tình cảm nồng nàn đối với cô gái. Học hành thế vẫn ở quê tham gia chiến đấu, chịu bao gian khổ ác liệt vẫn khí khái, yêu đời... Tôi cầm lấy bàn tay cô gái mân mê trên ngực mình. Bàn tay thon thon mềm mại này chắc phải là của một người đẹp đây! Tôi nằm sát vào Hường để cho hai bờ má áp vào nhau trong cái cảm giác đê mê của anh con trai tràn trề dục tính. Bất chợt, Hường tỉnh giấc, vùng vằng rút khỏi tay tôi, rồi nằm quay lưng lại như một phản ứng. Nếu dừng ngang đây thì chẳng chuyện gì. Đằng này hơi quá đà, tôi run run nói lời con tim mình cùng lúc quàng tay ôm hôn rối rít lên tóc, lên môi của Hường. Như một phản xạ tự nhiên, Hường đẩy tôi ra rồi ngồi nhổm dậy quấn tóc lại thành búi, giọng thẳng thừng, đanh và dứt khoát: "Nếu anh còn làm vậy, em sẽ bật tung hầm lên cho mà xem!". Xong, Hường ngồi né vào một góc hầm. Giận dữ. Im lặng. Căn hầm trở nên nóng bức, khó thở. Điên đầu. Bẽ mặt. Biết ăn nói thế nào đây! Rõ là hành vi suồng sã, mông muội của một kẻ không chế ngự nổi bản năng thấp hèn. Tôi lựa lời xin lỗi. Tôi xuống nước thảm hại. Nhờ bóng tối mà tôi không biết ngượng mặt ngượng miệng. Tôi thanh minh đủ điều, thao thao và chờ phúc đáp. Nhưng phía Hường vẫn ngồi yên. Chắc cô ta rắc rối đây. Không khéo lại mách với anh trai mình, hoặc tệ hại hơn, sẽ báo cáo lên trên thì quả là tai họa! Tôi đang đắng họng, chẳng biết làm cách nào thì có tiếng đằng hắng ở góc hầm, tiếp theo là giọng ngọt pha tí dí dỏm: “Anh Thống à! Nếu anh muốn cũng được. Nhưng phải ra nơi có ánh sáng để biết mặt mũi nhau đã chứ. Rồi anh còn phải nói lời tỏ tình với em nữa, hơi mệt tí thôi, nhưng nếu được mặt được lòng thì cả hai anh em cũng đành phải chờ đợi... phải không anh?”. Ôi, tôi không ngờ lời lẽ nhỏ nhẹ, dịu dàng như mật rót thế kia! Tim tôi lặng đi. Tôi thấy mình nhỏ nhoi thế nào ấy. Dù đã mát mẻ trở lại sau câu nói có lý có tình của Hường nhưng nghĩ lại tôi vẫn thấy bứt rứt làm sao. Không hiểu Hường thật tình hay chỉ để xoa dịu lấy lòng tôi lúc này? Bởi tôi hiểu dưới hầm tối, nơi ranh giới giữa cái sống và cái chết có khi mong manh, gang tấc, vẫn có người sẵn sàng xông lên quyết sống mái với quân thù, song cũng có kẻ nảy sinh tư tưởng sống rày chết mai không biết ra sao, đã dẫn đến hành vi liều lĩnh, sống vội, thậm chí đầu hàng... Phải chăng vì cảnh giác mà Hường tỏ ra khôn khéo đối với tôi? Tôi nằm xuống suy nghĩ lâng lâng rồi thiếp đi lúc nào không hay...

Khi Hường gọi tôi dậy thì cửa hầm cũng vừa bật mở. Trời đã tối mù mịt tự bao giờ. Tôi và Hường lên khỏi hầm thì Lợi cho hay địch vừa rút bộ sang xã khác lúc chập choạng tối. Chưa biết tình hình sẽ như thế nào.
Nhìn lên bầu trời không trăng sao. Mây đen sầm xuống như báo hiệu sắp có mưa to. Gió từ khơi thổi thốc vào mang theo tiếng ầm ào dữ dội của sóng biển gây nên cái cảm giác không bình yên và lo âu thường trực ở địa bàn đầu sóng ngọn gió này. Tôi xích lại để nhìn cho rõ mặt cô gái suốt hơn một ngày nằm dưới hầm tối bên nhau, nhưng cũng chỉ thấy lờ mờ. Trong lúc đó, Lợi trao cho tôi lệnh “hoả tốc”, bảo tôi phải đi khỏi địa bàn này ngay đêm nay. Tôi đưa tay tạm biệt Hường. Không ngờ Hường nắm chặt lấy tay tôi và chỉ nói: “Đi đâu cũng đừng quên xã Vĩnh nghe anh!”.
Ngày quê của Hường giải phóng cũng là ngày tôi đang tiếp tục hành quân về phía . Sau khi giải phóng Sài Gòn, tôi được phân công nhiệm vụ mới ở đây. Dù bận việc tới đâu, ký ức về cô y tá ở xã Vĩnh với bao chuyện “nhẹ như bấc nặng như chì” hồi ở hầm cứ ám ảnh và thôi thúc tôi.

Hơn một năm sau, tôi ra ngoài này, tìm về xã Vĩnh để hỏi thăm anh em Hường. Mẹ của Hường lau nước mắt, cho biết Lợi đã hy sinh trong chiến đấu. Còn Hường được đưa lên rừng, sau đó ra Bắc. Trong gian nhà tranh mới dựng sau ngày giải phóng, tôi đến thắp hương lên bàn thờ liệt sỹ Lợi. Bất chợt tôi sững người trước bức ảnh bán thân của cô gái treo ở góc nhà. Thấy tôi nhìn ngơ ngác, mẹ của Hường mới cho hay đó là ảnh Hường hồi còn học trên thành phố. Tôi nhìn không chớp mắt. Lần đầu tôi biết mặt mũi Hường qua tấm ảnh này đây. Mẹ của Hường còn cho biết chỉ ba hôm nữa thôi Hường đi tàu thống nhất sẽ về tới nhà sau năm năm học Đại học Y Hà Nội. Tôi ngậm ngùi cho hoàn cảnh của mẹ và cứ nơm nớp chờ ngày gặp lại Hường.

Ba hôm sau, tôi lên trực ở sân ga từ sáng sớm. Đến gần trưa, con tàu Thống Nhất lù lù vào ga. Người đi đón thân nhân chen chúc. Hành khách xuống tàu đảo mắt nhìn quanh. Tôi vô cùng hồi hộp khi phát hiện một cô gái dong dỏng cao với khuôn mặt giống hệt Hường trong tấm ảnh ở nhà. Tôi gọi to: “Hường, Hường ơi!”. Nhưng có lẽ cô gái không nghe thấy. Trong lúc đó, một chàng trai rẽ đám đông xốc tới cầm giúp cô gái túi hành lý. Cô gái tươi cười ngồi lên sau xe chàng trai, rồ máy phóng đi. Lạ thật! Thế mà ba hôm trước, tôi có hỏi về chuyện riêng tư của Hường thì mẹ của Hường lắc đầu: “Số nó khó lắm. Được người được nết lại lớn tuổi rồi mà chưa chịu ai cả!". Đứng bàng hoàng một lúc, chợt tôi để ý đến một cô gái khác tay xách vai mang cũng hao hao giống Hường trong ảnh. Hay lúc nãy mình nhìn nhầm người. Có lẽ đây mới là Hường thật chăng. Tôi sấn tới: "Xin lỗi, Hường phải không?". Cô gái chỉ liếc mắt, bỏ đi bằng một câu nói lém lỉnh: "Tiếc quá, sao em không đặt tên mình là Hường nhỉ!". Bực dọc. Hết hy vọng. Đang quay lui thì một cô gái đi bên cạnh mau miệng: "Anh vừa hỏi Hường nào vậy?". Tôi nhanh nhẩu: "Hường xã Vĩnh, em Lợi". Cô gái bối rối, vội để chiếc va - ly xuống đất, trố mắt nhìn tôi từ đầu đến chân: "Vậy anh là ai mà biết em?". Tôi ngây người ra, giọng run run: "Vậy là Hường đây à! Tôi là Thống. Hường còn nhớ không?". Hường mở to đôi mắt nhìn vào mặt tôi một cách sửng sốt, rồi nói như reo lên: "A! Anh Thống đã từng ở hầm bí mật với em đây ư? Lâu quá rồi phải không? Đã gần bảy năm không có tin tức gì. Ai ngờ...".

Hai mươi lăm năm sau. Vợ chồng tôi được xã Vĩnh mời về dự lễ khánh thành nhà truyền thống xã. Đó là một ngày thu quang đãng. Đường thôn ngõ xóm rực rỡ cờ sao tung bay trong gió lộng. Ngày khánh thành nhà truyền thống cũng là ngày hội của toàn xã. Bà con từ các ngả đường nườm nượp đổ về khu trung tâm. Sau lễ đặt vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sỹ và lễ khánh thành nhà truyền thống, mọi người háo hức vào xem các hiện vật từng thấm mồ hôi, nước mắt và máu của mình trong suốt cuộc chiến tranh "tan nhà nát cửa cũng ừ" của một thời đã qua.
Lần lượt xem từng hiện vật, bỗng nhiên mắt tôi sáng rực lên khi nhìn thấy khẩu súng các - bin trưng bày trong tủ kính với hàng tít ghi: "Khẩu súng của trung đội trưởng du kích Nguyễn Văn Lợi từng chiến đấu hàng chục trận, lập nhiều chiến công xuất sắc từ 1968 đến 1970". Bên cạnh khẩu súng là cái nắp hầm đã mục ruỗng, chữ ghi: "Nắp của một căn hầm bí mật mà đồng chí Nguyễn Văn Lợi đã che giấu, bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ trên về công tác ở địa phương". Tôi bồi hồi nhớ lại động tác anh Lợi nhờ cầm hộ cây súng kia để mở cái nắp hầm này, đưa tôi và em gái anh xuống ở chung một chỗ...

Chiều hôm ấy, tôi và Hường đến thắp hương và ngồi rất lâu bên mộ anh Lợi. Sau đó chúng tôi lên thăm lại cồn cát thuở nào. Nhìn quanh không còn tìm đâu ra xương rồng và bốm gai nhọn lúp xúp. Không còn biết đâu dấu tích căn hầm bí mật ngày ấy. Chỉ có phi lao hàng nối hàng dọc theo ven biển tít tắp, xanh um, phủ kín bãi bờ. Đó đây những ngôi nhà cao tầng sang trọng mọc lên trên cát, hướng mặt ra biển đông như mời gọi du khách bốn phương. Xa xa, những con tàu đại dương tấp nập ra khơi vào lộng như mắc cửi.

Tôi và Hường ung dung bước đi trên cát. Bầu trời mùa thu quê hương trong xanh đến nao lòng. Gió từ khơi xa lồng lộng thổi vào làm tóc Hường bồng bềnh trông như một thiên thần từ trong bóng tối bước ra. Bất giác tôi ôm lấy Hường, nằm ngửa lên trên cát như để nhớ lại chuyện xưa và lắng nghe hết lời nhắn gọi từ mảnh đất còn nặng bao ân nghĩa này...

     N.T
(197/07-05)

Các bài mới
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Các bài đã đăng
Đi tìm anh (18/03/2009)